Bản Chất Của Dối Trá

Chương 5



Vì sao dùng hàng giả lại khiến chúng ta lừa dối nhiều hơn

Tôi sẽ kể bạn nghe về màn ra mắt của tôi trong giới thời trang. Khi Jennifer Wideman Green (một người bạn của tôi từ thời trung học), chuyển đến sống tại New York, cô đã gặp gỡ một số nhân vật trong ngành thời trang. Nhờ cô, đã đã có dịp làm quen với Freeda Fawal-Farah – người hiện đang làm việc cho Harper’s Bazaar, một thương hiệu vàng trong giới thời trang. Vài tháng sau, Freeda đã mời tôi đến phát biểu tại một tạp chí; và trước viễn cảnh được nói chuyện giữa đám đông, tôi đã nhận lời.

Trước khi bắt đầu bài phát biểu, Freeda đã phổ biến nhanh cho tôi về thời trang khi cả hai cùng thưởng thức latte trên một quán cà phê ban công, với hướng nhìn xuống chiếc thang cuốn tòa nhà trung tâm Manhattan từ trên cao. Freeda đã tóm tắt cho tôi những điểm chính trên trang phục của các phụ nữ đi ngang qua chúng tôi, bao gồm “nhãn hiệu họ khoác trên người” cũng như “bộ cánh và đôi giày họ mang sẽ nói lên phong cách của họ.” Tôi nhận ra Freeda đã không bỏ sót bất kỳ chi tiết nào – thực chất, nó không khác gì một buổi phân tích thời trang; thật đáng kinh ngạc, cứ như tôi đang chứng kiến một người quan sát chim lão luyện phân biệt từng điểm khác nhau nhỏ nhất trên mỗi loài vậy.

Khoảng ba mươi phút sau, tôi nhận ra mình đã đứng trên sân khấu, trước một thính phòng gồm toàn những chuyên gia thời trang danh tiếng. Thật là một niềm vui sướng vô hạn khi được nhiều phụ nữ quyến rũ và ăn mặc đẹp vây quanh đến vậy. Mỗi người đều trông như một mỹ vật trưng bày trong bảo tàng: từ phục sức, cách trang điểm cho đến – lẽ tất nhiên – những đôi giày lộng lẫy. Nhờ được Freeda hướng dẫn, tôi đã có thể nhận ra một số thương hiệu nổi tiếng trên các hàng ghế. Thậm chí, tôi còn phân biệt được dụng ý thời trang toát lên từ mỗi bộ trang phục.

Tôi không rõ vì sao các chuyên gia thời trang này lại muốn tôi xuất hiện trên sân khấu hay họ mong đợi sẽ nghe được gì từ tôi. Tuy vậy, chúng tôi vẫn khá hợp ý nhau. Tôi đã thảo luận về cách thức con người chúng ta ra quyết định, cách chúng ta so sánh giá cả để tìm hiểu một mặt hàng đáng giá đến đâu, hay cách chúng ta so sánh bản thân với những người khác. Khán giả cười giòn giã đúng như tôi mong đợi; họ cũng đặt ra những câu hỏi sâu sắc, và đóng góp vô số ý tưởng thú vị. Khi tôi kết thúc bài diễn thuyết, Valerie Salembier, biên tập viên tờ Harper’s Bazaar, đã bước lên sân khấu, ôm lấy tôi đầy cảm kích – và dành tặng tôi một chiếc túi dạo phố màu đen hiệu Prada vô cùng sành điệu.

SAU KHI CHÀO TẠM BIỆT, tôi rời tòa soạn cùng chiếc túi Prada mới và xuống phố chính để kịp tham gia buổi gặp gỡ tiếp theo. Do vẫn còn chút thời gian, tôi quyết định sẽ đi bộ. Trong lúc thơ thẩn, tôi không thể ngừng nghĩ về chiếc túi da lớn màu đen đang khoác trên vai với logo Prada hoành tráng và nổi bật. Tôi căn vặn bản thân: mình có nên đeo chiếc túi mới và để logo quay ra phía ngoài không? Như vậy, mọi người có thể nhìn thấy và tỏ ra ngưỡng mộ (hoặc tự hỏi làm thế nào một gã diện quần bò xanh với giày thể thao đỏ lại có thể sắm nổi nó). Hoặc có lẽ tôi nên quay logo vào trong, để không ai có thể nhận ra nó là một chiếc túi Prada? Sau cùng, tôi đã quyết định giấu nó vào trong.

Mặc dù tôi khá chắc rằng nếu logo bị giấu, sẽ không ai nhận ra đây là một chiếc túi Prada; và dẫu cho không hề nghĩ mình là một người quan tâm đến thời trang, tôi vẫn cảm thấy điều gì đó khang khác. Tôi cứ liên tục băn khoăn về thương hiệu của chiếc túi. Tôi đang diện hàng Parada! Và nó khiến tôi cảm thấy khác biệt. Tôi đứng thẳng lưng hơn một chút và sải bước với dáng vẻ đường hoàng. Tôi tự hỏi “nếu mình dùng đồ lót hiệu Ferrari thì sao?” Tôi sẽ cảm thấy hăng hái hơn? Tự tin hơn? Nhạy bén hơn? Và nhanh nhẹn hơn chăng?

Tôi tiếp tục dạo bước qua khu Hoa kiều, cảm nhận thứ không khí hối hả, nhộn nhịp cùng mùi thức ăn và những tiểu thương bày bán hàng hóa của họ dọc Đường Canal. Cách đó không xa, tôi nhận thấy một cặp đôi quyến rũ, trẻ trung đang ngắm cảnh. Một anh chàng người Hoa tiến đến họ. “Túi xách, mời mua túi xách!” anh mời gọi, hướng đầu về phía cửa hàng nhỏ của mình. Ban đầu, họ không có phản ứng gì. Phải đến một lúc sau, người phụ nữ mới lên tiếng: “Anh có hàng Prada không?”

Người bán hàng gật đầu. Tôi quan sát cô gái thủ thỉ với anh chàng đi cùng. Anh này mỉm cười với cô, và họ theo người đàn ông đến quầy hàng.

Chiếc túi Prada mà họ nhắc đến, tất nhiên, không phải hàng Prada chính hiệu. Cả cặp kính thời thượng giá 5 đô-la gắn mác Dolce&Gabbana trên quầy cũng thế. Và những lọ nước hoa hiệu Armani bày bán trên vỉa hè ư? Hàng giả tất.

Từ lông chồn Ermine đến Armani

Đến đây, ta hãy tạm ngưng một chút và nhìn lại lịch sử của ngành phục trang, đặc biệt đối với hiện tượng được các nhà xã hội học định nghĩa là “tín hiệu bên ngoài” – hay cách thức chúng ta thể hiện bản thân với người khác qua những gì khoác trên người. Từ xa xưa, luật pháp La Mã cổ đại đã bao gồm những quy định được gọi chung là “luật hạn chế cá nhân,” và tiếp tục được chắt lọc qua nhiều thế kỷ để trở thành những điều luật áp dụng tại hầu hết các nước châu Âu. Trong đó, có những điều luật quy định rõ mỗi cá nhân nên mặc trang phục gì dựa trên địa vị và đẳng cấp của họ. Những điều luật này cũng được thể hiện vô cùng chi tiết. Đơn cử, tại Anh Quốc thời Phục hưng, chỉ có tầng lớp quý tộc mới được khoác các loại lông thú, vải vóc hay trang sức hạt cườm nhất định trên cơ thể; tương tự, giai cấp thượng lưu tất nhiên phải mặc trang phục kém bắt mắt hơn họ.

Một số nhóm tầng lớp còn được phân biệt cụ thể hơn nhằm tránh nhầm lẫn với những thành phần “đáng kính”. Chẳng hạn, gái làng chơi phải đội mũ trùm có sọc để tỏ dấu hiệu về sự “nhơ nhuốc” của họ, và các tín đồ dị giáo đôi lúc cũng buộc phải đeo những miếng băng gắn kèm các bó gỗ nhằm ngụ ý rằng họ có thể bị – hoặc nên bị – thiêu sống đến chết. Điều này đồng nghĩa một gái điếm có thể che giấu thân phận bằng cách bước ra phố mà không đội mũ sọc trên đầu, như thể cô ta đang mang một cặp kính Gucci giả vậy. Những người “ăn mặc vượt quá đẳng cấp” nói trên đã lừa dối mọi người một cách âm thầm, nhưng trực tiếp. Tuy ăn mặc vượt quá đẳng cấp không phải là hình thức vi phạm nghiêm trọng, nhưng với những ai phá luật, họ sẽ bị phạt gậy hoặc trừng trị bằng nhiều cách khác.

Điều tưởng chừng như là trạng thái cưỡng bách tâm lý đến mức ám ảnh và lố bịch từ phía giai cấp thượng lưu, trên thực tế, lại chính là nỗ lực của thành phần này nhằm đảm bảo họ sẽ trở thành hình mẫu họ tự gán cho bản thân – hay một cơ chế được lập ra nhằm loại bỏ sự vô trật tự và hỗn loạn. (Nó thật sự đã đem lại một số lợi thế mang tính biểu tượng, tuy tôi không ủng hộ việc chúng ta quay lại tập quán này.) Và tuy hệ thống phân biệt đẳng cấp dựa trên phục trang hiện nay của chúng ta không đến nỗi quá khắt khe như trong quá khứ, nhưng khao khát được phô trương cá tính cũng như sự thành đạt của con người thời nay vẫn còn rất mạnh mẽ. Ngày nay, những nhân vật danh giá và hợp mốt đã thay thế áo lông chồn bằng hàng Armani. Và dẫu cho Freeda biết rõ những đôi cao gót Via Spiga vốn không dành cho tất cả mọi người, thì vẫn không thể phủ nhận rằng: tín hiệu chúng ta gửi đi sẽ cung cấp không ít thông tin đến những người xung quanh.

ĐẾN ĐÂY, CÓ THỂ BẠN SẼ cho rằng những người mua hàng giả kém chất lượng sẽ không thật sự gây tổn hại cho nhà sản xuất thời trang, bởi rất nhiều người trong số họ không bao giờ mua hàng thật từ ban đầu. Thế nhưng, đây chính là hệ quả từ tín hiệu bên ngoài. Rốt cuộc, nếu một nhóm người mua khăn quàng Burberry giả hết 10 đô-la, thì nhiều người khác – gồm những người đủ khả năng mua hàng thật và muốn mua chúng – có thể sẽ không sẵn sàng trả gấp 20 lần số tiền đó để sở hữu khăn quàng chất lượng. Trong trường hợp chúng ta nhận thấy ai đó khoác một chiếc áo choàng len hiệu Burberry hay xách túi Louis Vuitton mang hoa văn LV, chúng ta sẽ lập tức hoài nghi liệu họ có mang hàng giả hay không, cũng như giá trị thể hiện từ việc mua hàng thật chất lượng là gì? Giả thiết này cũng đồng nghĩa: những người mua hàng giả sẽ giảm bớt hiệu ứng từ tín hiệu bên ngoài, đồng thời làm hao mòn tính xác thực từ sản phẩm thật (cũng như người mang chúng). Đó cũng là lý do các nhà bán lẻ và chuyên gia thời trang rất quan tâm đến hàng giả.

KHI NGẪM LẠI kinh nghiệm về chiếc túi Prada, tôi tự hỏi: phải chăng vẫn còn những ảnh hưởng tâm lý khác liên quan đến hàng giả vượt ngoài phạm vi của tín hiệu bên ngoài? Lúc ấy, tôi đang ở khu Hoa kiều, tay khoác chiếc túi Prada chính hãng và chứng kiến người phụ nữ bước ra từ cửa hàng với một chiếc túi giả trên tay. Bất chấp sự thật rằng tôi không hề chọn chiếc túi hay trả tiền mua nó, tôi vẫn cảm giác được sự khác biệt rất lớn giữa cách hai người chúng tôi gắn kết với chiếc túi của mình.

Hiểu rộng hơn, tôi đã bắt đầu thắc mắc về mối quan hệ giữa những thứ chúng ta khoác trên người với cách chúng ta hành xử; từ đó, tôi đã liên hệ đến thuật ngữ được các nhà xã hội học gọi là “sự tự biểu hiện.” Nguyên lý cơ bản của sự tự biểu hiện chính là: dù suy nghĩ như thế nào, chúng ta vẫn không định hình rõ chúng ta là ai. Nói chung, chúng ta tin rằng bản thân luôn có quan điểm riêng về thị hiếu cũng như nhân cách của chính chúng ta; nhưng thực chất, chúng ta không thể hiểu rõ chính mình (và hiển nhiên cũng không rõ như chúng ta vẫn nghĩ). Trái lại, chúng ta đang quan sát bản thân giống với cách chúng ta quan sát và phán xét hành vi của người khác – từ đó nghiệm ra chúng ta là ai và “trông ra sao” từ hành vi của mình.

Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn gặp một người ăn xin trên phố. Thay vì phớt lờ hay cho tiền anh ta, bạn quyết định sẽ mua cho anh một chiếc bánh mì kẹp. Bản thân hành động này không định nghĩa con người bạn, hay nhân cách của bạn, nhưng đã thể hiện một việc làm chứng minh cho lòng trắc ẩn và vị tha của bạn. Giờ đây, với “dữ liệu mới” này, bạn sẽ càng tin tưởng hơn lòng bác ái của mình.

Đó là cách sự tự biểu hiện xảy ra trong đời thực. Nguyên lý tương tự cũng được áp dụng đối với các phụ kiện thời trang. Khoác một chiếc túi Prada chính hiệu – dù chẳng ai biết đó là hàng thật – sẽ khiến chúng ta suy nghĩ và hành động khác với khi mang một chiếc túi giả. Điều này dẫn đến các câu hỏi sau: Liệu việc mang hàng giả có khiến chúng ta kém trung thực hơn hay không? Và có khi nào những phục sức giả này sẽ gây ra ảnh hưởng xấu mà chính chúng ta cũng không ngờ tới.

Gọi tên hàng hiệu Chloé

Tôi quyết định gọi cho Freeda và kể với cô mối quan tâm gần đây của tôi đối với thời trang cao cấp. (Tôi đoán cô còn ngạc nhiên hơn tôi.) Trong cuộc trò chuyện, Freeda đã hứa sẽ thuyết phục một nhà tạo mẫu cho phép tôi mượn một số sản phẩm để tiến hành thí nghiệm. Vài tuần sau, tôi nhận được một bưu phẩm từ nhãn hàng Chloé – gồm 20 chiếc túi xách và 20 cặp kính râm. Lời nhắn kèm theo bưu phẩm cũng cho biết mỗi chiếc túi có giá trị khoảng 40 nghìn đô-la, còn kính râm là 7 nghìn đô-la.

Với những phục sức nóng bỏng trong tay, tôi đã cùng Francesca Gino và Mike Norton (giáo sư Đại học Harvard) tiến hành kiểm chứng giả thiết sau: liệu người tham gia thí nghiệm có hành xử khác biệt khi họ mang hàng giả và hàng thật hay không. Nếu người tham gia cảm thấy rằng việc mang hàng giả sẽ gợi nên sự thiếu ngay thẳng từ hình tượng cá nhân (ngay cả đối với chính họ), thì chúng tôi tự hỏi liệu họ có bắt đầu cho rằng bản thân mình cũng kém trung thực hơn hay không. Và với nhận thức về bản thân đã bắt đầu lung lay, khả năng họ tiếp tục sa vào con đường gian dối sẽ cao đến mức nào?

Nhờ sử dụng các phụ kiện Chloé làm mồi nhử, chúng tôi đã tuyển được rất nhiều nữ học viên thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) tham gia thí nghiệm. (Chúng tôi tập trung vào phụ nữ không vì cho rằng họ khác với nam giới về mặt đạo đức – trên thực tế, tất cả những thí nghiệm trước đây của chúng tôi đều không phát hiện điểm khác biệt nào liên quan đến giới tính – mà bởi những phụ kiện này đều được thiết kế riêng cho phái đẹp.) Ban đầu, chúng tôi tự hỏi sẽ sử dụng kính râm hay túi xách trong các thí nghiệm đầu tiên; nhưng sau khi nhận ra sẽ hơi khó giải thích với người tham gia lý do chúng tôi muốn họ đeo túi xách diễu quanh tòa nhà, chúng tôi quyết định sẽ dùng kính râm.

MỞ ĐẦU THÍ NGHIỆM, chúng tôi sẽ xếp mỗi thành viên nữ vào một trong ba tình huống: hàng thật, hàng giả và thiếu thông tin. Trong tình huống hàng thật, chúng tôi thông báo rằng họ sẽ được đeo những cặp kính thời thượng chính hiệu Chloé. Trong tình huống hàng giả, chúng tôi lại tuyên bố họ sẽ được đeo những cặp kính giả trông giống hệt hàng Chloé thật (thực chất toàn bộ những sản phẩm này đều là hàng hiệu McCoy). Cuối cùng, với tình huống thiếu thông tin, chúng tôi sẽ không nói gì về xuất xứ thật của những cặp kính.

Ngay khi người tham gia đeo kính lên mắt, chúng tôi liền dẫn họ đến tiền sảnh và yêu cầu họ quan sát những tấm áp-phích khác nhau cùng khung cảnh ngoài cửa sổ; từ đó, họ có thể đánh giá chất lượng và rút ra trải nghiệm từ hình ảnh trông thấy qua cặp kính. Sau đó, chúng tôi sẽ cho gọi họ đến một căn phòng khác để tiến hành nhiệm vụ tiếp theo. Và hãy thử đoán xem: trong lúc các nữ học viên vẫn còn giữ kính trên mắt, chúng tôi đã trình bày với họ một thí nghiệm cũ – trò chơi ma trận.

Đến đây, hãy thử hình dung bạn là một người tham gia trong nghiên cứu này. Bạn đến trình diện ở phòng thí nghiệm, và ngẫu nhiên được xếp vào tình huống hàng giả. Người giám sát thông báo rằng cặp kính là hàng nhái, và hướng dẫn bạn kiểm tra để xem bạn suy nghĩ thế nào. Bạn được trao một chiếc hộp kính trông rất thật (với đường nét logo vô cùng chính xác!); bạn lấy kính ra, kiểm tra nó, và đeo lên mắt. Khi đeo xong, bạn bắt đầu dạo quanh tiền sảnh, xem xét các tấm áp-phích khác nhau và nhìn ra ngoài cửa sổ. Nhưng trong khi làm thế, điều gì đang diễn ra trong đầu bạn? Bạn có so sánh nó với cặp kính đang để trong xe hay một cặp khác bạn từng làm vỡ? Bạn có nghĩ rằng, “Ái chà, trông có vẻ thuyết phục đấy. Sẽ chẳng ai dám nói rằng nó là hàng giả.” Có thể bạn sẽ cho rằng trọng lượng dường như không đúng hay phần gọng nhựa có vẻ rẻ tiền. Và nếu bạn suy nghĩ về sự “giả tạo” trong phục sức mình đang đeo, liệu điều đó có khiến bạn gian lận nhiều hơn trong trò chơi ma trận hay không? Hay ít hơn? Hay cùng tỷ lệ đó?

Sau đây là điều chúng tôi tìm hiểu được. Như mọi khi, có rất nhiều người gian lận chỉ một số ít câu hỏi. Nhưng trong khi “chỉ có” 30% người chơi trong tình huống hàng thật khai khống về số ma trận họ thực sự giải được, lại có đến 74% người chơi khai khống về con số này trong tình huống hàng giả.

Kết quả trên đã dẫn đến một câu hỏi thú vị khác: Liệu cảm giác giả tạo đoán chừng đến từ món hàng có khiến các nữ học viên gian lận nhiều hơn bình thường hay không? Hay chính logo Chloé đích thực đã khiến các thành viên trong điều kiện đối lập hành xử trung thực hơn? Nói cách khác, điều gì có ảnh hưởng mạnh mẽ hơn: sự tự biểu hiện tiêu cực trong tình huống hàng giả, hay sự tự biểu hiện tích cực trong tình huống hàng thật?

Đó là nguyên nhân vì sao chúng tôi bổ sung tình huống “thiếu thông tin” (hay tình huống có kiểm soát); trong đó, chúng tôi không hề khẳng định những cặp kính trên là hàng thật hay hàng giả. Vậy tình huống thiếu thông tin này đã giúp ích ra sao? Hãy giả sử rằng các nữ học viên đeo kính giả cũng gian lận ở cùng mức độ như những thành viên khác trong tình huống thiếu thông tin. Nếu giả thiết này đúng, ta có thể kết luận rằng hàng giả không hề khiến các học viên trên gian lận hơn mức bình thường, mà chính nhãn hiệu thật mới khiến họ trở nên trung thực hơn. Mặt khác, nếu chúng tôi nhận thấy những người chơi đeo kính Chloé thật gian lận cùng mức độ với các thành viên trong tình huống thiếu thông tin (và thấp hơn người chơi trong tình huống hàng giả), chúng tôi sẽ kết luận rằng nhãn hiệu thật không hề khiến các học viên trung thực hơn bình thường; ngược lại, chính hàng giả đã khiến các phụ nữ này hành xử giả dối.

Hẳn bạn còn nhớ: có 30% người chơi trong tình huống hàng thật và 73% người chơi trong tình huống hàng giả đã nói quá về số ma trận họ thực sự giải được. Còn tình huống thiếu thông tin thì sao? Trong trường hợp này, tỷ lệ gian lận là 42%. Con số này nằm giữa hai kết quả trước, nhưng lại gần hơn với tỷ lệ trong tình huống hàng thật (về mặt thống kê, hai tình huống này thật sự không quá chênh lệch). Kết quả trên đã cho thấy rằng: mang hàng thật sẽ không khiến chúng ta trung thực hơn (hay chí ít cũng không ảnh hưởng đáng kể). Nhưng một khi chúng ta cố ý khoác hàng giả lên người, những ràng buộc về đạo đức sẽ bị nới lỏng đôi chút, và khiến ta dễ dàng dấn sâu hơn vào con đường gian dối.

Vậy tính luân lý trong câu chuyện này là gì? Nếu bạn, hay bạn bè của bạn, hoặc ai đó bạn đang hẹn hò mang hàng giả, hãy cẩn thận! Hành động gian dối tiếp theo có thể đến nhanh hơn bạn dự kiến.

Hiệu ứng “Quái-quỷ-thật”

Đến đây, hãy tạm ngưng ít phút và ngẫm lại về những điều sẽ xảy ra khi bạn ăn kiêng. Trong thời gian đầu, bạn sẽ cố gắng tuân thủ nghiêm túc những nguyên tắc khác nhau của kế hoạch, bao gồm: nửa quả bưởi, một lát bánh mì nướng ngũ cốc và một quả trứng chần cho bữa sáng; gà tây xắt lát và salad không calo cho bữa trưa; hay cá đút lò và bông cải hấp cho bữa tối. Như đã đề cập trong chương trước – “Vì sao chúng ta thở dốc khi mệt mỏi” – lúc này, chắc hẳn bạn đang trong tình trạng “thiếu ăn” trầm trọng. Và rồi, ai đó bỗng trêu ngươi bạn bằng một miếng bánh ngọt. Ngay giây phút bạn đầu hàng trước cám dỗ và cắn miếng đầu tiên, lập trường của bạn đã hoàn toàn thay đổi. Bạn sẽ tự nhủ, “Ôi trời, quái quỷ thật; mình đã phá vỡ kế hoạch rồi, đã thế tội gì không xơi hết cả miếng – và phải thêm cả món bánh pho-mát nướng ngon, đầy đủ rau thơm mà mình đã dằn bụng cả tuần nữa chứ? Mình sẽ bắt đầu lại vào ngày mai, hoặc cũng có thể là thứ Hai. Và lần này, mình nhất định sẽ thật kiên trì.” Nói cách khác, sau khi đã tự bôi xấu quyết tâm ăn kiêng của bản thân, bạn sẽ quyết định phá vỡ hoàn toàn kế hoạch ăn kiêng và trở lại với hình tượng ăn uống vô tội vạ trước kia (tất nhiên, bạn không thể đoán trước rằng điều tương tự sẽ tiếp tục lặp lại vào ngày mai, hoặc ngày mốt).

Để xem xét chi tiết hơn nhược điểm trên, Francesca, Mike và tôi đã tìm hiểu xem liệu một thất bại nhỏ (như cắn một miếng khoai tây chiên khi bạn đang theo đuổi kế hoạch ăn kiêng) có thể khiến một cá nhân từ bỏ hoàn toàn mọi nỗ lực của họ hay không.

Lần này, hãy hình dung bạn đang đeo một cặp kính – bất kể là hàng Chloé thật, hàng nhái hay xuất xứ không xác định. Tiếp đó, bạn ngồi trước màn hình vi tính và được cho xem một hình vuông hợp từ hai nửa tam giác (với một đường chéo cắt ngang). Thí nghiệm bắt đầu như sau: trong vòng một giây, 20 dấu chấm sẽ hiện lên rải rác trong hình vuông một cách ngẫu nhiên (xem minh họa bên dưới). Sau đó, các chấm này sẽ biến mất, để lại một hình vuông trống, một đường chéo và hai phím lựa chọn: một phím hiển thị “bên phải nhiều hơn”, và phím kia là “bên trái nhiều hơn”. Nhiệm vụ của bạn sẽ là sử dụng hai phím này để quyết định xem các dấu chấm hiện lên nhiều hơn ở phía bên trái hay bên phải đường chéo. Bạn được chọn 100 lần. Đôi lúc bên phải sẽ có nhiều dấu chấm hơn. Đôi lúc chúng lại tập trung ở bên trái. Đôi lúc lại thật khó xác định. Như bạn có thể hình dung: sau khi tiến hành được một khoảng thời gian, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi; và sau 100 lần trả lời, người giám sát có thể đánh giá bạn đã lựa chọn chính xác ra sao.

Tiếp theo, máy tính sẽ yêu cầu bạn lặp lại nhiệm vụ trên thêm 200 lần nữa. Mãi đến lúc này, bạn mới được nhận thưởng dựa trên quyết định của mình. Sau đây là lưu ý quan trọng: bất kể bạn trả lời chính xác hay không, với mỗi lần chọn phím bên trái, bạn sẽ nhận được nửa xu; số tiền này sẽ là 5 xu với phím bên phải (gấp 10 lần phím còn lại).

Với cách thức khích lệ trên, thỉnh thoảng, bạn sẽ phải đối mặt với tình huống mâu thuẫn lợi ích cơ bản. Mỗi khi bạn nhận thấy bên phải có nhiều dấu chấm hơn, sẽ chẳng có vấn đề đạo đức nào phát sinh, bởi đưa ra câu trả lời trung thực (“bên phải nhiều hơn”) cũng chính là lựa chọn mang lại cho bạn số tiền thưởng cao nhất. Nhưng khi bạn nhận thấy bên trái có nhiều dấu chấm hơn, bạn buộc phải quyết định sẽ đưa ra câu trả lời trung thực và chính xác (“bên trái nhiều hơn”) như hướng dẫn, hay sẽ tối đa lợi ích bằng cách nhấp vào phím bên phải. Qua phương thức trả thưởng bất tương xứng này, chúng tôi đã khuyến khích người tham gia nhìn nhận thực tế khác đi một chút, và gian lận bằng cách nhấp vào phím chọn phải nhiều hơn mức cho phép. Nói cách khác, họ đã phải đối mặt với một tình huống mâu thuẫn – giữa việc đưa ra câu trả lời đúng và tối đa lợi ích. Câu hỏi then chốt chính là: gian lận hay không gian lận? Và chớ quên rằng, họ đang thực hiện điều đó khi vẫn đeo kính trên mắt.

Sau cùng, trò chơi dấu chấm của chúng tôi đã cho thấy kết quả tương tự như trò chơi ma trận; với rất nhiều người chơi gian lận, nhưng chỉ ở mức không đáng kể. Thú vị thay, chúng tôi cũng nhận thấy số lượng người chơi gian lận đã tăng cao hơn hẳn khi họ đeo kính giả. Không những thế, những người chơi này còn gian lận nhiều hơn trong mọi tình huống. Họ gian lận nhiều hơn khi khó xác định bên nào có nhiều dấu chấm hơn, và cả khi câu trả lời hiển nhiên là “bên trái nhiều hơn” (lựa chọn tương ứng với số tiền thưởng thấp hơn).

Trên đây là những con số tổng quát, nhưng lý do chúng tôi lập ra trò chơi dấu chấm này từ ban đầu chính là để quan sát xem hành vi gian lận sẽ biến đổi ra sao trong các tình huống người chơi có nhiều cơ hội hành xử thiếu trung thực. Chúng tôi muốn tìm hiểu liệu người tham gia có bắt đầu thí nghiệm bằng cách gian lận đôi chút, nhưng vẫn cố gắng tin tưởng vào tính trung thực của bản thân và cùng lúc tiếp nhận lợi ích từ những lần gian lận đó hay không. Chúng tôi ngờ rằng thế cân bằng này sẽ tồn tại được một thời gian ngắn, nhưng tại thời điểm nào đó, người tham gia sẽ đạt đến “ngưỡng trung thực” của họ. Sau khi vượt qua ngưỡng này, họ sẽ bắt đầu suy nghĩ, “Quái quỷ thật, đằng nào cũng đã gian lận rồi, mình sẽ phải tận dụng cơ hội này.” Và kể từ đó, họ sẽ gian lận thường xuyên hơn – thậm chí ngay khi có cơ hội làm điều đó.

Điều đầu tiên cần rút ra từ kết quả trên chính là số trường hợp gian lận đã gia tăng khi thí nghiệm được kéo dài. Và qua trực giác, chúng tôi cũng nhận thấy rằng: đã có sự chuyển biến rất rõ nét ở một số người chơi lại một thời điểm nào đó trong thí nghiệm; lúc này, họ sẽ đột nhiên chuyển từ “chỉ gian lận đôi chút” sang “gian lận mỗi khi có thể.” Đặc điểm chung này trong hành động của họ chính là điều chúng tôi mong đợi từ hiệu ứng quái-quỷ-thật, và nó đã phản ánh trong cả tình huống hàng thật lẫn hàng giả. Song, chính những người chơi mang kính giả mới cho thấy khuynh hướng tháo bỏ các ràng buộc về đạo đức cao hơn, và gian lận ở mức tối đa.

Từ hiệu ứng quái-quỷ-thật, chúng tôi cũng nhận thấy mỗi khi tình huống gian lận xảy đến, chúng ta sẽ hành động tương tự như trường hợp ăn kiêng. Vì một khi đã bắt đầu vi phạm những chuẩn mực của bản thân (dù trong thời gian ăn kiêng hay vì động cơ tiền bạc), nhiều khả năng chúng ta sẽ từ bỏ mọi nỗ lực xa hơn nhằm kiểm soát hành vi của chính mình – và kể từ đó, chúng ta sẽ ngưng kháng cự trước cám dỗ và hành xử ngày càng gian trá.

DO VẬY, vải vóc dường như đã làm nên con người, và việc mang hàng giả quả thực đã có tác động đến các quyết định mang tính đạo đức. Qua kết quả rút ra từ nhiều nghiên cứu xã hội học, ta có thể áp dụng kiến thức này cả trên phương diện tốt hoặc xấu. Về mặt tiêu cực, các doanh nghiệp có thể lợi dụng nguyên lý trên nhằm nới lỏng các chuẩn mực đạo đức của nhân viên – chẳng hạn họ sẽ nhận ra mình có thể dễ dàng “xỏ mũi” khách hàng, nhà cung cấp, nhà chức trách hay các đối thủ – và nhờ đó, họ sẽ gia tăng lợi ích cho công ty và khiến các bên khác phải chịu nhiều tổn thất hơn. Về mặt tích cực, nhờ hiểu rõ hậu quả từ tình thế nghiêm trọng, chúng ta có thể lưu ý hơn đến những sai phạm ban đầu và kịp thời ngăn chặn trước khi quá muộn.

Hành vi gian dối

Sau khi hoàn thành các thí nghiệm trên, Francesca, Mike và tôi đã có trong tay bằng chứng cho thấy việc mang hàng giả sẽ làm sai lệch cách chúng ta nhìn nhận bản thân; và một khi đã tự thừa nhận mình là kẻ lừa dối, chúng ta sẽ bắt đầu hành xử bất chính hơn. Điều này dẫn đến một câu hỏi khác: nếu hàng giả khiến chúng ta thay đổi cách nhìn nhận hành vi của mình, thì liệu chúng có khiến người khác hoài nghi chúng ta hay không?

Để tìm hiểu điều này, chúng tôi đã yêu cầu một nhóm người tham gia đeo những cặp kính Chloé, và cho họ biết trước chúng là thật hay giả. Một lần nữa, họ sẽ tiếp tục dạo quanh tiền sảnh, xem các áp-phích khác nhau và nhìn ngắm cảnh quan ngoài cửa sổ. Tuy nhiên, khi cho gọi họ trở về phòng thí nghiệm, chúng tôi sẽ không yêu cầu họ tiến hành trò chơi ma trận hay dấu chấm. Thay vì thế, họ sẽ phải hoàn thành một bài khảo sát dài trong khi vẫn đeo kính. Trong khảo sát này, chúng tôi sẽ đưa ra một nhóm các câu hỏi không liên quan với nhau (dưới dạng điền vào chỗ trống) nhằm che giấu mục đích thật sự của nghiên cứu. Trong số các câu hỏi đó, chúng tôi lại tiếp tục lồng ghép ba nhóm câu hỏi được xây dựng nhằm tìm hiểu xem người tham gia nhận biết và đánh giá phẩm cách đạo đức của người khác ra sao.

Nhóm câu hỏi A sẽ yêu cầu người tham gia đánh giá khả năng những người họ quen biết có dính líu đến các hành vi gây tranh cãi về đạo đức. Nhóm câu hỏi B lại yêu cầu họ đánh giá khả năng mọi người nói dối khi thốt ra những câu từ nhất định. Cuối cùng, nhóm C sẽ trình bày với người tham gia về 2 kịch bản; trong đó, một nhân vật sẽ có cơ hội hành xử bất chính. Và họ được yêu cầu phải đánh giá khả năng nhân vật đó sẽ tận dụng thời cơ trong mỗi tình huống. Sau đây là các câu hỏi cụ thể trong từng nhóm:

Nhóm A: Những người bạn quen biết có khả năng liên quan đến các hành vi sau cao đến đâu?

  • Đứng trên tàu tốc hành với lỉnh kỉnh hàng hóa.
  • Cố gắng bước lên khoang máy bay trước khi được gọi số.
  • Thổi phồng báo cáo chi phí kinh doanh.
  • Thông báo với giám sát viên rằng dự án đang tiến triển trong khi vẫn chưa hoàn thành được gì.
  • Đem văn phòng phẩm từ công ty về nhà.
  • Nói dối với công ty bảo hiểm về giá trị thực của hàng hóa bị thiệt hại.
  • Mua một món quần áo, mặc lên người rồi trả lại.
  • Nói dối với bạn tình về số “người cũ” họ từng quan hệ.

Nhóm B: Có bao nhiêu khả năng những lời thốt ra sau đây là dối trá?

  • Xin lỗi, tôi đến trễ. Giao thông tồi tệ quá.
  • Điểm trung bình môn (GPA) của tôi là 4.0.
  • Gặp anh thật thích. Thỉnh thoảng ta lại dùng bữa trưa nhé.
  • Đương nhiên, tôi sẽ bắt đầu ngay tối nay.
  • Đúng vậy, đêm qua John đã ở cùng tôi.
  • Tôi nhớ đã gửi e-mail cho anh rồi. Chắc chắn tôi đã gửi mà.

Nhóm C: Những cá nhân sau có khả năng hành động như mô tả cao ra sao?

  • Steve là giám đốc hoạt động tại một công ty chuyên sản xuất thuốc trừ sâu và phân bón dành cho bãi cỏ, sân vườn. Có một loại hóa chất độc hại sắp bị cấm trong một năm tới, nên giá thành của nó đã hạ xuống rất thấp. Nếu Steve mua loại hóa chất này, sản xuất và phân phối kịp thời, anh có thể sẽ lãi to. Hãy đánh giá khả năng Steve quyết định bán loại hóa chất này khi nó vẫn còn hợp pháp.
  • Dale là giám đốc hoạt động tại một công ty chuyên sản xuất thực phẩm dinh dưỡng. Một trong số các thức uống hữu cơ của họ chứa khoảng 109 calo cho mỗi lượng sử dụng. Dale biết người tiêu cùng thường rất nhạy cảm khi “nạp” quá ngưỡng 100 calo cần thiết, và anh có thể giảm hàm lượng xuống khoảng 10%. Nhãn sản phẩm giờ đây chỉ hiển thị 98 calo cho mỗi lượng sử dụng; và theo thông tin mới, mỗi chai sẽ bao gồm đến 2,2 hàm lượng như thế. Hãy đánh giá khả năng Dale quyết định cắt giảm hàm lượng sử dụng nhằm tránh vượt ngưỡng 100 calo.

Bạn dự đoán kết quả ra sao? Khi phản hồi về hành vi của những người quen biết (nhóm câu hỏi A), người chơi trong tình huống hàng giả đã đánh giá bạn bè của họ có khả năng gian lận cao hơn người chơi trong tình huống hàng thật. Họ cũng đánh giá khả năng dối trá trong danh sách những lời bào chữa thông thường (nhóm câu hỏi B) ở mức cao hơn, đồng thời phán đoán rằng nhân vật trong hai kịch bản cho trước (nhóm câu hỏi C) sẽ có khuynh hướng hành động mờ ám hơn. Từ đó, chúng tôi đã kết luận rằng: hàng giả không chỉ khiến chúng ta giả dối hơn, mà còn khiến ta đánh giá kẻ khác kém trung thực hơn bình thường.

Giả dối khi còn có thể

Như vậy, chúng ta đã rút ra được gì từ kết quả trên?

Trước hết, hãy nghĩ đến các hãng thời trang cao cấp – những doanh nghiệp luôn sẵn sàng đối phó với nạn hàng giả trong suốt những năm qua. Họ dường như rất khó nhận được sự cảm thông; bạn có thể nghĩ rằng: ngoài danh tiếng nhất thời, sẽ chẳng ai thật sự quan tâm đến “nỗi phiền muộn” của các nhà tạo mẫu hàng đầu – những người làm nên giá trị cho bộ trang phục. Khi có ý định mua một chiếc túi Prada giả, bạn sẽ tự nhủ lòng, “Chà, hàng hiệu đắt đến thế ư? Thật ngu ngốc nếu phải đổ tiền vào chúng,” hoặc giả: “Đằng nào mình cũng chẳng có ý định mua hàng thật, nên các nhà tạo mẫu sẽ không lo mất tiền đâu.” Hoặc bạn sẽ thanh minh rằng: “Mua hàng giả thì đã sao? Các hãng thời trang đó kiếm nhiều tiền thế cơ mà.” Nhưng dù bào chữa thế nào – lẽ tất nhiên, chúng ta rất giỏi biện hộ cho hành vi của mình hòng lấp liếm những động cơ ích kỷ – thì đa số chúng ta cũng khó nhận thức được rằng: chính thái độ hờ hững từ mỗi cá nhân sẽ trở thành mối nguy đối với các hãng thời trang cao cấp.

Nhưng các kết quả trên còn tiết lộ thêm một tình tiết khác, một sự thật còn quỷ quyệt hơn thế. Hóa ra, các hãng thời trang cao cấp không phải là nạn nhân duy nhất của tệ nạn hàng giả. Nhờ sự tự biểu hiện và hiệu ứng quái-quỷ-thật, một hành động gian dối đơn lẻ cũng có thể biến đổi hành vi của một cá nhân trở nên quá quắt hơn. Không những thế, nếu hành vi bất chính này đi cùng với sự gợi nhớ (hãy nhớ lại những cặp kính với logo “Gucci” lớn in nổi ở gọng bên), sức ảnh hưởng kéo theo có thể tồn tại rất lâu và vô cùng nghiêm trọng. Rốt cuộc, chúng ta đều phải trả giá vì sử dụng hàng giả dưới vỏ bọc đạo đức; và từ đó, tuyên ngôn “hãy giả dối” sẽ thay đổi hành vi, nhận thức và cách thức chúng ta nhìn nhận những người xung quanh.

Chẳng hạn, hãy xét đến các văn bằng chứng chỉ được treo đầy các phòng làm việc của giám đốc và tô vẽ thêm cho lý lịch của họ. Vài năm trước, Tạp chí Phố Wall đã cho đăng một bài viết về các giám đốc chuyên che giấu trình độ học vấn của họ, và chỉ đích danh những đại gia hàng đầu như Kenneth Keiser, người khi đó đang là chủ tịch kiêm giám đốc hoạt động (COO) tại PepsiAmericas, Inc. Tuy Kaiser đã theo học Đại học bang Michigan, nhưng ông chưa từng tốt nghiệp tại đây. Ấy thế mà, ông vẫn phát biểu trên một số tờ báo và cam đoan rằng mình đã nhận bằng Quản trị Kinh doanh (BA) tại bang Michigan (tất nhiên, mọi chuyện có thể chỉ là hiểu lầm).

Hoặc giả, hãy xem xét trường hợp của Marilee Jones, đồng tác giả cuốn cẩm nang mang tên: Áp Lực Nhỏ, Thành Công Lớn: Phương Pháp Mới Giúp Con Bạn Vượt Qua Kỳ Tuyển Sinh Đại Học Và Hơn Thế Nữa; trong đó, bà đã khuyến khích thanh thiếu niên “hãy là chính mình” để trúng tuyển thành công vào đại học và tìm được một công việc tốt. Bà từng là hiệu trưởng MIT được nhiều đồng nghiệp yêu mến; và trong suốt 25 năm, bà đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên mọi phương diện. Chỉ có duy nhất một vấn đề: bà đã thêm vào một số học vị không có thật trong lý lịch để có được công việc ngay từ ban đầu. Đó là hành vi gian lận không phải bàn cãi. Nghịch lý từ việc đánh mất uy tín không chỉ kết thúc ở Jones, người đã xin tha thứ vì “không đủ dũng khí” sửa chữa “sai sót” trong lý lịch khi còn tại nhiệm. Nếu ngay đến một quân sư nổi tiếng, người luôn nhắn nhủ kẻ khác “hãy là chính mình” cũng khốn đốn vì bằng giả, thì những người còn lại trong chúng ta sẽ nghĩ gì?

Nếu bạn suy nghĩ về hình thức gian lận này dưới ảnh hưởng của hiệu ứng “quái-quỷ-thật,” nhiều khả năng việc sử dụng bằng giả chỉ là sai lầm non nớt ban đầu, nhưng về lâu dài đã trở thành thói quen “giả dối khi còn có thể.” Nói cách khác, một khi hành vi này đã được cấu thành, nó có thể nới lỏng chuẩn mực đạo đức và gia tăng khuynh hướng gian dối về sau. Chẳng hạn, nếu một vị giám đốc dùng bằng giả liên tục được gợi nhớ về học vị gian dối của ông thông qua các tiêu đề thư, danh thiếp, lý lịch và trang web, ta có thể hình dung được ông sẽ bắt đầu gian lận báo cáo chi tiêu, bóp méo giờ công hạch toán hay lạm dụng nguồn quỹ doanh nghiệp. Rốt cuộc, do ảnh hưởng của hiệu ứng quái-quỷ-thật, một hành vi gian dối ban đầu cũng có thể làm tăng mức độ bất chính trong sự tự biểu hiện của vị giám đốc, đồng thời gia tăng cấp số giả dối, và giải phóng các hành vi lừa đảo nghiêm trọng hơn.

ĐIỂM CỐT YẾU chính là: chúng ta không nên xem một hành vi sai trái đơn lẻ là lỗi lầm nhỏ nhặt. Chúng ta thường dễ tha thứ cho sai phạm đầu tiên của người khác, vì nghĩ rằng đây chỉ là “lần đầu phạm lỗi” hay “ai chẳng mắc sai lầm.” Và tuy điều đó có vẻ đúng, chúng ta vẫn nên ý thức rằng hành vi sai trái đầu tiên sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành phương thức tự nhìn nhận bản thân của mỗi người, cũng như mọi hành động phát sinh từ đó – bởi thế, hành vi gian dối đầu tiên mới nhất thiết cần được ngăn chặn. Đó cũng là lý do chúng ta phải hạn chế mọi hành vi bất chính khác thường tưởng như vô thưởng vô phạt. Nhờ thế, xã hội sẽ trở nên trong sạch và lương thiện hơn về lâu dài (xem thêm Chương 8, “Lừa dối là căn bệnh truyền nhiễm”).

HÃY (ĐỪNG) ĐÁNH CẮP QUYỂN SÁCH NÀY

Cuối cùng, sẽ không cuộc tranh luận nào về hàng hiệu – hàng nhái có thể kết thúc nếu không đề cập đến người họ hàng của chúng: tải dữ liệu trái phép. (Hãy hình dung về các thí nghiệm tương tự với những cặp kính giả, nhưng lần này, người tham gia sẽ có cơ hội tải nhạc và phim ảnh trái phép.) Xin cho phép tôi chia sẻ câu chuyện về một lần tôi rút ra được bài học thú vị từ việc tải dữ liệu trái phép. Trong câu chuyện này, tôi đóng vai nạn nhân. Vài tháng sau khi cuốn Phi Lý Trí được xuất bản, tôi đã nhận được một e-mail như sau:

Gửi ngài Ariely,

Tôi vừa nghe xong bản ghi âm quyển sách của ngài được tải xuống trái phép vào sáng hôm nay, và tôi muốn nói rằng tôi đánh giá rất cao tác phẩm đó.

Tôi là một người Mỹ gốc Phi 30 tuổi sống tại trung tâm thành phố Chicago, và trong 5 năm qua, tôi đã kiếm sống bằng cách buôn bán trái phép đĩa CD và DVD. Tôi là thành viên duy nhất trong gia đình không phải ngồi tù hay sống lay lắt. Là người cuối cùng sống sót trong một gia đình phản ánh tất cả những gì xấu xa nhất của xã hội Mỹ, và là người sẽ phạm tội ngay ngày hôm nay, tôi biết viễn cảnh đoàn tụ với người thân trong tù chỉ còn là vấn đề thời gian.

Đôi lúc tôi cũng làm công việc hành chính, và rất háo hức trước cơ hội được bắt đầu một cuộc sống lương thiện; nhưng ngay khi bắt đầu, tôi lại nhanh chóng bỏ cuộc và quay lại với việc làm ăn phi pháp của mình. Đó là do tôi cảm nhận được nỗi đau xót khi phải từ bỏ nghiệp kinh doanh mình đã khổ công xây dựng và vun vén, dù có sai trái đến đâu. Tôi sở hữu nó, và tôi không thể tìm thấy một công việc nào khác mang lại cho tôi cảm giác được sở hữu như vậy. Không cần phải nói, tôi quả thực đang đề cập đến nghiên cứu của ngài về quyền sở hữu.

Nhưng vẫn còn một điều quan trọng không kém thôi thúc tôi quay lại với nghề buôn bán tội lỗi. Tại cửa hàng bán lẻ hợp pháp tôi từng làm việc, mọi người luôn nói về lòng trung thành và sự quan tâm dành cho khách hàng, nhưng tôi không nghĩ họ thật sự hiểu được ý nghĩa của chúng. Trong giới làm ăn phi pháp, lòng trung thành và sự quan tâm thậm chí còn sâu sắc và mạnh mẽ hơn những gì tôi chứng kiến ở cửa hàng bán lẻ. Qua nhiều năm, tôi đã xây dựng được mạng lưới khoảng 100 người vui lòng mua đĩa của tôi. Chúng tôi đã trở thành bạn bè thật sự, với những mối quan hệ gắn bó đích thực, và ngày càng quan tâm đến nhau sâu sắc hơn. Chính sự gắn bó và tình bằng hữu gây dựng được với khách hàng đã khiến tôi khó lòng từ bỏ công việc kinh doanh, cũng như tình bạn đối với họ trong suốt thời gian kiếm sống.

Tôi rất hạnh phúc vì được nghe quyển sách của ngài.

Elijah

Sau khi đọc e-mail từ Elijah, tôi đã tra cứu trên Internet và tìm thấy một vài phiên bản sách nói miễn phí của chính mình, cũng như một số bản scan sao chép (tôi phải thừa nhận chúng là những bản scan chất lượng cao, bao gồm cả bìa trước và bìa sau, cùng toàn bộ thông tin tham khảo, giới thiệu và thậm chí cả ghi chú về tác quyền – một điều khiến tôi rất trân trọng).

Bất kể bạn đứng trên lập trường nào của trào lưu tư tưởng “tự do thông tin,” thì việc chứng kiến công sức thành quả của mình bị “phát tán” khi chưa được phép cũng khiến toàn bộ vấn đề tải dữ liệu trái phép này trở nên riêng tư, hiện hữu và rắc rối hơn hẳn. Mặt khác, tôi cũng vô cùng sung sướng khi biết có nhiều người tìm đọc nghiên cứu của mình đến vậy, và hy vọng họ sẽ nhận được lợi ích từ chúng. Hạnh phúc hơn nữa chính là – trên tất cả, đó là lý do tôi cầm bút. Tuy nhiên, tôi vẫn thông cảm cho nỗi bức xúc của những người phải chứng kiến tâm huyết của mình bị sao chép và rao bán bất hợp pháp. Tuy may mắn có được một công việc ổn định, nhưng tôi chắc rằng nếu phải phụ thuộc vào nghiệp viết lách như nguồn thu nhập chính, thì vấn đề tải dữ liệu trái phép đối với tôi sẽ không còn mang tính tò mò học hỏi nữa, mà khiến tôi khó nuốt trôi hơn.

Về phần Elijah, tôi tin chúng tôi đã có sự đánh đổi công bằng. Tất nhiên, anh đã sao chép trái phép sách nói của tôi (và kiếm được ít tiền từ việc đó), nhưng tôi cũng học được một điều thú vị về lòng trung thành và sự quan tâm đối với khách hàng trong giới làm ăn phi pháp, và thậm chí còn nảy ra ý tưởng cho một nghiên cứu khả dĩ trong tương lai.

VỚI TẤT CẢ những khám phá trên, chúng ta có thể làm gì để tránh cho lương tâm bị sa đọa, cũng như chống tại hiệu ứng quái-quỷ-thật và nguy cơ một hành động sai lầm sẽ gây ảnh hưởng xấu về lâu dài đối với phẩm chất đạo đức của chúng ta? Bất kể khi ta đối diện với vấn đề trong lĩnh vực thời trang hay các lĩnh vực khác trong cuộc sống, một hành động phi đạo đức nhất định sẽ mở đường cho một hành động khác, và các hành động thuộc lĩnh vực đó cũng sẽ tác động đến phẩm cách của chúng ta trên nhiều phương diện khác. Khi điều đó xảy đến, chúng ta phải tập trung phát hiện những dấu hiệu đầu tiên của hành vi bất chính, và bằng mọi giá loại bỏ chúng từ trong trứng nước trước khi bùng phát.

CÒN CHIẾC TÚI Prada đã mở đầu cho dự án nghiên cứu này ư? Tôi đã ra một quyết định sáng suốt nhất: tặng nó cho mẹ tôi.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.