Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

HỒI 43: MIẾU HOA THẦN, ANH HÙNG CỨU GIÁ, PHỦ KHAI PHONG, NGHĨA SĨ LỘ TÊN.



Vua Nhân Tôn thấy trong tờ tấu rơi ra mảnh giấy nhỏ, bèn cầm lên xem, trong ấy chỉ đề có mười tám chữ: “Đáng cười, đáng cười, giết lầm lại cáo gian. Làm rộn, làm rộn, lão Bàng hại lão Bao”. Vua xem giấy ấy biết rõ là Thái sư giết lầm rồi cáo gian định hại Bao Công, mới xem lại nét viết thời nhận ngay là một tuồng chữ với bài thơ đã đề ở miếu Trung Liệt, bèn nghĩ thầm rằng: “Mảnh giấy này cũng của người đề thơ kia viết ra. Quái lạ người ấy làm việc phi thường như vậy sao lại cứ ẩn tàng không chịu xuất đầu lộ diện”. Nghĩ vậy bèn đưa tờ tấu và mảnh giấy ấy cho Đại lý ti tra xét.
Bàng Thái sư thấy vua rút mảnh giấy nhỏ trong tờ tấu ra kinh hãi lắm. Lúc bãi chầu mới hỏi lại Lục Thiên Thành coi đó là giấy gì? Thiên Thành đáp: “Phải rồi, phải rồi, nó lập kế trói Lưu Tam dụ thầy trò lìa khỏi thư phòng, rồi lén vào đút mảnh giấy đó. Thật tôi biết trước mà vô ý nên tránh không khỏi”. Bàng Kiết nói: “Chuyện đã như vậy, biết làm sao bây giờ?”. Đến lúc quan Đại lý ti là Văn Ngạn Bắc xét việc ấy, Thái sư cậy tâu lại với thiên tử xin chịu tội. Thiên tử liền xử phạt bổng ba năm, còn kẻ nào a tùng thời một năm. Việc ấy xong Thiên tử lại nhắc Bao Công nên dò xét đề thơ ở đền Trung Liệt và vụ giết Quách An cho nghiêm ngặt.
Bao Công vâng chỉ trở về bàn luận với Triển Chiêu và Công Tôn Sách, nghĩ phương này kế nọ để dò la, song chưa ra manh mối. Quanh đi quẩn lại mà đông qua xuân tới song phủ Khai Phong vẫn tức tối vì tìm chưa ra kẻ thủ phạm ấy. Ngày nọ Vương Triều bàn với Mã Hán rằng: “Bây giờ chúng ta vô sự, cũng nên lén lén đi ra ngoài thành dò la tin tức xem sao?”. Mã Hán nói: “Đi thời được rồi, song biết chỗ nào mà đi?”. Vương Triều nói: “Chúng ta cứ việc chen lấn vào mấy nơi người ta tụ họp đông đảo may sẽ nghe được nhiều tin tức lạ”. Mã Hán bằng lòng bèn cùng nhau cởi áo hiệu úy, mặc đồ thường rời khỏi nha môn nhắm ngoài thành rồi bước.
Vương Triều và Mã Hán ra khỏi thành thấy thiên hạ vây đoàn kết lũ, bưng nhang đèn lễ vật kéo nhau đi rất đông. Hỏi ra mới hay, bữa ấy là ngày mở hội miếu Hoa Thần. Hai người nghe nói mừng rỡ, đi theo tới nơi, rảo quanh xem ngắm. Vòng ra sau miếu, có một khu đất trống rộng rãi và cao ráo lắm, trên ấy có cất một cái rạp rất lớn. Trong rạp có rất nhiều giá đựng binh. khí. Bên cạnh rạp ấy có một tòa nhà khách, rất đông người. Trong bọn ấy có vị thiếu niên công tử, mày ngang mắt lớn coi vẻ rất kiêu phách. Vương Triều, Mã Hán tìm người hỏi thăm, té ra gã ấy là Nghiêm Kỳ, cháu kêu Oai liệt hầu Ác Đăng Vân bằng cậu. Vì tính ngang ngược quá, lại hay ưa hoa mến liễu, nên có biệt hiệu là Hoa Hoa Thái Tuế. Nghiêm Kỳ muốn cho vây cánh bền chặt, nên rước nhiều thầy võ về học và nuôi côn đồ rất đông. Nay nhân hội miếu, cố ý khoe tài, nên dựng rạp tại đó, để cùng thiên hạ tỷ thi côn quyền. Ai dè luôn mấy ngày rồi chưa ai dám tỷ thí với cậu ta, nên cậu ta tưởng đâu trong đời đã hết người đối thủ càng lộ vẻ kiêu phách vô cùng.
Trong lúc Vương Triều, Mã Hán còn đứng ngó bộ tịch của Nghiêm Kỳ, bỗng thấy một lũ tôi tớ gia dịch ồn ào kéo vào, chúng nó quàng chặt một đứa con gái, kéo vào nhà khách, rồi dắt thẳng vào trong.
Vương Triều, Mã Hán thấy vậy tức tối, không rõ là cớ gì, kế nghe có tiếng bà già vừa chạy theo la rằng: “Chúng bay không được làm ngang như vậy. Giữa ban ngày sao dám bắt con gái nhà người, mau thả ra, không thời mạng già này quyết liều sống chết cho bay coi!”. Bà già nói gì thời nói, chúng cứ mặt ngơ tai điếc. Rồi sau có hai đứa gia đinh trong nhà khách ra nói rằng: “Bà cứ về đi, vì con đó là liễu hoàn ở trong phủ Công tử, khi trước trốn đi, ăn cắp theo rất nhiều của cải, bây giờ gặp không khỏi bị tội đem tới huyện ngồi tù. Mau về đi không thời khổ“. Bà già nghe nói, không biết làm sao, cứ kêu khóc mãi. Chúng nó không còn kể phải trái gì, đuổi bà già ra khỏi rạp ấy.
Vương Triều, Mã Hán thấy quang cảnh như vậy, nóng lòng quyết theo dò hỏi cho rõ nguyên do. Khi ra tới điện thứ hai, thấy một người cao lớn mạnh mẽ, râu dài, ăn mặc lối quan binh, hỏi lớn: “Chuyện gì đó nói lại cho ta nghe?”. Gia đinh của Nghiêm kỳ chặn lời rằng: “Chuyện gì cũng không có liên can tới ông”. Người ấy cười nhạt: “Sao được! Ta là người ở đời, phải can thiệp tới cả thảy việc đời”. Lời nói ấy vừa dứt, bà già cất đầu lên khóc nói rằng: “Trăm lạy quan nhân xin cứu mạng cho tôi”. Bọn gia đinh thấy bà già kêu cứu, nổi giận giơ tay ra đánh, bị người ấy hắt ra, chúng ngã đè lên nhau. Vương Triều và Mã Hán thấy vậy cả mừng kế theo người ấy nói: “Bà đừng có sợ gì, việc thế nào mau mau nói cho tôi rõ”. Bà già bèn khóc mà nói rằng: “Tôi họ Vương, đứa con gái ấy là cháu ở lối xóm, vì mẹ nó đau có nguyện thiêu hương ở miếu Hoa Thần đây. Nay tuy đã đỡ song đi chưa nổi, nên cậy tôi dắt nó đi khấn xin giùm. Ai dè tới đây gặp phải cảnh ngộ thế này, xin quan nhân cứu giúp”. Bà già nói dứt lời bụm mặt và khóc rống lên. Người lạ ấy trợn mắt la lên rằng: “Bà bất tất phải khóc để tôi lại hỏi chúng nó có chịu thả ra không?”. Bọn gia đinh của Nghiêm Kỳ thấy người ấy giận giữ và nói như vậy liền chạy vào nhà khách nói thêm mắm thêm muối làm sao không rõ mà Hoa Hoa Thái Tuế ta nổi xung lên, sai người dẫn đường đi ra kiếm người ấy. Chúng thấy Thái Tuế thân chinh ai cũng có bụng lo giùm.
Nghiêm Kỳ tới trước mặt người lạ ấy hỏi rằng: “Sao ngươi dám vô lễ, gánh vác chuyện thiên hạ như thế này?”. Người lạ ấy nghiêm sắc mặt vòng tay đáp rằng: “Không phải tôi gánh vác chuyện thiên hạ. Vì bà già ấy khóc lóc động lòng trắc ẩn, vậy không nỡ làm thinh mà ngó, cúi xin Công tử mở rộng ơn lòng, tha cho chúng thoát vòng nguy hiểm”. Nói rồi bước lại muốn thi lễ, Nghiêm Kỳ đã chẳng biết phải nghe lời, lại giở ngón dọc ngang coi thiên hạ nửa con mắt, thấy người ấy bước tới liền hét lớn rằng: “Quân khốn khiếp ở đâu, tao không bảo chen vào sự của người, đừng có vô lễ vậy”. Vừa hét vừa hất chân đá một đá. Người lạ ấy lẹ mắt huơ tay đỡ một cái, Thái Tuế ngã lăn nằm dài dưới đất. Bộ hạ thấy chủ sức kém xúm nhau hùa, kẻ cây người mác, áp vào như ong vỡ tổ, như kiến động hang. Người lạ ấy thấy thế nguy cấp chỉ tránh đỡ. Ai dè Nghiêm Kỳ bị té, mới lồm cồm ngồi dậy bị chúng đập nhầm một gậy vỡ óc chết ngay. Bọn gia đinh thấy chủ chết rồi, bèn hô hoán rằng: “Người này giết công tử bắt nó cho mau”.
Bọn nha dịch ở đó nghe kêu xông vào. Người lạ ấy nói rằng: “Các ngài chớ rộn lòng nhọc sức, tôi dám làm dám chịu, còn bắt bớ làm chi”. Vừa dứt lời, bỗng có hai người chen ra nói rằng: “Không được làm như vậy phải bắt tên cầm gậy kia, là đứa đã đập trúng chủ bể óc, giải luôn về huyện một thể”. Chúng nghe phải lễ, xúm lại bắt tên ấy.
Hai người ấy là Vương Triều, Mã Hán. Còn người cầm gậy đánh chết Nghiêm Kỳ tên là Sử Đơn. Khi người lạ ấy bị chúng bắt rồi, liền day lại cậy Vương Triều cứu giúp người con gái khi nãy. Vương Triều, Mã Hán nhận lời đi vào nhà khách, dắt bà già họ Vương lục soát khắp nơi. Bọn gia đinh thấy chủ chết rồi liền bỏ đi cả, không dám ló đầu ra. Hai người đi tuốt ra sau nhà dắt người con gái ấy giao cho bà già họ Vương, lại hỏi tên họ, nhà cửa, quê quán rõ ràng rồi mới cho về.
Vương Triều, Mã hán cứu nàng con gái xong rồi, lật đật đi tới dinh quan huyện Tường Phù, kể lại mọi việc, lại xin giải án ấy lên Khai Phong phủ. Quan huyện nhận lời, hỏi tên họ nội vụ làm phúc bẩm lên phủ. Nhờ vậy mới biết người lạ mặt, mặc đồ quan binh ấy là Trương Đại.
Sai dịch hầu giải nội vụ đi sau, Vương Triều, Mã hán về trước, đem việc ấy thuật lại cho Triển Chiêu và Công Tôn Sách nghe. Triển Chiêu hỏi: “Người ấy tướng mạo thế nào?”. Mã Hán nói rõ hình dung Trương Đại cho nghe. Triển Chiêu nói: “Có lẽ là y đó mà!”. Công Tôn Sách nói: “Muốn biết phải hay không, đại ca nên chịu khó một chút. Lát nữa nội vụ giải tới, đại ca đứng trong dòm lén, không phải thời thôi, còn đúng là y, thời cứ kêu tên, làm sao y không nhận được. Ai nấy đều khen phải, Vương Triều, Mã Hán lật đật đi bẩm cho Bao Công hay, và thưa luôn việc Triển Chiêu lén xem mắt, Bao Công nghe bẩm, khen Trương Đại là người hào nghĩa anh hùng.
Bấy giờ công sai giải Trương Đại tới, còn ở ngoài ban phòng, Triển Chiêu lén vén rèm coi, bất giác cả mừng, chạy lại trước mặt Trương Đại mà rằng: “Tưởng là ai nào dè anh Lư Phương tới đây mà?”. Vương Triều, Mã Hán nghe nói cũng bước lại, Triển Chiêu bèn thông rõ tên họ mình và họ Vương họ Mã, lại giới thiệu cho Vương, Mã biết tên hiệu Lư Phương. Lư Phương ngạc nhiên hỏi Triển Chiêu rằng: “Ngài là ai mà biết tôi lắm vậy?”. Triển Chiêu đáp: “Tôi là Triển Chiêu, hiệu Hùng Phi, có ở tại Mạc Hoa thôn và dự cuộc của Đặng Bưu nên biết được tôn huynh, bấy lâu ao ước nay được gặp nhau, thật may quá!”. Lư Phương xem nhân phẩm và cách tiếp đãi của Triển Chiêu vui lòng lắm, liền đáp: “Nói vậy ngài đây là Triển hiệu úy mà tôi không biết, xin cam lỗi, còn hai vị đây có phải hai ông đã giúp tôi tại miếu khi trước không? Xin ba vị lão gia tha lỗi cho Lư Phương này”.
Triển Chiêu, Vương Triều và Mã Hán vỗ tay cười rằng: “Lư huynh khéo giễu quá!”. Lư Phương nói: “Các ngài là quan viên còn tôi là tội phạm biết kêu bằng chi bây giờ?”. Mã Hán nói: “Thôi! Chỗ này không phải là nơi trò chuyện, xin mời Lư huynh vào trong sẽ cùng nhau đàm đạo”. Lư Phương đáp: “Tôi là tội phạm chưa ra tới công đường, đâu dám chịu ơn hậu đãi”. Triển Chiêu nói: “Không sao đâu, chuyện ấy chúng em xin chịu thế cho cả, xin Lư huynh chớ ngại”. Lư Phương cực chẳng đã phải đi theo. Vào tới hậu thính đã thấy Công Tôn Sách, Trương Long, Triệu Hổ xuống thềm tiếp rước, cùng nhau mời Lư Phương ngồi. Lư Phương một mực từ chối rằng mình là tội phạm không dám làm khách. Triệu Hổ nói rằng: “Lư huynh chớ ngại. Đã tới đây người ta mời thời ngồi, còn nhút nhát rụt rè chi nữa”. Nói rồi kéo Lư Phương ngồi giữa, tiểu đồng dâng trà lên, ai nấy cùng cất chén. Lư Phương nhân thuật tới chuyện tại miếu Hoa Thần, Vương Triều, Mã Hán nói rằng: “Chuyện ấy chúng tôi bẩm rõ với lão gia rồi, xin chớ lo, vì có hai chúng tôi chứng nhận”.
Trà nước vừa xong, Triển Chiêu và Công Tôn Sách xin kiếu lỗi vào thư phòng có việc.
Triển Chiêu và Công Tôn Sách vào thư phòng một lát trở ra nói rằng: “Tướng gia đã ra hầu rồi, xin thỉnh Lư huynh diện kiến”. Lư Phương vội vàng đứng dậy nói rằng: “Khi nãy các ngài quá yêu cởi bỏ còng và đãi tử tế, bây giờ vào công đường, xin hãy còng tôi lại, kẻo sai với luật nước”. Triển Chiêu cười rằng: “Bất tất phải như vậy”. Lư Phương nhất định không nghe, cực chẳng đã phải còng tay y lại rồi đưa ra công đường. Vương Triều, Mã Hán vào trong bẩm, còn Lư Phương thời quỳ mọp trước sân. Nghe Bao Công truyền rằng: “Ta đã sai mời Lư nghĩa sĩ tới, sao lại còng người như vậy, phải cởi ra cho mau”. Tả hữu vâng lời, Bao Công hỏi: “Lư nghĩa sĩ có chuyện chi xin đứng dậy sẽ nói”. Lư Phương cứ cúi đầu mà bẩm rằng: “Kẻ phạm tội là Lư Phương này gây chuyện đến hại người, cúi xin lão gia lấy lẽ công phân xử”. Bao Công nói: “Chuyện nhân mạng tại miếu Hoa Thần, bản quan đã rõ cả rồi, và khép án Sử Đơn giết lầm, thế thời nghĩa sĩ còn có tội tình gì. Bản quan có một điều cần phải nói lại với nghĩa sĩ, xin hãy ngồi lên cùng chuyện vãn”. Triển Chiêu cũng bước tới nói với Lư Phương rằng: “Tướng gia có lòng tốt, Lư huynh không nên có phụ”. Lư Phương liền vâng lời đứng dậy khoanh tay, thỉnh thoảng liếc mắt xem lên, thấy Bao Công oai vũ hiên ngang, đường hoàng nghiêm nghị thời phục lắm.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.