Truy tìm Dracula
Chương 5
Cảm thấy sự miễn cưỡng của cha, tôi quyết định tự mình thực hiện một cuộc tìm hiểu nho nhỏ, và một hôm sau khi tan học về, tôi đã một mình đến thư viện trường đại học. Trình độ tiếng Hà Lan của tôi tương đối tốt, lúc ấy, tôi cũng đã học tiếng Pháp và Đức được nhiều năm, và trường đại học cũng có một bộ sưu tập đồ sộ sách tiếng Anh. Những người thủ thư rất nhã nhặn; chỉ qua vài lần rụt rè thăm hỏi tôi đã tìm được tư liệu mình đang tìm kiếm: nguyên văn các tập sách mỏng có xuất xứ từ Nuremberg viết về Dracula mà cha đã đề cập. Thư viện không sở hữu được bản gốc nào của các tập sách trên – chúng rất hiếm, bác thủ thư lớn tuổi, phụ trách mảng tư liệu thời Trung cổ của thư viện giải thích với tôi như vậy, nhưng bác cũng tìm ra văn bản trên trong một danh mục các tài liệu tiếng Đức thời Trung cổ, đã dịch sang tiếng Anh. “Cháu cần cái này phải không, cháu yêu?” bác cười hỏi. Bác có một khuôn mặt rất trắng và sáng thường thấy ở người Hà Lan – đôi mắt xanh màu trời, luôn nhìn thẳng, tóc dường như chỉ dần nhạt đi so với màu cũ chứ không chuyển thành xám bạc. Ông bà nội tôi đã mất ở Boston khi tôi hãy còn bé, nhưng tôi nghĩ có lẽ mình thích có một ông nội như thế. “Bác là Johan Binnerts,” bác nói tiếp. “Cháu có thể gọi bác bất cứ khi nào cần giúp đỡ gì thêm.”
Tôi đáp đây chính là cuốn sách tôi cần, dank u (1), và bác vỗ vai tôi trước khi lặng lẽ bước đi. Trong căn phòng vắng tanh, tôi đọc lại đoạn đầu tiên trong sổ ghi chép của mình:
Năm 1456 sau Công nguyên, Drakula đã có nhiều hành vi kinh khủng và kỳ dị. Khi được tấn phong làm Lãnh chúa xứ Wallachia, hắn đã ra lệnh hỏa thiêu tất cả các nam thiếu niên đến lãnh thổ của hắn để học ngôn ngữ, bốn trăm mạng người cả thảy. Hắn còn hành hình một đại gia đình bằng cách cho đóng cọc xuyên qua người họ và nhiều thần dân của hắn đã bị lột trần truồng, chôn sống đến rốn, sau đó bị hành quyết bằng cách bắn tên. Một số khác bị hắn đem quay sống rồi lột da.
Có một chú thích ở cuối trang đầu. Cỡ chữ ghi chú nhỏ đến độ tôi suýt không nhìn thấy. Nhìn kỹ, tôi nhận ra đó là một chú giải về từ impaled – đóng cọc xuyên qua người. Người ta nói Vlad Ţepeş đã học được hình thức tra tấn từ người Thổ Nhĩ Kỳ. Kiểu hành hình này là dùng một cọc gỗ nhọn đóng xuyên dọc qua người, thường từ hậu môn hoặc bộ phận sinh dục lên phía trên, sao cho cây cọc trổ ra miệng hoặc đâm xuyên qua đỉnh đầu.
Tôi cố gắng không nhìn những con chữ đó một lúc; rồi đóng sách lại và mất một lúc thật lâu để cố gắng quên chúng đi.
Tuy nhiên, điều ám ảnh tôi nhiều nhất ngày hôm đó, khi đóng cuốn sổ ghi chép lại khoác áo ra về, không phải là hình ảnh ma quái của Dracula, hoặc đoạn chú giải mô tả hình phạt đóng cọc, mà là cái sự thực rằng những sự việc này – rõ ràng – đã thực sự xảy ra. Nếu chú tâm lắng nghe, tôi nghĩ, hẳn mình sẽ nghe được tiếng thét của những thiếu niên ấy, của cái “đại gia đình” đang cùng chết với nhau kia. Mặc dù rất chú tâm đến việc giáo dục lịch sử cho tôi, cha đã bỏ qua không cho tôi biết điều này: những khoảnh khắc khủng khiếp của lịch sử là có thực. Bây giờ, sau nhiều thập niên, tôi đã hiểu rằng cha sẽ không bao giờ dạy được cho tôi sự thật đó. Một sự thật như thế thì chỉ lịch sử mới có thể thuyết phục ta. Và khi đã biết được cái sự thật đó – thực sự đã nhìn thấy nó – người ta không thể ngoảnh mặt làm ngơ.
Đêm đó, khi về đến nhà, tôi cảm nhận một sức mạnh quái gở và đã đến gặp cha ngay lập tức. Ông đang ngồi đọc sách trong thư viện, trong khi bà Clay loảng xoảng bận rộn với bát đĩa bữa ăn tối trong bếp. Tôi vào thư viện, khép cánh cửa lại sau lưng, đến đứng trước ghế cha đang ngồi. Cha đang cầm trong tay một trong những cuốn sách yêu thích của Henry James, dấu hiệu cho thấy chắc chắn ông đang căng thẳng thần kinh. Tôi đứng yên không nói một lời cho đến khi cha ngẩng đầu lên. “Chào, con đấy à,” cha nói, vừa tìm thẻ đánh dấu trang sách vừa mỉm cười. “Bài tập đại số phải không?” Đôi mắt cha trông có vẻ lo lắng.
“Con muốn cha kể nốt câu chuyện.” Tôi trả lời.
Cha im lặng, nhịp nhịp ngón tay lên thành ghế.
“Tại sao cha không kể tiếp với con?” Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình đang gây phiền hà cho cha. Cha nhìn cuốn sách vừa khép lại. Tôi biết mình đã tàn nhẫn với cha theo một lối tôi không thể hiểu, nhưng tôi đã khởi sự cái việc tàn nhẫn của mình rồi, vì vậy phải kết thúc nó. “Cha không muốn con biết gì hết.”
Rốt cuộc, cha cũng nhìn vào tôi. Khuôn mặt đượm một nỗi buồn bí hiểm, hằn sâu dưới ánh sáng đèn. “Ừ, đúng vậy.”
“Con biết nhiều hơn cha tưởng,” tôi nói, mặc dù cảm thấy đó là một nỗ lực trẻ con: khi cha hỏi, tôi sẽ không muốn nói điều mình đã biết.
Cha chắp hai tay dưới cằm. “Cha biết là con biết,” cha nói. “Và bởi vì con chẳng biết gì cả nên cha sẽ kể cho con nghe hết mọi chuyện.”
Tôi ngạc nhiên, chăm chú nhìn cha. “Vậy thì cha kể đi ạ,” tôi đanh giọng nói.
Cha lại nhìn xuống. “Cha sẽ kể với con, và sẽ kể ngay khi có thể. Nhưng không phải lúc này.” Bất chợt cha òa lên, “Ngay bây giờ cha không thể chịu đựng tất cả những chuyện này được! Hãy kiên nhẫn với cha.”
Vẻ mặt cha hướng về phía tôi là cầu xin, chứ không phải cáo buộc. Tôi đến bên cha, vòng tay ôm lấy đầu ông đang gục xuống.
Tháng Ba ở Tuscany lạnh giá và gió thổi dữ dội, nhưng cha nghĩ một chuyến đi ngắn về miền quê ấy là hợp lý, sau bốn ngày đàm phán – tôi vẫn luôn biết nghề của ông là “đàm phán” – ở Milan. Lần này, tôi không phải yêu cầu cha dẫn tôi theo. “Florence rất tuyệt vời, đặc biệt vào mùa vắng khách,” cha nói vào một buổi sáng khi chúng tôi từ Milan lái xe xuống phía Nam. “Cha muốn con nhìn thấy Florence vào một trong những ngày này. Trước hết, con sẽ phải học hỏi thêm ít nhiều về hội họa và lịch sử của thành phố đó, để thực sự cảm thấy thích thú về nó. Nhưng vùng quê Tuscan mới đích thị là kỳ diệu. Con sẽ thấy – nó sẽ khiến đôi mắt con vừa được nghỉ ngơi thanh thản vừa khích động háo hức.”
Tôi gật đầu, ngồi vào chiếc xe thuê hiệu Fiat. Tình yêu tự do của cha rất dễ lây, và tôi thích cái cách cha nới lỏng cà vạt và cổ áo sơ mi khi chúng tôi hướng về một địa điểm mới. Cha lái chiếc Fiat êm ái chạy trên đường cao tốc bằng phẳng ở phương Bắc. “Thêm nữa, cũng bao năm rồi cha đã hứa với bác Massimo và Giulia là sẽ đến. Họ sẽ không bao giờ tha thứ nếu cha đi ngang qua vùng này mà không ghé thăm họ.” Cha dựa ra sau, duỗi thẳng chân. “Tính tình họ hơi kỳ lạ – lập dị thì đúng hơn, cha nghĩ vậy, nhưng rất tử tế. Con sẵn sàng rồi chứ?”
“Con đã nói con sẵn sàng rồi mà,” tôi đáp. Tôi thích được ở một mình cùng cha hơn là đi thăm viếng người lạ, những người mà sự hiện diện luôn khơi dậy trong tôi tính nhút nhát bẩm sinh, nhưng cha có vẻ nóng lòng muốn gặp lại mấy người bạn cũ đó. Dù sao chăng nữa, nhịp rung rung của chiếc Fiat như ru tôi vào giấc ngủ; tôi đã thấm mệt sau chuyến hành trình bằng tàu hỏa. Sáng hôm đó tôi đã cảm thấy khó chịu, chứng xuất kinh muộn ngày đáng ngại mà bác sĩ vẫn luôn lo lắng, vì nó mà bà Clay lúng túng nhét đầy va li tôi một đống bông băng vệ sinh. Đầu tiên, khi thấy có sự thay đổi này trong phòng vệ sinh trên tàu hỏa, tôi đã khóc vì ngạc nhiên; tựa như ai đó đã làm tôi bị thương; vết máu trên chiếc quần lót vải cotton trông giống dấu ngón tay cái của một tên sát nhân. Tôi không nói gì với cha về việc đó. Các vùng châu thổ dọc dòng sông và những ngọn đồi trập trùng làng mạc xa xa trở thành một bức tranh kỳ ảo vút qua cửa kính xe, sau đó mờ dần đi. Đến lúc ăn trưa tôi vẫn còn buồn ngủ. Chúng tôi dùng bữa trưa ở một thị trấn có rất nhiều quán cà phê và quán rượu tối tăm, đám mèo hoang lười biếng cuộn mình hoặc uể oải vươn vai quanh các lối dẫn vào nhà.
Nhưng khi chúng tôi đua cùng bóng chạng vạng để lên đến một trong số hai mươi thị trấn cao chót vót trên sườn núi và xếp chồng lên nhau xung quanh chúng tôi như những mô típ trong tranh bích họa, tôi đã cảm thấy hoàn toàn tỉnh táo. Buổi chiều tà lộng gió và không một áng mây làm lộ ra mảng hoàng hôn rạn vỡ cuối chân trời – về phía Địa Trung Hải, cha nói, về phía Gibraltar và những nơi chốn khác mà có thể một ngày nào đó chúng tôi sẽ ghé thăm. Bên trên chúng tôi là một thị trấn được xây dựng trên những cột đá, đường phố hầu như thẳng đứng còn ngõ ngách vươn lên cao bằng những bậc tam cấp đá nhỏ hẹp. Cha lái chiếc xe hơi nhỏ loanh quanh hết nơi này đến nơi kia, có lúc băng ngang qua cửa một nhà hàng Ý, ánh sáng từ đó tỏa xuống lớp đá cuội ẩm ướt bên dưới. Sau đó cha cẩn thận quay tay lái xuống sườn đồi bên kia. “Đây rồi, nếu cha nhớ chính xác.” Cha quẹo xe đi giữa hai hàng bách tùng tối đen vào một con đường nhỏ đầy vết bánh xe. “Biệt thự Montefollinoco, ở Monteperduto. Thị trấn Monteperduto. Con nhớ chứ?”
Tôi nhớ. Chúng tôi đã tra bản đồ suốt buổi điểm tâm, cha dùng một ngón tay dò trên bản đồ qua ly cà phê: “Đây này, Siena. Đích đến của con đấy. Nó thuộc Tuscany. Vượt qua đó là vào ngayUmbria. Đây là Montepulciano, một địa điểm cổ xưa nổi tiếng, và trên sườn đồi tiếp đó là thị trấn của chúng ta, Monteperduto.” Những địa danh chạy ào qua đầu tôi cùng một lúc, nhưng monte có nghĩa là mountain – núi và chúng tôi đang đi tìm một ngôi nhà búp bê giữa những ngọn núi mà tính đến nay chúng tôi đã hai lần qua lại, những ngọn núi phủ thắm sắc màu như những đứa con của dãyAlps.
Trong bóng tối đang dần buông, ngôi biệt thự trông nhỏ bé như một trang trại thấp lè tè xây bằng đá tảng, những cây bách và ô liu đứng thành từng cụm bao quanh các mái ngói màu hung đỏ, vài cây cột đá nghiêng đánh dấu lối đi phía mặt tiền. Cửa sổ tầng một rực sáng ánh đèn, và tôi chợt cảm thấy đói, mệt mỏi, tràn ngập một cảm giác cáu bẳn kiểu tính khí trẻ con mà hẳn tôi sẽ phải che giấu trước mặt những vị chủ nhà. Cha lấy hành lý ra khỏi xe rồi tôi theo chân cha bước tới. “Cả cái chuông cũng còn đây,” cha buột miệng, vẻ hài lòng, kéo một đoạn dây thừng ngắn bên cạnh lối ra vào và vuốt mái tóc ngược ra sau trong bóng tối.
Người đàn ông ra mở cửa xuất hiện như một cơn lốc, ôm chầm và vỗ đồm độp lên lưng cha, thắm thiết hôn lên hai má cha, rồi một cách hơi xa lạ, khẽ cúi xuống bắt tay tôi. Ông đặt bàn tay rộng và ấm lên vai tôi, dẫn tôi vào nhà. Trong phòng tiền sảnh giờ đã dịu bớt ánh đèn và đầy đồ gỗ cổ, ông rống lên. “Giulia! Giulia! Nhanh lên! Rồng đến nhà tôm đây này! Ra đây đi!” Giọng Anh của ông thật dữ dội và quả quyết, mạnh mẽ và ầm ĩ.
Người phụ nữ cao lớn tươi cười bước vào khiến tôi có thiện cảm ngay. Mái tóc đã ngả màu xám nhưng lóng lánh ánh bạc, kẹp gọn ra phía sau để lộ một khuôn mặt dài. Bà mỉm cười với tôi trước nhưng không cúi xuống để chào đón. Bàn tay bà ấm áp, giống như tay ông chồng, bà cũng hôn lên hai má cha, lắc đầu trong khi dịu dàng tuôn một tràng tiếng Ý. “Còn cháu,” bà nói với tôi bằng tiếng Anh, “phải có một phòng riêng cho cháu, một phòng thật ngon lành, được chứ?”
“Dạ được,” tôi đồng ý, nghe có vẻ thích, hy vọng phòng này sẽ ở gần phòng cha và sẽ nhìn ra vùng thung lũng xung quanh, nơi chúng tôi vừa mới vất vả chạy ngược lên từ đó.
Sau bữa ăn tối trong phòng ăn có tường ốp đá, tất cả người lớn đều dựa người ra sau thở phào. “Giulia này,” cha lên tiếng, “mỗi năm cô lại nấu nướng một ngon hơn đấy. Một trong các đầu bếp tuyệt vời của nước Ý.”
“Paulo, anh lại nói vớ vẩn nữa rồi.” Tiếng Anh của bà toát ra âm hưởng Oxford và Cambridge. “Anh toàn nói nhăng nói cuội.”
“Chắc là do rượu Chianti đấy. Cho tôi xem lại cái chai nào.”
“Để tôi rót cho anh ly nữa,” ông Massimo xen vào. “Còn cháu đang theo học ngành gì thế, cháu yêu?”
“Cháu học đủ mọi môn ở trường,” tôi nghiêm nghị trả lời.
“Cháu nó thích môn lịch sử, tôi nghĩ vậy,” cha nói thêm với họ. “Cháu rất có khiếu quan sát.”
“Lịch sử à?” Massimo lại rót đầy ly của Giulia, rồi ly của mình, thứ rượu vang màu hồng ngọc, hay đỏ sậm như máu. “Giống anh và tôi rồi, Paolo. Bọn ta đã đặt tên này cho cha cháu đấy,” ông quay sang tôi giải thích, “bởi bọn ta không chịu nổi mấy cái tên Anglo nhạt nhẽo như của cháu và cha cháu. Xin lỗi, chỉ là ta không thể chịu nổi. Ông bạn Paolo à, anh biết tôi có thể lăn đùng ra chết khi nghe tin anh từ bỏ cuộc sống trong học viện để đi thương thuyết khắp nơi trên thế giới(2). Như vậy là anh ta thích nói hơn thích đọc, tôi đã tự nhủ như vậy. Một học giả vĩ đại đã trao mình cho thế giới, người đó chính là cha cháu.” Ông rót cho tôi nửa ly vang mà không buồn hỏi ý kiến cha rồi thêm vào đó một ít nước trong bình để trên bàn. Lúc này tôi mới thấy quý ông ấy.
“Anh lại nói linh tinh rồi,” cha nói, giọng có vẻ thỏa mãn, “Tôi thích đi đây đó, và đó chính là sở thích của tôi.”
“Chà.” Ông Massimo lắc đầu. “Và anh, thưa ngài giáo sư, anh từng nói mình sẽ trở thành người giỏi nhất trong tất cả bọn họ. Chẳng phải quỹ tài trợ do anh thành lập là một thành công tuyệt vời hay sao, tôi biết mà.”
“Chúng ta cần hòa bình và sự khai sáng trong lĩnh vực ngoại giao, chứ không phải thêm những nghiên cứu về mấy vấn đề nhỏ nhặt chẳng ai quan tâm,” cha chống chế và mỉm cười. Bà Giulia thắp ngọn đèn lồng trên tủ buýp phê rồi tắt đèn điện. Bà đặt ngọn đèn ấy trên bàn và bắt đầu cắt chiếc bánh torta mà nãy giờ tôi cố không nhìn một cách đầy thèm muốn. Lớp mặt bánh lấp lánh như đá vỏ chai bên dưới con dao cắt.
“Trong lịch sử, không có những vấn đề nhỏ nhặt.” Ông Massimo nháy mắt với tôi. “Vả lại, ngay cả thầy Rossi vĩ đại cũng nói anh là sinh viên xuất sắc nhất. Còn cả đám còn lại chúng tôi khó ai có thể làm ông ta hài lòng.”
“Thầy Rossi ư?”
Cái tên đó buột ra khỏi miệng mà tôi không kịp ngăn lại. Qua phần bánh của mình, cha lườm tôi, vẻ khó chịu.
“Vậy cháu biết huyền thoại về những thành công của cha cháu trong lĩnh vực học thuật chứ, cô gái trẻ?” Ông Massimo tọng vào mồm miếng bánh sô cô la to tướng.
Cha lại ném cho tôi một cái lườm khác. “Tôi đã kể cho cháu nghe vài chuyện về những ngày đó,” cha nói. Tôi hiểu cái ý ngầm cảnh cáo trong giọng cha. Tuy nhiên, một lát sau, tôi nghĩ ý đó có thể được hướng trực tiếp tới ông Massimo, chứ không phải tôi, bởi lời bình luận tiếp theo của ông Massimo đã khiến tôi phải rùng mình, trước khi cha kịp đánh trống lảng bằng cách nhanh chóng chuyển hướng qua những vấn đề chính trị.
“Thầy Rossi tội nghiệp,” ông Massimo thốt lên. “Một con người tuyệt vời với số phận bi thảm. Thật kỳ lạ khi nghĩ về ai đó mà chính mình từng quen biết lại có thể bỗng nhiên – bụp – biến mất.”
Sáng hôm sau, chúng tôi ngồi tại quảng trường ngập nắng trên đỉnh thị trấn, áo khoác cài chặt nút và những tập sách hướng dẫn du lịch trong tay, nhìn hai cậu bé, có lẽ cũng như tôi, hãy còn ở tuổi đến trường. Chúng la hét và chuyền bóng qua lại cho nhau trước nhà thờ, còn tôi chỉ kiên nhẫn chờ đợi. Tôi đã chờ cả buổi sáng, chờ suốt lúc tham quan các nhà nguyện nhỏ tăm tối “có những yếu tố Brunelleschi,” theo lời tay hướng dẫn viên thiếu kiến thức mặt mày ủ ê, và dinh thự Palazzo Pubblico với căn phòng tiếp tân mà hàng thế kỷ qua đã được trưng dụng làm kho chứa thóc. Cha thở dài, đưa cho tôi một chai nước vị hoa quả Orangina, hình dạng cầu kỳ. “Con định hỏi cha chuyện gì phải không?” cha nói giọng thoáng chút rầu rĩ.
“Không, con chỉ muốn biết về giáo sư Rossi.” Tôi đút ống hút vào chai Orangina.
“Cha cũng nghĩ vậy. Ông Massimo thật thiếu tế nhị khi khơi lại câu chuyện đó.”
Dù sợ hãi khi nghĩ đến câu trả lời nhưng tôi vẫn phải hỏi. “Có phải giáo sư Rossi đã chết không? Có phải đó là điều ông Massimo ngụ ý khi dùng từ biến mất?”
Cha nhìn qua quảng trường ngập đầy ánh nắng, đến quán cà phê và cửa hàng thịt ở phía bên kia. “Đúng. Mà không. Ừm, đó là một chuyện rất buồn. Con thực sự muốn nghe sao?”
Tôi gật đầu. Cha liếc nhanh chung quanh. Chúng tôi ngồi trên một ghế đá dài, đặt bên ngoài một trong những dinh thự cổ xinh đẹp, không có ai ngoài các cậu bé đang chạy nhảy thoăn thoắt trên quảng trường. Cuối cùng cha cũng thốt lên, “Thôi được.”
Chú thích:
1. Tiếng Hà Lan trong nguyên tác: cảm ơn bác.
2. Nguyên văn: parley-vous, viết nhại tiếng Pháp – Parlez vous – ám chỉ làm nghề ngoại giao.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.