Chinh Phục Mục Tiêu - Goals!

8. HÀNH ĐỘNG NGAY TỪ ĐẦU



Vấn đề của bạn là phải thu hẹp khoảng cách giữa vị trí hiện nay của bạn và những mục tiêu mà bạn dự định vươn đến.

– Earl Nightingale

Hãy tưởng tượng rằng bạn sắp có một chuyến đi dài qua mọi miền đất nước. Bước đầu tiên bạn cần thực hiện là chọn lựa điểm đến, sau đó tìm kiếm con đường tốt nhất trên tấm bản đồ lộ trình trước khi khởi hành. Mỗi ngày trước khi bắt đầu, bạn phải xác định vị trí của mình trên bản đồ với những nơi đã qua và nơi mà bạn dự định đến.

Cuộc sống cũng gần như vậy. Khi đã xác định được các giá trị, tầm nhìn, sứ mệnh, mục đích và mục tiêu, bước tiếp theo là bạn phải phân tích điểm khởi đầu của mình. Chính xác lúc này bạn đang ở đâu, đang hành động ra sao trong từng lĩnh vực của

cuộc sống, đặc biệt là khi chúng liên quan đến những mục tiêu quan trọng của đời bạn?

TÍNH THỰC TIỄN

Jack Welch, trong nhiều năm làm Giám đốc điều hành tập đoàn General Electric, đã từng phát biểu rằng phẩm chất lãnh đạo quan trọng nhất là “tính thực tiễn”. Ông cắt nghĩa đây là khả năng nhìn nhận thế giới như thực tế hiện hữu của nó, chứ không phải như cách mà bạn ước muốn. Ông thường mở đầu các cuộc họp bằng việc đưa một vấn đề ra thảo luận với câu hỏi: “Thực tế của vấn đề này là gì?”.

Peter Drucker(*) thì đề cập đến vấn đề này bằng khái niệm “sự trung thực trí tuệ”, với hàm ý chúng ta cần xử lý những dữ kiện chính xác như cách nó hiện hữu trước khi cố gắng giải quyết hay đưa ra một quyết định nào đó. Abraham Maslow(**) thì viết rằng phẩm chất đầu tiên của người dẫn đầu chính là khả năng thể hiện một cách hoàn toàn trung thực và khách quan với bản thân mình.

Bạn cũng vậy. Nếu muốn trở thành người giỏi nhất và đạt được những điều xứng đáng, bạn phải thực sự trung thực với chính mình về điểm khởi đầu

(*) Peter Drucker tên đầy đủ là Peter Ferdinand Drucker (1909-2005) sinh tại Áo, là nhà tư vấn quản lý, giáo sư đại học, đồng thời là tác giả nhiều cuốn sách quản lý nổi tiếng, trong đó có cuốn “Những thách thức của quản lý thế kỷ 21″.

(**) Abraham Maslow (1908-1970): Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, tác giả của Tháp nhu cầu (còn gọi là Tháp Maslow).

của bản thân. Bạn phải ngồi xuống và phân tích bản thân một cách chi tiết, cụ thể để xác định vị trí thực hiện tại của mình trong từng lĩnh vực.

BẮT ĐẦU NGAY TỪ ĐẦU

Giả sử, bạn muốn giảm cân thì việc đầu tiên bạn cần tiến hành là kiểm tra trọng lượng hiện tại của mình. Bạn căn cứ vào trọng lượng ấy để làm thước đo theo dõi quá trình vươn đến mục tiêu, xem mình có tiến bộ hay không.

Nếu bạn quyết định thực hiện một chương trình rèn luyện thể chất cá nhân, đầu tiên bạn cần làm là xác định xem mức độ tập luyện hiện nay của mình ra sao. Bạn dành bao nhiêu thời gian trong ngày hay trong tuần để luyện tập thể thao, với cường độ luyện tập ra sao? Bạn đang tập những bài tập nào? Dù câu trả lời của bạn có là gì đi nữa, thì điều quan trọng là bạn hãy thành thật một cách tối đa. Sau đó, bạn hãy xem câu trả lời này như điểm khởi đầu để lên các kế hoạch luyện tập trong tương lai.

THỰC HÀNH TƯ DUY ĐIỂM GỐC ZERO

Khi bạn bắt đầu hoạch định mục tiêu dài hạn của mình, một trong những bài tập giá trị nhất mà bạn có thể thực hiện là “Tư duy Điểm gốc Zero”. Trong hình thức tư duy này, có một câu hỏi mà bạn

sẽ phải tự đặt ra cho mình là: Có điều gì mình đang làm hôm nay mà vẫn còn giá trị nếu một mai mình phải làm lại tất cả từ đầu?

Và nếu bạn không muốn tiếp tục tham gia vào một việc gì đó trong đời, thì câu hỏi mà bạn cần nghĩ là: Tôi có thể dừng lại bằng cách nào và nhanh đến mức nào?

ĐÁNH GIÁ TỪNG LĨNH VỰC CUỘC SỐNG

Hãy áp dụng Tư duy Điểm gốc Zero với những người có quan hệ đến công việc và cuộc sống của bạn. Liệu có bất kỳ mối quan hệ nào đang có mà bạn biết mình sẽ không dính dáng đến một lần nào nữa không? Liệu có bất cứ ai bạn đang cùng làm việc mà bạn sẽ không muốn liên hệ nữa không? Hãy trung thực với chính mình khi trả lời những câu hỏi này.

Hãy xem xét cẩn thận mọi khía cạnh trong cuộc sống và sự nghiệp của bạn. Có công việc nào bạn đã từng tham gia mà bạn sẽ không thực hiện nữa không? Có khía cạnh cuộc sống nào mà bạn muốn từ bỏ không?

Bước tiếp theo là hãy xét đến những khoản đầu tư của bạn. Có khoản đầu tư nào về thời gian, tiền bạc, hay cảm xúc mà bạn biết mình sẽ không lặp lại nữa. Nếu câu trả lời là có, thì làm sao để bạn thoát ra khỏi chúng và với tiến độ như thế nào?

SẴN SÀNG THAY ĐỔI KHI CẦN THIẾT

Tôi có một người bạn thân, từ thời trung học và lên đại học anh rất thích chơi golf. Tốt nghiệp đại học anh ấy vẫn dành thời gian chơi golf vài lần trong tuần. Anh ấy sắp xếp toàn bộ cuộc sống của mình cho thú chơi golf, ngay cả trong mùa đông anh cũng bay về những sân golf phía Nam ấm áp hơn để chơi vì ở đó sân golf không bị đóng tuyết.

Thời gian sau, anh bắt đầu xây dựng một công ty riêng, kết hôn và có con. Nhưng thói quen chơi golf vài lần một tuần vẫn không mất đi. Thời gian dành cho niềm đam mê này đã ngốn của anh một khoảng thời gian khổng lồ, nó đã ảnh hưởng rất nhiều đến công việc, cuộc sống và cả các mối quan hệ trong gia đình.

Khi áp lực lớn quá mức chịu đựng, anh ấy bắt đầu ngồi lại và sử dụng phương pháp Tư duy Điểm gốc Zero đối với những hoạt động của mình. Anh bắt đầu nhận ra rằng, trong tình hình hiện tại, việc chơi golf cần được cắt giảm nếu anh muốn đạt được những mục tiêu quan trọng trong cuộc sống. Với sự thay đổi này, anh đã dần cân bằng được toàn bộ cuộc sống của mình chỉ trong vài tuần.

Với bạn thì sao? Những hoạt động nào ngốn nhiều thời gian mà bạn cần phải cắt giảm hoặc loại bỏ?

KHÔNG NGỪNG ĐIỀU CHỈNH

Theo thời gian, gần 70% các quyết định mà bạn chọn sẽ trở nên không còn thích hợp vào một thời điểm nào đó. Lúc bạn bắt đầu ra quyết định hay cam kết, đó có thể là một ý tưởng hay. Nhưng khi thời gian trôi qua, hoàn cảnh chắc chắn sẽ thay đổi và lúc này cần phải dùng Tư duy Điểm gốc Zero để xác định lại.

Bạn thường có thể biết ngay liệu mình có rơi vào một tình huống cần phải điều chỉnh hay không dựa trên áp lực mà nó gây ra. Nếu bạn luôn cảm thấy căng thẳng, bực mình, cáu kỉnh và giận dữ liên tục, nghĩa là quyết định trước đây của bạn cần phải được xem xét lại.

Đa số chúng ta thường dành rất nhiều thời gian để cố làm cho một mối quan hệ trong công việc hay quan hệ cá nhân trở nên tốt đẹp hơn, nhưng nếu tư duy theo Điểm gốc Zero thì giải pháp đúng đắn có thể là cần phải thoát khỏi mối quan hệ này hoàn toàn. Câu hỏi duy nhất cần đặt ra là liệu bạn có đủ can đảm để thừa nhận những sai lầm của mình và tiến hành những bước cần thiết để điều chỉnh tình huống đó không?

ĐIỀU GÌ ĐANG NGĂN TRỞ BẠN?

Bạn muốn kiếm được một khoản tiền nào đó, nhưng vẫn chưa làm được. Điều gì đang ngăn trở bạn? Đâu là lý do chính làm cho bạn chưa đến được mục tiêu? Bạn phải hoàn toàn trung thực với bản thân mình để trả lời vấn đề này.

Hãy nhìn xung quanh bạn và nhận diện những người đang có khả năng kiếm được những khoản tiền mà họ mong muốn. Họ đã làm điều gì khác biệt so với bạn? Họ có những kỹ năng hay năng lực đặc biệt nào mà bạn chưa có? Bạn cần trang bị những kỹ năng và năng lực gì nếu bạn muốn thành công giống họ? Nếu bạn không chắc chắn trong câu trả lời, hãy gặp và hỏi họ. Điều này vô cùng quan trọng nên bạn đừng phỏng đoán hay chờ cơ may nào đó giúp bạn.

XÁC ĐỊNH RÕ NĂNG LỰC BẢN THÂN

Hãy điểm lại những kỹ năng bạn đang sở hữu và xác định những lĩnh vực mà bạn đã đạt được kết quả quan trọng. Đâu là những thế mạnh có thể giúp bạn hoàn thành tốt công việc của mình?

Trong lĩnh vực nào, kỹ năng nào bạn giỏi nhất? Tính đến thời điểm này, kỹ năng hay sự phối hợp các kỹ năng cụ thể nào đang quyết định đến thành công của bạn trong công việc? Bạn có thể đạt được ngang bằng hoặc vượt trội người khác ở những điểm nào?

NHẬN DIỆN MẶT YẾU NHẤT CỦA BẢN THÂN

Sau khi giải quyết những câu hỏi trên, hãy nhìn vào gương và tự hỏi rằng: “Đâu là mặt yếu nhất của mình? Nó nằm ở lĩnh vực nào?”. Bạn cần biết mặt yếu kém nhất của mình vì nó có thể tác động đến khả năng vận dụng những kỹ năng khác của bạn. Đâu là điều mà người khác làm tốt hơn bạn? Đặc biệt, những kỹ năng quan trọng nào bạn đang thiếu nhưng lại rất cần thiết đối với sự thành công của bạn?

Dù kết quả ra sao, bạn cũng cần phải nhận diện chúng một cách chính xác và trung thực, sau đó hãy lên kế hoạch cải thiện từng khía cạnh một.

TỰ LÀM MỚI BẢN THÂN

Khi bắt tay vào thực hiện bất kỳ mục tiêu nào, bạn hãy tưởng tượng rằng mình có thể phải bắt đầu lại sự nghiệp bất cứ lúc nào. Đừng bao giờ để bản thân rơi vào tình thế bế tắc hoặc không có lối thoát do một quyết định nào đó trong quá khứ. Hãy luôn tập trung vào tương lai.

Ngày nay, nhiều người sẵn sàng từ bỏ con đường học vấn, từ bỏ công việc, lĩnh vực chuyên môn của mình để bước vào một lĩnh vực hoàn toàn mới. Họ đủ khả năng để nhận ra rằng nếu tiếp tục đi theo con đường đã chọn từ trước thì tương lai của họ

sẽ bị hạn chế, do đó họ muốn thử một điều gì đó mới mẻ để mong chờ một tương lai rộng lớn hơn nhiều. Bạn cũng nên làm điều tương tự. Hãy đánh giá chân thực về công ty hay công việc hiện tại của bạn. Tình hình tương quan giữa bạn với những người xung quanh hay các đối thủ cạnh tranh. Hãy đứng lùi lại và quan sát mọi thứ đang diễn ra.

Khi tiến hành đánh giá về bản thân và cuộc sống của mình, bạn phải đối mặt với sự thật, dù chúng như thế nào đi nữa. Tuy nhiên, phải tìm kiếm những sự thật có tính thực tế, chứ không phải sự thật biểu hiện, sự thật được hy vọng hay sự thật mong ước. Những sự thật thực tế chính là điều bạn cần trước khi có những quyết định đúng đắn.

TÀI SẢN QUÝ GIÁ NHẤT CỦA BẠN

Tài sản quý giá nhất mà bạn đang có chính là năng lực của bản thân. Trên thực tế, bạn có thể mất nhà, mất xe hơi, mất tài khoản ngân hàng, mất tất cả đồ đạc nhưng năng lực của bạn thì vẫn còn, và bạn vẫn có thể tạo ra cho mình một cuộc sống tốt đẹp.

Năng lực bản thân là một món hàng cực kỳ giá trị, nó là một thứ tài sản có thể gia tăng hay sụt giảm giá trị. Nó gia tăng nếu bạn tiếp tục đầu tư để phát triển. Ngược lại, nó sẽ sụt giảm nếu bạn thả trôi mọi việc.

NHÓM NGUỒN LỰC

Hãy tự xem mình là một “nhóm nguồn lực” có khả năng tiến hành nhiều việc khác nhau. Bạn có một tập hợp những kỹ năng, năng lực, kiến thức, sự giáo dục và kinh nghiệm đa dạng để có thể làm hoặc học cách làm nhiều dạng công việc và nhiệm vụ khác nhau. Đừng bao giờ để mình bị mắc kẹt vào một lộ trình hành động cụ thể nào đó, đặc biệt nếu bạn không hài lòng với cách thức mà bạn đang tiến hành.

Hãy xem xét thật thấu đáo chính bản thân mình. Đâu là những thói quen tốt có thể giúp và thúc đẩy bạn về phía những mục tiêu của mình? Đâu là những thói quen xấu đã hình thành và đang kìm hãm bạn? Đâu là những phẩm chất quan trọng nhất trong cá tính và đặc điểm của bạn? Đâu là những mặt yếu nhất của bạn? Những thói quen và phẩm chất mới nào mà bạn cần phát triển để khai thác những điều tốt nhất từ bản thân mình, và đâu là kế hoạch của bạn để bắt đầu phát triển chúng? Những thói quen xấu nào mà bạn cần phải loại bỏ và thay thế bằng những thói quen tốt?

TỪ TỐT ĐẾN VĨ ĐẠI

Jim Collins viết trong quyển Từ Tốt Đến Vĩ Đại (Good to Great) rằng, bạn phải sẵn sàng đặt ra những “câu hỏi táo bạo” về bản thân và công việc của mình nếu bạn muốn nhân diện và loại bỏ những trở ngại

đang ngăn trở bạn tiến về phía trước. Đâu là một số câu hỏi “táo bạo” mà bạn cần phải đặt ra cho mình trước khi bạn dành hết tâm huyết cho các mục tiêu?

Trước hết là: Chúng ta đang ở đâu? Hãy thu thập dữ liệu và thông tin từ tất cả các bộ phận trong công ty để hình thành một bức tranh rõ ràng nhất về khởi điểm của bạn, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực kinh doanh, vị thế thị trường và khả năng lợi nhuận.

Thứ hai là: Chúng ta sẽ ở vị trí nào trong tương lai trong hoàn cảnh lý tưởng? Phát triển nhận thức này thành định hướng cho tương lai.

Thứ ba là: Chúng ta đã làm những gì để có được vị trí như ngày hôm nay? Chúng ta đã làm đúng điều gì? Chúng ta cần phải sửa đổi điều gì? Đâu là những thành công lớn nhất của chúng ta tính đến thời điểm hiện tại, và tại sao chúng ta lại có những thành công ấy? Chúng ta đã gặp thất bại gì, và lý do tại sao?

Câu hỏi thứ tư là: Chúng ta cần phải làm gì để đi từ vị thế hiện tại đến những mục tiêu mà chúng ta đặt ra? Dựa trên kinh nghiệm sẵn có, chúng ta nghĩ mình nên phát triển hay giảm thiểu điều gì? Nên bắt đầu những điều gì mà hiện tại chúng ta chưa thực hiện? Chúng ta nên chấm dứt hoàn toàn điều gì?

Nếu các bạn trả lời ba câu hỏi đầu tiên một cách chính xác, thì kế hoạch mang tính chiến lược hay kế

hoạch hành động sẽ hình thành dễ dàng hơn so với việc chỉ cố gắng hoạch định mà không nhìn nhận rõ ràng về vị thế hiện tại của mình.

Các bác sĩ thường nói: “Chẩn đoán đúng thì coi như đã chữa được một nửa căn bệnh”. Hãy dành thời gian để đánh giá từng khía cạnh của tình huống mà bạn đang gặp phải một cách trung thực trước khi triển khai các kế hoạch hướng đến mục tiêu. Theo đó, bạn sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn trên lộ trình của mình.

HÀNH ĐỘNG NGAY TỪ ĐẦU

1. Hãy xác định mối tương quan giữa thực trạng hiện tại với những mục tiêu lớn của bạn. Vị thế hiện tại ra sao và đoạn đường còn phải đi là bao xa?

2. Hãy áp dụng nguyên tắc Tư duy Điểm gốc Zero đối với mọi khía cạnh trong cuộc sống. Hiện tại bạn đang làm điều gì mà bạn sẽ không phải làm lại nếu bắt đầu lại từ đầu?

3. Hãy tiến hành phân tích tình hình tài chính trong cuộc sống của bạn. Bạn đang có thu nhập bao nhiêu và giá trị của bạn ở mức nào? Bạn đặt ra những mục tiêu gì trong vấn đề này?

4. Hãy tiến hành phân tích kỹ năng của bản thân và năng lực trong công việc của bạn. Bạn có ưu thế trong lĩnh vực nào? Lĩnh vực nào bạn cần cải thiện?

5. Hãy xác định chính xác mức thu nhập bạn muốn mình đạt được, và những điều bạn cần làm để đạt được mức thu nhập đó.

6. Hãy tưởng tượng tương lai của bạn là hoàn hảo ở mọi khía cạnh. Điều gì cần phải tiến hành để biến điều đó thành hiện thực?


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.