Bản Chất Của Dối Trá
Chương 7
Sáng tạo và Bất lương
Chúng ta đều là kẻ đặt điều
Sự thật chỉ dành cho những ai thiếu trí tưởng tượng
để sáng tạo sự thật của riêng họ.
– KHUYẾT DANH
Nhiều năm trước đây, hai nhà nghiên cứu Richard Nisbett (giáo sư Đại học Michigan) và Tim Wilson (giáo sư Đại học Virginia) đã cắm trại tại khu mua sắm địa phương và trải lên mặt bàn bốn đôi tất ni-lông. Sau đó, họ bắt đầu hỏi những người phụ nữ đi ngang qua xem họ thích đôi nào nhất. Nhiều phụ nữ bắt đầu bình chọn, và hầu hết đều tỏ ra thích đôi tất nằm bên phải. Nhưng tại sao? Có người nói đó là vì họ thích chất liệu của chúng hơn. Một số lại quy cho hoa văn hay màu sắc. Những người khác cho rằng chất lượng mới là ưu tiên hàng đầu. Câu chuyện về sở thích này thật thú vị, nếu ta biết rằng cả bốn đôi tất đều giống hệt nhau. (Nisbett và Wilson sau đó đã lặp lại thí nghiệm với áo ngủ phụ nữ, và cũng thu được kết quả tương tự.)
Khi Nisbett và Wilson đặt câu hỏi với từng người về lý do đứng sau lựa chọn của họ, đã không ai nhắc đến vị trí của đôi tất trên mặt bàn. Ngay cả khi hai nhà nghiên cứu bảo rằng các đôi tất đều giống nhau và họ chỉ đơn giản thích chiếc bên phải hơn, thì những phụ nữ này “vẫn một mực phủ nhận, và thường kèm theo cái liếc mắt đầy lo lắng về phía người phỏng vấn; như thể họ cảm giác rằng đã hiểu sai câu hỏi hay đang mua bán với một gã điên.”
Vậy tính luân lý trong câu chuyện này là gì? Rất có thể không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu rõ lý do đứng sau những việc chúng ta làm, thứ chúng ta chọn, hay điều chúng ta cảm nhận. Thế nhưng, sự mơ hồ về động cơ thật sự vẫn không hề ngăn cản chúng ta sáng tạo ra những lý do logic đến hoàn hảo nhằm biện minh cho hành động, quyết định và cảm giác của mình.
BẠN CÓ THỂ DÀNH LỜI cám ơn (hoặc đổ lỗi) cho nửa não trái của mình vì khả năng đặt chuyện phi thường này. Nhà khoa học thần kinh nhận thức Michael Gazzaniga (đồng thời là giáo sư Đại học California, Santa Barbara) đã từng khẳng định: não trái của chúng ta là “người diễn giải,” và cũng là bán cầu não có khả năng rút ra câu chuyện từ kinh nghiệm.
Gazzaniga đã đi đến kết luận này sau nhiều năm nghiên cứu các bệnh nhân có hai bán cầu não tách biệt, một nhóm dân số hiếm hoi sở hữu thể chai – búi dây thần kinh lớn nhất liên kết hai bán cầu não của chúng ta – bị cắt rời (thường với mục đích ngăn ngừa chứng co giật do động kinh). Thú vị thay, chính bộ não bất thường đã giúp những cá nhân này có thể tiếp nhận kích thích đến một trong hai bán cầu não, trong khi nửa còn lại không ý thức được gì.
Trong quá trình làm việc với một nữ bệnh nhân có thể chai bị cắt rời, Gazzaniga đã rất muốn tìm hiểu xem điều gì sẽ xảy ra nếu bạn yêu cầu nửa não phải thực hiện một hành động, rồi yêu cầu nửa não trái (vốn không nhận biết được điều gì đang diễn ra ở nửa kia) cho biết lý do của hành động đó. Thông qua một thiết bị hiển thị các chỉ dẫn dành cho bán cầu não phải, Gazzaniga đã chỉ thị cho nửa não phải của bệnh nhân này khiến cô bật cười khi từ “cười” hiện lên. Ngay khi người phụ nữ làm theo, ông liền hỏi lý do vì sao cô cười. Tất nhiên, người phụ nữ không thể biết nguyên nhân, nhưng thay vì thú nhận “Tôi không biết,” cô lại bịa ra một câu chuyện. “Tháng nào các ông cũng đến đây kiểm tra này nọ. Tôi cũng phải cố sống vui vẻ chứ!” cô đáp. Chắc hẳn cô đã nghĩ rằng các bác sĩ tâm thần nhận thức trông thật buồn cười.
Mẩu chuyện trên đã minh họa một cách khá cực đoan cho khuynh hướng trong mỗi chúng ta. Chúng ta luôn muốn giải thích lý do dẫn đến hành vi của chính mình cũng như cách thế giới quanh ta vận hành, ngay cả khi những lời biện bạch yếu ớt của chúng ta tỏ ra bất lực trước hiện thực. Chúng ta là những tạo vật thích đặt chuyện từ trong máu, và chúng ta luôn tự bịa ra hết chuyện này đến chuyện khác cho đến khi vừa ý với một lời giải thích nghe có vẻ đáng tin. Và khi câu chuyện vẽ nên một hình ảnh rực rỡ và tươi sáng hơn về chính chúng ta, mọi thứ sẽ tốt hơn rất nhiều.
Lừa dối chính mình
Trong bài phát biểu khai mạc tại Cal Tech năm 1974, nhà vật lý học Richard Feynman đã nhắn nhủ đến các sinh viên vừa tốt nghiệp, “Nguyên tắc đầu tiên chính là không được lừa dối bản thân – vì các bạn là những người dễ bị lừa phỉnh nhất.” Như chúng ta đã thấy, bản thân con người luôn bị giằng xé trong một xung đột cơ bản – đó chính là khuynh hướng gian dối đã khắc sâu trong tâm trí đối với bản thân và những người xung quanh, cùng mong muốn tự xem mình là kẻ trung thực và lương thiện như bao người khác. Do đó, chúng ta sẽ tự biện minh cho thói bất lương bằng cách bịa ra những câu chuyện lý giải vì sao hành động của mình có thể chấp nhận được, và đôi lúc còn đáng ngưỡng mộ. Quả thực, chúng ta rất có tài tự che mắt mình.
Trước khi xem xét cụ thể hơn động cơ khiến chúng ta tôn vinh bản thân một cách tài tình, hãy để tôi kể với bạn câu chuyện về một lần tôi tự lừa dối bản thân (và khiến tôi rất vui sướng). Khoảng vài năm trước (khi tôi 30 tuổi), tôi quyết định đã đến lúc bán chiếc xe gắn máy lấy chiếc xe hơi. Tôi đã cố gắng tìm hiểu xem chiếc xe nào sẽ phù hợp nhất với mình. Khi ấy, mạng Internet đang bùng nổ những ứng dụng được gọi là “công cụ trợ giúp quyết định,” và tôi đã rất thích thú khi tìm thấy một trang web chuyên cung cấp lời khuyên cho người muốn mua xe hơi. Trang web được mô phỏng như một bài phỏng vấn, và đặt ra cho tôi rất nhiều câu hỏi bao quát từ sở thích, giá thành, độ an toàn cho đến loại đèn trước và thắng xe tôi muốn sử dụng.
Tôi mất chừng 20 phút để trả lời hết các câu hỏi. Mỗi khi hoàn thành một trang trả lời, tôi lại nhận thấy thanh tiến độ vừa cho biết tôi đang tiến gần hơn đến chiếc xe hơi trong mơ của riêng mình. Tôi hoàn thành trang câu hỏi cuối cùng và háo hức nhấp vào phím “Nộp”. Chỉ sau vài giây, tôi đã nhận được kết quả. Vậy chiếc xe phù hợp nhất với tôi là gì? Theo tính toán của trang web uy tín trên, đó chính là một chiếc Ford Taurus!
Tôi phải thừa nhận rằng tôi chẳng am hiểu mấy về xe cộ. Đúng ra, tôi hầu như chẳng biết chút gì về xe hơi. Nhưng tôi dám chắc mình không muốn một chiếc Ford Taurus.
Tôi không rõ bạn sẽ làm gì trong tình huống trên, nhưng tôi đã làm điều mà bất kỳ ai nhanh trí cũng sẽ làm: quay lại đầu chương trình và “chỉnh sửa” các câu trả lời trước đó. Tôi sửa hết lần này đến lần khác để kiểm tra xem các câu trả lời được thay đổi có dẫn đến những đề xuất khác hay không. Tôi tiếp tục thử đến khi chương trình vui lòng đề nghị với tôi một chiếc mui trần nhỏ – và đó tất nhiên là chiếc xe tôi muốn. Tôi đã nghe theo lời khuyên đúng đắn trên, và nhờ thế, tôi đã trở thành chủ nhân đầy tự hào của chiếc mui trần mới (sẵn đây xin nói, nó đã phục vụ tôi rất trung thành trong suốt nhiều năm).
Kinh nghiệm trên đã giúp tôi hiểu rằng: đôi lúc (hay thậm chí thường xuyên), chúng ta sẽ không lựa chọn dựa trên sở thích rõ ràng của mình. Thay vì thế, chúng ta sẽ cảm thấy rạo rực về thứ mình muốn, sẽ trải qua một tiến trình thử thách về tinh thần, và vận dụng hết những lời biện minh nhằm thao túng các tiêu chí. Nhờ thế, chúng ta sẽ có được điều mình thật sự mong muốn, nhưng đồng thời vẫn giữ nguyên suy nghĩ rằng mình đã hành động dựa trên sở thích sáng suốt và hợp lý (khi phải đối chất với chính bản thân và những người xung quanh).
Logic đồng xu
Nếu chấp nhận rằng bản thân thường ra quyết định theo phương thức trên, chúng ta sẽ có thể đưa ra lời biện minh hợp lý và nhanh chóng hơn. Sau đây là bí quyết: Hãy hình dung bạn đang lựa chọn giữa hai chiếc máy ảnh kỹ thuật số. Máy ảnh A có độ phóng đẹp và dung lượng pin khá cao, trong khi máy ảnh B lại nhẹ hơn và hợp mốt hơn. Bạn không chắc mình nên chọn chiếc nào. Bạn nghĩ máy ảnh A có chất lượng tốt hơn, nhưng máy ảnh B sẽ khiến bạn vui sướng hơn vì bạn thích vẻ ngoài của nó. Như vậy, bạn nên làm gì? Lời khuyên của tôi chính là: hãy rút ra trong túi một đồng 25 xu và tự nhủ: “Mặt hình là A, mặt số là B.” Sau đó, hãy tung đồng xu. Nếu đồng xu ra mặt hình và máy ảnh A là thứ bạn muốn: rất tốt, hãy mua nó. Nhưng nếu bạn không hài lòng với kết quả, hãy bắt đầu lại và nhủ thầm: “Lần thử sau mới là thật.” Hãy cứ lặp lại như thế đến khi ra mặt số. Bạn không những mua được máy ảnh B – thứ bạn thật sự muốn ngay từ đầu – mà còn có thể biện minh cho quyết định của mình rằng: bạn chỉ nghe theo “gợi ý” của đồng xu mà thôi. (Bạn có thể hỏi ý bạn bè thay vì tung đồng xu, và tiếp tục tham vấn họ cho đến khi một người đưa ra lời khuyên bạn mong muốn.)
Có lẽ chính tính năng thực tiễn của phần mềm gợi ý mua xe đã giúp tôi lựa chọn chiếc mui trần. Có thể phần mềm này được thiết kế không chỉ nhằm giúp tôi ra quyết định chính xác hơn, mà còn cho phép tôi bênh vực cho lựa chọn mình thật sự mong muốn. Nếu đúng như vậy, thì tôi cho rằng sẽ rất hữu ích nếu chúng ta chú trọng phát triển ngày càng nhiều các ứng dụng tiện ích tương tự trong các lĩnh vực khác của cuộc sống.
Não bộ của kẻ nói dối
Đa số chúng ta đều tin rằng có những người đặc biệt tài ba (hoặc kém cỏi) trong việc lừa dối. Nếu đó là sự thật, thì những đặc điểm nào sẽ khiến họ khác với người thường? Một nhóm nghiên cứu do Yaling Yang (học viên trên tiến sĩ tại Đại học California, Los Angeles) đã nỗ lực tìm kiếm đáp án cho câu hỏi này, thông qua nghiên cứu những người mắc bệnh hay nói dối – đó là những bệnh nhân luôn nói dối một cách tùy tiện như thể họ bị ép buộc.
Nhằm tìm kiếm người tham gia nghiên cứu này, Yang và các đồng nghiệp của cô đã ghé thăm trung tâm cung ứng lao động thời vụ tại Los Angeles. Trong số các ứng viên không được tuyển dụng chính thức, họ đã phát hiện một số ít người gặp khó khăn trong việc duy trì công việc vì mắc bệnh hay nói dối. (Tất nhiên, điều này không xảy ra với tất cả những nhân viên thời vụ.)
Sau đó, các nhà nghiên cứu đã giao cho 108 ứng viên tìm việc một xấp bài kiểm tra tâm lý, và tiến hành phỏng vấn riêng với từng người, cũng như đồng nghiệp và người thân của họ nhằm xác định những điểm khác biệt then chốt giúp tiết lộ bí mật của người mắc bệnh hay nói dối. Trong nhóm này, họ đã tìm ra 12 người chuyên thuật lại những câu chuyện về công việc, trường học, tiền án và gia thế của họ với đầy tình tiết mâu thuẫn. Họ cũng chính là những đối tượng thường xuyên giả vờ ốm để trốn việc hay để nhận trợ cấp ốm đau.
Tiếp theo, nhóm nghiên cứu đã cho tiến hành chụp não của 12 người mắc bệnh nói dối – cộng với 21 người bình thường khác cùng trong nhóm ứng viên tìm việc (hay nhóm có kiểm soát) – nhằm tìm hiểu cấu trúc não bộ của từng người. Nhóm nghiên cứu chỉ tập trung vào thùy não trước trán – phần não bộ nằm ngay sau xương trán và được xem là bộ phận phụ trách tư duy bậc cao, như lập thời khóa biểu hàng ngày hay quyết định cách đối phó với cám dỗ xung quanh. Đồng thời, chúng ta cũng phụ thuộc vào phần não bộ này khi cần ra quyết định hay phán xét về đạo đức. Nói tóm lại, nó hệt như một tòa tháp chỉ huy kiểm soát mọi hoạt động tư duy, lý luận và đạo đức.
Nhìn chung, có hai loại thành phần làm nên não bộ của chúng ta: bao gồm chất xám và chất trắng. Chất xám chỉ là cách gọi khác của tập hợp các nơ-ron thần kinh làm nên thành phần chính trong não bộ, và cũng là nguồn năng lượng cung cấp cho hoạt động tư duy. Còn chất trắng là hệ thống dây thần kinh liên kết các tế bào đó. Mỗi người luôn có đủ chất trắng lẫn chất xám, nhưng Yang và các cộng tác viên của cô lại quan tâm đến khối lượng tương quan giữa hai thành phần này trong vỏ não trước của người tham gia. Họ phát hiện những người mắc bệnh hay nói dối sở hữu ít hơn 14% chất xám so với nhóm có kiểm soát; đây cũng là kết quả chung rút ra từ các đối tượng khiếm khuyết về tâm lý. Kết quả này có ý nghĩa ra sao? Khả năng đầu tiên chính là: do những người mắc bệnh hay nói dối có ít tế bào não (chất xám) hơn để cung cấp năng lượng cho vỏ não trước (phần não bộ then chốt giúp phân biệt đúng sai), nên họ cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi tiếp thu các vấn đề đạo đức, và do đó sẽ dễ nói dối hơn.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Bạn có thể sẽ thắc mắc về phần không gian trống còn lại trong hộp sọ những người mắc bệnh hay nói dối, do họ có ít chất xám hơn. Tuy nhiên, Yang cùng các đồng nghiệp cũng phát hiện những đối tượng này có nhiều hơn từ 22% đến 26% chất trắng ở thùy não trước so với những người không mắc bệnh nói dối. Do có nhiều chất trắng hơn (hãy nhớ, đây là mạng lưới dây thần kinh liên kết chất xám), những người mắc bệnh lý này sẽ tạo dựng được mối liên hệ tốt hơn giữa trí nhớ với ý tưởng; có lẽ, khả năng kết nối được nâng cấp này – cùng với khả năng truy cập mạng lưới liên tưởng có trong chất xám – cũng chính là thành tố bí mật làm nên những kẻ nói dối bẩm sinh.
Nếu xem xét những kết quả trên trong phạm vi rộng hơn, chúng ta có thể kết luận rằng: khả năng kết nối cao hơn của não bộ có thể khiến bất kỳ ai trong chúng ta nói dối dễ dàng hơn, song vẫn tự cho mình là những tạo vật thánh thiện. Xét cho cùng, những bộ não mang tính liên kết tốt hơn cũng sở hữu nhiều phương thức suy luận hơn khi chủ thể của chúng tiến hành diễn đạt hay lý giải các hiện tượng mơ hồ – và có lẽ đây chính là yếu tố then chốt giúp chúng ta biện minh cho những hành vi bất chính.
Thêm sáng tạo, thêm tiền thưởng
Những khám phá trên đã khiến tôi tự hỏi: liệu chất trắng gia tăng có đồng thời nâng cao khả năng nói dối lẫn tính sáng tạo hay không? Xét cho cùng, những người có sự liên kết tốt hơn giữa các phần não bộ, hay có khả năng liên tưởng tốt hơn cũng được cho là sáng tạo hơn. Nhằm kiểm chứng mối liên hệ khả dĩ giữa tính sáng tạo và thói gian dối, tôi đã cùng Francesca Gino tiến hành một loạt nghiên cứu. Đúng với bản chất của sự sáng tạo, chúng tôi đã tiếp cận câu hỏi trên từ nhiều góc độ khác nhau, và khởi đầu với một phương pháp tương đối đơn giản.
Khi người tham gia đến trình diện ở phòng thí nghiệm, chúng tôi đã yêu cầu họ trả lời một tập câu hỏi trên máy tính. Tập hợp này bao gồm nhiều câu hỏi không liên quan đến nhau, nhưng tựu trung đều đề cập đến kinh nghiệm và thói quen chung của người tham gia (chúng được thiết kế theo dạng điền vào chỗ trống nhằm che giấu mục đích thật của thí nghiệm); trong đó, có ba nhóm câu hỏi phản ánh trọng tâm của nghiên cứu.
Trong nhóm câu hỏi đầu tiên, chúng tôi đã yêu cầu người tham gia tự đánh giá mức độ “sáng tạo” của bản thân thông qua các tính từ tương ứng (như uyên bác, có sáng kiến, độc đáo, tháo vát hay khác người). Trong nhóm thứ hai, chúng tôi lại yêu cầu họ cho biết mức độ tham gia thường xuyên trong 77 hoạt động khác nhau; cụ thể, một số hoạt động sẽ đòi hỏi nhiều tính sáng tạo hơn phần còn lại (như chơi bowling, trượt tuyết, nhảy không trung, vẽ tranh hay viết lách). Đến nhóm thứ ba, chúng tôi sẽ yêu cầu người tham gia đánh giá mức độ tương đồng giữa bản thân họ với một số phát biểu, chẳng hạn như “Tôi có rất nhiều ý tưởng sáng tạo,” “Tôi thích những nhiệm vụ cho phép tôi suy nghĩ sáng tạo” hay “Tôi thích làm mọi thứ một cách độc đáo.”
Khi người tham gia hoàn thành các đánh giá về tính cách, chúng tôi sẽ yêu cầu họ tham gia trò chơi dấu chấm (thoạt trông như chẳng liên quan gì đến các câu hỏi trong phần trước). Nếu bạn không nhớ ra trò chơi nãy, hãy xem lại chương 5, “Vì sao khoác hàng giả lại khiến chúng ta lừa dối nhiều hơn.”
Bạn nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra? Liệu những người chơi trước đó chọn nhiều tính từ sáng tạo hơn, tham gia các hoạt động sáng tạo thường xuyên hơn hay tự đánh giá mình sáng tạo hơn có gian lận nhiều hơn? Hoặc ít hơn? Hoặc chỉ xấp xỉ như những người chơi khác không sáng tạo đến thế?
Chúng tôi đã nhận thấy rằng: những người chơi nhấp vào phím bên phải nhiều hơn (lựa chọn hứa hẹn phần thưởng cao hơn) cũng chính là những người tự chấm điểm họ cao hơn trong các bài đánh giá tính sáng tạo. Không những thế, kết quả giữa các cá nhân sáng tạo và kém sáng tạo còn có sự chênh lệch đáng kể, đặc biệt trong trường hợp không thể xác định rõ bên nào có nhiều dấu chấm hơn.
Điều này đã chứng minh rằng: sự khác biệt giữa các cá nhân sáng tạo và kém sáng tạo đã đóng vai trò then chốt khi xảy ra tình huống rắc rối, mơ hồ, và đồng thời cũng đem lại nhiều cơ hội biện minh hơn. Khi có sự khác biệt rõ ràng giữa số dấu chấm hai bên đường chéo, người chơi chỉ phải quyết định có gian lận hay không. Nhưng khi xuất hiện tình huống mơ hồ và không thể xác định bên nào có nhiều dấu chấm hơn, tính sáng tạo sẽ được dịp thể hiện – và kéo theo hành vi lừa dối cao hơn. Người chơi càng sáng tạo, họ càng giỏi lý giải vì sao bên phải đường chéo lại có nhiều dấu chấm hơn (đồng nghĩa tiền thưởng sẽ cao hơn).
Nói một cách đơn giản, mối quan hệ giữa tính sáng tạo và thói gian dối dường như cũng liên quan đến khả năng tự đặt chuyện của chúng ta – đặc biệt khi ta tự thuyết phục bản thân rằng chúng ta đã làm đúng, dù sự thật không phải như thế. Càng sáng tạo bao nhiêu, chúng ta càng giỏi bịa chuyện bấy nhiêu, đồng thời cũng góp phần biện minh cho các quyền lợi ích kỷ.
Trí thông minh có quan trọng?
Tuy kết quả trên rất đáng để ăn mừng, nhưng vẫn chưa đủ khiến chúng tôi phấn khích. Nghiên cứu đầu tiên đã chứng minh sự tương quan giữa tính sáng tạo và thói gian dối, nhưng vẫn chưa thể khẳng định mối liên hệ trực tiếp giữa hai yếu tố trên. Đơn cử, liệu có tồn tại một yếu tố thứ ba – chẳng hạn như trí thông minh – đóng vai trò như mắt xích kết nối giữa tính sáng tạo và thói gian dối hay không?
Khả năng tồn tại mối liên kết giữa trí thông minh, tính sáng tạo và thói gian dối dường như rất có cơ sở, nếu chúng ta xét đến độ tinh quái của những kẻ như trùm đầu tư lừa đảo Bernie Madoff, hay tên giả mạo séc khét tiếng Frank Abagnale (tác giả cuốn sách Cứ Tóm Tôi Nếu Có Thể) khi chúng qua mặt vô số người. Do đó, trong bước kế tiếp, chúng tôi sẽ tiến hành một thí nghiệm nhằm tìm hiểu xem: giữa trí thông minh và tính sáng đạo, đâu mới là dấu hiệu của thói gian dối.
Một lần nữa, hãy hình dung bạn là một trong những người tham gia nghiên cứu. Lần này, bài kiểm tra sẽ bắt đầu trước cả khi bạn bước chân vào phòng thí nghiệm. Một tuần trước đó, bạn sẽ ngồi trước máy vi tính ở nhà và hoàn thành một khảo sát trực tuyến, bao gồm các câu hỏi đánh giá tính sáng tạo và đo lường trí thông minh. Chúng tôi sẽ chấm điểm trí sáng tạo của bạn thông qua ba thước đo như trong nghiên cứu trước, và đo lường trí thông minh bằng hai cách. Thứ nhất, chúng tôi sẽ yêu cầu bạn trả lời ba câu hỏi nhằm kiểm tra độ tin cậy của bạn đối với logic và trực giác – thông qua một tập gồm ba câu hỏi do Shane Frederick (giáo sư Đại học Yale) sưu tầm. Trên thực tế, ngoại trừ đáp án đúng, mỗi câu trả lời xuất phát từ trực giác đều là lựa chọn sai.
Để dễ hình dung, hãy thử trả lời câu hỏi sau: “Chiếc gậy và quả bóng có giá tổng cộng 1,10 đô-la. Chiếc gậy đắt hơn quả bóng 1 đô-la. Hỏi quả bóng giá bao nhiêu?”
Nhanh lên nào! Câu trả lời là gì?
Mười xu ư?
Khá lắm, nhưng bạn sai rồi. Đó là câu trả lời rất dễ gặp, nhưng không phải đáp án đúng.
Tuy trực giác thôi thúc bạn trả lời “0,1 đô-la,” nhưng nếu bạn tin tưởng logic hơn trực giác, bạn sẽ kiểm tra lại câu trả lời cho chắc chắn: “Nếu quả bóng giá 0,1 đô-la, vậy chiếc gậy sẽ là 1,1 đô-la; và tổng cộng hai món là 1,2 đô-la chứ không phải 1,1 (0,1 + (1 + 0,1) = 1,2)! Ngay khi nhận ra trực giác bản năng đã sai, bạn sẽ gắng sức nhớ lại kiến thức số học thời phổ thông, và đưa ra câu trả lời chính xác: (0,05 + (1 + 0,05) = 1,1) – đáp án là 5 xu. Cảm giác như vừa làm lại bài thi SAT, đúng chứ? Và xin chúc mừng bạn đã có câu trả lời đúng. (Nếu không, đừng lo lắng. Bạn chắc chắn sẽ vượt qua hai câu còn lại trong bài kiểm tra ngắn này.)
Tiếp theo, chúng tôi sẽ đánh giá trí thông minh của bạn qua bài kiểm tra nói. Bạn sẽ được cho trước một dãy gồm 10 từ vựng (như “thu nhỏ – dwindle” hay “giảm bớt – palliate”), và với mỗi từ, bạn phải tìm thêm 6 phương án khác có nghĩa gần nhất với từ đã cho.
Một tuần sau, bạn đến phòng thí nghiệm và ngồi trước một bàn máy vi tính. Sau khi bạn yên vị, người hướng dẫn mới bắt đầu phổ biến: “Hôm nay, bạn sẽ tham gia ba nhiệm vụ; các nhiệm vụ này sẽ kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề, các kỹ năng cảm thụ và kiến thức chung của bạn. Để thuận tiện hơn cho bạn, chúng tôi đã kết hợp tất cả chúng trong một buổi.”
Thử thách giải quyết vấn đề đầu tiên không gì khác ngoài trò chơi ma trận đáng tin cậy của chúng tôi. Khi năm phút kiểm tra kết thúc, bạn sẽ gấp bảng trả lời lại và bỏ vào thùng rác. Bạn khẳng định mình đạt bao nhiêu điểm? Bạn có báo cáo chính xác số điểm đó không? Hay sẽ phóng đại thêm một chút?
Thử thách thứ hai – liên quan đến kỹ năng cảm thụ – cũng chính là trò chơi dấu chấm. Một lần nữa, bạn có thể gian lận tùy thích. Lần này, hình thức khích lệ sẽ là – bạn sẽ kiếm được 10 đô-la nếu gian lận trong tất cả các lựa chọn.
Cuối cùng, thử thách thứ ba sẽ là một bài trắc nghiệm kiến thức chung, bao gồm 50 câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực với độ khó khác nhau. Các câu hỏi sẽ đề cập đến những chủ đề linh tinh như “Chuột túi nhảy cao được đến đâu?” (25 đến 40 feet) hay “Thủ đô nước Ý là thành phố nào?” (Rome). Với mỗi câu trả lời đúng, bạn sẽ nhận được 10 xu; do đó mức thưởng tối đa là 5 đô-la. Theo quy định của bài kiểm tra cuối này, chúng tôi sẽ yêu cầu bạn đánh dấu đáp án trong phiếu câu hỏi, trước khi chuyển hết chúng sang bảng trả lời.
Sau khi hoàn tất bài trắc nghiệm, bạn bèn đặt bút xuống. Tự dưng, giám sát viên bỗng kêu toáng lên: “Ôi trời! Tôi mới vụng về làm sao! Tôi đã sao nhầm bảng trả lời có khoanh sẵn đáp án đúng mất rồi. Tôi vô cùng xin lỗi. Anh không phiền sử dụng một trong những bảng trả lời này chứ? Tôi sẽ cố gắng xóa hết các dấu khoanh để chúng không hiện lên quá rõ. Được không nào?” Và tất nhiên bạn phải đồng ý.
Tiếp theo, giám sát viên sẽ yêu cầu bạn chép lại đáp án từ phiếu trắc nghiệm sang bảng trả lời, hủy phiếu câu hỏi với đáp án đánh dấu ban đầu, và chỉ nộp bảng trả lời (đã được khoanh trước) với đáp án vừa chép sang để nhận thưởng. Hiển nhiên, khi chuyển các câu trả lời, bạn sẽ nhận ra mình có thể gian lận: thay vì sao lại đáp án sang bảng trả lời, bạn chỉ cần khoanh theo đáp án có sẵn để nhận nhiều tiền tưởng hơn. (“Tôi thừa biết thủ đô của Thụy Sĩ là Bern. Tôi chỉ chọn Zurich trong vô thức thôi.”)
Tóm lại, bạn đã tham gia cả ba nhiệm vụ, và có thể kiếm được tối đa 20 đô-la để trả cho một bữa ăn, một chầu bia hay một cuốn sách giáo khoa nào đó. Nhưng liệu bạn có thể vượt qua chúng dễ dàng nếu chỉ dựa vào trí thông minh và khả năng đánh trắc nghiệm, cũng như nghe theo tiếng nói lương tâm? Bạn sẽ gian lận chứ? Nếu đúng thế, bạn nghĩ việc gian lận có liên quan đến trí thông minh của bạn không? Hay chỉ liên quan đến tính sáng tạo?
Sau đây là kết quả chúng tôi thu thập được: trong thí nghiệm thứ nhất, những cá nhân tự nhận mình sáng tạo hơn cũng gian lận ở mức độ cao hơn. Tuy nhiên, trí thông minh lại chẳng có can hệ gì đến mức độ gian dối của họ. Điều này đồng nghĩa những người gian lận nhiều hơn trong từng nhiệm vụ (bao gồm trò chơi ma trận, dấu chấm và trắc nghiệm kiến thức chung) sẽ có điểm số sáng tạo bình quân cao hơn so với người chơi không gian lận, nhưng điểm số thông minh giữa họ lại không quá chênh lệch.
Chúng tôi cũng xem xét điểm số của những người gian lận tối đa – đó là những người chơi gian lận trong gần như toàn bộ các thử thách. Xét trên chỉ số sáng tạo, những đối tượng này đều có số điểm cao hơn người chơi gian lận ở mức thấp. Và một lần nữa, điểm số thông minh giữa họ lại không có gì khác biệt.
Gia tăng cấp số giả dối: Tình huống trả đũa
Tính sáng tạo rõ ràng là nhân tố quan trọng thôi thúc chúng ta lừa dối, nhưng nó chắc chắn không phải là nhân tố duy nhất. Trong cuốn sách trước (Lẽ Phải Của Phi Lý Trí), tôi đã mô tả một thí nghiệm được thiết kế nhằm xem xét điều sẽ xảy ra khi con người phật lòng do bị đối xử tệ. Nói ngắn gọn, Ayelet Gneezy (giáo sư Đại học California, San Diego) và tôi đã thuê một diễn viên trẻ tên Daniel và yêu cầu anh tiến hành một số thí nghiệm tại các quán cà phê trong khu vực. Daniel đã đề nghị các khách quen của quán tham gia một nhiệm vụ kéo dài 5 phút để đổi lấy 5 đô-la. Nếu họ đồng ý, anh sẽ trao cho họ mười tờ giấy bao gồm các chữ cái ngẫu nhiên, và yêu cầu họ tìm càng nhiều chữ cái giống nhau nằm liền kề càng tốt, sau đó khoanh chúng lại bằng bút chì. Sau khi họ hoàn thành, anh sẽ quay lại bàn của họ, thu lại các tờ giấy, trao cho họ vài tờ đô-la và bảo rằng: “Đây là 5 đô-la của anh; xin hãy đếm đủ tiền, ký vào biên lai và để trên bàn. Một lát sau tôi sẽ quay lại lấy nó.” Sau đó, anh tiếp tục tìm kiếm một người tình nguyện khác. Điểm mấu chốt chính là anh đã đưa họ 9 đô-la thay vì 5 đô-la, và câu hỏi đặt ra sẽ là: có bao nhiêu người tham gia quyết định trả lại tiền thừa?
Trên đây là tình huống “không khó chịu.” Tuy nhiên, một nhóm khách hàng khác – những người tham gia tình huống “khó chịu” – sẽ bắt gặp một Daniel khác hơn đôi chút. Trong lúc giải thích về nhiệm vụ, anh sẽ giả vờ có điện thoại gọi đến. Anh sờ vào túi, rút điện thoại ra và trả lời: “Chào Mike. Chuyện gì thế?” Ngưng một chốc, anh hào hứng: “Tuyệt, pizza tối nay lúc 8 rưỡi nhé. Chỗ tớ hay chỗ cậu?” Và rồi, anh cúp máy với lời hẹn: “Gặp lại sau.” Toàn bộ cuộc trò chuyện giả chỉ diễn ra trong 12 giây.
Sau khi gấp điện thoại và bỏ vào túi, Daniel sẽ vờ như không có gì xảy ra và tiếp tục giải thích về nhiệm vụ. Từ thời điểm này trở đi, mọi thứ sẽ diễn ra giống như trong tình huống “không khó chịu.”
Chúng tôi muốn biết liệu những khách hàng bị phớt lờ một cách thô lỗ có quyết định giữ lại tiền thừa như hành động trả đũa Daniel hay không. Và họ đã làm thế. Trong tình huống không khó chịu, có khoảng 45% người tham gia trả lại tiền thừa; nhưng trong tình huống khó chịu, tỷ lệ này chỉ là 14%. Tuy chúng tôi cũng cảm thấy buồn do có đến hơn một nửa số người chơi trong tình huống không khó chịu quyết định gian lận, nhưng điều đáng phật lòng nhất chính là: chỉ 12 giây gián đoạn trong tình huống khó chịu cũng đủ khiêu khích họ, và khiến họ gian lận hơn rất nhiều.
Xét về thói bất lương, tôi nghĩ các kết quả trên đã cho thấy rằng: một khi có điều gì đó làm chúng ta phát cáu, chúng ta sẽ dễ biện minh hơn cho hành vi phi đạo đức của chính mình. Sự gian dối lúc này đã trở thành đòn trừng phạt, một hành vi bù đắp nhằm đáp trả kẻ dám trêu gan chúng ta lúc ban đầu. Chúng ta sẽ tự nhủ rằng: mình chẳng làm gì sai, mình chỉ đang trả đũa. Thậm chí, chúng ta có thể lý giải chuyện này xa hơn và tự nhủ rằng mình đang hoàn lại nghiệp chướng hay tái lập sự cân bằng cho thế giới. Tốt thôi, chúng ta đứng về phía chính nghĩa cơ mà!
MỘT NGƯỜI BẠN CỦA TÔI, David Pogue – người phụ trách trang công nghệ trên tờ New York Times – đã từng trải qua cảm giác khó chịu vì dịch vụ khách hàng – cũng như mong muốn trả đũa phát sinh từ đó. Bất kỳ ai từng biết David đều sẽ khẳng định anh là một người vô cùng tốt bụng, và luôn sẵn lòng giúp đỡ người khác khi cần; do vậy, chỉ riêng ý nghĩ anh sẽ tìm cách gây tổn thương cho ai đó cũng khiến họ ngạc nhiên – nhưng một khi cảm thấy bị xúc phạm, chúng ta sẽ khó có thể tự giới hạn bản thân trong chuẩn mực đạo đức. Và David, như bạn sẽ thấy trong vài giây tới, vốn đã là một người vô cùng sáng tạo. Sau đây là ca khúc do anh sáng tác (phỏng theo giai điệu bài hát “Âm Thanh của sự Im Lặng – The Sounds of Silence”):
Chào hộp thư thoại, người bạn cũ
Tôi lại gọi đến, nhờ hỗ trợ đây
Tôi đã phớt lờ lời sếp dọa
Tôi đã gọi vào sáng thứ Hai
Nhưng giờ đây, khi trăng lên và bữa tối
Đã lạnh ngắt và bắt đầu mốc xanh…
Tôi vẫn đợi!
Vẫn lắng nghe những âm thanh lặng im!
Em dường như không hiểu.
Tôi đoán, đường dây đã thành số tự động rồi.
Tôi đã đấm vào cảm ứng như được bảo
Nhưng máy vẫn treo suốt 18 tiếng, không ngoa.
Chương trình của em không chỉ làm tan tành chiếc Mac,
Làm treo máy rồi oanh tạc tứ tung;
Đã thế còn xóa bay bộ nhớ!
Giờ đây, chiếc Mac chỉ còn âm thanh lặng im.
Trong cơn mơ, tôi những tưởng rằng
Sẽ trút cơn giận vào em cho hả
Sẽ đâm vào xe em, tan nát
Máu phun ra từ vết cắt trong em.
Với chút hơi tàn, em gọi 911
Và cầu được một bác sĩ thạo nghề…
Nhưng chỉ có tôi, lắng nghe em nói!
Và lắng nghe âm thanh lặng im!
Câu chuyện trả đũa sáng tạo của người Ý
Năm tôi 17 tuổi và anh họ Yoav 18 tuổi, chúng tôi đã cùng nhau khoác ba-lô đi khắp châu Âu, và tận hưởng một mùa hè tuyệt vời. Chúng tôi đã gặp gỡ nhiều người, đã ghé thăm nhiều thành phố và thắng cảnh, và tham quan các viện bảo tàng – đó quả thực là chuyến du ngoạn không chê vào đâu được của hai chàng thanh niên trẻ trung, hăng hái.
Hành trình của chúng tôi dự kiến sẽ bắt đầu từ Rome, xuyên Italy đến Pháp, và cuối cùng dừng lại ở Anh Quốc. Ngày đầu tiên, khi chúng tôi đặt mua vé tàu hỏa thanh niên, một anh chàng tốt bụng tại phòng vé Eurail thuộc Rome đã tặng chúng tôi bản sao của tấm bản đồ hệ thống tàu hỏa châu Âu, và cẩn thận đánh dấu chuyến tàu chúng tôi sắp lên bằng bút bi đen. Anh cũng lưu ý rằng chúng tôi có thể sử dụng vé thanh niên tùy thích trong vòng hai tháng, nhưng chỉ áp dụng với lộ trình anh đã vạch trước. Dứt lời, anh bấm kèm tấm bản đồ với hóa đơn chính thức và trao ba-lô cho chúng tôi. Ban đầu, chúng tôi cứ đinh ninh rằng sẽ chẳng tay soát vé nào thèm bận tâm đến tấm bản đồ nhập nhằng và tập vé trọn gói này cả, nhưng người bán vé vẫn quả quyết chúng là tất cả những gì chúng tôi cần. Và thực tế đã chứng minh điều đó.
Sau khi thưởng thức phong cảnh tuyệt vời tại Rome, Florence, Venice và một số thị trấn nhỏ nước Ý, chúng tôi đã dành vài đêm nghỉ lại tại một bờ hồ vùng ngoại vi Verona. Vào đêm dừng chân cuối cùng, chúng tôi chợt tỉnh giấc và phát hiện ai đó đã lục lọi ba-lô của chúng tôi và vứt đồ đạc vương vãi trên mặt đất. Sau khi cẩn thận rà soát lại tư trang bên người, chúng tôi nhận ra toàn bộ quần áo và cả chiếc máy ảnh của tôi vẫn còn nguyên. Thứ duy nhất biến mất là đôi giày thể thao dự phòng của Yoav. Lẽ ra chúng tôi đã xem đó là mất mát không đáng kể, ngoại trừ việc mẹ Yoav – với sự sáng suốt vô hạn – đã khăng khăng rằng chúng tôi phải chuẩn bị sẵn tiền mặt phòng khi khẩn cấp. Vì vậy, bà đã giấu kín vài trăm đô-la trong đôi giày thể thao của Yoav. Thật trớ trêu và đau xót làm sao.
Chúng tôi quyết định sẽ tìm kiếm xung quanh thị trấn xem có ai mang đôi giày của Yoav không, đồng thời đến thưa chuyện với cảnh sát. Tuy các cảnh sát địa phương cũng biết chút tiếng Anh, nhưng chúng tôi vẫn khó có thể thuyết phục họ về bản chất vụ việc – một đôi giày thể thao đã biến mất, và tình huống bỗng trở nên nghiêm trọng vì có tiền giấu trong chiếc giày bên phải. Lẽ tất nhiên, chúng tôi không bao giờ còn thấy lại đôi giày của Yoav nữa. Trong thâm tâm, chúng tôi không khỏi cảm thấy bất công, và tin rằng châu Âu đã mắc nợ mình.
MỘT TUẦN SAU vụ trộm giày, chúng tôi quyết định sẽ bổ sung Thụy Sĩ và Hà Lan vào danh sách các địa điểm muốn tham quan. Đúng ra, chúng tôi có thể mua vé tàu mới cho các tuyến đường vòng, nhưng do vẫn chưa quên vụ chiếc giày bị trộm và sự bất lực của cảnh sát Ý, chúng tôi đã quyết định mở rộng lựa chọn theo hướng sáng tạo hơn. Cũng với một chiếc bút đen như của người bán vé, chúng tôi đã vẽ thêm một lộ trình khác trên tấm bản đồ bản sao. Lộ trình này sẽ cắt ngang Thụy Sĩ, đến Pháp và từ đó thẳng hướng Anh Quốc. Lúc này, tấm bản đồ đã thể hiện hai lộ trình: một giống như cũ, và một do chúng tôi điều chỉnh. Khi chúng tôi chìa tấm bản đồ cho những người soát vé chuyến kế tiếp, họ đều không có ý kiến gì; do đó, chúng tôi đã vẽ thêm vài lộ trình nữa, và tiếp tục chuyến du ngoạn thêm vài tuần.
Kế sách này vẫn tỏ ra hiệu quả, mãi đến khi chúng tôi lên đường đi Basel. Người soát vé Thụy Sĩ kiểm tra vé, thoáng cau mày, lắc đầu, rồi đưa lại cho chúng tôi.
“Các anh phải mua vé đi chuyến này,” anh thông báo.
“Ồ, nhưng ngài thấy đấy,” chúng tôi lịch sự đáp lại, “Basel cũng nằm trên lộ trình của chúng tôi mà.” Cả hai cùng chỉ tay vào nét đen được vẽ thêm trên bản đồ.
Người soát vé vẫn không bị thuyết phục, “Tôi xin lỗi, nhưng các anh phải trả tiền vé đến Basel, hoặc tôi sẽ yêu cầu các anh rời tàu.”
“Nhưng thưa ngài,” chúng tôi cãi, “tất cả nhân viên soát vé khác đều cho phép chúng tôi mà không có vấn đề gì.”
Người soát vé lại nhún vai và lắc đầu.
“Xin ngài,” Yoav nài nỉ, “nếu cho phép chúng tôi đến Basel, tôi sẽ tặng ngài cuốn băng này của nhóm Doors. Họ là ban nhạc rock tuyệt vời đến từ Mỹ.”
Nghe đến nhóm Doors, người soát vé tỏ ra không thích thú và hào hứng lắm. “Thôi được,” anh ta nói. “Các anh có thể đến Basel.”
Chúng tôi không chắc rốt cuộc anh ta đã đồng ý với chúng tôi, cảm kích trước thái độ lịch thiệp, hay đơn giản đã đầu hàng. Sau sự việc trên, chúng tôi đã quyết định ngưng vẽ thêm vào tấm bản đồ, và nhanh chóng quay lại lộ trình dự kiến.
GIỜ ĐÂY, KHI NHÌN LẠI hành vi gian dối trên, tôi vẫn hay đổ lỗi cho sự bồng bột của tuổi trẻ. Nhưng tôi biết đó không phải là tất cả. Quả thực, tôi tin rằng đã có khá nhiều yếu tố tác động đến tình huống trên, và thôi thúc hai chúng tôi hành động như thế – đồng thời tự bào chữa rằng chúng hoàn toàn có thể chấp nhận được.
Trước hết, tôi tin rằng việc tự mình ghé thăm một đất nước xa lạ ngay trong lần du lịch đầu tiên đã giúp chúng tôi cảm thấy thoải mái hơn với những nguyên tắc do chính mình đặt ra. Nếu ngừng suy nghĩ về hành động của mình, chúng tôi chắc hẳn sẽ ý thức hơn về tính nghiêm trọng của chúng; nhưng đôi lúc vì không phải suy nghĩ nhiều, chúng tôi đã tự huyễn hoặc rằng các lộ trình sáng tạo do chúng tôi bổ sung cũng là một phần trong lộ trình chính thức của Eurail. Thứ hai, chính việc làm thất lạc hàng trăm đô-la trong đôi giày thể thao của Yoav đã khiến chúng tôi cảm thấy thỏa mãn khi quyết định đáp trả và khiến toàn châu Âu phải trả giá. Thứ ba, có thể do đang giữa chuyến hành trình, nên chúng tôi đã cảm giác rằng: phiêu lưu một chút cũng là hợp lẽ. Thứ tư, chúng tôi đã biện minh cho hành động của mình bằng cách tự thuyết phục rằng: chúng tôi quả thực chẳng gây thiệt hại gì hay làm tổn thương bất kỳ ai. Xét cho cùng, chúng tôi chỉ nguệch ngoạc thêm vài đường trên một mảnh giấy. Lộ trình của tàu hỏa dù sao cũng định sẵn rồi; và bên cạnh đó, tàu hỏa chẳng bao giờ kín người, nên chúng tôi chẳng chiếm chỗ ai cả. Đây cũng là lý do khiến chúng tôi dễ dàng dung thứ cho hành động của mình, bởi ban đầu khi mua vé, chúng tôi đã có thể chọn một chuyến khác với cùng giá vé. Và nếu những chuyến khác cũng khởi hành từ phòng vé Eurail tại Rome, thì tại sao việc chúng tôi quyết định chọn một lộ trình khác lại trở nên nghiêm trọng đến vậy? (Có thể đó cũng là cách những người chuyên lùi ngày mua cổ phiếu biện hộ cho hành động của họ.) Và động cơ biện minh cuối cùng sẽ liên quan đến bản thân chiếc vé. Do người bán vé tại Eurail chỉ trao cho chúng tôi một tấm bản sao mỏng với lộ trình được vẽ tay, nên chúng tôi có thể dễ dàng thay đổi nó – và bởi vì chúng tôi chỉ đánh dấu lộ trình như cách người bán vé đã làm (vẽ đường trên tấm bản đồ), nên thao tác dễ dàng này cũng đồng thời nới lỏng những ràng buộc đạo đức.
Khi suy nghĩ về toàn bộ trò biện minh trên, tôi mới nhận ra khả năng bào chữa của chúng tôi to tát và quá quắt đến nhường nào, cũng như những lý lẽ thông dụng nhất có thể xuất hiện trong từng hoạt động hàng ngày của chúng ta. Ngay khi nhận ra bản thân vừa phá vỡ nguyên tắc, chúng ta sẽ thể hiện một khả năng tuyệt vời nhằm giữ khoảng cách với chính mình bằng mọi giá, đặc biệt khi đã loại bỏ vài bước chắn giữa hành động của bạn với tổn thương trực tiếp gây ra cho người khác.
Phòng ban lừa dối
Pablo Picasso đã từng nói, “Họa sĩ tài năng biết sao chép, họa sĩ bậc thầy biết đánh cắp.” Lịch sử cũng vinh danh không ít vẻ vay mượn tài tình. William Shakespeare đã tìm thấy cốt truyện của ông trong các thư tịch cổ thời Hy Lạp, La Mã cổ đại và Phục hưng, và dựa theo chúng để viết nên những vở kịch làm lay động lòng người. Thậm chí Steve Jobs cũng có lúc huênh hoang rằng: giống như Picasso, Apple chẳng ngại gì đánh cắp ý tưởng.
Các thí nghiệm của chúng tôi đã đi xa đến mức khẳng định rằng: tính sáng tạo là động cơ dẫn đường cho hành vi gian dối. Nhưng chúng tôi vẫn không biết liệu ta có thể chọn lấy một vài người, nâng cao tính sáng tạo của họ và từ đó tăng thêm mức độ giả dối hay không. Đây chính là bước tiếp theo trong công cuộc nghiên cứu dựa trên thực tiễn của chúng tôi.
Trong phiên bản thí nghiệm kế tiếp, Francesca và tôi đã tìm hiểu xem liệu chúng tôi có thể gia tăng mức độ gian lận bằng cách đặt người tham gia vào tình huống đòi hỏi sự sáng tạo hay không (thông qua phương pháp “châm ngòi” trong xã hội học). Hãy hình dung bạn là một trong những người tham gia. Bạn đến trình diện, và chúng tôi giới thiệu với bạn trò chơi dấu chấm. Bạn bắt đầu với một vòng thử nghiệm, và do đó không được nhận tiền thưởng. Trước khi chuyển sang phần nhiệm vụ thực tế – bao gồm cách trả thưởng thiếu công bằng – chúng tôi sẽ yêu cầu bạn tham gia một thử thách tạo câu văn. (Đây là lúc phép màu sáng tạo của chúng tôi phát huy tác dụng thông qua trò chơi ghép câu, một chiến thuật phổ biến nhằm thay đổi lối tư duy nhất thời của người chơi.) Trong thử thách này, bạn sẽ được cho trước 20 nhóm từ, mỗi nhóm gồm 5 từ vựng theo thứ tự ngẫu nhiên (chẳng hạn như “trời,” “có,” “bầu,” “tại sao,” “màu xanh”); và bạn phải sắp xếp chúng thành một câu đúng ngữ pháp – gồm 4 từ – trong mỗi nhóm như thế (ví dụ: “Bầu trời có màu xanh”). Tuy nhiên, bạn không biết rằng thử thách này có đến hai phiên bản, và bạn chỉ nhận thấy một trong số đó. Đầu tiên là “phiên bản sáng tạo”, với 12 trong số 20 tập hợp từ hàm chứa những từ vựng liên quan đến tính sáng tạo (như “sáng tạo,” “độc đáo,” “mới mẻ,” “lạ thường”, “mưa trí”, “tưởng tượng” hay “ý tưởng”). Còn lại là “phiên bản kiểm soát,” trong đó không có nhóm từ nào hàm chứa những từ vựng sáng tạo. Mục đích của chúng tôi là châm ngòi cho lối tư duy sáng tạo hơn trong một số đối tượng người chơi – giống như Albert Einstein hay Leonardo da Vinci vậy – bằng cách sử dụng từ ngữ liên tưởng đến tính sáng tạo. Trong khi đó, những người còn lại vẫn mắc kẹt với lối tư duy quen thuộc của họ.
Sau khi hoàn thành thử thách ghép câu (thuộc một trong hai phiên bản), bạn sẽ quay lại với trò chơi dấu chấm. Nhưng lần này, bạn sẽ được thưởng tiền tươi. Tương tự như các thí nghiệm trước, bạn sẽ nhận được nửa xu cho mỗi lần chọn phím bên trái, và 5 xu cho phím bên phải.
Dữ kiện trên đã cho thấy điều gì? Liệu thức tỉnh lối tư duy sáng tạo hơn có ảnh hưởng đến phẩm cách đạo đức của một cá nhân? Tuy ban đầu hai nhóm người chơi không thể hiện rõ sự chênh lệch trong vòng thử nghiệm của trò dấu chấm (vòng chơi họ không được nhận thưởng), nhưng sự khác biệt đã xuất hiện sau thử thách ghép câu. Đúng như dự kiến, những người chơi được “mồi lửa” bằng các từ vựng sáng tạo đã chọn “bên phải” nhiều hơn (lựa chọn hứa hẹn tiền thưởng cao hơn) so với các thành viên trong phiên bản kiểm soát.
NHƯ VẬY, lối tư duy sáng tạo rõ ràng có thể thể khiến con người gian lận nhiều hơn đôi chút. Trong bước cuối cùng của công cuộc nghiên cứu, chúng tôi muốn tìm hiểu xem tính sáng tạo và thói gian lận sẽ gắn kết với nhau ra sao trong thực tế. Chúng tôi đã tiếp xúc với một hãng quảng cáo lớn và đề nghị hầu hết nhân viên trả lời một loạt câu hỏi liên quan đến tình thế lưỡng nan về đạo đức. Chúng tôi đặt ra những câu hỏi như “Bạn có thường thổi phồng báo cáo chi tiêu doanh nghiệp hay không?”; “Bạn có thường báo cáo với giám sát viên rằng dự án vẫn theo kịp tiến độ, trong khi chưa hoàn thành được gì hay không?”; hay “Bạn có thường mang văn phòng phẩm từ công ty về nhà hay không?” Chúng tôi cũng hỏi họ thuộc phòng ban nào trong công ty (như kế toán, viết quảng cáo, quản lý danh mục khách hàng hay thiết kế ). Cuối cùng, chúng tôi đến gặp CEO của hãng quảng cáo và xin ông cho biết mỗi phòng ban đòi hỏi khả năng sáng tạo cao đến đâu.
Đến đây, chúng tôi đã nắm rõ khuynh hướng đạo đức cơ bản của mỗi nhân viên, phòng ban của họ, cũng như mức độ sáng tạo được kỳ vọng trong mỗi phòng ban. Với dữ liệu đó trong tay, chúng tôi đã tính toán mức độ linh hoạt về đạo đức của các nhân viên thuộc mỗi phòng ban khác nhau, cũng như mối liên hệ giữa khả năng linh hoạt này với tính sáng tạo đòi hỏi trong công việc. Hóa ra, mức độ linh hoạt về đạo đức lại liên kết khá chặt chẽ với tính sáng tạo đòi hỏi trong từng phòng ban và trong công việc. Các nhân viên thiết kế và viết quảng cáo là những người linh hoạt nhất về đạo đức; trong khi đó, các kế toán viên lại xếp cuối danh sách. Có vẻ như “tính sáng tạo” đã có sẵn trong mô tả công việc của chúng ta, và khiến ta có khuynh hướng thốt lên “Cứ làm thôi!” mỗi khi đối mặt với hành vi bất chính.
Mặt tối của tính sáng tạo
Lẽ tất nhiên, chúng ta vẫn thường nghe tính sáng tạo được ca tụng như một phẩm chất tốt của mỗi cá nhân, và cũng là động cơ thiết yếu cho sự tiến bộ của xã hội. Đó là thứ tố chất mà mỗi chúng ta đều khao khát có được – không chỉ đối với cá nhân, mà cả cộng đồng và doanh nghiệp. Chúng ta vinh danh các nhà phát minh, ca ngợi và đố kỵ với những bộ óc thiên tài, và lắc đầu ngao ngán khi ai đó không thể tư duy thoát khỏi lối mòn.
Tất cả những điều trên đều có nguyên nhân của chúng. Tính sáng tạo sẽ giúp chúng ta cải thiện khả năng giải quyết vấn đề bằng cách mở ra những cánh cửa dẫn đến bí quyết và giải pháp. Nó cũng là yếu tố thúc đẩy toàn nhân loại tái thiết lại thế giới (trên khía cạnh nào đó) theo cách có lợi hơn cho chúng ta, với những phát minh trải từ máy khâu, hệ thống nước sạch cho đến các tấm pin mặt trời, từ các tòa nhà chọc trời cho đến công nghệ nano. Tuy vẫn bước trên đôi chân của mình, nhưng chúng ta vẫn phải cám ơn tính sáng tạo vì những tiến bộ nó mang lại. Xét cho cùng, trái đất này sẽ trở thành một nơi tối tăm, ảm đạm nếu không có những nhà tiên phong như Einstein, Shakespeare, hay da Vinci.
Nhưng đó chỉ là một phần của câu chuyện. Tuy tính sáng tạo có thể cho phép chúng ta mường tượng ra những giải pháp độc đáo nhằm đối phó với các vấn đề cam go; nhưng nó cũng thôi thúc ta vẽ ra những lối tắt luồn lách qua nguyên tắc, trong khi vẫn để mặc ta tự biện minh theo cách có lợi cho mình. Vận dụng tính sáng tạo trong công việc có thể giúp ta có được một câu chuyện kể thú vị, đủ để ta giành lấy một miếng bánh và thưởng thức nó, cũng như bịa ra những câu chuyện trong đó ta luôn sắm vai anh hùng, chứ không bao giờ là kẻ xấu. Nếu chìa khóa của thói bất lương chính là khả năng tự cho mình trung thực và lương thiện, trong khi vẫn mặc sức thụ hưởng lợi ích từ việc lừa dối, thì tính sáng tạo có thể giúp ta bịa ra những câu chuyện hợp lý hơn rất nhiều – chúng có thể khiến ta ngày càng dối trá hơn, song vẫn tự cho mình là con người thánh thiện đến tuyệt vời.
Sự kết hợp giữa những thành quả tích cực đáng mong đợi (mặt sáng ) và hậu quả của tính sáng tạo (mặt tối) có thể đặt ra vào thế lưỡng nan. Tuy chúng ta luôn khao khát và cần đến tính sáng tạo, nhưng rõ ràng trong một số trường hợp, tính sáng tạo cũng có ảnh hưởng tiêu cực. Trong tác phẩm Gã Khờ, Tên Bịp Và Thế Hai Chiều, sử gia Ed Balleisen (một người bạn và cũng là đồng nghiệp của tôi) đã lý giải rằng: mỗi khi doanh nghiệp đột phá qua các ngưỡng công nghệ mới – điển hình như phát minh ra dịch vụ bưu tín, điện thoại, radio, máy vi tính hay chứng khoán thế chấp – những tiến bộ đó sẽ cho phép họ tiếp cận với ranh giới giữa công nghệ và sự giả dối. Chỉ mãi đến sau này, khi công suất, hiệu quả và những hạn chế của công nghệ đều đã lộ rõ, chúng ta mới có thể xác định cả hai khía cạnh tươi sáng và tăm tối của các công nghệ mới.
Chẳng hạn, Ed đã dẫn chứng về trường hợp dịch vụ bưu tín Hoa Kỳ được sử dụng lần đầu tiên nhằm buôn bán các sản phẩm không có thực. Phải mất một khoảng thời gian để mọi người nhận ra điều đó; và cuối cùng, vấn nạn giả mạo thư tín đã được quy định rõ trong luật, nhằm đảm bảo chất lượng, hiệu suất và uy tín của loại hình dịch vụ quan trọng này. Nếu đánh giá cuộc cách mạng công nghệ dưới góc độ trên, thì có lẽ chúng ta phải tỏ lòng biết ơn đến những tay lừa đảo tài ba vì các phát minh của họ, cũng như những tiến bộ do họ mang lại.
Điều này có ý nghĩa gì? Lẽ tất nhiên, chúng ta vẫn nên tuyển mộ những ứng viên sáng tạo, vẫn nên khao khát sáng tạo cho bản thân, và vẫn nên tiếp tục khuyến khích trí sáng tạo ở những người xung quanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rõ mối liên hệ giữa tính sáng tạo với thói bất lương, và cố gắng hạn chế tối đa trường hợp những người sáng tạo tìm cách vận dụng khả năng của họ hòng cư xử bất chính theo cách mới.
NHÂN ĐÂY, tôi không chắc đã đề cập với bạn hay chưa, nhưng tôi tin mình là người vừa hết sức lương thiện, vừa cực kỳ sáng tạo.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.