Anh sẽ cưới em thêm nhiều lần nữa

Chương 2 :



Không có điểm kết thúc nào cả.

Và vì thế, kể cả khi đau đớn nhất, anh cũng chỉ coi đó như những thử thách mà chúng ta buộc phải vượt qua nếu như còn muốn đi tiếp.

Còn muốn đi tiếp. Đó chính là lý do để anh vượt qua những đau đớn.

Bình Yên Của Anh!

Em vẫn cứ mãi là Bình Yên Của Anh!

Dù có thể, sự Bình Yên đó, có một lúc nào đó, bị xáo trộn, nhưng nó sẽ Bình Yên trở lại.

Như đêm tối qua đi, bình minh lại rực rỡ.

Không ai có thể lấy đi ánh nắng của bình minh ấy.

Bởi em là mặt trời của anh.

Bởi anh chính là mặt trời của em.

Chúng ta chỉ có thể tự tắt đi mà thôi.

Nhưng anh tin, cả anh và em đều đang nỗ lực đã giữ ánh mặt trời cho nhau.

Bởi em còn biết đau với nỗi đau của anh.

Bởi anh còn biết mình yêu em đến nhường nào.

Bình Yên Của Anh!

Anh vẫn cứ muốn gọi em như thế!

Muốn gọi em như thế.

Cho đến tận cùng cuộc đời của mình.

Tận cùng.

Đến chết.

“…Anh đã mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ…”

Giấc mơ ấy đã thành hiện thực. Nhưng hiện thực ấy có ngọt ngào như ý nghĩ từ giấc mơ? Hiện thực vốn xù xì. Thế nên đôi khi, giấc mơ là thế, thành hiện thực nhưng lại mang vị đắng chat dẫu trái chín đỏ au…

Có bao nhiêu trái chín nhưng không mang vị ngọt?

Giấc mơ thì luôn ngọt ngào song khi nó thành hiện thực như giấc mơ muốn thì nó lại không ngọt ngào như giấc mơ có.

Bởi hiện thực xù xì.

Bởi giấc mơ khi đã thành hiện thực mà dừng lại và thỏa mãn thì đó sẽ là một hiện thực chết.

Như bạn mơ làm bác sỹ để cứu giúp mọi người nhưng rồi bạn thành bác sỹ, bạn lại mải mê kiếm phong bì sau mỗi lần thăm khám.

Như bạn mơ lớn lên sẽ thành một doanh nhân nhưng khi bạn là doanh nhân, bạn không đủ tài năng lèo lái công ty của bạn.

Vậy thì em ơi, giấc mơ ngôi nhà và những đứa trẻ kia không bao giờ ngừng lại.

Ngôi nhà sẽ phải là một mái ấm.

Những đứa trẻ sẽ phải là những đứa con được sinh ra và lớn lên bằng dinh dưỡng tình yêu.

Một khi ngôi nhà chỉ mang tính trú ẩn tránh mưa nắng thì đó chỉ là căn nhà trọ miễn phí.

Một khi những đứa trẻ do mình sinh ra mà không nuôi dưỡng chúng bằng tình yêu thì lớn lên cũng chỉ là một con người như mọi con người khác. Và thậm chí, có thể nó chỉ là gánh nặng cho xã hội mà thôi.

Cũng như trái chín nào phải trái nào cũng ngọt nếu nguồn nước, phần đất nuôi nó không ngọt.

May mà anh có em.

Hiểu những lý lẽ ấy.

Để giục anh chăm sóc cây cối sau nhà.

Để tỉ mẩn chăm lo cho con, chắt chiu từng hơi ấm cho chồng.

Để gieo những nụ cười cho từng góc nhà.

Để khi anh trở về căn nhà mình, đụng đâu cũng thấy em, thấy hình bóng em.

Em tranh thủ từng buổi đi làm muộn một chút, sớm một chút để phả tình yêu của em vào căn nhà đó, vào đứa con đó.

Tranh thủ từng lời yêu thương để anh chạm vào và run bắn mình lên vì hạnh phúc.

Dù khi anh giận dỗi đến nhường nào, tủi thân đến nhường nào về cảnh hai bố con lang thang quán xá, ngồi luẩn quẩn chơi cùng nhau, thì em cũng không vì thế mà bỏ mặc anh với nỗi tủi thân nghẹn họng ấy.

Em đã nói: Nếu cả hai cứ tranh nhau phần thắng thì kẻ thua chính là cuộc hôn nhân này chứ không phải anh, cũng chẳng phải em.

Đúng em ạ! Mọi cuộc hơn thua trong tình yêu đều không mang lại bền vững nào hết.

Chúng ta hơn nhau cái này hay cái kia sao bằng chúng ta để tình yêu của mình hôm nay hơn tình yêu của mình hôm qua?

Anh có một ngôi nhà.

Anh có những đứa trẻ.

Giấc mơ ấy đã thành hiện thực.

Cho anh tự tin bước trên đường đời.

Nhưng hơn cả thế, anh có một người vợ, các con anh có một người mẹ và ngôi nhà này có một bà chủ.

Em còn nhớ không, ngày chưa xa, chúng mình thèm đến mị mị người một không gian riêng để yêu nhau thỏa thích.

Em còn nhớ không, những ngày chúng mình yêu nhau, cứ buồn mỗi khi phải chia tay nhau để ai về nhà nấy.

Em còn nhớ không, khi mùa Xuân tới, chúng mình đã hân hoan đến nhường nào?

Em còn nhớ không, mùa Đông, rúc vào nhau ấm sực.

Anh xem lại những bức ảnh cũ mà rưng rưng.

Chúng ta đã đi qua tuổi thanh xuân của nhau bằng tất cả trọn vẹn từng ý nghĩ, hơi thở của mình.

Và bây giờ, ngọt ngào hơn nữa, khi ta có nhiều hơn, khi ta hiện thực hóa được giấc mơ của mình.

Anh nâng niu và trân trọng mỗi ngày được sống bên em.

Và anh biết, em cũng vậy, phải không?

Em ơi, ban nãy em hỏi anh: Chiều nay anh muốn ăn gì?

Em ạ, anh muốn ăn em.

Lúc nào cũng vậy.

Anh muốn ăn em.

Ăn từng hơi thở.

Ăn từng ý nghĩ.

Ăn từng nỗi âu lo.

Ăn từng cái thở dài.

Ăn từng nỗi hớn hở.

Ăn đến cả những nỗi nhớ khi không có em.

Ăn đến cả những giấc mơ của em.

Ăn đến cả những mê mải ký ức tình của chúng ta đã vun vén, chắt chiu.

Khi anh ngồi cùng con xếp một ngôi nhà.

Anh nghĩ về em, về cuộc đời của chúng ta đã và đang đi qua.

Mà rưng rưng.

Mà bổi hổi bồi hồi.

Mà hân hoan.

Mà nghẹn ngào.

Anh xếp cho con một ngôi nhà bằng tình yêu của anh dành cho chính cuộc hôn nhân này.

Anh xếp cho con một ngôi nhà bằng tất cả những đau đáu về hạnh phúc mà chúng ta đang nuôi lớn mỗi ngày.

Muốn biết ai đó quan trọng thế nào với bạn, hãy thử nghĩ xem nếu họ biến mất, bạn sẽ cảm thấy thế nào?

Anh sẽ thấy anh cô độc.

Anh sẽ thấy anh rưng rức khóc khi gặp ai đó gợi nhớ đến em.

Anh sẽ thấy anh ngơ ngác đến tội nghiệp giữa bộn bề nỗi nhớ.

Anh sẽ thấy em trong từng cái ăn, cái mặc của anh.

Anh sẽ thấy em cả trong anh.

Anh làm sao sống tiếp được nếu không có em?

Anh làm sao ngủ được nếu không có em?

Anh làm sao thở được nếu không có em?

Anh yếu đuối và ủy mị đến nhường nào, em biết không?

Chỉ nội ý nghĩ mất em đã đủ khiến anh run rẩy muốn khóc.

Huống chi!

Nhưng nghĩ đến mất em làm gì bởi chẳng cần nghĩ đến mất em anh đã luôn thấy đói em ngay cả khi có em.

Anh đói em.

Luôn đói khát em.

Cả khi ở bên em.

Như một con hổ dữ dằn.

Như một tên cướp tham lam. Như một lái buôn keo kiệt.

Anh đói em cả khi em trọn vẹn trong anh.

Bởi có ai than nhiều tiền quá, nhiều oxy quá đâu bao giờ?

Anh vẫn muốn được yêu em nhiều hơn cả ý nghĩ và khả năng của mình.

Yêu em đến tận cùng cuống tim.

Anh viết những lời này không hơn một tâm trạng đang yêu em đến cực đoan.

Đến hụt cả hơi vì ý muốn đi nhanh và xa hơn cả năng lực anh có.

Chưa bao giờ hết yêu em cả trong từng ý nghĩ thoáng vụt qua.

Em ạ!

Một cái nhà – Một mái ấm – Một gia đình – Một cuộc hôn nhân – Một người đàn bà – Một người đàn ông – Một người vợ – Một người chồng

Một cái nhà luôn khác với một mái ấm. Một gia đình luôn khác với một cuộc hôn nhân. Và trách nhiệm với gia đình, mái ấm không phải là trách nhiệm với cá nhân người vợ hay người chồng.

Gia đình cần nhiều nguyên tắc để tồn tại nhưng cũng có khi nó chẳng cần nguyên tắc nào. Vấn đề là ở ý thức của người trong gia đình đó. Với ý thức có gia đình sẽ chẳng cần một nguyên tắc nào bổ trợ. Nhưng với người thiếu ý thức gia đình thì cả mớ nguyên tắc cũng chỉ khiến gia đình ấy trông giống một gia đình.

Một cái nhà. Có một cái giường, hai cái gối, một cái chăn. Có đầy đủ những vật dụng khiến người ta nhận biết rằng cái nhà có người ở và người ở là một cặp vợ chồng. Nhưng cái nhà đó chưa chắc được coi là mái ấm. Cũng giống như “Chiếc áo không thể làm nên thầy tu” vậy. Để được thấy là một mái ấm, căn nhà đó phải có sức sống. Cái gọi là sức sống thì chỉ có người ở trong căn nhà đó làm ra được. Mà cũng không phải chỉ có người chồng, người vợ. Nó đòi hỏi sự quan thiết giữa hai cá thể đó với nhau. Nó đòi hỏi tình cảm của hai người đó với nhau. Tin không, bạn có thể cảm thấy ngay được một gia đình hạnh phúc hay không hạnh phúc khi bạn bước vào căn nhà đó. Ngôi nhà hạnh phúc không phải là một căn nhà đầy đủ tiện nghi hay lộng lẫy. Tiện nghi và lộng lẫy nằm ở con người sống trong căn nhà đó dành cho nhau. Dành cho nhau. Là phải dành cho nhau chứ không phải dành cho căn nhà.

Một cuộc hôn nhân. Hai con người đến với nhau bằng tình yêu, cưới nhau bằng một đám cưới. Có hôn thú rõ ràng. Có hai bên nội ngoại đầy đủ. Thậm chí, có cuộc sống sung túc. Nhưng cuộc hôn nhân đó chưa chắc được coi là một gia đình. Nó giống như giữa mùa Hạ có một ngày se lạnh. Ngày se lạnh ấy do bão rớt chứ không phải là mùa Thu. Không có mùa Thu trong mùa Hạ. Để có được một gia đình thì chỉ có người trong cuộc hôn nhân đó làm ra được. Cái đó gọi là sự thiêng liêng. Cái đó gọi là sự trân trọng cuộc sống chung này. Là người chồng dù giận vợ cũng không giận gia đình. Là người vợ dù đang ghét chồng cũng không ghét cuộc sống chung này. Tôi thích ý nghĩa của câu nói: Dù em đang rất giận chồng nhưng tuyệt đối em không muốn chồng em đi qua đêm. Không phải cô ta sợ chồng đi qua đêm gặp cám dỗ. Mà cô ta giữ cho gia đình này đầy đủ người, đầy đủ tình, đầy đủ sự trọn vẹn. Hay khi giận vợ đến đâu đi nữa, tôi cũng không bao giờ muốn bỏ vợ tôi ở nhà một mình suốt đêm. Dù rằng có thể tôi chỉ ngồi với những người bạn thân của mình. Cái đó gọi là gia đình chứ không phải cuộc hôn nhân. Vì ý nghĩa của hôn nhân là có một gia đình chứ không phải là hôn nhân bền vững. Nó đòi hỏi cả hai có trách nhiệm với cuộc sống chung chứ không phải chỉ trách nhiệm với nhau là đủ. Gia đình khác thời kỳ đang yêu ở điểm đó. Trách nhiệm với cuộc sống chung là hy sinh những sở thích cá nhân nếu sở thích đó tổn hại đến mối quan hệ chung, tổn hại đến cuộc sống chung. Mặc dù đòi hỏi sự hy sinh là điều rất khó khăn nhưng nếu vì một gia đình, tại sao không thể hy sinh? Nó giống như để đi thăng bằng trên dây, họ sẽ phải hy sinh dáng đi uyển chuyển. Nếu chưa sẵn sàng cho sự hy sinh, hãy dừng ngay chuyện kết hôn lại.

Một người đàn ông. Anh ta có thể là một ai đó với vị trí xã hội cao ngất trời. Anh ta có thể nuôi sống những người xung quanh mình. Anh ta có thể là một người đàn ông cực kỳ đàn ông. Nhưng anh ta sẽ không thể là một người chồng nếu anh ta không có một người vợ. Tự nhiên là vậy. Có một người vợ tức là anh ta ý thức rằng anh ta có vợ. Anh ta có vợ tức là anh ta phải hy sinh những cô bồ. Anh ta có thể không yêu vợ như yêu người tình nhưng không có nghĩa là anh ta có thêm một người tình để so sánh với vợ anh ta. Tức là anh ta cần phải ý thức rằng có một người đàn bà của anh ta. Người đàn bà đó là hiện tại và tương lai của anh ta. Anh ta phải sống thế nào để thấy được người đàn bà đó kể cả khi xấu nhất cũng vẫn là vợ mình. Kể cả khi anh ta ghét vợ anh ta nhất thì anh ta vẫn phải giới thiệu với mọi người bằng sự tự hào: Đây là vợ tôi. Một cách thật tâm không giả dối. Vợ chồng không phải là quần áo. Vợ chồng là máu mủ, ruột thịt. Thậm chí còn hơn cả máu mủ ruột thịt. Là bởi đó sẽ là người sinh ra cho anh ta một bản sao hoàn hảo. Là bởi đó sẽ là người quyết định cuộc đời anh ta đến tận cuối đời. Người sẽ quyết định mua quan tài cho anh ta theo đúng sở thích ngày anh ta còn sống. Và người sẽ mang tên: Bà quả phụ. Tức là đến tận cùng sau cả cái chết của anh ta. Một người chồng đã phải vậy thì một người chồng tốt còn khó thế nào? Không thể làm chồng suốt đời với một người phụ nữ xa lạ. Có thể bạn không bao giờ biết chuyện quá khứ của người phụ nữ ấy song bạn phải biết tương lai và hiện tại của người phụ nữ ấy. Phải lo lắng và sống còn với những gì xung quanh người phụ nữ ấy. Bởi cô ta là vợ bạn. Bởi bạn là chồng của cô ta.

Một người đàn bà. Cô ta có thể có sắc đẹp. Cô ta có thể dịu dàng hoặc hung dữ. Cô ta có thể khiến hàng chục người đàn ông mê mải. Nhưng khi cô ta đã là một người vợ thì mọi thứ phải khác. Cô ta không thể tùy tiện đi mua quần lót cho người đàn ông nào khác ngoài chồng mình, anh ruột mình, cha mình, con mình. Cô ta cũng không thể tùy tiện qua đêm với người đàn ông nào khác ngoài chồng mình. Cô ta càng không thể tùy tiện đem thân mình đi đánh đổi bất cứ một điều gì. Vì cuộc đời của cô ta đã gán kết với người đàn ông cô ta gọi là chồng. Vì danh dự của người đàn ông đó gắn liền với hành động của cô ta. Vì cô ta đã là vợ của một người đàn ông. Vì máu thịt của cô ta đã hòa quyện cùng người đàn ông đó trong thân xác của người con. Làm một người vợ thông thường nhất đã khó huống chi làm người vợ tốt. Trách nhiệm với người đàn ông đó chính là trách nhiệm với danh từ VỢ. Không thể có một người vợ nếu cô ta không xác định nổi đâu là chồng mình. Không thể là một người vợ nếu như cô ta bỏ mặc anh chồng để tự do sống với người tình. Nếu cô ta nói cô ta đã làm hết trách nhiệm thì có nghĩa là cô ta đã muốn kết thúc nhiệm kỳ làm vợ của cô ấy. Bởi cũng như chồng cô ta, trách nhiệm kéo dài đến hết cuộc đời.

Vợ – Chồng. Tự nhiên là cần một người đàn bà phải kết hợp với một người đàn ông. Nhưng không phải là hai cuộc sống riêng. Mà là một cuộc sống chung. Không phải là một cuộc hôn nhân. Mà là một gia đình. Không phải là mua một căn nhà. Mà là một mái ấm. Không phải sẽ sinh ra một đứa con. Mà là cho tình yêu có một kết quả đúng. Không phải ràng buộc nhau. Mà là gắn kết và hòa quyện. Là nước với nước chứ không phải nước với dầu. Mà là dành cho nhau chứ không phải phân công nhiệm vụ.

Nghĩ về gia đình, mái ấm, vợ chồng là cái nghĩ suốt đời. Muốn nó ăn vào máu và thành như hơi thở. Chứ không phải cứ xảy ra chuyện mới nghĩ. Dù mỗi gia đình một hoàn cảnh thì mục đích mà ai cũng muốn mong hướng tới vẫn là hạnh phúc của gia đình đó. Họ có thể làm nhiều cách song nếu người chồng hoặc người vợ không cảm thấy hạnh phúc thì cách làm đó bị coi là thất bại. Cũng giống như khi khát nước, rất nhiều thứ đồ uống giúp người ta giải khát nước mắm, nước biển thì không thể uống được vậy. Để tồn tại thì chỉ cần người chồng bị điếc, người vợ bị đui. Còn muốn hạnh phúc bền vững thì người chồng cần thính tai nhất có thể và người vợ cần sáng mắt nhất có thể. Để lắng nghe thấy hết mọi nhu cầu của người vợ. Để thấy xa hơn nữa những điều cần thiết cho chồng mình. Để nghe thấy cả những điều vợ mình chưa nói và để thấy hết cả những điều chồng mình đã làm. Chỉ hiềm nỗi, đàn ông trời ban cho đôi mắt còn phụ nữ lại chỉ có lợi thế về đôi tai. Thế nên mới có câu “Gái yêu bằng tai, trai yêu bằng mắt.” Thế nên người chồng biết đủ chuyện thiên hạ nhưng mãi chẳng hiểu hết vợ mình. Còn người vợ chỉ nhìn thấy điều chồng mình không làm cho mình mà không bao giờ thấy được những điều người chồng đã làm trong thầm lặng.

Nghĩ mà thấy khó lắm thay!

Mong manh. Dạo này cứ bị ám ảnh bởi hai chữ mong manh. Cuộc đời mong manh. Tình cảm mong manh. Có những người sớm mai thức giấc, tự nhiên thấy hết yêu một người. Vì tình yêu vốn đã rất mong manh như vậy. Có những người vừa mới hôm qua vui vẻ hôm sau đã ra đi vĩnh viễn. Cuộc đời mong manh là vậy. Hay cũng có những gia đình tưởng chừng là vĩnh cửu khi họ đến với nhau bằng tình yêu, vượt qua hàng ngàn hàng vạn khó khăn để cưới được nhau, nhưng rồi một hôm, cuộc hôn nhân ấy như ly thủy tinh rơi xuống nền đá, vỡ tan tành. Hôn nhân mong manh là vậy. Tình yêu mong manh là vậy. Sự bền vững ở đâu?

Có ai đó hỏi tôi. Gia đình bền vững nhờ điều gì?

Tôi cũng đã từng có biết bao đáp án cho câu hỏi đó.

Như: Tình yêu.

Nhưng tình yêu thì rất mong manh.

Như: Niềm tin.

Nhưng cảm xúc cũng rất mong manh.

Như: Kinh tế.

Nhưng cuộc đời thì cũng rất mong manh.

Như: Những đứa con.

Nhưng những đứa con không phải thuộc quyền sở hữu của mình. Những đứa con do mình sinh ra, mình hy sinh cho nó chứ không thể biến nó thành công cụ đảm bảo hạnh phúc của mình được.

Vậy hôn nhân bền vững do điều gì?

Phải chăng do chính sự mong manh và người ta phải trân trọng, nâng niu và giữ gìn nó?

Tôi nghĩ là vậy.

Một khi người ta không giữ gìn, không ý thức về việc phải giữ gìn nó thì dù yêu bao nhiêu cũng có khi lạc bước, dù tin bao nhiêu cũng có khi lầm đường, dù giàu có thế nào cũng có khi lòng tham vượt giới hạn và những đứa con, sẽ đau.

Thế nên sự mong manh đôi khi lại là cần thiết.

Thế nên sự lặp lại trở thành vững bền.

Tháng Hai thiếu Nghĩ về chữ “Đủ”

Dành cho những ai còn thấy mình THIẾU.

Và cho Pi – My – Nguyên mai này!

Thế nào là ĐỦ?

Và thế nào là THIẾU?

Tháng Hai chỉ có 28 ngày thì là ĐỦ hay THIẾU?

Bạn đã ĐỦ hay bạn còn đang THIẾU?

Mỗi người sẽ có một câu trả lời cho những câu hỏi trên, chắc chắn vậy!

Còn với tôi, tôi nghĩ…

ĐỦ

Là khi lòng thỏa mãn và hạnh phúc.

Là khi nghĩ đến những ngày kế tiếp mà không phải cuống cuồng, tân toan.

Là khi ngoảnh lại phía sau mà không phải nói giá như.

Là khi bạn thấy lòng không vướng bận.

Và chính xác, bạn không đánh đổi hiện tại của bạn cho bất cứ một điều gì.

Bởi bạn đang ĐỦ.

Nhưng lòng người tham lam.

Nhưng cuộc đời vẫn còn xiết bao cám dỗ.

Và đôi khi, bạn bảo mình: Chưa ĐỦ đâu!

Bạn còn muốn nhiều hơn những gì bạn đang có.

Càng mở rộng ham muốn, bạn càng cảm thấy THIẾU.

Và nguy hiểm hơn, bạn sẽ nhìn thấy hiện tại của mình sứt mẻ.

Là khi bạn thấy chiếc xe máy chỉ có hai bánh, bạn muốn thêm hai bánh nữa cho nó.

Là khi bạn thấy người yêu của bạn không bằng người yêu của người khác.

Là khi bạn thấy, bạn có thể làm tốt hơn nữa, nhiều hơn nữa và hưởng thụ hơn thế nữa.

Và bạn bắt đầu thay đổi những thứ đang có bằng những ước mơ về những thứ sắp có, sẽ có, muốn có.

Một căn phòng nhỏ không thể bằng một căn phòng to.

Một căn phòng to không thể bằng một căn hộ riêng.

Một căn hộ riêng không thể bằng một ngôi nhà riêng.

Và cứ thế, bạn muốn nhiều hơn nữa.

Vì nhu cầu của bạn tăng lên.

Và vì bạn nghĩ bạn cần phải có nhiều hơn nữa.

Bạn không sai!

Chỉ là bạn sẽ phải đánh đổi.

Vì cuộc đời vốn chật hẹp, nó không thể cùng chất chứa quá nhiều thứ.

THIẾU

Là khi bạn cảm thấy không tự chủ được cuộc đời mình.

Bạn bị phụ thuộc vào nhiều thứ.

Bạn muốn nhiều hơn những gì bạn có.

Bạn cảm thấy khó chịu khi trời mưa mà bạn phải hì hụi chạy xe máy.

Bạn cảm thấy khó chịu khi người yêu của bạn không có được những điều tối thiểu nhất mà bạn thấy ở những người xung quanh bạn.

Và bạn cảm thấy mình cần nỗ lực nhiều hơn nữa (nếu bạn là người tích cực).

Hoặc bạn cảm thấy mình thật bất hạnh (nếu bạn là người tiêu cực).

Và ví dụ tôi nhé!

Tôi THIẾU – ví dụ như tôi đang trong trạng thái THIẾU.

Tôi sẽ thấy:

Tại sao vợ tôi lùn quá khiến con tôi cũng bị lùn theo?

Tại sao vợ tôi lúc nào cũng mặt cau mày có khó chịu với tôi trong khi những cô gái tôi gặp, tôi yêu trước kia, cô nào cũng rất ngọt ngào?

Tại sao cùng một hành động của tôi, vợ tôi lại nhăn nhó và khó chịu trong khi nếu là cô gái khác, cô ta sẽ ôm cổ tôi và hôn tôi chíu chít?

Tại sao vợ tôi chỉ biết nấu vài món và bữa cơm nào cũng nấu đi nấu lại như thế?

Tại sao vợ tôi không giỏi như những cô gái tôi biết? Họ nói tiếng Anh nhanh như gió, họ hiểu biết, họ lúc nào cũng chịu khó học hỏi và không ngừng nâng cao hiểu biết bản thân. Thậm chí, khi nói chuyện với họ, tôi không ngừng bất ngờ và thán phục.

Tại sao vợ tôi không bao giờ biết nói những lời ngọt ngào, ngay cả khi tôi đang nói chuyện, vợ tôi chẳng biết ôm tôi vỗ về mà cứ lảm nhảm phân tích cái sai của tôi thay vì cho tôi cảm nhận được sự ủng hộ từ cô ấy?

Lúc nào cô ấy cũng nói về tiền, tiền và tiền. “Em vừa đưa anh 500 hôm qua mà hôm nay đã hết? Anh tiêu cái gì mà kinh thế?”

Cô ấy cứ đòi hỏi tôi phải quan tâm đến cô ấy trong khi tôi đang tối mặt tối mày với đống công việc bề bộn và luôn trong cảm giác hụt hơi?

Cô ấy cứ so sánh tôi với chồng của người khác trong khi rõ ràng cô ấy chẳng bằng vợ của người khác.

Rõ ràng, tôi đang có một vợ cực tệ hại.

Tôi THIẾU.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.