Nói về thầy trò Bàng Phúc đương ngồi tại thư phòng bàn rằng: “Sáng tới đây là đúng sáu ngày rồi, một ngày nữa thời Bao Công sẽ chết”. Vừa nói tới đó chợt nghe tiếng rầm, miếng kính che cửa sổ vỡ nát ra, có một cái đầu người máu chảy ròng ròng từ ngoài bay vào. Bàng Kiết thất kinh rú lên một tiếng ngã sấp xuống ghế. Một lát không thấy động nữa, thầy trò làm gan bưng đèn lại xem, thời ra là cái thủ cấp của lão đạo sĩ Hình Kiết. Bàng Thái sư nghe chắc là người ở phủ Khai Phong lén qua phá phép, bèn phái người vây bao bốn phía. tìm bắt nhưng không thấy ai, hối hận vô cùng, bèn thu xếp chôn cất đạo sĩ chớ không biết làm sao được. Nam hiệp Triển Chiêu ôm gói hình cây thoát ra hoa viên thẳng tới phủ Khai Phong. Công Tôn Sách và bốn dũng sĩ nghe báo lật đật ra nghênh tiếp. Triển Chiêu hỏi rằng: “Tướng công bệnh trạng thế nào?”. Công Tôn Sách ngẩn ngơ hỏi lại rằng: “Sao ông lại biết được?”. Triển Chiêu nói: “Muốn rõ xin vào trong tôi sẽ nói cho nghe”. Ai nấy vâng lời, vào trong trà nước xong xuôi, Triển Chiêu vừa mở trong gói ra một cái hình người bằng cây vừa hỏi rằng: “Các ông có biết vật này không?”. Công Tôn Sách tiếp lấy xem rồi đưa cho bốn dũng si, không ai hiểu là gì. Công Tôn Sách đem lại bên đèn coi kỹ thấy có chữ biên tên tuổi của Bao Công, liền gật đầu nói với Triển Chiêu rằng. “Tôi hiểu rồi, tôi hiểu rồi, đây là phép yếm ma của bọn đạo sĩ chớ gì?”. Triển Chiêu khen rằng: “Tiên sinh thật đại tài, nên nghĩ không sai“. Các dũng sĩ không hiểu đầu đuôi ra sao, nên xin Nam hiệp thuật lại. Ngay lúc ấy Bao Hưng ở trong đi ra nói rằng: “Tướng công đã tỉnh dậy, đương ngồi ăn cháo, sai tôi ra mời Triển nghĩa sĩ vào”. Công Tôn Sách liền hối Triển Chiêu cùng đi, vào tới thư phòng ra mắt Bao Công rồi ngồi lại chuyện vãn. Bao Công nói rằng: “Bao tôi đã mong nhờ nghĩa sĩ nhiều phen, chưa biết lấy chi đáp tạ, nay lại có việc này, nếu không nhờ nghĩa sĩ cứu cho, thời mạng Bao mỗ đã về chín suối”. Triển Chiêu từ chối rất khiêm nhượng. Công Tôn Sách nhân nói qua việc sai người tới Thường Châu nhưng Nam hiệp không có ở đó. Triển Chiêu nghe vậy liền đáp rằng: “Tôi đây lưu lạc phong trần như cánh bèo, không biết đâu làm chắc, mới nghe tin đại nhân bái tướng, sắp sửa tới chúc mừng, tình cờ tới Thông Chân quán, nghe tin đại nhân lâm bệnh nặng, vội vã đi thâu đêm tới viếng, nay vừa tới nơi, bệnh đại nhân vừa khỏi, thật hồng phúc biết bao “. Bao Công và Công Tôn Sách nghe qua không rõ đầu đuôi, liền hỏi: “Chẳng hay Thông Chân quán ở nơi nào, vì sao nghĩa sĩ lại được tin ở đó?”. Triển Chiêu bèn đem mọi chuyện thuật lại một lượt. Bao Công nghe qua như người mê mới tỉnh, Công Tôn Sách vỗ tay cười rằng: “Như vậy thời án của bà Dương Thị và nhà họ Triệu đã rõ rồi”. Bao Công tiếp rằng: “Phải, người con gái ở am ấy có lẽ con của Dương Thị bị đạo sĩ bắt lén”. Công Tôn Sách nói: “Nếu không phải thì là gì?”. Nói rồi cười xòa.
Bao Công ngồi suy nghĩ một hồi rồi truyền bảo Công Tôn Sách một bản tấu văn lên Thánh thượng, luôn tỏ việc Bàng Kiết dùng tà thuật ám hại đại thần, đem việc giết lão đạo sĩ Hình Kiết và hình người bằng cây làm chứng, đợi tới tan canh sẽ vào triều trình đệ. Bao Công sắp đặt xong xuôi, Triển Chiêu đứng dậy cáo từ, Bao Công liền bảo Công Tôn Sách và bốn dũng sĩ ra ngoài bày tiệc khoản đãi.
Hôm sau Bao Công ăn lót lòng xong, cho người đi bắt Đàm Minh, Đàm Nguyệt và người con gái ở quán Thông Chân, lại cho đòi Dương Thị cùng Triệu Quốc Thạnh tới hầu. Khi mấy người ấy tới phủ, Bao Công liền thăng đường, kêu Đàm Minh lên trước, thấy đạo sĩ ấy tuổi trạc tam tuần, hình dung ốm yếu, coi ra vẻ một người đoan trang, chẳng phải bợm hung ác, liền hỏi rằng: “Mi có phải là Đàm Minh đó chăng, mau đem những việc của mi làm nói lại cho bản quan rõ?”. Đàm Minh cúi đầu thưa rằng: “Tiểu đạo là Đàm Minh, học trò của Hình Kiết, ban đầu có hai thầy trò ở tại quán Thông Chân mà thôi; thường thầy tôi làm nhiều điều ám muội, tôi cản ngăn không được, lại còn bị trách cứ đòn roi, đến nỗi lo rầu thành bệnh. Sau đấy người em họ tôi là Đàm Nguyệt cờ bạc điếm đàng, quẫn bách lắm mới tới thầy tôi vay tiền, ông cụ dỗ thế nào mà nó liền xuất gia, từ khi thầy tôi gặp Đàm Nguyệt rồi, khác nào cọp mọc thêm cánh, cả hai làm lắm điều ác nghiệt nói không xiết. Mới đây thầy tôi được Bàng Thái sư thỉnh đi thiết đàn, có đem Đàm Nguyệt theo, song vừa một ngày thời thấy Đàm Nguyệt trở về, có dắt theo một người đạo sĩ còn trẻ và đẹp lắm, qua ngày sau tôi ra phòng sau thấy người hôm qua không phải đạo sĩ, thật là một người con gái. Thưa lão gia, Đàm Nguyệt làm như vậy là trái đạo, song tôi không dám kìm chế nó, miễn sao khỏi hại tới thân tôi thời thôi. Từ đó về sau, mỗi ngày Đàm Nguyệt đều đi tới phủ Bàng Thái sư, khi đi thời khóa cửa phòng rất kín, khi về thời cùng nhau, ăn uống cười giỡn. Bữa nay chúng nó sắp sửa đi trốn, thì bị bắt đây. Lời thật tôi khai ngay xin lão gia lượng xét”. Bao Công nghe xong gật đầu cho xuống và đòi Đàm Nguyệt lên, thời thấy một tên đạo sĩ còn trẻ tuổi trạc đôi mươi, mắt lanh, mặt sáng coi lộ vẻ phường bất lương, lại ăn mặc rất đẹp không phải người tu, liền cả giận vỗ bàn hét lớn rằng: “Chứa gái, cắp của đó là phép tu của mi phải chăng?” Đàm Nguyệt cuống quýt lên, nhắm không chối được, bèn khai thật rằng: “Muôn lạy lão gia, tiểu đạo thật là Đàm Nguyệt muôn ngàn chịu tội. Nhân vì qua lại trước nhà Dương Thị thấy con gái bà là cô Ngọc Hương rất đẹp đẽ mỹ miều sinh lòng yêu mến, về sau thường tới lui, hai bên có tình luyến mộ, liền ước hẹn cùng nhau, mượn cửa sau làm ngõ tới lui tình tự, rủi bị Dương Thị bắt được không biết làm sao, tiểu đạo mới dùng tiền bạc, lụa vải mua lòng bà. Ai dè họ Triệu muốn cưới Ngọc Hương cho con, chúng tôi mới lập mưu, tới hôm cưới thời thế chị nàng vào, còn nàng thời giả đạo sĩ về ở quán Thông Chân. Tưởng mưu kia đã kín êm, gạo sống thành cơm, nhà họ Triệu cũng không nói chi được, ai dè chuyện lại tới quan thế này”. Bao Công hỏi: “Mi dùng tiền bạc bao nhiêu mua được lòng Dương Thị?”. Đàm Nguyệt thưa: “Chỉ có ba trăm lượng mà thôi”. Bao Công hỏi: “Mi là đạo sĩ làm sao có nhiều bạc như vậy?”. Đàm Nguyệt đáp: “Tiểu đạo ăn cắp của thầy. Bao Công hỏi: “Thầy mi làm gì có bạc?”. Đàm Nguyệt đáp: “Nguyên thầy tôi có phép thuật rất hay, nếu muốn hại ai, chỉ dùng cây đạo chạm thành hình người, biên tên họ niên canh, lấy máu dơ đựng vào trong bình, bỏ bình ấy vào, rồi thầy tôi làm phép, đúng bảy ngày thời người bị ếm ấy không bịnh hoạn gì mà tắt hơi vong mạng. Nhân lão gia cùng Bàng Thái sư có đại cừu, nên người rước thầy tôi tới thiết đàn ếm hại, hẹn thành việc sẽ đáp tạ một ngàn rưỡi lượng bạc, thầy tôi xin lãnh trước năm trăm, khi nào xong việc sẽ lĩnh đủ”. Bao Công nghe xong sai điệu Đàm Nguyệt xuống và đòi mẹ con Dương Thị lên.
Đó rõ ràng:
Theo đạo nhưng còn mê cảnh tục,
Tới quan khó giữ kín mưu gian.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.