Tại Sao Lại Chần Chừ ?

Chương 10 : Trì hoãn



“Người hay trì hoãn không chọn bây giờ là câu trả lời cho mình.”

10.1. Vì sao “vẫn chưa đến lúc”?

“Vẫn chưa đến lúc = Để sau, không phải bây giờ.”

“Vẫn chưa đến lúc đâu… Tôi chưa sẵn sàng.”

“Vẫn chưa đến lúc đâu… Thời cơ chưa chín muồi…”

Nguyên nhân khiến ta nói ra những câu trên là vì ta thiếu sự chuẩn bị.

Thiếu sự chuẩn bị

Bạn có biết những vận động viên điền kinh như Carl Lewis và Maurice Greene đã phải tập luyện trong suốt nhiều tháng trời, thậm chí nhiều năm trời mới có thể đạt được thành công vang dội như vậy? Bạn có biết trước khi tham gia cuộc đua thực sự, họ phải khởi động trong vòng một tiếng đồng hồ hoặc lâu hơn để có thể hoàn tất cuộc đua trong quãng thời gian rất ngắn, có khi chưa đến mười giây?

Chuẩn bị là chìa khóa giúp chúng ta vượt qua những điều mà ta không chắc chắn hoặc e sợ. Khi chúng ta không thể chuẩn bị tốt cho bài kiểm tra ở trường, ta sẽ nghĩ ra nhiều lý do để không phải đi học ngày hôm đó. Khi chúng ta chưa sẵn sàng cho một cuộc thi, ta sẽ cảm thấy bồn chồn và tìm cớ thoái thác để không phải tham gia cuộc thi đó.

Đôi khi, các bạn trẻ có quá nhiều việc phải làm đến mức không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng cho mọi thứ. Đó là lý do khiến họ chần chừ.

Tuy nhiên, còn nhiều lý do khác có thể giúp ta lý giải vì sao con người ta lại thường bị câu nói: “Vẫn chưa đến lúc” đánh gục đến vậy:

1) Họ là người theo Chủ nghĩa hoàn hảo. (Chương 1)

2) Họ đã gặp quá nhiều thất bại trong quá khứ và chưa sẵn sàng để đón nhận thêm bất cứ thất bại nào nữa. (Chương 2)

3) Họ bị chết chìm trong đống việc. (Chương 3)

4) Môi trường làm việc của họ quá bừa bộn. (Chương 4)

5) Họ muốn nổi loạn. (Chương 5)

6) Họ sợ hãi. (Chương 6)

7) Họ không thể làm việc một mình. (Chương 7)

8) Họ mệt mỏi cả về mặt thể chất lẫn tinh thần. (Chương 8)

9) Họ lười biếng. (Chương 9)

10) Họ không có khả năng làm việc. (Chương 11)

11) Họ mê mệt những chương trình ti-vi. (Chương 12)

12) Họ luôn viện cớ để biện minh cho sự thụ động của mình. (Chương 13)

Bạn thấy đấy, sức mạnh của câu “Vẫn chưa đến lúc” có thể hạ gục một số người, và chúng ta cần phải nhìn nhận thực tế này.

10.2. Tại sao chúng ta không thực hiện ngay bây giờ?

“Ngay bây giờ = có hiệu lực lập tức.”

Sỡ dĩ chúng ta chần chừ vì ta nghĩ rằng mình luôn có thời gian để làm một việc nào đó tốt hơn. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu ta cứ chờ cho đến phút cuối cùng mới bắt tay vào làm? Lúc ấy, ta sẽ có xu hướng làm vội vàng cho kịp thời hạn, hoặc trong trường hợp xấu nhất là ta không còn thời gian nữa và không hoàn thành được công viêc. Có nhiều lý do khác khiến ta rơi vào trạng thái chần chừ nhưng chủ yếu vẫn là do cảm xúc tiêu cực từ ý nghĩ “Vẫn chưa đến lúc” mang lại.

Để loại bỏ sự chần chừ, chúng ta phải có tư duy “Ngay bây giờ”. Hãy dùng sức mạnh của “Ngay bây giờ” để bắt tay vào làm công việc của mình.

Sử dụng “Ngôn ngữ như bây giờ”

Chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ để khuyến khích bản thân mình. Và đó chính là thứ mà tôi gọi là: “Ngôn ngữ Ngay bây giờ”. Hãy thử điều sao:

Thay vì nói: “Tôi hy vọng/mong sao/ sẽ/ nên/ muốn hoàn tất công việc này”, hãy nói rằng: “Tôi PHẢI hoàn tất công việc này NGAY BÂY GIỜ.”

Từ “phải” giúp chúng ta nhận ra tính cần thiết của việc mình làm. Việc sử dụng từ “bây giờ” để kết thúc câu nói sẽ buộc ta phải hành động ngay lập tức. Khi chung ta áp dụng cách nói này nhiều lần, tâm trí ta sẽ không ngừng thúc giục ta hành động.

Thực hiện bước đi đầu tiên luôn là việc khó khăn nhất. Nhưng một khi chúng ta đã làm được điều này thì quãng đường còn lại sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Với đà tiến của bước đi đầu tiên, chúng ta sẽ chủ tâm vào công việc của mình đến mức đôi khi ta không thể ngừng lại để lấy hơi nữa ấy chứ!

Kết luận : Hãy dùng sức mạnh của “Bây giờ” chứ không phải dùng câu “Vẫn chưa đến lúc” để làm cái cớ cho sự chần chừ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.