Người Ở Đâu Về
IV.
LÚC đó chỉ còn lại hai đám màu rộng lớn, một do dưa chuột có ngọn cao nghệu hình kim tự tháp tạo thành, và, một màu vàng cam, là đống trái mơ. Giữa chợ những cây đu của đám người hát dạo vẫn đứng sừng sững. Những cây đu vẫn còn đó, những nước sơn bên ngoài đã ngả màu, hoen ố, bẩn thỉu: màu xanh và đỏ chẳng còn chỗ nào tươi đậm. Nhìn những cây đu người ta bắt buộc phải liên tưởng đến những sườn tàu trơ trụi đang kiên nhẫn nằm trong ụ bến chờ được đem bán ve chai. Vài ba chiếc xuồng nhỏ, vẫn còn treo trên sườn tàu, thòng xuống bất động gần như cứng nhắc. Một làn khói đen bốc từ những xe lăn dùng làm nhà.
Những đám màu mỗi lúc một nhạt dần: bức họa dưa chuột thu hẹp lại thật mau chóng. Grếch đứng từ xa nhìn thấy hai người đang thu dọn. Còn đống trái mơ, việc thu dọn quá chậm chạp do một người đàn bà duy nhất, chị ta lại quá cẩn thận, nhẹ nhàng nhấc từng trái mơ rồi nhẹ nhàng xếp vào trong thúng. Hẳn là vì mơ dễ dập hơn dưa chuột Grếch chậm bước lại. Phải chối – hắn nghĩ thầm trong đầu – nhất định phải chối luôn. Chả còn cách nào hơn một khi sự việc vỡ lỡ. Phải, chả còn cách nào! Vả lại, sánh với cái chết, có chối cũng chẳng quan hệ gì. Mà nào có ai hay biết gì đâu Grếch tin chắc điều đó. Tuy nhiên điều làm anh kinh ngạc không ít là ở đây sao còn quá nhiều người Do Thái đến như vậy.
Lề đường đầy ổ gà nhưng anh không cảm thấy. Hai bên có những hàng cây yếu ớt, gầy guộc và những căn nhà nhỏ thó. Anh đang nôn nóng và linh tính báo cho anh biết nếu anh không mau trốn khỏi nơi này anh khó có hi vọng giữ kín hành tung, và tới lúc đó anh sẽ chẳng còn chối cãi gì được nữa, chỉ cần rảo bước. Anh bước nhanh, còn nhanh hơn trước nữa. Anh đã gần ngay chợ: chiếc xe chở đầy dưa chuột sắp ngang qua mặt anh, nhưng ở đầu kia, người đàn bà vẫn thận trọng xếp mơ. Chồng mơ vẫn chưa vơi được quá nửa.
Grếch nhìn những cây đu, suốt đời anh, anh chưa trèo lên loại đu đó, một lối tiêu khiển mà anh chưa bao giờ được biết tới; cha mẹ anh hồi anh còn nhỏ, đã cấm không cho anh chơi trò chơi đó vì nghiệm ra nó đã không thích hợp với sức khỏe của anh mà lại còn kì kì vì giữa đường giữa chợ mà khom khom, rún rẩy trên đu như loài khỉ, trông chả ra làm sao. Một khi ai đã cấm đoán anh điều gì, anh chả bao giờ làm. Thế mà bây giờ lần đầu tiên, anh đã dám làm một việc kinh khủng, xấu xa nhất mà còn nguy hại đến tính mạng anh nữa, sự sợ hãi đã khiến cổ họng anh như muốn thắt lại. Anh lảo đảo, ngất ngư dưới ánh mặt trời, anh cố bước nhanh qua những quãng trống để tiến tới chân cây đu. Khói đen từ cái xe lăn, bốc lên càng thêm dày đặc. Anh nghĩ thầm, sao người ta không cho thêm đồ đốt: than, à không, củi chứ? Anh đâu có biết dân Hung gia lợi dùng thứ gì để đốt lò. Mà điều này đâu co gì quan hệ với anh. Anh gõ cửa lều, dựng trên chiếc xe lăn; có một người đàn ông to lớn ở trần, nước da hung đỏ, râu ria xồm xoàm vừa xuất hiện. Trông gã có dáng dấp đặc biệt của giống người Hà lan với chiếc mũi mỏng dính và đôi mắt đen kịt.
– Cái gì đấy? gã dùng tiếng Đức để hỏi anh.
Anh thấy mồ hôi chảy xuống miệng… anh liếm mồ hôi và lấy lòng bàn tay vuốt mặt mà nói:
– Tôi muốn chơi đu.
Gã đàn ông vẫn thập thò trong khung cửa, nheo mắt lại rồi gật đầu đồng ý. Gã đập lưỡi tóp tép trong mồm, đằng sau hắn còn có một người đàn bà, vận quần yếm mặt nhễ nhại mồ hôi, những dải yếm màu đỏ sẫm cũng ướt sũng. Người đàn bà một tay bồng đứa con nhỏ tay kia cầm chiếc muỗng bằng cây. Đứa trẻ thật dơ dáy, còn mụ đàn bà này chỉ cần liếc qua, cũng thừa hiểu họ có vẻ gây hấn. Phải chăng họ có ý nghĩ đang bị theo dõi vì hành vi bất chính nào đó? Grếch cụt hứng không còn thiết gì đặt chân lên cây đu nữa. Gã đàn ông thôi không dạo lưỡi trong mồm, hắn nói với anh:
– Nếu ông muốn cứ tự nhiên, nhất là đang lúc giữa trưa, với cái nóng như thế này!
Gã bước xuống bậc thang gỗ, Grếch tránh sang một bên nhường hắn đi trước rồi lầm lũi theo sau. Cuối cùng anh hỏi gã:
– Bao nhiêu tiền?
Rồi anh nghĩ thầm chắc họ cho mình là thằng khùng? Mồ hôi làm anh khó chịu muốn điên lên. Anh lấy tay quệt mồ hôi trên mặt, uể oải trèo lên bực thang gỗ dẫn tới niễng đu. Gã đàn ông nới tay thắng, chiếc giỏ ở giữa bắt đầu rung rinh.
– Tôi nghĩ rằng, gã đàn ông nói, ông không nên đánh đu quá cao, vì luật lệ bắt buộc tôi phải ở đây để canh chúng.
Đức ngữ của gã đàn ông làm Grếch phát buồn vì nó quá ư mơ hồ lại còn cứng như que củi. Cái lối nói của gã chỉ có phần nào Đức ngữ về từ vựng mà thôi.
– Không cao lắm phải không? Grếch trả lời, ông có thể tin nơi tôi, tôi phải trả ông bao nhiêu tiền?
Gã đàn ông nhún vai đáp:
– Ông cho tôi một Pengô *
Grếch móc túi lấy đồng pengô cuối cùng, trao cho gã đàn ông.
Chiếc giỏ rộng lớn quá sức tưởng tượng của anh. Anh tin tưởng có thể làm được và bắt đầu áp dụng kĩ thuật đưa đẩy chiếc đu mà anh đã có nhiều dịp quan sát và từ trước chưa có dịp thực hành. Anh nắm chặt vào chiếc thanh sắt; cuối cùng phải bỏ ra vì mồ hôi quá nhiều. Anh dùng ngón tay gạt những giọt mồ hôi đọng trên thanh sắt. Anh nắm thanh sắt trở lại, khum đầu gối xuống rồi đứng thẳng lên, người hơi ngả về phía sau. Anh làm như thế nhiều lần và rất ngạc nhiên khi chiếc giỏ đã bắt đầu chao tới chao lui. Ồ, thì ra quá dễ, thay vì cản nhịp đung đưa của chiếc đu bằng cách khum đầu gối xuống anh ta chỉ cần ngả người về phía sau, khi đu đánh về phía trước và ngả người về phía trước khi đu đánh về phía sau. Thật là dễ dàng và thích thú! Nhận thấy gã đàn ông vẫn còn đứng đó, Grếch nói vọng xuống bên dưới:
– Ông còn chờ gì nữa? Cứ để tôi ở đây được rồi.
Gã đàn ông lắc đầu; Grếch không để ý đến hắn nữa. Anh chợt hiểu trong đời anh đã quên làm một việc thí nghiệm cần thiết: cây đu. Thật là tuyệt vời! Mồ hôi trên trán anh đã bốc hơi, khô đi từ lúc nào. Làn gió mát trong lành cũng làm tan biến những giọt nước lúc này tuôn ra như suối trong mình anh, dưới lớp áo quần. Theo đà đưa đẩy của chiếc đu, làn gió mát như xuyên qua lớp ra ngoài để nhập vào cơ thể anh, làm anh say mê thích thú. Vũ trụ trên cao không còn đồng tình với vũ trụ bên dưới. Lúc đu xuống tầm mắt anh bị hạn chế bởi những tấm ván bẩn thỉu, nứt nẻ từng sọc dài; nhưng lúc đu lên, một khung trời bao la bát ngát, mở rộng trước mắt anh.
– Hãy coi chừng! gã đàn ông từ dưới đất nói vọng lên, hãy nắm cho chắc nghe!
Grếch biết gã đàn ông đang siết tay thắng, chiếc đu giần giật và giảm hẳn tốc độ.
– Ông có để tôi chơi hay không? Grếch quát to.
Gã đàn ông lắc đầu. Grếch lấy thêm đà. Anh thấy thích thú tới cùng mỗi lần lui về phía sau ở một tầm mức song song với mặt đất để thấy những tấm ván tồi tàn tượng trưng cho cái thế giới bên dưới hoặc tiến về phía trước khiến anh có cảm tưởng đang kê chân lên nền trời xanh của bầu trời trên đầu anh, như nằm xấp trên một cánh đồng xanh mỗi lúc mỗi gần hơn; những gì gọi là ngăn cách, lúc đó, đối với Grếch đều không còn ý nghĩa. Bên tay trái anh, mụ đàn bà vẫn kiên nhẫn xếp mơ vào trong thúng từ đống mơ bày bên ngoài, tưởng chừng như không thể vơi được, bên tay mặt anh, gã đàn ông có màu da hung đỏ, thỉnh thoảng lại kéo cần thắng để giảm bớt tốc lực của cây đu; dưới thị trường của anh vài ba căn nhà đang bị lật úp, xa hơn một chút còn thêm dãy phố. Chiếc nón kết của Grếch bay lọt ra ngoài.
– Phải chối, Grếch vừa suy nghĩ vừa giảm tốc lực của chiếc đu, phải chối ngay và chối phăng. Nếu mình cứ chối, họ đâu còn nghi ngờ gì; mình đâu có thể là con người làm việc đó? chẳng có ai lại chấp nhận như vậy, khi họ nghĩ tới thanh danh tốt đẹp của mình. Chắc chắn họ cũng không thể tin mình đã làm những việc tương tự. Grếch cảm thấy vừa hãnh diện, vừa lo âu, vì đã can đảm trèo lên chiếc đu này. Anh sẽ viết thơ kể lại sự việc cho mẹ anh biết. À, mà thôi, bà cụ có thể không hiểu nổi hành động của anh. Phương châm của cụ là luôn luôn phải đứng đắn bất cứ trong trường hợp nào… Bà cụ không thể hiểu nôi hành động của anh, con trai cụ, Trung úy Grếch có bằng tiến sĩ luật, đang giữa trưa, nắng chang chang và ngay giữa một khu chợ bẩn thỉu Hung gia lợi, lại dám ngang nhiên đánh đu cho mọi người xem chơi. Không, không thể thế được. Anh hình dung bà cụ đang lắc đầu; anh biết mẹ anh chẳng bao giờ có ý nghĩ khôi hài, riêng anh, anh không thể thay đổi tính tình của bà cụ được.
Trời đất! Lại còn thêm một chuyện động trời khác vừa lóe lên trong đầu óc anh mà chính anh không muốn nhớ: đó là lúc anh thay đồ ở phía sau một tiệm thợ may Do thái, ngột ngạt mùi vải mới, bừa bộn nào nùi giẻ nào quần áo mới cắt lẫn lộn với chiếc dĩa lớn có chân đựng dưa chuột trộn dầu dấm, ruồi nhặng bu đầy.. Một chất lỏng sền sệt trên môi anh; anh thấy tái người vì miệng anh vừa nuốt trôi lòng trắng trứng nhiễm trùng; hình ảnh đó rõ mồn một. Khi anh vừa lột xong chiếc quần bên ngoài để lộ chiếc quần thứ hai đang mặc trên người, nhận một món tiền rồi vội vã bước ra khỏi cửa tiệm, trước sự khinh bỉ của lão chủ móm mém, rụng gần hết răng. Bỗng nhiên tất cả chung quanh anh đều quay tít.
– Hãm lại! Grếch hét lên, hãm lại ngay.
Gã đàn ông thắng gấp khiến cho cây đu bị giật từng hồi đều đặn. Chiếc giỏ ngừng hẳn không còn nhúc nhích nữa. Lúc đó Grếch mới nhận thấy mình lố bịch, đáng thương khi anh ta thận trọng bước xuống đu, anh bước vào chỗ khuất sau vườn nhà để ói mửa. Anh cảm thấy bụng dạ nhẹ đi nhiều, nhưng anh vẫn lợm giọng. Đầu anh choáng váng. Anh ngồi xuống bậc thang, đôi mắt nhắm nghiền. Động tác đưa qua đưa lại, lúc nãy, của chiếc đu làm đầu óc anh vang vang, đôi tròng mắt giật lên từng cơn đau đớn, nhức nhối khiến anh muốn ói mửa nữa nhưng chẳng còn gì trong bụng để ói.
Cuối cùng anh thấy dễ chịu dần dần. Anh đứng dậy lượm chiếc nón kết. Gã hát dạo đứng bên Grếch thản nhiên nhìn anh. Vợ hắn cũng bước ra ngoài; Grếch ngạc nhiên nhận thấy chị ta quá nhỏ bé: một mẫu người đen như mun, da mặt khô cằn. Chị ta đang cầm chiếc li nhỏ. Gã đàn ông đưa tay nhấc chiếc ly từ tay vợ và giơ cho Grếch; hắn lạnh lùng ra lệnh.
– Uống đi, ông sẽ thấy dễ chịu!
Grếch đón lấy chiếc ly, nước đắng quá nhưng uống vào lại thấy khỏe. Hai vợ chồng gã hát dạo cùng mím cười, một nụ cười quá máy móc; họ quá quen vơi cảnh tượng vừa qua cũng như xem thường cử chỉ của họ, chẳng phải bố thí hoặc thương hại. Grếch đứng lên nói lời cám ơn.
– Cám ơn ông bà rất nhiều.
Anh ta thọc tay vào túi quần lục tìm tiền; túi trống rỗng, ngoại trừ tấm giấy lớn quái ác đó. Grếch nhún vai tỏ vẻ bất lực, mặt đỏ lên vì ngượng ngùng.
– Thôi được, gã hát dạo nói, ông khỏi bận tâm!
– Hoan hô Hít le! Grếch nói gã đàn ông gật đầu.
Grếch đi lang thang. Mồ hôi như đang sôi sục trong lỗ chân lông lại tiếp tục vã ra. Trong mặt khu chợ có một quán ăn; Grếch muốn vào đó rửa qua mặt mũi.
Không khí trong quán kể có mát thật, nhưng lại chả trong lành chút nào. Phòng ăn trống trải. Grếch để ý tới người đàn ông ngồi sau quầy; y chỉ để ý tới mớ huy chương của anh.
Y có đôi mắt lạnh lùng, chỉ lạnh lùng thôi và không thù hằn chút nào. Trong góc trái một cặp ngồi trước những dĩa đỏ, một bình rượu vang và một chai bia. Grếch bước lại chiếc bàn đối diện, lợi dụng chỗ thuận tiện để nhìn ra ngoài đường phố. Anh cảm thấy được an ủi phần nào. Đồng hồ anh lúc đó chỉ một giờ, anh được nghỉ phép cho tới sáu giờ chiều. Chủ quán từ từ rời quầy, từ từ tiến về phía anh. Grếch đang băn khoăn không biết nên ăn uống thứ gì? Chính anh có muốn ăn uống thứ gì đâu, mà chỉ muốn tắm rửa. Rượu đối với anh không ăn nhằm gì và không thể làm cho anh sa ngã được; vậy điều mà mẹ anh ngăn cấm về rượu cùng chơi đu, kể ra cũng có ích đấy chứ. Chủ quán, lúc đứng trước mặt anh, chậm chạp nhìn lên ngực phía trái của anh.
– Chào ông, hắn nói, ông dùng gì?
– Một tách cà phê, Grếch đáp, nếu ở đây có bán!
Chủ quán gật đầu. Cái gật đầu đó có nhiều ý nghĩa lắm: nhất là khi ánh mắt hướng về ngực trái và tiếng cà phê cũng đã nói lên một cái gì rồi, Grếch nghĩ nên gọi thêm:
– Và một li rượu mạnh, có lẽ hơi trễ vào giờ này nhỉ!
– Rượu mạnh cốt trái cây nào? Chủ quán điềm tĩnh hỏi lại.
– Cốt trái mơ, Grếch trả lời.
Chủ quán quay gót. Người hắn to béo; chiếc quần của hắn, phía hai bên mông, cộm lên từng cục; hắn lê đôi giầy cũ mèm.
– Hắn có lối cư xử như người Áo, Grếch nghĩ thầm.
Grếch liếc nhìn cặp tình nhân. Ruồi nhặng bu đầy những dĩa thức ăn còn vương vãi vài ba miếng thịt, và những dĩa có chân bằng đất nung đựng từng đống rau.
– Thật là ghê tởm, Grếch nói thầm trong bụng.
Một binh bét bước vào trong quán, liếc mắt len lén nhìn bốn chung quanh, giơ tay chào Grếch khi nhận thấy anh ta ở góc phòng, rồi tiến về phía quầy hàng. Hắn chả có qua lấy một chiếc huy chương nào cả. Thế mà lão chủ quán lại tiếp đón hắn một cách rất niềm nở khiến Grếch phải chạnh lòng.
– Có thể, anh nghĩ, người ta cho rằng đã là sĩ quan như mình, huy chương, hết bạc đến vàng, có đầy ngực hơn cả binh lính là lẽ đương nhiên. Sao dân Hung gia lợi lại có thể ngây thơ cụ đến mức đó được, hay tại mình có cái thể chất cao, mảnh khảnh, tóc hung, rất xứng đáng mang huy chương?
– Bố khỉ! thật là bỉ ổi.
Grếch nhìn ra đường phố.
Mụ đàn bà bán trái mơ vừa hoàn tất việc thu dọn. Tới lúc ấy anh mới thấy thèm trái cây. Tại sao không nhỉ, trái cây tốt lắm đấy chứ? Anh nhớ lại hồi anh còn nhỏ, mẹ anh ưa cho anh ăn trái cây, nhất là lúc vào mùa, vừa rẻ vừa ngon. Ở đây, trái cây lại rẻ như bèo, anh sẵn tiền muốn mua ăn bao nhiêu mà chẳng được. Anh không thể nghĩ thêm chút nữa vì nhắc tới tiền, anh chẳng còn đồng xu nào dính túi; mồ hôi anh toát ra nhiều, thật nhiều. Không, chả có gì có thể xảy ra được, cứ chối hoài. Có ai tin một tên Do thái nói rằng chính anh, Grếch, đã phải đem bán chiếc quần để tiêu xài. Anh mà đã chối, thì có ai còn dám tin nữa ngay cả khi người ta nhận ra chiếc quần đó chính là của anh; thì có khó gì đâu, cứ nói đại là anh bị mất cắp; ai lại dỗi hơi để tìm hiểu làm gì cơ chứ? Việc riêng của anh cần gì phải làm lớn chuyện? Bất cứ ai cũng phải có lúc kẹt như anh để phải bán chác một vài lần. Phải, ai cũng phải có một vài lần làm như anh vậy. Vì vậy anh đã hiểu tại sao xe tăng không có xăng để chạy, quân phục mùa đông tuôn ra đường phố, còn anh, chỉ bán chiếc quần là của riêng, may tại tiệm Gruncơ, bằng tiền túi của anh, tại tiệm Gruncơ, một người thợ may trứ danh nhất tại thành phố Silsđê.
Không biết thiên hạ đào đâu ra tiền mà tiêu xài hoang phí như vậy; trông vào đồng lương thì chả có ai còn dám can đảm. Ừ, cái thằng thiếu úy quèn ấy cũng vậy, suốt ngày nằm dài trong phòng để nuốt hàng đống bánh kem, nốc rượu huýtski thứ thiệt, vào buổi chiều; hắn lại còn cua đào một cây, thuốc lá không thèm hút bậy bạ mà một nhãn đặc biệt, trong thời chiến tranh, đắt như vàng.
“Ôi dào! anh tự nghĩ, mình quả là cù lần, quá cù lần. Lúc nào cũng muốn đàng hoàng, trong khi kẻ khác, đời sống đẹp như tranh. Cù lần!”
Chủ quán bưng ra cả cà phê lẫn rượu mạnh; hắn hỏi:
– Ông còn muốn ăn gì nữa không ạ?
– Cám ơn! Grếch đáp lại.
Mùi cà phê có vẻ khác lạ. Grếch nếm thử, khá ngọt và dịu giọng thì ra không phải là cà phê chính cống, mà là một loại hàng thay thế, không đến nỗi quá dở. Rượu mạnh hơi nặng và cay xè, nhưng Grếch lại ưa thích hơn. Anh nhâm nhi từng giọt rượu. Theo anh lúc này người ta bắt buộc phải uống cồn như uống thuốc; chỉ có vậy thôi.
Đốm màu từ những trái mơ ánh lên ngoài chợ, lúc này, đã tan biến.
Grếch bỗng đứng lên biến ra ngoài, hắn nói vọng lên cho chủ quán.
– Tôi trở lại ngay bây giờ!
Mụ đàn bà bắt đầu dẫn chiếc xe bò rất từ từ; chiếc xe vừa tới ngang cây đu thì con ngựa vọt chạy nước kiệu. Chiếc xe sắp sửa quẹo vào đường phố để về nhà, Grếch vội kêu người đàn bà, lúc đó, đã nhanh tay kéo cương ngựa, anh nhận rõ mặt mụ ta, khá trọng tuổi, vai rộng, nước ra sạm nắng, tuy cương quyết nhưng cũng có vài nét tạm gọi là đẹp. Grếch tiến về phía chiếc xe. Anh nói:
– Bà làm ơn bán cho tôi ít trái cây, những trái mơ đó!
Mụ đàn bà nhìn Grếch và mỉm cười, nhưng nụ cười vẫn đậm vẻ lạnh nhạt. Liếc mắt vào thúng mơ, mụ hỏi Grếch:
– Có túi đựng không?
Grếch lắc đầu. Giọng nói của mụ ta trầm và ấm. Mụ ta bước xuống ghế băng và quay về phía sau xe. Grếch ngạc nhiên khi thấy bước đi của người đàn bà còn vững vàng. Những trái mơ thơm quá, khiến anh thèm đến rỏ dãi. Anh lại nghĩ tới thời thơ ấu, mỗi lần mẹ anh tìm mua được cho anh những trái mơ như thế này, bà cụ tỏ ra rất sung sướng. Thế mà bây giờ ở đây, bán chả hết lại phải dọn từ chợ về nhà. Những trái dưa chuột cũng cùng chung số phận. Anh lấy tay nhón một trái mơ, bỏ tỏm vào mồm: vị chua đơn đớt, pha trộn vị ngọt; thịt thơm mềm nhũn và hâm hấp nóng. Anh quên làm sao được vị giác đó: anh thích vô cùng.
– Ngon quá, anh nói.
Mụ đàn bà lại cười thêm lần nữa, tay đang bận bịu lấy giấy gấp thành chiếc túi rồi thận trọng lượm từng trái mơ, khẽ bỏ vào trong. Nhưng ánh mắt mụ ta có vẻ kì lạ.
– Như thế này đủ chưa? Mụ buông giọng. Grếch không trả lời, chỉ gật đầu. Mụ đàn bà túm đầu túi, xoắn lại vài ba vòng và đưa cho Grếch.
Grếch rút tấm giấy bạc trong túi đưa ra cho người đàn bà và nói:
– Tiền đây bà!
Mụ đàn bà mở mắt thao láo, vừa lắc đầu vừa than: “Trời! trời ơi!” Tuy nhiên mụ ta cũng cầm lấy tờ giấy bạc áp nó vào cổ tay; dáng điệu của mụ ta thật là khó hiểu, chỉ biết giống như thầy lang chuẩn mạch. Khoảng khắc sau mụ ta đưa tờ giấy bạc lên ngậm vào miệng, để rảnh tay lần dưới xiêm và lôi chiếc bóp đựng tiền.
– Không bà ơi, Grếch la nho nhỏ, giấu tờ giấy bạc đi đừng cho ai thấy!
Anh lo âu đảo mắt tứ phía: thế nào tờ giấy bạc lớn đó cũng làm cho người ta chú ý: phố sá đông đảo như thế kia mà. Một chuyến xe điện vừa chạy qua.
– Cất nó đi, Grếch kêu lớn, đã bảo cất nó đi mà!
Grếch đưa tay ra giật tờ giấy bạc ra khỏi miệng người đàn bà, mụ ta cắn chặt lấy môi, Grếch không hiểu rõ mụ ta giận dỗi hay vui thích nữa.
Grếch nhai nát một trái mơ thứ hai và chờ đợi. Mồ hôi lấm tấm trên trán anh, anh lúng túng với những trái mơ đựng trong cái túi tạm bợ thổ tả này. Mụ đàn bà có vẻ muốn chần chờ, vì dáng điệu của mụ không có gì là vội vã Grếch đã có ý định chạy luôn, không thèm trả tiền nữa, nhưng anh không dám làm, mụ ta có thể la lên, dân chúng sẽ bu lại. Người Hung gia lợi là bạn, không phải kẻ thù. Một “binh bét” vừa bước ra khỏi quán ăn, tên này khác với tên “binh bét” Grếch gặp lúc nãy. Hắn có huy chương: ba cái; ngoài ra trên tay áo hắn còn mang cấp hiệu. Hắn chào Grếch anh đáp lễ bằng cái gập đầu. Một chiếc xe điện khác, chạy ngược chiều với chiếc ban nãy; nhiều người qua lại trước mắt anh; họ đông quá. Bên kia đường sau chiếc dậu, tiếng đàn ống của những người hát dạo vang lên.
Mụ đàn bà vẫn tiếp tục lôi ra từng tờ giấy bạc, mỗi lần mỗi vuốt lại cho thẳng nếp, cho tới khi túi tiền vơi hết tiền giấy; kế đó tới tiền đồng. Ôi! sao mà nhiều thế, cả đống; mụ ta rải chúng trên ghế băng xe ngựa. Mụ ta rút tờ giấy bạc Grếch vẫn nắm chắc trong tay, thối lại cho anh tập giấy bạc với đống bạc cắc.
– Chín mươi tám đồng! mụ nói với Grếch.
Grếch sắp sửa bước đi, mụ ta nắm cánh tay anh giữ lại, bàn tay mụ rộng lớn, nong nóng như khô rang. Mụ kê miệng gần sát mặt Grếch nói nhỏ và điềm thêm nụ cười.
– Muốn gái không? đẹp mà, chịu nhé?
– Không! không! Grếch vội vàng, thực tình tôi không ham.
Mụ già lại luồn tay vào trong bọc lôi ra một tấm phiếu, nhét vào tay
Grếch, mụ nói:
– Hãy giữ lấy!
Grếch xếp tấm phiếu cùng với xấp giấy bạc trong khi mụ già leo lên băng xe, giật cương ngựa. Anh bước qua lề đường, tay ôm chặt túi mơ, sợ nó bung ra bất tử.
Đôi tình nhân vẫn còn ngồi trong quán, vẫn ở chiếc bàn đó, Grếch không biết họ là ai, bầy ruồi nhặng vẫn bám đen kín trên dĩa, trên li. Gã đàn ông đang hoa chân múa tay, nhưng nói nho nhỏ với người con gái. Chủ quán bước tới gần Grếch trong khi anh đặt túi mơ trên bàn. Anh hỏi chủ quán:
– Tôi có thể rửa tay nhờ được không? Chủ quán giương to đôi mắt.
– Tôi muốn rửa mặt mũi, chân tay, Grếch nhắc lại vẻ bực mình, rửa tay thôi. Trời ơi!
Vừa nói anh vừa xoa mạnh hai tay vào nhau. Chủ quán suy nghĩ, rồi bỗng nhiên lắc đầu. Hắn ngoảnh đầu lại ra dấu cho Grếch theo hắn. Anh đứng lên bước theo chủ quán chui qua tấm màn cửa xanh đậm chủ quán vừa vén lên. Lúc đó anh thấy ánh mắt của hắn thay đổi, dường như muốn hỏi anh điều gì? Hai người một trước một sau, theo dãy hành lang nhỏ hẹp dẫn tới một cánh cửa. Chủ quán thò tay mở, hắn nói:
– Xin mời ông vô đây!
Grếch làm theo lời hắn, sự sạch sẽ bên trong khiến anh kinh ngạc không ít; bồn rửa xi măng láng bóng, cửa sơn trắng, một tấm khăn treo lủng lẳng bên bồn. Chủ quán đưa cho anh một cục xà bông màu xanh dùng riêng cho quân đội và không quên nói:” Ông cứ việc xài!” Grếch tỏ vẻ cảm động. Chủ quán bước ra ngoài để anh được tự do. Anh đưa chiếc khăn lên mũi hít hít, nó có vẻ sạch. Grếch vội vã cởi bỏ lớp áo ngoài, vục tay thật sâu xuống nước, bốc lên rửa mặt mũi và cổ thật tinh tươm. Lưỡng lự một chút rồi anh mặc áo vào, và bắt đầu rửa tay. Tên “binh bét” không huy chương, anh trông thấy lúc nãy cũng bước vào phòng vệ sinh. Anh tránh sang một bên để nhường cho hắn bước qua cầu tiểu. Anh cài lại cúc áo, cầm cục xà bông, qua quầy hàng trao lại cho chủ quán, và không quên câu cám ơn.Anh trở lại bàn, ngồi xuống ghế.
Mắt của chủ quán có vẻ nghiêm nghị. Tên lính vẫn chưa trở lại, không hiểu hắn làm cái trò gì trong đó mà lâu quá vậy. Cặp tình nhân đã rời khỏi quán ăn không biết từ lúc nào; chiếc bàn vẫn còn nguyên li, dĩa dơ bẩn, chưa ai thèm dọn. Grếch uống xong li cà phê nguội ngắt; anh nhấp môi vào li rượu mạnh. Sau đó anh ăn mơ, thịt trái mơ béo và ngọt lịm khiến anh thêm thèm thuồng nhai một lúc hết sáu trái, anh cảm thấy lợm giọng, trái mơ nóng hổi. Anh chiêu vài ngụm rượu, nó cũng nóng không kém, chủ quán đứng sau quầy hàng thả hồn theo khói thuốc. Một quân nhân khác bước vào trong quán. Chủ và khách có vẻ quen nhau nhiều vì thấy hai người đang thì thầm với nhau. Người lính này có một chiếc huy chương độc nhất: lục quân vinh công bội tinh. Hắn kêu một li rượu bia. Anh “binh bét” từ phòng vệ sinh bước ra, trả tiền rồi đi luôn. Tới cửa hắn chào Grếch, anh chào lại. Anh quân nhân vừa mới tới cũng đứng dậy qua phòng vệ sinh.
Tiếng đàn trống bên ngoài vọng vào, chậm chạp với âm điệu man rợ khiến Grếch cảm thấy buồn man mác. Cuộc chơi đu ban nãy lại hiện ra trong đầu óc anh, anh chẳng thể nào quên được. Anh chỉ tiếc lúc nãy anh thấy nhức tim gần muốn xỉu. Đường phố mỗi lúc một náo nhiệt thêm. Khách bộ hành chen chúc nhau, đụng mặt trước gian hàng nước đá. Gian bán thuốc lá kế bên lại vắng hoe. Bức màn xanh trong góc phòng vừa được vén lên thì một người đàn bà xuất hiện. Chủ quán đảo mắt về phía Grếch, người đàn bà nhìn theo. Anh không nhìn rõ được mặt người đàn bà; chiếc áo của ả có thể là màu đỏ, nhưng trong khoảng tranh tối tranh sáng, anh không phân biệt được rõ màu nào nữa. Mặt cô ả trát phấn trắng bệch với đôi môi đỏ chót. Grếch không nhận được nét mặt của ả, có thể nàng đang muốn cười tình với anh, nhưng anh không biết có phải vậy không? Thoạt nhìn ai cũng có thể biết chắc ả thuộc hạng người nào rồi. Ả cầm trong tay một tấm giấy bạc vuốt thật thẳng như con nít có thói quen nắm tiền; cầm hoa hoặc cầm gậy so với lối cầm tiền của cô ả cũng chẳng khác là bao nhiêu. Chủ quán sau khi thối tiền cho cô ả, đưa ra một chai rượu và vài điếu thuốc; hắn không nói với người đàn bà câu nào, nhưng cặp mắt không rời khỏi Grếch. Anh thọc tay vào túi áo lôi ra xấp giấy bạc, anh lục tìm tấm phiếu mụ bán mơ vừa đưa anh lúc nãy. Anh bỏ tiền vào túi sau khi rút tấm phiếu và để nó ở trên bàn. Sự để ý của lão chủ quán làm anh khó chịu, anh ngước nhìn lên hắn thì bắt gặp nụ cười của người đàn bà; lần này thì chắc rồi, y thị cười với anh, chứ còn ai vào đây nữa. Y thị đang đứng trước mặt anh, tay cầm chai rượu tay kẹp những điếu thuốc, trắng lốp như bản mặt của cô ả. Trong khoảng tăm tối của căn phòng, Grếch chỉ nhìn thấy rõ khuôn mặt lợt lạt, vành môi đậm của người đàn bà và những điếu thuốc có màu trắng ám ảnh. Nàng con gái cười tình với Grếch trước khi vén tấm màn xanh rồi đi ra.
Lão chủ quán càng lúc càng nhìn Grếch kĩ hơn. Mắt hắn trở thành hung dữ, dọa nạt khiến anh cảm thấy sợ hãi. Anh nghĩ: “Chà trông thằng cha có huống quá!”. Anh có ý định bước ra khỏi quán, nhanh chừng nào hay chừng đấy. Bên ngoài tiếng đàn ống vẫn vang lên đều đều, xe điện chạy qua nghiến bánh lên đường rầy nghe chói tai. Grếch cảm thấy một nỗi buồn thấm thía và kì lạ đang xâm chiếm tâm hồn anh; trên bàn những trái mơ tươi, mềm nhũn ban nãy đã làm cho anh thèm rỏ dãi, thế mà bây giờ anh lại ngấy, và tách nước ngầu lên vì bầy ruồi. Anh không thèm xua đuổi chúng, vội vã xô ghế đứng dậy. Anh la to:
– Tính tiền đi ông ơi!
Anh nói gần như hét lên để lấy thêm can đảm. Chủ quán chạy ùa ra. Bầy ruồi bắt đầu xâm chiếm các trái mơ, đậu san sát thành những đốm đen trên màu hồng tươi của vỏ mơ; anh lợm giọng khi nghĩ vừa mới tức thì anh đã nuốt chửng nhiều trái.
– Ba Pengo, chủ quán trả lời Grếch.
Anh trả tiền. Chủ quán liếc nhìn ly rượu, chỉ mới vơi phân nửa, ngực áo của anh và tấm phiếu để trên bàn. Hắn định nhặt tấm phiếu lên, Grếch nhanh tay hơn đã phỗng trước hắn. Bộ mặt nung núc những thịt và xám ngắt của hắn trông nhăn nhó dễ sợ; nó lại càng thảm thương hơn khi hắn nhìn thấy địa chỉ ghi trên tấm phiếu lại đúng là địa chỉ của hắn. Mồ hôi lại bắt đầu toát ra trong người Grếch.
– Thật tình ông cần tấm phiếu này? Chủ quán hỏi Grếch.
– Đâu có! Anh đáp.
Khi anh định cất tiếng lên chào chủ quán anh mới sực nhớ ra phải nói: Hoan hô Hítle. Ra tới cửa anh còn ngoảnh lại để hoan hô Hítle thêm một lần nữa. Tên chủ quán không thèm trả lời. Lúc anh ngoảnh lại, kịp thấy hắn tạt chỗ rượu mạnh còn lại xuống đất một cách tàn nhẫn. Đống trái mơ, hâm hấp nóng và hồng tươi, ánh lên như làn da thịt của một thân hình ê chề rã rượi trong bóng tối.
Ra tới đường phố, anh cảm thấy sung sướng và bước thật nhanh. Anh buồn lòng vì phải về quân y viện sớm hơn thời gian được nghỉ phép; cái thằng cha Thiếu úy xấc láo nằm kế bên tha hồ mà chế nhạo anh, nhưng đó là tại anh muốn về bệnh viện để nằm duỗi dài trên giường, anh thèm một bữa cơm bồi bổ nhưng khi chạnh nghĩ đến đống mơ màu hồng anh lại thấy sự khó chịu tăng thêm; người đàn bà hiện ra trong đầu óc anh, người đàn bà, khi anh vừa mới rời khỏi quân y viện anh đã hối hả tới thăm tại nhà riêng. Những nụ hôn mà cô ả tự động dán lên cổ anh, làm anh cảm thấy đau đớn trong thâm tâm. Anh chợt hiểu tại sao màu hồng của những trái mơ đã làm anh thấy ghê tởm. Áo quần của cô gái cũng một màu hồng; thân xác cô nóng hổi, và ướt át. Anh thiệt quá ngu ngốc, ai bảo đi ngủ với đàn bà giữa trưa, lúc trời còn nóng như thiêu như đốt. Ấy! thì cũng tại anh làm theo lời khuyên của ông già anh, rằng mỗi tháng đi tơ ít là một lần. Mà cô gái cũng được cái chắc nịch. Phải chi buổi chiều, cô ta còn quyến rũ hơn. Cô ta đã vét hết tiền của Grếch và biết lí do tại sao anh phải bận một lúc đến hai chiếc quần, lớp trong và lớp ngoài. Cô ả rũ ra cười khi biết rõ ý định của anh, lại còn làm ơn làm phước chỉ cho anh địa chỉ lão thợ may Do Thái để anh có thể bán đi một chiếc.
Grếch chậm bước; anh cảm thấy, người yếu hẳn đi và biết rõ tình trạng anh lúc đó. Anh đâu có ăn ra tấm ra món nào đâu? Bây giờ thì quá trễ rồi, nuốt đâu vô nổi. Anh chán chường tất cả: người con gái, tên Do thái bẩn thỉu, ngay cả cây đu mặc dù chính nó đã cho anh vài thích thú; những trái mơ, tên chủ quán và anh binh bét. Chỉ cô ả anh gặp trong quán ban nãy đã lấy được tình cảm của anh, rất nhiều tình cảm. Nhưng khốn nỗi, anh không thể ngủ với hơn một người đàn bà vào cùng một ngày. Trông cô ả cũng được lắm, với khuôn mặt trắng, lấp ló trong ánh sáng xanh lờ mờ; nhưng nếu anh có gần ả, anh cũng có cảm giác ươn ướt và mùi mồ hôi tiết ra từ thân xác ả. Có thể hạng gái làng chơi không có đủ phương tiện để không xuất thần và được thơm tho ngay cả lúc giữa trưa, dưới sức nóng oi ả.
Anh vừa bước qua một tiệm ăn. Những chiếc ghế dựa được bầy ngay trên hè phố, bao quanh bằng những thùng gỗ lớn bên trong trồng cây xanh mướt. Anh kiếm một góc khuất và kêu nước ngọt.
– Cho thêm đá vào, nghe! Anh dặn thêm thằng nhỏ bồi bàn; nó vừa đi vừa lắc đầu.
Một đôi nhân tình ngồi gần Grếch; họ nói với nhau bằng tiếng Lỗ ma ni.
Grếch, năm ấy đúng ba mươi tuổi, năm mười sáu tuổi anh đã mắc chứng đau ruột, cha anh, một bác sĩ, thuộc loại lang vườn, nhờ là bác sĩ duy nhất trong thị trấn, nên chữa chẳng mát tay mà bạc cắc vẫn vô đông vô số kể; mẹ anh tha hồ mà lượm rồi để dành. Mùa hè, gia đình anh kéo nhau đi nghỉ mát, tắm suối nước nóng, có khi ở trên núi An-pơ, còn ở bãi biển thì là chuyện rất thường: mùa đông họ đóng kín cửa ở trong nhà. Hồi này, họ ăn uống cực khổ một chút vì ít người bệnh; khi người bệnh đông họ lại ăn uống ngon hơn. Trong thị trấn gia đình anh ở, những cuộc họp mặt đều diễn ra tại khách sạn. Anh thì chẳng được dắt đi bao giờ. Khách khứa đãi đằng bằng rượu vang; kịp cho đến khi anh đủ tuổi để uống rượu, anh đã bị bệnh ruột rồi, món ăn của anh chỉ thấy khoai tây với rau xà lát. Anh chẳng nhớ rõ bao nhiêu lần trong tuần lễ dường như ba hay bốn gì đó. Anh có cảm tưởng suốt thời thơ ấu, anh chỉ biết có món ăn độc nhất khoai và xà lát, xà lát và khoai. Ít lâu sau, một bác sĩ đã cho anh biết các triệu chứng bệnh lý của anh gần giống như triệu chừng của bệnh thiên cơ quá lâu ngày: khoai và xà lát mang nhiều độc tính với trường hợp của anh. Mọi người nơi quê anh đều biết anh bệnh hoạn, vì chỉ nhìn thoáng qua anh, ai cũng thấy rõ; còn các cô gái thì kể như chê anh rồi đó; họ không thèm ngó mắt tới anh và chỉ ngó lơ; tiền của cha anh để lại không thể lấy lại thế quân bình so với căn bệnh bao tử.
Ở trường học, Grếch chẳng xuất sắc chút nào. Năm 1931 khi anh đậu xong bằng tú tài, có người hỏi anh thích điều gì, anh trả lời muốn đi du lịch. Chuyến tàu hỏa đưa anh tới Lahay; anh vừa bước chân xuống đất đã vội mướn phòng; tối đến anh bước ra phố, trong người bứt rứt khó chịu, hi vọng có thể kiếm được vài ả giang hồ, ở Lahay tuyệt nhiên không có loại gái đó. Hôm sau anh xếp hành lý đi Phờ Răng Pho liền và ở đó tám ngày. Khi tiền gần cạn, anh đành phải trở về nhà; khi thấy anh về sớm người nhà ngạc nhiên không ít và còn thương hại nữa. Số tiền cha anh cho đã được dự trù rộng rãi cho một cuộc du hành trong ba tuần lễ. Ông cụ nhìn anh từ đầu tới chân, còn bà cụ nước mắt giọt vắn giọt dài, rồi hai ông bà cãi nhau kịch liệt. Ông cụ bực mình bắt anh cởi hết quần áo để ông khám bệnh. Hôm đó đúng vào chiều ngày thứ bảy, anh không thể quên giờ khắc đó được. Ngoài đường phố sạch sẽ như chùi và không có quá lấy một tiếng động. Đường phố vẫn mang vẻ cổ kính nên thơ quen thuộc với những tiếng chuông ngắn, trầm và ấm. Trong khi đó, anh đang trần truồng để cha anh nắn nắn sờ sờ khắp châu thân ngay tại phòng mạch ông thường tiếp khách. Anh ghét bộ mặt nung núc những thịt; hơi thở nồng nặc rượu bia của cha anh; anh muốn ông chết quách cho rồi. Đôi bàn tay của cha anh vẫn lướt trên mình anh; bộ tóc muối tiêu dày cộm của ông lắc la lắc lư trên ngực anh. Mày khùng thật, cha anh ngửng đầu lên, rủa anh như vậy sau nụ cười mỉa mai. Mày khùng quá rồi con ơi! Sức mày chỉ gần đàn bà một tháng đôi lần thôi. Grếch công nhận cha anh nói đúng.
Chiều tối, anh ngồi gần bên bà cụ và uống một thang thuốc. Bà cụ không nói đến nửa câu, bỗng nhiên bật khóc thành tiếng. Anh buông vội tờ báo bước lên phòng riêng, trên lầu.
Hai tuần lễ sau, anh đi Mabuốc để tiếp tục việc học; anh theo lời cha anh dặn mặc dù anh thấy sợ. Trong ba năm anh giật được mảnh bằng quốc gia, trong năm năm anh được bổ nhậm chức vị bồi thẩm, năm kế tiếp anh trình luận án. Anh tập sự xử án lần thứ nhất vào năm 1937 và lần thứ hai vào năm 1938, rồi được bổ nhiệm vào một chức vụ tại tòa án trong quận. Tới năm 1939 anh nhập ngũ với cấp bậc Chuẩn úy. Bản chất anh không thể thích hợp với việc chinh chiến có nhiều đòi hỏi mới và chẳng cần đến vị bồi thẩm, tiến sĩ luật khoa hoặc chánh án Tòa sơ cấp. Bây giờ khi anh trở về nhà, ai cũng nhìn tấm huy chương sáng chói trên ngực anh. Lèo tèo vài ba cái huy chương, vẫn chưa đáng kể. Vì vậy mẹ anh luôn căn dặn anh tự bảo trọng nơi trận tuyến, nhưng lại khéo bóng gió khiến anh hơi tưng tức.
Thằng Hiugcơ Bếchcơ nó vừa về phép đấy. Nó có anh dũng bội tinh với ngôi sao đồng. Kể ra nó cũng anh hùng đấy chứ; học hành tới lớp bốn mà cứ đúp lên đúp xuống và thi bằng phụ đồ tể lại không đậu nổi. Thế mà bây giờ được thăng sĩ quan đấy. Tao thấy thật là khó tin. Còn thằng Vêdenđông nghe nói bị thương nặng, phải cưa một giò. Mất một chân là chuyện quan trọng chứ.
Anh gọi thêm một li nước ngọt thứ hai. Anh vẫn ưa dùng loại giải khát đó, vừa mát lạnh lại vừa bổ. Anh muốn ôn lại những cảnh vừa qua, từ việc bán chiếc quần cho tên Do thái biển lận đem giấy bạc một trăm PenGo để mua vài trái mơ giữa chợ đang tấp nập. Thật là ngu si đần độn! Nhớ lại những cảnh vừa qua, mồ hôi anh lại muốn vã ra, bỗng nhiên bụng anh sôi lên òm ọp. Anh ngồi nguyên vị, liếc mắt tìm kiếm phòng vệ sinh. Thực khách trong phòng ngồi nói chuyện với nhau. Chả có một ai động đậy. Anh lo lắng ngoảnh đầu lại, bắt gặp chiếc màn xanh, bên cạnh quầy hàng. Anh từ từ đứng dậy đi thẳng về phía chiếc màn cửa. Khi bước qua gian phòng anh còn phải chào một vị Đại úy đang ngồi bên bà vợ. Anh chào thật mạnh đúng lễ nghi quân cách. Khi tới được bức màn anh cảm thấy sung sướng vô cùng. Mới bốn giờ chiều, anh đã về tới quân y viện. Tên Thiếu Úy hỗn xược vẫn còn ngồi đó sắp sửa soạn ra đi. Hắn mang bộ quân phục màu đen của binh chủng thiết giáp; trên ngực hắn lấp lánh nhiều huy chương. Grếch biết rõ từng chiếc một. Hắn có năm chiếc cả thảy, hắn uống rượu vang và ăn bánh nguội kẹp thịt. Vừa trông thấy Grếch hắn đã nói oang oang:
– Trung úy ơi! Rương của trung úy đã tới kia.
– Tốt, Grếch nói. Anh tiến về phía chiếc giường của anh, thò tay nắm quai rương và lôi về phía cửa sổ.
– Trung úy! viên Thiếu úy nói, người ta đành bỏ ông Tiểu đoàn trưởng của Trung úy ở lại Sokáchêli, Smítsơ phải luôn bên ông ta, không làm cách nào để tản thương Đại úy Tiểu đoàn trưởng được.
– Thật ân hận vô cùng, Grếch vừa nói vừa loay hoay mở nắp rương.
– Nếu tôi là Trung úy, tôi sẽ cứ để nguyên nó đấy; mọi người chúng ta đều bắt buộc phải ra chiến tuyến hết, cả Trung úy cũng vậy.
– Cả tôi nữa à?
– Phải! Viên Thiếu úy vừa cười vừa nói; nét mặt con nít của hắn bỗng trở thành nghiêm nghị, trong tương lai, thế nào người ta cũng lập những toán xung kích gồm toàn quân nhân mắc chứng đau bao tử.
Grếch lại thấy ruột nôn nao. Anh cảm thấy như muốn nghẹt thở, anh trông rõ những miếng bánh kẹp thịt nguội, loại thịt hộp lồn nhồn mỡ hột như bọng trứng ruồi. Anh ra phía cửa sổ để dễ thở hơn đôi chút.
Anh mở cánh cửa. Một chiếc xe bò đầy nhóc trái mơ vừa đi ngang qua.
Grếch ói đầy sàn. Anh thấy dễ chịu một cách lạ thường.
– Chúc Trung úy ăn ngon, viên Thiếu úy nói thật to.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.