Bạn Thông Minh Hơn Bạn Nghĩ

Chương 8: Trí Thông Minh Thiên Nhiên



Trắc Nghiệm Nhanh

Bạn có:

• yêu thích động vật?

• “ngón tay xanh”(trồng cây giỏi)?

• quan tâm đến thiên nhiên và 

sự nghiệp bảo vệ môi trường? 

• thích dạo chơi trong công viên, 

vườn bách thú hay cạnh hồ cá?

• thích cắm trại hay đi dạo giữa thiên nhiên?

• chú ý đến môi trường ở những nơi bạn đến? 

• nhà bạn hay khu vực xung quanh có vườn cây?

• khả năng thích nghi tốt với những nơi, sự kiện khác nhau? 

• thích chăm sóc thú nuôi (ở nhà hoặc ở lớp học)?

• nhớ những chi tiết nơi bạn đã sống cũng như tên các loài vật, cây cối, con người và đồ vật ở đó?

• đặt câu hỏi về con người, địa danh và những thứ bạn thấy trong môi trường sống của mình hay trong thế giới tự nhiên để có thêm hiểu biết về những điều đó? 

• có “trí thông minh đường phố” (khả năng hiểu và chăm sóc bản thân ở những hoàn cảnh sống khác nhau hay nơi ở mới)?

• chú ý đến môi trường trong và xung quanh hàng xóm, trường học hay nhà bạn?

• thích tìm hiểu xem những thứ mình thấy là gì và phân loại chúng (các loài chim hay lên danh sách tất cả các loại ôtô bạn thấy)?

Nếu câu trả lời là “có” cho bất kỳ câu hỏi nào ở trên, bạn chính là người có trí thông minh thiên nhiên!

 Trí Thông Minh Thiên Nhiên Là Gì?

Khi nghĩ đến trí thông minh thiên nhiên, điều đầu tiên xuất hiện trong đầu bạn là gì? Thiên nhiên, hầu như là vậy! Trí thông minh thiên nhiên chỉ sự thích thú và hiểu biết của bạn đối với môi trường sống. Bạn chú ý đến mọi thứ xung quanh, thích thú với việc tìm hiểu và phân loại sinh vật như cây cối hay động vật. Bạn có thể là người quan tâm thời tiết, thích sưu tầm các loại đá hay tìm hiểu các vì sao. Bạn chỉ ra sự khác nhau giữa các loại cây, loài thú, chim, các loại côn trùng nhỏ, đám mây, vì sao hay ngọn núi. Bạn cảm thấy rất hứng thú với những thứ xung quanh – dù ở bất cứ nơi đâu.

Hãy dành thời gian suy ngẫm xem thiên nhiên có ý nghĩa gì đối với bạn. Bạn có dành nhiều thời gian ở ngoài trời không? Bạn thấy thú vị với nghề làm vườn, chăm sóc cây cối và động vật, tìm hiểu về sông hồ, đại dương, thiên văn hay khí hậu? Hoặc sưu tầm các loài côn trùng nhỏ, ngắm nhìn các loài chim hay tìm hiểu các loại đá trên mặt đất? Về các sinh vật sống, cảnh quan hay bầu trời? Thiên nhiên là tất cả những điều đó và còn hơn thế – trí thông minh thiên nhiên cũng vậy. 

 Bạn có thể làm gì với trí thông minh thiên nhiên? 

• Quan sát không gian xung quanh.

• Nhận thức được tầm quan trọng của môi trường.

• Học hỏi được nhiều điều hơn và biết trân trọng những gì vốn có trong tự nhiên. 

Trí thông minh thiên nhiên là một trong những loại hình trí thông minh quan trọng nhất mà một người có thể có. Bởi con người phải săn bắn, hái lượm thức ăn và thảo dược, ngũ cốc hay những loại thức ăn khác để tồn tại. Để làm được điều này, con người cần phải hiểu về môi trường cũng như cơ chế vận hành của nó. Điều đó đồng nghĩa với việc con người phải học cách thuần hóa, săn bắt thú rừng cũng như hái lượm và trồng cây.

Khi nghĩ đến điều này, bạn sẽ thấy để tồn tại con người cần phải biết rất nhiều điều. Để săn bắt và nuôi động vật, bạn cần hiểu được thói quen và hành vi của chúng. Bạn phải có các kỹ năng cần thiết để lần theo dấu vết con thú. Để hái lượm các loại rau quả làm thức ăn, bạn cần biết loài cây nào là có độc và loài nào có thể ăn được. Hiểu biết về các loài cây cũng bao gồm việc nhận biết loài cây nào có thể chữa lành vết thương và sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Nếu muốn trồng cây lương thực, bạn cần phải biết thời điểm và vị trí có thể trồng loài cây đó, cần bao nhiêu nước và ánh nắng mặt trời, cách diệt các loài sâu bệnh phá hoại cây trồng trước khi bạn kịp thu hoạch. 

Tất cả các kỹ năng quan trọng này – quan sát, thấu hiểu môi trường, yêu quý các loài thú và kỹ năng trồng các loài cây – là nền tảng của trí thông minh thiên nhiên. Ngày nay, nhiều người sử dụng các kỹ năng của trí thông minh thiên nhiên để tìm hiểu về những loài cây và thú khác nhau. Một số người có khả năng nhìn một chiếc lá cây và cho bạn biết đó là lá cây gì. Một số khác có thể quan sát vết chân thú để lại trên mặt đất và cho bạn biết đó là vết chân của con gì. Có thể bạn không cần đến các kỹ năng như thế để tồn tại, nhưng bạn vẫn có thể có trí thông minh thiên nhiên – thậm chí kể cả khi bạn sống ở thành phố. 

 Những việc thường ngày sử dụng trí thông minh thiên nhiên:

• đi bộ 

• tìm hiểu về khủng long 

• tham quan các bảo tàng khoa học và tự nhiên, vườn thú hay hồ cá 

• đi dạo trong công viên

• chăm sóc vật nuôi ở nhà hay lớp học

• sưu tầm các loại lá cây, côn trùng, đá, lông chim hay những thứ có trong tự nhiên

• ngắm nhìn các loài chim 

• đi dạo giữa thiên nhiên 

• làm bể cá, tạo vườn ươm hay tổ kiến

• quan tâm đến thời tiết 

• tình nguyện tham gia hoạt động của các hội tình nguyện 

• trồng cây quanh nhà 

• nấu nướng 

• ngắm nhìn các vì sao

 KHÁM PHÁ THẾ GIỚI CỦA BẠN

Nói đến trí thông minh thiên nhiên là nói đến việc chú ý thế giới tự nhiên muôn màu muôn vẻ và học cách hiểu được nó. Có thể cách tìm hiểu ưa thích của bạn là hòa mình vào thế giới tự nhiên và nghiên cứu những loài động vật hoang dã sống trong đó. Tùy thuộc vào khu vực sinh sống, bạn có thể có điều kiện quan sát các loài sóc, quạ, thằn lằn, bồ câu, cự đà, lợn rừng, ngựa, bò và nai… Hoặc là hoa cúc, hoa hồng, dương xỉ, sồi, xương rồng, cọ, các hẻm núi, ngọn đồi, mỏm núi, thung lũng, sa mạc hay hàng triệu thứ khác có trong thế giới tự nhiên.

Bạn có nơi nào đặc biệt giữa thiên nhiên để đến mỗi khi muốn tạm lánh xa mọi thứ không? Nơi bạn có thể mang theo ống nhòm để quan sát một chú chim hay con thú nhỏ nào đấy? Nơi bạn mang theo máy ảnh và ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ và thú vị? Nơi bạn vẽ phác thảo cảnh vật trong một cuốn sổ hay sưu tầm các mẫu lá cây, đá, lông chim và hoa? Nơi bạn có thể trầm ngâm, mơ mộng hay suy ngẫm? 

Nếu sống ở khu vực nội thành hay ở vùng ngoại ô, có thể bạn sẽ tự hỏi: “Nếu không có nhiều thời gian sống trong môi trường thiên nhiên, thì làm sao tôi có được trí thông minh thiên nhiên?” May mắn thay, trí thông minh thiên nhiên chính là khả năng thích nghi. Thậm chí, nếu toàn bộ thời gian bạn sống ở thành phố thay vì ở nông trang, bạn vẫn sử dụng khả năng của mình để quan sát môi trường xung quanh. Ví dụ, một người có trí thông minh thiên nhiên có thể biết tất cả những lối đi lại ở vùng lân cận – đường tắt, các tuyến xe buýt hay cửa hàng nào bán truyện cười hay nhất. Điều này có giống với bạn không? Nếu là một công dân thành phố, bạn sẽ không thấy nhiều vết chân động vật nhưng vẫn có thể sử dụng trí thông minh thiên nhiên để nhận ra các loại giày khác nhau, vỏ đĩa CD hay các loại xe hơi. (Bạn áp dụng các kỹ năng “săn bắt/hái lượm” từ ngàn xưa đối với những sản phẩm của con người).

Thậm chí, nếu sống ở thành phố lớn, thiên nhiên quanh bạn vẫn nhiều hơn là bạn nghĩ – những khu vườn lộ thiên, đàn kiến trên hè phố, tổ chim cu gáy trên những tòa nhà cao tầng… Để khám phá sâu hơn trí thông minh thiên nhiên của bản thân, bạn hãy:

• Tham gia một câu lạc bộ làm vườn của thành phố. Bạn có thể làm việc trong một khu vườn và có khoảng đất nhỏ để trồng những gì mình muốn.

• Đi chợ mua rau, trái cây hay hoa.

• Ghé qua các công viên trong thành phố. Thăm bảo tàng thiên nhiên, bảo tàng khoa học, hồ cá hay vườn bách thú.

• Trồng cây cảnh hay tạo một khu vườn lộ thiên (bạn cũng có thể chăm bón cây trong phòng).

• Chuẩn bị bộ đồ nghề và xây một tổ mối hay tổ côn trùng của riêng bạn.

• Nuôi các loài động vật cần ít sự chăm sóc như cá hay ốc mượn hồn . Hoặc xây một bể cá và tạo hệ sinh thái dưới nước với cá, các loài rong và ốc.

• Làm một nhà kính. Nhà kính là mảnh vườn trong nhà với các loài cây sinh trưởng chậm. Chúng được rào kín và ươm trong các loại bầu khác nhau như bình ươm hay bể cá. Một số người làm nhà kính có nắp mở và nuôi các loài động vật như thằn lằn, rắn và ếch.

• Đọc sách về động vật. Đó có thể là sách viết về các loài thú có thật hoặc những câu chuyện với các con thú được nhân cách hóa.

• Sưu tầm các loại đá và vỏ sò.

• Tìm hiểu các chương trình tái chế xung quanh khu vực bạn sống. Nếu có thể, hãy tìm cách tham gia các hoạt động tình nguyện ở đó. Nếu khu vực bạn sống không có chương trình tái chế nào, hãy suy nghĩ về một chương trình và ai là người mà bạn có thể trao đổi để bắt đầu chương trình đó. Hoặc bạn có thể bắt đầu một chương trình tái chế ở ngay trường học.

• Tìm hiểu các vấn đề môi trường. Bất kể bạn đang sống ở đâu, hãy nghiên cứu về môi trường, viết thư tới các nhà quản lý về vấn đề này và ký các bản kiến nghị (những giấy tờ với chữ ký của nhiều người để ủng hộ hay phản đối một vấn đề và được chuyển đến người ra quyết định vấn đề đó).

• Trồng cây xanh. Cây xanh giúp làm sạch bầu khí quyển, là môi trường sống của các loài động vật. Những nơi thích hợp để trồng cây xanh là trường học, khu vực xung quanh nhà hay công viên. Nhiều địa phương có các chương trình trồng cây vào mùa xuân, mùa thu hay tết trồng cây. 

• Tham gia tình nguyện các lớp chăm sóc vật nuôi vào mùa hè hoặc trao đổi với giáo viên về những buổi ngoại khóa tới vườn bách thú, bảo tàng khoa học hay khu bảo tồn động vật hoang dã.

• Ngắm nhìn bầu trời, nghiên cứu về các vì sao và quan tâm đến thời tiết.

QUAN TÂM ĐẾN TRÁI ĐẤT 

Bạn thể hiện trí thông minh thiên nhiên của mình theo cách cơ bản nhất – tình yêu thiên nhiên. Một số người thích đi dạo, dã ngoại, bơi xuồng hay các hoạt động ngoài trời. Một số khác tìm cách dành nhiều thời gian ở giữa thiên nhiên. Họ tìm những việc có thể làm ở ngoài trời như người quản lý công viên, nhà sinh vật học nghiên cứu động vật trong môi trường sống của chúng, hay nhà thiết kế cảnh quan tạo ra những khu vườn đẹp cho mọi người.

Những người yêu thích thiên nhiên có thể dành thời gian khám phá, tìm hiểu và truyền đạt cho người khác về những nơi mọi người không được thấy tận mắt như Bắc Cực hay rừng rậm Amazon. Có những người đã dành cả cuộc đời để đi du lịch và thám hiểm thế giới tự nhiên – đi thuyền vòng quanh thế giới, đạp xe dọc bờ biển Nam Mỹ, bơi xuồng quanh vùng Hồ Lớn hay leo lên đỉnh Himalayas. 

Không phải tất cả mọi người đều có cơ hội thám hiểm tự nhiên. Mối liên hệ với thế giới tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày của bạn cũng dần mất đi. Ngày càng có nhiều người sống ở thành phố và các vùng ngoại ô. Với tốc độ phát triển chóng mặt của các đô thị hiện nay, phần lớn đất đai sử dụng làm nông trang hay các khu đất hoang dã (các bãi chăn thả trâu bò và đồng cỏ) đã được thay thế bằng những khu nhà cao tầng, siêu thị và nhà máy. Ngày càng có ít người sống ở các nông trang hay trang trại chăn nuôi gia súc, hầu hết mọi người không còn nuôi trồng và giết mổ để lấy thịt nữa. Thay vào đó, họ mua rau quả ở các cửa hàng rau xanh. Và như vậy, cũng không có gì quá ngạc nhiên khi nhiều người mất liên hệ với thế giới tự nhiên theo nhịp sống từng ngày.

Điều này dẫn đến một loại trí thông minh thiên nhiên phụ và tôi gọi là “trí thông minh sinh thái”. Đó là ước muốn được quan tâm đến những khu vực tự nhiên, một số loài sinh vật đang dần biến mất trong thế giới hiện đại. Những người có trí thông minh sinh thái đang tìm cách bảo vệ môi trường và giữ gìn cho thế hệ sau.

 Có thể trí thông minh sinh thái là địa hạt để trí thông minh thiên nhiên thật sự phát triển. Bạn có thể dành sự quan tâm đến một cuộc vận động tái chế, chương trình loại bỏ rác thải hay nỗ lực bảo vệ động vật và những loài đang có nguy cơ tuyệt chủng trong khu vực. Hoặc nghiên cứu để tìm cách dọn những rác thải độc hại ra khỏi thành phố hay nỗ lực để cứu các đại dương và rừng nguyên sinh trên thế giới. Nếu bạn vẫn đang làm những việc này, thì có thể bạn chính là “thiên thần của trái đất”  một người yêu hành tinh này và muốn cứu nó khỏi bàn tay của sự tàn phá.

Bạn có thể chăm sóc môi trường dù đang sống ở đâu. Dưới đây là một số cách:

• Tái chế. Có rất nhiều rác được thải ra mỗi năm. Bạn và gia đình có thể góp sức bằng cách mua những sản phẩm ít sử dụng bao bì và tái sử dụng những sản phẩm như giấy, hộp và chai lọ,… Bạn sẽ thấy ngạc nhiên bởi những thứ có thể tái sử dụng dễ dàng và cách thức sử dụng chúng. Quần áo, sách vở, đồ đạc và nhiều thứ khác có thể tái sử dụng bằng cách chuyển chúng cho những người cần dùng. Hoặc quyên góp những thứ này cho các tổ chức quản lý, cửa hiệu bán đồ từ thiện để gây quỹ hay cho những trại tị nạn của người vô gia cư và phụ nữ. Nếu bạn từng mặc những chiếc quần áo của anh chị để lại, bạn đã góp phần vào việc tái sử dụng.

• Sửa chữa và sử dụng lại đồ đạc. Xem xét kỹ trước khi vứt bỏ một thứ đồ đạc nào đó. Liệu nó còn có thể sửa chữa được không? Nó có thể được sử dụng lại hay tặng cho người khác không?

• Hãy hành động ở ngay khu vực bạn sinh sống. Có nhiều vấn đề về môi trường mà bạn có thể tham gia và tìm hiểu, từ việc cứu khu đầm lầy đến việc khởi động chương trình tái chế ở trường học và còn có nhiều việc nữa cần bạn góp sức.

• Hành động trên phạm vi toàn cầu. Tất cả những việc làm gây tổn hại đến môi trường ở bất cứ đâu đều có tác động xấu đến những nơi khác trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là, những vấn đề ở khu vực lân cận không còn là vấn đề của riêng khu vực đó nữa. Hãy nhận thức về những vấn đề của thế giới qua tin tức và các tài liệu khác. Nhiều tổ chức môi trường có trung tâm trên toàn cầu và là những nơi rất thuận lợi để bạn tìm hiểu về các vấn đề quan trọng, gửi đơn kiến nghị có chữ ký tham gia của nhiều người, và tìm thấy người có chung mối quan tâm với bạn.

CHĂM SÓC CÂY XANH

Bạn sở hữu một “ngón tay xanh” – hay năng khiếu thiên bẩm về trồng cây, hãy thể hiện điều đó với việc chăm sóc những sinh vật đang phát triển. Bạn có thể trồng hoa trong bồn treo trên cửa sổ hay trồng khoai tây trong thùng đặt trên sân thượng, trồng và chăm sóc một vườn rau trong sân hay một khu vườn lớn. Hoặc là thành viên trong gia đình hay trong lớp học đảm nhận việc tưới nước và chăm sóc cây cối quanh nhà hay quanh lớp học. 

Trí thông minh thiên nhiên giúp người trồng cây biết mỗi loài cây cần bao nhiêu ánh sáng, nước và phân bón. Ngoài những hiểu biết về việc chăm sóc cây cối, người có trí thông minh thiên nhiên còn có “cảm nhận xanh” đối với những sinh vật sống, giúp họ có được sự chăm sóc đặc biệt đối với mọi thứ họ trồng.

Thậm chí, nếu không có “ngón tay xanh”, bạn vẫn có thể yêu thích cây cối và học được cách trồng cây. Nếu bạn sống ở thành phố, bệ cửa sổ sẽ là nơi lý tưởng để trồng hoa và rau. Bạn có thể sử dụng rau do mình trồng để nấu nướng. Nếu có một khu vườn nhỏ, bạn có thể trồng mọi thứ. Những loài hoa lớn hơn như hướng dương và rau như khoai tây, hồ tiêu và rau diếp rất dễ trồng. 

Nếu phát hiện thấy bản thân thích trồng những loài cây cơ bản, bạn nên mở rộng khu vườn và trồng bất cứ loài cây nào có hứng thú: đậu xanh, đậu Hà Lan leo, dâu tây trồng trong bình gốm, hay bí ngô để làm đèn ma. Bạn sẽ học được những điều thú vị từ mỗi loài cây và khi đó trí thông minh thiên nhiên của bạn sẽ càng phát triển. 

Sau khi đã trồng nhiều loài cây ăn trái và rau, bạn sẽ làm gì tiếp theo? Hãy thưởng thức chúng! Không gì tuyệt hảo bằng những củ khoai tây bạn tự trồng hay những quả mâm xôi tươi ngon hái từ mảnh vườn của bạn. Vì thế, nếu thích trồng rau củ cho người thân và bạn bè, bạn cũng có thể học cách chuẩn bị một bữa ăn. Nhiều người có trí thông minh thiên nhiên cũng là những đầu bếp tài ba. Hãy tưởng tượng việc chế biến nước xốt hay cảm giác trộn salát bằng các loại rau và quả bạn trồng. Khi đó bạn sẽ được trải nghiệm một cảm giác thú vị – và bản thân bạn cũng như bạn bè, người thân sẽ đánh giá cao “thành quả lao động” của bạn. 

CHĂM SÓC VẬT NUÔI

Nếu yêu động vật, bạn là người có trí thông minh thiên nhiên. Có thể bạn chưa từng nghĩ như vậy và cũng chưa nhận ra rằng chăm sóc động vật là một dạng của trí thông minh, nhưng đó là sự thật. 

Bằng nhiều cách khác nhau mà động vật có thể trở thành một phần trong cuộc sống của bạn. Nếu sống ở một trang trại, bạn và gia đình có thể làm những công việc sử dụng đến sức của động vật, huấn luyện chúng hay nuôi để lấy thịt. Bạn quan tâm đến động vật và thể hiện điều đó bằng cách tham gia tình nguyện các hội chăm sóc vật nuôi, dắt chó đi dạo hay nô đùa với những chú mèo. Hoặc bày tỏ tình yêu của mình đối với động vật bằng cách ăn kiêng (không ăn thịt và cá), chăm sóc vật nuôi trong gia đình, nhận nuôi những con vật bị lạc, hay cứu chữa những con vật bị thương. Bất kể là bạn đang chăm sóc, huấn luyện hay chỉ đơn giản là tìm hiểu về chúng, bạn cũng đang thể hiện các kỹ năng của trí thông minh thiên nhiên. 

Nếu yêu động vật, bạn có thể nuôi một hoặc nhiều con vật như chó và mèo, chuột đồng và chuột nhảy, cá hay một chú ngựa con, hoặc những con vật ít gặp hơn như thằn lằn, nhện. Nuôi và chăm sóc các con vật là một trong những cách phổ biến nhất để mọi người thể hiện tình yêu đối với động vật. Khi chăm sóc vật nuôi, bạn sẽ chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của chúng, cho chúng ăn, tắm rửa và đi dạo. Ngoài ra, bạn phải đảm bảo hộp đựng phân hay chỗ ở của chúng sạch sẽ; dành thời gian chơi đùa và âu yếm vuốt ve chúng. Nếu không thể có một vật nuôi của riêng mình, có thể bạn sẽ thấy thích thú khi chơi đùa với những vật nuôi của bạn bè hay chăm sóc thú nuôi trong lớp học.

Một số người có mối quan hệ với động vật tốt hơn so với người khác. Có thể bạn là một trong số đó, bạn hiểu được hành vi của những con vật xung quanh hay học cách giao tiếp với chúng. Monty Roberts, một người được biết đến với khả năng nói chuyện cùng ngựa, đã cưỡi ngựa và làm việc với chúng từ khi còn là một đứa trẻ. Khi Monty bảy tuổi, ông đã nhận ra những cách thức giao tiếp của loài ngựa. Ông bắt đầu học cách giao tiếp với chúng theo cách chúng vẫn thường làm với nhau – sử dụng những động tác và chuyển động cơ thể tương tự chúng. Những nỗ lực của ông đã mang lại kết quả và ông trở thành một người nổi tiếng với khả năng thuần hóa dễ dàng những chú ngựa bất kham.

Nhiều người làm việc gần gũi với động vật như bác sỹ thú y, người huấn luyện thú, nhà khoa học,… dường như họ có khả năng giao tiếp đặc biệt với chúng. Jane Goodall là nhà khoa học đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu về loài tinh tinh châu Phi. Bà đã sống cạnh và nghiên cứu một nhóm tinh tinh trải qua nhiều thế hệ, học được ngôn ngữ cử chỉ và chứng kiến những hành động của chúng mà chưa một người nào từng biết đến. Bà đã ở cạnh chúng lâu đến nỗi có thể suy nghĩ theo cách của chúng. Hiện tại, bà đi khắp nơi trên thế giới, thăm các trường học và nói chuyện với trẻ em về tầm quan trọng của việc bảo tồn môi trường sống cho loài tinh tinh và nhiều loài động vật khác thoát khỏi thảm họa gây ra bởi những kẻ săn trộm, nông dân và các nhà phát triển đô thị.

Việc chăm sóc vật nuôi không chỉ giới hạn trong các loài sống trên cạn. Người huấn luyện thú làm việc gần gũi với các loài sống dưới nước như cá heo, sư tử biển đã sản xuất các chương trình giải trí phức tạp và hấp dẫn trong các công viên nước. Tất cả các loài thú này trở nên nổi bật bởi sự thông minh, tính hiếu kỳ và khả năng giao tiếp. 

Đặc biệt, cá heo và cá voi còn được nhiều người biết đến với khả năng giao tiếp của chúng. Nhiều nhà khoa học và hải dương học đã nghiên cứu những âm thanh sinh học hay âm thanh các loài vật sử dụng để giao tiếp với nhau. Họ tiến hành quan sát nhiều loại cá voi và cá heo để tìm hiểu cách thức chúng giao tiếp với nhau giữa các nhóm, hay trong một nhóm gia đình và xã hội. Thậm chí, họ còn cố gắng đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Liệu cá heo và con người có thể giao tiếp với nhau hay không? Có nhiều cách để một người có trí thông minh thiên nhiên có thể biến tình yêu đối với sinh vật sống thành những nghề nghiệp rất thú vị – một ngày nào đó, bạn cũng có thể làm như vậy.

Dù đang sống ở thành phố hay nông thôn, bạn đều có những trải nghiệm đáng nhớ với thiên nhiên: nuôi một con vật, đi bắt côn trùng, đào đất hay xây lâu đài cát trên biển, hái những bông hoa, gieo hạt và quan sát chúng lớn lên. Có rất nhiều cách để có trí thông minh thiên nhiên và chúng cũng nhiều như những thứ có trong tự nhiên vậy.

Khi bắt đầu đi sâu khám phá trí thông minh thiên nhiên, bạn sẽ quan tâm tới những vì sao hay thời tiết. Hoặc có thể bị thu hút bởi mặt đất dưới chân bạn, với các loại đá, khoáng sản và hóa thạch. Bạn có thể thấy thích thú với sông hồ và đại dương, với tất cả những sinh vật sống và phát triển trong đó. Hãy thỏa sức khám phá và tìm hiểu với trí thông minh thiên nhiên. Cả thế giới là của bạn. 

Một Số Cách Thức Thú Vị Giúp Phát Triển Trí Thông Minh Thiên Nhiên

Dưới đây là một số cách thức có thể giúp bạn phát huy và tận hưởng trí thông minh thiên nhiên. Hãy thử bất cứ hoạt động nào bạn thấy hứng thú, bất kể bạn nghĩ trí thông minh thiên nhiên của mình như thế nào.

1. Chú ý đến thiên nhiên ở quanh bạn. Có thể đó chỉ là việc ngắm nhìn một đàn kiến đang làm việc chăm chỉ, ghi chép về các loài hoa hay rau mọc trong vườn, cảm thấy thích thú khi quan sát những tán lá trong công viên đang đổi màu vào mùa thu, hay nghiên cứu một hệ sinh thái cực kỳ phức tạp  ví dụ, sân sau nhà bạn. 

2. Trồng một loài cây nhỏ và quan sát nó phát triển. Bạn có thể trồng một cây hoa, cây ớt hay bất cứ loài cây nào bạn thích. Hãy chú ý đến các giai đoạn phát triển khác nhau của nó. Nó phát triển có nhanh không? Cần bao nhiêu nước? Có thích nhiều ánh sáng không? Và những nhân tố này có thay đổi khi nó lớn hơn không? 

3. Nằm trên thảm cỏ và ngắm nhìn bầu trời. Chú ý đến những đám mây lơ lửng trên bầu trời vào một buổi chiều có nắng. Chúng có hình mảnh mai và theo đường kẻ? Hay trắng mịn màng? Chúng đứng yên hay trôi theo gió? Bạn có thể dự đoán gì về thời tiết? Liệu trời có vẻ như sắp mưa?

4. Ngắm nhìn bầu trời trong một đêm quang đãng. Hãy quan sát xem bầu trời về đêm có màu gì. Bạn sẽ thấy các vì sao và thậm chí cả các hành tinh. Sao Kim và Sao Hỏa là các vì sao có thể nhìn rõ nhất, bạn sẽ thấy chúng xuất hiện ở cuối đường chân trời. Hãy quan sát mặt trăng và xem đang ở tuần trăng nào, trăng tròn, trăng khuyết hay đang dần tròn. Bạn có thể sẽ nhìn thấy sao băng, nhất là trong những đêm trời tối. Nếu bạn sống ở thành phố, có thể ban đêm sẽ quá sáng để thấy được các vì sao. Nếu vậy, bạn có thấy được thứ gì khác không? Các hành tinh? Trực thăng? Hay ánh đèn điện của các tòa nhà? 

5. Nếu bạn thích ngắm sao, hãy tìm hiểu các chòm sao. Chòm sao là một nhóm gồm các vì sao có hình dạng giống các vật thể (chòm Đại hùng), động vật (chòm Kim ngưu) hay con người (chòm Song sinh). Hầu hết các chòm sao đều gắn liền với những câu chuyện (đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau) giải thích về sự ra đời của chúng. Hãy thử nhận dạng các chòm sao trong đêm và tạo ra bầu trời của riêng bạn trên trần nhà phòng ngủ với các vì sao phản quang. Hoặc tạo ra một mô hình vũ trụ đơn giản bằng cách đục lỗ trên giấy xây dựng màu đen theo hình dạng các chòm sao, sau đó lắp đèn nháy vào và dán chúng lên trần nhà trong phòng tối. Có thể bạn sẽ muốn ngắm nhìn các chòm sao của riêng mình và viết nên những câu chuyện về chúng.

6. Trồng một bồn cây nhỏ. Nếu nhà bạn không có sân, hãy cố gắng trồng một bồn hoa hay dược thảo trên bệ cửa sổ. Sau đó, lên kế hoạch, đào lỗ, trồng, chăm sóc và thu hoạch khu vườn ở nhà bạn hay trường học. Nếu nhà bạn có một khu vườn lớn, hãy trồng một mảnh nhỏ của riêng mình.

7. Trồng một khu vườn với nhiều loài hoa và cây trái. Hãy bắt đầu với bạn bè đồng trang lứa và người lớn trong khu vực nhà bạn. Bạn có thể phải dọn dẹp và sửa sang khu đất trước khi trồng một thứ gì đó. Khu vườn đó có hoa, rau, cây ăn quả hay dược thảo – bất cứ loài cây nào mà các thành viên của khu vườn muốn trồng. 

8. Ngắm nhìn các loài chim. Chuẩn bị ống nhòm và tới một khu rừng gần nhà hay gần trường để quan sát các loài chim. Hãy mang theo sách hướng dẫn để có thể nhận dạng các loài chim lạ.

9. Theo dõi các chương trình truyền hình về thiên nhiên. Thế giới động vật, Những nhà vô địch trong thiên nhiên hoang dã, Chân dung cuộc sống… là những chương trình rất thú vị. Nếu nhà bạn có kết nối với truyền hình cáp, thì Discovery Channel (Kênh khám phá), Learning Channel (Kênh học tập) và Animal Planet (Hành tinh động vật) là những kênh truyền hình phù hợp để tìm các chương trình về thế giới tự nhiên. Nếu có thể, hãy xem các chương trình này cùng người thân, bạn bè và thảo luận về những vấn đề được đề cập trong các chương trình đó. 

10. Đọc sách và tạp chí về thiên nhiên. Hãy tìm sách viết về các loài động vật, khủng long hay rừng rậm,… Có thể bạn sẽ thích đọc sách viết về cuộc đời của các nhà tự nhiên học nổi tiếng như John Muir, Rachel Carson, Charles Darwin, George Washington Carver và John Goodall. Một số tạp chí hay bạn có thể kiểm nghiệm là Rừng xanh, Con người và Thiên nhiên, Kiến thức Ngày nay… hay bất cứ tạp chí nào viết về thiên nhiên.

11. Tham gia một tổ chức môi trường. Bạn có thể làm việc với một tổ chức địa phương về các vấn đề quan trọng đối với khu vực bạn sống hoặc tham gia tổ chức chuyên giải quyết các vấn đề quốc gia hay quốc tế. Tất cả các tổ chức như Greanpeace (Hòa bình Xanh), The Serria Club (Câu lạc bộ Sierra), Earth Island Institute (Tổ chức quốc tế quan tâm và bảo vệ cá heo) và World Wildlife Fund (Quỹ Động vật hoang dã thế giới) hoạt động vì một loạt các vấn đề về môi trường, từ ô nhiễm đến việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu để bảo vệ các loài sinh vật đang có nguy cơ tuyệt chủng và môi trường sống.

12. Tham gia tình nguyện ở trường học hay một dự án cộng đồng “xanh”. Bạn có thể tham gia hoạt động trong một chương trình tái chế ở cấp cộng đồng, nâng cao nhận thức về việc bảo tồn các khu rừng nhiệt đới hay mỏm đá san hô, trồng cây, trao đổi với học sinh trên toàn thế giới về những vấn đề môi trường ở địa phương họ, hay nghiên cứu về các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng.

13. Chăm sóc vật nuôi. Hãy là người chịu trách nhiệm nuôi và chăm sóc vật nuôi trong nhà hoặc ở trường. Bạn cho chúng ăn uống, đi dạo, đổ phân hay lau rửa lồng. Chăm sóc vật nuôi có nhiều việc và nhiều trách nhiệm hơn bạn nghĩ không? Sau một khoảng thời gian chăm sóc chúng, bạn có biết thêm nhiều điều về loài vật nuôi đó không?

14. Xây dựng hệ sinh thái của riêng bạn. Hãy đặt bể cá, nhà kính, tổ kiến hay bất cứ hệ sinh thái nào có thể di chuyển được. Bạn sẽ phải học nhiều điều về việc xây dựng một hệ sinh thái, bất kể là lớn hay nhỏ. Mỗi một loài cây nhỏ, loài vật hay côn trùng đều đóng một vai trò nhất định. Nếu bạn có thể xây dựng một hệ sinh thái ở nhà, hãy trao đổi với giáo viên và coi đó như một đề tài khoa học theo chương trình học. 

15. Tìm hiểu về một loài động vật. Chọn một loài vật bạn yêu thích, ví dụ như chó, mèo, lợn, báo trắng, gấu túi hay linh dương châu Phi. Hãy tìm hiểu càng nhiều thông tin về loài thú đó càng tốt. Nếu đó là vật nuôi trong nhà, bạn có thể tìm hiểu về các giống khác nhau, nguồn gốc và cách chúng đã được thuần hóa. Nếu là loài thú thuộc một nơi mới lạ, hãy tìm hiểu về môi trường sống của chúng, loài đó có bị liệt vào danh sách các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng không và tại sao, vai trò của chúng trong hệ sinh thái.

16. Tham quan bảo tàng lịch sử tự nhiên, vườn bách thú, hồ cá hay vườn ươm. Đó là những nơi rất thú vị để bạn tìm hiểu về thế giới tự nhiên. Bảo tàng là nơi quản lý những chương trình giáo dục đặc biệt về các loài cây và thú ở địa phương, quan sát thiên văn cùng nhiều nội dung khác.

17. Quan sát mặt đất. Bạn có thể học hỏi được nhiều điều về nơi mình đang sống, như bụi và đá. Bạn sẽ tìm thấy nhiều loại khoáng sản khác nhau, thậm chí cả hóa thạch. Hãy đọc sách địa lý về nơi bạn sống, tìm kiếm các mẫu đá, khoáng sản và nhiều thứ khác. Nếu bạn thật sự có hứng thú, hãy sưu tầm các loại đá và tham khảo sách hướng dẫn về chúng để nhận diện những gì vừa sưu tầm được. 

18. Hòa mình vào thế giới tự nhiên. Nếu có thể, bạn nên đi cắm trại hoặc thực hiện một chuyến đi bộ đường dài. Hãy tận dụng cơ hội để học hỏi những điều mới lạ về thế giới tự nhiên. Sau đó, làm một cuốn nhật ký thế giới tự nhiên về những điều bạn đã học được, phác thảo hay chụp ảnh cây cối, động vật và kết cấu tự nhiên theo các mục nhật ký. 

19. Sưu tầm. Các loại côn trùng, lá cây, hoa và đá là những thứ thú vị để bạn sưu tầm. Bạn có thể ép hoa, lá và cất giữ chúng trong cuốn sổ sưu tập. Nếu bạn không muốn làm chết những con côn trùng, hãy cho chúng vào những chiếc lọ có lỗ thông khí, sau đó thả chúng vào buổi chiều hoặc tối. Bạn có thể tìm hiểu về bất cứ thứ gì mình thích bởi luôn có sách hay các câu lạc bộ bàn luận về chúng. Nhưng hãy nhớ một điều, khi sưu tầm, bạn có thể sẽ làm tổn thương đến môi trường bởi có một số thứ sẽ tốt hơn nếu để chúng ở trong tự nhiên. 

20. Học cách nấu ăn. Có nhiều điều thú vị bạn có thể học; và việc nấu ăn sẽ càng thú vị hơn nếu bạn sử dụng rau quả tự tay trồng lấy.

Bạn Phải Làm Gì Khi Chưa Cảm Thấy Tự Tin Với Các Kỹ Năng Của Trí Thông Minh Thiên Nhiên?

Có thể những con thú khiến bạn lo lắng, việc đi cắm trại làm bạn nôn nao khó chịu, thậm chí cây cối cũng dường như rủ xuống khi bạn đi qua. Điều đó không có gì tồi tệ cả vì bạn có thể trau dồi trí thông minh thiên nhiên ở bất cứ nơi đâu.

Điều quan trọng nhất bạn có thể làm để phát triển trí thông minh thiên nhiên là hãy quan sát nhiều hơn. Chú ý tới mọi thứ xung quanh. Ngước lên bầu trời, ngắm nhìn các vì sao, những đám mây và xem góc độ mặt trời thay đổi như thế nào theo mùa. Hãy nhìn xuống mặt đất và chú ý tới những viên đá, màu sắc của bụi bặm, hay các loại côn trùng. Thế giới tự nhiên là nơi cư trú của tất cả các loài muông thú, chim chóc, cây cối và hoa lá để bạn quan sát. Thiên nhiên ở khắp mọi nơi, trong đó có nhiều thứ tạo nên môi trường của riêng bạn.

Quan sát tỉ mỉ không chỉ giúp bạn nâng cao trí thông minh thiên nhiên, mà còn có thể viết ra các ý tưởng nếu bạn là người có trí thông minh ngôn ngữ; truyền cảm hứng nghệ thuật nếu bạn là người có trí thông minh không gian; khơi nguồn ý tưởng về các thí nghiệm khoa học nếu bạn là người có trí thông minh logic. Và đó chỉ mới là một số khía cạnh nhỏ. Vì vậy, việc quan sát kỹ lưỡng những thứ bạn nhìn thấy sẽ có lợi, bất kể trí thông minh tốt nhất bạn có là gì chăng nữa.

Và bạn luôn có thể sử dụng trí thông minh mạnh nhất hoặc bạn cảm thấy tự tin nhất để phát triển trí thông minh thiên nhiên.

Sau đây là bảy cách thức để đạt được điều đó:

• Nếu bạn có trí thông minh ngôn ngữ: Hãy tiếp cận gần hơn với thiên nhiên bằng cách đọc sách về thiên nhiên hay những câu chuyện viết về các loài thú. Khi đọc lướt toàn bộ cuốn sách, hãy để ý xem môi trường tự nhiên đã tác động đến câu chuyện như thế nào. Nếu bạn muốn viết một câu chuyện, bài thơ hay vở kịch, hãy lấy thiên nhiên hay những vấn đề về môi trường làm chủ đề. Có một cách rất hay để bạn bắt đầu là mang theo một cuốn sổ nhỏ khi đi dạo và viết về những thứ bạn thấy xung quanh mình. 

• Nếu bạn có trí thông minh âm nhạc: Lắng nghe những bản nhạc của tự nhiên như tiếng gió thổi, chim hót hay tiếng ôtô chạy vụt qua. Thật tuyệt vời bởi những âm thanh đó chứa đựng cả một thế giới cảm hứng cho bài hát hay bản hòa âm của bạn. Và bạn có thể bắt đầu với việc sáng tác ca khúc về môi trường xung quanh. 

• Nếu bạn có trí thông minh logic: Hãy tìm những mẫu hình, con số và logic trong tự nhiên. Ví dụ, trước khi đi dạo bạn thử đoán xem mình sẽ thấy bao nhiêu thứ (vòi cứu hỏa, những con chó hay cây bồ công anh). Một cách nữa để tìm kiếm các mẫu hình là tìm những vật có dạng hình học trong môi trường tự nhiên. Thiên nhiên cũng đem lại cho bạn những cơ hội để áp dụng trong các tình huống thực tế. Ví dụ, bạn có thể đoán xem có bao nhiêu quả ớt trong vườn, nếu bạn cần một ít để làm bánh pizza hay tính toán xem cây cao bao nhiêu nếu nó có nguy cơ đổ xuống những trang thiết bị trên sân chơi gần đó.

• Nếu bạn có trí thông minh không gian: Hãy sử dụng những nguyên liệu của tự nhiên để tạo nên các tác phẩm nghệ thuật. Lá cây, hoa, vỏ hạt và lông chim là những thứ bạn có thể sử dụng. Bạn cũng có thể kết hợp tất cả những nguyên liệu này hoặc sử dụng riêng lẻ để hoàn thành tác phẩm. Hãy vẽ bằng bút lông chim hay làm những “con tem thiên nhiên” bằng lá cây, đá hoặc rau quả. Thiên nhiên là một nguồn ý tưởng nghệ thuật phong phú, vì thế hãy thử nghiệm với việc phác thảo, vẽ màu nước hay vẽ chì những vật bạn quan sát trong thế giới tự nhiên. Ví dụ, hãy quan sát thật kỹ một bông hoa, một con côn trùng hay vết nứt trên vỉa hè và sáng tạo lại theo phong cách nghệ thuật của riêng bạn. 

• Nếu bạn có trí thông minh vận động cơ thể: Hãy đi bộ, chạy, trượt patanh hay đạp xe qua nhà hàng xóm, công viên thành phố hay sang vùng khác một mình, cùng gia đình hay bạn bè. (Phải đảm bảo là bạn biết những thiết bị gì được phép sử dụng trên đoạn đường này). Thật thú vị nếu tham quan một nơi bạn chưa từng ghé qua hay một vùng đất tự nhiên. Hãy chia sẻ những ấn tượng của bạn và tìm xem những thứ mọi người đang quan sát có giúp bạn chú ý đến nhiều thứ hơn không. Sau đó, bạn nên kể lại những điều đã thấy.

• Nếu bạn có trí thông minh tương tác cá nhân: Bạn có thể kết hợp tình yêu con người với thiên nhiên bằng cách tận hưởng thế giới tự nhiên cùng người khác (dù nơi đó ở trong rừng, gần biển, trong một thành phố hay ở miền quê). Nó mang lại một cảm giác rất thú vị. Với một chuyến dã ngoại cùng gia đình ra vùng ngoại ô hay trong công viên thành phố, bạn sẽ có cảm giác được hòa mình vào thiên nhiên. Đi bộ đường dài hay đi dạo cùng bạn bè cũng là cách để bạn tận hưởng thiên nhiên. Nếu bạn muốn tìm hiểu về nơi mình sống và con người nơi đây, hãy nói chuyện với hàng xóm và nhiều người khác nữa. 

• Nếu bạn có trí thông minh nội tâm: Thiên nhiên là không gian tuyệt vời để bạn suy ngẫm về những điều quan trọng đối với cuộc sống của mình. Vì vậy, hãy đi dạo và suy ngẫm những vấn đề của bản thân trong một khu rừng, ở miền quê hay vùng ngoại ô. Bạn có thể học được nhiều điều về bản thân và thế giới xung quanh. Hãy quan sát và ghi nhớ bằng tất cả các giác quan – bạn nhìn, nghe, nếm thấy gì và có cảm nhận gì? Hãy mang theo cuốn nhật ký hay vở nháp để ghi lại suy nghĩ của bạn về thế giới tự nhiên và những gì bạn thấy. 

Điều Gì Xảy Ra Nếu Bạn Có Trí Thông Minh Thiên Nhiên Thiên Bẩm?

Có thể bạn là một người ăn chay từ lúc sáu tuổi, chăm sóc những vật nuôi trong gia đình và tái sử dụng những gì có thể tái sử dụng. Ngoài ra, bạn còn làm những gì khác nữa? Bạn có thể học hỏi từ những sự nghiệp bảo vệ môi trường trên toàn thế giới và tận dụng cơ hội được tham gia tình nguyện các tổ chức ở nơi bạn đang sống. Hãy lôi cuốn mọi người cùng tham gia và nâng cao nhận thức của họ. Ví dụ, bạn có thể tổ chức một ngày dọn vệ sinh để thu gom rác, lau chùi các bức vẽ nghệ thuật, trồng cây, trồng hoa. Hãy trao đổi với nhà trường về việc trồng một vườn rau trong trường. Khu vườn có thể sẽ là một đề tài khoa học của lớp và các loại rau quả sẽ hiến tặng cho kho thực phẩm địa phương hay những người vô gia cư. 

Dưới đây là một số ý tưởng về trí thông minh thiên nhiên bạn có thể sử dụng để hiểu và phát triển các loại hình trí thông minh khác ở trường học cũng như trong cuộc sống.

• Đối với trí thông minh ngôn ngữ: Nâng cao nhận thức của bạn về sự nghiệp bảo vệ môi trường bằng cách thuyết trình trước lớp, viết thư cho tòa báo hay phản đối những vi phạm về môi trường. Bạn có thể sử dụng các kỹ năng của trí thông minh thiên nhiên để khám phá thế giới tự nhiên bằng cách viết hay đọc truyện mô tả những nét đặc trưng của thiên nhiên hay về các loài vật. Rất nhiều nhà thơ đã tìm thấy nguồn cảm hứng từ thiên nhiên và bạn cũng có thể làm như vậy. Nếu bạn đã ghi nhật ký, hãy chú ý đến những suy nghĩ và ý tưởng về mọi thứ bạn quan sát được trong thế giới tự nhiên và đem lại sự thích thú. 

• Đối với trí thông minh âm nhạc: Có thể bạn từng nghe nhạc giữa thiên nhiên, vậy hãy thử nghe tiếng vọng của thiên nhiên lắng trong âm nhạc. Nhạc điệu trong bản nhạc có gợi cho bạn nhớ đến tiếng mưa tí tách trên các đám lá không? Tiếng sáo flute nghe giống như bản hòa âm của những chú chim phải không? Hay một bản solo piano nghe như tiếng nước róc rách qua khe đá? Nhiều nhạc cụ và bản nhạc được truyền cảm hứng từ những âm thanh có trong tự nhiên. Bạn có thể tìm ra nguồn cảm hứng của những nhạc cụ đó không? Hãy để thiên nhiên truyền cảm hứng cho bạn viết những bản nhạc bằng các nhạc cụ tự chế, ví dụ: hộp đàn với những thanh gỗ và đá, hay cốc đựng nước.

• Đối với trí thông minh logic: Hãy đặt ra câu hỏi và tìm câu trả lời về thế giới tự nhiên. Các kỹ năng quan sát sẽ giúp bạn giải quyết nhanh chóng các bài toán hóc búa, ngược lại vấn đề lý luận hay thí nghiệm khoa học cũng rất hữu ích trong việc khám phá thế giới tự nhiên. Thực tế, có nhiều nhà khoa học dựa vào cả trí thông minh logic và trí thông minh thiên nhiên để tiến hành các nghiên cứu. Vì vậy, hãy thực hiện một đề tài đặc biệt trong các giờ học môn khoa học như sinh học, thực vật học, động vật học, côn trùng học,… Hoặc bạn cũng có thể kết hợp toán học và logic với thế giới tự nhiên bằng cách tìm các ví dụ về toán học và mẫu vật liệu có trong thiên nhiên, sau đó nghiên cứu hay kết hợp với lý luận để giải thích những gì bạn thấy. 

• Đối với trí thông minh không gian: Chú ý đến những điều bạn thấy trong thế giới tự nhiên – màu sắc, mẫu chất liệu và kết cấu bề mặt. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên với những gì nhìn thấy. Bạn có thấy những tác phẩm nghệ thuật trong tạo hóa không? Những gì quan sát được có thúc đẩy bạn sáng tạo các tác phẩm nghệ thuật từ thiên nhiên không? Hãy sử dụng những thứ sẵn có trong thế giới tự nhiên để luyện tập các kỹ năng của bạn – vẽ chú mèo hay một bông hoa, lập một mô hình về nơi bạn thích giữa thiên nhiên. 

• Đối với trí thông minh vận động cơ thể: Hãy bước ra ngoài thiên nhiên để tập một số bài thể dục như đi bộ đường dài, đạp xe đạp, trượt patanh hay đi dạo. Trong khi thực hiện các bài thể dục đó, hãy chú ý đến những thứ xung quanh và xem thiên nhiên lôi cuốn các giác quan của bạn như thế nào – tiếng chim hót, hương thơm của hoa, hay cảm nhận đất giữa các ngón chân. Cũng có những cách khiến bạn trở nên năng động với thiên nhiên hơn như đào vườn, huấn luyện một chú chó, dọn dẹp công viên bạn thường chơi đùa hay chạy thể dục. 

•  Đối với trí thông minh tương tác cá nhân: Bạn có thể sử dụng những thứ quan trọng nhất đối với bản thân – động vật, môi trường, làm vườn – để vươn tới những thứ khác. Tình nguyện tham gia các hoạt động cùng người khác để đấu tranh cho sự nghiệp bảo vệ môi trường là cách hay để bạn bắt đầu. Bạn cũng có thể tổ chức cho bạn bè dọn dẹp sân trường hay công viên ở địa phương. Nếu bạn yêu động vật, hãy tham gia chương trình chuyển những con thú bị thương tới bác sỹ thú y để điều trị. Việc làm này giúp bạn trở nên gần gũi hơn với vật nuôi cũng như gặp gỡ được nhiều người quan tâm đến bạn cũng như vật nuôi của bạn.

• Đối với trí thông minh nội tâm: Hãy sử dụng thiên nhiên để hiểu được những cảm nhận của chính mình. Bạn nên chú ý đến những gì mình cảm nhận được trong lần đi dạo tiếp theo. Có phải bạn đang phân tích những gì mình thấy không? Bạn có ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của tự nhiên không? Nếu bạn thấy hứng thú với thiên nhiên, hãy lập và đạt được mục tiêu về những việc bạn muốn làm để giúp môi trường (tái sử dụng, ăn kiêng, viết thư kêu gọi sự giúp đỡ của mọi người đối với các vấn đề môi trường) hoặc những việc bạn có thể làm để nhận một công việc liên quan đến thế giới tự nhiên (nghiên cứu khoa học, tình nguyện viên ở một bảo tàng lịch sử tự nhiên). 

 Hướng Tới Tương Lai

Bạn có thể làm nghề gì với trí thông minh thiên nhiên? Rất nhiều! Dưới đây là một số ngành nghề bạn có thể lựa chọn:

•  huấn luyện động vật

•  nhà khảo cổ học 

•  nhà thiên văn học 

•  nhà sinh vật học 

•  nhà thực vật học 

•  đầu bếp

•  nhà sinh thái học 

• nhà côn trùng học 

•  luật sư môi trường/sinh thái 

•  thanh tra môi trường

•  nhà khoa học môi trường

•  nông dân 

•  ngư dân

•  nhà khoa học pháp lý

•  nhân viên kiểm lâm/bảo vệ công viên 

•  người gác rừng 

•  người làm vườn 

•  nhà địa lý học 

•  nhà nghiên cứu bò sát (thằn lằn, rắn và cá sấu) 

•  nhà ngư học (nghiên cứu các loài cá)

•  nhà thiết kế phong cảnh

•  nhà sinh học biển 

•  nhà khí tượng học 

•  nhà leo núi 

• nhà tự nhiên học 

•  nhà quản lý tài nguyên thiên nhiên

•  hướng dẫn viên du lịch 

•  nhà nhiếp ảnh thiên nhiên 

•  nhà điểu cầm học (nghiên cứu các loài chim)

•  nhà cổ sinh vật học

•  nhà nhân chủng học

•  thủy thủ

•  chuyên gia bảo vệ thực vật

•  bác sỹ thú y 

•  phụ tá cho bác sỹ thú y 

• nhà nghiên cứu núi lửa 

•  nhà động vật học

•  và rất nhiều ngành nghề khác nữa!

 Luyện Tập Trí Thông Minh Hàng Ngày

Chúc mừng bạn đã đi đến những dòng cuối cùng của cuốn sách này. Tôi hy vọng bạn đã học hỏi được nhiều điều mới mẻ và cảm thấy hứng thú với chúng. Nếu bạn cảm nhận thấy điều đó, hãy nhớ rằng bạn có cả cuộc đời để phát triển, thấu hiểu và tận hưởng các loại hình trí thông minh. Thật tuyệt vời nếu bạn đã bắt đầu khám phá và luyện tập tám loại hình trí thông minh. Điều này sẽ giúp ích nhiều cho bạn khi lớn lên, khi bạn học hỏi ở tuổi vị thành niên và trong cả cuộc đời.

Lĩnh vực bạn giỏi và thích làm ở hiện tại có thể trở thành định hướng cho tương lai. Bạn có thể có trí thông minh ngôn ngữ và yêu thích viết lách. Không những vậy, bạn còn có khả năng quan sát rất tốt (trí thông minh không gian) hay yêu thiên nhiên (trí thông minh thiên nhiên). Bạn có thể trở thành một người viết cẩm nang du lịch hay một nhà văn chuyên viết truyện khoa học viễn tưởng ‒ người tạo ra một thế giới mới cho độc giả thỏa sức khám phá.

Bạn luôn thấy mình có một vài trí thông minh nổi trội, hay cảm thấy tự tin hơn với trí thông minh đó. Một vài trí thông minh có thể phát triển nhanh hơn những trí thông minh khác hoặc bộc lộ tại các thời điểm khác nhau trong cuộc đời. Ví dụ, khi còn nhỏ bạn nghĩ rằng mình không có trí thông minh logic, tuy nhiên khi hai mươi tuổi, bạn có thể làm một công việc thúc đẩy bản thân xây dựng các khả năng của trí thông minh logic. Và bạn không chỉ thấy trí thông minh logic của mình phát triển mạnh hơn, mà còn cảm thấy hứng thú với điều đó nữa!

Trong khi bạn tiếp tục phát triển trí thông minh của mình thì các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu, khám phá nhiều điều hơn về các loại hình trí thông minh khác. Thuyết trí thông minh đa dạng cho rằng có thể còn nhiều loại hình trí thông minh khác chưa được khám phá. (Đồng nghĩa với việc bạn sẽ có nhiều cách để trở nên thông minh hơn!). Ít nhất còn có một loại hình trí thông minh khác sẽ sớm được phát hiện: Trí thông minh hiện sinh ‒ trí thông minh đặt ra những câu hỏi lớn như: “Mục tiêu của cuộc sống là gì?”, “Điều gì sẽ xảy ra sau khi chúng ta chết đi?” Những người thiên về trí thông minh này có thể cảm thấy sự lôi cuốn đối với tôn giáo hay triết học, hoặc thích tìm câu trả lời cho những câu hỏi đó thông qua mỹ thuật, văn học và khoa học. Có thể bạn đã thấy những dấu hiệu này tiềm ẩn bên trong con người mình, ngay khi các nhà nghiên cứu đang tìm kiếm nhiều thông tin hơn về nó. Theo bạn, còn có loại hình trí thông minh nào nữa không?

Tìm hiểu về tất cả các loại hình trí thông minh của bạn là một cuộc thám hiểm lớn – suốt cả cuộc đời. Hãy bắt đầu cuộc hành trình thông minh của riêng bạn!


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.