Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

HỒI 21: TRƯỚC ĐIỆN KIM LOAN, BAO CÔNG THĂNG CHỨC, DƯỚI LẦU DIỄN VÕ, HÙNG PHI THỌ PHONG.



Bao Công cho đòi mẹ con Dương Thị lên hỏi rằng: “Bà nhận số bạc ba trăm lượng của Đàm Nguyệt tại chỗ nào?”. Dương Thị nghe nói Đàm Nguyệt đã khai rõ rồi, nhắm không thể chối bèn thưa rằng: “Bạc ấy bây giờ tôi để trong đáy tủ ở nhà tôi”. Bao Công tức khắc sai người đi lấy. Còn mẹ con Dương Thị thời Bao Công sai tả hữu chèo kẹp để trừng kẻ quấy. Mẹ thời làm mụ đầu, hợp với ý tham lợi bán dâm, con thời vào lầu xanh, Kim Hương hổ thẹn diện mạo xấu xí nên xin vào cửa thiền làm vãi lo việc tu hành. Kế đó tùy tùng lấy bạc đem về tới. Bao Công trả cho Triệu Quốc Thạnh năm chục lượng, bảo về cưới vợ khác cho con. Đàm Minh đạo hạnh chân thành cho ở quán Thông Chân làm chủ, Đàm Nguyệt tính tình gian giảo, thói tục chưa rời, không phải người tu, thật loài hung dữ, nên cho ra chốn biên thùy sung quân. Án xét như vậy, song còn phải đợi tâu lên Hoàng thượng.
Bao Công trở lại thư phòng, thời thấy Công Tôn Sách đưa tấu văn tới, xem rồi bèn đem những lời của Đàm Nguyệt khai phụ vào. Qua ngày sau, trống vừa tan canh, Bao Công liền vào triều, phủ phục trước sân son, tung hô vạn tuế. Thiên tử thấy Long đồ học sĩ đã khỏe, thời vui vẻ lắm, cho vời lên điện, Bao Công tạ ơn, bước lên dâng tấu văn cho Thánh hoàng xem xét. Nhân Tôn xem xong lại có hình cây làm chứng thời nghĩ thầm rằng: “Ai có dè Thái sư là dòng quốc thích, lại làm ra miếng tiểu nhân. Bao Công khi không bị bệnh, không ai rõ được căn nguyên, cứ như lý này, thời mới biết có người hãm hại”. Nghĩ xong vời Bàng Thái sư lên điện đưa tờ tấu ấy cho y coi. Bàng Kiết coi xong, cúi đầu chớ không biết nói lời chi nữa. Vua Nhân Tôn vốn người từ thiên nhân đức, thấy vậy cũng động lòng, bèn xuống chiếu chỉ rằng: “Tội Bàng Thái sư đáng lẽ nên trị tội để răn người sau, song vì nghĩa cũ tôi xưa, cho được khỏi chết, mà phải cách chức đi lưu nhậm. Còn nghĩa sĩ Triển Chiêu thời Bao Thừa tướng phải mời tới lầu diễn võ trình bày võ nghệ”. Bao Công tạ ơn lui về phủ, sai người đón mời Nam hiệp Triển Hùng Phi tới thư phòng đem ý Thánh thượng nói lại. Triển Chiêu không biết tính sao phải vâng lệnh. Bốn dũng sĩ và Công Tôn Sách nghe tin ấy cũng thết tiệc khoản đãi Triển Chiêu.
Sáng ngày Bao Công lên kiệu. Nam hiệp cưỡi ngựa theo sau, cùng tới hầu diễn võ đứng hầu thánh giá. Một lát thấy các quan văn võ hộ tống Hoàng thượng tới nơi. Bao Công và Triển Chiêu bái lễ xong xuôi, Thiên tử mới hỏi tới họ tên quê quán của Nam hiệp. Triển Chiêu nhất nhất tâu bày. Thiên tử xem thấy Triển Chiêu hình dung khôi ngôi, tướng mạo đoan trang, phải tay võ tướng lại thêm ăn nói lưu loát thời lòng vua ưng lắm, bèn dạy ra trường diễn võ thử tài. Công Tôn Sách và bốn dũng sĩ đã dự bị khí giới nơi ấy, liền đưa bảo kiếm cho Triển Chiêu. Triển Chiêu tiếp lấy bước lên cúi đầu xá ba xá lui xuống tung đao ra sức múa may, một làn hào quang quây quần chung quanh mình, ban đầu còn thấy được tới lui qua lại, sau rốt chỉ thấy một vầng bạch sắc cuốn tròn luôn chuyển như trái cầu. Các quan văn võ và bốn dũng sĩ lè lưỡi lắc đầu khen tặng chẳng dứt, còn Thiên tử ngồi trên để mắt nhìn không rời. Triển Chiêu múa gươm rồi mặt không sắc mệt, mình chẳng có mồ hôi, bước lên đài xá ba xá nữa. Thiên tử cả vui hỏi Bao Công rằng: “Múa gươm đã tài như vậy, còn bắn tên thế nào xin thử luôn xem?”. Bao Công tâu rằng: “Triển Chiêu thường hay nói rằng mình có thể bắn tắt đốm lửa ở đầu cây nhang, song đó là ban đêm, bây giờ giữa ban ngày không thể thử được, vậy tạm dụng mộc bài, dán giấy trắng, bệ hạ muốn thế nào tùy ý, miễn ý ngó thấy rõ thì thôi, Thiên tử gật đầu, quan viên dâng bài lên. Thiên tử cất bút chấm ba chấm, rồi giao đem xuống cho Triển Chiêu. Triển Chiêu dạy đem ra xa ước ba chục bước cắm xuống đất, rồi tự mình cầm cung lắp tên, ngoảnh lại lầu diễn võ khấu bái Thiên tử, rồi nhảy lên ngựa đánh cho chạy ba vòng rồi lui ra xa giương cung lắp tên bắn vào mộc bài ba phá, chỉ nghe trúng liền ba tiếng, Triển Chiêu liền xuống ngựa quỳ trước ngai vàng đợi lệnh. Mộc bài dâng lên, Thiên tử xem thấy ba mũi tên đầu cắm ngay vào ba điểm châu sa không sai một mảy thời khen rằng: “Ấy thật là tay thiện xạ trong nghề bắn tên”. Bao Công lại quỳ tâu thêm rằng: “Triển Chiêu còn một nghề thứ ba nữa là nghề nhảy, xin Thánh thượng lên từng lầu thứ ba ngồi xem, mới biết lời hạ thần”. Vua Nhân Tôn nhận lời, hạ lệnh các đại thần theo mình lên lầu, còn các quan thời ở dưới, khi Thiên tử yên tọa rồi, Bao Công ra hiệu cho Triển Chiêu thử tài, thời thấy y lại dưới chân lầu, bước rảo ít bước, rùng mình, uốn lưng, dậm một cái, nhảy tót lên tới từng thứ ba, nhẹ nhàng như lông hồng, lanh như chớp nhoáng. Thiên tử thất kinh nói với các đại thần rằng: “Đó, thấy không các khanh, có biết tại sao trong chớp mắt mà nghĩa sĩ nhảy cao quá vậy?”. Các quan không biết sao, chỉ biết khen mà thôi. Bấy giờ Triển Chiêu lên tới từng thứ ba rồi, liền ôm cột leo tuốt lên trên xà, móc chân treo tòn ten như con dơi, rồi uốn mình vung qua mệt cái, bỏ chỗ đó mà đeo nơi khác, lại bấu tay mé dưới mấy cây rui, bò như thằn lằn leo ngược. Thiên tử khen ngợi rằng: “Triển nghĩa sĩ là người, thế mà sao lại leo giỏi quá, không khác chi ngư miêu của trẫm”. Triển Chiêu trổ cả tài của mình rồi, liền tới trước mặt Thiên tử bái tạ rồi lui ra.
Vua Nhân Tôn thử tài Triển Chiêu rồi trở về cung, xuống chỉ phong cho chức Ngư tiền tứ phẩm hộ vệ. Bao Công tiếp chỉ cùng Triển Chiêu quay mặt lại cúi đầu tạ ơn rồi trở về phủ Khai Phong. Bao Công sai Bao Hưng đem phục sắc theo tứ phẩm ban cho Triển Chiêu. Vừa trở lại gặp bốn dũng sĩ và Công Tôn Sách mời ra công sở dự yến cung hạ. Cùng nhau ngồi vào bàn cất chén thù tạc, vui vẻ chuyện trò, kế thấy Bao Hưng đi ra truyền rằng: “Tướng công cho mời Công Tôn tiên sinh”. Ai nấy không hiểu chuyện gì xúm hỏi Bao Hưng thời Bao Hưng cũng không hiểu, Công Tôn Sách lật đật cáo từ anh em, đứng dậy theo Bao Hưng vào thư phòng một lát trở ra nói lại rằng: “Tướng công đòi tôi vào dạy làm một tờ tấu tạ ơn thế cho Triển huynh, và làm luôn một tờ điều trần, trong ấy đại ý nói rằng nhân Thái hậu nhập cung đó là một khánh lễ ít có, lại thêm quốc gia yên trị là nhờ nhiều người anh hùng tài giỏi, nên xin Thiên tử mở ân khoa để chọn hiền tài trong thiên hạ”. Ai nấy nghe qua đều vui mừng, cho làm vậy là phải lẽ.
Sáng ngày sau Bao Công dắt Triển Chiêu vào chầu Thiên tử, bái tạ hoàng ân, và dâng điều trần lên. Vua Nhân Tôn xem qua rất vui lòng, chấm bút phê y rồi truyền nội các ra cáo thị cho nhân dân biết.
Thật là:
Nghĩa sĩ nay đà nhờ lộc nước.
Hàn nho rồi sẽ hưởng ơn vua.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.