Đạo của Buffett
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
LỜI SỐ 104
“Vì một số lý do mà người ta quyết định dựa trên xu hướng giá cả chứ không dựa trên giá trị. Giá cả là thứ bạn phải trả. Giá trị là thứ bạn nhận về.”
*
Warren tin rằng con số bạn trả quyết định giá trị bạn nhận về – trả quá nhiều thì giá trị bạn nhận nhỏ đi; trả ít thì giá trị bạn nhận tăng lên. Nếu một công ty kiếm được 10 triệu đôla một năm và bạn mua lại với giá 100 triệu đôla, như vậy giá bạn trả là 100 triệu và giá trị bạn nhận là 10 triệu một năm. Nếu bạn trả cao hơn, giả dụ là 150 triệu, thì giá trị bạn sẽ nhận ít hơn nếu như bạn chỉ phải trả 75 triệu. Trả cao, nhận ít. Trả ít, nhận cao. Bí quyết của trò chơi là làm sao luôn luôn trả ít và nhận cao.
LỜI SỐ 105
“Cái gì đi lên không nhất thiết phải đi xuống.”
*
Warren nói câu này hàm ý về giá cổ phiếu của Berkshire Hathaway. Giá cổ phiếu của nó đã tăng từ 19 đôla năm 1965 đến 95.000 đôla một cổ phiếu năm 2006. Một công ty có giá trị nội tại liên tục gia tăng như Berkshire Hathaway có thể có giá cổ phiếu cứ tăng, tăng, và tăng .
LỜI SỐ 106
“Điều cốt yếu là thị trường chứng khoán chỉ đơn giản đưa ra các mức giá, vì vậy nó tồn tại để phục vụ bạn, chứ không phải điều khiển bạn.”
*
Đối với Warren, thị trường chứng khoán chỉ là một nơi để cổ phiếu các công ty được định giá dựa trên tiềm năng kinh tế trong ngắn hạn, tạo nên sự hoán đổi về giá liên tục trong ngắn hạn, mặc dù các mức giá này thường không liên quan đến thực tế kinh doanh của công ty trong dài hạn. Đôi khi những cú vút giá này làm cho giá cổ phiếu rớt xuống rất thấp so với giá trị dài hạn của công ty, và ngược lại đôi khi lại đẩy giá lên quá cao so với giá trị dài hạn của nó. Nhưng nhìn chung, thị trường chứng khoán có khuynh hướng định giá cao cho cổ phiếu. Warren chỉ mua cổ phiếu khi chúng có giá thấp hơn giá trị dài hạn của doanh nghiệp, và sau đó đợi cho các thế lực cân bằng của thị trường đẩy giá cổ phiếu lên cao hơn giá trị trở lại. Nếu ông may mắn đặt tay lên được những doanh nghiệp siêu hạng khi giá thấp, ông sẽ tiếp tục nắm giữ cổ phiếu của doanh nghiệp và để cho lợi nhuận tích lũy của nó đẩy giá trị dài hạn tăng lên, dần dần làm tăng giá cổ phiếu. Qua thời gian dài, quyền năng kinh tế của những doanh nghiệp này sẽ điều chỉnh những sai lầm về định giá thấp của thị trường chứng khoán. Song một công ty có giá trị tương xứng với giá trị của nó trong dài hạn, bất kể đánh giá của thị trường chứng khoán trong ngắn hạn, và chính bản thân bạn chứ không phải thị trường chứng khoán là người quyết định mình nên mua gì và vào lúc nào.
LỜI SỐ 107
“Thoạt đầu, giá bị chi phối bởi các nguyên tắc căn bản, nhưng đến một lúc nào đó nó sẽ bị chi phối bởi những tiên đoán đầu cơ. Đây là một câu chuyện không mới: Người khôn ngoan làm trước, kẻ ngu ngốc làm sau.”
*
Một người khôn ngoan mua cổ phiếu khi các nguyên tắc căn bản tỏ ra thuận lợi; vì vậy ông ta có được một mức độ an toàn nhất định nếu giá cổ phiếu còn xuống thấp nữa. Thời gian là bạn đồng hành của những nguyên tắc căn bản khi giá cả cuối cùng cũng sẽ tự điều chỉnh để phản ánh đúng giá trị kinh tế căn bản trong dài hạn, đo lường bằng khả năng thu nhập của doanh nghiệp. Khi xuất hiện sự tiên đoán đầu cơ, các nguyên tắc căn bản bị dẹp sang một bên, và giá tăng khuyến khích người ta mua vào nhiều hơn. Một nhà đầu tư kinh nghiệm biết rằng đến một lúc nào đó nhu cầu thực sự chính là nhu cầu dựa trên nguyên tắc căn bản, và nhu cầu tạo ra do tiên đoán đầu cơ sẽ chấm dứt – luôn luôn như vậy, khi đó giá sẽ rơi về điểm căn bản, đôi khi rất thấp so với lúc tiên đoán. Nếu bạn mua vào dựa trên tiên đoán đầu cơ và vẫn cứ nắm giữ khi giá rớt, bạn cứ nhìn vào gương là thấy ngay hình ảnh của một kẻ ngu ngốc.
LỜI SỐ 108
“Trong một cuộc chiến đấu giá, khôn ngoan nhất là chọn phía thua cuộc.”
*
Một cuộc chiến đấu giá nghĩa là giá cả sẽ càng ngày càng tăng cao khi cả hai bên tranh giành nhau, và nghĩa là tỉ suất đầu tư sẽ càng ngày càng co hẹp lại. Giá càng tăng thì thương vụ càng kém hấp dẫn, và nếu giá tăng quá cao, nó có thể là một thảm họa. Hiện tượng thường xảy ra trong cuộc chiến đấu giá là cảm xúc lấn lướt suy nghĩ lý trí, và một CEO có cái tôi quá lớn có thể phải trả một cái giá cực kỳ đắt bằng đồng tiền của cổ đông. Bạn rất dễ rơi vào cái bẫy chi trả quá nhiều nếu đó là tiền của người khác, và chưa có ai làm giàu được bằng cách trả quá nhiều cho một thứ nào đó.
Nguyên tắc này cũng có thể được áp dụng vào ngành bán lẻ: Nếu bạn có thể mua được sản phẩm với giá rẻ hơn đối thủ, thì bạn có thể bán cho người tiêu dùng với giá rẻ hơn, và đánh bại đối thủ khỏi cuộc đua mà vẫn giữ được mức lợi nhuận của mình. Đây là mô hình kinh doanh của Nebraska Furniture Mart. Họ dùng tiền mặt để mua hàng từ các nhà bán sỉ, đồng thời họ mua với số lượng lô hàng lớn, thường bằng cả tháng sản xuất, vì vậy họ có thể thương lượng giá thấp hơn những đối thủ mua hàng trả chậm. Như vậy NFM có thể bán hàng với giá thấp hơn, thu hút được nhiều khách hàng hơn, trong khi vẫn giữ được mức lợi nhuận của mình. Họ bán rẻ nhưng kiếm được nhiều tiền hơn vì họ bắt đầu với mức giá mua vào thấp. Mức giá bán ra không phải lúc nào cũng quan trọng bằng mức giá mua vào, nhất là trong ngành bán lẻ.
LỜI SỐ 109
“Ngoài kia có những chiếc đinh đang nằm đợi bong bóng, và khi hai thứ này gặp nhau, một loạt những nhà đầu tư sẽ được học lại những bài học đã cũ.”
*
Tình trạng mua bán đầu cơ ào ạt sẽ xuất hiện khi công chúng phát cuồng vì cổ phiếu. Người ta thấy giá cổ phiếu cứ ngày càng tăng và muốn nhảy vào kiếm ít tiền một cách đơn giản. Tình trạng này xảy ra cực đại khoảng mỗi ba mươi năm, thường đi kèm với sự xuất hiện của một công nghệ mới. Trong vòng một trăm năm qua nó đã xảy ra với radio, máy bay, ô tô, máy tính, công nghệ sinh học, và Internet. Giá cổ phiếu thể hiện sự đam mê kiểu bài bạc thay vì niềm tin vào giá trị tiềm ẩn của các công ty. Warren luôn bỏ qua những đợt thị trường giá lên do đầu cơ kể từ khi ông bắt đầu sự nghiệp đầu tư. Đối với ông, mức giá phải trả hôm nay là dựa trên những thu nhập trong tương lai có thể chẳng bao giờ có, và thường đúng là chẳng bao giờ có: Khi không có thu nhập, niềm hy vọng giúp giá cổ phiếu đứng vững bỗng nhiên sụp đổ, lực hấp dẫn sẽ kéo giá xuống đáy đại dương, với vận tốc đáng kinh ngạc.
LỜI SỐ 110
“Tôi không bao giờ cố gắng kiếm tiền từ thị trường chứng khoán. Tôi mua cổ phiếu với giả định rằng họ sẽ đóng cửa thị trường chứng khoán vào ngày mai và chí mở cửa lại sau 5 năm nữa. ”
*
Warren mua cổ phiếu với giả định rằng ông đang mua lại một doanh nghiệp. Thị trường chứng khoán đôi khi giúp ông mua được với giá thấp hơn nếu tính đem cả doanh nghiệp bán cho một người mua tư nhân. Warren không lợi dụng thị trường chứng khoán, ông chỉ tranh thủ trước những tổ chức có tầm nhìn quá ngắn hạn đến mức bỏ qua cơ cấu kinh tế dài hạn của công ty trong nỗ lực kiếm tiền nhanh chóng để được định danh là quỹ hỗ tương của năm. Nếu bạn mua đúng công ty với giá hợp lý, thời gian chỉ càng làm tăng thêm giá trị của nó, giúp bạn càng giàu thêm khi giá cổ phiếu gia tăng phản ánh đúng tiềm năng của doanh nghiệp. Hãy thử tưởng tượng: Nếu thị trường chứng khoán có đóng cửa suốt 5 năm, thì giá trị doanh nghiệp vẫn cứ tiếp tục gia tăng. Thị trường chứng khoán chỉ là nơi đưa ra mức giá mà nó cho là hợp lý dựa trên giá trị trong ngắn hạn. Nếu bạn sẽ nắm giữ cổ phiếu trong suốt 5 năm, bạn không cần phải quan tâm đến thị trường chứng khoán định giá như thế nào trong khoảng thời gian từ năm thứ nhất đến năm thứ tư. Thời điểm bạn quan tâm là khi bạn tham gia trở lại để bán cổ phiếu.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.