Ấn Tượng Sai Lầm

CHƯƠNG 43



Leapman được chở tới sân bay JFK để lấy bức tranh một giờ trước khi máy bay hạ cánh. Điều đó không ngăn được Fenston cứ mười phút lại gọi điện cho ông ta trên đường tới sân bay, và khi chiếc limousine đang trên đường trở lại Phố Wall cùng với chiếc thùng màu đỏ được khoá an toàn trong cốp xe, cứ năm phút Fenston lại gọi một lần.
Fenston đang đi đi lại lại trong phòng khi Leapman được thả xuống bên ngoài toà nhà, và ông ta đang đợi ở hành lang khi Barry và người tài xế bước ra khỏi thang máy cùng với chiếc thùng màu đỏ.
“Mở ra”, Fenston ra lệnh, trước cả khi chiếc thùng được dựng vào tường trong văn phòng của ông ta. Barry và người lái xe mở những cái kẹp đặc biệt ra trước khi bắt đầu rút những chiếc đinh dài đã được vít chặt vào viền thùng, trong khi Fenston, Leapman và Tina đứng nhìn. Khi nắp thùng được mở và những lớp pôlixetiren ở bốn góc được bóc ra, Barry cẩn thận lấy bức tranh ra khỏi chiếc thùng gỗ và dựng nó lên vào bàn làm việc của Fenston. Ông ta lao tới và bắt đầu xé các lớp giấy bóng bằng đôi tay trần của mình, cho đến khi ông ta nhìn thấy thứ mà vì nó ông ta sẵn sàng giết người.
Fenston lùi lại và há hốc miệng.
Không ai có mặt trong căn phòng dám mở miệng trước khi ông ta lên tiếng. Rồi bỗng nhiên ông ta nói một lèo: “Đẹp hơn tôi tưởng. Màu sắc quá tươi, nét vẽ quá sắc. Đúng là một kiệt tác”. Leapman quyết định không bình luận.
“Tôi biết chính xác cần phải treo bức Van Gogh của tôi ở đâu”, Fenston nói.
Ông ta ngẩng lên và nhìn chằm chằm vào bức tường sau bàn làm việc của mình, nơi có treo một bức ảnh lớn chụp cảnh George W. Bush đang bắt tay ông ta trong lần ông ta tới thăm Bãi Trống.
Anna nóng lòng chờ đợi chuyến bay trở về Mỹ, cùng cơ hội để tìm hiểu thêm về Jack trong hành trình dài bảy giờ đồng hồ. Cô thậm chí còn hy vọng rằng Jack sẽ trả lời một vài câu hỏi của mình. Làm thế nào mà anh ta có thể tìm được địa chỉ của mẹ cô, tại sao anh ta vẫn nghi ngờ Tina, và có bằng chứng nào cho thấy Fenston và Krantz có quan hệ với nhau?
Jack đang chờ Anna lúc cô bắt đầu làm thủ tục. Anna tranh thủ một chút thời gian để thư giãn bên người đàn ông đã bám theo cô trong suốt chín ngày, và điều tra cô trong tám tuần vừa qua. Đến khi họ bắt đầu bước lên các bậc cầu thang để lên máy bay, Jack đã biết rằng Anna là một fan hâm mộ của nhóm Knicks, thích mỳ ống của Ý và thích Dustin Hoffman, còn Anna thì biết rằng Jack cũng hâm mộ nhóm Knicks, rằng hoạ sỹ hiện đại mà anh ngưỡng mộ là Fernando Botero, và rằng không gì có thể thay thế món thịt hầm kiểu Ailen do mẹ anh nấu.
Anna đang băn khoăn không hiểu Jack có thích phụ nữ mập không thì thấy anh gục đầu vào vai cô. Vì cô là nguyên nhân khiến anh mất ngủ, Anna cảm thấy cô không có lý do gì để phàn nàn. Cô nhè nhẹ đẩy đầu anh ra, cố không làm anh thức giấc. Cô bắt đầu liệt kê một loạt những việc mà cô cần làm một khi đã trở về New York. Jack lại gục đầu vào vai cô. Anna đành để mặc và cũng cố ngủ một chút. Cô đã từng đọc được ở đâu đó rằng chiếc đầu nặng bằng một phần bảy cơ thể, và giờ thì cô hoàn toàn tin điều đó.
Cô tỉnh dậy khoảng một tiếng trước khi máy bay hạ cánh. Jack vẫn còn đang ngủ, nhưng một tay anh lúc này vắt qua vai cô. Vẫn còn ngái ngủ, cô ngồi dậy và nhận cốc trà từ tay cô chiêu đãi viên.
Lúc này Jack đã tỉnh ngủ. “Cô thường ngủ với đàn ông ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên à?”, anh vừa hỏi vừa nhe răng cười.
“Nếu anh ta chịu mời tôi bữa tối”.
“Thế điều đầu tiên mà cô sẽ làm là gì, sau khi cô đã thoát chết một cách thần kỳ như vậy?”.
“Gọi điện cho gia đình và bạn bè và báo cho họ biết rằng tôi vẫn còn sống khoẻ như thế nào, rồi sau đó tìm xem có ai muốn thuê tôi không. Thế còn anh?”.
“Tôi phải gặp sếp và báo cho ông ấy biết tôi chẳng tiến gần Fenston được bao nhiêu, và sẽ được nghe một trong hai câu nói quen thuộc của ông ấy. Lười biếng quá hoặc Chậm như rùa.
“Không công bằng”, Anna nói, “nhất là bây giờ khi Krantz đã bị bắt”.
“Không phải công sức của tôi”, Jack nói. “Và tôi sẽ phải đối mặt với sự quở trách còn đáng sợ hơn từ phía bà mẹ của tôi, khi tôi phải giải thích với bà lý do tại sao tôi không gọi cho bà từ London và xin lỗi vì không thể về nhà để thưởng thức món thịt hầm kiểu Ailen của bà. Không, tôi chỉ có thể lấy lại được thể diện nếu tôi điều tra ra ý nghĩa của các chữ cái NYRC”. Jack cho tay vào túi áo trên. “Sau khi rời quán trọ Wentworth Arms, tôi đi cùng Tom tới đại sứ quán, và nhờ công nghệ hiện đại, anh ấy có thể cho ra một bản sao chính xác chiếc chìa khoá ấy, cho dù chiếc chìa khoá gốc vẫn ở Romania”. Anh lấy từ trong túi ra một chiếc chìa khoá và đưa nó cho Anna.
Anna lật đi lật lại chiếc chìa khoá nhỏ bằng đồng ấy trong tay. “NYRC 13. Anh có suy nghĩ gì không?”.
“Chỉ là những cái tên mà ai cũng có thể nghĩ đến”, Jack nói.
“Câu lạc bộ đua ngựa New York? Câu lạc bộ đua thuyền New York, còn gì nữa?”.
“Câu lạc bộ quần vợt New York, nhưng nếu cô nghĩ ra được gì, hãy cho tôi biết, bởi vì tôi sẽ dành cả kỳ nghỉ cuối tuần để tìm hiểu xem nó có liên quan gì tới mấy cái tên mà chúng ta vừa kể ra hay không. Tôi phải có được cái gì đó khả quan trước khi gặp sếp vào thứ Hai”.
“Nếu anh tìm ra, anh hãy chạy chậm lại trên đường chạy vào buổi sáng để cho tôi biết với nhé”.
“Tôi hy vọng có thể cho cô biết chuyện đó trong bữa ăn tối hôm nay”, Jack nói.
“Không thể được. Tôi xin lỗi, Jack, mặc dù tôi rất muốn, tôi phải ăn tối với Tina”.
“Thế ư?”, Jack nói. “Phải cẩn thận đấy nhé”.
“6 giờ sáng mai có được không?”, Anna hỏi, phớt lờ câu nói của Jack.
“Thế có nghĩa là tôi nên đặt đồng hồ báo thức vào lúc 6 giờ 30, nếu chúng ta hẹn gặp nhau giữa đường chạy”.
“Lúc ấy chắc tôi đã tắm xong”.
“Thế thì tôi không thể bỏ lỡ cơ hội ấy”.
“Tiện đây”, Anna nói, “anh có thể giúp tôi một việc được không?”.
Leapman bước vào văn phòng chủ tịch mà không gõ cửa.
“Ngài đã thấy cái này chưa?”, ông ta vừa hỏi vừa đặt một tờ Thời báo New York lên bàn và đưa tay chỉ vào một bài báo trong mục tin quốc tế.
Fenston đọc kỹ tít báo: Cảnh Sát Romania Bắt Giữ Kẻ ám Sát. Ông ta đọc qua bài báo ngắn đó hai lần trước khi nói: “Tìm hiểu xem viên cảnh viên trưởng muốn bao nhiêu”.
“Chưa hẳn đã dễ như thế đâu”, Leapman nói.
“Bao giờ cũng dễ như vậy”, Fenston vừa nói vừa nhìn lên. “Chỉ có thoả thuận giá cả là khó thôi”.
Leapman cau mày: “Và còn một vấn đề nữa mà ngài phải cân nhắc”.
“Đó là chuyện gì vậy?”, Fenston hỏi.
“Bức tranh Van Gogh. Ngài cần phải làm bảo hiểm, sau những gì xảy ra với bức Monet”.
“Tôi không bao giờ làm bảo hiểm cho các bức tranh của mình. Tôi không muốn IRS biết bộ sưu tập của tôi trị giá bao nhiêu, và dù sao thì chuyện đó cũng sẽ chẳng bao giờ xảy ra hai lần”.
“Nó đã xảy ra hai lần”, Leapman nói.
Fenston nhăn mặt và một lúc sau mới trả lời.
“Thôi được, nhưng chỉ mình bức Van Gogh thôi đấy”, cuối cùng ông ta nói. “Bảo hiểm ở công ty Lloyd nhé, và nhớ là giá trị sổ sách của nó phải để dưới 20 triệu đôla”.
“Tại sao lại thấp như vậy?”, Leapman hỏi.
“Bởi vì điều cuối cùng tôi muốn là có được bức Van Gogh với trị giá thực là 100 triệu đôla trong khi tôi vẫn muốn được đặt tay lên những gì còn lại trong bộ sưu tập của Lâu đài Wentworth”.
Leapman gật đầu và quay mình bước đi.
“Tiện đây”, Fenston vừa nói vừa nhìn xuống tờ báo. “Ông đã gửi nốt nửa triệu đôla còn lại vào tài khoản của Krantz chưa?”
“Chưa, tôi đang định…”.
“Vậy thì cứ từ từ”. Ông ta ngẩng lên nhìn Leapman và mỉm cười. “Hãy đợi cho đến khi cô ta trốn thoát đã”.
Krantz nằm yên trên giường và chờ đợi phiên gác lúc 2 giờ sáng đổi ca. Cô ta không có cách nào để biết thời gian ngoài việc theo dõi lính gác đổi phiên cho nhau. Một lính gác vừa đi ăn về, vì vậy cô ta đoán lúc đó là vào khoảng 2 giờ kém 10.
Đã đến giờ thực hiện thói quen hàng đêm. Krantz kéo tấm ga lên, nằm nghiêng sang bên hông, và tì gối vào cằm. Cô ta cho hai ngón tay vào hậu môn và lấy ra một chiếc bao cao su. Cô ta mở chiếc nút trên miệng bao, lấy ra một cuộn nhỏ những tờ 100 đôla được cuộn chặt. Cô ta bóc hai tờ, và dấu vào băng đeo. Sau đó cô ta làm lại tất cả những thao tác đó theo thứ tự ngược lại.
Krantz tính rằng lúc đó là hai giờ kém mười.
Cô ta chờ đợi.
Jack ngồi ở hàng ghế sau trên tắc xi và nhìn ra cửa sổ. Đám mây xám từ ngày 11/9 vẫn còn đó trên bầu trời Manhattan, cho dù người dân New York không còn nhìn lên với cái nhìn khiếp hãi nữa. Chủ nghĩa khủng bố là một cái gì đó mà thành phố sôi động nhất trên thế giới này đã phải học cách để thừa nhận sự tồn tại của nó.
Jack ngồi ngả người ra ghế và suy nghĩ về công việc mà anh đã hứa sẽ giúp Anna. Anh bấm số điện thoại mà cô đã đưa cho anh. Sam nhấc điện thoại lên. Jack nói với ông già rằng Anna vẫn còn sống và mạnh khoẻ, và rằng cô đã đi thăm mẹ mình ở Romania, và tối nay cô sẽ trở về nhà. Thật là tuyệt vời khi bắt đầu một ngày mới bằng việc đem lại niềm vui cho ai đó, Jack nghĩ. Nhưng với cú điện thoại thứ hai của anh thì lại khác. Anh gọi cho sếp của mình để báo với ông ta rằng anh đã quay trở lại New York. Macy nói với anh rằng Krantz đã được đưa tới một bệnh viện địa phương ở Bucharest, và đã được phẫu thuật vai. Cô ta được canh giữ ngày đêm, mỗi ca gác gồm sáu người.
“Tôi sẽ cảm thấy vui hơn khi cô ta bị tống giam”, Jack nói.
“Tôi nghe nói cậu đã có kinh nghiệm về việc này”, Macy nói.
Jack vừa định trả lời thì Macy nói thêm: “Tại sao cậu không nghỉ ngơi cho hết tuần đã, Jack? Cậu xứng đáng mà”.
“Hôm nay là thứ Bảy”, Jack nhắc sếp mình.
“Vậy thì tôi sẽ gặp cậu vào sáng thứ Hai nhé”, Macy nói
Jack quyết định nhắn tin cho Anna. Đã báo cho Sam biết cô đang trở về nhà. Ông ta là người đàn ông duy nhất khác trong cuộc đời cô à? Anh chờ vài phút, nhưng không có tin trả lời. Anh gọi cho mẹ mình.
“Hôm nay con có về ăn tối không đấy?”, mẹ anh hỏi bằng một giọng gắt gỏng. Anh gần như có thể ngửi thấy mùi thịt hầm.
“Thế con đã bỏ bữa nào chưa, mẹ?”.
“Tuần trước rồi còn gì”.
“À, vâng, con định gọi cho mẹ”, Jack nói, “nhưng con phải đuổi theo một cô gái qua nửa vòng trái đất”.
“Một cô gái ngoan theo đạo Cơ đốc chứ?”, mẹ anh vội hỏi.
“Không, mẹ ơi”, Jack trả lời. “Cô ấy vừa mới ly dị chồng. Cô ấy đã có ba đời chồng rồi, hai trong số những người chồng trước của cô ấy bị chết bất đắc kỳ tử. Ồ, và cô ấy có năm con rồi, mà không phải tất cả đều là con của ba người chồng kia, nhưng chắc là mẹ sẽ vui khi biết bốn trong số năm đứa con của cô ấy nghiện ma tuý – thằng còn lại thì đang ngồi tù”.
“Cô ấy có công việc ổn định không?
“ồ, có, mẹ ạ, đếm tiền ấy mà mẹ. Cô ấy phục vụ phần lớn khách hàng của mình vào kỳ nghỉ cuối tuần, nhưng cô ấy khẳng định với con rằng lúc nào cô ấy cũng có thể bỏ ra một giờ để tới nhà ta xin một bát thịt hầm kiểu Ailen của mẹ”.
“Vậy chứ thực sự cô ta làm nghề gì?”, mẹ anh hỏi.
“Cô ấy là một kẻ chuyên trộm tranh”, Jack nói, “và chỉ trộm tranh của Van Gogh. Kiếm rất nhiều tiền sau mỗi phi vụ”.
“Vậy thì cô ta còn hơn khối những người bạn gái trước của con”.
“Tạm biệt mẹ”, Jack nói. “Con sẽ gặp mẹ tối nay”.
Anh kết thúc cuộc gọi, và nhận được một tin nhắn của Anna.
Hãy động não đi, Người Rình rập. Đã tìm ra nghĩa của chữ R, rất dễ. Anh chậm hơn tôi rồi nhé.
“Của nợ”, Jack nói. Tiếp đó anh gọi điện tới London cho Tom, nhưng tất cả những gì anh có là một thông điệp từ chiếc máy trả lời tự động: “Tom Crasanti, tôi ra ngoài vài phút, và sẽ trở lại ngay, xin để lại tin nhắn”.
Jack chẳng để lại tin nhắn làm gì, vừa lúc đó chiếc tắc xi dừng lại bên ngoài căn hộ của anh.
“Hết 32 đôla”.
Jack đưa cho người tài xế bốn tờ 10 đôla, anh không lấy lại tiền lẻ, cũng không nhận lời cảm ơn.
Mọi thứ ở New York đã trở lại bình thường.
Khi Krantz nghe thấy người lính gác đi ăn về, cô ta tính rằng lúc đó khoảng 1 giờ 40 phút. Cô ta chờ vài phút trước khi thực hiện công việc hàng đêm của mình.
Cô ta lấy chiếc bao cao su từ hậu môn ra, cởi nút, lấy cuộn tiền giấy ra, bóc lấy hai tờ 100đôla, buộc nút lại, cất chiếc bao vào chỗ cũ, và chờ đợi. Krantz tính rằng lúc đó là vào khoảng 2 giờ kém 10.
Khi Krantz nghe thấy tiếng ca gác lúc 2 giờ đêm đến thay ca, cô ta tin rằng anh chàng kia sẽ xuất hiện sau vài phút nữa. Suy cho cùng, anh ta chỉ phải lấy cho cô ta một cốc nước, đổi lại anh ta có một gói Silk Cut. Không phải là một cuộc đổi chác tồi.
Chỉ 20 phút là anh ta sẽ lẻn ra ngoài châm một điếu thuốc. Đúng là một con nghiện. Đó cũng chính là ám hiệu để người đồng đội của anh ta xuất hiện với một chiếc bánh xăngđuých pho mát, một lon coke và một gói Silk Cut, mà nhờ nó anh ta đút túi được 100 đôla. Đến như khách sạn Ritz cũng không tính đắt như thế. Nhưng điều đó chỉ thể hiện rằng anh ta vừa ngu dốt vừa tham lam, một sự kết hợp mà cô ta có thể lợi dụng khi thời cơ đến để dạy cho anh ta ý nghĩa đích thực của cụm từ Silk Cut.
Không thèm tắm rửa và thay quần áo, Jack bắt đầu tra cứu danh bạ điện thoại của New York để tìm cái tên đầy đủ của các chữ viết tắt NYRC. Ngoài ba từ mà Jack đã nghĩ ra từ trước, anh không tìm thấy từ nào có chứa chữ R mà Anna nói là rất dễ tìm kia. Anh bật máy tính lên và vào trang Google để tìm kiếm cụm từ “Câu lạc bộ quần vợt sân trường New York – New York Racquet Club”. Anh tìm được phần lịch sử sơ lược của NYRC, một vài bức ảnh chụp một toà nhà rất đẹp trên Đại lộ Park và một tấm hình của vị chủ tịch đương nhiệm, Darius T. Mablethorpe III. Jack biết chắc rằng cách thức duy nhất để anh có thể đi qua qua cửa trước là phải làm sao để trông không khác gì một hội viên. Đừng bao giờ làm cho Cục phải xấu hổ.
Sau khi tắm rửa, anh chọn một bộ complê đen, một chiếc sơ mi xanh và một chiếc caravát Colombia cho công việc đặc biệt này. Anh rời khỏi căn hộ của mình và bắt tắc xi tới địa chỉ 370 Đại lộ Park. Anh bước xuống vỉa hè và đứng nhìn toà nhà một lúc. Anh chiêm ngưỡng vẻ lộng lẫy của công trình kiến trúc bốn tầng theo kiểu phục hưng này. Anh bước lên các bậc thềm về phía một cánh cửa ra vào có các chữ cái NYRC dán trên cửa.
Người gác cửa chào Jack bằng câu “Xin chào ngài” và đứng giữ cánh cửa cho anh, như thể anh là một thành viên lâu năm. Anh bước vào một căn sảnh thanh nhã với những bức ảnh lớn chụp các vị cựu chủ tịch mặc quần dài màu trắng và áo cộc tay màu xanh, tay cầm vợt. Jack nhìn ngược lên chiếc cầu thang rộng. Ở trên đó thậm chí còn treo ảnh của nhiều vị cựu chủ tịch hơn, từ những năm tháng xa xưa hơn. Chỉ có chiếc vợt là dường như không thay đổi. Anh bước tới quầy tiếp tân.
“Tôi có thể giúp gì cho ngài không?”, một người đàn ông trẻ tuổi hỏi anh.
“Tôi sợ là không”, Jack thú nhận.
“Ngài cứ thử nói xem”, anh ta đề nghị.
Jack lấy chiếc chìa khoá sao bản kia từ trong túi ra rồi đặt lên mặt quầy. “Đã bao giờ trông thấy cái này chưa?”, anh hỏi.
Anh ta lật đi lật lại chiếc chìa khoá, nhìn kỹ các chữ cái một lúc, rồi nói, “Chưa, thưa ngài. Có thể là chìa khoá gửi đồ, nhưng không phải của chúng tôi”. Anh ta quay người lại và lấy một chiếc chìa khoá to bằng đồng từ chiếc bảng phía sau lưng. Có một tấm biển nhỏ đề tên của hội viên đính trên tay cầm, và các chữ cái NYRC màu đỏ được in trên thân chiếc chìa khoá.
“Có gợi ý gì không?”, Jack hỏi, và cố để không thể hiện sự thất vọng trong giọng nói.
“Không, thưa ngài”, anh ta trả lời. “Nhưng không biết đó có phải là loại chìa có từ trước khi tôi vào làm ở đây không. Tôi mới làm ở đây được hơn mười năm, nhưng có lẽ Abe có thể giúp. Ông ấy có mặt ở đây từ thời còn nhiều người chơi quần vợt sân trường hơn tennis”.
“Và các quý ông thực thụ chỉ chơi quần vợt sân trường thôi”, một người cao tuổi hơn vừa xuất hiện từ một văn phòng phía sau bước tới và nói. “Và chuyện mà tôi có thể giúp là gì vậy?”.
“Một chiếc chìa khoá”, người đàn ông trẻ tuổi nói. “Quý ông đây muốn biết liệu ông đã bao giờ trông thấy một chiếc chìa khoá như thế này hay chưa”, anh ta nói thêm rồi đưa chiếc chìa khoá cho Abe. Abe lật đi lật lại chiếc chìa trên tay. “Rõ ràng là không phải của chúng tôi”, ông ta khẳng định, “và chưa bao giờ là của chúng tôi, nhưng tôi biết chữ “R” là viết tắt của từ nào”, ông ta nói thêm bằng một giọng tự đắc, “bởi vì phải, ờ, gần 20 năm rồi, thời Thị trưởng Dinkins”. Ông ta dừng lại và ngước lên nhìn Jack. “Một người đàn ông trẻ tuổi, gần như không biết một từ tiếng Anh nào, bước vào và hỏi xem đây có phải là một câu lạc bộ của người Romania không”.
“Đúng thế”, Jack lầm bầm, “mình ngu quá”.
“Tôi còn nhớ là anh ta đã thất vọng như thế nào”, Abe tiếp tục nói, phớt lờ câu tự rủa của Jack, “khi biết chữ R là viết tắt của từ Racquet. Chắc không phải vì anh ta không biết nghĩa của từ Racquet là gì. Ông thấy đấy, anh ta không biết tiếng Anh. Điều duy nhất khiến tôi có thể nhớ đôi điều về chuyện này là vì nó nằm đâu đó trên phố Lincohn”, ông ta nhấn mạnh tên phố. Ông ta liếc nhìn Jack. Anh quyết định không ngắt lời ông ta lần thứ hai. “Ở đâu đó trong khu Queens, nhưng tôi không nhớ chính xác”.
Jack cất chiếc chìa khoá vào túi, cảm ơn Abe và quay mình bước đi, trước khi ông ta có cơ hội để chia sẻ thêm về ký ức của mình.
Tina ngồi bên bàn làm việc và đang đánh máy một bài phát biểu. Ông ta thậm chí cũng chẳng cảm ơn chị về việc chị đã phải đi làm cả vào ngày thứ Bảy.
Các chủ nhà băng ở mọi lúc, mọi nơi phải luôn đề ra những tiêu chuẩn cao hơn cả những bổn phận pháp lý của họ.
Fenston đã được Hiệp hội Ngân hàng New York mời phát biểu trong bữa tiệc tối thường niên của họ, được tổ chức tại Sherry Netherland.
Fenston vừa ngạc nhiên vừa sung sướng vì lời mời này, cho dù ông ta đã phải vận động một thời gian để có được nó.
Ban tổ chức đã bị chia rẽ.
Fenston quyết tâm gây ấn tượng tốt với các đồng nghiệp trong ngành ngân hàng, và đã sửa đi sửa lại bài phát biểu của mình.
Sự phán quyết độc lập của chúng ta phải luôn là chỗ dựa vững chắc của khách hàng, và phải làm sao cho khách hàng luôn tin tưởng rằng chúng ta sẽ hành động vì lợi ích cao nhất của họ chứ không phải vì lợi ích của chúng ta.
Tina bắt đầu băn khoăn không hiểu có phải đây là một vở kịch mà Fenston là nhân vật thử giọng đầu tiên hay không. Leapman đóng vai nào trong bài răn dạy đạo đức này? Victoria Wentworth được sống qua bao nhiêu hồi trong vở kịch này?
Chúng ta luôn luôn phải tự xem mình là những người bảo vệ tài sản cho khách hàng – đặc biệt là khi họ có một bức tranh Van Gogh, Tina muốn viết thêm vào – trong khi không bao giờ được xem nhẹ những quyền lợi tài chính của họ.
Những suy nghĩ của Tina lúc này đang hướng tới Anna, trong khi chị vẫn tiếp tục đánh máy ra những lời lẽ đạo đức giả của Fenston. Chị đã nói chuyện trên điện thoại với Anna ngay trước lúc ra khỏi nhà để đi làm vào sáng hôm đó. Anna muốn kể cho chị biết về người đàn ông mới trong cuộc đời mình, người mà Anna đã gặp trong những hoàn cảnh khác thường nhất. Họ đã đồng ý sẽ gặp nhau trong bữa ăn tối hôm đó, bởi vì chính Tina cũng có chuyện muốn chia sẻ.
Và xin đừng bao giờ quên rằng chỉ cần một ai đó trong chúng ta hạ thấp tiêu chuẩn nghề nghiệp, thì tất cả chúng ta cùng phải hứng chịu hậu quả.
Khi Tina sang trang mới, chị băn khoăn không hiểu mình có thể tiếp tục làm thư lý riêng của Fenston trong bao lâu nữa. Kể từ khi chị ném Leapman ra khỏi phòng mình, chị và ông ta chưa hề nói với nhau câu nào. Có thể ông ta sẽ tìm cách để chị bị sa thải càng sớm càng tốt, và khi điều đó xảy ra, chị đã thu thập đủ chứng cứ để đảm bảo rằng Fenston sẽ sống phần đời còn lại của ông ta trong một căn phòng nhỏ ở một trại giam lớn?
Và cho phép tôi được kết thúc bài phát biểu của mình bằng lời khẳng định rằng mục đích duy nhất trong suốt cuộc đời tôi là phục vụ và trả ơn cộng đồng, một cộng đồng đã cho tôi được sẻ chia giấc mơ Mỹ.
Đây là tài liệu duy nhất mà Tina không muốn lưu một bản sao của nó.
Đèn trên điện thoại của Tina nhấp nháy và chị vội cầm ống nghe lên.
“Vâng, có chuyện gì vậy, ngài chủ tịch?”.
“Cô đã đánh máy xong bài phát biểu tối nay của tôi chưa?”.
“Xong rồi, thưa chủ tịch”, Tina nói.
“Hay đấy chứ hả?”, Fenston nói.
“Rất đáng chú ý”, Tina trả lời.
Jack vẫy một chiếc tắc xi và yêu cầu tài xế chạy tới phố Lincoln, khu Queens. Người tài xế bật đồng hồ đo đường trong khi anh tìm địa chỉ trong cuốn danh bạ. Jack đã đi được nửa chặng đường tới sân bay trước khi anh được cho xuống một góc phố giữa phố Lincoln và phố Harris. Anh nhìn dọc con phố, và ý thức được rằng bộ complê mà anh đã chọn cho Đại lộ Park không hợp với chỗ này. Anh bước vào một quầy bán rượu bia ở góc phố.
“Tôi muốn tìm Câu lạc bộ Romania”, anh nói với người phụ nữ đứng tuổi đang đứng sau quầy.
“Đóng cửa từ lâu rồi”, bà ta nói. “Bây giờ đã thành một nhà nghỉ”, bà ta nói thêm rồi nhìn Jack từ đầu đến chân, “nhưng tôi không nghĩ là anh muốn trọ ở đó”.
“Bà có biết số nhà không?”, anh hỏi.
“Không, nhưng ở khoảng giữa phố, phía bên kia đường”.
Jack cảm ơn người phụ nữ, rồi bước trở ra phố và băng sang bên kia đường. Anh cố tính xem giữa phố là ở chỗ nào, rồi anh trông thấy một tấm biển với dòng chữ Có phòng cho thuê đã mờ. Anh dừng lại, nhìn xuống các bậc cầu thang và trông thấy một tấm biển có một dòng chữ còn mờ hơn phía trên cửa ra vào. Dòng chữ NYRC, thành lập 1919 gần như không còn có thể luận ra nổi.
Jack bước xuống cầu thang và khẽ đẩy chiếc cánh cửa kính đã bị rạn. Anh bước vào một hành lang tối mờ, bẩn thỉu và sặc mùi thuốc lá rẻ tiền. Có một cái bàn tiếp tân nhỏ đầy bụi ngay trước mặt anh, phía sau cái bàn mốc meo ấy, Jack trông thấy một ông già đang đọc tờ Bưu điện New York, bao quanh ông ta là một màn khói thuốc.
“Tôi cần thuê một phòng để ở qua đêm nay”, Jack cố nói bằng một giọng tự nhiên nhất.
Ông già nheo mắt nhìn Jack bằng một cái nhìn thể hiện sự ngờ vực. Anh ta có gái đang chờ ở ngoài không? “Hết 7 đôla”, ông ta nói, “trả tiền trước”.
“Và tôi cần có chỗ để cất đồ đạc có giá trị của mình”, Jack nói.
“Thêm 1 đôla nữa – trả trước”, ông già lặp lại, điếu thuốc nảy nảy trên môi ông ta.
Jack đưa cho ông ta 8 đôla, và đổi lại anh nhận được một chiếc chìa khoá.
“Tầng 2, số 3, tủ cất đồ ở cuối hành lang”, ông già vừa nói vừa đưa cho anh một chiếc chìa khoá nữa. Rồi ông ta lại cúi xuống tờ báo, điếu thuốc vẫn không rời khỏi môi.
Jack chầm chậm đi về phía cuối hành lang, cho đến khi trước mặt anh là một dãy những ngăn tủ an toàn. Dù đã rất lâu năm, nhưng những ngăn tủ này trông có vẻ rất chắc chắn và không dễ dàng có thể phá ra, cho dù có ai đó muốn làm điều ấy. Anh mở ngăn tủ của mình ra và nhìn vào bên trong. Nó rộng khoảng 8 inch, và cao khoảng hai bộ. Jack liếc nhìn về phía bàn tiếp tân, ông già đang lật sang trang báo khác, điếu thuốc vẫn ngậm chặt trên môi.
Jack đi thêm vài bước nữa, rồi rút chiếc chìa khoá sao bản từ trong túi ra. Thêm một cái liếc nhìn nữa, anh cho chiếc chìa vào ổ khoá ngăn tủ số 13. Anh nhìn vào bên trong và cố giữ bình tĩnh, cho dù tim anh đập thình thịch. Anh rút một tờ tiền từ trong đó ra và bỏ vào ví mình. Jack khoá ngăn tủ lại và cất chiếc chìa khoá vào túi.
Ông già đã lật sang một trang báo khác và đang đọc kết quả các cuộc đua ngựa khi Jack bước trở ra phố.
Anh phải đi qua 11 toà nhà trước khi vẫy được một chiếc xe tắc xi chưa có khách, nhưng anh không vội gọi cho Macy. Khi về tới nhà, anh mở cửa trước, chạy vào bếp và đặt tờ 100 đôla lên bàn. Sau đó anh hình dung lại kích thước của ngăn tủ, trước khi tính toán xem phải bao nhiêu tờ tiền 100 đôla mới có thể nhét đầy ngăn tủ đó. Đến khi anh gọi cho Macy, anh đã mất mấy tờ giấy để trợ giúp cho sự tính toán của mình.
“Tôi nghĩ tôi đã nói rằng cậu được nghỉ cho đến hết tuần”, Macy nói.
“Tôi đã tìm thấy ngăn tủ vừa với chiếc chìa khoá kia”.
“Trong đó có gì?”.
“Khó tin lắm”, Jack trả lời, “nhưng theo tôi tính thì phải có tới 2 triệu đôla”.
“Kỳ nghỉ phép của cậu đã bị hoãn”, Macy nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.