Bạn Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ

Chương 3: Trí Thông Minh Logic



 Trắc Nghiệm Nhanh

Bạn có: 

•   thích tìm những con số thú vị?

•   yêu khoa học?

•   làm toán nhẩm rất dễ dàng?

•   thích đếm mọi thứ?

•   thích ước tính, phỏng đoán số lượng (ví dụ: có bao nhiêu đồng xu trong một chiếc bình)?

•   giỏi ghi nhớ các con số và số liệu thống kê (số liệu về môn bóng chày, tỷ số các trận đấu thể thao, chiều cao của các tòa nhà cao nhất thế giới)?

•   thích chơi những trò chơi có chiến lược như cờ tướng hay cờ đam?

•  quan tâm đến mối liên hệ giữa hành động và kết quả (hay còn gọi là nguyên nhân – kết quả)?

•   dành thời gian giải những câu đố hóc búa và có tính logic cao?

•   thích khám phá sự vận hành của máy tính?

•   thích ghi chú thông tin dạng biểu đồ và đồ thị?

•   dùng máy tính không chỉ để chơi game? 

 Nếu câu trả lời là “có” cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, bạn chính là người có trí thông minh logic!

 Trí Thông Minh Logic Là Gì?

Nếu có trí thông minh logic, bạn sẽ dễ dàng hiểu các con số và khái niệm toán học, thích tìm kiếm các chi tiết tỉ mỉ và nhìn thấy mối liên hệ giữa nguyên nhân và kết quả của các vấn đề khoa học. Bạn cũng thích giải những câu đố hóc búa hay chơi những trò chơi cần có chiến thuật. Hoặc thích cách vận hành của máy tính, thậm chí còn viết được các chương trình phần mềm. Bạn cũng thể hiện trí thông minh logic trong việc nhẩm tính những bài toán khó, tạo ra mật mã của riêng mình, thực hiện những thí nghiệm khoa học, nghiên cứu và lập trình máy tính, lý giải những câu chuyện thần bí.

Bạn cũng có thể thích tất cả các hoạt động kể trên hay chỉ một vài hoạt động. Nhưng có một thứ sẽ liên kết tất cả các hoạt động đó với nhau, đó là logic. Tư duy logic là công cụ giúp bạn giải quyết được mọi vấn đề. Khi áp dụng quy luật logic, bạn có thể chia vấn đề thành từng phần nhỏ và hoàn thành nó từng bước một. Hoặc kết nối những phần rời rạc lại với nhau và tạo ra quy luật khi áp dụng logic để giải quyết các vấn đề hay tìm ra câu trả lời. Logic có thể giúp bạn giải toán, tìm ra mật mã, giải quyết vấn đề hóc búa hay trả lời câu hỏi khoa học.

Nếu là người có trí thông minh logic, bạn sẽ: 

• Tò mò và thích quan sát con người, sự vật và không gian xung quanh.

• Quan tâm đến nguyên nhân và hệ quả (hành động này sẽ dẫn đến phản ứng như thế nào), sau đó tìm ra mối quan hệ giữa chúng (tại sao một nguyên nhân khoa học lại dẫn đến một hệ quả khoa học).

• Đặt câu hỏi về những thứ quan sát được và muốn tìm hiểu.

• Chú ý đến mọi chi tiết từ con số cho đến thiên nhiên và cách ứng xử của con người.

Vậy bạn đã bắt đầu nhận ra tính logic của trí thông minh logic chưa?

 Trí thông minh logic có thể giúp bạn giải quyết nhiều vấn đề thuộc các lĩnh vực khác nhau  từ môn toán, máy tính đến các vấn đề khoa học. Nhưng không phải chỉ các công việc cần tính toán mới yêu cầu trí thông minh logic. Bạn có thể sử dụng logic khi chơi trò xếp chữ, tìm lời giải cho câu chuyện trinh thám hoặc chỉ đơn giản là sắp xếp những dụng cụ nghệ thuật.

 Bạn có muốn kiểm tra nhanh khả năng logic của mình không? Hãy thử với câu đố hóc búa này nhé: Freida có 9 cái kẹo, nhưng cô bé đã ăn 7 cái. Những người bạn của cô bé ban đầu mỗi người cũng có 9 cái kẹo. Một số người ăn 6 cái, trong khi những người khác chỉ ăn có 4 cái. Số kẹo còn lại của Freida và bạn cô bé là 25 cái. Đố bạn biết Freida có bao nhiêu người bạn? Ghi chú: có thể có nhiều hơn một đáp án. (Bạn có thể tham khảo câu trả lời ở cuối trang) . Trước khi trả lời, hãy chú ý cách bạn giải quyết vấn đề. Bạn đã đọc to câu hỏi và nói lên từng bước giải hay chưa? Bạn có sử dụng bút chì và giấy để ghi lại những suy luận của mình? Hay bạn trông mong vào sự giúp đỡ của người khác? Có những ý nghĩ khác đang tiếp diễn trong đầu bạn không? Đây là chìa khóa để bạn hiểu bản thân đã sử dụng trí thông minh logic như thế nào.

Bạn đã có câu trả lời đúng cho câu hỏi hóc búa này? Bạn cừ thật đấy! Nếu chưa tìm ra câu trả lời, thì bạn vẫn rất cừ bởi việc cố gắng tìm cách giải quyết vấn đề đã giúp bạn kéo căng hết sức lực và làm tăng thêm khả năng lập luận logic.

Thậm chí câu hỏi này khiến bạn đau đầu, bạn vẫn là người có tư duy logic và rất hứng thú với việc lập luận. Hãy nghĩ về những trò bạn đã chơi. Chúng có thể đơn giản như trò tic-tac-toe  hoặc phức tạp như chơi cờ. Hầu hết chúng đều có liên quan đến logic. Trong khi chơi, bạn cần có chiến thuật sáng tạo và thực hiện chúng để giành được chiến thắng. Có thể chính bạn cũng chưa bao giờ nghĩ đó là trí thông minh logic, nhưng bạn là một người chơi rất giỏi đấy. Thậm chí, tư duy logic của bạn còn tốt hơn là bạn nhận thấy.

Bạn có thể làm gì với trí thông minh logic?

• Nâng cao các kỹ năng về toán học, khoa học và máy tính.

• Phát hiện và hiểu cách vận hành của thế giới xung quanh. 

• Giải quyết các vấn đề hóc búa thuộc nhiều lĩnh vực trong cuộc sống.

 Những việc thường ngày sử dụng trí thông minh logic: 

• giải đố và các vấn đề hóc búa 

• đếm mọi thứ 

• chơi cờ đam, cờ tướng hoặc đánh trận giả 

• nghiên cứu những điều bí ẩn

• tạo ra mật mã riêng hay giải mã của người khác 

• tiêu tiền và đếm những đồng xu bạn có

• tính thời gian 

• ước tính mọi thứ, ví dụ: bạn dùng bao nhiêu thời gian để đến trường bằng xe buýt trong suốt một năm học (mỗi ngày? mỗi tuần?)

• ghi lại tỷ số các trận đấu thể thao hoặc tính xem trung bình mỗi cầu thủ bóng chày bạn yêu thích đánh bao nhiêu lần

• dự thảo một khoản trợ cấp 

• chơi games trên máy tính

• làm bài tập về nhà hoặc thực hiện các hoạt động khác trên máy tính

• sắp xếp đồ dùng cá nhân theo hoa văn, hình dạng, kích thước 

• sử dụng máy tính

• nấu ăn: tính toán gia vị, ước tính thời gian nướng đồ ăn, tính xem bạn làm thế nào để hoàn thành một bữa ăn và tất cả các món ăn cùng được hoàn thành trong một thời gian

• suy nghĩ về những phát minh làm cho cuộc sống trở nên tiện lợi hơn 

• nghiên cứu về địa cầu, các bản đồ hoặc biểu đồ thiên văn về các ngôi sao và các hành tinh

 ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG HỌC TOÁN CỦA BẠN

Một trong những cách sử dụng khả năng logic phổ biến nhất của bạn là làm toán. Bạn có thể ngạc nhiên bởi mình luôn sử dụng môn toán theo nhiều cách khác nhau. Đó không chỉ là các bài tập trên lớp mà còn là các con số có mặt ở khắp mọi nơi! Bạn có thể thấy chúng trên đồng hồ đeo tay, biển hiệu trên đường phố, đồng tiền,… Hãy nghĩ xem trong một ngày có bao nhiêu lần bạn nhẩm tính mọi thứ, từ việc đã ăn bao nhiêu cái bánh trong bữa sáng cho đến việc mất bao nhiêu thời gian đi từ nhà đến trường.

Khi bắt đầu học toán ở trường, bạn được biết những kiến thức cơ bản về con số và các quy tắc của chúng như: “lớn hơn”, “nhỏ hơn”. Bạn được dạy rằng 1 lít lớn hơn ½ lít, 1 cm ngắn hơn 1 mm, còn 100 m tương đương 1 km.

Sau đó bạn học các phép tính như cộng, trừ, nhân, chia. Các phép tính là nền tảng cơ bản của môn toán. Không thông hiểu các phép tính, bạn sẽ gặp khó khăn khi giải những bài toán phức tạp hơn như phân số và phần trăm. Thậm chí ở các cấp học cao hơn, bạn sẽ phải nhờ cậy rất nhiều vào logic. Bạn sẽ khám phá những cách thức lý thú mà các con số liên hệ với nhau và có thể giải được các bài toán như:

3x = 24, vậy x là bao nhiêu? (trong môn đại số bạn sẽ gặp nhiều dạng toán thế này). Càng ở cấp học cao hơn thì môn toán càng phức tạp, nhưng chúng vẫn nằm trong giới hạn logic. Nói tóm lại, toán học luôn chứa đựng logic.

Bạn sẽ rất vui khi nhận ra rằng có rất nhiều phương pháp giúp bạn học môn toán tốt hơn. 

Ví dụ, bạn giải toán bằng trực giác, điều đó có nghĩa là bạn biết cách giải bài toán mới mà không cần nhờ đến sự chỉ dẫn của ai. Hoặc bạn có được đáp số mà không cần làm theo từng bước. Nhưng nếu làm như vậy, có thể bạn sẽ gặp khó khăn khi bị giáo viên yêu cầu làm chậm từng bước. Và bạn sẽ có sai sót trong các phép tính. Kết quả cuối cùng dẫn đến đáp án sai, mặc dù bạn đã thực hiện từng bước giải quyết là đúng. Điều này thường xảy ra trong các bài tập về nhà hay bài kiểm tra của bạn.

Tin tốt lành là bạn có thể sử dụng máy tính để kiểm tra lại kết quả và xác định lỗi sai. (Nhưng sẽ rất tai hại nếu trong các bước tính toán bạn có quá nhiều nhầm lẫn và bạn phải bắt đầu lại từ đầu). Bất cứ khi nào tìm ra lỗi sai, bạn hãy ghi nhớ nó để không mắc lại một lần nữa – và hãy tự hỏi vì sao bạn mắc lỗi (sai bước giải hay tính toán sai)  bạn có thể học được nhiều điều từ những lỗi sai đó.

Ngoài ra, cũng có thể bạn là người thích tính toán. Có phải bạn thích đếm, hứng thú với các con số và giải các bài toán theo từng bước cho dù nó không quá khó? Bạn làm bài tập rất nhanh và chính xác? Có thể bạn giải toán bằng trực giác chưa chính xác nhưng lại thích quá trình tìm lời giải. Hoặc có thể cả trực giác và kỹ năng tính toán của bạn đều tốt. Xin chúc mừng!

Cho dù giải toán theo cách nào chăng nữa, bạn cũng rất thích thú vì đã sử dụng các kỹ năng này khi học toán.

Một số “người yêu thích những con số” thích tiếp cận với toán học theo cách cụ thể, nghĩa là họ thích nghiên cứu nó trong thực tiễn. Ví dụ: trong lần đi mua rau quả với gia đình, họ thích thú với việc so sánh giá cả đồ ăn, sử dụng phiếu mua hàng để tiết kiệm tiền và ước đoán tổng số tiền là bao nhiêu trước khi người thu ngân đưa ra. Nếu bạn muốn sử dụng toán học theo cách cụ thể, thì có thể thực hiện điều này trong bếp ăn nhà mình. Nướng một mẻ bánh bạn yêu thích nhưng với công thức gấp đôi. Bạn sẽ phải dùng những phép đo, tính toán và thậm chí cả phân số nữa. Vậy là bạn đã ứng dụng toán học một cách thực tế mà lại đầy hương vị nữa!

Tất cả những việc này giúp bạn một phần quan trọng khi học toán (và khi tư duy logic): hiểu được chính xác ý nghĩa của các con số. Chúng được dùng để giải thích rất nhiều thứ, từ giá của quả bóng rổ mới là bao nhiêu cho tới Sao Hỏa cách chúng ta bao xa. Một số thông tin làm bạn thích thú trong khi số khác thì không hấp dẫn cho tới khi bạn trưởng thành. Nhưng dù sao chúng cũng giúp bạn hiểu được các con số mang ý nghĩa và hình dạng như thế nào trong thế giới hàng ngày. Có rất nhiều bài toán liên quan đến việc tính tiền và đo lường – giá những thứ này là bao nhiêu? Khoảng cách hai nơi đó bao xa? Số lượng những thứ này là bao nhiêu? Việc học cách tính toán để đánh giá và làm việc trong cuộc sống hàng ngày là cách tốt để làm cho các con số trở nên có ý nghĩa hơn.

 Hãy xem lại hóa đơn thanh toán rau quả của gia đình bạn. Lúc nào cũng với số lượng này chứ? Nếu những hóa đơn đó tương đối ổn định, thì bạn hãy làm việc sau đây. (Nếu hóa đơn không ổn định, hãy áp dụng kinh nghiệm này với hóa đơn tiền điện và điện thoại.) Tính xem gia đình bạn đến cửa hàng rau quả bao nhiêu lần trong một năm? (hoặc phải trả hóa đơn bao nhiêu lần). Và phải trả bao nhiêu tiền trong một năm cho cửa hàng rau quả (cho điện hoặc điện thoại). Bạn có ngạc nhiên về số lượng đó không? Bạn có mua được cái gì khác với số tiền tương tự không? Ví dụ: mua xe đạp mới cho các thành viên trong gia đình? Một chiếc ôtô cũ? Hay một số cuốn truyện tranh?

Các bài tập này giúp bạn nhận thức rõ hơn về đồng tiền và cái giá để mua (hoặc không mua) thứ này hay thứ khác. Hãy làm các bài tập sau, nó sẽ giúp bạn có cảm giác tốt hơn về khoảng cách và kích thước. Hiểu được khoảng cách sẽ giúp bạn trong việc thu hút sự lắng nghe của giáo viên và những thành viên trong lớp. Lớp bạn có dự định tham quan một nơi thú vị, ví dụ công viên nước. Hãy tính xem khoảng cách từ trường bạn đến đó là bao nhiêu km. Sau đó, bạn cùng cả lớp “đi bộ” đến đó. Bạn tính xem quãng đường đó sẽ tương đương với bao nhiêu vòng chạy trong sân tập thể dục của trường. Tiếp đó, hãy lập một biểu đồ ghi lại quãng đường mà từng thành viên trong lớp vượt qua dù là đi bộ, chạy chậm hay chạy nhanh. Khi tất cả các thành viên trong lớp đều đã đi được quãng đường bằng từ trường tới công viên nước, nghĩa là các bạn đã “đến được khu vui chơi”. Bạn có thể chuẩn bị thêm những tấm ảnh về công viên nước để treo trong lớp học. Làm các bài tập tương tự, bạn sẽ có thêm hứng thú và ý tưởng trong việc tính toán khoảng cách của các địa điểm khác.

Để tính toán một khối lượng chất lỏng, tất cả những gì bạn cần là một phòng tắm, chiếc bình rỗng có dung tích khoảng 4 lít, nước và thời gian. Đổ từng bình nước vào bồn tắm thay vì để nước chảy thẳng vào bồn. Để chứa đầy bồn tắm thì cần bao nhiêu lít nước? Lượng nước đó có nhiều hơn bạn nghĩ không? Bạn hãy tính toán xem trong một tuần (hay một năm) gia đình bạn dùng hết bao nhiêu nước cho việc tắm?

Các bài tập này đề cập đến điều gì? Đó chính là sự ước lượng – tính toán số lượng một thứ gì đó khoảng bao nhiêu mà không phải quá chi li. Bạn có thể là một người ước tính giỏi – nhưng hãy cố gắng lấy nhiều thông tin khác nhau để làm cơ sở tính toán. Hãy trở thành người ước lượng có kỹ năng.

Nhiều người ước lượng rất giỏi. Có thể họ không có câu trả lời chính xác tuyệt đối nhưng thật sự rất tài giỏi trong việc phán đoán. Bạn hãy tham gia các cuộc thi như đoán xem có bao nhiêu viên bi, đồng xu hay viên kẹo trong một cái lọ lớn. Nếu là người ước lượng giỏi, bạn sẽ rất thích các cuộc thi này và thường là người chiến thắng. Việc ước tính rất có ích trong cuộc sống hàng ngày, như khi bạn phải ước tính cần bao nhiêu giấy khi học ở trường, thời gian để giải đáp một câu hỏi của bài kiểm tra toán.

Bạn hãy phấn khởi lên và thử tập ước lượng xem. Hãy ước lượng trong đầu những thứ sau đây: 

• Bạn đã sử dụng bao nhiêu cây bút chì trong năm nay?

• Bạn đã viết tên mình bao nhiêu lần trong đời?

• Bạn cần bao nhiêu bước chân để đi từ bãi để xe đến cửa lớp học?

• Trường bạn có bao nhiêu học sinh?

Mỗi người sẽ có câu trả lời khác nhau. Nhưng hãy nhớ một điều: chìa khóa để ước lượng chính là những thông tin bạn có, không cần câu trả lời chính xác.

Có rất nhiều cách lý thú để chơi với các con số và bạn sẽ thấy môn toán tốt hơn bằng cách làm các bài tập có tính logic. Toán học có thể là một cách giải trí để khám phá logic và tìm hiểu về thế giới bạn đang sống. Và nếu chiến thắng trong cuộc thi ước lượng xem có bao nhiêu viên kẹo trong lọ, bạn sẽ có niềm vui nhân đôi.

ĐÁNH GIÁ KIẾN THỨC KHOA HỌC

Toán học là một cách để giải quyết vấn đề và cũng là một môn khoa học. Ngoài ra, còn các môn khoa học khác nữa. Cả khoa học và toán học đều cần đến các yếu tố sau: (1) xem xét các chi tiết; (2) cân nhắc các thành phần; (3) khả năng tạo liên kết.

Nhìn chung, khoa học được hiểu là sự quan sát thế giới xung quanh và đặt ra những giả thuyết về chúng. Điều đó có nghĩa là bạn có thể tìm hiểu từ những thứ nhỏ bé như con rệp trên sân cỏ cho đến những thứ to lớn như các vì sao. Cho dù bạn quan sát chúng bằng kính hiển vi hay kính thiên văn, hãy thu thập tất cả những thông tin đó thành dữ liệu. Càng quan sát và ghi chú, bạn sẽ càng có thêm nhiều dữ liệu.

Các nhà khoa học đưa ra những giả thuyết, hay học thuyết chưa được chứng minh, để lý giải về những gì họ thấy. Để kiểm chứng giả thuyết, các nhà khoa học đã tìm cách tập hợp thêm nhiều dữ liệu để phát triển học thuyết của mình. Các dữ liệu này có thể chứng minh hoặc bác bỏ học thuyết của họ. Đôi khi nó cũng hỗ trợ cho các học thuyết nhưng cũng có thể không. Các dữ liệu giúp nhà khoa học tạo ra một học thuyết chi tiết và chính xác hơn. Họ thường tiến hành các cuộc thử nghiệm để kiểm tra học thuyết và tập hợp thêm dữ liệu. Toàn bộ quá trình này được gọi là phương pháp khoa học và nó có thể được sử dụng nhiều lần khi nhà khoa học muốn tìm ra cái mới hay vẫn với học thuyết cũ để tìm ra đáp án cuối cùng.

Khoa học chính thống bao gồm các ngành nghiên cứu chuyên biệt như vật lý, hóa học và sinh học. Thậm chí, nếu hiện tại bạn không theo học bất cứ môn nào thì đôi khi vẫn có thể sử dụng các nghiên cứu khoa học cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Vậy nghiên cứu khoa học là gì? Đó có phải là tư duy logic và cách giải quyết vấn đề không? Nghiên cứu khoa học là việc sử dụng phương pháp khoa học để tìm ra câu trả lời cho các câu hỏi. Nó dựa vào tư duy logic và toán học để giải quyết vấn đề và trả lời câu hỏi. Tóm lại, phương pháp khoa học là một chuỗi câu hỏi về sự vận hành của thế giới và các bước giải quyết logic mà nhà khoa học sử dụng để tạo ra các học thuyết và trả lời cho các câu hỏi đó.

Đây là một ví dụ về cách bạn có thể sử dụng phương pháp khoa học. Khi đang đi trên con đường mòn trong khu rừng hoặc công viên, bạn nhìn thấy một cái hang. Bạn băn khoăn tự hỏi thứ gì đã tạo nên cái hang này? Và bạn đưa ra phán đoán – một con rắn, rùa đất, chuột chũi, chuột nhắt hay sư tử. Bạn tiếp tục quan sát cái hang đó gần hơn và nhận định rằng nó quá nhỏ để cho con rùa đất hay con chuột chũi chui vào. Và giả thuyết trước đó bị bác bỏ. Nhưng có thể là hang rắn hay hang chuột nhắt chứ? Sau đó, bạn quan sát xem có con gì vào cái hang đó hay không. Một lát sau, bạn nhìn thấy mũi một con chuột nhắt thò ra khỏi hang. Điều này nghĩa là nó chắc chắn không phải hang của một con rắn rồi. Một lúc sau, bạn thấy có ba con chuột chạy nháo nhác vào trong cái hang đó. Như vậy đã có thêm bằng chứng để khẳng định đó là cái hang của chuột nhắt. Tuy nhiên, cái hang đó vẫn có thể là của con rắn hay một con gì khác (có thể chúng đang chui xuống đó để bắt chuột!), nhưng bạn cũng đã thu thập được thêm một số dữ liệu khả thi để chứng minh cho giả thuyết đó là cái hang của chuột nhắt. (Hay ít nhất cũng chứng tỏ rằng trong cái hang này có mấy con chuột nhắt đang sống. Nhưng có thể là một loài vật khác đã tạo ra cái hang này – và một câu hỏi khác lại được đặt ra!).

Có thể bạn thường xuyên sử dụng phương pháp suy nghĩ có tổ chức và logic trong cuộc sống hàng ngày. Nếu như vậy, bạn có thể trở thành một nhà khoa học trong tương lai. Khoa học là môn bạn yêu thích nhất trong chương trình học, bạn cũng thích phác thảo các dự án cho các hội chợ khoa học ở địa phương. Bạn có một phòng thí nghiệm hóa ở nhà và thích tiến hành các cuộc thí nghiệm. Bạn có các dụng cụ khoa học như kính lúp, kính hiển vi hay kính thiên văn.

Bạn có thể là một nhà quan sát bẩm sinh và có ai đó luôn đặt ra cho bạn những câu hỏi về thế giới xung quanh. Ví dụ: Tại sao bầu trời lại xanh? Tại sao hầu hết các loài cây đều xanh? Cầu vồng có từ đâu? Bạn có tìm mọi cách để trả lời những câu hỏi đó không? Bạn có tìm hiểu người khác trả lời chúng như thế nào không?

Có thể bạn luôn cảm thấy hứng thú với những vấn đề liên quan đến khoa học trong các bản tin thời sự: tìm hiểu những giả thuyết lý giải vì sao loài khủng long bị tuyệt chủng, các nhà khoa học giải thích về sự hình thành của vũ trụ hoặc những khám phá mới về các loài động thực vật sống ở tầng sâu nhất dưới đáy đại dương. Hoặc có thể là những ứng dụng thực tế của khoa học trong công nghệ khám phá vũ trụ, bác sỹ sử dụng tia laser trong phẫu thuật, trí thông minh nhân tạo trong máy tính. Tìm hiểu cách hoạt động của các sự vật, hiện tượng cũng như cách các nhà khoa học sử dụng trí thông minh logic của họ là một phương pháp giúp bạn sử dụng trí thông minh logic của mình. Có thể bạn sẽ nảy ra các ý tưởng và thu thập được thông tin từ những người mà mình từng gặp gỡ hoặc giải thích được những câu hỏi khó.

 Những phát hiện mới được tìm thấy mỗi ngày và nhanh hơn bao giờ hết. Thế nhưng vẫn còn rất nhiều câu hỏi cần được trả lời và những bí ẩn khoa học cần được giải đáp. Càng khám phá thêm những điều mới, những câu hỏi mới càng nhiều – cũng có nghĩa các nhà khoa học luôn luôn bận rộn.

SỬ DỤNG KỸ NĂNG VI TÍNH

Logic cũng quan trọng đối với máy tính. Những ngôn ngữ được sử dụng để lập chương trình phần mềm khác nhau trong tin học được gọi là ngôn ngữ logic. Một ngôn ngữ lập trình cơ bản mà bạn có thể đã được học ở trường là Logo. Logo là ngôn ngữ lập trình rất lý thú bởi nó được thiết kế để dạy bạn tiến trình của việc học và tư duy. Logo có thể được sử dụng cho những nhiệm vụ rất đơn giản hay những thao tác vô cùng phức tạp. Nó cũng được ứng dụng trong những lĩnh vực khác nhau từ toán học, âm nhạc cho đến khoa học và chế tạo rôbốt.

Khi bắt đầu học Logo, bạn thường sử dụng nó để di chuyển quanh một bức tranh nhỏ trên màn hình máy tính. Để tạo ra một bức tranh – ví dụ như một con rùa – chuyển động, bạn phải chỉ ra nơi bạn muốn nó đi đến và sẽ mang theo cái gì tới đó. Bạn phải phân nhỏ từng động tác hay từng bước. Sau đó, viết lời chỉ dẫn cho mỗi thao tác để dạy cho con rùa đến những đâu. Để con rùa có thể di chuyển trong một ô vuông thì bạn cần phải chỉ ra khoảng cách mỗi chiều là bao nhiêu và nơi con rùa cần đến chính là một cạnh của ô vuông. Nếu bạn và con rùa cảm thấy nhàm chán với việc di chuyển trong ô vuông (điều này rất hay xảy ra), bạn có thể tạo cho con rùa những cách di chuyển khác, trong những hình học phức tạp hơn và như vậy sẽ phải sử dụng thêm nhiều thao tác và lời chỉ dẫn.

Mỗi khi khám phá bước đi của con rùa trong những thao tác khác nhau và viết lời chỉ dẫn cho nó tức là bạn đã sử dụng tư duy logic (và trí thông minh logic toán học). Đây là logic bạn thường sử dụng khi làm việc với bất cứ ngôn ngữ máy tính nào. Ngôn ngữ và mục tiêu bạn muốn đạt được có thể phức tạp hơn nhưng bạn chỉ cần tiến hành những chức năng tương tự của logic khi tạo một trang web hay sử dụng máy tính để xây dựng cơ sở dữ liệu. Bạn chỉ ra được kết quả mình mong muốn là gì hay vấn đề nào cần phải giải quyết. Hãy khám phá từng bước và “giải quyết” từng khâu bằng cách viết lời chỉ dẫn cho máy tính.

Máy tính và logic đều có những điều thú vị. Bạn có chơi game trên máy tính không? Nếu có, nghĩa là bạn đã sử dụng trí thông minh logic để khám phá những trò chơi và đưa ra chiến lược để giành chiến thắng. Mặt khác, con người đã sử dụng kỹ năng thuộc trí thông minh logic để tạo ra những trò chơi này. Những trò chơi được thiết kế, lập trình và thử nghiệm bởi người sử dụng trí thông minh logic và điều đó chứng tỏ rằng bạn có rất nhiều niềm vui với tư duy logic.

Một Số Cách Thức Thú Vị Giúp Phát Triển Trí Thông Minh Logic

Sau đây là một số cách thức giúp bạn phát triển các kỹ năng logic. Hãy thử những hoạt động bạn thích, dù trí thông minh logic của bạn ở mức nào.

1. Chơi những trò chơi cần sử dụng chiến lược và logic. Những trò chơi như cờ tướng, cờ đam hay đômino hầu như tùy thuộc vào khả năng sáng tạo chiến lược và nắm rõ nước đi của đối phương.

2. Xem các chương trình truyền hình dạy về khoa học và toán học. Đó có thể là các chương trình tìm hiểu về thiên văn học, địa lý hay các khái niệm và phát kiến khoa học quan trọng.

3. Tập tính nhẩm các bài toán đơn giản. Không nên sử dụng máy tính, giấy và bút (bạn có thể sử dụng khi đã tính xong và muốn kiểm tra lại kết quả). Nếu nhận thấy mình có thể tính nhẩm dễ dàng, hãy luyện các bài toán khó hơn.

4. Khám phá khoa học. Đến thăm bảo tàng khoa học, nhà mô hình vũ trụ, bảo tàng thiếu nhi hay viện nghiên cứu – nơi bạn có thể khám phá những ý tưởng khoa học và toán học thông qua một số hiện vật thú vị được trưng bày. Nếu bạn quan tâm một hiện vật cụ thể, hãy tới tham quan phòng trưng bày chi tiết hơn. Đồng thời, hãy tìm hiểu các ý tưởng toán học và khoa học được sử dụng như thế nào trong cuộc sống hàng ngày.

5. Đọc báo, tạp chí về khoa học và toán học. Như tạp chí Toán học và Tuổi trẻ, Toán Tuổi thơ, Khoa học, Tia sáng…

6. Tập ước lượng mọi thứ. Ví dụ: ước tính số viên kẹo có trong một chiếc hộp, số đá cuội trong một đống đá, số viên bi trong một cái lọ, sau đó kiểm tra lại kết quả bằng cách đếm lại. Tham gia các cuộc thi tính ước lượng ở trường hay với bạn bè.

7. Giải đáp các câu hỏi hóc búa. Mua một cuốn sách về các câu đố (hoặc tìm một trang web có các bài toán vui và câu đố hóc búa), rồi tự mình hoặc cùng bạn bè giải đố.

8. Đề ra “ngày toán học” đặc biệt hoặc các “buổi tối khoa học” với gia đình. Bạn giải các bài toán mẹo, làm một số thí nghiệm khoa học, giải các câu đố hóc búa, trao đổi với người thân về những khám phá khoa học trong các bản tin thời sự.

9. Viết mười câu hỏi bạn cần được giải đáp về thế giới xung quanh. (Ví dụ: Cầu vồng có từ đâu?). Tìm câu trả lời bằng cách tham khảo cuốn Bách khoa Tri thức Toàn thư, sử dụng Internet, hỏi bố mẹ hoặc thầy cô giáo, hay tự làm thí nghiệm.

10. Tham gia câu lạc bộ khoa học hay toán học ở trường. Nếu trường bạn không có, hãy đề nghị giáo viên thành lập một nhóm riêng. Bạn cũng có thể tự thành lập một nhóm nhỏ gồm bạn bè và người thân, sau đó tập trung vào các chủ đề khoa học như quan sát vì sao.

11. Tìm các thí nghiệm khoa học trên sách báo hay Internet mà bạn có thể thực hiện với các vật dụng sẵn có. Hãy thực hiện các thí nghiệm đó đúng cách. Nó có thể gợi ý cho bạn về một công trình khoa học để tham gia hội chợ khoa học ở trường hay tại địa phương.

12. Thuê gia sư hay nhờ bạn cùng lớp giúp bạn tiếp thu môn toán và các môn khoa học nếu bạn thấy khó hiểu. Một người thông hiểu, yêu thích toán và các môn khoa học có thể khiến những đề tài này trở nên sống động với bạn hơn.

13. Bạn có thể truyền đạt những kiến thức toán học và khoa học của mình cho người khác. Bạn sẽ thấy rằng càng giải thích những khái niệm thì bạn càng hiểu chúng hơn. Sau đó, hãy tìm một người có khả năng giảng giải cho bạn những vấn đề còn nghi ngờ (ví dụ: cha mẹ, bạn bè, anh chị em ruột hay thầy cô giáo).

14. Chú ý đến việc dùng con số trong các bản tin. Ý nghĩa của chúng là gì? Nếu một con tàu du hành vũ trụ phải vượt qua 68,8 triệu km để lên tới Sao Hỏa, bạn hãy cố gắng hình dung khoảng cách đó là bao xa, điều đó sẽ giúp bạn hiểu thực tế. Ví dụ: khoảng cách 68,8 triệu km lên tới Sao Hỏa tương đương với bao nhiêu cuộc hành trình đi vòng quanh nước Mỹ?

15. Chỉ ra nguồn gốc của toán học trong những nền văn hóa khác nhau. Nền văn minh của người Maya và Ả Rập cổ đại đã đóng góp rất nhiều cho sự phát triển của những phát kiến toán học mà chúng ta sử dụng ngày nay, thậm chí họ còn biết dùng cả “máy tính” nữa. Hãy tìm hiểu cách dùng bàn tính hay các loại thiết bị tính toán từng phát triển trong những nền văn hóa khác nhau.

16. Tạo một trang web cá nhân. Nếu bạn thích, hãy học một ngôn ngữ máy tính như HTML  hay Java để làm điều đó.

17. Ghi lại cách bạn đã giải quyết các vấn đề. Khi làm toán hay thực hiện các công việc khoa học ở trường, hãy để ý xem bạn đang nghĩ những gì trong đầu và ghi chú những chi tiết đặc biệt đã giúp hoặc cản trở bạn tìm ra lời giải.

Điều Gì Xảy Ra Nếu Bạn Nghĩ Mình Thiếu Trí Thông Minh Logic?

Có thể bạn cảm thấy mình không thông minh về logic lắm. Hy vọng bạn sẽ nhận thấy những cách biểu hiện khác nhau của trí thông minh logic trong chương này. Hãy nhớ rằng không chỉ các thiên tài toán học và khoa học thì mới có trí thông minh logic. Có thể bạn bộc lộ trí thông minh logic khi tổ chức thành công các hoạt động hay sự kiện hoặc thích vẽ các hình phức tạp.

Trí thông minh logic được ứng dụng trong rất nhiều hoạt động và chúng giúp bạn cảm thấy cuộc sống thật thoải mái. Ngoài ra, bạn hoàn toàn có thể sở hữu chúng và sử dụng trí thông minh nổi trội nhất của mình để có trí thông minh logic. 

Sau đây là bảy cách thức để đạt được điều đó:

•  Nếu bạn có trí thông minh ngôn ngữ: Hãy viết và giải quyết những vấn đề về ngôn ngữ của riêng mình hay nói ra mọi vướng mắc về toán học (với chính mình hoặc người khác). Tìm kiếm những hình thái của từ và ngữ. 

•  Nếu bạn có trí thông minh âm nhạc: Hãy tạo ra những bản nhạc rap hay bài hát để học toán. Thời khóa biểu có nhịp điệu tự nhiên rất mạnh mẽ và bạn có thể hát nó theo cách của riêng mình. Hãy cố gắng học toán giỏi hơn.

•  Nếu bạn có trí thông minh không gian: Hãy hình dung và phác thảo nhanh những hình ảnh của vấn đề logic bạn đang thực hiện, chúng sẽ giúp bạn thấy được nhiều cách giải quyết khác nhau.

•  Nếu bạn có trí thông minh vận động cơ thể: Hãy sử dụng những vật bạn có thể tiếp xúc và di chuyển như viên xúc xắc, tấm thiệp, đồng tiền, tấm thẻ hay khối hình học để hỗ trợ bạn giải quyết những rắc rối. Làm toán trong khi bạn đang chạy nhảy hay đi dạo.

•  Nếu bạn có trí thông minh tương tác cá nhân: Hãy chơi bài với bạn bè hoặc người thân. Lập ra một câu lạc bộ toán học. Hỏi han những người có thể giúp bạn khi cần, cũng như giúp đỡ họ khi bạn có thể.

•  Nếu bạn có trí thông minh nội tâm: Hãy thu thập những cuốn sách có nhiều câu đố và câu hỏi hóc búa giúp bạn học toán, tư duy logic, rồi tự giải đáp chúng. Sau đó, dùng những khoảng thời gian yên tĩnh để suy nghĩ hoặc thực hành những khái niệm toán học và khoa học.

•  Nếu bạn có trí thông minh thiên nhiên: Hãy nghĩ về những biểu hiện của toán học trong đời sống thực. Nếu bạn đang làm toán thập phân, hãy nghĩ về thứ gì đó cần phải chia thành những phần bằng nhau? Chiếc bánh pizza cho bạn bè, hay nguyên liệu khi nấu ăn? Bạn có thể nghĩ thêm các ví dụ khác không? Hãy nhìn vào những khuôn mẫu và ví dụ toán học trong tự nhiên, ví dụ như quả thông, quả dứa hay tổ ong được chia thành các phần đều nhau.

Điều Gì Sẽ Xảy Ra Nếu Bạn Là Người Lãnh Đạo Giỏi Logic?

Nếu muốn có trí thông minh logic, bạn có thể tìm kiếm những phương pháp mới để khám phá nó. Điều tuyệt vời nhất của logic là bạn có thể tự tạo ra nó. Nếu bạn thích môn toán, hãy bắt đầu học những khái niệm phức tạp hơn. Nếu bạn quan tâm nhiều đến khoa học, hãy tiến hành các thí nghiệm và tham gia các hội thảo khoa học. Nếu có thể, hãy gặp và nói chuyện với các nhà khoa học để trao đổi về những công trình nghiên cứu của họ. Mặt khác, cũng nên dùng máy tính để khám phá toán học và khoa học. Hoặc có thể sử dụng chúng cho những việc cá nhân, hay thiết kế một trang web tương đối phức tạp một chút. Hãy học những ngôn ngữ máy tính phức tạp hơn Logo (có thể là Java hay C++).

Trí thông minh logic cũng giúp bạn phát triển các loại hình trí thông minh khác. Sau đây là một số gợi ý giúp bạn hiểu và phát triển các loại hình trí thông minh còn lại trong nhà trường cũng như cuộc sống.

•  Đối với trí thông minh ngôn ngữ: Bạn nên đọc nhiều truyện trinh thám. Hãy sử dụng toán học và khoa học để có thể suy luận logic.

•  Đối với trí thông minh âm nhạc: Hãy lắng nghe từng phần của bản nhạc. Những âm thanh phức tạp (với nhiều tiếng trống và nhịp điệu khác nhau) hòa quyện với nhau có thể hấp dẫn bạn.

•  Đối với trí thông minh không gian: Hãy vẽ hình khi học toán và làm khoa học, ví dụ như ghi lại kết quả thí nghiệm khoa học bằng đồ thị. Tìm những thứ hữu hình hay vô hình (vẻ đẹp trong khoa học). Ví dụ: quan sát những hình lăng trụ pha lê bị chia cắt bởi quang phổ, hình dạng những bông tuyết hay tảo silic (một loại vi sinh vật sống trong nước) dưới kính hiển vi. Viết một phần mềm vi tính có thể tạo ra những hình khối với nhiều màu sắc hoặc làm một chương trình hoạt hình bằng máy tính.

•  Đối với trí thông minh vận động cơ thể: Bạn nên chơi những trò thể thao cần đề ra chiến thuật. Nó làm cho trò chơi trở nên thú vị và bạn sẽ chơi giỏi hơn. Theo dõi điểm số ở những môn chơi khác nhau và giải thích chúng bằng thành tích của từng vận động viên và cả đội.

•  Đối với trí thông minh tương tác cá nhân: Hãy chơi những trò cần chiến lược và logic với người khác. Cờ vua, cờ đam, đánh bài là những lựa chọn thú vị. Chú ý mọi người chơi như thế nào và tại sao họ có thể làm vậy, điều này sẽ giúp bạn chơi tốt hơn.

•  Đối với trí thông minh nội tâm: Bạn nên quan sát mọi thứ trong cuộc sống. Khoa học có giúp bạn hiểu hơn về thế giới xung quanh và nơi mình đang sống hay không? Hãy tạo một trang web về bản thân hay một điều bạn tin tưởng.

•  Đối với trí thông minh thiên nhiên: Hãy tìm hiểu các môn khoa học về cuộc sống và trái đất như sinh vật học, địa chất học để biết thêm về cách vận động của tự nhiên. Đặt ra những câu hỏi như: Tại sao lá cây lại thay đổi màu sắc vào mùa thu? Làm cách nào mà loài chim biết được nơi di cư? Hãy tìm câu trả lời.

 Hướng Tới Tương Lai

Bạn có thể làm nghề gì với trí thông minh logic? Rất nhiều! Dưới đây là một số ngành nghề bạn có thể lựa chọn:

• kế toán 

• nhân viên điều khiển giao thông hàng không 

• nhân viên thẩm định 

• phi hành gia

• kiểm toán viên

• nhân viên ngân hàng 

• văn thư

• phân tích ngân sách

• chuyên gia nghiên cứu khí hậu

• chuyên viên giải mã 

• lập trình viên 

• nhà phân tích dữ liệu 

• nhà kinh tế 

• công nhân ngành 

• kỹ sư (cơ khí, xây dựng, điện tử, hóa học)

• nhà dịch tễ học 

• nhân viên viện trợ tài chính 

• người giao dịch tiền tệ 

• nhà khoa học tư pháp 

• nhà khoa học thông tin 

• chuyên viên bảo hiểm

• nhân viên bảo hiểm 

• nhà phân tích đầu tư

• nhà nghiên cứu 

• nhà toán học 

• nhà khí tượng học

• người môi giới

• nhà vật lý 

• nhà phân tích dân số

• đại lý bán hàng 

• giảng viên khoa học 

• nhà khoa học (nhà sinh học, hóa học, vật lý học, thiên văn học, địa chất học, thực vật học, hải dương học) 

• nhân viên thống kê

• người môi giới cổ phiếu

• thủ quỹ 

• người lập trình các trò chơi 

• lập trình/quản trị web 

• và rất nhiều ngành nghề khác nữa!

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.