Người Đức Dạy Con Trên Bàn Ăn

2. Áp lực trong bữa ăn là do đâu?



Trong chương này, bạn sẽ biết:

  • Điều gì sẽ xảy ra nếu bố mẹ can thiệp quá nhiều?

  • Việc bố mẹ muốn quyết định con phải ăn bao nhiêu sẽ chẳng mang lại kết quả tốt đẹp gì.

  • Ngược lại, điều gì sẽ xảy ra nếu bố mẹ không mấy quan tâm: Cũng sẽ không tốt nếu bạn để con tự quyết định những gì sẽ được đặt trên bàn ăn và cách ăn uống khi ngồi trên bàn.

⇢ Khi bố mẹ can thiệp quá nhiều

Các bạn sẽ là người quyết định cái gì sẽ được đặt trên bàn ăn. Điều này đã được giải thích rất cụ thể ở chương đầu tiên. Tuy nhiên, việc con bạn có ăn hay không, hay chúng muốn ăn bao nhiêu lại do chính chúng quyết định. Còn nếu các bạn can thiệp vào quyền tự quyết định của chúng nghĩa là các bạn đã vi phạm nguyên tắc mà chúng tôi đã đề cập, các bạn đã phạm quy. Giữa cha mẹ và con cái rất dễ xảy ra những bất đồng không mấy dễ chịu trong vấn đề ăn uống. Và điều đó dẫn đến căng thẳng giữa hai bên: bố mẹ và con cái. Vấn đề không còn là “no” hay “đói” mà là câu hỏi “Ai sẽ là người chiến thắng?”. Bố mẹ nói với con rằng: “Con không thể tự quyết định chuyện đó”. Bạn đã không dám để con mình tự tạo ra những nguyên tắc tối thiểu và đơn giản. Như vậy, con bạn sẽ không học được cách tin tưởng vào chính bản thân mình. Nó sẽ không thể học được cách lắng nghe cơ thể chúng cần gì. Nếu mọi chuyện không suôn sẻ, chúng dễ có biểu hiện: “Hình như có cái gì đó không ổn với cơ thể.” Và thế là chúng không thể nào biết cách tự yêu bản thân mình, cơ thể mình. Khi bố mẹ phạm quy cũng đồng nghĩa với việc có thể xảy ra một vài trường hợp sau: Bố mẹ khiến con phải ăn nhiều hơn mức chúng tự muốn ăn. Các bạn nói: “Con phải ăn, vì con quá gầy”. Thỉnh thoảng có cha mẹ cũng nói: “Con không được phép ăn nhiều vì con quá béo.”

“Con không được phép ăn quá nhiều!”

 

CÁC BẠN HÃY THỬ MỘT LẦN TƯỞNG TƯỢNG CÂU CHUYỆN SAU ĐÂY: Một người mẹ từ chối yêu cầu của cô con gái 6 tuổi khi cô bé muốn ăn mì sợi, ăn thêm một lát bánh mì hay quả táo với những lời như: “Con không được ăn nữa, con quá béo”. Cô bé đã bị tổn thương và luôn cảm thấy áp lực. Ăn uống không có nghĩa là cả ngày lúc nào cũng phải có cái gì đó vào bụng. Tuy nhiên, trong những bữa ăn chính, trẻ có thể ăn bao nhiêu tùy thích dựa theo sơ đồ tháp dinh dưỡng, khoảng “màu xanh”.

Sẽ là sai lầm nghiêm trọng nếu bố mẹ giữ lại đồ ăn của trẻ, lấy đĩa đồ ăn mang đi chỗ khác vì sợ rằng không biết lúc nào trẻ có thể ngừng ăn khi ở một mình. Đối với những trẻ mới sinh hoặc lớn hơn một vài tuổi rất ít khi xảy ra tình trạng như vậy. Thật may, hiếm có bố mẹ nào sợ con ăn nhiều. Trong những trường hợp đặc biệt này, bố mẹ buộc phải lo lắng rất nhiều tới sức khỏe của trẻ.

  • Bỏ qua đồ ngọt và bữa ăn dặm của trẻ

Câu chuyện dưới đây xoay quanh chủ đề nhiều bố mẹ không cho con ăn quà vặt giữa các bữa ăn chính.

Khi Melanie 4 tuổi, hai mẹ con đã phải tới phòng khám xin tư vấn. Trong các bữa ăn cùng gia đình, cô bé ăn rất ít và thường phụng phịu. Trước mỗi bữa ăn, cô bé đều đòi ăn đồ ngọt. Dường như cả ngày Melanie chỉ nghĩ đến chuyện ăn uống. Mẹ đã cố gắng nói chuyện với cô bé. Ban đầu, mẹ cô thường nhân nhượng, nhưng đến cô bé đã quá cân và không thể mặc vừa quần nữa, bà phải chú ý đến vấn đề này. Bà rất sốc và cố gắng thử nghiêm khắc bằng cách không mua bánh kẹo mỗi lần đi chợ. Vậy là khoảng thời gian chờ đến bữa ăn chính, Melanie không có gì cho vào bụng nữa. Nhưng rồi chuyện gì đã xảy ra? Người mẹ đã không thể tin nổi. Khi bắt quả tang Melanie đã lấy một gói bánh quy giấu vào áo len lúc hai mẹ con đi mua hàng trong siêu thị. Melanie đã ăn cắp khi mới có 4 tuổi!

Làm sao điều đó lại có thể xảy ra? Mẹ Melanie đã cư xử với cô bé quá nghiêm khắc! Thực sự thì bà đã “hãm” việc ăn uống của con mình và vô tình tạo áp lực cho cô bé. Melanie chỉ được ăn vào đúng một thời điểm nhất định buổi sáng, trưa, chiều tối và không bao giờ được ăn thêm bất cứ món đồ ngọt nào nữa. Điều đó vượt quá sức chịu đựng của Melanie. Melanie thực sự không còn nghĩ được chuyện gì khác ngoài việc ăn uống. Cô bé bắt buộc phải tự tìm mọi cách để có thứ gì đó cho vào bụng. Và cuối cùng thì sự việc đáng tiếc ở siêu thị xảy ra.

Nhượng bộ và cho Melanie ăn đồ ngọt không có giới hạn có thể không phải là giải pháp tốt. Cuối cùng, sau nhiều thảo luận, chúng tôi tìm thấy một phương án rất hiệu nghiệm: Mỗi buổi trưa, cô bé luôn có một chút đồ ăn ngọt cho bữa tráng miệng. Phải đảm bảo rằng Melanie sẽ nhận được phần tráng miệng dù cô bé có ăn hết bữa chính của mình hay không. Thỉnh thoảng vào buổi chiều cô bé nên được ăn thêm bánh ngọt và sẽ không còn món tráng miệng nữa. Như vậy, mẹ cô bé có thể ứng phó được với nhu cầu thèm ngọt mà vẫn theo dõi được con mình.

Chúng tôi còn thảo luận thêm về chuyện Melanie rất thích ăn quýt. Mẹ cô bé nên mua cho cô bé ăn bao nhiêu quýt tùy ý. Mẹ Melanie đã làm như vậy. Ngày đầu tiên, Melanie ăn 18 quả, có lúc cô bé ăn 10 quả liền! Điều này đối với cô bé không quá quan trọng, vì cô bé lại được phép nhét đầy bụng mà không ai phàn nàn hay nói rằng: “Con không được ăn nữa! Ăn nhiều thế không tốt! Quần áo con quá chật rồi!”. Mẹ Melanie đã hiểu ra điều này và để con được phép ăn các món ăn yêu thích nhiều hay ít là tùy con. Bà không hạn chế con ăn hoa quả. Sau tuần đầu tiên, bà mua ít quýt hơn. Melanie cũng đồng ý với điều đó. Một ngày bốn quả cũng được và cô bé ăn quýt vào các bữa ăn thêm trong ngày. Vậy là việc chiến đấu với chủ đề ăn uống của Melanie đã thành công.

Mẹ Melanie luôn ở trong hai trạng thái: mềm dẻo và nghiêm khắc tuyệt đối. Câu chuyện về Melanie đã chỉ cho chúng ta thấy: Hạn chế và cấm ăn đồ ngọt có thể gây ra sức ép và hậu quả nghiêm trọng. Chúng ta hoàn toàn có thể tìm ra một phương án giải quyết êm thấm giữa hai mẹ con.

  • Cấm đoán bằng bạo lực

Một người phụ nữ trẻ đã kể cho tôi nghe câu chuyện khác. Cô ấy không những bị cấm ăn đồ ngọt mà trong các bữa ăn, khẩu phần của cô cũng bị giới hạn, kiểm soát.

Sara, hiện nay 24 tuổi vẫn còn nhớ: Cha cô quá bận rộn với công việc nên có rất ít thời gian chăm sóc cô. Tuy vậy, ông lại muốn con gái mình có vóc dáng thon thả, mảnh dẻ. Ông nghiêm khắc đến nỗi vào mỗi buổi trưa, Sara chỉ được phép ăn một suất, không được ăn thêm gì nữa. Và cô bé cũng không được phép ăn đồ ngọt. Thậm chí, cô bé cũng không được phép đến gần tủ lạnh. Nếu ông ấy bắt gặp thấy cô bé tới gần tủ lạnh, ngay lập tức phòng bếp sẽ bị khóa. Cô bé luôn luôn phải nghe những câu nói như: “Con sẽ bị béo phì cho mà xem!”.

Sara vẫn còn nhớ chính xác cảm giác của mình về sự nghiêm khắc thái quá của bố. Cô cảm thấy vô cùng khủng khiếp và chán nản. Cô chỉ nhận được rất ít tiền tiêu vặt để có thể thi thoảng tự mua cho mình chút ít kẹo bánh. Đột nhiên có lần cô nhận được 300 mark để chi tiêu. Sau hai tuần, số tiền còn lại chẳng đáng bao nhiêu. Sara đã dùng tiền để mua bánh kẹo và ăn một mình hết tất cả đống đồ ngọt đó.

Câu chuyện của Sara rất đáng buồn. Nó phản ánh mối quan hệ giữa cha và con gái: Người cha không tin tưởng con gái của mình, cũng không coi trọng nhu cầu của cô và dẫn đến áp lực cũng như sự buồn nản cho Sara. Ông làm điều đó bằng cách giấu tất cả đồ ăn đi. Áp lực càng tồi tệ thì Sara càng nghĩ nhiều hơn tới việc ăn và ăn. Và cho tới ngày nay, cô vẫn phải đấu tranh với hậu quả là: Ngay khi cô chuyển ra ngoài ở – việc cô đã muốn làm càng sớm càng tốt – cô đã tăng cân một cách nhanh chóng. Đến bây giờ, Sara luôn cảm thấy rất khó có thể ngừng việc ăn dù đã no.

Liều thuốc độc cho sự tự tin

Ngay cả khi các bạn không bao giờ đối xử với con mình tàn nhẫn, khóa cửa không cho con vào bếp hay từ chối các đồ ăn bổ sung của trẻ thì việc cố gắng can thiệp vào chuyện ăn uống của con, hay cố gây sức ép cho con cũng rất nghiêm trọng. Các bạn hầu như không thể nào biết được con mình ăn bao nhiêu là đủ. Các bạn sẽ cảm thấy bực mình nếu con ăn kem hay ăn bánh ngọt. Bạn là người đầu tiên nói ra câu: “con không nên ăn nữa, vì con sẽ bị béo phì đấy”. Nó quanh quẩn trong đầu bạn một lúc, sau đó “trôi tuột ra bên ngoài”. Nhưng câu nói đó cũng đủ để giết chết sự tự tin của trẻ.

Các bạn hoàn toàn có thể đặt mình vào vị trí của con bằng cách hãy thử tưởng tượng rằng gia đình bạn có khách đến chơi. Và bạn chuẩn bị món tráng miệng yêu thích để mời khách. Bạn muốn thưởng thức lần thứ hai thì đột nhiên chồng bạn giữ tay bạn và nói: “Thế có lẽ là đủ rồi, em vẫn còn muốn béo hơn nữa sao?”. Các bạn sẽ cảm thấy thế nào? Bị tổn thương và chán nản ư? Quá tức giận và muốn ly dị ư? Con bạn cũng có cảm giác y như vậy nếu như nghe được câu nói tương tự từ bạn. Nó sẽ không thể ly dị với bạn nhưng nó có thể tỏ thái độ hằn học và sẽ chứng tỏ cho bạn thấy nó mạnh hơn bạn bằng cách tiếp tục cuộc chiến và ăn nhiều hơn nữa!

  • Chế độ ăn kiêng được tư vấn kỹ lưỡng

Một chế độ ăn kiêng do bạn hay ai đó vạch sẵn cho con bạn sẽ mang lại kết quả như mong muốn? Hoàn toàn không! Nếu bạn muốn bắt con bạn giảm cân theo một chế độ ăn kiêng có sẵn thì bạn suốt ngày sẽ phải mang theo tấm biển có ghi dòng chữ: “Con không được phép ăn vì con quá béo”. Một chế độ ăn kiêng không mang lại kết quả gì ngoài áp lực đè nặng lên tư tưởng của con. Một người trưởng thành có thể tự quyết định liệu anh ta có muốn ăn kiêng hay không. Nhưng suy cho cùng, ngay cả đối với người lớn, việc ăn kiêng cũng rất khó khăn, lúc đầu bạn sẽ giảm cân nhưng sau đó bạn lại dễ dàng tăng cân như bình thường nếu không tuân thủ các chế độ ăn kiêng nữa. Chỉ có những người có động lực ăn kiêng thường xuyên, luôn nghiêm khắc với bản thân về chuyện ăn uống thì mới có hy vọng giảm cân lâu dài. Nhưng rất ít người làm được việc này. Lên thực đơn ăn kiêng, ngăn cản mọi mong muốn của con sẽ gây ra một sức ép vô cùng lớn. Điều này sẽ không hề có tác dụng, vì trẻ em không hề có động lực tăng hay giảm cân. Có khi nó lại phản tác dụng: Đứa trẻ sẽ càng để ý hơn tới việc ăn uống. Chúng sẽ tận dụng mọi cơ hội để có thể “lấp đầy” cái bụng của mình. Như vậy, nó sẽ không học được sự tự chủ và sẽ cảm thấy mình chưa được đối xử tốt.

Đặt đứa trẻ trước quyết định “Con có muốn ăn kiêng không?” là hết sức vô lý! Câu hỏi đó tự nó đã đưa ra hai thông điệp mà bọn trẻ có thể hiểu được:

  • “Con không nên ăn nữa vì con quá béo.”

  • “Con sẽ thấy có lỗi nếu con quá béo. Nếu con thực sự muốn thì con có thể gầy hơn.”

Câu nói: “Con không được ăn vì con sẽ béo” một lần nữa chỉ là áp lực và nó khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn!

Hãy giúp trẻ bằng cách nói với con: “Mẹ yêu con dù con có thế nào đi chăng nữa!”

  • Tuân theo quy tắc có tính chất trò chơi thay vì tạo ra sức ép

Liệu trẻ có thực sự béo phì hay bạn chỉ đang lo lắng thái quá về vấn đề vóc dáng của con: Các bạn có thể giúp con mà không sợ làm chúng nhụt chí hay kìm hãm sự tự do của chúng. Tốt nhất là các bạn nên chú trọng tới các hoạt động thể chất của con. Khuyến khích chúng vui chơi bên ngoài công viên, sân chơi của trẻ em, đạp xe đi dạo hay tham gia câu lạc bộ thể thao hoặc chơi bóng cùng bạn. Liên tục khuyến khích và hỗ trợ con càng hoạt động nhiều càng tốt.

Bạn cũng có thể hỗ trợ và giúp đỡ con theo cách sau:

Hãy mang về nhà bánh kẹo (kể cả đồ uống có đường) và các món ăn có chất béo với số lượng hạn chế và để tất cả lên bàn. Việc dự trữ đồ ngọt và các loại bim bim trong nhà là không nên. Những thứ đó chỉ nên mua vào những dịp nhất định mà thôi.

Các bạn cũng không bao giờ được phép phân biệt giữa một đứa trẻ béo với các thành viên khác trong gia đình. Sơ đồ tháp dinh dưỡng đúng cho tất cả mọi người. Các bạn cứ để cho trẻ tự quyết định chúng ăn bánh mì, khoai tây, cơm, mì gạo, rau củ quả bao nhiêu tùy thích. Điều quan trọng không kém là trẻ sẽ tự quyết định chúng được phép ăn bao nhiêu, ngay cả khi các bạn thấy có vẻ như chúng đang ăn hơi nhiều.

Các bạn sẽ là người quyết định thời gian ăn bữa chính, bữa phụ và những quy tắc ăn uống khi ngồi vào bàn ăn.

Nhận biết vấn đề

Trong trường hợp con bạn tăng cân nhanh trong một thời gian ngắn, rất có thể có một vấn đề khác nào đó. Việc tìm ra nguyên do là rất quan trọng. Bạn có thể giúp con tìm ra hướng giải quyết vấn đề. Nếu bạn không giải quyết được thì hãy tìm đến những chuyên gia hỗ trợ đặc biệt.

Mang lại sự tự tin

Như vậy thôi đã là quá đủ. Các bạn cũng không thể và không được phép can thiệp nhiều hơn. Tác động của bạn tới vóc dáng của con cái là có giới hạn. Tuy nhiên, các bạn lại có ảnh hưởng rất lớn tới việc trẻ cảm nhận được cơ thể mình như thế nào và tin những gì cơ thể mách bảo trong lúc ăn uống. Nếu con bạn thực sự thừa cân, những thông tin trong Chương 4 sẽ giúp các bạn rất nhiều.

“Con phải ăn nhiều hơn nữa!”

TẠI MỘT CUỘC KHẢO SÁT mà chúng tôi đã thực hiện, có khoảng 20% các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi từ 1 tới 5 cho rằng: “Con tôi ăn rất ít”. Ngay cả bạn cũng thấy con mình quá “gầy”, vì thế, các bạn sẽ lại cố gắng ép con ăn nhiều hơn nữa! Nhưng làm sao các bạn có thể làm việc đó mà không tạo ra sức ép cho con mình? Câu trả lời là không thể! Con bạn sẽ phải được phép tự quyết định ăn bao nhiêu, nhiều hay ít là do chúng quyết định.

  • Ép con ăn

Ép con ăn có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng. Bác sĩ Morgenroth đã báo cáo về một trường hợp xuất hiện ở phòng khám nhi như sau:

“Nghiêm trọng nhất là những gì tôi tận mắt chứng kiến ở trong phòng khám của mình. Chuyện xảy ra với một bé gái 6 tháng tuổi. Mẹ bé không thể chịu đựng được việc con của mình không muốn ăn bất cứ thứ gì từ chiếc thìa nhỏ đưa tới miệng con bé. Con bé luôn giãy giụa, từ chối mọi đồ ăn. Một ngày kia, người mẹ mất hết kiên nhẫn và không kiểm soát được hành động của mình nữa, bà cố đưa thìa vào tận sâu trong cổ họng bé. Khi bà mẹ đưa bé tới phòng khám, tôi hoàn toàn chết đứng khi thấy cuống hầu bé đã bị dập nát. Con bé ngay lập tức được đưa tới bệnh viện, bởi vì nó không thể nuốt được nữa.”

Ép con ăn không nhất thiết phải nghiêm trọng như trường hợp trên, nhưng khi cho trẻ ăn mà không theo ý muốn của chúng tức là bạn đang ép buộc chúng.

Tôi còn nghe có bậc phụ huynh kể rằng họ cho con ăn trong bồn tắm, bởi con họ luôn phản kháng và nhổ ra tất cả những gì cho vào miệng. Một số gia đình còn nhét bình sữa vào tận miệng trẻ. Mẹ bé Anke (Chương 1) cũng đã làm vậy. Mặc dù Anke khóc thét và giãy giụa, cố gắng muốn quay đầu đi chỗ khác nhường cái bình sữa vẫn ở kề miệng bé đến khi bình hết thì thôi.

Một số trường hợp khác, mẹ còn giữ chặt đầu của bé để cho bé không thể quay đi chỗ khác được. Hoặc họ bóp hai má để buộc bé mở miệng ra. Hoặc họ chờ đến khi bé khóc thét và đút thức ăn vào miệng. Hoặc họ nhét thìa vào cuống họng trẻ. Nếu chiếc thìa ăn chạm được tới cuống lưỡi thì trẻ không thể đẩy thức ăn ra ngoài miệng được. Cái “kỹ thuật” thô bạo đó cách đây một thế hệ vẫn phổ biến. Đến đầu những năm 70, trẻ không được cho bú mẹ trực tiếp. Những đứa trẻ mới được 3 hay 4 tuần tuổi đã bị đút cho ăn bằng thìa. Những chiếc thìa bắt buộc phải được đưa vào tận đầu ống thực quản một cách thuận tiện nhất, nếu không trẻ sẽ lại nhổ hết mọi thứ ra. Và việc này kéo dài ít nhất trong 4 tháng đầu. Ngày nay, ai cũng hiểu rằng việc cho ăn bằng thìa như vậy là hoàn toàn phản khoa học!

Tuy nhiên, việc đút ăn vẫn xảy ra ở những trẻ lớn hơn một chút hay những trẻ đã đi học. Các bậc cha mẹ hoàn toàn không hiểu biết, cũng như không thể nói với con mình về vấn đề này. Nếu một đứa trẻ có thể tự làm được mọi thứ từ khi còn nhỏ thì hầu như chúng sẽ không bao giờ quên chuyện đó khi lớn lên. Người mẹ của một bé trai 2 tuổi kể rằng: Khi còn nhỏ, tôi luôn bị bầm tím chân tay nếu không thể tự ăn hết khẩu phần ăn của mình. Các bạn có ngạc nhiên khi ngày hôm nay chính bà mẹ trẻ đó và con mình gặp khó khăn trong chuyện ăn uống hay không? Ngay cả cái cách ép buộc “vô hại” ngày nay cũng còn vẫn rất phổ biến. Bé phải vét sạch đĩa nếu muốn đứng dậy, dù có khóc lóc cũng vô ích. Ai trong chúng ta nếu khi còn nhỏ từng bị ép buộc phải ăn những thứ không thích thì thường để lại hậu quả cho tới tận ngày nay. Sau nhiều năm, chúng ta vẫn còn cảm thấy buồn nôn khi gặp phải những món ăn tương tự. Ép con ăn là hành động thiếu hiểu biết của nhiều bậc cha mẹ. Việc làm này sẽ không bao giờ giúp ích được gì mà còn gây ra rất nhiều hậu quả không tốt về sau. Trong trường hợp cần thiết, bạn có thể tới gặp bác sĩ nhi khoa. Bạn cần sự giúp đỡ và hỗ trợ từ các bác sĩ và chuyên gia.

  • “Mẹ không yêu con!”

Ép con ăn còn là điều gì đó hơn cả sự ép buộc. Ví dụ sau đây sẽ giúp các bạn có thể hình dung điều này tốt hơn.

Món bánh ga-tô phết bơ và kem của mẹ chồng

Các bạn hãy tưởng tượng, bạn được mời tới nhà mẹ chồng. Bà đã chuẩn bị và làm rất nhiều thứ – một chiếc bánh kem rất lớn đặt trên bàn ăn. Bạn rất ghét bánh kem nhưng bạn lại không muốn làm mẹ chồng thất vọng. Bạn hiểu rằng sẽ là một sự xúc phạm riêng tư nếu bạn không ăn một miếng nào. Có thể bà sẽ nghĩ rằng: “Cô ta không ăn chiếc bánh mà ta đã mất công chuẩn bị cho riêng nó. Cô ta không thích ta chăng?”. Bạn thấy điều này thật vô lý nhưng bạn rất hiểu mẹ chồng mình. Vậy là bạn đồng ý và dũng cảm ăn một miếng nhỏ. Với niềm mong chờ rất lớn trên khuôn mặt mẹ chồng, bà hỏi: “Nó ngon chứ con?”. Và rồi lại tiếp tục đặt một miếng bánh thứ hai vào đĩa của bạn. Bạn có thấy bị áp lực trong trường hợp này không? Lúc đó bạn muốn làm gì nhất? Bạn có muốn tiếp tục vui vẻ nhận lời tới nhà mẹ chồng chơi vào lần sau không?

Tình yêu không đi qua dạ dày

Không ít phụ huynh đặt ra phép tắc ăn uống giống nhau trong ngày. Ví dụ như mẹ của bé Olga 2 tuổi. Trong một cuộc trò chuyện, bà hiểu chuyện gì đã xảy ra giữa bà và con gái mình:

Mẹ Olga đã nấu thêm cho cô bé một chút đồ ăn. Bà đặt lên bàn ăn cho Olga và chăm chú nhìn con với vẻ mặt đầy mong chờ. Nếu Olga từ chối món ăn, người mẹ sẽ cảm thấy bị tổn thương. Cuối cùng, bà mẹ cũng nói một câu: “Mẹ đã nấu cho con với tất cả tình yêu thương. Con không nhận tình yêu thương của mẹ, con không yêu mẹ ư? Điều đó thật khủng khiếp!”

Olga đã cảm nhận được hai điều: Sự mong chờ có phần hơi quá của mẹ và sự thất vọng khi cô bé không ăn gì hoặc ăn rất ít.

Chắc hẳn bạn cũng sẽ hiểu được cảm giác của Olga thế nào, cũng giống như khi bạn ở với mẹ chồng vậy. Nhưng Olga gặp khó khăn hơn một chút ở việc: Khi bản thân bé không muốn ăn thì bé sẽ bị mẹ ép cho ăn. Việc này chưa chắc mẹ chồng sẽ làm cho bạn. Còn Olga hàng ngày luôn phải chịu áp lực này từ mẹ mình, trong khi bạn chỉ thi thoảng mới phải ăn cùng mẹ chồng mà thôi.

Cũng có những lúc Olga tỏ ra khá ngoan ngoãn và ăn hết đồ ăn một cách ngon lành. Khi đó, mẹ cô bé rất vui và hết sức khen ngợi cô bé. Nhưng chủ yếu Olga vẫn “không ngoan”. Cô bé thường không thích ăn và có những biểu hiện rất rõ rệt như: nghịch đồ ăn, mè nheo, hò hét, đòi trèo ra khỏi ghế ăn và chạy loanh quanh. Khi mẹ đút cho ăn thì cô bé lắc đầu nguầy nguậy, rồi hất tung cả thìa. Những lúc như thế, mẹ cô bé rất thất vọng, không còn giữ được bình tĩnh và bắt đầu chửi bới, không thì mẹ cũng mặc kệ cho Olga chạy quanh nhà trong khi ăn.

Mẹ Olga đã không nhận ra rằng bà đã tạo áp lực cho con gái trong suốt một thời gian dài. Nếu cô bé ăn ngoan thì có nghĩa là “Con rất đáng yêu”, “Con yêu mẹ”; ngược lại nếu cô bé không chịu ăn thì có nghĩa là “Con hư lắm”, “Con không yêu mẹ”. Olga dần cảm nhận được điều này. Nó khiến cô bé trở nên hoang mang. Khi đói thì sẽ ra sao, còn khi no thì sẽ thế nào? Không có gì bất ngờ khi Olga không hề tỏ ra hứng thú với các bữa ăn. Và cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi cô bé đảo ngược tình thế, bé “phạt” lại mẹ bằng cách chối không chịu ăn gì cả. Mặc dù vậy, Olga vẫn tăng cân. Hệ tiêu hóa bẩm sinh của cô bé vẫn hoạt động tốt như thể cô bé vẫn ăn uống đầy đủ.­ Chính vì áp lực không cần thiết này mà mối quan hệ giữa mẹ và bé bị ảnh hưởng, hầu như bữa ăn nào cả hai cũng đều cảm thấy rất căng thẳng. Và vì người mẹ không thể tập trung làm được gì khác ngoài việc nghĩ đến các bữa ăn nên cô ấy suốt ngày cảm thấy áp lực.

Mẹ Olga cần phải hiểu rằng tình yêu dành cho con gái không đi qua dạ dày. Bà cũng phải nhận thức được rằng việc Olga thường xuyên ăn rất ít và thỉnh thoảng còn không ăn gì không khiến bà trở thành một người mẹ tồi. Mẹ Olga cần biết rằng Olga hoàn toàn có thể tự điều tiết lượng thức ăn mà cô bé hấp thụ.

Dù có bị mẹ thúc ép, Olga cũng không ăn thêm miếng nào. Cũng có khả năng là Olga thực sự không muốn ăn thêm nữa, kể cả khi không bị ép. Cô bé cũng không cần thiết phải ăn thêm, vì thể trạng cô bé hoàn toàn bình thường. Chắc chắn rằng mẹ và bé có thể tạo ra nhiều niềm vui hơn khi ăn, thay vì những áp lực và căng thẳng.

  • Châm ngôn cho phòng bếp

Về mặt lý thuyết, mẹ Olga hiểu rất rõ điều này. Nhưng bà vẫn chưa thành công trong việc thực hiện đúng cách. Sự hiểu lầm này cũng đã ăn sâu vào tiềm thức, như những “bóng ma” từ thời thơ ấu cứ lởn vởn trong đầu cô ấy. Chính vì thế, chúng tôi đã nghĩ ra một vài câu châm ngôn, để cô có thể treo chúng trong nhà bếp và có thể chúng sẽ giúp cô xua đuổi bớt những con ma lởn vởn trong đầu:

  • “Khi con khỏe mạnh và vui vẻ, dù con ăn nhiều hay ít thì cũng không sao cả.”

  • “Dù con gầy hay béo, mẹ cũng vẫn yêu con.”

  • “Mẹ tin là con sẽ tự ăn những gì con cần.”

  • “Mẹ luôn yêu con dù con ăn nhiều hay ít.”

  • “Con không thích gì thì đừng ăn!”

Ngoài ra còn có thêm một cách cũng rất hữu ích cho mẹ Olga. Bà thường nấu thừa đồ ăn của con gái mà lại không ăn cùng cô bé với lý do là: “Chỉ cần nhìn đồ ăn thôi là tôi cũng tăng cân rồi”. Khi đến bữa ăn, cô chỉ ngồi theo dõi con gái mình ăn từng miếng một. Bạn hãy thử đặt mình vào vị trí của Olga, bạn sẽ thấy chỉ riêng việc mẹ cứ nhìn chăm chăm mình thôi cũng đủ khiến bạn cảm thấy áp lực rồi. Sau một vài buổi nói chuyện với chúng tôi, mẹ Olga đã đồng ý ăn một chút cùng con gái mình trong bữa ăn. Cô tập trung vào bữa ăn của mình hơn và bớt chú ý vào bữa ăn của con gái. Đối với những độc giả cũng gặp phải khó khăn như mẹ Olga – cảm thấy khó chịu với từng phần ăn nhỏ của con mình, chúng tôi đã chuẩn bị cho các bạn một số câu châm ngôn trong phòng bếp, các bạn có thể cắt chúng ra và dán lên tường bếp nhà mình. Những câu châm ngôn này đặc biệt hữu ích khi con bạn có thể tự đọc và học thuộc lòng những câu châm ngôn này để thỉnh thoảng con cũng có thể nhắc nhở bạn.

  • “Không ăn rau thì cũng không được ăn món tráng miệng!”

“Con phải ăn hết rau đã, nếu không sẽ không được ăn món tráng miệng đâu!”. Câu nói này rất được các bậc cha mẹ ưa dùng. Khi bé ăn “nhiều” hay ăn một cách “ngon lành”, bé sẽ được thưởng đồ ngọt tráng miệng. Nhưng khi bé ăn không “ngon lành” thì sẽ không có bữa tráng miệng nào hết (hay sau khi khóc lóc mè nheo một lúc lâu cũng vậy). Nhiều phụ huynh đã làm như vậy và tôi cũng phải thừa nhận rằng trước đây tôi cũng thỉnh thoảng dùng cách này với hai đứa con đầu lòng của mình. Trong khi đó, tôi biết rõ rằng việc này không hề tốt chút nào. Vì sao lại như vậy?

Một cuộc nghiên cứu về vấn đề này đã được thực hiện bằng cách chia một số trẻ mầm non ra thành hai nhóm. Một nhóm được thưởng khi chúng thử ăn một món mới nào đó, nhóm còn lại thì không. Vậy những đứa trẻ “được thưởng” ấy rốt cuộc có tự muốn ăn món ăn đó thường xuyên hơn không? Câu trả lời là không. Chúng cũng không muốn biết thêm gì về món ăn này nữa. Phần thưởng này sẽ không còn tác dụng như một động lực, mà nó chỉ được coi như một món ăn mới. Bữa ăn với phần thưởng là món tráng miệng chính là áp lực và có tác dụng ngược lại so với những gì ta mong đợi. Nhiều bậc cha mẹ không tin chúng tôi về điều này.

Lô-gíc kì lạ

Với câu chuyện của Daniel, có thể chúng ta sẽ thấy vấn đề rõ ràng hơn. Mẹ cậu bé đã nghĩ ra một chiêu đặc biệt như thế này:

Theo mẹ cậu bé, Daniel – gần 3 tuổi – là một đứa trẻ lười ăn. Mặc dù cậu bé có thể tự ăn tốt, nhưng vẫn luôn được mẹ bón cho ăn. Cậu bé này không thích ăn rau nhưng lại rất thích đồ ngọt, nhất là sô cô la. Khi mẹ cho ăn rau, cậu bé thường ngậm chặt miệng và nhất định không ăn. Mẹ của Daniel tự biết phải xử lý thế nào. Cô lấy một thanh sô cô la từ trong tủ và nói với Daniel: “Nhìn này, con yêu, con sẽ có thanh sô cô la này nếu con ăn hết sạch đĩa, nếu không mẹ sẽ đem sang nhà hàng xóm và cho bạn Mirjam.” Đương nhiên Daniel không muốn điều này. Và thế là cậu bé chịu mở miệng nuốt một vài thìa rau.

Thứ lô-gíc kì cục gì đây! Mirjam – cô bé 2 tuổi con nhà hàng xóm – thực sự chẳng có chút liên quan nào đến khẩu phần rau của Daniel. Đây đơn thuần chỉ là một chiêu ép buộc của mẹ. Ban đầu việc này có tác dụng vì Daniel cũng ăn được một chút rau. Nhưng cậu bé sẽ cảm thấy ra sao? Với vẻ khinh thường, cậu bé sẽ chỉ nuốt tạm món rau để dành được thanh sô cô la không thì Mirjam sẽ “lấy mất”. Cậu bé nghĩ rằng: “Giờ mình phải ăn cái món rau chết tiệt này để giành được thanh sô cô la. Mẹ thật là đáng ghét! Mình ghét ăn rau!” Cậu bé sẽ trở nên cáu kỉnh với mẹ. Vậy mẹ bé có nên để cậu tập ăn rau theo cách này? Không nên. Cách “khen thưởng” như vậy thực sự khiến trẻ chán ghét và khó chịu khi phải ăn thứ không thích, để được phép ăn thứ mà mình thích.

Mẹ của Daniel đã bị thuyết phục và cũng phải thừa nhận sự thật này. Cô ấy đưa ra hai lý do sau:

  • “Nếu không có phần thưởng tráng miệng thì Daniel không chịu ăn chút rau nào.”

  • “Giả sử như bằng mọi cách Daniel có được phần tráng miệng đó, thì sau đấy cậu bé sẽ chỉ đòi tráng miệng chứ không thích ăn gì nữa cả.”

Chúng ta đều biết rằng nhiều bậc cha mẹ cũng có cùng suy nghĩ này và cũng thấy rất khó khăn trong việc bỏ đi “phương pháp tráng miệng” kiểu ép buộc này. Nhưng thực sự chiêu này không hề có tác dụng. Trong suốt một thời gian dài, mẹ của Daniel đã cố gắng làm cho con trai mình thấy món rau thật ngon mà không gây một chút áp lực nào. Cô không tin rằng con trai mình có thể tự tìm ra thứ bé cần trong thực đơn đa dạng mà mình chuẩn bị. Thực ra, cậu bé có thể làm được! Hệ tiêu hóa của bé hoạt động một cách hoàn hảo. Có thể cậu bé cần ít rau hơn là mẹ nghĩ. Suy cho cùng thì cậu bé vẫn thích ăn táo, chuối và thường xuyên uống nước cam ép. Cũng có thể khẩu vị dành cho rau của cậu bé phát triển chậm hơn. Trẻ nhỏ thường rất rụt rè với những món ăn mà chúng chưa quen. Để giúp bé làm quen bạn cần kiên nhẫn và luôn cho con ăn lại món ăn đó. Áp lực bằng cách ép buộc sẽ chỉ mang lại các phản ứng tiêu cực mà thôi!

Mối lo của mẹ Daniel rằng con trai sẽ chỉ muốn ăn phần tráng miệng cũng không thể lý giải được. Các đồ ăn ngọt và béo (thuộc phần màu đỏ trên tháp dinh dưỡng, xem trang 87) chỉ nên xuất hiện trên bàn ăn trong một giới hạn nhất định. Khi Daniel từ chối ăn rau, ta cũng không nên cho cậu bé cả một thanh sô cô la để thay cho phần rau đó, mà chỉ nên cho đúng một phần mà mẹ cậu đã định sẵn từ trước cho món tráng miệng. Phần tráng miệng đó cũng được coi là một phần trong bữa ăn tương đương với phần rau. Daniel có thể tự tìm ra thứ mà cậu cần trong thực đơn mà mẹ cung cấp cho cậu. Cậu chỉ nhận được một phần sô cô la rất nhỏ. Cậu có thể ăn bất cứ lúc nào nhưng nhiều hơn thì không được.

Theo quan điểm của chúng tôi, không nhất thiết ngày nào cũng phải có món tráng miệng và món tráng miệng cũng không nhất thiết phải là đồ ngọt. Nếu là hoa quả thì bạn có thể để con mình tự quyết định lượng hoa quả mà chúng muốn ăn. Kể cả khi trẻ đã ăn hoa quả trong bữa chính, nhiều hay không cũng không thành vấn đề. Có gì sai khi Daniel ăn một miếng dưa lớn, mặc dù trước đó cậu bé đã bỏ lại phần cà rốt trên đĩa?

Con trai tôi Christoph mới đây đã có một phát hiện rất thông minh về “Chiêu tráng miệng”. Cậu cho rằng: “Khi người mẹ muốn con mình ăn cà rốt, thì cô ấy không nên hứa cho nó ăn món pudding sô cô la sau đó. Vì như thế đứa trẻ sẽ coi cà rốt như là thuốc đắng. Người mẹ nên làm ngược lại hoàn toàn. Cô nên nói với đứa trẻ rằng: “Này con, nếu con ăn hết món bánh sô cô la này, thì con sẽ được thưởng món cà rốt ngon tuyệt!”

Có thể Christoph nói có lý. Mặc dù đây là một chiêu khá tinh tế để giúp trẻ thấy rau ngon miệng hơn, nhưng tôi thực sự không khuyên bạn thử cách này.

  • Còn nhiều chiêu khác nữa

Nhiều bậc cha mẹ đã gây áp lực cho con cái mình khi dùng những chiêu khá điêu luyện. Quá trình chuyển giao giữa “cho ăn ép buộc” và “cho ăn với chiêu trò” diễn ra rất nhanh chóng. Ví dụ như có một cách rất thông dụng dành cho “trẻ biếng ăn” đó là cho ăn bột hoặc sữa bằng bình trong khi trẻ ngủ.

Cho ăn khi đang ngủ

15 tháng tuổi, Luisa ban ngày hầu như không ăn gì. Cô bé không thích ăn bằng thìa, ngay cả bình nhiều khi bé cũng từ chối. Mặc dù vậy, cô bé vẫn phát triển bình thường, ta có thể thấy rõ qua các chỉ số tăng trưởng của bé! Bố mẹ bé đã được khuyên là: “Cho bé ăn vào lúc lim dim ngủ, khi đó bé sẽ không biết gì cả!” Thế là họ cắt một lỗ lớn trên chiếc ti giả và lắp vào một chiếc bình đựng đầy bột đặc quánh. Mỗi đêm Luisa ăn được 5 bình như vậy trong khi đang ngủ, tương đương với 1,5 lít một đêm.

Bằng cách ăn này Luisa phát triển cân nặng rất tốt nhưng cô bé đã bỏ qua rất nhiều điều: bé không thể học được cách tự mình quyết định muốn ăn gì hay ăn bao nhiêu, bởi vì ban ngày bé không hề cảm thấy đói. Và cũng chính vì lý do đó mà cô bé chỉ có thể ăn cùng gia đình khi bị hò hét, ép buộc. Vậy là cũng không có cơ hội học cách cư xử tại bàn ăn với gia đình. Thế nhưng Luisa lại học được một thứ không hề tốt đó là: với cô bé, việc bú bình và ngủ luôn song hành nhau. Vì Luisa bú bình vào mỗi đêm nên cô bé không thể ngủ sâu thực sự. Vấn đề này chỉ có thể được giải quyết bằng cách giảm dần các bữa ăn đêm và cuối cùng là bỏ hẳn. Chỉ khi đó, Luisa mới có được sự thích thú với các bữa ăn bình thường.

Cho trẻ ăn bằng bình vào buổi đêm là một thói quen xấu, tuy trẻ có thể ăn nhiều nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng xấu đến toàn bộ giấc ngủ của trẻ. Hoặc đó cũng chỉ là một chiêu – như trường hợp của Luisa – cho trẻ ăn trong vô thức. Cái giá phải trả lại rất lớn, đó là việc trẻ không có những bữa ăn bình thường, phù hợp độ tuổi bên bàn ăn với gia đình.

Chiêu đánh lạc hướng

Trong một thời gian dài, vào mỗi bữa ăn, tôi thường kể cho hai đứa con của mình là Christoph và Katharina một câu chuyện hài hước về những tên trộm. Khi một trong hai đứa ngừng ăn, thì tôi cũng dừng ngay giữa câu và không kể tiếp nữa. Ban đầu việc đó khá thú vị, nhưng sau một thời gian thì ngày càng có nhiều áp lực hơn là niềm vui. Lũ trẻ đảo ngược tình thế, nếu không được nghe câu chuyện ấy, chúng sẽ chỉ ăn đúng một ít thức ăn. Điều đó đã khiến tôi tốn rất nhiều công sức cũng để dần loại bỏ được thóiquen này.

Tim – 2 tuổi – có hẳn một cục pin đồ chơi trên bàn… Khi bé mải chơi xe ô tô cứu hỏa hay gấu Teddy, mẹ lại có thể bón cho bé một thìa. Thỉnh thoảng mẹ cũng để sách tranh trước mặt bé khi cho bé ăn. Ba của Tim lại dùng chiêu “trực thăng”: Trước khi chiếc thìa được đưa vào miệng Tim, ba cậu còn cho nó bay vòng vòng và giả tiếng trực thăng: “Brrrrrrrrm, trực thăng sắp bay vào gara rồi! Mở cửa ra nào! Brrrrm!”

Jasmin 8 tuổi – được ăn khi xem tivi với từng miếng vừa miệng đã được để sẵn trên đĩa. “Như thế con bé sẽ không biết là nó đang ăn”, mẹ cô bé nghĩ vậy.

Cậu bé Leon 3 tuổi thì lại được chạy loăng quăng trong bếp khi ăn. Cứ khi nào cậu chạy đến gần ba mẹ là họ lại tranh thủ đút cho cậu một miếng Họ cảm thấy rằng Leon ngày càng lười ăn.

Mẹ của cô bé Carolin 4 tuổi lại bị ám ảnh bởi việc cho con gái ăn. Cô ấy dùng mọi cách có thể để tạo áp lực còn Carolin chống đối bằng cách: Cô bé trớ hết tất cả thức ăn ra. Việc này có vẻ chẳng hề khó khăn gì với cô bé. Chính vì thế, mẹ của Carolin lại càng thêm phát hoảng. Mỗi lần đi dạo cùng Carolin, cô đều mang theo một mẩu bánh mì, trong túi quần cô thì luôn có sẵn một chiếc thìa nhỏ. Cô thường xuyên hướng sự chú ý của Carolin sang bất cứ thứ gì khác để tranh thủ bón vào miệng cô bé một thìa bánh.

“Một phần ăn hợp lý”

Nhiều bậc cha mẹ thường gây áp lực để ép con ăn được càng nhiều càng tốt, đến hết sạch thì thôi.

Như trường hợp mẹ của bé Sven 12 tuổi. Theo kinh nghiệm, bà mẹ biết rằng Sven thường không vui, tỏ ra khó chịu mỗi khi đói bụng. Cô thường cho đầy thức ăn lên đĩa và bắt cậu bé ăn hết. Cô ấy thường ra lệnh: “Nếu bây giờ con không ăn tử tế, thì một tiếng nữa thôi con sẽ rất đói rồi lại la hét loạn lên. Giờ chắc con cũng đói rồi đấy. Nào, ăn hết đi!”. Vậy là cứ đến bữa trưa, hai mẹ con lại tranh cãi. Sven chửi rủa vào bữa ăn, chọc ngoáy đồ ăn, thậm chí có lần còn phun nước miếng vào đồ ăn. Cả hai mẹ con đều không thể chịu đựng tình trạng này.

Sẽ hợp lý hơn nếu trên bàn có ít thức ăn được dọn ra và bọn trẻ sẽ có cơ hội để nói rằng: “Con muốn ăn thêm một chút nữa.” khi mà đĩa đã đầy thức ăn, trẻ con sẽ ngày càng phát triển tính chống đối và luôn ở thế “phòng thủ”.

  • Tạo áp lực hay dùng chiêu trò: tất cả đều không có tác dụng

Tất cả các phương pháp đã được miêu tả ở trên, dù gây áp lực mạnh, “chiêu tráng miệng” hay đánh lạc hướng đều vô tác dụng như nhau. Ngược lại, bọn trẻ càng thêm chống đối trong mỗi bữa ăn. Chúng luôn đấu tranh và phòng thủ với cha mẹ. Không thì chúng lại đảo ngược tình thế: giờ chúng đã biết cách dọa cha mẹ: “Con không ăn gì cả.” Chúng nói như một cách để đe dọa cha mẹ và còn có thể trở thành một quy tắc trên bàn ăn.

Khi cha mẹ tạo áp lực hay dùng chiêu trò, vô tình họ không tuân theo nguyên tắc. Họ sẽ lừa gạt và cố gắng nhồi nhét thức ăn cho bọn trẻ. Nhưng cha mẹ chỉ có nhiệm vụ: lựa chọn thức ăn và bày biện chúng ra bàn. Vậy là họ đã hoàn thành phần việc của mình.

Trong một vài trườg hợp ngoại lệ, việc tuân theo đúng luật như thế này rất khó khăn nhưng vẫn có thể làm được. Đó là câu chuyện của cô bé 4 tuổi tên là Maria. Câu chuyện này khá bất thường vì Maria là một cô bé kì lạ, bé có xu hướng thích những phản ứng gay gắt.

Một lần, Maria nuốt chửng luôn miếng cà rốt, sự việc trở nên rất nghiêm trọng. Maria không thấy khó thở, nhưng lại rất sợ hãi: một miếng to bị mắc lại ở ống thực quản. Cô bé rất đau và khóc, tim đập nhanh, ra nhiều mồ hôi và bắt đầu nôn mửa. Một tuần sau đó, Maria lại nuốt một miếng bánh mì nhỏ. Thực ra lần này cũng không nghiêm trọng lắm nhưng cô bé vẫn có phản ứng rất hoảng sợ. Kể từ đó trở đi, Maria không muốn ăn thức ăn rắn nữa, không thích tất cả những thứ mà cô bé phải nhai. Và cứ như vậy, Maria từ chối tất cả đồ ăn. Cô bé không ăn các đồ nghiền nát nữa, chỉ ăn các thứ đã được xay nhuyễn. Thường vào cuối tuần khi bố của Maria ở nhà, việc này còn tồi tệ hơn. Anh ấy muốn bằng mọi cách phải cho Maria ăn được chút gì đó. Anh ta cho thức ăn đã xay nhuyễn vào bình dành cho trẻ và đưa cho cô bé. Thậm chí, súp cũng được mẹ xay nhuyễn. Nhưng sự việc càng nghiêm trọng hơn. Maria sút 2kg. Maria từ chối tất cả, thậm chí cô bé còn không chịu nuốt cả nướt bọt của chính mình.

Ban đầu, cũng dễ hiểu khi Maria gặp vấn đề trong việc ăn uống. Tuy nhiên, nếu cha mẹ càng gây căng thẳng trong bữa ăn, vấn đề lại càng trở nên tồi tệ hơn. Khi mọi việc không thể tồi tệ hơn được nữa, mẹ cô bé đã có một ý tưởng để cứu vãn tình thế: Trong mỗi bữa ăn, Maria cũng phải cùng ngồi bên bàn ăn, mỗi bữa đều có những món ăn thông thường nhưng luôn có thêm một phần súp đã được xay nhuyễn. Khi Maria bắt đầu khóc “Con không thể ăn được gì”, cô ấy nhìn con âu yếm và lần nào cũng chỉ trả lời bé đúng một câu: “Vẫn có thứ mà con có thể ăn được mà.” Cô ấy không nói thêm gì nữa, cũng không gây thêm áp lực. Việc đó diễn ra trong nhiều tuần liền. Maria dần bắt đầu ăn lại những đồ ăn rắn khi ăn cùng bạn bè hoặc họ hàng. Dần dần, cô bé cũng ăn được như vậy khi ở nhà. Chỉ trong một thời gian ngắn, trọng lượng cơ thể của Maria đã được cân bằng trở lại, hơn nữa còn tăng lên.

Áp lực không có tác dụng với trẻ nhỏ

Nếu bạn vẫn còn nghi ngờ rằng áp lực thực sự không có tác dụng, chúng tôi sẽ thuyết phục được bạn. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn một nghiên cứu khoa học đã được Peter Wringt thực hiện với trẻ sơ sinh và các bà mẹ vào năm 1980. Ông ta chia những “đứa trẻ thử nghiệm” thành các nhóm: nhóm được cho bú sữa mẹ và nhóm dùng bình sữa. Trong cả hai nhóm này đều có trẻ sinh nhẹ cân và những trẻ có cân nặng bình thường. Wright đã phát hiện: tất cả trẻ được bú mẹ đều tăng cân tốt, không phân biệt lúc sinh ra nhẹ cân hay bình thường. Với những trẻ bú bình lại có kết quả khác: Những đứa trẻ mới sinh rất yếu ớt được mẹ cho ăn thường xuyên hơn với nhiều áp lực. Ví dụ: bà mẹ vẫn cố nhét bình sữa vào miệng ngay cả khi trẻ lắc đầu và bà mẹ càng tích cực cho ăn thì đứa trẻ càng uống ít sữa hơn.

Nói cách khác: Các bà mẹ có con nhẹ cân thường lo lắng rằng con mình quá còi. Họ muốn giúp con phát triển tốt hơn, do đó thường tạo áp lực cho chúng. Với những đứa trẻ bú mẹ thì điều này không cần thiết, các mẹ không cần ép mà chúng sẽ tự ăn khi chúng muốn. Trẻ bú bình thì ngược lại, tạo ra áp lực cũng không có tác dụng gì với trẻ. Trái lại, trẻ còn chống đối và bú ít hơn. Những người có con sinh non hoặc nhẹ cân và không được bú mẹ thường có suy nghĩ phải cho trẻ ăn nhiều và ép chúng ăn. Điều này là dễ hiểu nhưng không hề có tác dụng. Tốt nhất nên để trẻ nhẹ cân và sinh non có thể quyết định những gì chúng cần.

  • Tại sao cha mẹ làm quá nhiều việc như vậy?

Tương ứng với một nghiên cứu trong chương đầu tiên của chúng tôi, việc bú mẹ có tác động tích cực và cũng không gây ra áp lực cho trẻ. Người ta chỉ ra rằng: trong 6 – 7 tháng đầu, hầu hết các bà mẹ đều hài lòng với thói quen ăn uống của trẻ, vì chúng hầu như chỉ bú mẹ.

Tuy nhiên, khi bọn trẻ lớn hơn, nhiều bà mẹ thay đổi suy nghĩ, họ đột nhiên khẳng định rằng: Con của tôi ăn quá ít. Con tôi rất còi cọc! Sau khi con được 2 tuổi, càng có nhiều bậc cha mẹ khẳng định điều này. Và khi trẻ được 4 – 5 tuổi, con số này là 20%. Trong khi đó, bạn biết rằng, nhận định của mình luôn luôn là sai lầm. Tất cả những cha mẹ tham gia cuộc điều tra đều làm rất nhiều và gây áp lực cho trẻ. Tại sao rất nhiều cha mẹ có quan điểm sai lầm rằng con họ ăn chưa đủ?

⇢ NHỮNG THÀNH KIẾN VÀ NHỮNG NỖI LO MÀ BẠN CÓ THỂ QUÊN ĐI

Những thành kiến và lo lắngThực tế
“Một đứa trẻ khỏe mạnh là phải tròn trĩnh và có “má hồng”.Một đứa trẻ xanh xao, gầy gò cũng có thể khỏe mạnh.
“Một đứa trẻ không chịu ăn gì sẽ rất khó chịu và sớm muộn gì cũng sẽ bị phạt về điều này.”Ăn hay không ăn phụ thuộc vào no hay đói. Phạt hay khen ngợi về việc ăn uống không có nghĩa gì cả.
“Khi trẻ không muốn ăn, nó sẽ bị chết đói chỉ trong vòng ít ngày sau đó.”Trẻ con có thể chịu đựng được nhiều ngày mà không ăn uống gì, một số ít có thể bị ốm, nhưng chúng lại tăng cân nhanh chóng sau đó.
“Trẻ con có thể bị chết đói vì giận dỗi.”Một đứa trẻ khỏe mạnh mà được cho ăn uống đầy đủ không thể chết đói được.

Chứng biếng ăn cũng là một bệnh thường gặp ở lứa tuổi thanh niên, cũng là lý do dẫn đến việc lười ăn kéo dài. Cần phải tìm ra những lý do này và khắc phục, tuy nhiên những áp lực và ép buộc cũng không giúp ích gì. Và cũng không có khả năng ai đó chết đói do “giận dỗi” cả.

Việc lo rằng một đứa trẻ bị chết đói cũng có thể là một nỗi sợ hãi bẩm sinh của con người. Trong thời gian nghèo đói và thực phẩm khan hiếm – bạn hãy nghĩ đến vài thế hệ trước mình thôi – thì nỗi lo lắng này chắc chắn đã được hình thành và rất có lý. Chúng khiến cho các bậc cha mẹ phải cố gắng hết sức để đàn con nhỏ có ăn mỗi bữa. Ngày nay, nỗi lo này không còn là cần thiết, cũng không có ích gì, mà chỉ gây thêm phiền toái.

Những kiến thức bổ ích

Một lý do khác của nhận thức sai lầm đang lan rộng “Con tôi ăn quá ít” là: thông thường cha mẹ không hiểu cơ thể của trẻ sẽ phát triển như thế nào theo năm tháng. Họ chỉ chú ý xem bọn trẻ ăn ít như thế nào và có những lo lắng không cần thiết.

Hãy cố gắng trả lời những câu hỏi sau một lần xem sao:

  • Trong năm đầu tiên, trẻ sơ sinh tăng được bao nhiêu phần trăm khối lượng cơ thể mỗi tháng?

  • Hết hai năm đầu, mỗi tháng một đứa trẻ tăng bao nhiêu phần trăm khối lượng cơ thể?

Câu trả lời là: Trong năm đầu tiên, một đứa trẻ sơ sinh mỗi tháng tăng 10% khối lượng cơ thể. Nhưng sau 2 tuổi, trẻ chỉ tăng thêm 1%.

Bạn có từng nghĩ về điều này không? Có lẽ đối với bạn sẽ lô-gíc hơn, nếu thực chất trẻ không thấy ngon miệng mặc dù chúng vẫn phát triển đều. Cha mẹ không hề nghĩ đến sự tương quan này.

Càng ít chất béo trong cơ thể càng ít có cảm giác đói

Như mô tả ở những trang tiếp theo đây cho thấy: Từ cuối năm đầu tiên, lượng chất béo trong cơ thể trẻ bắt đầu giảm dần. Đứa trẻ sẽ ngày càng còi đi. Khi chúng 6 tuổi, lượng chất béo ở mức thấp nhất so với thực tế. Từ sau đó, lượng chất béo lại tăng lên, điều này ở con gái rõ hơn con trai.

Trong mối tương quan này, cha mẹ cũng nên nghĩ: trong khi trẻ sơ sinh tăng cân, về cơ bản cơ thể của chúng đã ước tính được lượng chất béo cần thiết. Do đó, các tế bào cơ thể cần rất nhiều năng lượng, cụ thể là calo.

Trái lại, khi một đứa trẻ mầm non tăng cân không phải do tăng chất béo mà là cơ bắp. Để giúp tăng cơ bắp cần rất ít năng lượng, trẻ mầm non khi tăng cân cũng cần ít calo hơn nhiều so với trẻ sơ sinh.

 

Sự đồng ý ngầm của cha mẹ tạo cho trẻ tự tin

Đó không chỉ là những lỗ hổng kiến thức dẫn đến việc cha mẹ tạo áp lực ăn uống cho con cái. Nhiều bậc cha mẹ không nghĩ đến những kinh nghiệm về việc bọn trẻ tự hấp thụ dinh dưỡng hoàn hảo như thế nào và việc chúng đồng ý ăn uống có ảnh hưởng tốt ra sao.

Sự đồng ý ngầm này không phải để nhấn mạnh mà để xây dựng và duy trì lòng tin của trẻ vào khả năng tuyệt vời này, đây là cách tốt nhất để giáo dục bọn trẻ ăn uống đúng cách. Thật là tuyệt vời nếu nhiều cha mẹ biết về mối liên quan này, do vậy họ sẽ không đánh lừa bọn trẻ nữa.

§ TỔNG KẾT

⇒ Áp lực chỉ làm hỏng mọi việc chứ không giúp ích gì

Nhiều cha mẹ làm đủ mọi cách để mong con cái ăn được nhiều. Họ tạo áp lực nhưng lại không có tác dụng. Áp lực hay ép buộc chỉ gây nên căng thẳng và sẽ chẳng bao giờ tạo nên điều gì tốt đẹp.

⇒ Giấu đồ ăn là một áp lực…

“Con không được ăn gì, vì con béo lắm rồi!” – với câu nói này, cha mẹ đã gây ra áp lực cho con cái. Bọn trẻ bị hạn chế đồ ăn nên chúng cảm thấy tồi tệ và thường xuyên nghĩ nhiều đến đồ ăn.

⇒ … và ép ăn cũng như vậy!

“Con phải ăn nhiều hơn vì con quá còi” trong mọi trường hợp đều là áp lực. Ép buộc, khen ngợi hay vui đùa thì bọn trẻ cũng bị nhồi thức ăn, khiến cho bọn chúng không có hứng thú ăn uống.

⇢ Khi cha mẹ can thiệp quá ít

Quyết định cho bé ăn gì, khi nào ăn và những nguyên tắc nào bé phải tuân thủ khi ăn là nhiệm vụ của bạn với tư cách là cha, là mẹ. Nếu bạn để mặc con mình quyết định một phần nào đó hay toàn bộ, thì bạn lại can thiệp quá ít. Những quyết định như thế này là quá mức so với con trẻ. Cơ chế tự điều chỉnh, cái gọi là tiếng nói “bên trong” của bé không phát huy tác dụng trong những việc như thế này! Việc tạo lập cho con bạn một nhịp điệu ăn đều đặn cùng những nề nếp tốt khi ăn, việc cung cấp cho con những hiểu biết về một chế độ dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe – tất cả những điều này bạn phải dạy cho con. Đặc biệt, khi cha mẹ sợ con ăn không đủ lại thường nhượng bộ và để quyền quyết định ăn gì cho con.

Nấu ăn theo yêu cầu

VIỆC CHA MẸ NẤU ĂN theo yêu cầu của con cũng đồng nghĩa với việc cho con quyết định món gì sẽ được đặt lên bàn ăn.

Hết món nọ đến món kia

Bé Tanja 5 tuổi xinh như một nàng công chúa nhỏ. Bé có đôi mắt màu xanh da trời và mái tóc xoăn dài màu nâu. Bất cứ ai cũng phải trầm trồ khi nhìn thấy bé. Vào một cuối tuần, nhà bé có khách và khách đã phải chứng kiến màn kịch sau: Bữa ăn trưa được dọn ra với món gà, khoai tây chiên và rau – một thực đơn rất được trẻ nhỏ ưa chuộng. Tanja ngồi bên bàn ăn, nhìn những đồ ăn đã nấu và lẩm bẩm: “Ôi, con chẳng thích ăn tất cả những thứ này đâu!”. Mẹ cô bé đứng dậy ngay lập tức và hỏi: “Vậy thì con thích ăn gì hả cục cưng của mẹ?”- “Con thích spaghetti cơ!”. Thế là mẹ Tanja để cho khẩu phần ăn của bà nguội lạnh và đi nấu cho cô con gái cưng món cô bé yêu cầu.

Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó. Khi spaghetti đã nằm trên đĩa, Tanja lại hạch sách: “Nhưng mà chẳng có tí bơ nào trong đĩa mì này cả. Không có bơ thì con chẳng thích món này đâu!”. Lại một lần nữa, mẹ cô bé đứng bật dậy để đi lấy vài mẩu bơ cho vào đĩa của Tanja. Lúc này thì Tanja cũng bắt đầu ăn. Nhưng cô chỉ ăn có duy nhất một sợi mì rồi lại mè nheo: “Mẹ cho quá nhiều bơ rồi. Giờ thì mì spaghetti có vị dở ẹc. Con muốn thứ khác cơ!”

Vậy là lại một món ăn nữa mẹ Tanja làm không đúng theo yêu cầu của cô bé. Thay vào đó, mẹ lấy đồ ngọt ra từ trong tủ, để “cục cưng” dù thế nào đi nữa cũng có cái gì đó để ăn.

Tình huống trên xảy ra khá thường xuyên giữa hai mẹ con Tanja. Khi Taja không vừa lòng với món ăn, cô bé than vãn và được nhận món khác. Rồi căng thẳng phát sinh. Tanja học được một điều rằng ngồi bên bàn ăn không chỉ để ăn, mà còn là lúc thể hiện quyền lực. Cô bé quyết định món gì sẽ được nấu. Cô rên rỉ, vòi vĩnh và nhận được những gì cô yêu cầu, lúc thì món xúc xích đặc biệt, lúc thì đồ ngọt. Những lúc ấy, cô tỏ thái độ rất hư đến mức không thể chấp nhận được. Mẹ cô bé phần lớn tham gia “trò chơi” này của cô và bị cô đưa vào tròng. Một lần, mẹ cương quyết không cho Tanja ăn món khác, cô nhóc đã xòe con át chủ bài của mình: “Vậy thì con chẳng ăn gì nữa hết!” Cô bé ý thức được rằng quân bài này luôn luôn hiệu nghiệm. Cô biết rằng, muộn nhất là lúc này mẹ sẽ phải bỏ cuộc, mẹ sẽ nghĩ rằng: “Làm thế nào đây khi nó không thích món này. Nhưng nó vẫn phải ăn cái gì đó chứ!”

Con thích ăn gì nào?

Tình huống tương tự cũng diễn ra với cô bé 7 tuổi Janine và mẹ. Giờ ăn đối với hai mẹ con luôn là một cực hình. Mẹ Janine cũng nấu theo yêu cầu của cô bé – tuy nhiên mẹ không làm nhiều món liên tiếp như mẹ của Tanja mà lại theo “đặt hàng”. Hàng sáng, trước khi Janine đến trường, mẹ hỏi: “Mẹ nên làm món gì cho bữa trưa đây con?” Janine được phép tự do chọn, hoặc mẹ cô bé gợi ý nhiều món khác nhau để em lựa.

Khi Janine rời trường về nhà cũng là lúc bữa ăn mơ ước nóng hổi của cô bé được đặt trên bàn. Ấy vậy mà căng thẳng vẫn xảy ra thường xuyên. Thường Janine chỉ muốn ăn in ít thôi, cô bé hay nói: “Con có thích món này đâu mà!” Mẹ Janine tuy không nấu thêm bất cứ món nào nữa nhưng mỗi lần như vậy, bà đều nổi trận lôi đình: “Thế giờ thì sao đây? Mẹ đã hỏi con rồi cơ mà! Con nói là muốn ăn súp khoai tây! Làm thế nào mà bây giờ con lại khăng khăng không thích nó chứ?” Janine phải ăn hết sạch nếu muốn đứng dậy rời khỏi bàn.

Ngày nào mẹ Janine cũng hỏi con gái: “Con muốn ăn gì?” Vô tình bà đã tạo áp lực cho con. Janine không còn có thể tự do lựa chọn liệu cô có muốn ăn món nào trong số những món mẹ gợi ý không? Một đứa trẻ bị mẹ yêu cầu tự chọn món ăn cho mình thì lại bị mất luôn đi cái quyền được tự do từ chối. Nếu bé vẫn làm điều mà đáng nhẽ bé không được phép làm này thì cũng dễ hiểu khi người mẹ sẽ cảm thấy bị lừa dối, đùa cợt và xúc phạm mỗi lần con không ăn. Chính điều này làm bà giận dữ mỗi ngày.

Mẹ Janine cần hỏi ít đi và nên tự quyết món ăn mình sẽ nấu. Khi quyết định cũng nên xem xét món ăn nào bản thân bà thấy ngon nhất. Khi Janine từ chối, mẹ cô bé không cần cảm thấy bị xúc phạm. Bà có thể một mình thưởng thức đồ ăn và bảo: “Ôi tuyệt vời làm sao! Hôm nay món này lại ngon thế không biết! “

Lúc nào cũng vẫn những thứ ấy

Vẫn còn một khả năng nữa để các bậc phụ huynh cho phép con em mình quyết định món nào sẽ có mặt trên bàn ăn. Hẳn là bạn còn nhớ câu chuyện về cậu bé hàng ngày không ăn gì ngoài 8 hũ lớn sữa chua hoa quả (xem trang 20). Tuy bố mẹ cậu không nấu nhiều món ăn khác nhau theo yêu cầu của cậu nhưng lại chuẩn bị chính xác món con trai mình “đặt hàng”. Là thức ăn duy nhất nhưng sữa chua lại quá béo và ngọt – thế nên cậu bé bị thừa cân.

Các cặp cha mẹ khác lại cho con ăn luân phiên bánh bột mỳ rán và khoai tây chiên theo sở thích của bé. Bởi vậy, danh sách những món ăn ưa thích vốn đã chẳng nhiều nhặn gì của trẻ nay lại càng thu hẹp hơn. Một vài bé lại phát sinh những sở thích ăn uống khá kỳ quặc nếu phụ huynh không chỉ bảo cho con, rồi tự đặt bản thân dưới áp lực của câu nói nhiệm màu “Vậy thì con không ăn đâu” và lúc nào cũng cho bé những món nó muốn.

Philip 3 tuổi đã đi mẫu giáo nhưng cậu chủ yếu vẫn bú bình: mỗi buổi sáng và tối, cậu uống nửa lít cháo yến mạch đặc. Cậu chỉ ăn thêm một loại bánh mì giòn. Và cậu bé từ chối hoàn toàn bữa trưa tại nhà trẻ.

Từ lúc 6 tháng cho đến khi 2 tuổi, Felix vẫn ăn cháo ngũ cốc loãng bằng bình. tám – chín bình một ngày. Do cậu mỗi tối phải uống tới bốn bình liên tiếp nên bữa thỉnh thoảng lại kéo dài đến tận 3 giờ đồng hồ.

Mặc dù có vài thói quen kỳ quặc như vậy nhưng Felix và Phillip vẫn mạnh khỏe và tăng cân đều đặn. Cơ chế tự điều chỉnh của hai cậu hoạt động tốt và chế độ ăn của các cậu nếu đối chiếu với tháp dinh dưỡng thì may mắn thay cũng chứa nhiều thành phần ngũ cốc. Mặc dù vậy, các bữa ăn đối với mọi thành viên trong gia đình là cực hình. Đáng nhẽ bố mẹ của hai cậu phải can thiệp nhiều hơn. Họ không nên chỉ cho con ăn những thứ chúng muốn. Họ phải là người quyết định cho con ăn gì. Và họ cũng cần phải biết rằng từ độ tuổi nào thì việc cho ăn bằng bình không còn phù hợp với trẻ nữa.

Ăn uống vô kỷ luật

NẾU VIỆC ĂN UỐNG DIỄN RA MỘT CÁCH TỰ DO, không theo một phép tắc nào cả thì căng thẳng bên bàn ăn là khó tránh khỏi. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu trẻ nhỏ được phép tự quyết định ăn khi nào và ăn gì?

  • Ăn khi nào tùy thích

Nếu các bé được tự quyết định khi nào ăn thì có thể sẽ dẫn đến những hậu quả không dễ chịu chút nào: Một vài bé thì vừa ngậm bình trà hoặc nước hoa quả trong miệng vừa chạy lung tung. Nhiều bé thì ban đêm vẫn được cho ăn, cho uống mặc dù đã hơn 6 tháng tuổi và việc ăn đêm thực ra là không cần thiết nữa. Vài bé thì lúc nào cũng có trong tay thứ gì đó để ăn. Vài bé lại chẳng thấy đói bụng khi đến bữa bởi chúng đã thành công với việc xin ăn vặt suốt cả ngày và do đó đã nạp vào người một lượng khá lớn đồ ngọt rồi. Nhiều bà mẹ còn tha thêm không biết bao nhiêu là đồ ăn khi cho con đi đến những khu vui chơi công cộng. Nếu như bố mẹ chỉ cho con ăn cố định ngày ba bữa chính cộng với hai bữa phụ thì tất cả những phiền toái trên sẽ nhanh chóng chấm dứt. Cứ mỗi lần trẻ mè nheo đòi ăn thì bố mẹ cần trả lời dứt điểm như: “Hãy đợi thêm chút nữa nhé, vào bữa trưa con sẽ được ăn!”

Nếu các bữa ăn chính càng đều đặn bao nhiêu thì càng ít căng thẳng phát sinh do trẻ đòi ăn vì đói bụng bấy nhiêu. Và trẻ cũng học được cách biết tận dụng tốt hơn. Chúng học được rằng chúng cần phải tập trung ăn trong các bữa ăn chính bởi giữa chừng chúng sẽ chẳng có gì để ăn, kể cả ban đêm.

  • Ăn thế nào tùy thích

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu trẻ được tự quyết định ăn như thế nào? Sẽ là căng thẳng triền miên. Có bé thì chẳng bao giờ chịu ngồi yên một chỗ, có bé thì múa rối trên ghế, có bé lại vừa xem vô tuyến vừa nhúp đồ ăn, hoặc có bé lại ăn trong lúc chơi và để vãi thức ăn ra sàn nhà. Các bé sẽ mè nheo, rồi kêu la, và sẽ “ra lệnh” cho mẹ đại loại như: “Lấy cho con lọ muối” hay “mẹ làm cho con thứ khác đi!”.

Nếu mọi việc cứ diễn ra thế này thì sẽ chẳng thể dạy được cho trẻ cách ứng xử lịch sự, thân thiện, cách ăn bằng dao và dĩa, cách biết chờ đợi người khác và cuối cùng là việc giúp mẹ dọn dẹp bàn ăn.

Nếu vậy thì quả thật là đáng tiếc, bởi những bữa ăn chung của cả gia đình lại chính là những thời điểm vô cùng quý báu để dạy dỗ con trẻ. Việc học cách cư xử xã hội lại diễn ra phần lớn bên bàn ăn. Các bậc cha mẹ đừng để lãng phí những dịp quý giá như thế này.

Cha mẹ cần phải thiết lập ranh giới. Thật đáng tiếc khi các bữa ăn lại thường là nơi diễn ra sự tranh đua quyền lực giữa cha mẹ và con cái. Cách phòng tránh tranh đua quyền lực và cách làm cho trẻ tuân thủ những quy tắc trong ứng xử được trình bày chi tiết trong hai cuốn sách tư vấn dành cho cha mẹ Mỗi đứa trẻ đều có thể học các quy tắc và Mỗi đứa trẻ đều có thể tự kiểm soát bản thân.

Quá nhiều hay quá ít?

Đôi khi cũng khó phân biệt được liệu cha mẹ can thiệp quá nhiều hay quá ít vào việc ăn uống của con. Trong cả hai trường hợp thì căng thẳng là điều khó tránh khỏi.

Nếu như cha mẹ tạo áp lực bắt con ăn thì cũng có nghĩa họ đã can thiệp quá nhiều. Một trong những cách tạo áp lực là việc cha mẹ tìm cách đánh lạc hướng trẻ qua đồ chơi hoặc tivi.

Còn nếu như cha mẹ để mặc cho trẻ tự đề ra nguyên tắc riêng của mình thì có nghĩa họ đã can thiệp quá ít. Điều này có thể dẫn tới việc con chỉ có thể ăn được khi có đồ chơi hoặc có tivi để chơi và xem.

Cha mẹ làm gương

Hình mẫu của bạn đương nhiên đóng một vai trò rất quan trọng. Nếu bạn khuyên con nên ăn sáng bằng ngũ cốc do nó rất có lợi cho sức khỏe, trong khi đó bữa sáng của bạn lại là thuốc lá với cà phê thì chắc hẳn con bạn sẽ chẳng tin lời bạn nói đâu. Tôi đã gặp một người mẹ rất phiền muộn và lo lắng về việc cậu con trai ăn ít nhưng lại hiếm khi, thậm chí chẳng bao giờ ngồi ăn cùng con cả. Một vài lý lẽ được bà đưa ra: “Tôi cũng không phải là người ăn nhiều.” – “Một bữa trong ngày là đủ với tôi rồi” hay “Chỉ cần nhìn vào thức ăn là tôi đã tăng cân.”

Mẹ là người phục vụ mọi thứ

Gần đây, một đôi vợ chồng đã kể cho tôi nghe một cách hóm hỉnh về chuyện thường xuyên xảy ra trong bữa ăn tối tại gia cùng hai đứa con trai 3 và 5 tuổi của họ.

Gần 6h tối, ông chồng vác cái bụng đói meo về nhà. Bà vợ ngay lập tức hâm nóng phần ăn từ bữa trưa cho anh. Vì đang đói nên anh ta có tâm trạng khá tệ. Anh ngồi trong bếp với đĩa thức ăn và chỉ muốn được yên tĩnh khi ăn trong im lặng. Nhưng Timo và Sebastian cũng đói. Một đứa bên trái, đứa kia bên phải ngồi vắt vẻo cạnh bố, xin xỏ, nhấm nháp thức ăn. Bố có mắng đi nữa cũng chẳng cản nổi hai đứa. Trong khi ông bố ăn thì bà mẹ vội vã chuẩn bị bánh mì bơ cho hai anh em.

Nhưng căng thẳng lại tiếp tục đè nặng bà mẹ: ăn xong người bố nghỉ ngơi thư giãn xem tivi trong phòng khách. Bấy giờ, hai cậu nhỏ ngồi bên bàn ăn. Còn bà mẹ thì lăng xăng ra vào phục vụ hai cậu nên chẳng thể ngồi thư giãn cùng chồng. Timo và Sebastian ti tỉ khóc đòi vào chỗ bố xem tivi. Một lúc sau, bà mẹ chạy ra đó với phần bánh mì bơ còn lại trên tay cho hai cậu.

Bà vợ la mắng và còn tiếp tục lầu bầu khi đang dọn dẹp nhà bếp. Cô tức giận khi anh chẳng hề đỡ đần mình. (Trong buổi tư vấn, anh ta quay sang tôi hỏi rất nghiêm túc “Tôi mà phải giúp cô ấy dọn dẹp á? Hãy bảo cố ấy từ bỏ cái ý nghĩ đó đi!”). Sau đó, cô cho lũ trẻ vào giường rồi nhanh chóng làm bữa tối cho mình – để rồi cũng vừa xem tivi vừa ăn.

Không khó để có thể thuyết phục cặp vợ chồng này rằng tự họ phải có sự thay đổi trong việc phân chia công việc gia đình cũng như tổ chức sinh hoạt buổi tối thì mới có thể cải thiện cách ứng xử của hai cậu con trai.

Chúng tôi đã cùng nhau tìm ra những giải pháp sau cho gia đình trên: Ngay lập tức sẽ không có chuyện ăn trước màn hình vô tuyến nữa. Tất cả mọi người phải ăn cùng nhau. Người cha dù đói bụng đến đâu cũng phải kiên nhẫn đợi cho tới khi bữa ăn tối được nấu xong xuôi. Nếu phải chờ lâu thì anh có thể giúp đỡ vợ chuẩn bị cho bữa ăn được nhanh ho.

Người mẹ mỗi buổi trưa nên nấu nhiều hơn để hai cậu con cũng có phần và không còn phải nhấm nháp thức ăn từ đĩa của bố nữa. Thêm vào đó, trên bàn nên có bánh mì, bơ, pho mát và xúc xích. Sẽ không có chuyện mẹ phải làm thức ăn theo yêu cầu của các cậu nữa mà mỗi đứa tự lấy cho mình những gì chúng muốn từ những đồ mẹ đã chuẩn bị.

Nếu bữa tối diễn ra suôn sẻ, Timo và Sebastian được phép xem tivi nửa tiếng đồng hồ. Còn ngược lại, nếu hai đứa vòi vĩnh hoặc cãi vã nhau thì đương nhiên sẽ không có chuyện xem tivi.

Và ai sẽ là người dọn dẹp bàn ăn? Vấn đề này hai vợ chồng nên tự giải quyết với nhau. Lời khuyên của tôi ở đây là Timo và Sebastian hoàn toàn có thể cùng tham gia giúp đỡ. Nếu cha mẹ là những tấm gương mẫu mực thì chuyện này không có gì khó cả.

§ TỔNG KẾT

⇒ Cần đặt ra giới hạn cho trẻ – kể cả lúc ăn uống

Khi cha mẹ cho phép con quyết định ăn gì, ăn khi nào và ra sao, điều đó có nghĩa cha mẹ đã không dạy dỗ con đến nơi đến chốn.

⇒ Đừng để cho con quyền đưa ra yêu cầu

Nếu bạn với tư cách là cha mẹ không uốn nắn thì hậu quả tất yếu là thói quen ăn uống vô tổ chức cùng cách cư xử xấu khi ăn của con.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.