Ngũ Luân Thư
THUỶ CHI QUYỂN
(mizu no maki)
Dẫn nhập
Tinh thần binh pháp của môn phái Nhị Thiên Nhất Lưu là tinh thần của Thủy. Thủy Chi Quyển giảng về các phương pháp chiến thắng với kiếm pháp của Nhị Thiên Nhất Lưu. Không thể dùng ngôn ngữ để cắt nghĩa Đạo một cách chi tiết, nhưng vẫn có thể lĩnh hội Đạo bằng trực giác. Hãy nghiên cứu cuốn sách này, đọc từng chữ và suy ngẫm. Nếu ngươi hiểu ý nghĩa một cách thờ ơ tùy tiện qua loa đại khái, ngươi sẽ lạc Đạo.
Các nguyên lý về binh pháp được viết ra đây dưới dạng các cuộc tỉ thí cá nhân, nhưng ngươi phải suy rộng ra và nhờ đó hiểu được chiến lược của các trận chiến có hàng vạn người mỗi phe.
Binh pháp khác với những việc khác ở chỗ là nếu ngươi hiểu nhầm dù chỉ một phần nhỏ của Đạo ngươi sẽ bị lúng túng và lạc vào tà đạo.
Nếu chỉ đọc quyển sách này ngươi sẽ không lĩnh hội được tinh túy của binh pháp. Phải thấm nhuần những gì được viết ra trong sách này. Không chỉ đọc, học thuộc hay mô phỏng, mà phải làm sao để ngươi thu nạp những nguyên lý đó vào trong tâm, ngươi mới có thể dung hòa chân ý (của binh pháp này) vào thân xác của ngươi.
Tâm thế trong binh pháp
Nên giữ cho mình một tâm thế bình thản, bất kể lúc lâm trận hay trong cuộc sống thường ngày, ngươi phải bình tĩnh lạnh lùng. Khi gặp tình huống, ngươi mới không căng thẳng hay dao động bởi chính tâm thế của mình. Dù tinh thần có thanh thản thì cũng đừng thư giãn thể xác, dù thả lỏng thể xác thì cũng không được để tinh thần trở nên uể oải. Đừng để thể xác ảnh hưởng đến tinh thần, cũng đừng để tinh thần chế ngự thể xác. Không nên quá sung hay quá xìu. Một tinh thần bị kích động sẽ trở nên yếu đuối, và một tinh thần chậm chạp cũng vậy. Đừng để đối phương nhìn ra tinh thần của ngươi. Tâm thế của kẻ thấp bé cũng phải như một tráng sĩ, tâm thế của một tráng sĩ cũng phải giống một kẻ thấp bé. Dù vóc dáng ngươi như thế nào, ngươi đừng bị dẫn dắt sai lầm bởi các phản ứng của cơ thể. Với tinh thần cởi mở và thoải mái, ngươi hãy suy ngẫm mọi sự từ góc nhìn cao hơn. Phải trau dồi trí tuệ và tinh thần của ngươi để phân định: công bình, chính tà để thông hiểu Đạo của từng nghề trong bách nghệ. Khi ngươi không thể bị người ta lừa gạt, đó là lúc ngươi đã đạt được sự khôn ngoan mà binh pháp gọi là “Trí”.
“Trí” trong binh pháp khác với các sự việc khác. Ngay cả khi bị tấn công dồn ép trên chiến trường, ngươi cũng không ngừng nghiên cứu các nguyên lý của binh pháp, thấu triệt đạo lý của nó từ đó ngươi mới có được một ý chí kiên định.
Tư thế trong binh pháp
Vào thế thủ với đầu thẳng, mắt nhìn thẳng phía trước, không cúi xuống cũng không ngước lên, càng không quay sang trái, sang phải. Ấn đường không nhíu lại. Mắt không được đảo vòng quanh hay chớp mà khép hờ. Với vẻ mặt điềm tĩnh, ngươi phải giữ thẳng đường sống mũi, cánh mũi hơi phồng.
Giữ gáy cho thẳng, dồn lực vào đường chân tóc cũng như từ vai xuống khắp châu thâu. Hai vai hạ thấp, hai mông thu gọn, ngươi hãy dồn lực vào phần bắp chân tính từ đầu gối đến gót chân. Dồn lực vào bụng dưới để thót hông. Gài đoản kiếm vào đai sát bụng dưới, nhờ đó đai của ngươi không bị lỏng lẻo. Điều này được gọi là “nêm kiếm”.
Trong mọi môn phái binh pháp, việc duy trì tư thế chiến đấu trong cuộc sống hằng ngày và biến tư thế thường nhật của ngươi thành một tư thế chiến đấu là vô cùng cần thiết. Người phải nghiên cứu kỹ điều này.
Nhãn pháp
Tầm mắt nhìn phải rộng và bao quát. Đây là cách nhìn “quan” và “kiến”. Quan thì mạnh còn kiến thì yếu.
Trong binh pháp, điều quan trọng là phải nhìn các sự vật ở nơi xa như thể đang ở gần và nhìn sự vật gần với một khoảng cách xa. Phải hiểu được kiếm của đối thủ và không bị chi phối bởi những chuyển động vô nghĩa của thanh kiếm đó. Đây là cốt tủy của binh pháp, ngươi phải nghiền ngẫm cho kỹ càng. Nhãn pháp là giống nhau cả trong quyết đấu cá nhân lẫn binh pháp của một trận đánh lớn. Trong binh pháp, phải nhìn được cả hai phía mà không cần phải đảo mắt. Ngươi có thể không nắm bắt được khả năng này một cách nhanh chóng. Hằng ngày hãy tập nhãn pháp được viết ra ở đây và đừng thay đổi dù trước mắt xảy ra bất cứ chuyện gì.
Thủ pháp với trường kiếm
Hãy nắm trường kiếm với một cảm giác thoáng rộng và thoải mái trong ngón cái và ngón trỏ trong khi ngón giữa không sát cũng không lỏng và các ngón cuối siết chặt. Không nên cầm kiếm một cách lỏng lẻo.
Khi ngươi rút kiếm ra, ngươi chỉ có mục tiêu duy nhất là chém ngã đối thủ. Khi chém đối thủ ngươi không được thay đổi cách nắm và không được chùng tay. Khi bạt kiếm đối thủ hay đẩy nó ra hoặc ghìm nó xuống, ngươi phải hơi thay đổi cảm giác của ngón cái và ngón trỏ. Quan trọng hơn hết, ngươi phải quyết tâm khi chém đối thủ theo cách ngươi nắm kiếm.
Thủ pháp cầm kiếm trong quyết đấu và trong thử kiếm đều giống nhau. Không có cái gọi là “cách cầm kiếm để chém người”.
Nói chung, ta không thích cứng nhắc trong thủ pháp cũng như kiếm pháp. Tay cứng nhắc là một cánh tay chết. Mềm dẻo mới là một cánh tay sống. Ngươi phải ghi lưu trong tâm trí điều này.
Bộ pháp
Về cách di chuyển chân: Các đầu ngón chân hơi rướn lên, gót chân trụ vững trên mặt đất. Dù di chuyển nhanh hay chậm, bước chân lớn hay nhỏ, chân ngươi phải luôn giống như khi đi lại bình thường. Ba loại bộ pháp mà ta không thích là phi bộ, phù bộ và định bộ.
Trong Đạo binh pháp, “Âm dương bộ” rất quan trọng. Âm dương bộ có nghĩa là không di chuyển bằng một chân. Nó có nghĩa di chuyển đôi chân trái – phải và phải – trái lúc chém, lúc thu chiêu và lúc gạt kiếm. Ngươi cũng không nên ưu tiên di chuyển chân nào cả.
Năm tư thế
Năm tư thế đó là: thượng đẳng, trung đẳng, hạ đẳng, tả cánh, hữu cánh. Mặc dù chia thành năm tư thế như vậy nhưng tất cả các tư thế đều nhắm mục đích duy nhất là để chém đối thủ. Không còn tư thế nào khác ngoài năm tư thế này.
Dù ở tư thế nào cũng đừng cố công suy nghĩ về tư thế, mà ngươi nên tập trung nghĩ đến chém kẻ địch. Tư thế ngươi có thể rộng hoặc hẹp tùy ý theo tình huống. Thượng đẳng, trung đẳng hay hạ đẳng là những tư thế vững chãi. Tư thế trái – phải tư thế linh hoạt. Tư thế tấn công trái – phải thích hợp trong hoàn cảnh phía trên bị chặn còn hai bên thoáng rộng. Quyết định dùng tư thế trái hay phải là tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Cái tinh túy của Đạo nằm ở chỗ: Để hiểu thế nào là thủ thế, trước tiên ngươi phải hiểu được tư thế trung đẳng. Tư thế trung đẳng là trung tâm của mọi tư thế. Nếu nhìn binh pháp với tư duy của trận đánh quy mô lớn thì tư thế trung đẳng tương đương vị trí của chủ tướng và bốn thế kia xoay theo vị chủ tướng đó. Ngươi phải hiểu được tầm quan trọng của việc này.
Đạo của trường kiếm
Biết được cái Đạo của trường kiếm có nghĩa là ta có thể dùng hai ngón tay để điều khiển thanh kiếm ta mang theo. Hiểu được đường loang tự nhiên của lưỡi kiếm, ta có thể loang kiếm một cách dễ dàng.
Nếu ngươi có ý đồ học kiếm một cách nhanh chóng, ngươi có thể hiểu nhầm Đạo. Để loang kiếm một cách đúng phép, ngươi phải làm một cách trầm tĩnh. Nếu ngươi tìm cách múa kiếm như với một cây quạt xếp hay với một thanh đoản kiếm, ngươi sẽ lầm lẫn “vì phép chém đoản kiếm”. Ngươi không thể dùng trường kiếm chém một người bằng phép chém đó.
Khi ngươi cầm trường kiếm chém xuống, lúc hồi kiếm ngươi phải nhấc thẳng nó lên; khi ngươi đã chém xéo, ngươi trở kiếm về theo cùng một đường như vậy. Hãy hồi kiếm một cách hợp lý với khuỷu tay dang rộng, vung kiếm mạnh mẽ. Đó là cái Đạo của trường kiếm.
Nếu ngươi học sử dụng năm cách tiếp cận theo binh pháp của ta, ngươi sẽ có thể múa kiếm một cách thuần thục. Ngươi cần phải tập luyện chăm chỉ.
Năm cách tiếp cận (năm hướng)
I.
Cách tiếp cận thứ nhất là ở tư thế trung đẳng. Khi đối diện kẻ địch hãy chĩa mũi kiếm hướng vào mặt y. Khi đối thủ phản đòn, hãy đẩy và áp chế kiếm y về bên phải hoặc ép kiếm của y xuống dưới. Khi đối thủ tấn công bằng cách chém từ trên xuống, để chuyển hướng tấn công của đối thủ, giữ kiếm ngươi để đỡ ngay lúc chém, và đúng lúc đối thủ tấn công lại thì chém vào hai cánh tay của y từ phía dưới. Đây là phương thức thứ nhất.
Năm phép tiếp cận là kiểu như vậy. Ngươi phải liên tục luyện tập trường kiếm để nắm bắt được chúng. Khi đã ngươi đã nắm được cái Đạo trường kiếm của ta, ngươi sẽ có thể chế ngự mọi đòn tấn công của địch. Ta đảm bảo Nhị Đao không có chiêu thức nào khác ngoài năm tư thế này. Điều quan trọng nhất vẫn là dốc công rèn luyện.
II.
Trong phép tiếp cận thứ hai, nắm trường kiếm ở phía trên đầu, từ tư thế thượng đẳng ngươi chém kẻ địch từ trên đầu xuống ngay lúc y tấn công. Nếu y thoát được nhát chém, ngươi hãy giữ kiếm ở đúng phương vị và vớt kiếm từ dưới lên để chém vào y khi y tiếp tục tấn công. Có thể lặp lại phép chém từ dưới lên như vậy.
Phương thức này có nhiều cách biến hóa về nhịp điệu và tâm thế. Ngươi sẽ hiểu được điều này nhờ luyện tập Nhất Lưu. Ngươi sẽ luôn luôn chiến thắng với năm phương thuật của trường kiếm. Ngươi phải miệt mài luyện tập.
III.
Trong phương thuật tiếp cận kiếm thứ ba, cầm kiếm ở tư thế hạ đẳng với dự cảm chém vào tay đối thủ từ dưới lên khi y tấn công. Khi ngươi chém vào tay đối thủ, y có thể tìm cách chém bạt kiếm ngươi. Trong trường hợp này, ngươi hãy chém ngang vào hai tay trên của y với một cảm giác “giao kiếm”. Điều này có nghĩa là từ tư thế hạ đẳng ngươi chém vào đối thủ ngay lúc y tấn công.
Ngươi sẽ thường xuyên gặp tình huống này, bất luận lúc ngươi là người mới tập hay cao thủ kiếm thuật sau này. Ngươi phải luyện cho được phép cầm trường kiếm.
IV.
Trong phép tiếp cận thứ tư, ngươi đứng ở tư thế thủ bên trái. Khi đối phương tấn công, ngươi đâm vào tay y từ bên dưới. Khi ngươi chém vào tay đối thủ, y tìm sẽ cách đánh bạt kiếm ngươi xuống, ngươi đỡ dọc theo đường kiếm của y với cảm giác như thể đang chém vào tay của đối thủ và vung kiếm bạt chéo ở tầm ngang vai của ngươi.
Đây là cái Đạo của trường kiếm, nhờ phương thuật này ngươi chiến thắng bằng cách đỡ đòn tấn công của đối phương. Ngươi phải nghiên cứu kỹ điểm này.
V.
Trong phép tiếp cận thứ năm, kiếm ngươi ở tư thế thủ bên phải. Đồng thời với đòn tấn công của đối phương, ngươi hãy đánh chéo lên từ dưới để vào tư thế thượng đẳng rồi chém thẳng từ trên xuống dưới.
Phương thuật này là thiết yếu để biết rõ được cái Đạo của trường kiếm. Nếu ngươi sử dụng được phương pháp này, ngươi có thể múa trường kiếm nặng nề một cách tự do thoải mái.
Ta không thể mô tả chi tiết hơn về năm phép tiếp cận đó. Ngươi phải quen thuộc với Đạo “Kiếm thuật hài hòa” của ta, học cách tính toán nhịp phách trong binh pháp, nhìn thấu trường kiếm của đối thủ, quen với việc luyện tập năm phép tiếp cận ngay từ khi nhập môn. Ngươi sẽ luôn chiến thắng bằng cách sử dụng năm phép tiếp cận cùng với cân nhắc nhịp đi và nhận biết tinh thần của đối thủ. Ngươi phải nghiền ngẫm những điều này một cách cẩn thận.
Về thế thủ không thủ thế
Thế thủ không thủ thế có nghĩa là ta không cần đến năm tư thế kể trên.
Ngay cả như vậy, năm thế thủ vẫn tồn tại trong năm phép cầm trường kiếm. Khi ngươi cầm kiếm, nhất định phải ở một trong năm tư thế đó để có thể dễ dàng chém đối thủ tùy theo tình huống, địa thế và khoảng cách với kẻ địch. Từ tư thế thượng đẳng, khi tinh thần ngươi giảm nhẹ, ngươi có thể chuyển vào tư thế trung đẳng và từ tư thế trung đẳng ngươi có thể nhấc kiếm lên một chút theo đúng kỹ thuật của ngươi và vào tư thế thượng đẳng. Từ tư thế hạ đẳng ngươi có thể nhấc kiếm lên một chút và vào tư thế trung đẳng theo đúng tình huống yêu cầu.
Tùy theo tình huống, nếu ngươi chuyển kiếm từ thế thủ bên trái hoặc bên phải vào trung tâm, ngươi sẽ ở vào thế trung đẳng hoặc hạ đẳng.
Nguyên lý này được gọi là “thế thủ bất thủ thế”.
Việc đầu tiên khi cầm kiếm trong tay là ngươi phải có ý định chém đối thủ, bất kể bằng cách nào. Mỗi lần ngươi đỡ, đánh, đâm, chém hay va vào lưỡi kiếm của đối thủ, ngươi phải chém được đối thủ ngay từ một động tác như vậy. Đạt được điều này là việc thiết yếu. Nếu ngươi chỉ chăm chăm đến đánh, đâm, nhảy lên hay chạm vào đối thủ thì ngươi không thể tập trung vào việc thực sự chém trúng hắn ta. Trên hết mọi việc, ngươi phải đưa ý nghĩ chém đối thủ vào hành động tấn công thì mới có thể chém được đối thủ. Ngươi phải tìm hiểu thấu đáo vấn đề này.
Các tư thế và phương thuật này trong binh pháp của những trận đại chiến được gọi là “dàn trận”. Nó là tối quan trọng để thắng trận. Một thế trận cố định chỉ có đường chết. Hãy ghi nhớ điều đó.
Đánh một nhịp phách
Khi ngươi áp sát kẻ địch, ngươi chém y càng nhanh, càng trực tiếp càng tốt, không cần di chuyển thân pháp hay ổn định tinh thần, trong lúc y còn chưa kịp quyết định động thủ. Điều này được gọi là đánh đúng nhịp. Chớp nhịp di chuyển để chém trước khi kẻ thù quyết định rút lui hoặc giãn ra hoặc tấn công được gọi là đánh một nhịp phách.
Ngươi phải không ngừng rèn luyện để đạt đến trình độ chớp thời cơ chém trong chớp mắt.
Hai nhịp lưng (nhị yên)
Khi ngươi tấn công và địch thủ lui còn nhanh hơn, vào lúc ngươi cảm nhận là y đang căng thẳng, ngươi giả vờ chém một đòn gió trượt. Trong khoảnh khắc y thư thái, ngươi tiến lên và chém. Đây là kỹ thuật hai nhịp lưng.
Thực khó mà đạt được điều đó chỉ với việc đọc quyển sách này, thế nhưng ngươi sẽ hiểu ngay với một chút chỉ dẫn.
Vô niệm vô tướng
Theo phương thuật này, khi kẻ địch tấn công cùng lúc ngươi cũng quyết định tấn công, ngươi hãy chém bằng cả thân xác và ý chí của ngươi, chém kiếm từ “Không” bằng hai tay, và gia tốc thật mạnh. Đây là phép chém “vô niệm vô tướng”.
Đây là kỹ thuật chém kiếm quan trọng nhất, nó được sử dụng rất thường xuyên. Ngươi phải luyện tập gian khổ để hiểu và nắm bắt được nó.
Phép chém lưu thủy
Phép lưu thủy được dùng khi ngươi đang tương tranh với địch, kiếm gài kiếm. Khi địch giãn ra và rút lui nhanh bằng cách nhảy lùi ra sau với trường kiếm của y, ngươi hãy rướn hết cơ thể và tinh thần, chém y một cách chậm rãi, để kiếm của ngươi đi theo thân thể của ngươi như làn nước đọng. Ngươi có thể chém được đối thủ một cách chắc chắn nếu ngươi học được phép chém này. Ngươi phải nhận định được đẳng cấp của địch thủ.
Phép chém liên tục
Khi ta tấn công và địch thủ cũng tấn công, hai kiếm cùng vung lên, ngươi hãy nhằm vào đầu, tay và chân địch thủ trong một đường kiếm, khi bằng một đường kiếm người chém nhiều nơi cùng một lúc thì đường kiếm đó gọi là phép chém liên tục. Ngươi phải tập đường kiếm này vì nó rất thường dùng. Với sự luyện tập kỹ lưỡng ngươi sẽ có thể hiểu được chiêu thức đó.
Phép chém thạch hỏa
Phép chém này có nghĩa là khi hai trường kiếm giao nhau, ngươi chém hết sức mà không cần nâng kiếm lên dù chỉ một chút. Điều này có nghĩa là chém thật nhanh bằng tay, thân hình và bằng chân. Cả ba đều chém một cách mãnh liệt. Nếu ngươi luyện tập đầy đủ ngươi sẽ có thể chém nhanh mạnh như vũ bão.
Phép chém hồng điệp
Phép chém này có nghĩa là đánh cho địch rơi trường kiếm. Phải để kiếm của y nằm trong tầm kiểm soát của ý chí ngươi. Khi địch thủ thủ thế trước mặt ngươi, có ý xuất chiêu, ngươi dùng chiêu thạch hỏa hoặc “vô niệm vô tướng” dồn sức đánh mạnh vào trường kiếm của y. Nếu lúc đó ngươi tập trung đánh cho rơi kiếm của y, chắc chắn y sẽ để rơi kiếm. Nếu ngươi chăm chỉ luyện tập, thì ngươi có thể dễ dàng đánh rơi kiếm của địch thủ bằng chiêu thức này. Ngươi cần phải luyện đi luyện lại không ngừng.
Phép dụng thân thay kiếm
Còn được gọi là “dụng kiếm thay thân”. (Tachi Ni Kawaru Mi To Iu Koto) Thông thường ta di chuyển thân và kiếm cùng một lúc để chém địch thủ. Thường là ta phóng người tới trước rồi chém kiếm sau. Tuy nhiên, tùy theo phương thức tấn công của địch thủ ta có thể lao vào người y rồi vung kiếm chém. Nếu kẻ địch bất động, ngươi có thể chém kiếm của y trước, nhưng thông thường chém vào thân thể y trước thì tốt hơn. Đây gọi là “nhân kiếm hợp nhất”. Ngươi phải nghiền ngẫm kỹ điều này và tập cách chém.
Chém và xả
Chém và xả là hai chiêu khác nhau. Trong thế chém, dù là hình thức nào đi chăng nữa thì vẫn có tính cố định với một tinh thần dứt khoát. Trong khi đó, xả kiếm chỉ nhằm chạm vào kẻ địch. Ngay cả khi ngươi xả rất mạnh và ngay cả khi kẻ địch bị giết chết thì đó cũng là xả. Khi ngươi chém, tinh thần ngươi phải kiên nghị. Ngươi phải nhận định được sự khác biệt giữa hai cách đánh đó. Nếu thoạt tiên ngươi xả vào tay hoặc chân địch thủ thì sau đó ngươi phải chém một cách mạnh mẽ quyết liệt. Tinh thần của “xả” là “chạm” vào. Khi ngươi nhận ra được điều này, chém và xả sẽ cần phân định. Ngươi phải học kỹ điều này.
Thân pháp “thu hầu”
Thân pháp này nhằm không dang rộng hai tay. Chủ ý là nhanh chóng thu lại hoàn toàn không để hai tay bung ra trước lúc kẻ địch chém. Nếu ngươi chủ ý không dang tay ra thì cố nhiên ngươi ở cách xa đối thủ, tinh thần lúc đó là toàn thân ngươi nhanh chóng nhập nội áp sát đối thủ. Khi ngươi đã vào bên trong tầm tay thì toàn thân của ngươi trở nên dễ dàng di chuyển để nhập nội. Ngươi phải tìm hiểu điều này đến nơi đến chốn.
Thân pháp keo sơn
Tinh ý của thân pháp keo sơn là dán chặt vào kẻ địch và không tách ra khỏi y. Khi nhập nội, ngươi phải gắn chặt với đối thủ bằng cả đầu mình và đôi chân. Người ta dễ dàng di chuyển đầu và chân còn thân thì chậm chạp. Ngươi phải bám đối thủ chặt như hình với bóng, không để ra một kẽ hở nào giữa thân thể ngươi và kẻ địch. Ngươi phải học cho tốt thân pháp này.
Tranh cao
Tranh cao có nghĩa là tìm cách ở thế cao hơn đối thủ mà không cúi người khi lâm trận. Khi tiếp cận đối thủ, ngươi đừng do dự, hãy duỗi chân, rướn hông và rướn cổ để tranh cao với y. Khi ngươi nghĩ rằng đã thắng và cao hơn y, ngươi hãy đâm kiếm quyết liệt. Ngươi phải học điều này.
Niêm kiếm
Hai bên giao tranh bằng trường kiếm, khi tiếp chiêu đòn tấn công mạnh mẽ của đối thủ ngươi phải giữ trường kiếm của mình gắn chặt với kiếm của đối thủ. Cái đạo của niêm kiếm không phải là đánh mạnh mà là ghìm kiếm thật chặt không để chúng rời nhau. Tốt nhất là tiếp cận đối thủ càng nhẹ nhàng càng tốt khi chém kiếm vào kiếm của đối thủ để niêm chặt lại. Sự khác biệt giữa niêm và gài là việc niêm kiếm thì vững còn gài thì yếu. Ngươi phải phân biệt rõ điểm khác nhau này.
Đánh bằng thân
Chiêu đánh bằng thân là đưa thân mình nhập nội áp sát đối thủ. Ý nghĩa sâu xa của nó là dùng chính thân thể người để tấn công đối thủ, hơi nghiêng mặt qua một bên và dùng vai trái hích vào ngực đối thủ. Tiếp cận đối thủ với tinh thần đẩy văng kẻ thù ra xa, hích mạnh hết sức giữa hai hơi thở được kiểm soát. Nếu ngươi đạt được phương thuật nhập nội đối phương như vậy, chiêu này của ngươi sẽ có thể đánh y bật xa mười đến hai mươi trượng. Thậm chí có thể đẩy y vào chỗ chết. Ngươi hãy luyện tập cho tốt.
Ba cách phòng ngự
Có ba phương thuật để đỡ một đòn chém:
Đầu tiên, bằng cách đẩy trường kiếm của đối thủ về phía bên phải của ngươi như thể là ngươi đang đâm vào mắt y lúc y vừa mới xuất chiêu.
Hoặc, đỡ bằng cách đẩy trường kiếm của địch thủ về hướng mắt phải của y với cảm giác như muốn cắt cổ y.
Hoặc, ngươi dùng đoản kiếm, ngươi không lưu tâm đến việc đỡ trường kiếm của đối thủ, né mình và nhanh chóng nhập nội. Nắm tay trái đấm vào mặt y.
Đây là ba phương thuật để đỡ, ngươi phải luôn nhớ trong đầu. Để làm được điều này cần phải luyện tập.
Kỹ thuật giao đấu đâm thẳng vào mặt
Đâm thẳng vào mặt có nghĩa là khi đối mặt với kẻ địch, chủ đích của ngươi là đâm mũi kiếm vào mặt đối thủ, thuận theo hướng lưỡi kiếm tấn công. Khi tinh thần của ngươi là đâm kiếm vào mặt đối thủ, mặt và thân người của y trở nên dễ dàng khống chế, vì thế ngươi sẽ có nhiều cơ hội để chiến thắng. Ngươi phải tập trung vào vấn đề này. Khi lâm trận và thân xác đối thủ trở nên dễ khống chế thì người có thể nhanh chóng chiến thắng, ngươi không được quên ý định đâm vào mặt đối thủ. Ngươi phải truy tầm giá trị của chiêu thức này qua chuyên luyện.
Đâm vào tim
Đâm vào tim có nghĩa là trong hoàn cảnh giao đấu tại nơi có chướng ngại phía trên và hai bên, hoặc bất luận là khó chém đến đâu, ngươi phải đâm đối thủ. Ngươi phải xỉa vào ngực của y mà không để mũi kiếm của ngươi chao đảo, làm cho đối thủ nhìn thấy sống vuông của kiếm và tưởng chủ đích của ngươi là gạt đường kiếm của y. Tinh thần của nguyên lý này được ứng dụng khi ngươi mệt mỏi hay vì một lý do gì đó khiến trường kiếm của ngươi không chém được. Ngươi phải hiểu được cách vận dụng chiêu này.
Quát thét
Quát thét có nghĩa là khi địch tìm cách phản đòn, ta lập tức phản công lại từ bên dưới như thể muốn đâm vào y, cố gắng ghìm y xuống. Rồi chớp thời cơ, ta vừa chém vừa quát thét. Khi đâm lên: “Katsu” và khi chém “Totsu”! Cơ hội như vậy thường lặp đi lặp lại khi hai bên giao thủ. Quát thét phải đúng cách nhằm kết hợp đồng bộ nhát chém cùng với việc nâng trường kiếm lên như thể để đâm địch thủ. Ngươi phải tập chiêu thức này bằng cách tập luyện đi luyện lại nhiều lần.
Tạt đỡ
Tạt đỡ ở đây có nghĩa là khi giao kiếm với địch thủ, ngươi sẽ đỡ đòn tấn công của đối phương theo nhịp “chát-chát”, vừa tạt kiếm đối phương vừa chém vào y. Cái chủ ý của tạt đỡ không nhằm để đỡ hoặc để tạt kiếm một cách mạnh mẽ, mà nhằm tạt gạt kiếm của đối thủ cùng lúc y tấn công, rồi chủ động chém y thật lẹ. Nếu ngươi nắm được thời điểm tạt kiếm thì dù hai kiếm vỗ vào nhau mạnh đến mức nào chăng nữa, mũi kiếm của ngươi cũng không bật lui dù chỉ một chút. Ngươi phải tìm cách hiểu đầy đủ để nhận ra được điều này.
Phép chống lại đám đông
Phép chống lại đám đông được áp dụng khi đơn độc chiến đấu chống lại nhiều người. Ngươi hãy rút cả trường kiếm lẫn đoản kiếm và tạo ra thế thủ dang rộng về hai bên phải và trái. Xoay vòng thật rộng từ trái qua phải rồi lùi xuống. Kẻ thù có thể tấn công từ bốn hướng nhưng phải dồn chúng về một phía. Khi kẻ thù tấn công, ngươi hãy quan sát và nhận ra được kẻ nào tấn công đầu tiên và kẻ nào tiếp theo đó, trong khi hai kiếm thay phiên nhau chém trái-phải. Đứng chờ là thất sách. Ngươi hãy luôn luôn nhanh chóng thay đổi thế thủ trái-phải, chém đối thủ khi chúng tiến đến, dồn chúng về phía chúng đang lao tới. Dù làm thế nào đi nữa, ngươi cũng phải tìm cách đẩy chúng dồn về một phía như cách người ta buộc một xâu cá, và khi chúng đã chồng chất lên nhau thì ngươi hãy chém mạnh đừng để chúng có chỗ để di chuyển.
Nên luyện tập cùng nhiều người, tạo thành phản xạ có điều kiện, như thế một mình ngươi có thể đánh thắng được mười, hai mươi người. Hãy chăm chỉ luyện tập, ngươi sẽ lĩnh hội được ý nghĩa sâu xa của nó.
Lợi thế của quyền cước
Ngươi có thể biết được cách chiến thắng với trường kiếm bằng sử dụng binh pháp, nhưng những chỗ tinh tế và thần diệu nhất lại không thể dùng ngôn từ câu chữ để biểu đạt. Chỉ có thể lĩnh hội được thông qua việc rèn luyện.
Khẩu quyết: “Qua trường kiếm thể hiện chân đạo binh pháp.”
Nhất phát
Ngươi có thể nắm chắc chiến thắng với tinh thần “nhất phát”. Nếu ngươi bỏ công theo đuổi con đường này thì binh pháp sẽ xuất phát từ tâm và ngươi sẽ có khả năng chiến thắng theo ý muốn của mình. Ngươi phải chuyên tâm luyện tập.
Nguyên lý “thân thụ”
Thân thụ là cách thức mà chân đạo của Nhị Thiên Nhất Lưu được truyền thụ và kế thừa.
Khẩu quyết: Thân thụ ngôn giáo (giảng giải bằng lời và lấy mình làm gương).
Lời bạt cho Thủy Chi Quyển
Trên đây chỉ là cương mục của kiếm thuật phái Nhất Lưu. Để học được cách chiến thắng bằng trường kiếm trong binh pháp, trước tiên phải nắm được năm tư thế và năm phép tiếp cận, cảm nhận sâu sắc cái đạo của trường kiếm trong tâm thể ngươi. Ngươi phải hiểu được tinh thần và thời cơ, nắm giữ trường kiếm một cách tự nhiên. Thân pháp và bộ pháp của ngươi phải hài hòa với ý chí. Bất luận là chiến đấu chống một hay nhiều người thì ngươi cũng sẽ hiểu giá trị của binh pháp.
Hãy nghiên cứu nội dung của tập Thủy Chi Quyển này, dành thời gian nghiềm ngẫm từng đề mục một, và qua các trận giao đấu với kẻ địch, ngươi sẽ dần lĩnh hội được tinh túy của “Đạo”.
Suy sâu nghĩ kỹ, bình tâm tĩnh tại, tiếp thu ưu điểm. Hãy duy trì tinh thần mỗi khi đọ kiếm với kẻ thù.
Con đường thiên lý bắt đầu từ những bước chân đầu tiên như thế, hãy bước đi từng bước từng bước một.
Hãy nghiên cứu binh pháp qua năm tháng để đạt được tinh thần võ sĩ đạo. Hôm nay phải chiến thắng bản thân mình của ngày hôm qua, ngày mai sẽ là chiến thắng của ngươi trước các đối thủ tầm thường. Sau này, để hạ được những tay kiếm thượng thừa, ngươi hãy rèn luyện theo quyển sách này, đừng để ý chí ngươi bị dao động. Cho dù hạ được đối phương, nếu điều đó không căn cứ theo những gì đã học được thì đó không phải là chính đạo.
Nếu ngươi đạt được Đạo của chiến thắng này, ngươi sẽ có thể lấy một người địch mười người. Kiếm thuật, cái mà ngươi đã lĩnh hội được trong các cuộc giao tranh và tỉ thí, sẽ là thứ còn lại mãi.
Ngày Mười hai tháng Năm
năm Chính Bảo thứ hai (1645).
SHINMEN MUSASHI Teruo Magonojo
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.