Chinh Phục Mục Tiêu - Goals!

7. PHÂN TÍCH NIỀM TIN



Khoảng cách của chúng ta với điều mình mong muốn phụ thuộc duy nhất vào mức độ ta tin tưởng vào khả năng biến điều đó thành sự thật.

– Richard M. Devos

Có lẽ điều quan trọng nhất trong tất cả những luật lệ liên quan đến tinh thần chính là Quy luật của Niềm tin. Quy luật này định rằng tất cả những gì bạn tin tưởng chắc chắn sẽ trở thành hiện thực với bạn. Trong cuộc sống, bạn chỉ thực sự nhìn thấy những gì mình đã tin. Bạn đang quan sát thế giới của mình thông qua lăng kính của niềm tin, thái độ, định kiến và những ý niệm đã hình thành từ trước. Bạn không phải là điều mà bạn nghĩ về bản thân, nhưng bạn chính là điều mà bạn tin là như thế.

Có thể nói, niềm tin từ tận đáy lòng chính là con người đích thực của chúng ta. Chúng ta luôn thể hiện ra bên ngoài những hành động xuất phát từ niềm tin và ý niệm tồn tại sâu thẳm trong tâm trí của mình. Đức Jesus từng dạy: “Niềm tin sẽ quyết định con người chúng ta”. Suy rộng ra, những niềm tin mạnh mẽ của chúng ta sẽ trở thành hiện thực đối với bản thân mỗi người. Chúng quyết định những điều sẽ xảy ra đối với chúng ta.

Tiến sĩ William James của Đại học Harvard thì khẳng định: “Niềm tin tạo ra dữ kiện thực” và “Sự tiến hóa vĩ đại nhất của thế hệ chúng tôi chính là sự khám phá ra rằng con người có thể thay đổi cuộc sống của mình bằng cách thay đổi thái độ”.

THAY THÁI ĐỘ – ĐỔI CUỘC ĐỜI

Mọi sự cải thiện trong cuộc đời bạn đến từ việc thay đổi tích cực những niềm tin và năng lực của bản thân. Sự phát triển mang tính cá nhân xuất phát từ sự thay đổi niềm tin về những điều nằm trong khả năng và tầm kiểm soát của mỗi người. Khi bạn tin rằng mình hoàn toàn có thể hoàn thành được một điều gì đó thì chuyện bạn đạt được chỉ là điều nằm trong tầm tay.

Bạn nghi ngờ điều này ư? Vậy thì tôi xin hỏi bạn: Kể từ khi bạn bắt đầu làm công việc đầu tiên đến nay, thu nhập của bạn có tăng gấp hai hay ba

lần chưa? Có phải bạn đã đạt được mức thu nhập lớn hơn nhiều so với lúc bạn bắt đầu làm việc hay không? Phải chăng bạn đã tự chứng tỏ khả năng mình có thể tăng thu nhập gấp đôi hoặc gấp ba lần hay không? Dù thế nào thì bạn cũng luôn nhớ rằng chỉ cần bạn tin tưởng điều đó có thể xảy ra thì nó sẽ đến với bạn. Napoleon Hill cũng đã từng nói: “Bất kể điều gì chúng ta có thể hiểu và tin tưởng, thì chúng ta có thể đạt được”.

KHẢ NĂNG TỰ CẢM NHẬN

Trong việc nghiên cứu tiềm năng con người, bước đột phá lớn nhất trong thế kỷ 20 có lẽ là sự khám phá ra khái niệm tự cảm nhận. Mọi suy nghĩ, cảm xúc, hành động hay mọi việc bạn làm trong đời đều được kiểm soát và quyết định bởi sự tự cảm nhận của bản thân. Sự tự cảm nhận thường đóng vai trò tiên phong và dự báo những khả năng cũng như hiệu quả công việc của bạn. Nó là chương trình tổng thể, là hệ điều hành cơ bản trong “chiếc máy vi tính não bộ” của bạn. Mọi việc bạn đạt được ở thế giới bên ngoài chính là kết quả của sự tự cảm nhận từ trong tâm trí bạn.

Theo các nhà tâm lý học, sự tự cảm nhận là tổ hợp tất cả những niềm tin, thái độ, cảm giác và ý kiến của một cá nhân về bản thân và thế giới xung quanh. Do đó, bạn sẽ luôn thể hiện theo một cách

thức nhất quán với những gì bạn tự cảm nhận về mình, cho dù đó là tích cực hay tiêu cực.

NIỀM TIN TỰ GIỚI HẠN

Niềm tin về bản thân phần lớn mang tính chủ quan và không dựa trên cơ sở thực tế. Nó là kết quả của những thông tin mà bạn tiếp nhận và xử lý trong suốt cuộc đời mình. Nó được định hình và phát triển từ những mối quan hệ của bạn, những kiến thức và nền tảng giáo dục mà bạn thụ hưởng, những trải nghiệm cuộc sống, cả tích cực lẫn tiêu cực và vô vàn những yếu tố khác.

Mặt trái của niềm tin chính là nó cũng mang tính tự giới hạn. Nếu bạn tin bản thân mình còn hạn chế ở một điểm nào đó, dù thực hay không, thì nó cũng sẽ xảy ra với bạn. Nó sẽ đeo bám và đồng hành cùng bạn. Những niềm tin tiêu cực này là trở ngại lớn nhất, nó ngăn cản và kìm hãm bạn phát huy tiềm năng thực sự của mình.

NHỮNG NHẬN XÉT PHIẾN DIỆN

Chắc bạn đã từng nghe câu chuyện thời thơ ấu Albert Einstein bị cho thôi học vì nhà trường cho rằng cậu không có khả năng học tập. Bố mẹ Einstein được thông báo rằng cậu con trai của họ không có khả năng tiếp nhận sự giáo dục của nhà trường.

Không đồng tình với kết luận này, bố mẹ Einstein đã tìm cách giúp cậu tiếp cận với một phương pháp giáo dục khác. Và sau đó sự thật đã chứng minh, Albert Einstein trở thành cha đẻ của thuyết tương đối cũng như nhiều công trình khoa học vĩ đại của thế kỷ 20.

Thomas Edison cũng bị nhà trường đuổi học khi còn đang học dở dang bậc tiểu học. Nhà trường thông báo với ông bà Edison rằng sẽ chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc để Thomas đến trường bởi vì cậu không có khả năng học bất cứ môn nào. Nhưng khi lớn lên, Thomas Edison trở thành một trong những nhà sáng chế vĩ đại nhất của thế giới.

Tiến sĩ Albert Schweitzer cũng gặp phải vấn đề tương tự ở trường. Người ta khuyến cáo rằng với khả năng của cậu thì chỉ nên học nghề đóng giày để hy vọng có một công việc ổn định và bảo đảm cuộc sống về sau. Nhưng Schweitzer vẫn miệt mài học tập, nghiên cứu và đạt được học vị tiến sĩ khi tuổi chưa đến 20.

Theo một bài báo trên tạp chí Fortune về sự khiếm khuyết năng lực học tập, nhiều vị là chủ tịch hay giám đốc điều hành trong danh sách 500 công ty hàng đầu trên thế giới khi còn đi học chỉ được nhà trường xem là học sinh trung bình, không có gì xuất sắc và cũng chẳng có năng lực đặc biệt nào. Nhưng nhờ sự chăm chỉ, kiên trì, họ đã đạt được những thành công lớn trong lĩnh vực của mình.

Những niềm tin tự giới hạn về bản thân được hình thành từ một lời nhận xét phiến diện, không khách quan, cũng có thể khiến ta đi những bước giật lùi trong một thời gian dài. Đến khi nhìn lại thì chúng ta mới nhận ra rằng niềm tin ấy thực ra không có cơ sở nào cả. Tốt hơn hết là hãy bỏ ngoài tai những lời nhận định như thế và làm theo sự mách bảo từ sự tự tin của chính mình.

BẠN GIỎI HƠN BẠN NGHĨ

Nhà văn Louise Hay nói rằng gốc rễ của hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống đều do cảm giác tự ti về bản thân. Nhiều người do những niềm tin yếm thế mà nhìn nhận sai lầm về khả năng đích thực của mình. Họ cho rằng bản thân còn hạn chế về mặt trí tuệ, tài năng, năng lực, sự sáng tạo hoặc một vài kỹ năng nào đó. Nếu bạn đang theo đuổi niềm tin như thế thì bạn đang mắc sai lầm đấy. Sự thực là bạn có những khả năng tiềm ẩn mà bạn chưa sử dụng hết hoặc chưa được khai thác đúng cách. Ai cũng có điểm mạnh, điểm yếu của mình. Ở lĩnh vực này có thể bạn kém hơn người khác nhưng ở lĩnh vực khác thì không. Điều quan trọng là bạn phải biết phát huy thế mạnh của mình và cải thiện điểm yếu càng nhiều càng tốt.

Các niềm tin đều được hình thành qua quá trình học tập, không phải là do bẩm sinh. Do đó, chúng có thể được loại bỏ nếu không hữu ích.

Nhiều điều mà bạn biết về bản thân mình là những niềm tin tự hạn chế. Trách nhiệm của bạn đối với bản thân chính là loại bỏ tất cả những niềm tin tiêu cực đó và nhận thức rằng mình cũng là một người có tài, có năng lực. Bạn được “tạo ra” trên đời này là để vươn đến sự vĩ đại và thành công. Bạn có những năng lực và khả năng chưa bao giờ được khám phá. Khả năng nội tại có thể giúp bạn đạt được gần như bất cứ mục tiêu nào đặt ra cho bản thân, nếu bạn sẵn sàng cố gắng và kiên trì để đạt được nó.

BẠN CÓ THỂ LÀ MỘT THIÊN TÀI

Theo Tiến sĩ Howard Gardner, cha đẻ của lý thuyết “đa trí tuệ”, thì mỗi người chúng ta sở hữu ít nhất mười loại trí tuệ khác nhau, mà với bất cứ loại nào nếu được sử dụng đúng cách thì cũng có thể đưa ta trở thành thiên tài.

Tuy nhiên có một hạn chế là chỉ có hai loại trí tuệ được đo lường và tổng hợp trong suốt thời kỳ học phổ thông và đại học, đó là trí tuệ ngôn ngữ và toán học. Nhưng bạn có thể là một thiên tài trong những lĩnh vực khác như hội họa – không gian (nghệ thuật, thiết kế), doanh nhân (sự nghiệp), thể hình hay sức khỏe (thể thao), âm nhạc (chơi các loại nhạc cụ, soạn nhạc), giao tiếp (hòa hợp trong các quan hệ xã hội), nội tâm (am hiểu sâu sắc về bản thân ở cấp độ sâu),

trực giác (khả năng cảm nhận điều đúng đắn cần nói hay cần làm), trí óc (các ngành khoa học).

Khi được sinh ra, mỗi người đều có năng lực đạt được sự hoàn hảo theo một khía cạnh nào đó, trong một lĩnh vực nào đó. Ngay lúc này, có thể trong bạn đã có năng lực ở mức độ thiên tài hoặc xuất sắc ít nhất trong một hay một vài lĩnh vực trí tuệ khác nhau. Nhiệm vụ của bạn là tìm ra lĩnh vực trí tuệ đó mà thôi.

Điều gì xảy ra nếu bạn có được một khả năng phi thường trong một lĩnh vực mà bạn không nghĩ rằng mình giỏi, như kinh doanh, quản lý, diễn thuyết trước công chúng hay kiếm tiền bằng cách nào đó?

Hãy nhận hoàn toàn trách nhiệm đối với cuộc sống và sự nghiệp của mình, và tạo ra những thực tế mới cho bản thân. Vô số những người khác đã làm được và thành công, bạn cũng có thể làm tốt như vậy.

LỰA CHỌN NIỀM TIN

Hãy tưởng tượng rằng có một “Cửa hàng Niềm tin” – giống như một cửa hàng bán linh kiện máy tính, ở đó bạn có thể mua sản phẩm để cài đặt chương trình vào tiềm thức của mình. Nếu bạn có thể chọn bất kỳ niềm tin nào, thì đâu sẽ là điều mà bạn cho là có ích nhất đối với mình?

Đây là gợi ý của tôi. Hãy lựa chọn niềm tin này:

“Định mệnh của tôi là sẽ thành công trong cuộc sống”.

Nếu bạn hoàn toàn tin tưởng rằng định mệnh của mình là thành công, thì bạn hãy đi lại, nói chuyện và hành xử như thể mọi việc xảy ra với bạn trong cuộc sống là một phần trong kế hoạch lớn hơn để giúp bạn tiến tới cái đích đã được định sẵn đó. Đây chính là cách mà những người thành công nhất đã áp dụng, dù trong lĩnh vực nào.

TÌM KIẾM SỰ TỐT ĐẸP

Những người thành công luôn biết tìm kiếm sự tốt đẹp trong mọi tình huống. Họ biết rằng trong bất kỳ tình huống nào cũng tồn tại bên trong nó sự tốt đẹp mà không phải người nào cũng có thể nhận ra. Họ tin rằng những trở ngại chỉ là một phần trong kế hoạch lớn hơn, khiến bước chân họ tiến đến thành công thêm vững vàng.

Nếu bạn cũng mang niềm tin tích cực như vậy, bạn sẽ nhìn thấy bài học quý giá trong mọi khó khăn hay trở ngại. Bạn sẽ tin tưởng rằng mình học hỏi được rất nhiều điều trên con đường hoàn thành và duy trì thành công của bản thân. Do đó, bạn xem mọi vấn đề như là một cơ hội học tập. Napoleon Hill đã từng viết: “Bên trong mọi khó khăn hay trở ngại đều mang một hạt giống hữu ích để cân bằng hoặc giúp bạn tiến xa hơn”.

BÍ MẬT CỦA

VỊ GIÁM ĐỐC KINH DOANH

Một giám đốc kinh doanh rất thành công có cách tuyển dụng nhân viên khá đặc biệt. Sau khi ông phỏng vấn và quyết định tuyển một nhân viên kinh doanh mới, ông sẽ đưa người nhân viên này đến một đại lý xe Cadillac và yêu cầu anh ta chọn một chiếc. Chắc chắn anh ta sẽ né tránh yêu cầu này, vì giá chiếc xe và những khoản tiền trả góp khổng lồ hàng tháng mà hiện tại anh chưa thể lo nổi. Nhưng vị giám đốc kinh doanh vẫn xem việc này như một điều kiện tuyển dụng.

Bạn nghĩ điều gì sẽ xảy ra kế tiếp? Người nhân viên mới được tuyển dụng này sẽ lái chiếc xe mới về nhà và vợ anh ta sẽ rất bất ngờ. Anh ta sẽ chở vợ đi một vòng quanh khu phố trên chiếc xe sang trọng này. Hàng xóm láng giềng sẽ phải nhìn theo và bàn tán. Anh sẽ đậu chiếc xe mới trước nhà mình. Mọi người sẽ đến thăm và chiêm ngưỡng nó. Dần dần, trong tiềm thức, thái độ của anh ấy đối với bản thân cũng như khả năng thu nhập của mình sẽ bắt đầu thay đổi.

Anh sẽ bắt đầu nhìn nhận giá trị về bản thân mình cao hơn. Anh ta sẽ cảm thấy có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn trong lĩnh vực của mình, là một trong những người làm việc hiệu quả nhất trong ngành. Hiệu quả bán hàng sẽ tăng, thu nhập cá nhân

nhảy vọt, cuộc sống của anh ta được đảm bảo bằng chính vị thế anh ta nghĩ mình đang cũng như đã làm được. Một chiếc Cadillac mới có ý nghĩa như một vị thế mà vị giám đốc kinh doanh đầy kinh nghiệm kia muốn trao cho nhân viên của mình, với hàm ý: “Anh xứng đáng với nó. Khả năng của anh là đấy”.

RA QUYẾT ĐỊNH

Hãy quyết định ngay hôm nay để thách thức và loại bỏ bất kỳ niềm tin tự hạn chế nào đang kìm hãm bạn. Hãy tìm hiểu kỹ bản thân và xem xét lại lĩnh vực nào trong cuộc sống mà bạn còn nghi ngờ về năng lực của mình. Bạn có thể hỏi bạn bè và người thân trong gia đình về điều này vì thường người khác sẽ dễ nhận biết được những điều mà chính bản thân chúng ta không tự nhìn thấy được.

Sau đó, bạn hãy tự trả lời câu hỏi: Nếu điều ngược lại xảy ra thì sao?

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có khả năng thành công vượt bậc trong một lĩnh vực mà hiện tại bạn đang nghi ngờ chính mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có được tài năng thiên phú trong một lĩnh vực nào đó? Cụ thể, điều gì sẽ xảy ra nếu ngay lúc này bạn có nguồn thu nhập dồi dào? Vấn đề tài chính ư, điều gì sẽ xảy ra nếu bạn có năng lực “chạm tay hóa vàng”?

Nếu bạn hoàn toàn tin rằng những ý tưởng này

là sự thực, bạn sẽ làm điều gì khác biệt với những điều bạn đang làm hôm nay?

PHÂN TÍCH NIỀM TIN

1. Nếu bạn là một trong những người có năng lực nhất và được tôn trọng nhất trong lĩnh vực của mình, bạn sẽ suy nghĩ, hành động ra sao?

2. Nếu bạn là một người quản lý tài chính cực kỳ có năng lực, bạn sẽ xử lý các vấn đề tài chính của mình ra sao?

3. Hãy nhận diện những niềm tin tự hạn chế có thể đang kìm hãm sự phát triển của bản thân. Bạn sẽ hành động ra sao nếu chúng hoàn toàn không có thực?

4. Hãy chọn một niềm tin mà bạn muốn mình đạt được. Hãy cứ xem như thể điều này có thực đối với chính bản thân mình.

5. Hãy xem xét tình huống khó khăn nhất mà bạn đang đối mặt. Tình huống này có thể mang lại những bài học giá trị nào giúp bạn giỏi hơn trong tương lai?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.