Người Đức Dạy Con Trên Bàn Ăn
4. Những vấn đề đặc biệt
Trong chương này, bạn sẽ biết:
Quy tắc ăn uống quan trọng như thế nào đối với các trẻ béo phì?
Quy tắc ăn uống quan trọng như thế nào trong việc phòng tránh các chứng rối loạn tiêu hóa nghiêm trọng?
Những gì bạn nên biết về dị ứng thực phẩm và các phản ứng không mong muốn khác do thực phẩm gây ra?
Phải làm gì khi con không hấp thụ được chất dinh dưỡng do tiêu chảy hoặc nôn mửa?
⇢ Khi cân bằng cơ thể bị rối loạn
Khi cơ thể bị thừa chất:Béo phì
Béo phì TẤT CẢ CÁC CHUYÊN GIA ĐỀ̀U NHẤT TRÍ RẰNG: Ngày càng có nhiều trẻ em ở Đức, đặc biệt là các em trong độ tuổi đi học, mắc phải chứng béo phì. Các em không những phải chịu sức ép về mặt tâm lý mà lâu dài còn phải gánh chịu các hậu quả xấu ảnh hưởng đến sức khỏe: xương và khớp của các em phải tải một trọng lượng cơ thể quá lớn và hệ tuần hoàn do đó cũng bị ảnh hưởng, các em thường hay mắc chứng bệnh cao huyết áp hoặc tiểu đường.
- Cách sinh hoạt tạo nên sự khác biệt
Trẻ em càng nặng cân thì càng khó vận động – một điều trớ trêu là chính vận động thân thể sẽ giúp các em cải thiện tình trạng béo phì của mình. Càng ít vận động thì trẻ tăng cân càng nhanh – đây là một vòng luẩn quẩn rất nan giải với các em. Yếu tố di truyền cũng là một nguyên nhân quan trọng gây ra chứng béo phì (80% các trường hợp trẻ em trong cùng độ tuổi có cân nặng khác nhau là do yếu tố di truyền). Mặc dù vậy, không có đứa trẻ nào chỉ vì di truyền mà lại bị thừa cân cả. Điểm mấu chốt ở đây là: ở một số trẻ, chế độ dinh dưỡng không đúng cách và ít vận động không dẫn ngay đến chứng béo phì nhưng ở một số em khác, những em mà thường xuyên có thói quen ăn uống không đúng cách và ít vận động, thì béo phì là một hậu quả tất yếu. Chính thói quen và lối sống của chúng ta ngày nay đóng vai trò quyết định ở đây. Bạn sẽ không thể tìm ra được một lời giải thích nào xác đáng hơn cho việc ngày càng có nhiều trẻ em bị thừa cân. Rõ ràng là có một vài thói quen xấu tạo điều kiện cho bệnh béo phì phát sinh. Ví dụ:
Ít vận động
Chế độ dinh dưỡng chứa nhiều chất béo
Ăn vặt tự do không đúng bữa (trong đó bao gồm đồ ngọt và các loại đồ ăn không có lợi cho sức khỏe khác)
Đặc biệt nguy hiểm là thói quen ngồi hàng tiếng đồng hồ trước màn hình ti vi: Trẻ không hề vận động thân thể trong khi xem ti vi, nhiều bé còn hay ăn trong lúc xem. Thường thì những đồ ăn này lại chứa nhiều chất béo hoặc nhiều đường hoặc có khi là cả hai. Thói quen xấu này hội tụ đầy đủ chế độ dinh dưỡng không đúng cách: ăn đồ ngọt và béo chứa nhiều calo, ăn không đúng bữa và ít vận động. Với những trẻ lớn tuổi hơn, mối liên quan giữa thói quen xem ti vi nhiều và bệnh béo phì còn rõ ràng nhận thấy hơn so với những bé nhỏ tuổi.
- Làm thế nào để nhận biết một đứa trẻ bị mắc chứng béo phì?
Chúng ta không thể chỉ nhìn một đứa trẻ và bảo rằng nó “quá béo”. Ở phần trước, chúng tôi đã giải thích về biểu đồ tăng trưởng. Biểu đồ này có thể cung cấp cho ta những thông tin bổ sung quan trọng. Một chẩn đoán bệnh chính xác nhất chỉ có bác sĩ nhi mới đưa ra được: một bác sĩ nhi có thể khẳng định được lượng mỡ trong cơ thể trẻ bằng việc đo độ dày của vết nhăn trên da.
Chỉ số BMI(1)
Các bác sĩ nhi cũng có thể đo chỉ số BMI của trẻ và dựa vào đó để khẳng định xem cân nặng của trẻ có ở trong giới hạn tương xứng với độ tuổi hay không. Chỉ số này cho ta biết tương quan giữa chiều cao và cân nặng của trẻ có ở trong mức hợp lý hay không.
Chỉ số BMI được tính đơn giản theo công thức sau đây:
Ví dụ nếu bạn cao 1,70 m và nặng 60 kg thì chỉ số BMI của bạn sẽ là:
Với một chỉ số BMI dưới 21, bạn còn cách xa mức béo phì. Đối với người trưởng thành, mức béo phì cấp độ nhẹ bắt đầu từ BMI 25 trở lên và cấp độ nặng từ BMI 30 trở lên.
Với trẻ em, công thức tính cũng đơn giản như vậy. Tuy nhiên, chỉ số BMI nói lên điều gì về thể trạng cơ thể của các em còn tùy thuộc vào độ tuổi của chúng. Như bạn đã biết, từ khi sinh ra cho đến năm 6 tuổi, lượng mỡ trong cơ thể trẻ sẽ giảm đi liên tục. Sau 6 tuổi, lượng mỡ sẽ lại tăng lên một cách rõ rệt, ở các bé gái, lượng mỡ sẽ tăng nhanh hơn ở các bé trai. Kết quả là: một bé gái 6 tuổi có chỉ số BMI từ 18 trở lên sẽ bị coi là béo phì và một bé gái 11 tuổi chỉ bị coi là béo phì nếu bé có chỉ số BMI từ 22 trở lên. Hai ví dụ minh họa:
Bé Silvia 6 tuổi, cao 1,20 m và nặng 28 kg. Chỉ số BMI của bé (28:1,44) sẽ là 19, như vậy có thể coi là bé bị béo phì. Bé Klara 11 tuổi, cao 1,50 m và có cân nặng là 48 kg. Chỉ số BMI của bé (48:2,25) sẽ là 21, còn cao hơn chỉ số BMI của bé Silvia. Tuy nhiên, với độ tuổi của Klara thì chỉ số này vẫn nằm trong giới hạn cho phép.
Vì bảng phân loại chỉ số BMI theo độ tuổi rất phức tạp nên chúng tôi không muốn đưa ra ở đây. Nếu không an tâm, bạn có thể liên lạc với bác sĩ của con. Không hiếm các trường hợp cha mẹ lo lắng quá mức, cho rằng con mình bị “thừa cân” trong khi trên thực tế cân nặng của bé vẫn nằm trong mức hoàn toàn bình thường. Muốn biết con có bị thừa cân hay không, bạn hãy tính chỉ số BMI của con và so với bảng phân loại các mức BMI theo độ tuổi. Trong trường hợp con thật sự bị béo phì thì sự trợ giúp của bạn dành cho con là vô cùng cần thiết.
- Phải giúp con thế nào khi con bị thừa cân?
Tỉ lệ thành công của việc điều trị chứng béo phì ở trẻ em và cả ở người lớn, đáng tiếc là rất thấp. Cho nên cách phòng tránh mới thực sự là quan trọng. Việc tuân thủ quy tắc ăn uống, kết hợp với việc cho con vận động thường xuyên chính là cách phòng tránh hữu hiệu nhất. Bằng cách này, bạn đã chuẩn bị cho con những điều kiện tối ưu để phòng bệnh, con khó có thể mắc bệnh béo phì. Tuy nhiên, có thể xảy ra trường hợp bé vẫn tăng cân và trở nên nặng ký hơn so với các bạn cùng trang lứa. Nguyên nhân là cơ thể của bé đã đạt đến khối lượng được quy định bởi gen mà bé nhận được từ cha mẹ. Trong trường hợp này, bạn nên giúp con cảm thấy thoải mái với cơ thể của mình. Đáng tiếc là những trẻ mới chỉ hơi nặng cân một chút – ngay cả khi các em không thực sự mắc chứng béo phì – cũng đã phải chịu đựng một áp lực rất lớn. Các em thường bị bạn bè chế giễu và bị người lớn thúc ép.
Trong trường hợp con thực sự quá béo và đi lại khệ nệ, hãy giúp con bằng cách động viên thay vì tạo sức ép.
Khuyến khích con vận động
Nếu tình trạng béo phì chưa quá nguy hiểm, các bé sẽ không phải giảm cân. Chỉ cần giữ nguyên cân nặng hiện tại cũng đủ rồi vì các bé còn phát triển thêm nữa. Nếu bé giữ nguyên được cân nặng như hiện tại và không tăng cân thì theo thời gian, các bé sẽ dài ra, lúc đó cân nặng sẽ tương quan với chiều cao. Quan trọng là, bạn phải khuyến khích bé hạn chế xem ti vi và thay vào đó là vận động thân thể nhiều hơn. Với các bé bị béo phì nhẹ, cần khuyến khích các bé luyện tập thể thao. Chơi bóng đá, đạp xe, bơi lội, nhảy nhót – có rất nhiều hoạt động thể dục thể thao có thể tạo hứng thú cho các bé. Nếu bạn cũng tham gia cùng bé và dành thời gian rảnh rỗi để cùng bé vận động thì đó sẽ là một sự trợ giúp đắc lực.
“Moby Dick” & “Obeldicks”
Việc khuyến khích một đứa trẻ thực sự mắc chứng béo phì tập thể dục thể thao không hề dễ dàng. Nếu cha mẹ mà không suy nghĩ kĩ và đăng kí cho con tham gia vào một câu lạc bộ thể thao bất kì nào đó, con không những sẽ không theo kịp các bạn khác trong câu lạc bộ mà còn bị các bạn ấy chê cười. Cha mẹ làm như vậy sẽ phản tác dụng.
Tốt hơn hết, cha mẹ nên tìm cho con một câu lạc bộ dành cho những trẻ bị béo phì, cùng nhau tham gia sinh hoạt với sự hợp tác của cha mẹ. Ví dụ như một vài năm trước ở thành phố Hamburg của Đức, người ta đã thành lập một câu lạc bộ mang tên “Moby Dick Club”. Ở mỗi khu vực của thành phố lại có những nhóm sinh hoạt chung dành cho trẻ em béo phì với những cái tên ngộ nghĩnh như “Những chú voi ma mút” hay “Anh em nhà chuối mặc Piyama”. Tại đây, các trẻ béo phì sẽ gặp gỡ nhau mỗi tuần một lần dưới sự dẫn dắt của một đội ngũ phụ trách có chuyên môn và cùng nhau học về chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe cũng như tự tay chế biến ra các món ăn bổ dưỡng. Ngoài ra, nhóm còn có các hoạt động thể thao và vui chơi phong phú dành cho các em. Mục tiêu quan trọng của nhóm là nâng cao sự tự tin và tính tự giác cho các em. Trong các kỳ nghỉ hè, người ta còn tổ chức thêm các hoạt động dã ngoại, thi đấu thể thao v.v… Cho đến nay, mô hình này đã phát triển thành một mạng lưới toàn bang. Bạn có thể tìm hiểu thêm về những câu lạc bộ tương tự có tại nơi bạn đang sinh sống.
“Obeldicks” là tên của một chương trình khác đang áp dụng các liệu pháp hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành công. Chương trình này được tiến sĩ Thomas Reinehr, đang làm việc tại phòng khám dành cho trẻ em ở thành phố Datteln với sự hợp tác của Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng dành cho Trẻ em, phát triển. Trẻ em tham gia chương trình này sẽ được điều trị trong vòng một năm dưới sự giám sát của cha mẹ. Chương trình cũng kết hợp dinh dưỡng đúng cách với việc tập huấn cho phụ huynh, luyện tập thể thao, vui chơi và rèn luyện sự tự tin cho trẻ. Người ta đã chứng minh được tính hiệu quả của chương trình này và nhận thấy, những thành công đạt được vẫn còn thấy rõ sau hai năm kết thúc điều trị.
Không ăn kiêng!
Trong bất cứ trường hợp nào bạn cũng không được phép kê cho con một thực đơn ăn kiêng. Làm như vậy sẽ vi phạm quy tắc ăn uống vì như thế nghĩa là bạn là người đưa ra quyết định cho việc con được phép ăn bao nhiêu. Bạn hãy đừng bao giờ làm như vậy nhé! Không ai có quyền bắt người khác phải chịu đói và bạn cũng không được phép làm như vậy với con mình. Con sẽ cảm thấy bị tổn thương và chạnh lòng.
Bên cạnh đó thì ăn kiêng cũng không có tác dụng như nhiều người vẫn lầm tưởng: trẻ bị ép ăn kiêng, trong đầu sẽ không nghĩ đến thứ gì khác ngoài thức ăn và sẽ tận dụng bất kỳ cơ hội nào trẻ chớp được để “ăn bù”.
Cả hai chương trình thành công chúng tôi đề cập đến ở phần trên “Moby Dick” và “Obeldicks” cũng không hề áp dụng phương thức ăn kiêng. Họ chỉ dạy cho trẻ kiến thức nền tảng về việc dinh dưỡng đúng cách, nội dung của tháp dinh dưỡng cũng như giúp trẻ vận dụng những kiến thức này vào thực tế.
Những nguyên tắc ăn uống dành cho trẻ gầy cũng đúng với trẻ béo phì.
Bạn đừng bao giờ đối xử với con đặc biệt hơn so với anh chị em của chúng chỉ vì con bị béo phì. Tháp dinh dưỡng áp dụng cho cả trẻ gầy lẫn trẻ béo cũng như cho cả các bậc phụ huynh. Ăn nhiều hoa quả, rau xanh, các loại ngũ cốc nguyên cám và ăn ít chất béo – điều này áp dụng cho cả trẻ gầy và trẻ thừa cân. Tất cả các bữa ăn trong ngày – ba bữa chính và hai bữa phụ – nên diễn ra tại bàn ăn và giữa các bữa ăn không nên cho trẻ ăn vặt bất cứ thứ gì – điều này cũng áp dụng cho cả trẻ gầy và trẻ thừa cân.
Không nên cho trẻ – dù béo hay gầy – được tự do ăn đồ ngọt. Trẻ chỉ nên được phép giải khát bằng nước lọc thay vì các loại đồ uống có đường. Trẻ nào cũng nên vận động nhiều và thỉnh thoảng cũng phải được “ăn thỏa thích”. Nếu bạn mà đối xử với đứa con thừa cân của mình khác với các con khác trong bữa ăn chỉ vì cân nặng thì bé sẽ cảm thấy bị “ra rìa” và mọi chuyện sẽ chỉ tồi tệ hơn mà thôi.
Hãy giúp con vượt qua mặc cảm với thân hình nặng ký của mình
Các bé thừa cân nếu được cha mẹ cho ăn mặc đúng cách cũng có thể trông rất đẹp và gọn gàng. Tuy vậy, các bé vẫn khó có thể tránh khỏi những lời chế giễu của bạn bè. Hãy coi trọng những bất an của con. Hãy tin là con có thể vượt qua được và cho con lời khuyên phải cư xử như thế nào khi bị bạn bè châm chọc. Ví dụ con có thể phản ứng lại bằng cách nói: “Tớ béo thì đã sao – còn hơn cậu là cái đồ ngốc. Tớ có thể giảm cân – còn cậu thì làm được gì nào?”
Đừng bao giờ nghĩ rằng concó thể gầy đi một cách dễ dàngnếu con nỗ lực.
Điều đó sẽ không có tác dụng và sẽ chỉ làm bạn thêm thất vọng cũng như khiến cả bạn và con thêm áp lực mà thôi. Đã là thành công lắm rồi khi con giảm cân được đến mức không gặp phải các vấn đề về sức khỏe nữa và có thể vận động thân thể thoải mái. Không phải trẻ nào cũng có thể gầy đi một cách dễ dàng và giữ nguyên được một vóc dáng như vậy. Đối với một số trẻ, cái giá phải trả cho việc giảm cân là rất lớn: Bạn có muốn con mình gầy đi nhưng lại cô đơn, lúc nào cũng nghĩ đến ăn và chẳng còn thú vui nào khác? Đặc biệt là các bé gái trong độ tuổi dậy thì còn có nguy cơ mắc phải một chứng bệnh vô cùng nguy hiểm do áp dụng các thực đơn ăn kiêng khắc nghiệt gây ra.
Khi cơ thể không còn phản ứng gì nữa:Rối loạn ăn uống
CÓ HAI CHỨNG BỆNH RẤT NGHIÊM TRỌNG liên quan tới thói quen ăn uống bị rối loạn hoàn toàn: chứng biếng ăn tâm lý và chứng cuồng ăn. Thuật ngữ chuyên ngành là Anorexia và Bulimia. Cả hai chứng bệnh này đều không phát triển ngay từ những năm đầu đời của trẻ, mà chỉ xuất hiện khi trẻ đến tuổi dậy thì hoặc vào những năm đầu tiên của tuổi trưởng thành. Nếu bạn chỉ có con trai thì bạn không nên lo lắng quá về điều này, bởi có đến hơn 90% các trường hợp mắc bệnh xảy ra ở các bé gái hoặc phụ nữ trưởng thành.
- Chứng biếng ăn tâm lý (Anorexia)
Biếng ăn tâm lý là một căn bệnh rất nặng và đôi khi còn nguy hiểm đến tính mạng. Cứ 1000 bé gái trong độ tuổi mới lớn và các cô gái trẻ thì có khoảng 5 người mắc căn bệnh này.
Khi bệnh bùng phát, các bé gái thường đang trong độ tuổi từ 15 – 19. Các bé gái trong độ tuổi nhỏ hơn (12 trở xuống) rất hiếm khi mắc phải căn bệnh này.
Các bé gái mắc bệnh ăn vô cùng ít, ngoài ra còn có biểu hiện chủ định nôn mửa, hoạt động quá sức và lạm dụng thuốc men như thuốc nhuận tràng, thuốc làm giảm sự ngon miệng và thuốc làm tiêu nước trong cơ thể. Cơ thể sẽ ngày càng gầy rạc đi. Đến kỳ không thấy kinh nguyệt xuất hiện. Trong trường hợp nghiêm trọng còn tổn thương đến các cơ quan nội tạng. Bệnh nhân bắt buộc phải được điều trị tại cơ sở y tế và không những thế còn phải áp dụng các liệu pháp tâm lý cần thiết. Tiếc là không phải bệnh nhân nào cũng có thể vượt qua được căn bệnh này. Một phần tư các trường hợp mắc bệnh không khỏi bệnh và khoảng 5% trong số đó sẽ chết.
Những tấm gương xấu
Thói quen ăn uống bị rối loạn hoàn toàn và việc bị sụt cân nghiêm trọng là biểu hiện bên ngoài của căn bệnh này. Rối loạn thực sự nằm trong tâm trí của người bệnh. Những người mắc phải căn bệnh này đã đánh mất nhận thức về vấn đề ăn uống và về hình thể của họ. Họ luôn có cảm giác là cơ thể mình rất béo và trở nên ám ảnh với việc bị tăng cân. Tất cả chỉ là những ý nghĩ bệnh hoạn do bệnh nhân tưởng tượng chứ không phản ánh thực tế. Các cơ chế trong cơ thể có chức năng quy định việc ăn uống theo nhu cầu đã biến mất hoàn toàn.
Như bị thôi thúc, bệnh nhân cố đạt được các “chuẩn mực” sai trái về hình thể. Thường để chữa trị bệnh này, bệnh nhân phải bị bắt ép. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Có nhiều nhân tố khác nhau có thể dẫn đến căn bện này. Một trong số đó có thể là do các bé gái trong độ tuổi dậy thì thường không hiểu rằng việc lượng mỡ trong cơ thể tăng lên ở độ tuổi này là hoàn toàn bình thường. Với các bé gái này, độ tự tin phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hình thức bên ngoài. Họ muốn có một thân hình mảnh dẻ y như các “cô gái đẹp nhất trong các cô gái đẹp” – các cô người mẫu mình dây trên truyền hình. Mong ước có một thân hình lý tưởng là một trong các nguyên nhân dẫn đến việc các bé gái có một cảm nhận không đúng đắn về cơ thể của mình. Trong độ tuổi dậy thì, cơ thể phải tích tụ đủ mỡ mới có thể phát triển một cách khỏe mạnh được! Nếu chúng ta mà không chỉ rõ cho các em thấy điều này, trong phạm vi gia đình cũng như ngoài xã hội, căn bệnh nguy hiểm này sẽ tiếp tục lan rộng.
Các nhân tố gây bệnh khác bao gồm gia đình bất hòa và việc thiếu khả năng giải quyết mâu thuẫn. Trong một vài năm gần đây, người ta còn chứng minh được một số trường hợp mắc bệnh do những biểu hiện bất thường ở hệ thần kinh.
Cả những trải nghiệm với việc ăn uống trong những năm đầu đời cũng rất có thể là một nguyên nhân gây bệnh: trẻ nào mà khi còn bé đã bắt nạt và “lừa gạt” được bố mẹ bằng thói quen không chịu ăn của mình thì sẽ có xu hướng làm điều tương tự khi đến tuổi dậy thì. Hay trẻ nào mà khi còn bé không được phép ăn uống theo nhu cầu của cơ thể thì đến một lúc nào đó sẽ không còn khả năng cảm nhận được sự thèm ăn và do đó có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Chứng cuồng ăn (Bulimia)
Chứng ăn uống vô độ này không nguy hiểm bằng chứng biếng ăn tâm lý (Anorexia). Bệnh nhân không bị giảm cân quá trầm trọng. Phần lớn số người mắc bệnh có một trọng lượng cơ thể bình thường. Nguyên nhân nằm ở chỗ: một mặt, các cô gái trẻ mắc bệnh thường xuyên có các cơn thèm ăn không kiểm soát được và phải ăn ngấu nghiến một lượng thức ăn cực lớn. Nhưng vì không muốn bị tăng cân, họ lại chạy ngay vào phòng vệ sinh và nôn tất cả ra. Giữa hai cơn thèm ăn, họ thường cố gắng hạn chế lượng đồ ăn đưa vào cơ thể bằng việc nhịn ăn hoặc ăn kiêng – cho đến khi cơn đói dồn lại dần dần và dẫn đến cơn thèm ăn tiếp theo. Nhiều người còn dùng thêm các loại thuốc nhuận tràng hoặc thuốc giảm cân. Một vài người có thể giấu bệnh trong một thời gian dài. Thường thì bác sĩ nha khoa sẽ là người nhận ra căn bệnh: răng của bệnh nhân là bộ phận bị tổn thương đầu tiên. Tuy nhiên, việc nôn mửa liên tục như vậy về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ chế hoạt động của cơ thể.
Cũng như chứng biếng ăn tâm lý, rối loạn thực sự của những người mắc chứng cuồng ăn nằm trong trí óc của họ: bệnh nhân chú ý quá mức đến hình thể của mình. Nó gần như trở thành yếu tố duy nhất quyết định ý thức về giá trị bản thân của họ.
Ăn kiêng là nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân gây ra chứng cuồng ăn là gì? Câu trả lời là có nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng có một nguyên nhân chắc chắn đó là: Thường những cơn thèm ăn dữ dội sẽ bắt đầu xuất hiện sau khi người bệnh áp dụng các chế độ ăn kiêng trong một thời gian dài. Như vậy, việc hạn chế ăn uống phản theo nhu cầu của cơ thể có thể gây ra chứng bệnh cuồng ăn. Ngoài ra, người ta đã chỉ ra rằng đối với những người này, việc ăn uống thường được hiểu một cách sai trái: ăn là để đánh lạc hướng, để làm giảm căng thẳng hoặc để thưởng cho bản thân. Ngược lại, việc ăn để đáp ứng nhu cầu của cơ thể lại bị xếp vào hàng thứ yếu.
- Phòng tránh các chứng rối loạn ăn uống
Không có gì đảm bảo chắc chắn là bạn sẽ ngăn chặn được các chứng rối loạn ăn uống xảy đến với con khi chúng ta tuân thủ theo quy tắc ăn uống. Tuy nhiên, bạn sẽ góp phần rèn cho con một thói quen ăn uống lành mạnh và bằng cách đó sẽ phòng tránh được các chứng rối loạn ăn uống. Một khi bạn đã rèn rũa được cho con khả năng tin tưởng vào chính mình – trong lĩnh vực ăn uống cũng như trong tất cả các lĩnh vực khác – thì có thể nói bạn đã làm hết khả năng của mình rồi.
§ TỔNG KẾT
⇒ Với chứng béo phì: tuân thủ quy tắc – và không áp dụng ăn kiêng!
Béo phì là vấn đề dinh dưỡng thường gặp nhất trong xã hội ngày nay. Cách phòng tránh bệnh béo phì tốt nhất là tuân thủ theo quy tắc ăn uống. Bạn không làm được gì hơn đâu. Trong bất cứ trường hợp nào, bạn cũng không được phép bắt con ăn kiêng.
⇒ Với chứng biếng ăn và chứng cuồng ăn
Biếng ăn và cuồng ăn là hai chứng bệnh nan giải, thói quen ăn uống của người bệnh bị rối loạn hoàn toàn. Phần lớn người mắc bệnh là các bé gái trong độ tuổi thanh thiếu niên và phụ nữ trẻ. Đối với hai chứng bệnh này, bạn cũng có thể phòng tránh bệnh cho con bằng việc tuân thủ theo quy tắc ăn uống đã đưa ra.
⇢ Khi ăn uống làm con bị ốm
Chứng không dung nạp được thực phẩm
KHÔNG ĂN thì chúng ta không thể sống. Nhưng đôi khi ăn cũng làm cho chúng ta bị ốm. Không phải trẻ nào cũng có thể dung nạp được tất cả các loại thực phẩm. Các phản ứng không mong muốn của cơ thể lên đồ ăn có thể là đau đầu, có cảm giác khó chịu hoặc cũng có thể là các phản ứng sốc gây nguy hiểm đến tính mạng kèm theo ngất xỉu hoặc bất tỉnh. Việc cơ thể không thích ứng được với thực phẩm cũng thường được cho là có mối liên hệ với bệnh tật, mặc dù đến nay điều này vẫn chưa được chứng minh rõ ràng. Một ví dụ ở đây là chứng suy giảm khả năng tập trung (AD – ADHD).
- Dị ứng
Dị ứng là gì? Hệ thống phòng thủ của cơ thể người – hệ miễn dịch – phản ứng một cách vô cùng dữ dội với bất kỳ một vật thể lạ nào xâm nhập vào cơ thể. Với chứng dị ứng thực phẩm, các vật thể này chính là các protein lạ trong thức ăn. Khi ăn phải lần đầu tiên, hệ miễn dịch sẽ phát triển các tế bào tự vệ để chống lại các protein lạ này. Nếu sau đó ta ăn phải thức ăn có chứa loại protein này một lần nữa thì hệ miễn dịch sẽ chống trả lại một cách dữ dội. Các phản ứng này có thể xảy ra ngay lập tức hoặc cũng có thể bị trì hoãn trong khoảng thời gian từ 2 đến 48 tiếng sau khi ăn. Các biểu hiện có thể xảy ra là:
Phản ứng dữ dội kèm theo sốc và bất tỉnh.
Nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng (về lâu dài có thể gây ra các triệu chứng thiếu chất do chất dinh dưỡng không được hấp thụ đầy đủ).
Các chứng bệnh của đường hô hấp: sổ mũi, ho, hen suyễn.
Các triệu chứng viêm da như mẩn ngứa, mẩn đỏ, phát ban, mần da, phồng rộp, v.v…
Dị ứng thực phẩm thực sự hiếm gặp. Chỉ hai đến ba phần trăm trẻ dưới 3 tuổi mắc phải chứng bệnh này.
Có rất ít các loại thức ăn có thể gây ra dị ứng cho con người. Tuy nhiên các loại thức ăn này lại được chúng ta sử dụng thường xuyên và có mặt trong rất nhiều các loại thực phẩm, ví dụ như sữa, trứng, các loại hạt nhân và bột mì.
“Truy lùng thủ phạm”
Việc chẩn đoán một cách chính xác nguyên ngân gây bệnh là yếu tố quyết định trong việc điều trị chứng dị ứng thực phẩm. Đầu tiên cần kiểm tra xem có đúng loại thực phẩm mà bạn đang nghi ngờ thực sự đã gây ra các phản ứng dị ứng cho con nhiều lần liên tiếp hay không. Thêm vào đó, cần phải cho con đi xét nghiệm da. Nếu kết quả là âm tính thì khả năng dị ứng sẽ hoàn toàn bị loại trừ. Nếu xét nghiệm mà cho kết quả dương tính thì đó có thể là biểu hiện của chứng dị ứng đã có từ trước với một loại thực phẩm nhất định nào đó. Trong trường hợp này, bác sĩ nhi sẽ là người quyết định cho con thực hiện các khám, xét nghiệm tiếp theo.
Nhiều loại dị ứng thực phẩm sẽ tự mất đi mà không cần ta phải can thiệp. Nhất là đối với những trẻ bị dị ứng thực phẩm trong vòng ba năm đầu đời, các chứng dị ứng này thường sẽ tự biến mất.
Chứng dị ứng thực phẩm hay có liên quan đến bệnh viêm da. Nhưng chỉ ở một phần trẻ em, viêm nhiễm da mới là dấu hiệu của chứng dị ứng thực phẩm. Do da của trẻ chỉ phản ứng với loại thức ăn gây dị ứng sau 24 đến 36 tiếng đồng hồ ăn phải loại thức ăn này, nên sẽ rất khó để tìm ra chính xác loại thức ăn nào là nguyên nhân gây dị ứng.
- Các phản ứng không mong đợi khác của cơ thể lên thực phẩm
Các loại phản ứng không mong đợi khác của cơ thể lên thực phẩm mà không phải do dị ứng gây ra xuất hiện thường xuyên hơn nhiều. Hệ miễn dịch không đóng vai trò gì trong các trường hợp này.
Ví dụ như các loại thực phẩm có chứa chất sản sinh ra độc tố cũng gây ra các phản ứng dữ dội, như ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn Salmonella gây ra.
Một số trẻ không tiêu hóa được các loại màu thực phẩm, hương liệu hay các chất phụ gia nhân tạo khác được sử dụng trong một số loại thực phẩm. Trong trường hợp này, cơ thể trẻ sẽ phản ứng lại bằng chứng mần da.
Một ví dụ khác là chứng mẫn cảm với ngũ cốc đã được nhắc đến trong các chương trước. Đây là một chứng bệnh sẽ theo người bệnh đến hết đời.
- Cách điều trị và phòng tránh
Một khi bạn đã tìm ra được loại thực phẩm gây dị ứng cho con thì việc điều trị sẽ rất dễ dàng: gạch tên loại thực phẩm này ra khỏi thực đơn hàng ngày. Sau hai đến bốn tuần, các triệu chứng bệnh sẽ tự mất đi.
Loại dị ứng thực phẩm thường gặp nhất là dị ứng sữa bò. Gần ba phần trăm trẻ em mắc phải loại dị ứng này. Ở phần lớn các trẻ mắc bệnh (cụ thể là 80%), dị ứng sữa bò sẽ tự mất đi khi trẻ được 4 tuổi. Ở phòng khám của chúng tôi, chúng tôi vẫn thường kiểm tra xem sau một năm ngừng uống sữa, chứng mẫn cảm có còn hay không. Trước đó, con sẽ được cho uống sữa đậu nành hoặc sữa bò “thủy phân”, có nghĩa là sữa bò đã được tách thật nhỏ các thành phần cấu tạo.
Nếu chứng mẫn cảm mà kéo dài tới hơn ba năm thì có khả năng là nó sẽ theo con đến hết cuộc đời. Điều này cũng đúng với các loại dị ứng thực phẩm khác.
- Phòng tránh khi cần thiết
Nếu gia đình bạn mà có tiền sử mắc bệnh hen suyễn, viêm da hoặc viêm mũi dị ứng, thì nguy cơ con bị mắc bệnh này rất cao. Các biện pháp phòng tránh sau đây là rất cần thiết:
Nếu có thể, cho con ăn hoàn toàn bằng sữa mẹ trong vòng nửa năm. Bạn cũng nên gạch tên các loại thực phẩm “nguy hiểm” (các loại hạt, trứng, sữa) ra khỏi khẩu phần ăn của mình.
Nếu bạn cho con ăn dặm, hãy thực hiện theo lời khuyên của chúng tôi trong Chương ba: Mỗi lần đổi món, bạn chỉ nên cho con ăn một loại thức ăn duy nhất và hãy đợi vài ngày sau hãy cho con ăn một loại thức ăn khác. Bằng cách này, bạn sẽ dễ dàng tìm ra loại thức ăn nào thích ứng với con bạn và loại nào không.
Bạn chỉ nên cho con ăn các loại thức ăn được chế biến từ sữa bò, trứng và lúa mì khi con đã được 2 tuổi.
Quy tắc ăn uống vẫn được áp dụng trong trường hợp này!
Quy tắc ăn uống cũng áp dụng đối với các trẻ mắc chứng dị ứng thực phẩm. Bạn – các bậc cha mẹ – là người quyết định sẽ bày món gì lên bàn ăn. Các bạn nên điều chỉnh các bữa ăn tùy theo nhu cầu đặc biệt của con. Và con sẽ tự quyết định có ăn hay không và ăn bao nhiêu.
Những quy tắc để tạo thói quen ăn uống tốt cũng có thể áp dụng được cả trong những trường hợp trẻ không dung nạpđược thực phẩm.
Khi thức ăn không “ở lại”:Tiêu chảy và nôn mửa
CÁC CHỨNG BỆNH KÈM THEO TIÊU CHẢY VÀ NÔN xuất hiện đặc biệt thường xuyên ở trẻ em. Thường thì chúng được gây ra bởi vi – rút. Hơn 90% trong số các chứng bệnh này không nguy hiểm. Chúng thường kéo dài từ ba đến bảy ngày rồi tự mất đi – không phụ thuộc vào cách “chữa” của bạn.
- Ngăn chặn việc mất nước
Chỉ có một điều các bậc cha mẹ cần phải đặc biệt chú ý: không được để cho con bị mất nước! Không có vấn đề gì quá nghiêm trọng khi một đứa trẻ không ăn gì mấy trong vòng một vài ngày. Nhưng việc cơ thể bị mất nước chỉ được phép dừng lại ở một giới hạn cho phép. Con phải uống nhiều nước.
Bằng cách nào chúng ta có thể nhận ra cơ thể con đang bị mất nước? – Tốt nhất là thông qua tâm trạng của con: nếu con còn chơi đùa – cho dù có ít hơn mọi ngày đi chăng nữa – nghĩa là con vẫn chưa bị mất nước. Nếu con nằm rũ ra trên ghế sô – fa, bạn phải đưa con đến gặp bác sĩ ngay. Con phải được cho uống một loại nước phân giải đường – muối ngay lập tức. Loại nước này có bán tại các hiệu thuốc. Bạn hãy pha vào nước và cho con uống liên tục để tránh mất nước. Một điều mà nhiều người không biết: hỗn hợp nước đường – muối sẽ không cải thiện tình hình bệnh tiêu chảy của trẻ. Nó chỉ ngăn chặn việc mất nước mà thôi; nhưng nó rất quan trọng.
Cho đến nay, đã có nhiều nghiên cứu cho thấy (và kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta cũng chứng minh điều này): khi con không bị mất nước, tốt nhất hãy cho con ăn thức ăn như bình thường. Kể cả sữa con cũng được phép uống nếu nó làm cho con cảm thấy khỏe khoắn hơn.
- Tuân thủ quy tắc ăn uống
Khi con bị tiêu chảy, bạn cũng phải áp dụng quy tắc ăn uống: con sẽ hồi sức một cách nhanh nhất khi bạn cho con ăn như bình thường. Con sẽ tự quyết định:
“Mình có muốn ăn không?”
“Mình muốn ăn món nào?”
“Mình muốn ăn bao nhiêu?”
§ TỔNG KẾT
⇒ Không phải trẻ nào cũng tiêu hóa được mọi thứ
Một số loại thực phẩm sẽ gây ra các phản ứng dị ứng và khó chịu cho trẻ. Bạn phải tìm ra những loại thực phẩm nào con không dung nạp được và phải gạch tên chúng ra khỏi thực đơn nấu nướng trong một thời gian dài.
⇒ Trợ giúp khi con bị tiêu chảy và nôn
Tiêu chảy kèm theo nôn là một chứng bệnh rất thường gặp ở trẻ em. Thường thì sau một vài ngày nó sẽ tự mất đi. Bạn chỉ phải chú ý tránh cho con không bị mất nước và tốt nhất hãy cứ cho con ăn uống như bình thường.
➨ Lời kết
Chúng tôi đã thuyết phục được bạn hay chưa? Bạn có tin là con mình hoàn toàn có thể ăn uống đúng cách chỉ cần bạn giữ đúng quy tắc ăn uống đã giới thiệu không? Nếu bạn làm được điều đó thì tức là bạn đã tặng cho con một món quà hết sức quý giá. Bạn cho con thấy là bạn tin tưởng vào bản năng của con, bạn tin là con có thể ăn uống đúng theo nhu cầu của cơ thể. Bằng cách đó, bạn cũng giúp con nâng cao sự tin tưởng vào bản thân và phòng tránh được cho con chứng rối loạn ăn uống và chứng béo phì cũng như những giây phút căng thẳng bên bàn ăn.
Thành công đôi khi không đến ngay lập tức, mà phải sau một vài tuần, chúng ta mới thấy được tính hiệu quả. Không phải đơn giản để có thể duy trì đến ngày đó. Nguy cơ các bậc cha mẹ bỏ cuộc và lại tiếp tục ép buộc con cái ăn uống theo ý mình là rất lớn.
Bạn có cần một đồng minh không? Hãy nói chuyện với bác sĩ của con, bạn sẽ nhận được những lời khuyên đúng đắn.
Nhằm giúp cho bạn – các bậc cha mẹ yêu quý – có thể dễ dàng ghi nhớ quy tắc ăn uống của chúng ta, chúng tôi đã tổng hợp một số “Châm ngôn phòng bếp” trong phần phụ lục. Bạn có thể cắt chúng ra và dán trong phòng bếp như một công cụ hỗ trợ ghi nhớ.
Chúng tôi chân thành chúc các quý độc giả thân mến nhiều thành công và niềm vui trong nhiệm vụ không phải lúc nào cũng đơn giản này: cho phép con được ăn đúng cách.
Annette Kast – Zahn và Hartmut Morgenroth
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.