Tại Sao Lại Chần Chừ ?
Chương 1 : Chủ nghĩa hoàn hảo
“Không ai là hoàn hảo cả, đó là lý do vì sao bút chì có tẩy.”
1.1. Tại sao phải là người theo “chủ nghĩa hoàn hảo”?
Người theo “chủ nghĩa hoàn hảo” = người đặt ra những tiêu chuẩn và kỳ vọng cao đến mức có thể người ấy không thể đạt được chúng.
1. Tôi muốn nó phải thật hoàn hảo
“Tôi muốn đó phải là việc hoàn hảo nhất mà tôi từng làm được …”
Câu nói này có quen thuộc với bạn không?
Hầu hết chúng ta đều nhắm đến sự hoàn hảo trong cuộc sống của mình. Chúng ta nhắm đến sự hoàn hảo khi thực hiện các công việc được giao, làm bài kiểm tra, vui chơi thể thao và mọi khía cạnh khác của cuộc sống. Bản thân tôi cũng từng là 1 người theo “chủ nghĩa hoàn hảo”. Ở tuổi vị thành niên, tôi luôn hướng đến sự hoàn mỹ trong mọi hành động của mình. Tuy nhiên, bạn đừng hiểu sai ý của tôi ở đây. Đó là 1 thái độ tích cực, nhưng vấn đề là chúng ta dành quá nhiều thời gian để cố gắng trở thành người hoàn hảo nên không còn thời gian cho những việc còn lại.
Cầu toàn và nỗ lực hết mình là 2 việc khác xa nhau. Việc nỗ lực hết mình trong công việc là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng nếu lúc nào cũng cố gắng cầu toàn thì rất có thể chúng ta sẽ gặp rắc rối lớn đấy. Mục tiêu hoàn thiện xuất xắc công việc hay “cố gắng hết mình” là 1 mục tiêu hợp lý bởi đó là điều chúng ta có thể đạt được. Nhưng hoàn hảo là điều rất khó.
Bạn có biết vì sao người theo chủ nghĩa hoàn hảo thường có xu hướng chần chừ không? Bởi họ tự đặt cho mình 1 áp lực vô cùng nặng nề.
Cái suy nghĩ phải thường xuyên thực hiện 1 công việc nào đó đã khiến những người theo chủ nghĩa hoàn hảo lo lắng bởi họ có nhiều kỳ vọng rất lớn lao. Họ lo lắng về khối lượng công việc cần thực hiện cũng như kết quả của nó. Họ không chắc mình có thể hoàn thành công việc đó 1 cách hoàn hảo hay không? Thậm chí, có khi họ lo lắng đến mức không muốn bắt đầu hay hoàn tất công việc đó nữa.
Vậy người theo chủ nghĩa hoàn hảo đã tự ngăn mình thực hiện bước đầu tiên.
2. Bạn cần bao nhiêu thời gian để chuẩn bị?
Đã bao giờ bạn dành ra 1 thời gian dài để chuẩn bị cho 1 việc gì đó chưa?
Tôi từng dành ra nhiều thì giờ để tìm và nghiên cứu tài liệu cho 1 bài báo cáo được giao nhưng rốt cuộc tôi lại trì hoãn việc bắt tay vào viết nó bởi tôi cảm thấy mình chưa có đủ tài liệu. Hãy dừng lại và suy nghĩ 1 chút xem nào.
“Như thế nào là ĐỦ. Liệu việc nghiên cứu mọi tài liệu và thông tin liên quan có giúp ta viết được 1 bài báo cáo hoàn hảo hay không?”
Có nhiều lúc ta cần dừng việc chuẩn bị lại để bắt tay vào thực hiện công việc của mình. Nếu không ta sẽ chẳng bao giờ hoàn thành được nó cả! Tất nhiên, ta có thể giải thích với giáo viên và nộp cho họ “bản nghiên cứu” của mình, nhưng cách này hoàn toàn chẳng hiệu quả chút nào. Chúng ta sẽ vẫn cần hoàn thành bản báo cáo và nộp nó đúng kỳ hạn.
Đôi khi chúng ta đã dành nhiều thời gian cho việc chuẩn bị đến mức không thể bắt tay vào thực hiện dự định của mình.
3. Tự làm khó mình
1 vấn đề khác của những người theo chủ nghĩa hoàn hảo là đôi lúc (thực ra là mọi lúc), họ làm cho công việc trở nên khó khăn hơn. Đối với họ, việc đơn giản như hoàn thành 1 bài tập trên lớp cũng lớn lao như việc dời 1 ngọn núi vậy. Kỳ vọng quá cao và thời gian chuẩn bị quá dài đã làm cho mọi thứ trở nên khó khăn hơn so với bản chất của nó.
Hãy để tôi chia sẻ cho bạn câu chuyên về Patrick – 1 học sinh theo chủ nghĩa hoàn hảo. Trong khi làm bài kiểm tra ở lớp, có 1 câu hỏi mà đáp án của nó dễ dàng đến mức như treo trước mắt cậu ấy vậy. Tuy nhiên, vì là người theo chủ nghĩa hoàn hảo nên Patrick nghĩ đáp án không thể nào dễ dàng như thế được. Vậy Patrick đã làm gì? Cậu bỏ ngay đáp án đầu tiên nảy ra trong đầu mình và thay vào đó 1 đáp án khác mà cậu cho là đúng, nhưng thực ra là sai.
Đôi lúc ta cảm thấy cuộc sống thật nhàm chán và muốn tìm 1 thử thách nào đó để cảm thấy thú vị hơn. Nếu bạn cũng có ý nghĩ này thì nên nhớ : “Hãy hoàn thành công việc đúng thời hạn!”
1.2. Tại sao chúng ta không thực tế?
“Thực tế = có óc thực tiễn và nhìn nhận đúng bản chất của sự việc”
Tôi đã tìm kiếm nhiều phương pháp để giải quyết vấn đề của chủ nghĩa hoàn hảo. Và tôi nhận ra rằng, cách tốt nhất để làm điều đó là thi hành “chính sách thực tế” hay còn gọi là chính sách 4P.
1. Chính sách 4P để vượt qua được chủ nghĩa hoàn hảo
Sau đây là 4 bước để giải quyết vấn đề của chủ nghĩa hoàn hảo
B1 : Chú ý (Pay attention) đến vấn đề của chủ nghĩa hoàn hảo
Cách làm này sẽ không mang lại hiệu quả nếu chúng ta không chịu nhìn nhận thực tế của bản thân mình. Hãy chấp nhận rằng chúng ta đang có vấn đề với chủ nghĩa hoàn hảo. 1 khi chấp nhận điều đó, chúng ta sẽ có ý thức tránh xa cái bẫy của nó.
B2 : Hãy viết ra giấy (Put down) những ưu điểm, khuyết điểm của việc cố gắng trở thành người hoàn hảo
Đúng vậy, hãy viết ra giấy ưu khuyết điểm của vấn đề này thay vì mường tượng nó trong đầu mình. Ví dụ, chúng ta có thể thống kê thành 1 bảng như thế này :
Ưu điểm của chủ nghĩa hoàn hảo
Khuyết điểm của chủ nghĩa hoàn hảo
– Nếu tôi nộp bài tập hoàn hảo thì tôi sẽ đạt điểm A
– …
– Liệu tôi có dành nhiều thời gian chuẩn bị bài tập của mình đến nổi tôi không thể hoàn thành nó đúng thời hạn.
– …
Từ những phân tích của mình, chúng ta sẽ nhận ra rằng hoàn hảo là điều rất khó hoặc không thể đạt được. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ những việc tưởng như nằm ngoài khả năng của mình. Điều ta cần làm là phải ý thức được giới hạn của những điểm mạnh và hoàn cảnh hiện thời của mình. Hãy lấy việc cố gắng hết mình làm động lực chủ yếu. Vậy nên hãy luôn cố gắng hết mình và chờ đợi kết quả từ điều đó.
B3 : Cho phép (Permit) bản thân mắc sai lầm
1 trong những tiêu cực của chủ nghĩa hoàn hảo là chúng ta không cho phép mình mắc sai lầm. Nhưng hãy nghĩ xem, ngay cả những người vĩ đại nhất còn mắc sai lầm cơ mà. Tôi chắc rằng những nhà khoa học vĩ đại như Albert Einstein và Isaac Newton đều đã từng mắc sai lầm. Vậy nên chẳng có vấn đề gì nếu mắc sai lầm cả.
1 khi cho phép bản thân mắc sai lầm, ta sẽ không quá lo lắng về việc cố gắng trở nên hoàn hảo nữa. Khi ấy, ta có thể giải quyết được vấn đề của sự chần chừ.
B4 : Tự vỗ ngực (Pat) khen ngợi mình vì những thành quả, dù là nhỏ nhất, mà mình đạt được
Ngày hôm nay, bạn đã đạt được những thành quả nào (kể cả lớn hoặc nhỏ) chưa? Nếu có, hãy tự khen ngợi mình “Làm tốt lắm!” đi nào. Bằng cách nhìn nhận những thành tích đạt được mỗi ngày, ta đã truyền động lực cho bản thân. Điều này giúp ta nhận ra rằng không nhất thiết phải hoàn hảo thì mới gặt hái được thành công.
Vậy là đến đây, bạn đã nắm được cách thức vượt qua các vấn đề do chủ nghĩa hoàn hảo tạo ra. Nếu bạn làm được điều này, nghĩa là bạn đã loại bỏ được sự chần chừ của mình. Hãy thử áp dụng nó và đừng quá khắt khe với bản thân khi cố gắng trở thành người hoàn hảo. Bạn chỉ cần phải cố gắng hết mình là đủ.
2. Truyện ngụ ngôn Trung Quốc về việc vẽ rắn
Nhiều người cho rằng với quỹ thời gian của mình, chúng ta nên cải thiện bản thân để hoàn thành công việc 1 cách trọn vẹn. Nhưng không phải lúc nào quan điểm này cũng đúng. Trên thực tế, có nhiều trường hợp dẫn đến những hậu quả tai hại mà ta không mong đợi. Tôi muốn chia sẻ với các bạn câu chuyện ngụ ngôn sau :
Câu chuyện xảy ra vào thời nhà Chu. Ngày nọ, 1 viên quan ban cho binh lính của mình 1 vò rượu nếp. Vì rượu chỉ đủ cho 1 người uống nên mọi người đống tình tổ chức cuộc thi vẽ rắn và ai vẽ nhanh nhất sẽ được thưởng vò rượu quý kia.
Cuộc thi bắt đầu và mọi người đều chăm chú cho tác phẩm của mình. Chỉ sau vài phút, 1 người trong số họ đã vẽ xong. Tuy nhiên, vì thấy những người khác còn đang vẽ nên anh quyết định vẽ thêm vài nét cho con rắn của mình được đẹp hơn.
Khi vẽ xong, anh nhận thấy có người đã vẽ xong trước và được công nhận là người thắng cuộc. Anh chàng chưa kịp lên tiếng phản đối thì mọi người đã phá lên cười khi chứng kiến bức vẽ của anh.
“Hãy nhìn bức tranh của anh ta kìa. 1 con rắn có chân!”
Thế là từ đó, câu thành ngữ “Vẽ rắn thêm chân” ra đời.
Bài học mà chúng ta rút ra được là : hãy làm tất cả những gì mình được yêu cầu. Hãy nhớ lại câu chuyện của Patrick. Giá như cậu ấy tập trung vào việc trả lời câu hỏi, thay vì phân tích nó quá cặn kẽ, thì có lẽ cậu đã có câu trả lời đúng.
Kết luận : chủ nghĩa hoàn hảo có thể biến chúng ta thành người hay chần chừ. Vậy nên, hãy thực tế được quá trình thực hiện và hoàn tất công việc của bạn được thuận tiện hơn.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.