Ngũ Luân Thư

Lời giới thiệu



Tử địa Sekigahara là cách người ta gọi trận chiến cực kỳ khốc liệt giữa hai phe lãnh chúa Nhật Bản, phe Đông Quân và phe Tây Quân, diễn ra ngày 15 tháng thứ 9 niên hiệu Keichō (Khánh Trường) thứ 5 (ngày 21 tháng 10 năm 1600), tại Sekigahara, thuộc tỉnh Gifu ngày nay. Gọi Seikigahara là “tử địa” vì trong trận chiến khốc liệt ấy đã có bảy mươi ngàn người chết. Sekigahara cũng được coi là trận đánh lớn nhất lịch sử Nhật Bản. 

Một kiếm khách mười sáu tuổi, tên là Miyamoto Musashi (Cung Bản Vũ Tàng), bước vào trận chiến Seikigahara với tư cách là võ sĩ bên Tây Quân, là phe rốt cuộc đã thua trận chiến này. Kiếm khách trẻ và cuồng nhiệt ấy đã chiến đấu anh dũng qua ba ngày của trận chiến. Chàng không chỉ sống sót và bước ra khỏi tử địa mà còn thoát khỏi chuỗi ngày gian nan bị phe chiến thắng truy sát. Sau đó, kiếm khách này vân du khắp nơi chỉ để luyện kiếm, báo thù và tham dự các cuộc quyết đấu sinh tử. Musashi không thất bại một lần nào và trở thành sư tổ của môn phái sử dụng song kiếm có tên Niten Ichi Ryū (Nhị Thiên Nhất Lưu). Sau này ông được người Nhật gọi là Kensei (Kiếm thánh).

Người ta vẫn nói: để hiểu được một người Nhật đi ra thế giới bên ngoài để kinh doanh thì phải hiểu cái tinh thần của một chiến binh Nhật bước chân vào tử địa Sekigahara. 

Để hiểu được việc các quan chức chính phủ hoặc doanh nghiệp Nhật Bản đồng loạt từ chức để bảo vệ uy tín cho lãnh đạo, cũng như các samurai thuộc hạ tự mổ bụng tuẫn tiết (hara-kiri) để tránh cho mình và tướng quân của mình bị ô nhục, thì phải hiểu được tinh thần võ sĩ đạo.

Và để hiểu được người Nhật tu dưỡng bản thân hàng ngày thế nào, các tập đoàn Nhật lập chiến lược kinh doanh ra sao, các chính trị gia Nhật ra quyết định thế nào, thì phải đọc tác phẩm kinh điển Go Rin No Sho (Ngũ Luân Thư) của Kiếm thánh Miyamoto Musashi.

Sau chiến thắng của Đông Quân ở trận chiến Sekigahara, Chúa Tokugawa Ieyasu chính thức trở thành shogun của Nhật Bản và là shogun đầu tiên của Mạc Phủ Tokugawa. Mạc Phủ Tokugawa đặt chính quyền của mình ở Edo (ngày nay là Tōkyō). Từ đây, một thời kỳ thanh bình tương đối lâu dài mở ra với đất nước Nhật Bản (1603-1867). 

Thời kỳ Tokugawa (còn được gọi là thời kỳ Edo) đánh dấu sự chuyển biến lớn lao trong lịch sử xã hội Nhật Bản. Bộ máy cai trị của Tokugawa không chỉ kiểm soát chính quyền, luật pháp, giáo dục mà còn kiểm soát trang phục và hành vi của các giai cấp vốn được phân biệt rất rạch ròi: samurai, nông dân, nghệ nhân và thương nhân… 

Dưới thời Tokugawa, các đội quân địa phương bị giải tán. Mặc dù Tokugawa và một số lãnh chúa vẫn tuyển dụng samurai nhưng phần lớn các samurai trở nên thất nghiệp. Một số samurai sống được nhờ sở hữu điền trang, số còn lại phải chuyển sang làm nghề thủ công hoặc làm kiếm khách lang thang. Thiên hạ thái bình đã khiến tầng lớp chiến binh trở thành những người thừa, họ phải thay đổi lối sống nhưng vẫn giữ tinh thần thượng võ cổ xưa. Đây cũng là thời kỳ nở hoa của Kiếm đạo (Kendo).

Kể từ khi tầng lớp samurai hình thành ở Nhật Bản từ thế kỷ VIII, nghệ thuật chiến tranh được tôn vinh như hình thái học thuật cao nhất, được nuôi dưỡng bởi tinh hoa của cả Thiền tông và Thần đạo. Còn Kiếm đạo luôn đồng nghĩa với phẩm chất cao quý của samurai.

Musashi là một samurai ở đầu thời kỳ Tokugawa. Nhưng khác với các samurai từ bỏ đao kiếm, Musashi vẫn kiên trì theo đuổi mẫu hình kiếm khách lý tưởng, kiếm tìm sự giác ngộ trên con đường gian nan của Kiếm đạo. 

Trong phần “binh pháp” ngắn gọn nằm trong Địa Chi Quyển của Go Rin No Sho, ta có thể thấy triết lý của Musashi ngay trong lời phê phán những samurai vì mưu sinh mà kiếm tiền bằng nghề dạy đánh kiếm: “Nếu nhìn vào thế giới, ta thấy chư nghệ được đem bán như những món hàng. Người ta dùng vũ khí để bán chính bản thân của mình. Giống như tách hạt ra khỏi hoa, rồi đánh giá hạt thấp giá trị hơn hoa. Nghĩ về binh pháp theo cách đó, cả người dạy lẫn người học đều chú tâm để phô bày kỹ thuật hoa mỹ. Họ tìm cách để ép đóa hoa nở vội. Họ nói về “Đạo trường này Đạo trường kia.” Họ tìm kiếm tư lợi. Có người đã từng nói: “Binh pháp sơ lậu là căn nguyên khổ ải.” Lời nói thật chí lý.”

Cuộc đời hy sinh cho kiếm đạo, chấp nhận lối sống khổ hạnh và nhẫn nhục của Musashi đã đi vào văn học, trong đó có tác phẩm kinh điển Miyamoto Musashi của văn hào Yoshikawa Eiji (Cát Xuyên Anh Trị). Tiểu thuyết kiếm hiệp này là best-seller ở nước Nhật thời trước Đệ nhị Thế chiến. Cuộc đời và lý tưởng võ sĩ đạo cao cả của Musashi đã góp lửa cho những quan điểm cực đoan của người Nhật khi tiến hành những cuộc chiến quy mô lớn ở Châu Á và Thái Bình Dương. Rồi khi thế chiến kết thúc và Nhật Bản bại trận, người dân Nhật đọc lại Miyamoto Musashi và dựa vào nguồn lực tinh thần của Musashi để tái thiết đất nước trong hoàn cảnh: đất nước điêu tàn bên ngoài, con người đổ vỡ bên trong. 

Kiếm khách vô song thế kỷ XVII Musashi tiếp tục đồng hành với người dân Nhật trong suốt thế kỷ XX. Tinh thần Musashi dẫn dắt Nhật Bản trỗi dậy trong thế kỷ XIX thành cường quốc trong thế kỷ XX.

Miyamoto Musashi là hoài niệm và là viễn tượng của tinh thần Nhật Bản.

Shinmen Musashi no Kami Fujiwara no Genshin (Tân Miễn Vũ Tàng Thủ Đằng Nguyên Huyền Tín), được biết nhiều hơn với tên Miyamoto Musashi, sinh năm 1584 trong một gia đình samurai có gốc gác lâu đời. Số phận nghiệt ngã đến với ông rất sớm khi trở thành trẻ mồ côi năm bảy tuổi.

Năm mười ba tuổi, với sức vóc mạnh mẽ hơn lứa tuổi của mình cộng với tài năng và sự liều lĩnh bẩm sinh, Musashi đã tham gia cuộc quyết đấu đầu tiên của đời mình với kiếm thủ Thần Đạo Lưu có tên là Arima Kihei (Hữu Mã Hỉ Binh Vệ). Chỉ với thanh mộc kiếm, Musashi đã đánh gục kiếm thủ lớn tuổi hơn. Năm mười sáu tuổi Musashi tham dự cuộc quyết đấu thứ hai và đánh bại võ sĩ tài năng Akiyama (Thu Sơn).

Sau trận chiến Sekigahara, Musashi đến Kyōto là kinh đô Nhật Bản lúc bấy giờ để tìm gia đình cừu hận Yoshioka (Cát Cương), thách đấu và đánh bại cả ba anh em võ sĩ lừng danh của gia tộc này. Sau cuộc quyết đấu có tính chất phục hận này, Musashi từ bỏ thiết kiếm và chỉ sử dụng mộc kiếm. Trong một lần thách đấu với kiếm sĩ giỏi nhất của lãnh chúa Matsudaira (Tùng Bình), Musashi dụng song kiếm đánh bại võ sĩ này nhưng không giết chết. Ngay lập tức chính lãnh chúa Matsudaira thách đấu với Musashi và bị Musashi dùng tuyệt chiêu “Thạch Hỏa” đánh bại. Matsudaira chấp nhận thua cuộc, mời Musashi ở lại và tôn làm sư phụ.

Musashi tung hoành ngang dọc Nhật Bản đến năm hai chín tuổi. Giai đoạn này giúp Musashi có những trải nghiệm để xây dựng kiếm pháp của riêng mình. 

Kiếm pháp do Musashi sáng tạo dựa trên kinh nghiệm chiến đấu thực tế. Ông là bậc thầy của các trường phái song kiếm (Nitō Ryū – Nhị Đao Lưu, Niten Ichi Ryū – Nhị Thiên Nhất Lưu, Shinmen Niten Ichi Ryū – Tân Miễn Nhị Thiên Nhất Lưu) sử dụng một trường kiếm và đoản kiếm. Kiếm pháp do Musashi sáng tạo sử dụng hai thanh trường kiếm có tên là Niten Ichi Ryū. Tên này là từ tư thế cầm hai trường kiếm cũng có thể là đặt theo pháp danh của ông là Niten Dōraku (Nhị Thiên Đạo Lạc). Tuyệt chiêu của kiếm pháp Niten là dùng “hợp kiếm”, và “giao kiếm”: hai thanh kiếm cùng lúc nhắm tới mục tiêu thay vì một thanh phòng thủ và một thanh tấn công. 

Vào độ tuổi gần ba mươi, Musashi trở thành huyền thoại sống và được coi là Đệ nhất kiếm khi ông đánh bại đại cừu thù và cũng là kiếm thủ thượng thừa Sasaki Korijō (Tá Tá Mộc Tiểu Thứ Lang), một đại cao thủ của Nhạn điểu công thủ kiếm pháp, ở Ganryū Jima. Ông đánh bại Sasaki bằng một thanh mộc kiếm tự đẽo từ mái chèo của con thuyền ông dùng để ra đảo. 

Ở tuổi ba mươi, sau khoảng sáu mươi trận quyết đấu bất bại, Musashi bỗng từ bỏ tất cả. Có lẽ ở đỉnh cao danh vọng, ông nhận ra rằng nhân vô thập toàn. Từ năm ba mươi tuổi đến năm năm mươi tuổi, kiếm khách Musashi trở thành một nghệ nhân lừng danh trong các lĩnh vực nghệ thuật mà ông tham gia: điêu khắc, thư pháp và tranh thủy mặc. 

Suốt phần đời còn lại, ông chỉ luyện kiếm, dạy kiếm, phát triển kiếm pháp, nghiên cứu binh pháp và viết sách. Ông thực hành, chiêm nghiệm Thiền đạo và Kiếm đạo. Musashi trở thành biểu tượng của sự phá chấp, từ hành động đến nhận thức. 

“Thần đạo và Kiếm đạo vốn dĩ chỉ là một. Vì cả hai cùng dẫn đưa con người đến một mục đích là diệt ngã.” 

Đệ nhất kiếm khách Musashi đã trở thành Kiếm thánh, một kiếm khách và là một đại thiền sư. 

Ngoài kiếm đạo, tất cả những lĩnh vực nghệ thuật mà Musashi tham gia, từ thư pháp, tranh thủy mặc đến tranh khắc gỗ, từ rèn kiếm đến điêu khắc, ông đều là bậc thầy. Ông trở thành bậc thầy vì ông không có thầy. Ông tự mình tu dưỡng, tìm tòi, cải cách, sáng tạo, xóa bỏ mọi lối mòn, kể cả lối mòn do chính mình tạo ra. 

Ông đập vỡ chấp ngã để hòa hợp với âm dương, với thiên địa. Con người hòa nhập với tự nhiên để trở thành nhất thể.

Ông nói: “Không có nghề cao quý, chỉ có con người cao quý. Không có kiếm pháp vô địch, chỉ có con người vô địch.”

Ông cũng nói: “Khi ngươi đã thấu hiểu cái đạo của binh pháp, sẽ chẳng có một thứ gì ngươi không thể hiểu.”

Dã sử kể lại rằng Musashi quen biết một thiền sư là Takuan Sōhō (Trạch Am Tông Bành). Thiền sư Takuan còn là một kiếm khách rất giỏi. Ông viết cho học trò của mình, một kiếm khách lừng danh là Yagyū (Liễu Sinh), một lá thư nói về tương quan giữa Thiền và Kiếm thuật. Bức thư này về sau được nhắc đến với cái tên Fudōchi Shinmyō Roku (Bất Động Trí Thần Diệu Lục). Nội dung thư đã ảnh hưởng rất nhiều đến nền tảng triết lý của Musashi. 

Ở tuổi năm mươi ông viết: “Ta đã nhận ra chân đạo.”

Kể từ đây, ông bắt đầu đối diện với một thách thức là phải viết ra một Heihō (binh pháp) của riêng mình. Sau vài năm, ông viết xong một cuốn sách về quy tắc kỹ thuật của kiếm pháp, tức là binh pháp nhìn từ nhãn quan riêng của Musashi. Cuốn binh pháp nhỏ này có tên gọi Heihō Sanjūgo Kajō (Binh pháp tam thập ngũ cá điều. Tạm dịch: 36 điều về binh pháp).

Năm 1643 Musashi quy ẩn trong một hang núi có tên Reigendo. Ở đây, trong những tuần lễ cuối đời, ông viết cuốn binh thư Go Rin No Sho.

Go Rin No Sho là một cuốn sách mỏng về binh pháp nhưng kể từ khi được dịch sang Anh ngữ với tên A Book of Five Rings nó đã được nghiền ngẫm khắp nơi, từ giảng đường Đại học Harvard đến các phòng họp của các nhà chiến lược kinh doanh. Các chính trị gia, các chỉ huy quân sự cao cấp cũng tìm thấy trong tác phẩm này những nguyên tắc binh pháp chưa bao giờ sai suốt ba trăm năm kể từ khi được viết ra.

Tạp chí Time ca ngợi cuốn sách rất ngắn gọn: “Ở phố Wall, khi Musashi cất tiếng, mọi người phải lắng nghe.” 

Time cũng viết “Go Rin No Sho là câu trả lời của Nhật Bản cho Harvard MBA.”

Những doanh nhân Việt Nam đang khát khao chinh phục thị trường phương Tây giống như người Nhật đầu thế kỷ rất nên đọc cuốn sách này. Bởi như Time Out viết: “Nếu bạn tò mò tại sao người Nhật có thể xông pha giữa cộng đồng kinh doanh phương Tây dễ như lưỡi kiếm samurai cắt ngang miếng bơ, câu trả lời không nằm trong những xí nghiệp hay những máy móc tự động. Câu trả lời nằm trong binh thư Go Rin No Sho.”

Giới quân sự và chính trị so sánh Go Rin No Sho với Binh pháp Tôn Tử khi cho rằng binh pháp của Tôn Tử chỉ là sách dành cho bậc tướng, còn Go Rin No Sho mới là sách cho bậc vương.

Dựa trên triết lý của Thiền tông và cách tiếp cận thực dụng để làm chủ kỹ năng chiến thắng, Go Rin No Sho được cho là cuốn hàm súc nhất đã từng được viết ra trên thế giới này. Với doanh nhân, đây là cuốn cẩm nang chiến lược kinh doanh. Với nhà chính trị và quân sự, đây là cẩm nang binh pháp. Với tất cả những ai yêu thích nghệ thuật sống và sáng tạo độc đáo của phương Đông, đây là cuốn sách mỏng không dễ đọc nhưng rất đáng để nghiền ngẫm.

Go Rin No Sho ngày nay đứng đầu bảng trong tất cả các tàng thư Kiếm đạo. Đây là cuốn sách độc đáo nhất trong các sách binh thư khi nó đề cập đến binh pháp chiến trận và thuật chiến đấu cá nhân bằng cùng một cách tiếp cận. Cuốn sách không phải là lý thuyết về kiếm pháp, mà theo lời của Musashi cuốn sách này là cẩm nang cho những người muốn học binh pháp. Trong phần “Khái lược nội dung của ngũ quyển” ông viết: “Nếu ngươi đã tinh thông các nguyên lý của kiếm pháp, khi ngươi tùy ý tấn công một người và hạ hắn ta một cách dễ dàng thì ngươi có thể hạ được bất cứ ai trên thế gian. Tinh thần để đánh thắng một người và tinh thần đánh bại ngàn vạn người không có gì khác nhau.” 

Là cẩm nang, nội dung của Go Rin No Sho luôn vượt lên trên tầm hiểu biết của hầu hết độc giả. Đọc càng nhiều lần, người đọc càng tìm thấy nhiều điều trong sách. Đây cũng là tinh thần mà Musashi muốn người đọc phải tự mình thu nhận: “Binh pháp gia từ tiểu sự mà nhìn ra đại sự, tương tự như điêu khắc nên tượng Phật khổng lồ từ mộc nhân làm mẫu cao bằng hai gang tay. Ta khó có thể dùng ngôn từ để thuật lại chi tiết cách thực hiện điều đó. Nguyên lý của binh pháp là “nhất dĩ quán chi”, nắm được một điều thì suy ra được vạn sự.”

Nhãn quan Kiếm đạo trong sách của Musashi cực kỳ đa dạng. Kẻ nhập môn có thể đọc sách này ở mức nhập môn. Những bậc thầy cũng đọc những trang sách này nhưng ở các tầng cao hơn. Sách không chỉ áp dụng cho lĩnh vực quân sự, mà có thể làm kim chỉ nam cho bất cứ chiến lược gia nào, ở bất kỳ lĩnh vực nào cần đến nghệ thuật tư duy cao cấp. 

Mọi kế hoạch kinh doanh, mọi chiến dịch quân sự, đều có thể dùng Go Rin No Sho làm cẩm nang dẫn lối. Ai cũng có thể đọc Go Rin No Sho để hoàn thiện cuộc sống của mình. Và triết lý của cuốn binh thư này có thể đồng hành cùng người đọc trong suốt cuộc đời.

Cuốn Go Rin No Sho – Ngũ Luân Thư mà quý độc giả đang cầm trên tay là bản dịch của dịch giả Bùi Thế Cần. Bản dịch Ngũ Luân Thư này dựa vào các bản tiếng Anh: A Book of Five Rings của Victor Harris do The Overlook Press xuất bản năm 1974, The Book of Five Rings của Nihon Services Corporation do Bantam Books xuất bản năm 1982; có tham khảo bản tiếng Nhật kim văn của Kamata Shigeo (Liêm Điền Mậu Hùng) xuất bản năm 1986, và các bản dịch nội gia của Hà Ngân và Mạnh Sơn từ bản tiếng Trung và tiếng Nhật kim văn. Do bản dịch không được dịch thẳng từ nguyên tác bằng tiếng Nhật cổ văn nên chắc chắn sẽ còn những sai sót. Mong độc giả lượng thứ và góp ý để lần tái bản được tốt hơn.

Dịch giả Bùi Thế Cần nguyên là giáo sư Pháp văn Đại học Văn Khoa Sài Gòn. Hiện ông lui về chốn vắng để dành thời gian cho niềm đam mê của mình là nghiên cứu và tập luyện song kiếm theo trường phái Niten Ichi Ryū của Kiếm thánh Miyamoto Musashi. Ông cũng là võ sư Aikido đệ lục đẳng, có nhiều đóng góp cho phong trào Aikido ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tủ sách Omega của Alpha Books xin giới thiệu đến quý độc giả bản dịch Ngũ Luân Thư rất tài hoa của dịch giả Bùi Thế Cần. 

NGUYỄN PHƯƠNG VĂN


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.