Bạn Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ

Chương 2: Trí Thông Minh Âm Nhạc



 Trắc Nghiệm Nhanh

Bạn có:

• thích ca hát?

• thích nghe nhạc?

• chơi nhạc cụ?

• đọc bản nhạc?

• nhớ giai điệu hoặc nốt nhạc dễ dàng?

• dễ dàng nhận ra những bài hát khác nhau?

• nghe được sự khác nhau giữa các nhạc cụ cùng được chơi?

• hát ngân nga khi đang làm việc gì khác?

• dễ dàng nắm bắt được giai điệu của những âm thanh quanh bạn?

• thích tạo ra các âm thanh bằng cơ thể (ngậm miệng ngân nga, vỗ tay, bật ngón tay hay nhịp chân)

• sáng tác ca khúc?

• ghi nhớ bằng cách gắn một bài hát cho các sự việc?

Nếu câu trả lời là “có” cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, bạn chính là người có trí thông minh âm nhạc!

 Trí Thông Minh Âm Nhạc Là Gì?

Đầu tiên, nếu có trí thông minh âm nhạc, bạn phải thật sự yêu thích âm nhạc. Bạn biết thưởng thức và nghe được các giai điệu, nhịp điệu cũng như các thành tố khác của âm nhạc. Bạn có thể nhận ra giai điệu bản nhạc đang chơi hoặc bài hát đang phát, những cung đàn hay nốt nhạc trong bài hát, các loại nhạc cụ khác nhau ở một số âm thanh như thế nào. Bạn ham muốn tìm hiểu và thưởng thức nhiều thể loại nhạc khác nhau. Nói chung, bạn thích các hoạt động như ca hát, chơi nhạc cụ, nghe đĩa CD hoặc tham dự các buổi hòa nhạc. Ngoài ra, bạn cũng bộc lộ năng khiếu này khi sáng tác một ca khúc, chơi một hay nhiều loại nhạc cụ, chế tạo nhạc cụ hoặc hát đúng theo nhạc. Hoặc có thể nghe được tiếng nhạc trong những âm thanh của cuộc sống thường ngày (tiếng chim hót hay nhịp điệu của tiếng tàu hỏa chạy trên đường ray). Bạn hãy tin rằng có rất nhiều cách để đến với âm nhạc và sở hữu trí thông minh âm nhạc – nhiều hơn bạn nghĩ đấy!

Nền văn hóa của chúng ta không chú trọng đến việc phát triển trí thông minh âm nhạc. Nhiều người cho rằng đó chỉ là một năng khiếu độc đáo chứ không phải một loại hình trí thông minh. Trong cuộc sống hiện đại, người ta chỉ coi trọng việc đọc và viết. Chẳng hạn ở trường, bạn không phải vượt qua một bài thi âm nhạc để lên lớp, nhưng chắc chắn phải thi đọc, viết và làm toán.

Nói chung, chỉ một số ít người trong nền văn hóa của chúng ta thật sự quan tâm đến âm nhạc, đó là nhạc công violin, ngôi sao nhạc rock, nghệ sỹ nhạc jazz, nhóm nhạc rap, ca sỹ nhạc pop… Số còn lại không quan tâm đến việc phát triển trí thông minh âm nhạc của họ, trừ việc nghe nhạc, xem các nhạc công biểu diễn trên tivi hoặc chơi nhạc ở nhà, tham gia một nhóm nhạc ở trường hay địa phương.

Thậm chí, nếu có vấn đề với ngân sách, thì các hoạt động âm nhạc ở trường như ban nhạc, nhóm nhạc hoặc dàn hợp xướng sẽ nằm trong số những chương trình bị cắt giảm đầu tiên. Tất nhiên, họ không bao giờ bỏ chương trình tập đọc và làm toán! Kết quả, nếu bạn không được sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc hoặc không được tiếp cận âm nhạc ở trường hay một trung tâm công cộng, thì dường như bạn không có cơ hội nào để học và phát triển năng khiếu âm nhạc.

Tuy nhiên, ở nhiều nền văn hóa, âm nhạc lại đóng một vai trò tích cực trong cuộc sống. Ở Hungary, trẻ em được học nhạc lý hàng ngày ở trường (điều đó giúp chúng học tốt hơn). Còn ở Nhật Bản, trẻ được học chơi violin hay piano bằng “phương pháp Suzuki” khi mới ba tuổi. Tại Senegal, những griot (còn được gọi là rapper), hay “những ca sỹ truyền tin” vẫn thu thập, truyền bá tin tức và lưu giữ lịch sử địa phương.

Ở khắp nơi trên thế giới và trong phần lớn lịch sử loài người, âm nhạc vẫn luôn là giải pháp để lưu truyền tri thức từ thế hệ này qua thế hệ khác. Trước khi có những cuốn sách để lưu trữ thông tin, con người phải ghi nhớ mọi thứ bằng bộ não và theo cách thức thế hệ đi trước dạy cho các thế hệ nối tiếp. Điều đó có nghĩa là phải thuộc lòng hàng nghìn cái tên của các dòng họ trong quá khứ, hay phương thuốc thảo dược hoặc lịch sử của một bộ lạc. Những thổ dân châu Phi, ca sỹ Thổ Nhĩ Kỳ hay Đông Âu và các tu sỹ chữa bệnh đều lưu truyền tri thức theo cách này.

Những con người đó giống như các thư viện di động vậy! Một trong những lý do khiến họ có khả năng ghi nhớ siêu việt như vậy là cách lưu giữ thông tin bằng các hình thức của âm nhạc. Họ đọc chúng theo giai điệu, hát chúng như một phần của các nghi thức bộ lạc, hoặc viết sử thi (bao gồm cả bài hát kể chuyện) chứa đựng những thông tin quan trọng. (Trong phần sau của chương này, bạn cũng có thể tìm hiểu cách âm nhạc giúp mọi người đọc và nhớ lâu). Một số câu chuyện bạn yêu thích, truyện cổ và truyền thuyết Hy Lạp trong Kinh Thánh đã được lưu truyền theo cách này. Chúng được hát và tụng trước khi được viết lại.

Hiện nay, âm nhạc vẫn đang đóng một vai trò quan trọng đối với nhiều cộng đồng người trên khắp thế giới  những nơi bạn phải bộc lộ trí thông minh âm nhạc trong các chức năng của cuộc sống hàng ngày. Vậy tại sao âm nhạc lại quan trọng đối với họ? Bởi âm nhạc là một phần trong cuộc sống của họ. Âm nhạc được dùng để giao tiếp, học tập, chia sẻ, giải trí và trong mọi lĩnh vực của cuộc sống. Vì tất cả những lý do này cũng như những lý do khác, bạn cần phải học (theo nhiều cách khác nhau) để có trí thông minh âm nhạc.

Bạn có thể làm gì với trí thông minh âm nhạc?

• Học tốt hơn và nhớ những gì quan trọng.

• Giao tiếp theo nhiều cách khác nhau.

• Giải trí.

 Những việc thường ngày sử dụng trí thông minh âm nhạc:

• nghe nhạc 

• chơi nhạc cụ 

• hát (đồng ca hay hát theo radio)

• sáng tác ca khúc

• tham gia các nhóm nhạc 

• ngân nga hoặc gõ nhịp chân khi làm việc hay suy nghĩ

 PHÁT TRIỂN KHẢ NĂNG THẨM ÂM

Một số người không thể hát hoặc chơi nhạc cụ, nhưng họ vẫn thích nghe nhạc. Họ lắng nghe chứ không chỉ nghe đơn thuần. Lắng nghe – chứ không chỉ nghe  là chìa khóa để phát triển trí thông minh âm nhạc. Khi lắng nghe, bạn có thể nhận ra các giai điệu, nhịp điệu và giọng điệu. Bạn có thể hòa nhịp với những thành tố khác nhau và thậm chí cả với cấu trúc trong âm nhạc. Bạn sẽ để ý thấy các nhạc cụ khác nhau như thế nào và cách chúng kết hợp với bài hát ra sao.

Để cảm nhận âm nhạc tốt hơn, bạn hãy nghĩ về những gì mình đang nghe và đặt câu hỏi về bài hát đó. Bạn có nghĩ là bản nhạc đó được sáng tác cho riêng mình không? Ca từ hay điệp khúc (nếu có) của bài hát ra sao? Có phải bản nhạc (không chỉ ca từ) đang kể về một câu chuyện? Bản nhạc có làm bạn nhớ đến những ca khúc hay đoạn nhạc khác không? Tại sao? Nhạc công chơi như thế nào? Bạn nghĩ họ đem lại điều gì cho bản nhạc? Tất cả những điều này và còn hơn thế nữa, là một phần của việc nghe nhạc tích cực.

Hãy nghĩ về những bài hát, nhóm nhạc và thể loại nhạc bạn yêu thích. Có rất nhiều thể loại nhạc khác nhau như rock, jazz, rap, heavy mental , reggae , blues, cổ điển, đồng quê, dân ca, nhạc khiêu vũ, techno và pop… Bạn từng nghe những thể loại nhạc này chưa? Bạn có muốn nghe không? Tại sao bạn trả lời “có” và tại sao “không”? Bạn thích những thể loại gì? Bạn thích những ca sỹ, nhạc sỹ hay nhóm nhạc nào? Tại sao? Mỗi nghệ sỹ đều thể hiện trí thông minh âm nhạc theo nét riêng của họ. Bạn cũng có thể làm vậy bởi bạn có thể hiểu và thưởng thức những khía cạnh khác nhau trong tác phẩm của các nghệ sỹ.

Lắng nghe và hiểu âm nhạc không chỉ đơn thuần là nghĩ hay phân tích về nó mà đó còn là cảm nhận cá nhân. Tác giả của bản nhạc thường viết bằng cảm xúc của họ. Đó có thể là những gì họ cảm thấy khi đang sáng tác hoặc cảm xúc họ muốn chuyển tải đến người nghe. Và tất nhiên, khi lắng nghe, bạn cũng mang cảm xúc và trải nghiệm của riêng mình vào bài hát đó. 

Một số người dùng âm nhạc để làm cho tinh thần phấn chấn lên hoặc kiềm chế cảm xúc. Một số khác lại nghe nhạc để khơi nguồn cảm hứng. Hãy để ý những thể loại nhạc khác nhau tác động đến cảm xúc của bạn. Thể loại nào làm bạn cảm thấy hạnh phúc, tràn đầy nghị lực hay buồn bã, giận dữ, tập trung, thân thiện, băn khoăn, thư giãn hay kích thích trí tưởng tượng?

Cũng có những người nghe nhạc để học và nhớ tốt hơn. Có rất nhiều cách sử dụng âm nhạc vào việc học và ghi nhớ, nhưng có lẽ bạn thích nghe nhạc vì lý do đơn giản nhất trong mọi lý do  đó là vì bạn thích!

TẠO RA ÂM NHẠC 

Ca hát hay chơi các loại nhạc cụ có lẽ là điều đầu tiên bạn cần quan tâm khi nghĩ đến trí thông minh âm nhạc. Khi hát theo đài hoặc dàn đồng ca, thì bạn đã biểu hiện trí thông minh âm nhạc. Khi chơi kèn Trombon trong một ban nhạc của trường hoặc gõ bất cứ thứ gì trên bàn như những nhạc cụ ngẫu hứng, bạn cũng đã bộc lộ trí thông minh âm nhạc. Bạn có thể tạo ra âm nhạc ở khắp mọi nơi bạn đến. Bạn cũng có thể hát trong khi đi đổ rác và gõ nhịp chân khi đang giải toán. Tạo ra âm nhạc – bất kể là bằng cách nào – đều là biểu hiện của trí thông minh âm nhạc.

Nếu bạn chưa từng thử chơi một loại nhạc cụ hoặc ca hát, đừng vội kết luận mình không thể làm điều đó. Có lẽ bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn nếu hát hoặc chơi một loại nhạc cụ như đàn ghita hay piano. Hoặc bạn có thể nghĩ đến việc tham gia một nhóm nhạc ở trường hay một đội hợp ca  nơi mọi người có thể học được những điều mới mẻ. Nếu có cơ hội, hãy tìm đến lớp học tư của một thầy giáo dạy nhạc.

Trong khi học cách tạo ra âm nhạc, bạn cũng phải vận dụng cả những loại hình trí thông minh khác. Khi đang đếm nhịp phách và nhận diện kết cấu, thể loại nhạc trong một đoạn nhạc, bạn có thể thấy trí thông minh logic của mình cũng đang hoạt động. Hoặc bạn có thể phát triển trí thông minh vận động cơ thể bằng cách chú ý hơn về hơi thở và dáng điệu khi đang hát, hay bằng cách cải thiện kỹ năng vận động và sự phối hợp khi bạn chơi một loại nhạc cụ giống như cello hay clarinet.

Chơi một loại nhạc cụ hay ca hát phổ biến hơn là đọc bản nhạc hay xướng âm. Sáng tác nhạc cũng là cảm nhận và biểu hiện. Nghe nhạc đem lại cảm nhận cho bạn thì chơi nhạc cũng có khả năng như vậy. Bạn có thể kích thích tinh thần phấn chấn hơn bằng cách chơi một đoạn nhạc ragtim  với đàn piano, hay trầm tư hơn bằng cách chơi một điệu nhạc chậm rãi với violon. Hoặc chơi những đoạn nhạc đặc biệt khó để có được cảm giác thành công và tự hào. 

 Chơi hoặc hát một bản nhạc do người khác viết cũng có thể giúp bạn cảm nhận được cảm xúc của tác giả. Việc hiểu được những gì tác giả hoặc nhà soạn nhạc cố gắng truyền tải giúp bạn khám phá cảm xúc của bản thân. (Đây cũng là cách để bạn tự khám phá xem mình thông minh như thế nào!). Điều này luôn đúng, bất kể bạn đang chơi bản concerto của Bach hay một bài hát của nghệ sỹ nhạc jazz vĩ đại, Billie Holiday. Bạn sẽ nhận thấy rằng một bản nhạc có thể tạo cho bạn cảm giác khác với ý định của tác giả. Vì vậy, bạn có thể chơi bản nhạc theo cách khác để phản ánh cảm xúc của chính mình.

Chơi nhạc cùng, hoặc cho người khác nghe, cũng có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái. Đây là cách chia sẻ những cảm nhận trong âm nhạc và làm cho chúng trở nên dào dạt và mãnh liệt hơn. Nó cũng tạo ra mối liên hệ với người khác và cho bạn một ý thức cộng đồng – bất kể bạn hát với cha mẹ khi đang nấu bữa tối, tham gia một đội hợp ca trong nhà thờ hoặc khởi đầu với một nhóm nhạc cùng bạn bè.

Vì thế, khi tạo ra âm nhạc, bạn đang làm nhiều hơn là bạn nhận ra đấy! Bạn có thể tư duy, bộc lộ cảm xúc, giải quyết vấn đề, kết bạn, phát triển và chia sẻ một phần quan trọng của chính bản thân. 

SÁNG TÁC NHẠC

Nhiều người chia sẻ ý tưởng và cảm nhận của mình thông qua việc sáng tác nhạc, rồi có thể tự mình hoặc để người khác trình bày. Soạn nhạc hay sáng tác ca khúc là một phương diện khác của trí thông minh âm nhạc. Bất kể bạn chơi ngẫu hứng trên phím piano, viết một đoạn nhạc đúng quy chuẩn cho cây vĩ cầm hay hợp nhiều bài hát thành một liên khúc thì tất cả đều là sáng tác nhạc.

Sáng tác một đoạn nhạc hay viết lời bài hát không phải là việc to tát. Bài hát đó đơn giản hay phức tạp tùy thuộc vào việc bạn muốn nó như thế nào. Viết nhạc là sáng tạo ra các khuôn mẫu cho giọng, nốt nhạc hay nhịp điệu mà bạn thích và chơi chúng. Hãy tìm những âm thanh hoặc tiếng động bạn muốn thưởng thức và để chúng truyền cảm hứng cho bạn. Có thể bạn sẽ tìm thấy một nhịp điệu dễ nhớ và lôi cuốn trong cấu trúc của tiếng động hay âm thanh của một chiếc máy giặt và tạo ra được một đoạn nhạc rap với âm thanh đó. Hoặc những âm thanh của một cơn bão sẽ truyền cho bạn cảm hứng sáng tác một đoạn nhạc trên phím piano mà âm thanh giống như tiếng mưa rơi.

Có lẽ bạn nghe âm nhạc trong đầu nhiều hơn là trong đời sống thực tại. Bạn có thể làm cho âm nhạc trong đầu trở nên sống động không? Nếu không có lời, bạn hãy ngân nga theo điệu nhạc. Gảy đàn ghita cho tới khi bạn tìm ra đúng phím. Bất chấp việc bạn bắt đầu viết bài hát như thế nào, hãy cứ để mình vẩn vơ và chơi bài hát đó. Hãy nhớ là bạn chỉ viết lời bài hát cho riêng bản thân mà thôi. Vì thế, hãy dùng những nốt nhạc và tạo ra tiếng động phù hợp với bạn.

Có thể bạn muốn sẻ chia âm nhạc với bạn bè, gia đình và những người xung quanh. Bạn cũng có thể biểu diễn ở trường và nếu muốn biểu diễn ở những nơi công cộng, hãy bắt đầu tìm kiếm những buổi biểu diễn năng khiếu và điểm hát nhạc sống ở các quán càphê hoặc nhà hàng. Bạn sẽ tìm thấy một cộng đồng người thích viết và biểu diễn nhạc của chính mình. Đây là một cách khá thú vị để khai phá thêm kỹ năng âm nhạc của bạn.

BẮT NHỊP VỚI TƯ DUY ÂM NHẠC

Có thể bạn sẽ cảm thấy hứng thú khi biết tư duy âm nhạc luôn hoạt động, cho dù bạn không nghĩ hay đang nghe nhạc. Tư duy âm nhạc là một phần của cuộc sống hàng ngày. Hãy kiếm tìm tư duy âm nhạc của bạn trong công việc ở trường học. Bạn có thể để ý thấy mình đang khẽ gõ một nhịp điệu lên bàn học hay thầm thì ngân nga khi đang đọc sách hoặc giải toán. Điều đó cho thấy chính tư duy âm nhạc đang giúp bạn xử lý các ý tưởng và thông tin.

Chơi nhạc cũng như nghe nhạc có thể giúp bạn tập trung suy nghĩ. Âm nhạc giúp bạn sáng tạo nghệ thuật và phát minh, động não để xử lý các ý tưởng, giải quyết các vấn đề. Nhiều nhà khoa học, nhà văn và nghệ sỹ dùng âm nhạc để nghiên cứu, tư duy thông suốt cũng như khơi nguồn cảm hứng. Albert Einstein đã chơi vĩ cầm khi nghiền ngẫm các vấn đề vật lý. Tiểu thuyết gia Stephen King nghe nhạc rock khi đang viết sách. Vào những năm 1950, các nhà văn thuộc trào lưu Beat  như Jack Kerouac và Allen Ginburg cũng được truyền cảm hứng bởi âm thanh và nhịp điệu của nhạc jazz. Họ đã cố gắng đưa sự sáng tạo về những âm thanh và nhịp điệu, hay tiếng động tương tự vào trong ngôn ngữ của những bài thơ và câu chuyện. Nghệ sỹ Henri Matisse và Jackson Pollock cũng sử dụng nhạc jazz để khơi nguồn cảm hứng cho những ý tưởng và phong cách mới. 

Đôi khi tư duy âm nhạc được tạo nên bởi những âm thanh của cuộc sống như tiếng suối chảy róc rách, tiếng lá cuốn bay trong gió, tiếng chim gõ kiến đang gõ vào thân cây, tiếng nổ vang trời của cơn sấm, tiếng còi xe, tiếng tàu điện ngầm, tiếng còi tầm và cả tiếng ồn ào của những người đi lại và trò chuyện trên đường phố, v.v… Thế giới có biết bao âm thanh và các nhà soạn nhạc, nhạc sỹ đã sử dụng chúng vào nhạc phẩm của họ.

Các nhà văn cũng phải cần đến sự trợ giúp của âm thanh và âm nhạc trong cuộc sống. Bạn từng đọc sách của Tiến sỹ Seuss chưa? Nếu có, hãy nhớ lại ngôn từ đã du dương như thế nào trong mẩu chuyện The Cat in the Hat (Chú mèo trong chiếc mũ) và Green Eggs and Ham (Những quả trứng xanh và giăm bông). Tiến sỹ Seuss nói rằng những nhịp điệu đến với ông khi ông đang ngồi trên tàu và lắng nghe âm thanh của bánh xe chuyển động trên đường ray.

Ngay khi bạn đang đọc gì đó, liệu bạn có thể nghe thấy tiếng tàu chạy hoặc âm thanh của thành phố không? Bạn có biết rằng mình có thể tạo ra âm nhạc và âm thanh ngay trong đầu? Bạn có thể từng hình dung hay mường tượng ra nhiều điều từ trước đó. Thật tốt, bạn có thể làm điều tương tự với âm thanh và âm nhạc. Đó được gọi là hình dung âm nhạc và thay vì nghe nhạc bằng tai, bạn có thể nghe nhạc bằng tâm trí.

Nếu bạn muốn biết khả năng hình dung âm nhạc của mình tốt đến mức nào, hãy thử một số âm thanh và ý tưởng âm nhạc dưới đây. Lắng nghe mỗi đoạn nhạc vang lên trong tâm trí (không hát nhẩm hay hát thành tiếng). Nếu thích tạo thêm một chút vui nhộn hay thách thức, bạn có thể thử thay đổi âm thanh. Một số ý tưởng cho sự thay đổi âm thanh nằm trong những dấu ngoặc đơn ở dưới đây.

• Bài hát Chúc mừng sinh nhật (chơi bằng sáo)

• Bài hát yêu thích (cả gia đình cùng hát)

• Một bài hát hay tiếng leng keng từ một quảng cáo trên truyền hình (được chơi rất 

• Tiếng mưa rơi tí tách trên mái nhà (thay tiếng mưa thành tiếng đá rơi)

• Âm thanh của tiếng bật một lon soda (lon đã được lắc trước khi bật)

Bạn đã làm những điều ở trên như thế nào? Liệu một số âm thanh có gây khó khăn cho bạn hơn những âm thanh khác hay không? Giống như việc vẽ ra mọi thứ trong đầu, bạn thấy hình dung âm nhạc dễ dàng, thú vị hay khó thực hiện? Không sao! Hãy luyện tập cách sử dụng hình dung âm nhạc. Bạn có thể thấy mình bắt đầu nghe nhạc cẩn thận hơn và nhận ra trí nhớ âm nhạc được cải thiện rất nhiều. (Có lẽ bạn sẽ cải thiện được tổng thể trí nhớ của mình nếu có ý định nhớ mọi thứ theo âm nhạc).

Nếu bạn đã nhận ra danh sách của những hình dung âm nhạc dễ nghe thì cũng giống như việc bạn đã có “một máy CD trong đầu” và bạn có thể bật bất cứ lúc nào mình thích: khi đang học, rửa bát đĩa hay dọn dẹp. Chắc chắn điều đó sẽ giúp thời gian trôi đi nhanh hơn, phải không bạn thân mến?

Một Số Cách Thức Thú Vị Giúp Phát Triển Trí Thông Minh Âm Nhạc

Đây là một số cách thức giúp bạn phát triển khả năng âm nhạc. Hãy thử những hoạt động bạn yêu thích, cho dù trí thông minh âm nhạc của bạn ở mức nào.

1. Nghe tất cả những loại nhạc mà bạn có thể nghe. Nghe đều đặn các thể loại nhạc khác nhau trên đài (như nhạc blue, jazz, cổ điển, đồng quê, pop, rap…). Đừng vội quy kết rằng bạn không thích loại nhạc nào. Hãy tạo cho mình cơ hội – bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy mình thích loại nhạc ít khi nghe. 

2. Nghe nhạc từ những vùng miền khác nhau trên thế giới. Hãy thử nghe nhạc từ các nước Ireland, Mexico, Ấn Độ, Trung Quốc hay bất cứ nơi nào bạn tò mò muốn nghe. Bạn cũng có thể lên mạng và nghe âm nhạc từ khắp nơi trên thế giới. 

3. Hát với người thân và bạn bè. Hãy hát bài hát yêu thích của bạn hay học những bài hát mới. Thực hành âm nhạc với người khác có thể rất thú vị, vì thế bạn hãy hát thường xuyên với người thân. Hoặc lấy những loại nhạc cụ đơn giản (trống, ghi ta, kèn, chũm chọe, lục lạc…) và chơi chúng như nhạc nền cho bản nhạc đã thu của bạn.

4. Chơi trò chơi âm nhạc với người thân và bạn bè. Ví dụ, chơi trò “gọi tên bài hát”: bạn hát một bài chỉ có rất ít câu và người khác phải đoán xem bài hát đó là gì?

5. Đi xem các chương trình biểu diễn ca nhạc. Các buổi biểu diễn ca nhạc hay hòa nhạc thường được tổ chức ở các hội chợ, công viên, lễ hội và trường học. Hoặc bạn có thể tham gia các buổi độc tấu, thử giọng và tập diễn lại.

6. Tham gia hoạt động âm nhạc ở trường. Nếu trường học có một dàn đồng ca, ban nhạc hay dàn nhạc, hãy đăng ký tham gia. Bạn sẽ học được cách đọc nhạc, có cơ hội để thử nhiều loại nhạc cụ, quen biết với những người có cùng sở thích tìm hiểu về âm nhạc giống bạn.

7. Sáng tạo hay cải tiến các nhạc cụ hay bất kỳ thứ gì có quanh nhà bạn. Bếp là nơi thích hợp để tìm ra những thứ có thể dùng làm nhạc cụ – nồi và chảo, những cốc nước với mức nước khác nhau, những chiếc thìa gỗ, đồ bạc,… Hãy tự làm một cái xắc-xô bằng cách nhét đầy những hạt đỗ khô, đồ ăn, kẹp giấy, đá cuội hoặc sỏi vào một hộp nhựa.

8. Học cách đọc nhạc. Đây là một phần thường thấy trong khóa học nhạc của một nhóm nhạc, dàn nhạc hay dàn đồng ca. Có những phần mềm có thể giúp bạn làm được việc này.

9. Khuấy động phong trào yêu nhạc ở trường và cộng đồng. Nếu trường học không có môn nhạc, bạn hãy chia sẻ với giáo viên hay hiệu trưởng về những tác dụng mà âm nhạc đem lại. Hãy đem âm nhạc đến với trường học của bạn.

10. Cùng một người bạn lắng nghe một đoạn nhạc. Hãy lắng nghe càng nhiều thành tố càng tốt, như nhạc cụ hay cách sử dụng giai điệu, nhịp điệu, giọng điệu và âm sắc. Bạn có thể phân biệt sự khác nhau của những thành tố này không? Bạn có nghe thấy điệp khúc của bản nhạc không? Chúng được biểu diễn hay như thế nào? Có điều gì khác mà âm nhạc đang “nói” với bạn không? Hãy nói cho người bạn về những gì bạn cảm nhận được. Bạn từng nghe như thế chưa?

11. Nếu có cơ hội, hãy tìm lớp học nhạc riêng với nhạc cụ yêu thích. Các lớp học tư khá phổ biến. Nếu không có, hãy tự học chơi piano, ghita hay acmonica bằng cách dùng chương trình phần mềm vi tính hay từ một cuốn sách.

12. Lắng nghe và cảm nhận về âm nhạc xung quanh bạn. Hãy bắt đầu bằng việc dành vài phút để lắng nghe những âm thanh và nhịp điệu của thế giới tự nhiên, hay nhịp đập của thành phố trong thế giới của các phương tiện giao thông và máy móc. Sau đó, viết một đoạn nhạc sử dụng bất cứ loại nhạc cụ nào bạn thích – giọng của bạn, một cây đàn piano, ghita hay bất cứ nhạc cụ nào khác (thậm chí là gõ nhịp trên mặt bàn).

13. Sáng tác một ca khúc hay đoạn nhạc. Hãy sử dụng phần mềm để sáng tác ca khúc của chính bạn. Các phần mềm vi tính giúp bạn kết hợp nhiều loại nhạc cụ khác nhau trong một đoạn nhạc. Chương trình này sẽ in ra bản nhạc bạn vừa sáng tác. (Vài năm trước, chỉ có những phòng nhạc chuyên nghiệp mới có loại phần mềm này).

14. Thành lập ban nhạc. Tập hợp những người bạn lại với nhau và thành lập nhóm nhạc rock, rap, dàn hợp ca hoặc ban nhạc jazz. Sau đó trình diễn ở trường hay khu phố. Và trong tương lai, bạn có thể trở thành ngôi sao! (Nếu không đạt tới đỉnh cao, thì dù sao bạn vẫn có những thời khắc thật vui vẻ).

Điều Gì Xảy Ra Nếu Bạn Chưa Tin Vào Trí Thông Minh Âm Nhạc Của Mình?

Nếu đang nghi ngờ về khả năng âm nhạc của mình, bạn sẽ phân vân liệu tất cả những điều này có giúp ích gì? Câu trả lời là: Âm nhạc có thể giúp bạn học tốt hơn ở trường và trên hết, nó giúp bạn luôn cảm thấy thoải mái. Thậm chí, nếu bạn “nghĩ” là mình hát rất tồi, bạn không thể lựa chọn nhạc cụ và không thử chơi chúng, thì cũng đừng tin vào điều đó. Bạn luôn có trí thông minh âm nhạc và bạn hoàn toàn có thể phát triển nó.

Bạn thường sử dụng trí thông minh âm nhạc nhưng lại không nhận ra điều đó. Ngân nga một đoạn nhạc trong khi đang sửa chữa hay giải quyết vấn đề hóc búa là một cách. Bạn dùng âm nhạc để khích lệ mình khi đang viết hay vẽ là một cách khác. Khiêu vũ cũng là một cách thể hiện khả năng thông minh âm nhạc. (Khiêu vũ là một ví dụ điển hình về sự phối hợp giữa các loại hình trí thông minh với nhau: trí thông minh âm nhạc, trí thông minh vận động cơ thể, trí thông minh không gian).

Trí thông minh âm nhạc có rất nhiều cách biểu hiện. Thậm chí nếu bạn không thể hát theo nhạc, bạn vẫn có thể học cách chơi một loại nhạc cụ. Có thể một thầy giáo giỏi sẽ giúp bạn – một người bạn, gia sư hay ai đó ở trường học – bất kỳ ai làm bạn thấy thoải mái và khuyến khích bạn tiến lên từng bước. Khi học chơi một loại nhạc cụ, hãy kiên nhẫn! Không ai có thể học những thứ này chỉ trong một đêm, kể cả những siêu sao âm nhạc cũng phải luyện tập, luyện tập và luyện tập để có thể hoàn thiện mình. Sau một thời gian, bạn sẽ bắt đầu cảm thấy thú vị và hài lòng với việc thể hiện âm nhạc trong con người mình.

Nếu không muốn chơi nhạc, bạn vẫn có thể thưởng thức âm nhạc bằng cách nghe và hiểu nhạc. Bất cứ ai cũng có thể phát huy trí thông minh âm nhạc của mình. Bạn có thể sử dụng các loại hình trí thông minh sở trường nhất để phát triển trí thông minh âm nhạc của mình. 

Sau đây là bảy cách thức để đạt được điều đó:

• Nếu bạn có trí thông minh ngôn ngữ: Hãy lắng nghe những lời ca trữ tình của bài hát. Sau đó, để ý xem nhạc và lời phối hợp với nhau thế nào. Bài hát có kể về một câu chuyện không? Nếu là một câu chuyện thì nó được thể hiện thông qua nhạc, lời hay cả hai? Cốt truyện có phát triển xuyên suốt đoạn nhạc không?

• Nếu bạn có trí thông minh logic: Hãy tìm những yếu tố toán học trong bản nhạc. Một phần của âm nhạc là những khuôn mẫu và đo đếm. Nhìn vào các đoạn điệp khúc và để ý xem chúng giúp cho bản nhạc cấu thành ra sao. Hầu hết các nốt nhạc đều có trường độ và các nhạc công phải học cách đếm nhịp phách để tất cả họ đều chơi ở cùng một tốc độ. Hãy học cách đếm nhịp phách và xem liệu bạn có thể tính được những thời gian khác nhau của các đoạn nhạc mà mình nghe hay không.

• Nếu bạn có trí thông minh không gian: Hãy vẽ hay phác họa những gì bạn nghe thấy. Có thể âm nhạc sẽ truyền cảm hứng về những hình ảnh thực cho bạn. Hoặc thử thiết kế một loại nhạc cụ mới mà bạn muốn làm và tưởng tượng âm thanh của nó sẽ như thế nào. 

• Nếu bạn có trí thông minh vận động cơ thể: Hãy chuyển động theo âm nhạc. Khiêu vũ là một cách hay để khởi đầu, nhưng bất kỳ loại chuyển động nào khác như thể dục nhịp điệu, yoga, thậm chí là tạo mẫu đều có thể thực hiện với âm nhạc. Nếu bạn muốn làm một việc gì đó, hãy chế tạo nhạc cụ cho riêng mình bằng những vật liệu đơn giản nhất.

 • Nếu bạn có trí thông minh tương tác cá nhân: Hãy thử sáng tác âm nhạc với người khác. Hát với bạn bè hoặc người thân. Nếu hứng thú hơn, bạn có thể sử dụng những loại nhạc cụ đơn giản như thìa, hộp, cốc nước để tạo nên các nhạc điệu.

 • Nếu bạn có trí thông minh nội tâm: Hãy lựa chọn các thể loại nhạc khác nhau và lắng nghe chúng. Âm nhạc khiến bạn cảm thấy những gì, nghĩ đến điều gì? Điều gì của âm nhạc khiến bạn có cảm giác như thế? Liệu có phải là do giai điệu vui hay buồn? Nhịp độ nhanh hay chậm? Âm thanh của những nhạc cụ khác nhau có làm thay đổi tâm trạng của bạn không? Hãy lắng nghe âm nhạc rồi sau đó viết hay phác họa những gì bạn cảm thấy.

• Nếu bạn có trí thông minh thiên nhiên: Hãy lắng nghe âm thanh xem nó gợi lại cho bạn âm thanh nào trong tự nhiên – tiếng chim hót, tiếng nước chảy hay tiếng gió đang nổi lên? Lắng nghe âm nhạc về tự nhiên và các loài động vật. Ví dụ, nhạc phẩm Peter và chó sói của Tchaikovsky dựa trên một câu chuyện dân gian Nga và nét đặc trưng của các loài động vật. Ngoài ra, cũng có những đĩa CD và cuốn băng kết hợp cả âm nhạc và âm thanh tự nhiên (tiếng nước, bài hát của cá voi, âm thanh của rừng) mà có thể bạn sẽ rất thích.

Điều Gì Xảy Ra Nếu Bạn Là Nhà Soạn Nhạc Đại Tài?

Nếu thành công của bạn đã tương xứng với trí thông minh âm nhạc thì bạn vẫn có thể phát triển hơn nữa. Nếu bạn thật sự thích nghe nhạc, hãy thử chơi một loại nhạc cụ. Hãy học cách đọc bản nhạc. Còn nếu bạn đã chơi một loại nhạc cụ nào đó, thì có thể bắt đầu với những bài học nâng cao. Bạn cũng có thể muốn thử một loại nhạc cụ khác để xem mình có thích nó như nhạc cụ hiện đang chơi hay không. Hoặc bạn có thể sáng tác bài hát cho riêng mình và chơi chúng cho mọi người cùng thưởng thức. Nếu bạn đã từng hát solo thì nên tham gia một nhóm nhạc ở trường hay địa phương hoặc có thể thành lập nhóm riêng. 

Khả năng âm nhạc có thể giúp bạn phát triển các loại hình trí thông minh khác. Sau đây là một số gợi ý giúp bạn hiểu hơn và phát triển các loại hình trí thông minh còn lại, ở trường học hay trong cuộc sống.

• Đối với trí thông minh ngôn ngữ: Hãy ghép các từ vào bản nhạc. Bạn có nhớ mình đã học các chữ cái ABC với bài hát khi còn nhỏ như thế nào không? Vậy thì bạn cũng có thể làm tương tự khi đang học từ mới, ghi nhớ ngày tháng của môn lịch sử hay thuộc lòng tên của các quốc gia,… Hãy chú ý đến âm nhạc và âm thanh diễn ra trong câu chuyện hoặc cuốn sách bạn đang đọc. Ví dụ, nếu có một tiếng sấm trong chuyện thì hãy dừng lại một lát để lắng nghe âm thanh cơn bão trong đầu mình.

• Đối với trí thông minh logic: Hãy sắp các con số vào âm nhạc. Bạn đã bao giờ nghe bài hát nhạc rock Phép nhân chưa? Nó giải thích và làm cho phép nhân trở nên dễ nhớ. Bạn có thể sắp bất kỳ phép toán nào vào âm nhạc, nó có thể làm cho bảng cửu chương và các công thức trở nên dễ học, dễ nhớ hơn.

• Đối với trí thông minh không gian: Hãy nghe thật nhiều loại nhạc đã thu âm và để ý xem những loại hình ảnh nào của thị giác, cảm giác hay ý tưởng đến với bạn trong khi nghe. Đó có thể là một khuôn mặt bạn đã biết, những tòa nhà, hình cơ bản hay những màu sắc đơn giản. Hãy tạo ra một bức tranh nghệ thuật dựa trên những điều bạn tưởng tượng dựa theo bài hát.

• Đối với trí thông minh vận động cơ thể: Hãy chuyển động theo tiếng nhạc. Làm bất cứ động tác nào mà bạn muốn, nó không chỉ đơn thuần là việc khiêu vũ. (Bạn không phải thực hiện nó ở nơi công cộng). Âm nhạc có thể khiến bạn cảm thấy ngốc nghếch, khờ khạo hay nghiêm túc? Hãy nhận thức về những gì cơ thể bạn đang làm. Bạn có gõ ngón tay cái, gật gù hay nhún nhảy theo điệu nhạc không?

• Đối với trí thông minh tương tác cá nhân: Hãy dùng âm nhạc để đưa bạn đến gần hơn với mọi người. Nếu bạn thường chơi nhạc một mình, hãy làm điều đó với mọi người và xem cảm giác khi đó thế nào. Tham dự những buổi hòa nhạc và xem mọi người thưởng thức âm nhạc ra sao. Hãy là người tình nguyện chỉ chỗ hay đưa mọi người đến với các chương trình sự kiện âm nhạc ở địa phương.

• Đối với trí thông minh nội tâm: Hãy lắng nghe bản nhạc hoặc bài hát bạn yêu thích. Sở thích âm nhạc của bạn có thay đổi không? Những bài hát giống nhau có mang lại ý nghĩa khác nhau cho bạn không? Khi âm nhạc khiến bạn cảm thấy điều gì đó, hãy để ý xem cảm xúc đó là gì. Sưu tập những bản nhạc bạn yêu thích và có thể gây ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn trong một đĩa CD. 

 Để thông minh thiên nhiên, hãy lắng nghe âm nhạc trong tự nhiên. Lắng nghe những giai điệu trong tiếng chim hót hay nhịp điệu của luồng giao thông. Các loài động vật, côn trùng hay những âm thanh tự nhiên có gợi nhớ cho bạn về một loại nhạc cụ đặc biệt nào không? Còn những âm thanh của thành phố thì sao? Bạn có nghe thấy tiếng nhạc cụ hay âm nhạc ở đó không?

 Hướng Tới Tương Lai

Bạn có thể làm nghề gì với trí thông minh âm nhạc? Rất nhiều! Dưới đây là một số ngành nghề bạn có thể lựa chọn:

•  nhà âm học

•  nhà soạn nhạc

•  nhạc trưởng 

•  chủ nhiệm phong trào 

•  chỉ huy dàn nhạc 

•  giới thiệu đĩa hát trong chương trình của đài phát thanh 

•  nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc 

•  chuyên gia tiếng động 

•   người làm nhạc cụ

•  nhà cải biên âm nhạc

•  người chép nhạc 

•   giám sát âm thanh 

•   biên tập âm thanh (phim hay video)

•   lưu trữ âm nhạc 

•   nhà sản xuất âm nhạc 

•  nhà nghiên cứu

•   giáo viên dạy nhạc

•   chuyên gia âm nhạc 

•   người điều chỉnh đàn piano

•   ca sỹ 

•   nhạc sỹ 

•   biên tập hiệu ứng âm thanh cho phim ảnh

•  kỹ sư âm thanh

•   quản lý hay giám đốc trường quay 

•   nhà thiết kế âm thanh cho phim ảnh 

•   và rất nhiều ngành nghề khác nữa!

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.