Sống 24 giờ một ngày

Chương II : Ý muốn làm quá chương trình



Chắc các bạn nói “Ông ấy muốn thuyết mình cách sống 24 giờ một ngày? Thì mình vẫn sống 24 giờ một ngày, có khó khăn gì đâu? Mình làm được hết thảy những việc muốn làm, lại còn dư thì giờ để dự các cuộc thi do các tờ báo tổ chức nữa. Biết rằng mỗi ngày chỉ có 24 giờ và phải hài lòng với số giờ đó, điều ấy dễ dàng quá mà!”. 

Thưa bạn, nếu vậy, xin bạn thứ lỗi cho tôi, bạn chính là người mà tôi tìm đỏ mắt trong bốn chục năm qua. Xin bạn làm ơn cho tôi biết quý danh cùng địa chỉ và dạy cho tôi cách bạn đã làm cách nào được vậy. Đáng lẽ tôi chỉ cho bạn thì xin bạn chỉ lại cho tôi. Xin bạn ra mặt đi, để tôi tin chắc đã có người như bạn mà từ trước tôi chưa được gặp. Nếu bạn không ra mặt thì tôi xin tiếp tục chuyện trò với những bạn đang lo âu, phiền muộn của tôi, với vô số tâm hồn đương bị ám ảnh, đau đớn vì năm này năm khác cứ trôi, trôi đi, trôi đi mà chưa tìm ra cách cho đời sống trơn tru. 

Phân tích cảm giác ấy, ta sẽ thấy trước hết là một nỗi lo âu, bối rối, chờ đợi, ngóng trông, mong mỏi. Nó là nguyên nhân của trạng thái không yên ổn trong tâm tư, nó như một bóng ma, luôn luôn phá quấy những cuộc vui của ta. 

Ta coi hát, đương tươi cười thì giữa hai màn, bóng ma đó đưa ngón tay trỏ chỉ còn xương với da, ra hiệu cho ta và ta mất vui ngay. Ta hăm hở chạy đón chuyến xe điện cuối cùng và khi đứng nghỉ ngơi để đợi xe, thì nó đi đi lại lại bên cạnh ta và hỏi ta: “Này anh, anh đã dùng tuổi xuân để làm gì? Và bây giờ anh đang làm gì?”. 

Có thể nói rằng cảm giác luôn luôn ngóng trông, mong mỏi đó, hễ sống thì phải có, không thể tách nó ra khỏi đời sống được. 

Nhưng có nhiều mức độ. Một người có thể muốn tới thành La Mecque (Đất thánh của những người theo Hồi giáo). Y đi, hoặc nhờ một công ty du lịch chỉ dẫn, hoặc tự kiếm đường lấy. Y có thể không bao giờ tới thành La Mecque. Y có thể chết trôi trước khi tới cảng Said; y có thể bỏ mạng một cách không vẻ vang chút nào trên bờ Hồng hải; ý muốn của y có thể không bao giờ thực hiện được. Sự mong mỏi mà không được thoả mãn có thể làm cho y luôn bứt rứt. Tuy vậy, y không đến nỗi bị dày vò như kẻ muốn tới thành La Mecque mà không bao giờ bước chân ra khỏi nhà mình. 

Ra khỏi nơi mình ở cũng là khá rồi đấy. Phần đông chúng ta không ra khỏi châu thành chúng ta ở, cũng không chịu kêu xe lại công ty du lịch hỏi giá tiền một cuộc du hành tới La Mecque. Rồi ta tự bào chữa là không có thì giờ, rằng mỗi ngày chỉ có 24 giờ thôi. 

Nếu phân tích kỹ thêm lòng mong mỏi, bồn chồn đó thì ta sẽ thấy nguyên do ở điều này: ta luôn luôn tự cho là phải làm thêm cái gì ngoài bổn phận của ta. Bổn phận của ta là phải làm việc để nuôi thân và gia đình, là phải trả hết nợ nần và dành dụm cho nhà cửa thêm thịnh vượng. Nhiệm vụ đó cũng đã khó khăn đấy chứ! Ít người làm tròn được. Một nhiệm vụ đôi khi quá sức con người! Vậy mà, dù làm tròn được như lúc ta đã làm, ta cũng chưa được mãn nguyện, hồn ma trên kia vẫn lẩn quẩn quanh ta. 

Và cả khi ta thấy nhiệm vụ quá sức ta, ta phải chịu thua, mà ta vẫn nghĩ rằng nếu bắt sức ta làm thêm được cái gì nữa thì ta ít bất mãn hơn. 

Sự thật là như vậy. Ý muốn làm được việc gì ngoài chương trình đã ấn định là ý muốn chung của những người có một tâm hồn khá! 

Hễ chưa gắng lắm cái gì để thoả mãn ý muốn đó thì lòng ta chưa yên. 

Ý muốn đó có nhiều tên. Nó là hình hình thức của nguyện vọng chung của nhân loại: Nguyện vọng tìm hiểu thêm. Nó mạnh tới nỗi có những người suốt đời sống để tìm hiểu thêm, mà vẫn luôn luôn bị nó lôi kéo đi và cứ trượt chương trình của mình hoài. 

Tôi tưởng tượng rằng phần đông những người có óc tò mò tìm hiểu đều hướng đến văn chương. Họ ưa đọc sách. Nhưng tôi nhấn mạnh rằng văn chương không bao gồm hết khu vực hiểu biết của loài người. Và có thể thoả mãn lòng khao khát hiểu biết của ta mà không cần đến văn chương. Trong một chương sau, tôi sẽ xét những cách thoả mãn khát vọng đó. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc các bạn bẩm sinh không yêu văn rằng không phải chỉ có văn chương là nguồn độc nhất để hiểu biết. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.