Ấn Tượng Sai Lầm

CHƯƠNG 39



Leapman vẫn chưa ngủ khi chuông điện thoại của ông ta đổ. Nhưng dù sao thì ông ta cũng chẳng mấy khi ngủ, dù ông ta biết rằng chỉ có một người có thể gọi cho ông ta vào cái giờ ấy.
Ông ta cầm điện thoại lên, và nói: “Xin chào ngài chủ tịch”, như thể ông ta đang ngồi ở bàn làm việc trong văn phòng của mình.
“Krantz đã biết bức tranh đang ở đâu”.
“Ở đâu vậy?”, Leapman hỏi.
“Ở Bucharest, nhưng đang trên đường tới Heathrow”.
Leapman muốn nói Tôi đã nói rồi mà, nhưng ông ta cưỡng lại được, “Khi nào thì máy bay hạ cánh?”.
“Ngay sau 4giờ, giờ London”.
“Tôi sẽ cử người chờ sẵn để lấy bức tranh”.
“Và phải đưa lên chuyến bay đầu tiên tới New York”.
“Vậy Petrescu đâu?”, Leapman hỏi.
“Không biết”, Fenston nói, “nhưng Krantz đang chờ cô ta ở sân bay. Vì vậy đừng hy vọng cô ta sẽ đi trên cùng chuyến bay đó”.
Leapman nghe thấy tiếng dập máy. Fenston không bao giờ nói lời tạm biệt. Ông ta ra khỏi giường, cầm cuốn sổ ghi số điện thoại lên và rê ngón tay cho đến khi ông ta nhìn thấy cái tên viết tắt Ps. Ông ta nhìn đồng hồ và quay số văn phòng của bà ta.
“Ruth Parish đây”.
“Xin chào bà Parish. Karl Leapman đây”.
“Xin chào ông Leapman”, Ruth đáp lại bằng một giọng dè chừng.
“Chúng tôi đã tìm thấy bức tranh”.
“Các ông đã lấy lại được bức Van Gogh rồi à?”, Ruth hỏi.
“Không, chưa, nhưng đó là lý do tôi gọi cho bà.
“Tôi có thể giúp được gì?”
“Nó đang trên đường từ Bucharest tới, sẽ hạ cánh ngay trước cửa văn phòng của bà vào lúc sau bốn giờ chiều nay”. Ông ta dừng lại. “Bà hãy có mặt ở đó để lấy bức tranh”.
“Tôi sẽ có mặt. Nhưng ai là người ký nhận?”.
“Việc chó gì phải quan tâm tới chuyện ấy? Đó là bức tranh của chúng tôi và được đựng trong thùng của bà. Chỉ cần đảm bảo là lần này bà sẽ không để lạc nó nữa”. Leapman gác máy trước khi Ruth có cơ hội để phản đối.
Ruth Parish và bốn nhân viên của bà đã chờ sẵn trên đường băng khi chuyến bay 019 từ Bucharest hạ cánh xuống sân bay Heathrow. Khi hàng hoá chuẩn bị được đưa ra khỏi khoang hàng, chiếc xe Range Rover của Ruth cùng một chiếc xe tải chống cướp và một chiếc xe chở hàng của hải quan đã đỗ sẵn cách khoang hàng chỉ 20 m.
Nếu Ruth nhìn lên, bà sẽ thấy khuôn mặt đang mỉm cười của Anna sau chiếc cửa sổ ở gần đuôi máy bay. Nhưng bà không nhìn lên.
Ruth bước ra khỏi chiếc xe của mình và đứng cạnh người nhân viên hải quan. Trước đó bà đã báo cho anh ta biết rằng bà muốn chuyển một bức tranh trên chuyến bay sắp hạ cánh sang một chuyến bay tới một cái đích khác. Người nhân viên hải quan trông có vẻ ngần ngại, và băn khoăn không hiểu tại sao Ruth lại chọn một nhân viên cao cấp như mình đi làm một công việc tẻ nhạt như thế. Nhưng khi được biết về giá trị của bức tranh, anh ta đã thay đổi thái độ.
Khi khoang hàng mở ra, cả hai người bọn họ cùng bước về phía trước, nhưng chỉ có người nhân viên hải quan nói chuyện với người phụ trách việc dỡ hàng. “Có một chiếc thùng gỗ trong khoang hàng” – anh ta nhìn sổ ghi chép “kích thước ba bộ nhân hai bộ, cao 2 hoặc 3 inch. Trên đó có đóng dấu in lôgô của hãng Art Locations ở cả hai mặt, và có con số 47 ở bốn góc. Tôi muốn anh đưa nó xuống trước tiên”.
Người phụ trách dỡ hàng truyền đạt mệnh lệnh đó cho hai nhân viên của mình trong khoang hàng. Khi hai nhân viên dỡ hàng xuất hiện trở lại cũng là lúc Anna đang đi về phía cửa kiểm tra hộ chiếu. “Đúng là nó rồi”, Ruth nói khi thấy hai người đó vác một chiếc thùng màu đỏ ra mép khoang. Người nhân viên hải quan gật đầu. Một chiếc xe nâng chạy tới, khéo léo đón lấy chiếc thùng từ trên khoang và hạ xuống đất. Người nhân viên hải quan kiểm tra giấy ký nhận, tiếp theo là lôgô và con số 47 ở bốn góc.
“Mọi thứ có vẻ ổn, bà Parish ạ. Nhờ bà làm ơn ký vào đây”.
Ruth ký vào tờ biên nhận, nhưng không thể luận ra chữ ký của người gửi. Đôi mắt của người nhân viên hải quan không rời chiếc xe nâng khi nó đưa kiện hàng tới chỗ chiếc xe tải của Art Locations. Hai nhân viên của Ruth đưa kiện hàng lên thùng xe.
“Tôi sẽ cùng đi với bà tới chỗ chiếc máy bay sắp cất cánh, thưa bà Parish, để tôi có thể đảm bảo rằng kiện hàng đã được đưa đưa lên máy bay và sẽ được chuyển đến đúng đích cần đến. Đến lúc đó tôi mới có thể ký giấy bàn giao”.
“Tốt quá”, Ruth nói, mặc dù mỗi ngày bà phải làm thủ tục này vài ba lần.
Anna đã ra tới khu vực nhận hành lý khi chiếc xe tải của Art Locations bắt đầu lượn từ cổng số 3 sang cổng số 4. Người tài xế cho xe đỗ lại cạnh một chiếc máy bay của hãng United Airlines đang chuẩn bị cất cánh đi New York.
Chiếc xe tải chờ trên đường băng hơn một giờ đồng hồ. Cuối cùng thì khoang hàng cũng mở ra. Trong khoảng thời gian đó, Ruth đã kịp biết về tiểu sử của người nhân viên hải quan, và thậm chí còn biết cả việc anh ta định cho đứa con thứ ba của mình theo học trường nào nếu anh ta được thăng chức trong dịp này. Sau đó Ruth theo dõi việc đưa hàng lên máy bay, một quá trình ngược lại với những gì vừa diễn ra trước đó hơn một giờ đồng hồ. Cửa sau của chiếc xe tải được mở ra, bức tranh được đặt lên xe nâng, được chở tới sát mép khoang hàng, được nâng lên và được hai nhân viên đưa vào trong khoang.
Người nhân viên hải quan ký vào cả ba hoá đơn gửi hàng và chào tạm biệt Ruth trước khi trở về phòng làm việc của mình. Bình thường thì Ruth cũng sẽ trở về văn phòng của bà, điền vào các giấy tờ có liên quan, kiểm tra các tin nhắn và kết thúc ngày làm việc. Nhưng đây không phải là một công việc bình thường. Bà ngồi trong xe và đợi cho đến khi tất cả hành lý của các hành khách đã được đưa lên máy bay và khoang hàng đã được khoá lại. Bà vẫn chưa cho xe chuyển bánh, thậm chí cả khi chiếc máy bay đã bắt đầu chạy trên đường băng. Bà đợi cho đến khi chiếc máy bay đã rời khỏi mặt đất rồi mới gọi điện tới New York cho Leapman. Thông điệp của bà rất ngắn gọn. “Kiện hàng đang trên đường tới đích”.
Jack cảm thấy ngạc nhiên. Anh đã theo dõi Anna khi cô bước ra sảnh, đổi tiền ở quầy của Travelex và đứng vào hàng chờ tắc xi. Xe của Jack đã đỗ ở bên kia đường với hai kiện hành lý, máy nổ sẵn. Anh chờ chiếc tắc xi của Anna chạy qua.
“Đi đâu vậy, anh bạn”, người tài xế hỏi.
“Tôi cũng chưa biết”, Jack thú nhận, “nhưng tôi cá là sẽ tới kho gửi hàng”.
Jack nghĩ là Anna sẽ cho xe chạy thẳng tới kho gửi hàng để lấy kiện hàng mà người tài xế tắc xi của cô đã gửi đi từ Bucharest.
Nhưng Jack đã lầm. Thay vì rẽ phải, khi tấm biển lớn màu xanh chỉ đường tới kho hàng hiện ra trước mắt họ, chiếc tắc xi của Anna ngoặt trái và tiếp tục chạy về phía Tây theo đường M25.
“Cô ta không tới kho hàng, anh bạn ạ, bây giờ anh cá là cô ta đi đâu, Gatwick chăng?”.
“Thế chiếc thùng ấy đựng gì?”, Jack hỏi.
“Tôi biết thế nào được, anh bạn”.
“Ôi, tôi ngu quá đi mất”, Jack nói.
“Tôi không có nhận xét gì về điều đó, anh bạn ạ, nhưng sẽ tốt hơn nếu tôi biết chúng ta đang đi tới đâu”.
Jack cười. “Tôi nghĩ đó sẽ là Lâu đài Wentworth”.
“Đúng thế, anh bạn”.
Jack cố gắng thư giãn, nhưng cứ mỗi khi anh liếc nhìn vào gương chiếu hậu, anh lại càng tin chắc rằng có một chiếc tắc xi nữa cũng đang bám theo Anna. Có một hình người mờ mờ ngồi ở hàng ghế sau trên chiếc tắc xi kia. Tại sao cô ta vẫn không buông tha Anna, dù chắc chắn là bức tranh đã được gửi lại tại kho hàng?
Khi chiếc tắc xi chở anh rẽ khỏi đường M25 và chạy vào con đường dẫn tới Wentworth, chiếc tắc xi kia tiếp tục chạy thẳng về hướng Gatwick.
“Suy cho cùng thì anh cũng không đến nỗi ngốc như anh tưởng đâu, anh bạn ạ. Có vẻ như đúng là Wentworth”.
“Ừ, nhưng tôi bị hoang tưởng”, Jack thú nhận.
“Quyết định đi, anh bạn”, người lái xe nói khi chiếc tắc xi của Anna rẽ vào cổng Lâu đài Wentworth và mất hút sau khúc cua. “Anh bạn có muốn tôi tiếp tục bám theo không?”.
“Không”, Jack nói. “Nhưng tôi cần tìm một chỗ để ngủ qua đêm. Anh có biết khách sạn nào quanh đây không?”.
“Khi giải gôn khai mạc, tôi đưa rất nhiều khách đến Wentworth Arms. Vào mùa này trong năm, chắc họ có thể thu xếp cho anh bạn một phòng”.
“Vậy thì đi tới đó”, Jack nói.
“Ok, anh bạn”.
Jack ngả người ra ghế và bấm một số điện thoại.
“Đại sứ quán Mỹ”.
“Xin cho gặp Tom Crasanti”.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.