Bạch Mã Khiếu Tây Phong

Chương 2 – Phần 3



Lý Văn Tú từ khi gặp được ông già, thấy ông ta đối với mình cái gì cũng ngần ngại đề phòng, mãi đến khi mình giúp ông ta nhổ kim độc ra rồi mới tin là mình không có ý hại ông ta, đến khi nhìn thấy hai câu đối này nghĩ rằng trong đời hẳn ông ta đã bị người ta hãm hại rất lớn, mà người đó chính là người bạn lâu năm, thành thử mới hận đời, dè dặt đến thế.

Lúc này nàng không tiện hỏi thêm chỉ lặng lẽ đi xuống nấu nước pha trà. Hai người mỗi người uống hai chén rồi, tinh thần cao hứng, Lý Văn Tú nói: – Sư phụ, con phải đi về đây.

Hoa Huy ngạc nhiên, trên mặt mười phần thất vọng nói: – Ngươi đi ư? Ngươi không theo ta học võ à?

Lý Văn Tú đáp: – Không, đêm qua con không về, Kế gia gia hẳn là lo lắng lắm. Đợi con nói cho ông ta nghe rồi sẽ quay lại học võ nghệ.

Hoa Huy đột nhiên nổi giận, mặt đỏ lên, lớn tiếng: – Nếu ngươi nói cho y nghe thì từ rày đừng có lại đây gặp ta nữa.

Lý Văn Tú giật mình nhảy dựng lên, nói nhỏ: – Không nói cho Kế gia gia nghe ư? Ông ấy… ông ấy thương con lắm mà.

Hoa Huy nói: – Nói với ai cũng không được cả. Ngươi phải lập lời thề độc, việc ngày hôm nay, dù ai cũng không nói cho biết, nếu không thì ta không cho ngươi ra khỏi núi này đâu…

Ông ta nổi giận, vết thương trên lưng lại đau kịch liệt, “A” lên một tiếng ngất xỉu. Lý Văn Tú vội đỡ ông ta lên, lấy nước lạnh đắp lên trán ông ta. Một lúc sau, Hoa Huy từ từ tỉnh lại, lạ lùng hỏi: – Sao ngươi chưa đi?

Lý Văn Tú hỏi lại: – Lưng thầy còn đau lắm không?

Hoa Huy đáp: – Đỡ nhiều rồi. Ngươi bảo ngươi muốn đi về, sao còn chưa đi?

Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Kế gia gia cùng lắm cũng chỉ trông ngóng mình thôi, còn sư phụ bị trọng thương thế này, nếu mình không ở lại chăm sóc cho ông ấy, sẽ chết không chừng.” Liền nói: – Sư phụ không khỏe lắm, để đồ nhi ở lại hầu hạ thầy vài ngày.

Hoa Huy nghe thế mừng lắm. Đêm hôm đó hai người nghỉ ngơi trong túp lều tranh, Lý Văn Tú đi nhặt cỏ khô, nằm ngay trên nền nhà, trong giấc ngủ nằm mơ tỉnh lại mấy lần, khi thì mơ thấy mình bị giặc bắt đi, lúc thì mơ thấy ác quỷ máu me đầy người đến đòi mạng. Sáng hôm sau tỉnh dậy, thấy Hoa Huy nghỉ thêm một ngày nữa tinh thần đã thoải mái lắm rồi. Ăn sáng xong, Hoa Huy liền dạy nàng võ công lại từ căn cơ nội công, nói: – Con tuổi đã lớn rồi, bây giờ mới luyện thượng thừa võ công, quả cũng đã muộn. Thế nhưng một là con tư chất thông minh, hai nữa sư phụ cũng chẳng phải loại tầm thường. Minh sư thu cao đồ, còn sợ gì nữa? Chỉ năm năm nữa, trong võ lâm ít có người địch lại con.

Cứ như thế luyện bảy tám ngày, Lý Văn Tú tiến bộ rất nhanh, vết thương trên lưng Hoa Huy cùng từ từ bình phục, lúc ấy nàng mới bái biệt sư phụ cưỡi con ngựa trắng quay về. Hoa Huy không bắt nàng lập lại lời thề nữa. Nàng về nhà rồi nhưng cũng không nói cho Kế lão nghe chỉ nói nàng bị lạc đường trên sa mạc, mỗi lúc một xa, may gặp được một đoàn lái buôn đi lạc đà mới khỏi chết khát trên bãi cát.

Từ đó cứ mười ngày nửa tháng, Lý Văn Tú lại đến nơi ở của Hoa Huy vài ngày. Nàng sợ gặp lại bọn cướp, khi ra đi luôn luôn mặc đồ đàn ông Cáp Tát Khắc. Trong mấy ngày đó, Hoa Huy tận lực dạy nàng võ công, Lý Văn Tú trong lòng cũng không có gì phải nghĩ ngợi thành thử một lòng một dạ học võ, quả nhiên cao đồ gặp được minh sư, tiến bộ rất nhanh.

Cứ thế hai năm trời, Hoa Huy vẫn thường than thở: – Với tài nghệ con bây giờ, trên giang hồ đã vào hạng cao thủ đệ nhất, nếu như về đến Trung Nguyên, chỉ ra tay là đã nổi tiếng rồi.

Thế nhưng Lý Văn Tú đâu có nghĩ đến chuyện quay về Trung Nguyên, được “nổi tiếng” trên chốn giang hồ, thế nhưng muốn báo thù cho cha mẹ, khi gặp bọn cướp không để chúng gia hại thì không thể không luyện võ công. Trong nơi sâu kín nhất của lòng nàng còn một ý niệm là: “Nếu như ta học võ giỏi rồi, ta có thể cướp Tô Phổ lại.” Thế nhưng ý nghĩ đó nàng không mấy khi nghĩ đến, mỗi khi dấy lên mặt nàng lại đỏ bừng. Nàng tuy không dám nghĩ đến nhiều, nhưng ý nghĩ đó nằm sâu trong tim, và càng ngày nàng ở với Kế gia gia càng ít, ở lại với sư phụ mỗi lúc một nhiều.

Kế lão hỏi nàng đôi lần nàng không chịu nói, biết từ bé tính tình cô gái cứng đầu, đã định làm gì là không thay đổi nên cũng không hỏi thêm nữa.

Hôm đó Lý Văn Tú cưỡi con ngựa trắng, từ nơi sư phụ quay về nhà. Đi được nửa đường, bỗng thấy ráng đỏ nổi đầy trời, khí hậu sa mạc thay đổi thất thường, gió bấc mỗi lúc một mạnh, xem ra một cơn bão tuyết đang kéo đến. Nàng giục ngựa phóng nhanh, thấy những người chăn cừu đang lùa gia súc về chuồng, trên trời chim chóc không còn thấy con nào nữa. Nàng vừa về đến nơi, bỗng nghe tiếng vó ngựa lộp cộp, một người cưỡi ngựa chạy tới. Lý Văn Tú hơi kinh ngạc: “Hiện nay bão tuyết đến nơi, sao lại còn ai ra khỏi nhà đây?.” Tiếng vó ngựa đến gần, thấy trên lưng là một người khoác một tấm áo khoác bằng len đỏ, chính là một người đàn bà Cáp Tát Khắc.

Nhãn lực Lý Văn Tú bây giờ khác hai năm trước xa, từ xa đã nhìn rõ người đàn bà đó thân hình mảnh dẻ, mặt mũi xinh xắn, chính là A Mạn. Lý Văn Tú không muốn hai người gặp nhau, xoay đầu ngựa, chạy đến phía nam một ngọn đồi nhỏ, náu mình sau tàn cây. Nàng thấy con ngựa của A Mạn cũng chạy về hướng ngọn đồi, vừa đến bên chân núi bỗng huýt một tiếng còi, trên đám cây trên đồi cũng có tiếng đáp lại. A Mạn nhảy xuống ngựa, một người đàn ông chạy đến bên nàng, hai người ôm chặt lấy nhau, vọng ra tiếng cười giòn giã. Người thanh niên kia nói: – Sắp có bão tuyết đến nơi rồi, sao em còn ra đây?

Chính là tiếng của Tô Phổ. A Mạn cười đáp: – Anh ngốc này, sao anh biết sắp có bão tuyết, vậy mà vẫn còn liều mình đứng đây đợi em?

Tô Phổ cười đáp: – Hai đứa mình ngày nào cũng gặp nhau nơi đây, so với ăn cơm còn quan trọng hơn. Dù phải xông vào đao kiếm, anh cũng vẫn đến đây chờ em.

Hai người sánh vai ngồi trên ngọn đồi nói chuyện yêu thương, Lý Văn Tú chỉ cách mấy gốc cây, nghe mà ngơ ngẩn. Tiếng hai người có lúc rất lớn, nghe thật rõ ràng, có lúc lại chỉ rì rầm, không nghe thấy gì cả. Cũng có khi hai người không biết nói chuyện gì vui mà cùng cười rộ cả lên.

Thế nhưng dù hai người có nói lớn, Lý Văn Tú cũng chỉ vào tai này, ra tai kia, nàng chẳng muốn nghe lén hai người nói chuyện tình. Trước mắt nàng chỉ thấy hai đứa trẻ, một nam một nữ ngồi nói chuyện trên triền cỏ. Đứa trẻ con trai là Tô Phổ, còn đứa bé gái chính là nàng, hai người đang kể chuyện xưa, những chuyện gì thì nàng cũng quên rồi, nhưng hình ảnh mười năm trước, vẫn rõ ràng hiện ra trước mắt…

Tuyết từng mảng như lông ngỗng rơi xuống, phủ lên trên mình ba con ngựa, trên ba người. Tô Phổ và A Mạn nói chuyện đang vui, chẳng để ý đến, còn Lý Văn Tú cũng không cảm thấy gì. Bông tuyết bắt đầu tụ lại trên đầu ba người, cả ba đầu tóc trắng xóa.

Mấy chục năm sau, tóc cả ba người cũng đều sẽ bạc, thế nhưng Tô Phổ và A Mạn vẫn còn cười nói vui vầy, còn Lý Văn Tú hẳn vẫn cô đơn tịch mịch? Nàng vẫn còn nhớ đến người xưa, liệu người xưa có còn chút nào hình bóng của nàng không?

Đột nhiên trên cành có những tiếng kêu lộp bộp, A Mạn và Tô Phổ hai người cùng nhỏm dậy, kêu lên: – Mưa đá, mau về thôi.

Hai người liền nhảy lên ngựa. Lý Văn Tú nghe hai người kêu lên cũng giật mình tỉnh mộng, những mảnh băng bằng ngón tay đã rơi trên đầu, trên mặt, trên tay, thật là đau đớn, vội vàng cởi chiếc mũ lông trên yên đội lên đầu phi ngựa chạy về.

Khi nàng về đến nhà thấy trong ngõ buộc hai con ngựa, một con chính là ngựa A Mạn cỡi. Lý Văn Tú ngạc nhiên: “Hai người đến nhà ta làm gì thế này?.”

Khi đó mưa đá mỗi lúc một lớn, nàng liền dắt ngựa đi theo cửa sau mà vào, nghe tiếng oang oang của Tô Phổ: – Lão bá bá, mưa đá lớn quá, chúng tôi chắc phải đợi thêm một lúc nữa.

Kế lão đáp: – Bình thời mời các vị cũng không đến, để tôi xuống đun một ấm trà.

Từ khi bọn Tấn Uy tiêu cuộc đến thảo nguyên cướp bóc, người Cáp Tát Khắc cực kỳ thù hận người Hán, tuy Kế lão ở đây đã lâu, người Cáp Tát Khắc lại hiếu khách, không đến nỗi tống cổ ông ra khỏi khu vực của họ, nhưng tất cả đều rất ít lai vãng. Chỉ khi nào có chuyện đại hỉ, người ta mới đến mua rượu của ông, chỉ khi nào gia súc bị bệnh không cách nào trị được, người ta mới đến mời ông chữa giùm. Lều của A Mạn và Tô Phổ lúc ấy lại ở xa, nếu không phải vì trốn bão tuyết, thì có đến mười năm nữa chưa chắc họ đã đến nhà ông một lần.

Kế lão xuống bếp, thấy Lý Văn Tú mặt mày đỏ gay, đang ngơ ngẩn xuất thần, nói: – A… ngươi về…

Lý Văn Tú vội vàng nhảy tới, giơ tay bịt miệng ông lại, ghé tai ông nói thầm: – Đừng để họ biết cháu đang ở đây.

Kế lão thấy thật là lạ lùng nhưng cũng gật đầu. Một lúc sau, Kế lão đem rượu sữa dê, nhũ lạc [một loại rượu nhẹ làm bằng sữa để lên men], hồng trà ra để tiếp khách. Lý Văn Tú ngồi bên bếp lửa, văng vẳng nghe thấy tiếng cười nói của Tô Phổ và A Mạn từ nhà trên vọng xuống, khiến một ý nghĩ nàng không sao chế ngự nổi: “Ta muốn ra gặp chàng, nói với chàng vài câu.” Thế nhưng khi nghĩ đến những lời chửi rủa của cha Tô Phổ và cái roi của ông ta, tuy đã mười năm qua nhưng không lúc nào tiếng roi của Tô Lỗ Khắc không vang vang trong đầu nàng.

Kế lão quay lại bếp, đưa cho nàng một bát trà nóng trộn váng sữa, trong ánh mắt đầy vẻ từ ái. Hai người sống chung đã mười năm, thật chẳng khác nào ông nội với cháu gái, hai bên lo lắng cho nhau, người kia suy nghĩ gì trong lòng, người này cũng hiểu được. Tuy nhiên hai người vì không phải là ruột thịt nên không có được cái cảm ứng tương liên như tình ông cháu thực.

Lý Văn Tú đột nhiên hạ giọng nói: – Cháu không thay quần áo, giả làm một thanh niên Cáp Tát Khắc đến nhà xin tránh bão tuyết, ông đừng để lộ ra nhé.

Không đợi Kế lão trả lời, lẻn qua cửa sau dắt con ngựa trắng, xông vào trong trận bão đang mịt mù trời đất, lặng lẽ đi thật xa. Nàng đi một mạch đến hơn một dặm, mới nhảy lên lưng ngựa chạy một vòng rồi tiến về phía cửa trước. Trong cơn bão, tưởng như mây đen trên trời như sắp ép xuống đầu. Nàng sống nơi Hồi Cương mười hai năm, chưa bao giờ thấy trời đất lại quái lạ đến thế, trong lòng không khỏi sợ hãi, vội giục ngựa chạy thẳng đến cửa nhà giơ tay gõ, nói tiếng Cáp Tát Khắc: – Làm ơn cho vào! Làm ơn cho vào!

Kế lão mở cửa, cũng dùng tiếng Cáp Tát Khắc hỏi lại: – Huynh đệ, cái gì thế?

Lý Văn Tú nói: – Trận bão tuyết này không thể đi được, lão trượng, làm ơn cho tôi tránh gió tuyết ở tôn xứ một lát.

Kế lão đáp: – Được chứ, được chứ! Có ai đi ra ngoài mà mang theo nhà mình được đâu. Đã có hai người bạn khác cũng đang tránh tuyết trong này rồi. Mời bạn vào đây.

Nói xong nhường cho Lý Văn Tú tiến vào, lại hỏi: – Bạn đi đâu đây?

Lý Văn Tú nói: – Tôi định đi lên vùng Hắc Thạch, không biết còn bao xa?

Trong bụng nghĩ thầm: “Kế gia gia đóng kịch giỏi lắm, không có chút sơ hở nào.” Kế lão giả vờ kinh ngạc nói: – Ối chao, nếu muốn đi Hắc Thạch ư? Thời tiết xấu thế này, hôm nay không thể nào đến được đâu, chi bằng nghỉ lại đây một đêm, sáng mai hãy đi. Chứ không nếu lạc đường thì thật khổ.

Lý Văn Tú đáp: – Thế cũng được.

Nàng đi vào trong nhà, phủi sạch tuyết bám trên người. Tô Phổ và A Mạn hai người ngồi sánh vai bên một lò sưởi. Tô Phổ cười nói: – Huynh đệ, chúng tôi cũng đang tránh tuyết đây, mời lại sưởi chút cho ấm.

Lý Văn Tú đáp: – Vâng, cám ơn bạn.

Nàng đi đến ngồi xuống bên cạnh y. A Mạn mỉm cười chào khách. Tô Phổ không gặp Lý Văn Tú bảy tám năm nay, nàng từ một cô gái nhỏ đã thành một thiếu nữ, lại mặc giả trai, làm sao y còn nhận ra được? Kế lão đem đồ ăn thức uống lên, Lý Văn Tú vừa ăn vừa hỏi tên tuổi ba người, nói mình tên là A Tư Thác, là một mục nhân ở một bộ lạc Cáp Tát Khắc cách đây hai trăm dặm.

Tô Phổ không ngừng đến bên cửa sổ nhìn ra xem xét bầu trời, thực ra, chỉ cần nghe tiếng gió thổi vào tường, chẳng phải nhìn mây cũng biết được rằng chưa thể lên đường được. A Mạn lo lắng nói: – Anh nghĩ gió có thổi bay cái nhà này đi được không?

Tô Phổ nói: – Ta lo là lo tuyết rơi xuống quá nhiều, nóc nhà chịu không nổi. Để ta leo lên mái nhà xúc bớt tuyết đi.

A Mạn nói: – Đừng để gió thổi anh bay xuống đấy nhé.

Tô Phổ cười đáp: – Dưới đất tuyết đóng dày thế này, dẫu có bị ngã xuống cũng không chết đâu.

Lý Văn Tú tay run run cầm bát trà, trong đầu bao nhiêu tạp niệm, không biết thế nào cho phải. Người bạn hồi thơ ấu nay ngồi ngay bên cạnh mình, y có thực là không nhận ra mình không? Hay là biết đó mà giả vờ như không biết? Y đã hoàn toàn quên hẳn mình, hay trong lòng vẫn còn nhớ nhung, nhưng không muốn cho A Mạn biết đấy thôi?

Trời tối dần, Lý Văn Tú ngồi xa một bên. Tô Phổ và A Mạn tay cầm tay, nho nhỏ truyện trò những câu người ngoài thấy hoàn toàn không ý nghĩa, nhưng đối với một cặp tình nhân thì là những lời dịu dàng ngọt ngào biết bao nhiêu. Ánh lửa bập bùng chiếu lên mặt hai người khi sáng khi tối.

Đột nhiên, Lý Văn Tú nghe thấy tiếng ngựa đạp trên tuyết, một người đang cưỡi ngựa chạy về hướng căn nhà. Thảo nguyên tuyết đóng đã nhiều, mỗi bước chân ngựa mất rất nhiều hơi sức nên chạy không thể nào nhanh được. Tiếng chân ngựa càng lúc càng gần, Kế lão cũng đã nghe thấy, lẩm bẩm nói: – Lại có một người đến tránh bão nữa đây.

Tô Phổ và A Mạn hoặc chưa nghe thấy, hoặc nghe thấy mà không để ý, hai người vẫn nắm tay nhau, nói chuyện rù rì. Một lúc sau, người cưỡi ngựa đã đến trước cửa, tiếp đến là tiếng đập cửa bình bình bình. Tiếng đập thật là thô bạo, không lễ độ như kẻ đến xin trú ẩn. Kế lão nhíu mày, đi ra mở cửa. Chỉ thấy một gã cao to mặc áo da cừu, mặt đầy râu ria, bên hông đeo một thanh trường kiếm, lớn tiếng nói: – Bên ngoài gió tuyết lớn quá, ngựa chạy không nổi.

Giọng nói tiếng Cáp Tát Khắc chưa sõi, mắt gườm gườm, nhìn những người trong nhà như dò xét. Kế lão đáp: – Mời vào trong uống một chén rượu.

Nói xong bưng một chén rượu đưa cho y. Người kia uống một hơi cạn sạch, ngồi xuống bên cạnh đống lửa, cởi áo ngoài ra, thấy hai bên hông đeo hai thanh đoản kiếm sáng lấp loáng. Một thanh kiếm cán màu vàng, một thanh kiếm cán màu bạc.

Lý Văn Tú vừa nhìn thấy hai thanh tiểu kiếm trong lòng chấn động, cổ họng dường như có vật gì chặn lại, mắt hoa lên, nghĩ thầm: “Đây là song kiếm của mẹ ta.” Khi Kim Ngân tiểu kiếm Tam Nương Tử chết đi, Lý Văn Tú tuy còn nhỏ, nhưng đôi kiếm này nhận biết ngay, không thể nào lầm được. Nàng đưa mắt liếc nhìn gã kia, nhận ra ngay, gã chính là một trong ba người thủ lãnh năm xưa chỉ huy cả bọn đuổi theo truy sát cha mẹ nàng. Tuy đã mười hai năm qua, tướng mạo nàng đã hoàn toàn đổi hẳn nhưng một gã hơn ba mươi tuổi có thêm mười hai năm cũng chẳng thay đổi bao nhiêu. Nàng sợ y nhận ra mình, không dám nhìn y lâu, nghĩ thầm: “Nếu không phải vì cơn bão tuyết này thì ta đâu có gặp lại Tô Phổ, cũng đâu có gặp lại gã ác tặc này.”

Kế lão nói: – Khách nhân từ đâu đến đây? Có đi đến nơi nào xa không?

Gã kia ậm ừ, tự mình rót uống một chén rượu nữa. Khi đó bên đống lửa ngồi năm người, Tô Phổ không còn có thể nói chuyện riêng với A Mạn được, y nhìn Kế lão chăm chăm rồi nói: – Lão bá bá, tôi muốn hỏi thăm một người.

Kế lão hỏi lại: – Ai thế?

Tô Phổ đáp: – Là người hồi bé hay cùng tôi chơi đùa, là một cô bé người Hán…

Y nói đến đây, tim Lý Văn Tú bỗng thót lên, vội quay đầu nhìn sang chỗ khác, không dám nhìn thẳng vào y. Tô Phổ nói tiếp: – Cô ta tên là A Tú, về sau qua bảy tám năm, không còn gặp cô ta nữa. Cô ta ở chung với một ông già người Hán, chắc là ông phải không?

Kế lão tằng hắng vài cái, nhìn mặt Lý Văn Tú để hỏi xem ý thế nào. Nhưng Lý Văn Tú quay đầu sang chỗ khác, ông ta không biết phải trả lời sao cho phải, chỉ ậm ừ.

Tô Phổ lại nói: – Cô ta hát thật là hay, người ta bảo rằng cô ta hát còn hay hơn tiếng chim thiên linh hót nữa. Thế nhưng mấy năm qua, tôi không còn được nghe nàng hát nữa. Cô ta có còn ở đây nữa không?

Kế lão ngập ngừng, ấp úng nói: – Không, không, cô ta không… không có ở đây…

Lý Văn Tú xen vào: – Ngươi hỏi cô gái người Hán, ta biết rồi. Cô ta chết đã mấy năm nay.

Tô Phổ giật mình kinh hãi hỏi: – A, cô ta chết rồi ư, sao mà chết thế?

Kế lão nhìn Lý Văn Tú, nói: – Bị bệnh… bệnh…

Tô Phổ mắt hơi hoen lệ, nói: – Tôi khi còn bé thường hay cùng cô ta đi chăn cừu, cô ta hát cho tôi nghe nhiều bài lắm, cũng kể cho tôi nghe nhiều chuyện cổ. Mấy năm không gặp, nào ngờ cô ta… cô ta đã chết rồi.

Kế lão thở dài: – Ôi, thật tội nghiệp cho con bé.

Tô Phổ nhìn ngọn lửa, lặng thinh xuất thần, nói tiếp: – Nàng nói cha mẹ đều bị bọn ăn cướp giết chết, lênh đênh cô khổ lạc loài đến đây…

A Mạn hỏi: – Thế cô đó có xinh đẹp không?

Tô Phổ đáp: – Khi đó ta còn nhỏ, không nhớ nữa. Chỉ còn nhớ cô ta hát thật hay mà kể chuyện cũng thật hay…

Gã đàn ông lưng đeo hai thanh tiểu kiếm đột nhiên nói: – Ngươi nói là một cô gái người Hán? Cha mẹ cô ta bị hại, chỉ có một mình đến đây?

Tô Phổ đáp: – Đúng đó, ông có biết cô ta không?

Gã kia không đáp, lại hỏi tiếp: – Có phải cô ta cưỡi một con ngựa trắng, đúng không?

Tô Phổ đáp: – Đúng rồi, ông có gặp cô ta rồi sao?

Gã đàn ông đột nhiên đứng dậy, hầm hầm nhìn Kế lão gằn giọng hỏi: – Nàng ta chết nơi đâu?

Kế lão nói ấm ớ mấy câu, gã kia liền hỏi: – Cô ta có để lại cái gì không? Mọi thứ ngươi giữ hết phải không?

Kế lão liếc y một cái, lạ lùng hỏi: – Cái đó có can hệ gì đến ngươi đâu?

Gã kia đáp: – Ta có một vật rất quan trọng bị con bé đó ăn cắp mất. Ta đi kiếm mãi mà không ra, đâu có ngờ nó đã chết rồi…

Tô Phổ đứng vùng dậy, lớn tiếng nói: – Ngươi đừng có nói năng láo lếu, A Tú đời nào đi ăn cắp đồ gì của ngươi?

Gã kia đáp: – Ngươi biết gì mà nói?

Tô Phổ đáp: – A Tú từ bé chơi với ta, nàng là một cô gái rất lương thiện, quyết không bao giờ lấy của ai cái gì.

Gã kia bĩu môi lộ vẻ khinh miệt, nói: – Vậy mà nó ăn cắp đồ của ta đó.

Tô Phổ đưa tay cầm cán đao đang đeo nơi hông, quát lớn: – Ngươi tên là gì? Ta xem ngươi không phải người Cáp Tát Khắc, không chừng là bọn cướp người Hán.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.