Tại Sao Lại Chần Chừ ?
Chương 8 : Mệt mỏi (thể chất lẫn tinh thần)
“Sau khi mọi thứ được cho là hoàn tất thì thường có nhiều câu nói hơn là việc làm.”
8.1. Tại sao chúng ta lại mệt mỏi như vậy?
“Mệt mỏi = Cảm thấy yếu ớt, đuối sức”
1. Tôi mệt quá!
Quả thật, chúng ta có thể cảm thấy rất mệt mỏi sau một ngày dài làm việc cật lực, đi học ở trường hay tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi. Cảm giác đuối sức có thể chiến thắng ta, khiến ta chỉ muốn nằm xuống nghỉ ngơi và thư giãn. Khi không nghỉ ngơi đủ, chúng ta sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi.
Hãy tưởng tượng một ngày bạn chạy tới chạy lui không ngừng để làm hết việc này đến việc nọ. Nếu bạn đã từng làm công việc chạy bàn thì hẳn bạn hiểu cảm giác của mình vào mỗi cuối ngày. Lúc ấy, chân bạn sẽ đau nhói vì bạn đã phải đứng suốt cả ngày. Khi mệt mỏi, cơ thể ta sẽ không có đủ năng lượng để tiếp tục hay hoàn tất một công việc nào đó. Ta chỉ muốn được nghỉ ngơi và đánh một giấc thật ngon.
2. Tôi kiệt sức quá!
Đã bao giờ bạn thử học bài ở nhà vào buổi tối sau một ngày dài ở trường và thiếp đi vì mệt mỏi chưa? Đầu bạn gục xuống tập sách trong khi cha mẹ hay người nào đó đi ngang qua có thể nghĩ rằng bạn đang tập trung cao độ cho việc học của mình!
Quả thật, việc tập trung tinh thần cao độ trong một thời gian dài có thể khiến ta kiệt sức. Nghiên cứu cho thấy rằng khả năng tập trung của con người sẽ giảm đi sau một giờ đồng hồ đầu tiên, và đối với một vài người thì điều này có thể xảy ra sớm hơn!
Khi trí óc ta bị kiệt sức, ta cảm thấy mình không còn chút động lực hay năng lượng để bắt đầu làm một việc gì nữa. Tất cả những gì ta muốn là thả người vào cái giường của mình.
3. Chán ngán mọi thứ
Điều này không liên quan trực tiếp đến sự mệt mỏi về thể xác hay tâm trí. Đơn giản là đôi khi chúng ta cảm thấy chán ngán mọi thứ mà thôi. Có thể công việc nào đó không gây hứng thú cho ta, khiến ta chẳng tìm ra động lực để bắt tay vào thực hiện nó. Nếu rơi vào tình huống này, điều ta cần làm là áp dụng một chiến thuật khác, chẳng hạn như xác định lại tư tưởng của mình thông qua việc “Hình dung chiến thắng” (được nói đến ở Chương 2) để phá vỡ tình trạng trì trệ của mình. Chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn nhận về công việc của mình và tích cực hơn khi thực hiện công việc đó.
8.2. Chiến thuật 3T : thư giãn, tuyên bố, thực hiện
“Thư giãn = Nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe”
“Tuyên bố = Trịnh trọng đưa ra một lời hứa và làm cho mọi người xung quanh biết tới lời hứa đó”
“Thực hiện = Bắt tay vào hành động theo điều ta đã hứa”
Để giải quyết được vấn đề mệt mỏi, tôi khuyên bạn nên sử dụng Chiến thuật 3T. Đây là một chiến thuật rất hữu ích có thể giúp bạn đánh tan sự mệt mỏi và bắt tay vào hành động!
Chiến thuật 3T gồm 3 phần :
1. Thư giãn
Khi mệt mỏi, điều mà chúng ta nên làm là hãy nghỉ giải lao. Nghỉ ngơi. Ngủ một giấc thật sâu.
Một giấc ngủ sâu chừng 15 – 30 phút cho phép tâm trí ta được nghỉ ngơi hoàn toàn và thoát khỏi những suy nghĩ về công việc cũng như những vấn đề đang khiến ta lo phiền.
Sau khi đã nghỉ ngơi hồi phục sức khỏe, ta sẽ tỉnh táo hơn và sẵn sàng bắt tay vào giải quyết những công việc đang chờ đón mình – đặc biệt là những công việc có yêu cầu về thể chất. Điều quan trọng nhất là ta phải thật sẵn sàng, nếu không, ta có thể tự gây cho mình những chấn thương không đáng có chỉ vì một giây phút bất cẩn.
2. Tuyên bố
Sau khi đã nghỉ ngơi xong (đừng nói là bạn cứ nằm dài ra mãi nhé), hãy nói cho cả thế giới biết rằng bạn đã sẵn sàng hành động. Hãy tuyên bố điều này thành lời!
Nếu chúng ta có một việc cần phải hoàn thành vào ngày mai, hãy nói với ai đó rằng ta sẽ hoàn thành nó vào ngày mai, thậm chí là sớm hơn nữa. Bằng cách này, ta đã đưa ra một lời hứa và cho mọi người biết đến nó. Khi đó, ta đang đặt mình vào vị trí phải hoàn thành nó. Một lời hứa đã được đưa ra và chúng ta phải thực hiện. Nếu ta không giữ lời hứa của mình, danh dự của ta sẽ bị đe dọa! Lúc này, ta sẽ có đủ động lực để bắt đầu và hoàn tất công việc.
3. Thực hiện
Sau khi đã đưa ra một lời hứa và nói cho cả thế giới biết đến nó, bước tiếp theo của bạn là hành động. Những lời nói không được biến thành hành động thì chỉ là những lời nói suông. Chúng ta cần phải hành động để thực hiện hóa mọi việc.
4. Một học sinh “hứa hẹn”
Peter – một học sinh của tôi – rất sáng dạ và “đầy hứa hẹn”. Peter có những kế hoạch cụ thể để cải thiện điểm số của mình và biết nên làm gì để đạt được điều đó. Nhưng cậu chẳng bao giờ thực hiện kế hoạch cũng như lời hứa của mình cả. Sau khi đã đưa ra lời hứa và phác thảo những bước đi cần thiết, Peter cảm thấy rất hài lòng và coi như công việc đó đã được hoàn thành! Vì thế, chẳng có gì lạ khi Peter chẳng bao giờ hoàn thành được mục tiêu của mình.
Chẳng có nghĩa lý gì khi bạn đề ra rất nhiều kế hoạch và lời hứa nhưng lại không tuân theo chúng.
Kết luận : Nếu mệt mỏi, chúng ta hãy “Thư giãn” vì ta xứng đáng được như thế. Nhưng sau đó, hãy “Tuyên bố với cả thế giới” và bắt tay vào “Thực hiện”.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.