Bước Đầu Học Phật

CHƯƠNG 16: PHÁP TU CĂN BẢN CỦA PHẬT TỬ (PHẬT PHÁP HÓA NHÂN GIAN)



Đa số người xưng là Phật tử mà không biết rõ đường lối tu hành, ai bày sao làm vậy, trở thành mê tín sai lầm, khiến người đời phê bình đạo Phật là huyền hoặc, là vô ích. Để bổ cứu những sai lầm ấy, chúng ta phải biết rõ đâu là pháp tu căn bản phải hành, đâu là lối tu siêu thoát phải đến. Ứng dụng Phật pháp ngay trong cuộc sống thực tế của chúng ta, để minh chứng rõ ràng đạo Phật cứu khổ thật sự, đạo Phật mang hạnh phúc cụ thể lại cho con người. Được thế, chúng ta mới khỏi hối hận là đệ tử của Phật mà làm nhục nhã cho đạo Phật.
PHÁP TU CĂN BẢN
Bước đầu trên đường tu hành của người Phật tử, phải “chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp lành”. Ba nghiệp là thân miệng ý của chúng ta. Khi xưa chưa biết tu, chúng ta buông lung thân miệng ý làm những việc xấu xa tàn bạo độc ác. Đã tạo những điều xấu xa tàn bạo độc ác là làm đau khổ cho mình, cho người, cho gia đình, cho xã hội. Những kẻ cướp của giết người sớm muộn gì cũng ngồi khám, cha mẹ vợ con ở nhà đau khổ, gia đình của nạn nhân cũng khổ đau, chánh quyền cũng phải bận tâm điều tra truy nã. Chỉ một việc làm cuồng dại độc ác của một vài người, khiến guồng máy xã hội bị rối bời. Hành động ấy gọi là tạo nghiệp ác. Ngày nay biết tu, chúng ta chuyển thân miệng ý làm việc tốt đẹp thanh cao hiền thiện. Thấy người trên đường bị tai nạn xe cộ, mà không có thân nhân, chúng ta thành thật xót thương, dùng lời hiền hòa an ủi, đích thân săn sóc chở đến bệnh viện… đây là tạo nghiệp lành. Làm được việc lành bản thân chúng ta đã vui, người bị tai nạn cũng bớt khổ, người chung quanh trông thấy cũng tán thành. Hành động lành này là cụ thểø xây dựng xã hội tốt đẹp. Hành động xấu mà cứ lặp đi lặp lại mãi là nghiệp ác, vì đã thành thói quen khó sửa đổi. Ví như người uống rượu, uống một vài lần không thành ghiền (nghiện), ngày nay uống ngày mai uống, uống nhiều ngày như vậy thành người ghiền rượu. Cái ghiền là thói quen, gọi là nghiệp. Người thấy ai thiếu thốn liền giúp đỡ, lúc nào cũng thế, lâu ngày thành thói quen là nghiệp lành. Cũng là thói quen, một thói quen đưa đến đau khổ, một thói quen khiến đến an lạc. Vì thế, người Phật tử phải tránh thói quen đau khổ, phải tạo thói quen an lạc, đó là tu chuyển nghiệp ác thành nghiệp lành. Kẻ ngu muội mới tìm hạnh phúc trên đau khổ của người khác, người sáng suốt chỉ thấy hạnh phúc khi giúp người khác hết khổ.
QUAN NIỆM SAI LẦM
Có nhiều Phật tử phát tâm qui y chỉ vì cầu cho gia đình bình an, cuộc sống được mọi sự như ý. Vì thế, gia đình có người bệnh hoạn hay xảy ra tai nạn gì thì thỉnh thầy cầu an. Nếu thầy bận việc không đi thì phiền não, giận không đi chùa. Trong cuộc sống gặp nhiều điều bất như ý thì buồn, cho rằng Phật không hộ độ. Nghe miếu Bà, miếu Ông nào linh ứng liền đến đó cầu xin. Chỉ vì mong được bình an mà đi chùa, đến với đạo, khi mục đích ấy không thành thì họ bỏ đạo dễ dàng. Lại có những người sau khi qui y rồi thì mọi việc đều giao phó cho thầy, cất nhà cũng thỉnh thầy coi ngày, gả cưới con cái cũng thỉnh thầy xem tuổi, đau ốm bệnh hoạn cũng thỉnh thầy cầu an, ma chay cũng thỉnh thầy cầu siêu. Thầy là người chịu mọi trọng trách trong gia đình, nếu thầy không chiều theo là buồn, không đi chùa. Lối qui y này, giống hệt đi đóng tiền bảo hiểm cho cá nhân và gia đình vậy.
Lại có những người tu một cách hời hợt, chỉ biết giờ tụng kinh, giờ niệm Phật, ngày ăn chay là tu. Ngoài những giờ đó ra, mọi việc đều như ai, ăn miếng trả miếng không thua kém. Một ngày mười hai giờ, chúng ta chỉ tu có một hai giờ, làm sao đủ? Mười giờ tạo ác, hai giờ tu thiện thì quá ít oi. Hoặc một tháng ăn sáu ngày chay, chỉ tu trong sáu ngày này, còn hai mươi bốn ngày kia không tu thì có thấm vào đâu. Có khi ai lỡ xúc phạm đến họ trong những ngày chay, họ sẽ nói “hôm nay tôi ăn chay, nếu không ăn chay thì biết!” Tu như thế, quả thật rất hời hợt.
Còn tệ hại hơn, có người sợ tu thiền đổ nghiệp. Mỗi khi phát nguyện tụng kinh Pháp Hoa chẳng hạn, ở gia đình có xảy ra tai biến gì, liền đổ thừa tại tụng kinh đổ nghiệp. Không biết đổ nghiệp là rơi rớt hết hay sanh ra nghiệp? Nếu đổ nghiệp là rơi rớt hết thì cố gắng tụng cho nó rớt sạch luôn. Nếu đổ nghiệp là sanh ra nghiệp thì điều này thật là vô lý. Vì giờ tụng kinh thì ba nghiệp thanh tịnh – thân nghiêm trang là thân nghiệp thanh tịnh miệng tụng lời Phật là khẩu nghiệp thanh tịnh – ý duyên theo lời kinh là ý nghiệp thanh tịnh – làm sao sanh ra ác nghiệp được? Tin như thế thật là hoàn toàn vô căn cứ. Người Phật tử phải sáng suốt không nên tin theo lối nhảm nhí ấy.
TU LÀ TUYÊN CHIẾN VỚI MA QUÂN
Người phát tâm tu hành như một chiến sĩ tuyên chiến với ma quân. Chúng ta phải hùng dũng quyết chiến. Trước tiên, chúng ta chiến đấu với bọn ma phiền não nghiệp chướng của mình. Ví như người vừa phát nguyện tu hạnh nhẫn nhục, liền bị người thóa mạ, tâm sân hận nổi lên, ngay đây phải dẹp bỏ, đè bẹp nó là thắng, để nó phát hiện ra miệng, ra thân là thua. Có người trước đã ghiền (nghiện) rượu, nay phát tâm qui y thọ trì năm giới ngang đây phải bỏ (cai) rượu, nếu can đảm bỏ được là thắng, bỏ không được là thua. Thắng được cơn giận dữ nổi lên là thắng ma phiền não, thắng được bệnh ghiền lâu năm là thắng ma nghiệp chướng. Phiền não nghiệp chướng của chúng ta rất nhiều rất nặng, chiến thắng được nó phải là một dũng sĩ kiên cường. Hai thứ này là nội ma.
Những khó khăn chướng ngại do ngoại cảnh gây nên là ngoại ma. Một người tuổi độ ba mươi, đã có gia đình, vừa thọ ngũ giới xong, liền có một người đẹp đeo đuổi mến yêu. Chiến thắng tình cảm bất hợp pháp này là một trận chiến gay go, nếu đương sự không can đảm quyết liệt, khó mà giữ toàn vẹn được giới thứ ba đã thọ. Một người khác sau khi qui y thọ giới rồi, nguyện bỏ (cai) rượu, trong lúc tranh đấu một mất một còn với con ma ghiền, lại gặp bạn bè mời đi nhậu, còn dùng nhiều thủ thuật bắt ép, trường hợp này không phải là người có ý chí kiên cường thì khó mà thắng được, ngoại cảnh chướng ngại nhiều khó thể kể hết, người Phật tử hùng dũng quyết thắng, đừng để giặc ngoại ma áp đảo phải đầu hàng.
Đã là chiến đấu thì phải đương đầu, vì vậy chúng ta không thể khiếp nhược yếu hèn chỉ một bề cầu được bình an. Người chiến sĩ có đối đầu với giặc, chiến thắng được giặc, mới thăng quan tiến chức, mới có ngày ca khúc khải hoàn, quàng vòng hoa danh dự vào cổ. Người tu cũng vậy, chiến thắng được nội ma, ngoại ma, mới có ngày bước lên đài vinh quang của con người vẹn toàn đức hạnh. Đã là chiến sĩ thì mắt phải sáng, tai phải thính luôn luôn theo dõi mọi hành động của kẻ thù. Một phút giây hời hợt sơ suất có thể tán thân mất mạng. Người tu cũng thế, phải thấy rõ từng tâm niệm, từng hành động của mình, một phút giây lơi lỏng, bọn giặc phiền não nổi dậy, phải bị mất giới thân tuệ mạng. Do đó, không thể chỉ tu trong giờ tụng kinh, niệm Phật, ăn chay mà phải tu trong mọi lúc mọi giờ. Được vậy mới mong chiến thắng bọn ma quân.
Tu là dẹp bỏ những thói hư tật xấu, tuổi trẻ chưa tập nhiễm những cái dở ấy, ngang đây biết tu thì dễ biết dường nào. Người chưa biết uống rượu, không tập uống rượu thật là dễ. Người đã ghiền rượu, bỏ không uống rượu là thiên nan vạn nan. Biết tu từ thuở nhỏ thì thuận lợi dễ dàng biết mấy, để đa mang nhiều bệnh nhiều tật rồi mới tu, thật là khó khăn trăm bề. Song người có ý chí mãnh liệt thì cái khó nào cũng làm được.
CỤ THỂ HÓA PHÁP TU CĂN BẢN
Để cụ thể hóa pháp tu căn bản này, đức Phật bắt buộc người Phật tử sau khi qui y Tam Bảo phải thọ trì năm giới. Trong năm giới ba giới đầu là giữ thân không tạo nghiệp ác, hai giới sau giữ khẩu không tạo nghiệp ác. Thế là, người Phật tử chỉ mới chuyển hai nghiệp. Chuyển hai nghiệp thôi, mà công hiệu lợi ích đã to lớn lắm rồi. Như người không sát sanh, là không giết người (chỉ trừ trường hợp nghĩa vụ quân sự), không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu, bản thân họ đã là một con người tốt. Họ lại giảm được bao nhiêu việc lo âu sợ sệt tốn hao trong cuộc sống hiện tại. Cha mẹ anh em vợ chồng con cái nhờ đó được an ổn vui tươi. Mọi người trong xã hội khỏi phải phiền hà lo âu vì họ. Chúng ta có thể hình dung trong một xóm, mà mọi người đều giữ năm giới hết, trong xóm đó có xảy ra chuyện giết hại, trộm cướp, lừa đảo, hiếp dâm và say sưa phá làng phá xóm không? Chắc hẳn là không, trừ phi những kẻ khác xâm nhập vào. Chúng ta hiện nay đi đâu cũng lo âu sợ sệt là tại sao? Phải chăng, vì sợ người hãm hại, sợ người móc túi giựt đồ, sợ người lường gạt… Chánh quyền phải bận tâm nhọc sức điều tra theo dõi, vì dân chúng không biết tu. Nếu người dân biết tu và chịu tu như vậy, chánh quyền sẽ thảnh thơi nhàn rỗi biết chừng nào. Bởi vì con người ai cũng có sẵn những thói xấu, nếu không cấm đoán hạn chế, nó sẽ tạo ra lắm chuyện xấu xa hèn hạ khổ đau cho nhau. Vì lòng từ bi, đức Phật như bắt buộc các đệ tử của Ngài phải tuân theo những điều cấm đoán, nhờ đó sẽ dẹp bớt những thói xấu, nết tốt dần dần tăng trưởng, khổ đau sẽ tiêu mòn, an vui thêm lớn. Đây là chủ đích cứu khổ của đạo Phật.
Để thành một con người hoàn hảo hơn, Phật dạy phải tu Thập thiện. Pháp Thập thiện mới thật sự đầy đủ tu chuyển ba nghiệp. Chuyển ba nghiệp ác của thân, không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm. Chuyển bốn nghiệp ác của khẩu: không nói dối, không nói lật lọng (ly gián), không nói hung ác, không nói vô nghĩa (thêu dệt), chuyển ba nghiệp ác của ý: bớt tham, bớt sân, không tà kiến (chấp lệch, sai). Mười điều lành này xây dựng một con người toàn hảo. Chúng ta phân tích từ tế đến thô sẽ thấy pháp Thập thiện công hiệu không thể kể hết. Một con người không bị tham lam xúi giục thì sẽ làm chủ mình trước mọi thứ cám dỗ của trần gian. Tài sắc danh lợi không lung lạc được, người này mới hoàn toàn thanh bạch cao thượng. Không bị nóng giận áp đảo, chúng ta mới bình tĩnh sáng suốt giải quyết mọi vấn đề. Làm chủ được nóng giận, chúng ta không nói lời thô ác, không có hành động tàn nhẫn. Đời chúng ta không bị hối hận bao giờ, người thân chúng ta không hề chán ghét. Sự việc xảy đến, giải quyết một cách sáng suốt khôn ngoan chúng ta mới đủ khả năng đảm đang việc lớn được. Mọi lý thuyết, mọi vấn đề, chúng ta không thấy một chiều, không nhìn phiến diện, quần chúng mới dễ cảm thông, mới thật lòng yêu mến. Tà kiến là cái thấy lệch lạc, thấy sai lầm cục bộ, dễ sanh tranh cãi, dễ sanh oán hờn. Không tà kiến là một tâm hồn cởi mở, bao dung, suốt thông, trong sáng. Không tà kiến, chúng ta hòa hợp được mọi người, mọi chánh kiến khác nhau. Cuộc sống hạnh phúc hay khổ đau, nẩy mầm từ thông cảm nhau hay chống đối nhau. Không tà kiến mà lại có chánh kiến, thật hạnh phúc thay cho kiếp con người. Thân khẩu trở thành hay hoặc dở đều phát nguồn từ ý tốt hay xấu. Sở dĩ Thập thiện xây dựng con người hoàn hảo là chú trọng đến ý nghiệp. Pháp ngũ giới mới chuyển hóa hai phần nổi, thân khẩu mà thôi. Bởi vậy Phật tử chúng ta không phải chỉ dừng ở Ngũ giới mà phải tiến lên Thập thiện mới thật đầy đủ.
TU CHUYỂN BA NGHIỆP LÀ CĂN BẢN PHẬT PHÁP
Đời Đường ở Trung Hoa, có một Thiền sư thấy trên cây có chỗ thuận tiện ngồi tu được, ông liền gác cây bẻ nhánh lót thành chỗ ngồi, giống như ổ quạ và ngồi đó tu. Thời gian sau, ông ngộ đạo tại đây, dân chúng gọi Ngài là Ô Sào Thiền sư (Thiền sư ngồi trong ổ quạ). Ông Bạch Cư Dị, nhà văn nổi tiếng thời ấy, được cử làm quan ở huyện này, nghe danh tiếng Thiền sư Ô Sào, ông liền đến hỏi đạo. Khi gặp nhau, ông hỏi nhiều câu, câu chót: “Thế nào là đại ý Phật pháp?” Thiền sư Ô Sào ngồi trên ổ quạ đáp: “Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo.” (Chớ tạo các điều ác, vâng làm mọi việc lành, giữ tâm ý trong sạch, đây lời dạy chư Phật.) Ông Bạch Cư Dị cười thưa: “Bài kệ Ngài dạy, con nít tám tuổi cũng thuộc rồi.” Thiền sư bảo: “Phải, con nít tám tuổi cũng thuộc, song ông già tám mươi làm chưa xong.” Bạch Cư Dị đảnh lễ rồi lui về.
Qua câu chuyện này, chúng ta thấy cốt yếu của đạo Phật là dạy Phật tử phải chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện. “Chớ tạo các điều ác” là dừng ba nghiệp ác. “Vâng làm mọi việc lành” là tu ba nghiệp lành. “Giữ tâm ý thanh tịnh” phải chú tâm nhiều về ý nghiệp. Ý nghiệp thanh tịnh thì thân khẩu mới tốt, mới thanh tịnh. Ý nghiệp là chủ động, nên dành riêng một câu để thấy tầm vóc quan trọng của nó. Dạy tu chuyển ba nghiệp thanh tịnh này, không phải chỉ riêng Phật Thích-ca dạy mà chư Phật đều dạy như thế, “đây lời dạy chư Phật”. Còn một điểm quan trọng chúng ta phải chú ý, Bạch Cư Dị nghe bài kệ này thấy dễ nhớ dễ hiểu nên xem thường bảo rằng “con nít tám tuổi cũng thuộc”. Thiền sư giáng cho ông một đòn đau điếng bằng câu, “con nít tám tuổi cũng thuộc, song ông già tám mươi làm chưa xong”. Đạo là để hành để tu chớ không phải hiểu nhớ suông. Nếu hỏi đạo để hiểu nhớ, chỉ là việc đùa cợt vô ích. Ứng dụng lời Phật dạy vào cuộc sống, mới thấy hữu ích thật sự. Dầu một thứ thuốc hay đến đâu, nếu người ta chỉ biết tên, đọc nhãn hiệu, nghiên cứu công thức, mà không chịu uống thì con bệnh không bao giờ lành. Phật tử chịu thực hành lời Phật dạy, như con bệnh chịu uống thuốc, mọi bệnh khổ không còn đeo bám chúng ta. Học Phật pháp để hiểu để nói, như người khoe ăn nhiều thứ bánh vẽ, mà bụng vẫn đói. Người học đạo để hành, để tu mới thật chân chánh Phật tử.
Kết thúc bài này, chúng ta thấy trọng tâm chủ yếu đạo Phật dạy “chuyển hóa ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện”, là căn bản bước đầu không thể thiếu, ở mỗi người Phật tử. Mỗi người hoàn thiện thì xã hội mới toàn mỹ. Chúng ta tu chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện là tự mình thẳng tiến trên bước đường đạo đức, đóng góp sự vui tươi an lạc cho gia đình mình, xây dựng hoàn hảo cho xã hội văn minh. Văn minh ở đây là văn minh đạo đức, văn minh của tình thương chia ngọt sẻ bùi, văn minh của những con người thanh bai cao thượng. Cho nên trong kinh Thập Thiện nói người tu Thập thiện sẽ được sanh lên cõi trời, gọi là Thiên thừa Phật giáo. Song với chúng tôi, người tu Thập thiện là con người hoàn hảo, trong xã hội có đa số người tu Thập thiện là xã hội văn minh hoàn hảo. Đây là Phật pháp giáo hóa dân gian.
TU TRONG MỌI HOÀN CẢNH
Có nhiều người nghĩ rằng, tu là phần riêng của những kẻ rảnh rang nhàn hạ, những người thừa của thừa tiền, còn mình làm đầu tắt mặt tối, cơm không đủ no áo không đủ ấm, có thì giờ đâu mà nói chuyện tu. Hoặc có những người nghĩ, tu là việc của những kẻ thiếu phước bần hàn, cô quả, tật nguyền, nhờ tu họ được an ủi bớt khổ, còn ta phước nhiều của lắm, thân quyến đầy đàn, đẹp đẽ sang trọng mà tu làm gì. Lại có người nghĩ, tu là việc của những kẻ tội lỗi ác độc, bởi họ tạo nhiều tội lỗi nên phải tu để chuộc tội, còn tôi hiền lành có làm gì hại ai đâu mà tu. Bởi có những quan niệm này, nên người ta không màng không nghĩ đến tu. Họ đâu biết rằng, mọi chúng ta trong tâm niệm có cả xấu lẫn tốt, nếu thả nổi mặc tình niệm xấu hoành hành, là sống theo bản năng, mất hết tư cách của con người và sẽ gây tội lỗi ngập trời. Để hạn chế tâm niệm xấu, khiến nó tiêu mòn, khởi dậy tâm niệm tốt, khiến nó tăng trưởng, đây là việc làm của người tu. Có giảm tâm niệm xấu, tăng tâm niệm tốt, người này mới đủ tư cách con người và làm nhiều việc tốt đẹp với mọi người chung quanh. Thế là, có hoàn cảnh nào mà chẳng nên tu?
TU TRONG CẢNH BẬN RỘN
Có những người bận lo sinh kế gia đình, tửng bưng sáng đã có mặt ở chợ, đến sẩm tối mới về tới nhà, rồi lo ăn uống giặt giũ cho con cái là tối mò, có rảnh lúc nào đâu mà tu? Nếu bảo những người này phải tụng kinh, phải lần chuỗi niệm Phật, chắc hẳn không thế nào làm được. Nhưng tu ở đây là, bỏ ý nghĩ xấu, nuôi dưỡng ý nghĩ tốt, bỏ lời nói dữ, nói lời nói lành, dừng những hành động ác, tạo những hành động thiện, có mất thì giờ chút nào mà tu không được. Trái lại, chính khi buôn bán làm ăn ấy, chúng ta có ý nghĩ tốt, thốt lời nói lành, có hành động thiện, người khách hàng mến thương, khiến khách mua hàng càng lúc càng đông, việc làm ăn dễ phát đạt. Ví như cô bán hàng có khách đến mua, giá món hàng một ngàn đồng, cô nói một ngàn hai, chờ khách trả một ngàn là cô bán. Song trớ trêu, người khách không trả một ngàn, mà trả ba trăm. Trường hợp này, nếu cô bán hàng không biết tu thì nổi giận quát tháo ầm ĩ, gây ra cuộc cãi vã ồn ào. Ngược lại, cô bán hàng biết tu, chỉ cần cười, nói nhẹ nhàng “trả chưa tới giá, bán không được”. Mọi việc êm ái, không ai thiệt thòi gì, mai kia người khách ấy còn có thể đến gian hàng này mua hàng. Trước những cảnh bất như ý, chúng ta biết kềm hãm sự nóng giận, biết lựa lời ôn hòa để đáp, biết giữ thái độ bình tĩnh, là khéo tu. Ở giữa chợ, mỗi ngày sự bất như ý diễn ra liên tục, nên tu hành là điều tối cần cho người sống trong hoàn cảnh này. Vì thế người xưa nói: “Nhất tu thị, nhị tu sơn.”
Nếu là người nông phu làm nghề ruộng khi vác cuốc ra đồng, chúng ta nghĩ “cần mẫn làm cho lúa trúng, để có cơm cho gia đình mình ăn, vơi ra giúp đồng bào mình cùng có cơm ăn”. Quan niệm ấy là ý nghĩ lành, đó là tu. Thấy thửa ruộng bên cạnh tốt hơn ruộng mình, không có tâm đố kỵ, mà lòng mừng thầm bạn mình được lúa trúng, gia đình ấm no…, mình gắng học hỏi theo cách làm ăn ấy, đây là tâm niệm của người biết tu. Lại, khi làm việc đắp bờ cuốc ruộng, trong tâm vừa nảy ra niệm xấu, ta liền diệt trừ, trong tâm nảy ra niệm tốt, ta liền khơi dậy cho nó tăng trưởng, ấy là tu, một cuốc là một câu niệm Phật, hoặc một cuốc tận kim cang địa ấy là tu.
Là học trò bận việc học hành, công phu tu không hề chướng ngại. Khi cắp sách đi học, em nghĩ “ta cố gắng học cho giỏi, để mai kia giúp cha mẹ khi tuổi già, có tài để góp công mình xây dựng quê hương tốt đẹp hơn”, đó là em tu. Thầy giáo, cô giáo nhọc sức giảng dạy bài vở, em lắng nghe và cố học thuộc, vì thương sợ thầy cô buồn, đấy là em biết tu. Bạn bè trong lớp có những trò học giỏi hơn em, em không ganh tỵ, trái lại còn kính phục để bắt chước theo, ấy là tâm niệm người tu. Người tu là người biết phục thiện, mỗi khi có lỗi lầm bị rầy, bị phạt, biết lỗi sửa ngay, không oán hờn trách móc. Có những đứa học hành thua kém và thiếu phương tiện hơn em, em thương mến hướng dẫn và giúp đỡ nó, là em khéo tu. Xã hội ngày mai sáng sủa hơn, tốt đẹp hơn, chính nhờ những mầm non biết tu.
TU TRONG CẢNH NGHÈO KHÓ
Chúng ta nghèo tiền nghèo của chớ đâu có nghèo ý nghĩ, lời nói, hành động. Chuyển hóa ý nghĩ xấu thành tốt, lời nói dữ thành hiền, hành động ác thành thiện là tu. Việc này đâu đòi có tiền có của, nhàn rỗi mới làm được. Chính trong cuộc sống vất vả nghèo nàn của chúng ta cần thiết phải có nó. Như có người nghèo khó vất vả mà lòng tốt, lời nói hiền hòa, hành động lương thiện, khiến mọi người thương mến giúp đỡ, nhờ đó mọi khó khăn giảm bớt đi. Ngược lại, nếu ở trong cảnh khó khăn mà ý ngang ngạnh, lời nói hung dữ, hành động bạo ngược, khiến ai nghe thấy cũng ghét cũng lánh xa, nhờ điều gì họ cũng không giúp, thì khó khăn lại càng khó khăn hơn. Hơn nữa, tâm hồn trong sáng, lời nói hiền hòa, hành động thanh cao, dù chúng ta sống trong cảnh nghèo vẫn thấy êm đềm hạnh phúc. Chồng biết nhường vợ, vợ biết kính chồng, con hiếu thuận cha mẹ, cha mẹ thương yêu con cái, gọi là cuộc sống hạt muối cắn hai, thật là lý tưởng biết bao.
TU TRONG CẢNH BỆNH HOẠN
Bình thường người ta cho khi bệnh hoạn là chướng ngại tu hành, đây cũng là quan niệm sai lầm về việc tu. Nếu thấy tụng kinh, tọa thiền mới là tu, khi bệnh hoạn tụng kinh không nổi, tọa thiền không được, đó là chướng ngại tu. Song tu cốt ngăn ngừa phiền não, chiến thắng vọng tưởng, dù có tụng kinh tọa thiền, không tụng kinh tọa thiền đều tu được. Nếu có người bệnh nặng không đi đứng được, nằm một chỗ, khi ấy nằm nhiếp tâm niệm Phật, niệm chí tử, chẳng buồn nghĩ đến ai, lo việc gì, chỉ một bề niệm Phật thôi. Đây là tu đại tinh tấn theo pháp môn Tịnh độ, đâu có chướng ngại gì. Hoặc có người bệnh, không niệm Phật mà thích quán chiếu, liền quán thân này thấy nó là gốc khổ đau, là tướng vô thường, là hiện tượng nhớp nhúa, là không có chủ, nương thân bệnh quán chiếu tường tận như vậy, thấy được tướng thật của thân, đây là pháp trí tuệ sẽ gần với Niết-bàn, là tu thiền. Khổ nỗi, người Phật tử bình thường tinh tấn tu hành, gặp lúc bệnh hoạn lại thối chuyển, sanh phiền não với con cháu, đây là việc đáng tiếc. Khi mạnh chúng ta tu, để khi yếu bệnh có đủ đạo lực tiếp tục, vì lúc này là lúc gần với tử thần, là phút chiến đấu cuối cùng, nếu ngang đây mà dừng, mà hướng đi chiều khác, thật là một việc hoài công vô ích. Bởi vậy nên, Phật tử chúng ta phải thấy khi bệnh là cơ hội tốt, dồn hết tâm lực vào sự tu, chuyên tâm không lơi niệm, được vậy là gần với Phật, gần Niết-bàn, mới mong thoát khỏi khổ luân hồi muôn kiếp.
TU TRONG CẢNH TẠI GIA
Có một số Phật tử nghĩ rằng, ở tại gia phiền rộn khó tu, được xuất gia rảnh rang tu hành mới giải thoát. Quan niệm này cũng không đúng. Nếu thấy tại gia là nhiều việc, vào chùa chắc gì ít việc? Người xưa nói: “Ca-sa vị trước hiềm đa sự, trước dĩ ca-sa sự cánh đa.” (Ca-sa chưa mặc than nhiều việc, được mặc ca-sa việc lại nhiều.) Câu này thật là chua chát đối với người tu. Đây quả là sợ ông táo gặp ông lò, chạy ô mồ mắc ô mả. Chúng ta đâu không nghe quí thầy trụ trì thường than: “Trụ trì làm dâu trăm họ.” Thế là ít việc hay nhiều việc, phiền rộn hay rảnh rang. Yếu điểm tu hành là hiểu đạo, vững lòng tin. Đủ hai điểm này, ở tại gia hay xuất gia đều tu được. Nếu không đủ hai điểm này, dù ở chùa chưa chắc đã tu được. Chúng ta phải khéo linh động trong mọi hoàn cảnh, đừng đòi hỏi phải cảnh thế ấy tu mới được. Sự đòi hỏi đó là cái cớ để chúng ta không tu. Vì có những người không thể tạo được hoàn cảnh như ý. Có những Phật tử nam cũng như nữ, con cái đầy đàn đầy đống mà cứ nằng nặc đòi xuất gia, quăng đại cho người ở nhà làm sao thì làm. Nếu thỏa mãn nguyện vọng, vào chùa một lúc, gặp khi gia đình thiếu thốn, con cái nheo nhóc, nóng lòng rồi gởi ca-sa cho chùa trở về nhà. Đây là việc làm nông nổi.
CHỨNG MINH MỌI HOÀN CẢNH ĐỀU TU ĐƯỢC
Ngày xưa, đời Đường ở Trung Hoa có gia đình ông Bàng Long Uẩn, vẫn làm cư sĩ tại gia, mà tu đến được chỗ sanh tử tự tại. Trong giới học Phật từ trước đến nay vẫn ngưỡng mộ công đức tu hành của gia đình ông. Như trong bài sám tu Tịnh độ đã đọc buổi tối, có câu “in như thiền định họ Bàng thuở xưa…” Ông Bàng Long Uẩn trước theo Nho học, sau nghiên cứu Phật thấy thích thú, ông tìm đến tham vấn các Thiền sư. Ban đầu, ông đến hỏi Thiền sư Hy Thiên (Thạch Đầu): “Người không cùng muôn pháp làm bạn là người gì?” Hy Thiên liền bụm miệng ông. Ngay đây ông được ngộ. Sau ông đến tham vấn Mã Tổ (Đạo Nhất), cũng đem câu ấy ra hỏi. Mã Tổ bảo: “Ông hớp một ngụm cạn hết sông Tây Giang, ta sẽ vì ông nói.” Ông càng tin sâu hơn.
Gia đìng ông, hai ông bà và một con trai, một con gái. Ông cất nhà gần chân núi, mỗi ngày chẻ tre đan sáo, cô con gái gánh ra chợ bán. Sống đạm bạc qua ngày để tu hành. Một hôm, trong nhà cùng ngồi bàn việc đạo, ông nói: “Nan nan nan, thập tạ du ma thọ thượng thang.” (Khó khó khó, mười tạ dầu mè trên cây vuốt.) Bà đáp: “Dị dị dị, bách thảo thượng đầu Tổ sư ý.” (Dễ dễ dễ, trên đầu trăm cỏ ý Tổ sư.) Cô con gái tên Linh Chiếu đáp: “Dã bất dị, dã bất nan, cơ lai khiết phạn, khốn lai thùy.” (Cũng chẳng dễ, cũng chẳng khó, đói đến thì ăn mệt ngủ khò.) Với cái nhìn của ông, thấy sự tu hành thật khó khăn vô kể, giống như người trèo lên cây cao mà bị thoa dầu, trèo lên tuột xuống, không có chỗ để bám. Trái lại, bà thấy việc tu rất dễ, vì nhìn ở đâu cũng thấy ý Tổ sư tràn khắp. Cô Linh Chiếu dung hòa, không nói khó, không nói dễ, khó dễ là hai bên, vượt qua hai bên (nhị kiến) tâm sẽ thanh tịnh thản nhiên, khi ấy chỉ đói đến thì ăn, mệt đến thì ngủ. Câu nói của cô Linh Chiếu dễ bị người sau hiểu lầm, người ta nghĩ rằng tu thiền là đói ăn mệt ngủ, rồi sống theo bản năng, thật là tai họa, chủ yếu cô nói là, khi nào tâm ta không còn mắc kẹt hai bên, khó dễ, tốt xấu, hơn thua, hay dở…, mới đến chỗ đói ăn mệt ngủ.
Lại, ông có làm bài kệ nói sự đoàn tụ của gia đình ông như sau:
Hữu nam bất thú
Hữu nữ bất giá
Đại gia đoàn biến đầu
Cộng thuyết vô sanh thoại.
Dịch:
Có con trai không cưới vợ
Có con gái không gả chồng
Cả nhà cùng sum họp
Đồng bàn lời vô sanh.
Về già, một hôm ông lên ngựa giữa ngồi chuẩn bị tịch, bảo Linh Chiếu: “Con ra sân xem đúng ngọ vô cho cha hay.” Cô Linh Chiếu ra xem trở vào thưa: “Gần đúng ngọ, mặt trời bị nguyệt thực, cha ra xem.” Ông ra sân xem, trở vào, thấy Linh Chiếu lên ngựa giữa ngồi kiết già tịch. Ông nói: “Con gái ta lanh lợi quá!” Lo mai táng Linh Chiếu xong, ông báo tin cho thân hữu hay sắp tịch. Hôm ấy bạn bè tụ hội, ông nằm gối đầu trên đầu gối Châu Mục Công, nhắm mắt thị tịch. Tin này đến bà Long Uẩn, bà ra đồng cho con trai hay, người con trai đang đánh trâu cày ruộng, bà bảo: “Con ơi! Ông già vô tri và con bé ngu si đã bỏ mình đi rồi.” Người con trai thưa: “Vậy hở mẹ!” Liền đứng thẳng tịch. Bà nói: “Thằng ngu si này cũng đi nữa.” Bà lo mai táng con trai xong, lên núi tịch. Đây là hiện tượng sanh tử tự tại của gia đình ông Bàng Long Uẩn. Ông Long Uẩn đan sáo, cô Linh Chiếu bán sáo ngoài chợ, con trai ông cuốc cày ngoài ruộng, bà Long Uẩn ở nhà nấu cơm, đều tu hành đắc lực đến sanh tử tự tại. Tại sao chúng ta lại đổ tại hoàn cảnh này, hoàn cảnh nọ, tu không được?
Đến đời Trần ở Việt Nam, vua Trần Thánh Tông và Tuệ Trung Thượng Sĩ, một ông vua, một ông quan vẫn tu hành đắc lực. Chúng ta ôn lại câu chuyện sau đây. Nhân ngày làm tuần cho Hoàng thái hậu, vua Thánh Tông thỉnh các bậc tôn túc đến dự trai, trong đó có Tuệ Trung Thượng Sĩ. Nhà vua yêu cầu các Ngài trình bài kệ ngắn để thấy chỗ kiến giải của các ngài, qua nhiều bài kệ, nhà vua không hài lòng bèn trao giấy bút cho Thượng Sĩ. Thượng Sĩ viết một mạch:
Kiến giải trình kiến giải
Tợ niết mục tác quái
Niết mục tác quái liễu
Minh minh thường tự tại.
Dịch:
Kiến giải trình kiến giải
Như dụi mắt thấy quái
Dụi mắt thấy quái rồi
Rõ ràng thường tự tại.
Nhà vua đọc xong, liền phê tiếp ở sau:
Minh minh thường tự tại
Diệc niết mục tác quái
Kiến quái bất kiến quái
Kỳ quái tất tự hoại.
Dịch:
Rõ ràng thường tự tại
Cũng dụi mắt thấy quái
Thấy quái chẳng thấy quái
Quái ấy ắt tự hoại.
Kiến giải của chúng ta không thật, giống như dụi mắt trong hư không có những đốm hoa. Khi con mắt bình thường trở lại thì những đốm hoa không còn. Những đốm hoa mất đi, ấy là con mắt sáng. Tâm chúng ta bị kiến giải che mờ, một khi kiến giải lặng mất, lúc ấy mới là tâm chân thật sáng suốt. Vua Thánh Tông và Thượng Sĩ chỗ thấy như nhau, khác nhau chỉ đối ngược ý trước sau mà thôi. Thượng Sĩ nói con mắt dụi thấy hoa đốm, khi hết lòa con mắt trước đã sáng rỡ. Thánh Tông nói con mắt trước đã sáng rõ, do dụi nên thấy hoa đốm, chính khi thấy hoa đốm, biết là không thật thì hoa đốm tự mất, trở lại con mắt sáng như trước.
Vua Thánh Tông đau nặng, Thượng Sĩ biên thơ hỏi thăm. Vua trả lời bằng hai câu thơ:
Viêm viêm thử khí hạn thông thân
Vị tằng uyển ngã nương sanh khố.
Dịch:
Hừng hực hơi nóng toát mồ hôi
Chiếc khố mẹ sanh chưa từng ướt.
Thượng Sĩ bệnh sơ sài, Ngài kê một giường gỗ nằm tại Dưỡng Chân Trang. Ngài nằm nghiêng bên phải theo phép cát tường, mắt nhắm lại, người hầu và thê thiếp khóc rống lên. Ngài mở mắt ngồi dậy, sai lấy nước rửa tay súc miệng, liền quở nhẹ rằng:
Sống chết là lẽ thường, buồn thảm luyến tiếc chi, làm não chân tánh ta.4
Nói xong, Ngài nằm xuống yên lặng mà tịch.
Một ông vua khi sắp chết, thấy thân tứ đại tan rã đau đớn, song còn một cái chưa bao giờ tan rã, đây là “chiếc khố mẹ sanh”. Một ông quan sống trong cảnh thê thiếp tôi tớ đầy nhà, mà vẫn nhẹ nhàng thanh thản ra đi, trước mọi người khóc than luyến tiếc. Nếu vì bận rộn khó tu, ai bận rộn hơn một ông vua, nhất là ông vua vì dân vì nước trước cuộc xâm lăng của phương Bắc. Ai bị ràng buộc hơn một ông quan, có đủ thê thiếp tôi tớ đầy nhà. Những vị này tu được, chúng ta không còn lý do gì thối thác khó tu.
Tóm lại, chúng ta là con người chưa có ai toàn hảo, cần phải biết tu để chận đứng những điều xấu dở xuất phát từ ba nghiệp của mình. Đồng thời chúng ta khéo nuôi dưỡng những hành động tốt đẹp từ thân miệng ý phát ra. Dừng ác nuôi thiện là điều không thể thiếu, nơi con người muốn vươn lên. Khước từ tu hành, là chúng ta khước từ sự tiến bộ, là khước từ mọi đẹp đẽ cao quí, khước từ sự an vui hạnh phúc. Nếu ai quyết chí vươn lên, muốn sống cuộc đời an lạc, muốn gia đình hạnh phúc, muốn xứ sở huy hoàng, tu là chủ yếu thực hiện những điều mong muốn ấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.