Bạch Mã Khiếu Tây Phong
Chương 4 – Phần 2 (Hết)
Mã Gia Tuấn không để ý đến ông ta, nói với Lý Văn Tú: – Hơn mười năm nay ta trốn nơi Hồi Cương, ẩn náu ở bộ tộc Thiết Diên, giả vờ làm một ông già, cũng vì sợ sư phụ ta chưa chết. Chỉ có nơi đây là ông ta không dám quay về thôi. Ta có biết đâu ông ta lại ở ngay gần đây, thành ra ý niệm đầu tiên là phải chạy về Trung Nguyên.
Lý Văn Tú thấy hơi thở ông ta yếu dần, biết ông ta bị Ngõa Nhĩ Lạp Tề dùng cước pháp liên hoàn đá trúng hai cái, nội tạng đã bị vỡ nát, không còn cách gì sống được, quay đầu lại nhìn Ngõa Nhĩ Lạp Tề, thấy con dao đâm vào bụng lút tận cán, cũng không sao thoát khỏi. Nàng ở Hồi Cương hơn mười năm, chỉ có hai người này thực lòng lo liệu cho mình, chăm sóc cho mình, nào ngờ ân oán triền miên, đến nỗi giết lẫn nhau để thành thế hai bên cùng chết. Mắt nàng nhòa lệ, hỏi Mã Gia Tuấn: – Kế… Mã đại thúc, đại thúc… biết ông ta chưa chết, lại ở gần đây sao không lập tức quay về Trung Nguyên?
Khóe miệng Mã Gia Tuấn lộ một nụ cười thê lương, nói nhỏ: – Dương liễu nơi đất Giang Nam nay đã trổ mầm rồi. A Tú, ngươi một mình về đi, từ nay… nên cẩn thận, Kế gia gia, Kế gia gia từ nay không còn lo cho con được nữa…
Thanh âm mỗi lúc một yếu, sau cùng không còn nghe gì nữa. Lý Văn Tú nằm phục lên người ông, kêu lên: – Kế gia gia, Kế gia gia, ông đừng chết.
Mã Gia Tuấn đâu còn có thể trả lời nàng, nhưng Lý Văn Tú cũng đã hiểu rõ. Mã Gia Tuấn sợ sư phụ của y không để đâu cho hết, đáng lẽ phải về Trung Nguyên ngay, nhưng lại theo nàng vào mê cung, tưởng rằng trước sau giả làm ông già, Ngõa Nhĩ Lạp Tề sẽ không thể nào nhận ra. Thế nhưng sau cùng ông phải ra tay động thủ cùng với người mà ông e ngại nhất, cũng chỉ vì nàng!
Trong mười năm qua, nàng yêu ông chẳng khác gì ông cháu, thực ra ông ta chỉ mới tráng niên. Trên đời này ông ruột đối với cháu chắc gì được thế? Có chăng hay không nàng đâu biết được.
Hai chiếc đuốc dưới đất, một chiếc đã tắt ngúm, còn một chiếc cũng đã đến tận cùng rồi.
***
Tô Lỗ Khắc đột nhiên nói: – Thật là lạ lùng, hai người Hán đấu với một người Cáp Tát Khắc, ta nào có biết quyền ta đánh ra hồi nãy lại trúng ngay mặt người Cáp Tát Khắc.
Lý Văn Tú hỏi lại: – Thế thì đã sao? Tại sao ngươi lại giúp người Hán đánh người Cáp Tát Khắc là thế nào?
Tô Lỗ Khắc gãi đầu nói: – Ta cũng chẳng biết nữa.
Một lát sau, y nói tiếp: – Ngươi là người tốt, y là người xấu.
Sau cùng y cũng phải thừa nhận rằng trong số người Hán có những tên cường đạo xấu xa, nhưng cũng có những người anh hùng như Lý Văn Tú. Trong số người Cáp Tát Khắc có những người tốt như y thì cũng có những người chẳng ra gì như Ngõa Nhĩ Lạp Tề.
Lý Văn Tú nghĩ thầm: “Nếu như năm xưa ngươi biết được như thế, thì chắc đã không hung hăng đánh Tô Phổ một trận thật đau. Cùng một chuyện mà hai thái độ khác nhau. Nếu như hồi đó Tô Phổ vẫn là bạn của ta, liệu khi y lớn lên rồi gặp được A Mạn có yêu nàng không? Lòng người thật là lạ lùng, ta làm sao hiểu được.”
Tô Lỗ Khắc lớn tiếng nói: – Ngõa Nhĩ Lạp Tề, ta xem ngươi cũng không sống được, chúng ta chẳng cần giết ngươi làm chi. Thôi chào ngươi.
Ngõa Nhĩ Lạp Tề đột nhiên mắt bừng lên một vẻ ác độc, tay phải vung ra. Lý Văn Tú biết y phát xạ độc châm, kêu lên: – Sư phụ, đừng…
Ngay khi đó, một đốm lửa bùng lên, cây đuốc sau cùng cũng đã tắt, trong điện giơ tay không nhìn thấy ngón, Ngõa Nhĩ Lạp Tề muốn bắn kim độc cũng không thể nào nhìn được cho chính xác. Lý Văn Tú kêu lên: – Các người ra mau, đừng ai lên tiếng.
Tô Lỗ Khắc, Tô Phổ, Xa Nhĩ Khố, A Mạn bốn người đỡ nhau từ từ đi ra. Ai cũng biết độc châm của Ngõa Nhĩ Lạp Tề ghê gớm, tuy y sắp chết đến nơi, nhưng vẫn còn có thể bắn kim giết người. Bốn người ra khỏi điện rồi, thấy Lý Văn Tú vẫn chưa ra, Tô Phổ kêu lên: – Lý anh hùng, Lý anh hùng, mau ra đi.
Lý Văn Tú liền “Ừ” một tiếng.
Ngõa Nhĩ Lạp Tề hỏi: – A Tú, ngươi… ngươi cũng định bỏ đi ư?
Giọng y thật là thê lương. Lý Văn Tú trong lòng không nỡ, nghĩ thầm ông ta tuy làm nhiều điều xấu xa nhưng với mình thật là tử tế, để ông ta nằm một mình trong bóng tối chờ chết, thực là quá tàn nhẫn. Nàng ngồi xuống nói: – Sư phụ, con ở lại đây với thầy.
Tô Phổ lại ở bên ngoài gọi thêm mấy tiếng nữa. Lý Văn Tú lớn tiếng đáp: – Các ngươi ra trước đi. Ta đợi một lát sẽ ra sau.
Tô Phổ nói: – Người đó hung ác lắm, Lý anh hùng phải cẩn thận.
Lý Văn Tú không trả lời. A Mạn nói: – Sao anh vẫn gọi y là Lý anh hùng mà không gọi là Lý cô nương?
Tô Phổ lạ lùng hỏi lại: – Lý cô nương? Y là con gái sao?
A Mạn đáp: – Anh giả ngây giả dại không biết hay không nhìn ra thật?
Tô Phổ đáp: – Ta giả ngây giả dại bao giờ? Y… y võ công giỏi như thế sao lại là con gái được?
A Mạn nói: – Đêm hôm đó trời bão tuyết, y đoạt lại em làm nô lệ, về sau lại tha cho. Khi đó em đã biết y là con gái rồi.
Tô Phổ vỗ tay đáp: – A, đúng rồi. Nếu y quả thực là con trai, đời nào lại chịu bỏ một cô gái xinh đẹp như em?
Mặt A Mạn hơi đỏ lên nói: – Không phải thế. Khi đó em thấy y nhìn anh, liền biết y là con gái. Trên đời làm gì có một người con trai nào lại nhìn anh bằng cặp mắt si mê đến thế bao giờ.
Tô Phổ gãi đầu, cười ngây ngô nói: – Ta chẳng nhìn thấy gì cả.
A Mạn sung sướng cười, nụ cười thật chẳng khác gì bông hoa mới nở. Nàng biết mắt Tô Phổ chỉ nhìn một mình nàng, dù có hàng nghìn hàng vạn cô nương si tình nhìn y, y cũng không hề hay biết. Điện đường tối om như mực, Lý Văn Tú và Ngõa Nhĩ Lạp Tề không ai nhìn thấy ai. Cô gái ngồi ngay bên cạnh sư phụ, trong cảnh tịch mịch, nghe tiếng cười vui vẻ của A Mạn và Tô Phổ mỗi lúc một xa, bước chân của bốn người càng ngày càng nhỏ dần. Ngoài Lý Văn Tú đang ngồi bên sư phụ Ngõa Nhĩ Lạp Tề chờ chết, trong điện chỉ còn xác chết của Kế gia gia. Ngõa Nhĩ Lạp Tề lại hỏi: – Sao lúc ta bảo ngươi đi ra, ngươi không nghe lời ta? Nếu như ngươi đi ra… ôi…
Lý Văn Tú nhỏ nhẹ nói: – Sư phụ, thầy không lấy được người thầy yêu thì giết bà ta đi. Con không lấy được người con yêu, lại không nhẫn tâm để y bị người ta giết.
Ngõa Nhĩ Lạp Tề cười khẩy một tiếng nói: – Thì ra là thế.
Y lặng yên giây lát, thở dài: – Người Hán các ngươi thật là lạ lùng, có đứa ác ôn như Mã Gia Tuấn vong ân phụ nghĩa, sát hại sư phụ, có đứa ăn cướp, giết người không nháy mắt như Hoắc Nguyên Long, Trần Đạt Hải, lại cũng có cô gái tâm địa nhân thiện như ngươi.
Lý Văn Tú hỏi: – Sư phụ, thế tên cướp Trần Đạt Hải ra sao? Cả bọn đuổi theo y nhưng trên mặt tuyết có đến hai hàng dấu chân. Một hàng là của sư phụ, phải không?
Ngõa Nhĩ Lạp Tề nói: – Đúng rồi, của ta đó. Từ khi ta bị tên nghịch đồ Mã Gia Tuấn bắn độc châm, thân thề suy nhược, hơn mười năm qua ở nơi sơn động dưỡng thương, tưởng coi như xong đời. Ngờ đâu lại có ngươi đến cứu ta, giúp ta rút độc châm ra. Sau khi ta khỏi rồi, đêm đêm thường hay đến bộ tộc Thiết Diên, ở bên ngoài các lều vải thám thính, định bụng giết Xa Nhĩ Khố và tên tộc trưởng đã đuổi ta. Chỉ vì ngươi nên ta chưa bỏ thuốc độc xuống giếng.
Đêm hôm đó trời bão tuyết, ta náu mình bên ngoài nhà ngươi, thấy các ngươi cho Trần Đạt Hải vào trú tuyết, lại nghe được các ngươi phát hiện bản đồ vào mê cung. Trần Đạt Hải đào tẩu rồi, ta liền đi theo y, vào được mê cung. Ta đánh cho y một quyền vào sau gáy bất tỉnh, nhốt y tại mê cung.
Chiều hôm qua, ta lấy trong bọc y bức địa đồ khăn tay, rút ra mươi đường chỉ, bỏ lại vào trong túi y rồi bịt mắt y lại, buộc y lên lưng ngựa, tống y đi thật xa.
Lý Văn Tú không hiểu sao một người tàn nhẫn như y lại tha mạng người khác, hỏi lại: – Sao thầy lại rút đi mấy đường chỉ là sao?
Ngõa Nhĩ Lạp Tề cười khan mấy tiếng, mười phần đắc ý: – Y biết đâu ta rút ra mươi đường chỉ rồi, địa đồ thiếu đi mấy lối đi, mê cung này không sao tìm thấy được nữa. Tên ăn cướp đó thể nào cũng đi kiếm đồng bọn, theo địa đồ đó mà đi tìm mê cung. Bọn chúng sẽ ở trên đại sa mạc Qua Bích chạy tới chạy lui, không còn bao giờ về được thảo nguyên nữa. Bọn cường đạo sẽ từng đứa từng đứa chết khát trên sa mạc, đến lúc chết vẫn còn mong tìm được mê cung để phát tài, ha ha, ha ha, thật là thú vị, thú vị.
Nghĩ đến một đám người dưới ánh nắng chang chang, chạy loanh quanh trong một sa mạc cả mấy trăm dặm không một giọt nước thật là ghê rợn, Lý Văn Tú nhịn không nổi phải chép miệng một cái. Bọn cường đạo đó đã giết cha mẹ nàng nhưng nay gặp tai họa thảm khốc như thế, cũng không khỏi tội nghiệp. Không biết nếu như nàng gặp lại bọn chúng, liệu nàng có bảo chúng là: “Cái địa đồ kia không đúng đâu” chăng?
Có lẽ nàng sẽ nói cho họ biết. Có điều bọn Hoắc Nguyên Long, Trần Đạt Hải đời nào chịu tin. Trong bụng chúng chỉ nghĩ đến chuyện phát tài, trong sa mạc chạy một vòng cho đến khi chết khát. Bọn họ chắc mẩm thể nào cũng đến được mê cung, vì Trần Đạt Hải đã theo bức địa đồ này đến mê cung rồi, thì còn làm sao sai được nữa. Trong mê cung có vô số trân châu bảo thạch, ai ai cũng nói thế lẽ nào không đúng?
Ngõa Nhĩ Lạp Tề cười ngặt nghẽo không ngừng, nói: – Thực ra, trong mê cung này đến cục vàng bằng ngón tay cũng chẳng có, mê cung trong này có cái gì thì trung nguyên còn nhiều gấp mấy. Bàn, ghế, giường, màn, biết bao nhiêu thư bản, vi kỳ, thất huyền cầm, bếp, chén, chảo… cái gì mà chẳng có, có điều chẳng quý báu gì cả. Tại đất người Hán ở, đâu đâu cũng đầy rẫy, vậy mà bọn người Hán lại xả mệnh đi tìm, ha ha, thật tức cười muốn chết.
Lý Văn Tú hai lần đi vào mê cung, thấy vô số vật thường dùng hàng ngày. Đất Hồi Cương khí hậu khô ráo, tuy đã lâu năm, những vật đó cũng chưa mục nát. Thế nhưng khắp các phòng ốc, nào thấy đâu kim ngân châu báu gì? Nàng nói: – Truyền thuyết của con người phần nhiều đâu có đúng, tòa mê cung này lớn thật nhưng nào có châu báu gì đâu. Ôi, đến ngay cả cha mẹ tôi cũng vì thế mà uổng mạng.
Ngõa Nhĩ Lạp Tề hỏi: – Thế ngươi có biết lai lịch của mê cung này không?
Lý Văn Tú nói: – Không biết. Sư phụ, thầy có biết không?
Ngõa Nhĩ Lạp Tề nói: – Ta ở đây có đọc được một cái bia đá, trên đó khắc rõ việc xây dựng mê cung này, thì ra xây dựng từ đời Đường Thái Tông.
Lý Văn Tú đâu có biết Đường Thái Tông là ai, Ngõa Nhĩ Lạp Tề liền kể tiếp cho nàng nghe lai lịch của tòa mê cung. Nơi đây chính là thuộc về nước Cao Xương thời nhà Đường.
Hồi đó Cao Xương là một nước lớn ở Tây Vực, sản vật phong phú, quốc thế cường thịnh. Năm Trinh Quan nguyên niên đời Đường Thái Tông, quốc vương nước Cao Xương tên là Cúc Văn Thái thần phục nhà Đường. Đường triều phái sứ giả đến Cao Xương, đòi y phải theo qui củ của người Hán. Cúc Văn Thái nói với sứ giả: – Chim ưng bay trên trời, chim trĩ nằm trong bụi, con mèo ở trong nhà, con chuột chui dưới hang, mỗi giống có một tính cách, giống nào ra giống nấy tự mình sống theo mình.
Y nói thế có ý rằng các ngươi tuy là chim ưng dữ tợn bay trên trời nhưng ta cũng là loài gà rừng, ẩn nấp nơi đồng cỏ, tuy các ngươi có là con mèo đi lại nơi sảnh đường, thì ta cũng như con chuột nhắt, nằm sâu dưới hang, các ngươi chắc đã làm gì được ta? Hai bên mỗi bên có những tính cách riêng, thích hợp riêng, không thể bên nào ép bên nào phải theo ý mình, sao các ngươi nhất định bắt ta phải theo qui củ tập tục của người Hán là sao? Đường Thái Tông nghe nói thế, giận dữ lắm bảo rằng y là giống dã man, không phục vương hóa nên sai đại tướng Hầu Quân Tập đem quân chinh phạt.
Cúc Văn Thái nghe tin nói với bách quan rằng: – Nước Đại Đường ở cách xa ta bảy ngàn dặm, ở giữa là một ngàn dặm đại sa mạc, đất không có cỏ, không có nước, gió lạnh như dao cắt, trời nắng thì như thiêu, làm sao đem đại quân vượt qua được? Họ đem quân tới đánh ta, nếu như đem binh thật nhiều, lương thảo tiếp viện sẽ không lo nổi. Còn nếu như chỉ đem dưới ba vạn quân thì ta không sợ. Mình sẽ dĩ dật đãi lao (lấy nhàn nhã chống nhọc mệt), kiên quyết thủ trong thành chỉ cần giữ được hai mươi ngày, quân nhà Đường hết lương thực ắt phải quay về.
Y biết rằng quân nhà Đường ghê gớm nên đưa ra kế sách chỉ thủ mà không đánh nên chiêu tập dân phu xây một tòa mê cung ở một nơi cực kỳ bí mật, để nếu như đô thành không giữ được thì có nơi rút về.
Thời kỳ đó nước Cao Xương tương đối hùng cường, các thợ giỏi của Tây Vực đều tụ tập tại vùng này. Tòa mê cung xây dựng rất ngoằn ngoèo, kiên cố, bao nhiêu trân kì bảo vật ở trong nước đều đem vào cất nơi đây. Cúc Văn Thái tính toán rằng nếu quân Đường có đánh vào mê cung cũng chưa chắc tìm được nơi y ở.
Hầu Quân Tập đã từng học binh pháp của Lý Tịnh, rất giỏi dùng binh, đánh thẳng tới thế như chẻ tre, vượt qua được sa mạc. Cúc Văn Thái nghe nói đại quân nhà Đường kéo đến, lo lắng không biết làm cách nào, sợ quá mà chết. Con trai y là Cúc Trí Thịnh lên nối ngôi. Hầu Quân Tập tất lãnh đại quân, đánh đến chân thành, đánh nhau luôn mấy trận quân nước Cao Xương đại bại. Quân nhà Đường có một loại xe dùng để công thành, cao mười trượng, trông như một cái tổ chim nên gọi là “sào xa”. Loại sào xa đó đẩy đến chân thành, quân sĩ từ cao đánh xuống, ném đá bắn tên, quân Cao Xương khó mà chống đỡ. Cúc Trí Thịnh chưa kịp chạy về mê cung thì thành đã vỡ, đành phải đầu hàng. Nước Cao Xương từ khi Cúc Gia lập quốc đến đây, truyền được chín đời, tổng cộng một trăm ba mươi tư năm, tới năm Trinh Quan thứ mười bốn nhà Đường thì bị diệt vong. Khi đó nước Cao Xương từ đông sang tây tám trăm dặm, từ nam chí bắc năm trăm dặm là một đại quốc bên Tây Vực.
Hầu Quân Tập bắt được vua nước Cao Xương Cúc Trí Thịnh cùng văn võ bách quan và các người tài giỏi đem giải về Trường An (kinh đô nhà Đường), lấy hết các đồ quí giá trong mê cung. Vua Đường Thái Tông bảo là nước Cao Xương không chịu bị người Hán đồng hóa, không biết được những gì tốt đẹp của Trung Hoa thượng quốc nên sai đem rất nhiều sách vở, y phục, dụng cụ, nhạc khí… của người Tàu cho nước Cao Xương. Người Cao Xương không theo mà nói rằng: – Con gà rừng không thể học cách bay lượn của con chim ưng, con chuột không thể bắt chước con mèo kêu meo meo, dù người Hán các ngươi có hay cách nào chăng nữa, người Cao Xương chúng ta cũng không thích.
Họ đem tất cả sách vở, văn vật, dụng cụ, tượng Phật, tượng Khổng Tử, tượng Lão Quân của Đạo giáo… vua nhà Đường ban cho đem cất vào mê cung, chẳng ai thèm nhìn đến một lần.
Hơn một nghìn năm qua, sa mạc biến thiên, cây cối mọc lên, tòa cố cung trước nay vốn cực kì bí mật lại càng thên ẩn bí. Nếu như không có địa đồ đưa đường chỉ lối, không ai có thể tìm được. Người Cáp Tát Khắc ngày nay và dân tộc Cao Xương không có liên quan gì đến nhau.
Ngõa Nhĩ Lạp Tề khi còn ở Trung Nguyên học cả văn lẫn võ, đọc rất nhiều sách vở của người Hán nên biết rành lịch sử triều nhà Đường. Lý Văn Tú tuy là người Hán nhưng lại không biết gì cả nên cũng không thấy có gì hứng thú. Nàng nghe giọng Ngõa Nhĩ Lạp Tề càng lúc càng yếu dần nên nói: – Sư phụ, thầy nghỉ một lát, đừng nói nữa. Gã hoàng đế người Hán kia thật là lắm chuyện, người ta thích cái gì thì kệ người ta việc gì phải ép buộc? Ôi, cái mà mình thật thích thì thường lại không được. Còn cái gì người khác tưởng là tốt mà nhất định bắt mình làm, mình không thích thì nhất định sẽ không bao giờ thích cả.
Ngõa Nhĩ Lạp Tề nói: – A Tú, ta… ta thật là cô đơn, từ nay sẽ không còn ai nói chuyện với ta lâu như thế nữa, con… con có chịu ở với sư phụ không?
Lý Văn Tú đáp: – Sư phụ, con ở đây với thầy.
Ngõa Nhĩ Lạp Tề nói: – Ta sắp chết rồi, sau khi ta chết đi con sẽ đi khỏi, không bao giờ quay lại nữa.
Lý Văn Tú không biết phải trả lời sao, chỉ thấy thật thê lương đau lòng, nàng giơ tay ra, nhẹ nhàng cầm bàn tay trái sư phụ, thấy tay ông ta lạnh dần. Ngõa Nhĩ Lạp Tề nói: – Ta muốn con mãi mãi ở nơi đây cùng với ta, mãi mãi không không bao giờ rời xa ta…
Y vừa nói vừa chầm chậm đưa tay phải lên, ngón tay cái và ngón tay trỏ cầm hai cái kim độc, nghĩ thầm: “Hai cái kim này chỉ nhè nhẹ đâm vào ngươi thì ngươi sẽ vĩnh viễn ở lại mê cung với ta, không thể bỏ ta được.” Y nói nhỏ: – A Tú, con vừa xinh đẹp vừa hiền hậu, thật là một cô gái ngoan, con mãi mãi ở bên cạnh ta nhé. Ta một đời thật là tịch mịch cô đơn, chẳng ai lo liệu cho ta cả… A Tú, con ngoan lắm, thật là một đứa bé ngoan…
Hai chiếc kim độc từ từ di chuyển dần về hướng Lý Văn Tú, trong đêm tối nàng đâu có thấy. Ngõa Nhĩ Lạp Tề nghĩ thầm: “Tay ta không còn chút lực khí nào, chỉ chầm chậm đâm thôi, nếu nhanh quá, nó chỉ giựt tay ra là ta không đâm nó được nữa.” Độc châm từng tấc, từng tấc đến gần mặt nàng hơn, chỉ còn hai thước, chỉ còn một thước…
Lý Văn Tú biết đâu kim độc chỉ cách mình bảy tám tấc, nói tiếp: – Sư phụ, mẹ của A Mạn chắc đẹp lắm nhỉ?
Ngõa Nhĩ Lạp Tề bỗng giật mình, nói: – Mẹ của A Mạn… Nhã Lệ Tiên…
Đột nhiên toàn thân y không còn một chút lực khí nào cả, biến đi đâu mất hết. Bàn tay đang giơ lên liền rũ xuống, không còn bao giờ có thể giơ lên được nữa. Lý Văn Tú nói: – Sư phụ, thầy đối với con thật tốt, con sẽ không bao giờ quên.
***
Trên sa mạc đi về Ngọc Môn Quan, một cô gái cưỡi ngựa trắng chầm chậm đi về hướng đông. Nàng đang nhẩm lại những gì mà người Cáp Tát Khắc của bộ tộc Thiết Diên nói với nàng lúc chia tay:
Tô Lỗ Khắc nói: – Lý cô nương, cô đừng đi, ở lại với chúng tôi. Chúng tôi ở đây có nhiều cái hay lắm, sẽ tìm cho cô một ông chồng thật tốt. Chúng tôi sẽ biếu cô thật nhiều cừu, nhiều bò, làm cho cô một cái lều thật đẹp.
Lý Văn Tú mặt đỏ lên, lắc đầu. Tô Lỗ Khắc lại nói tiếp: – Cô là người Hán, cái đó cũng chẳng sao. Người Hán cũng có người tốt. Người Hán có lấy người Cáp Tát Khắc được không nhỉ? Hừm…
Y lắc đầu nói: – Để mình đi hỏi trưởng lão Cáp Bốc Lạp Mẫu xem sao.
Cáp Bốc Lạp Mẫu là người tinh thông kinh Koran, thông minh nhất và có học nhất trong bộ tộc Thiết Diên. Ông ta cúi đầu suy nghĩ một hồi rồi nói: – Ta là người hèn kém, có biết được gì đâu.
Tô Lỗ Khắc nói: – Nếu là người học vấn như Cáp Bốc Lạp Mẫu mà còn không biết, người khác làm sao biết được?
Cáp Bốc Lạp Mẫu nói: – Chương thứ bốn mươi chín kinh Koran có viết là: “Hỡi các ngươi, ta từ một người nam và một người nữ sáng tạo ra tất cả, rồi các ngươi thành nhiều dân tộc nhiều tông tộc, để cho các ngươi dễ nhận ra nhau. Dưới mắt Allah, cái tôn quý nhất trong các ngươi, là cái tối thiện lương của các ngươi.” Trên thế gian này, các dân tộc, các tông tộc đều do Chúa Allah sáng tạo ra, ngài chỉ nói là cái gì tối thiện lương thì cái đó cao quí nhất. Kinh Koran chương thứ bốn có viết: “Các ngươi phải thương yêu nhau, thương hàng xóm gần, thương hàng xóm xa, thương bạn bè, đối đãi tử tế với lữ khách.” Người Hán là hàng xóm xa của chúng ta, nếu như họ không đến xâm phạm chúng ta, thì ta phải thương yêu họ, đối đãi tử tế với họ.
Tô Lỗ Khắc nói: – Ông nói đúng lắm. Thế con gái mình có lấy người Hán được không? Con trai mình có lấy con gái Hán được không?
Cáp Bốc Lạp Mẫu nói: – Trong kinh chương thứ hai, tiết hai trăm hai mươi mốt có nói: “Các ngươi không được lấy con gái thờ đa thần, trừ khi họ chịu tin đạo. Các ngươi không được lấy con trai thờ đa thần, trừ khi họ chịu tin đạo.” Trong kinh chương thứ tư, tiết thứ hai mươi ba nghiêm cấm lấy người đã có chồng rồi, không được lấy anh em thân thuộc, ngoài những điều đó ra đều là hợp pháp. Dù có lấy nô lệ hay tù binh cũng không sao, thì lấy người Hán có gì mà không được?
Trong khi Cáp Bốc Lạp Mẫu đọc kinh Koran, mọi người trong bộ tộc cung kính đứng nghe, kinh văn giúp họ giải quyết vấn đề, ai nấy đều minh bạch nên cùng nói: – Đấng tiên tri Muhammad đã dạy thế thì không thể nào sai được.
Có người còn khen ngợi sự thông minh và học vấn của Cáp Bốc Lạp Mẫu: – Mình có chuyện gì không hiểu, chỉ đến hỏi Cáp Bốc Lạp Mẫu là ông ta giảng giải cho biết ngay.
Thế nhưng Cáp Bốc Lạp Mẫu dù tài trí, dù thông minh tới đâu có một việc ông ta cũng không giải quyết được, dù kinh Koran bao la đến đâu cũng không có câu trả lời:
Nếu như ngươi yêu thương say đắm một người, người đó lại yêu thương say đắm một người khác, thì phải thế nào?
Con ngựa trắng từng bước, từng bước đưa nàng về Trung Nguyên. Bạch mã nay đã già, chỉ còn có thể đi chầm chậm, nhưng rồi cũng đến nơi. Đất Giang Nam có liễu xanh, có đào hồng, có én đen, có cá vàng… Người Hán cũng có những thanh niên anh tuấn, võ giỏi, hiên ngang tiêu sái…
Thế nhưng cô gái xinh tươi ấy cũng cố chấp như những người Cao Xương thuở nào: Những thứ đó tốt lắm, đẹp lắm! Thế nhưng ta không thích thì sao?
HẾT.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.