Bao Công hỏi rằng: “Lư nghĩa sĩ vào kinh có việc chi xin cho biết?”. Lư Phương đáp: “Nhân em bạn tôi là Bạch Ngọc Đường vào kinh đã lâu không được tin tức, nên nóng lòng đi tìm, nay mới tới miếu Hoa Thần”. Bao Công lại hỏi: “Chẳng hay nghĩa sĩ đi một mình hay là có ai nữa chăng?”. Lư Phương đáp: “Nguyên đầu mùa đông, tôi có sai ba em bạn là Hàng Chương, Từ Khánh và Tưởng bình, song cũng bặt tin tức”. Bao Công nói: “Nghĩa sĩ là người chân thực không giấu điều gì, vậy bổn các cũng không giấu giếm việc ngũ nghĩa làm chi. Nhân vì Bạch nghĩa sĩ vào kinh làm nhiều điều nghĩa hiệp, nên Thánh thượng khen ngợi lắm, phú cho bản quan tra tầm. Nay nghĩa sĩ tới đây, xin giúp bản quan một tay có được không?”. Lư Phương lật đật quỳ xuống thưa: “Bạch Ngọc Đường tuổi nhỏ chưa biết gì, đến đỗi chọc trời gây họa, làm động đến ngự cung, ấy là tội của tôi, đáng lẽ tôi phải bắt mà giải vào quý phủ để phục án”. Bao Công thấy Lư Phương ưng nhận thời cả mừng, liền bảo Triển Chiêu và Công Tôn Sách vời vào trong khoản đãi tử tế.
Lư Phương được tha và khoản đãi, đáng lẽ vui mừng nhưng còn ngại nỗi Ngọc Đường, nên cùng bọn Triển Chiêu chén tạc chén thù giây lâu, rồi kiếu ra đi, hẹn ba ngày sẽ trở lại báo tin.
Lư Phương đi rồi, Công Tôn Sách mới nói với Triển Chiêu và bốn dũng sĩ rằng: “Lư Phương thật là người thành tâm, song không biết bọn em y có như vậy không? Khi nãy y nói mùa đông ba em y cũng vào kinh. Bọn họ nghe tin anh gây chuyện tại Hoa thần, bị giải vào phủ Khai Phong, thế nào cũng cho là bị giam, chớ không rõ đã được thả, không khỏi nóng lòng, chờ lúc đêm khuya canh vắng tới đây gây việc. Vậy chúng ta phải lo phòng trước”. Triển Chiêu nói: “Chúng ta phải canh phòng nghiêm ngặt, một là bảo hộ tướng gia, hai là khỏi sinh tai biến”. Ai nấy nghe nói đều cho là phải.
Lúc Lư Phương ra khỏi phủ trời đã chạng vạng, thấy xa xa đi lại một người, té ra là tên tay chân. Lúc Lư Phương bị bắt, nó đi theo, đến khi nghe giải lên phủ Khai Phong thì cũng đem cả hành lý vào kinh tìm nơi trú ngụ, sớm tối ra vào dò la tin tức. Nay mới đi vào phủ bỗng gặp Lư Phương, chủ tớ dắt nhau về chỗ trọ. Tên ấy hỏi Lư Phương rằng: “Thế nào mà Viên ngoại lại được thả ra?”. Lư Phương bèn thuật rõ mọi chuyện rồi lại nói với bạn đường rằng: “Ta đã hứa với họ trong ba ngày sẽ tìm cho ra Ngũ viên ngoại, nhưng bây giờ biết ở đâu mà tìm?”. Tên ấy vội vàng: “À… Được lắm. Lúc tôi đi tìm chỗ trọ, có gặp người tùy tùng của Nhị viên ngoại, tôi mới hỏi thăm chỗ ở, thời nó nói rằng: “Ở tại lầu Văn Quang, sau lầu Bàng Thái sư ở chung với Ngũ viên ngoại trong gian chứa sổ sách”. Tôi lại hỏi kỹ chỗ đó cách phủ đệ của Thái sư chẳng xa, chỉ đi qua mé tay khỏi cụm rừng tùng, có cái lầu cao là chỗ đó”.
Lư Phương nghe nói, mừng rỡ lắm, ăn uống xong, bèn đổi y phục, cứ theo đường được chỉ mà đi. Tới nơi liền giở miếng phi tường tẩu bích nhảy vào, thời thấy có một mình Bạch Ngọc Đường ở đó. Lư Phương thấy mặt bất giác lụy rơi, song Ngọc Đường hình như không để ý tới. Lư Phương kể nỗi niềm thương nhớ, rồi lại hỏi tới Hàng Chương, Từ Khánh và Tưởng Bình, Ngọc Đường đáp rằng: “Các anh nghe tin đại ca bị can vào vụ nhân mạng, nên rủ nhau vào phủ Khai Phong rồi”. Lư Phương nghe nói thất kinh, sợ ba em nóng nảy, không phân thật giả, vào đó sinh chuyện lôi thôi. Tuy ngồi đợi mà bụng phập phồng. Chờ tới canh ba cũng chưa thấy về.
Nói về Hàng Chương, Từ Khánh, Tưởng Bình nghe tin Lư Phương bị giải lên phủ Khai Phong thì sợ có điều bất trắc xảy ra, liền cùng nhau lén vào phủ thám thính. Tới nơi thấy trong ngoài canh giữ nghiêm ngặt liền lẻn ra sau, nhảy lên tường, leo qua nóc nhà mà vào. Vào tới một phòng kia, Bao Hưng ngó thấy liền la lên, Triển Chiêu lật đật chạy ra, thấy một người nép qua một bên, ngồi phục xuống, móc trong đãy ra một mũi tên, ráng sức phóng lên, tên bay như chớp, người trên mái nhà rơi xuống đất. Bọn Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ cũng vừa chạy tới, đè người ấy trói lại. Triển Chiêu sắp sửa nhảy lên nóc nhà, chợt thấy trên ấy có một người, giơ tay lên cao rồi chỉ xuống, một lằn hào quang xẹt xuống. Triển Chiêu biết là ám khí lật đật cúi đầu tránh, ai dè Mã hán đứng sau lưng bị trúng phải vật ấy Triển Chiêu vội vàng nhảy lên rượt theo người kia bỗng thấy trước mặt một đạo hồng quang nhắm ngay chân mày mình bay tới, bèn cúi đầu né tránh, ngước lên dòm thì bóng người biến mất, không biết đi đâu, ngơ ngáo một hồi, rồi nhảy xuống, đi vào thư phòng bẩm lại cho Bao Công hay.
Bấy giờ người bị bắt khi nãy cũng vừa được điệu tới Bao Công hỏi rằng: “Ngươi là ai, vì cớ gì mà tới đây trong lúc đêm khuya canh vắng?”. Người ấy đáp: “Tôi là Xuyên sơn thử Từ Khánh, vì muốn cứu anh tôi là Lư Phương mà tới, chẳng may trúng phải ám khí, vậy cho tôi thấy mặt anh tôi rồi dẫu thác cũng đành lòng“. Bao Công nghe nói lật đật sai tả hữu cởi trói và mời ngồi. Từ Khánh không e ngại gì, ngồi chỉnh chệ trên ghế, rồi với tay rút mũi tên đã bị Triển Chiêu bắn khi nãy liệng xuống đất mà rằng: “Của ai thì cứ lấy đi!”, Triển Chiêu bước tới lấy. Từ Khánh cười rằng: “Của ngươi không bằng của anh hai ta. Tên của anh hai trúng ai, lập tức thuốc thấm liền mê man bất tỉnh”. Mới nói tới đó Vương Triều vào bẩm với Bao Công rằng: “Mã Hán bị trúng tên bây giờ mê man không biết gì cả”. Từ Khánh nghe nói vỗ tay cười rằng: “Thôi rồi làm sao cứu nổi, chỉ đợi tới ngày mai, đúng giờ này thì đem chôn người ấy?”. Bao Công vội vã hỏi rằng: “Như vậy còn có thuốc gì cứu được hay không?”. Từ Khánh đáp: “Tên ấy độc lắm, nếu ai bị trúng, nội trong mười hai giờ thì hết cứu. Mà thuốc cứu duy có anh hai tôi có mà thôi, anh thường để luôn luôn trong mình, không truyền cho ai cả”. Bao Công thấy Từ Khánh tính nết thô lễ, mà có ý thật thà, không khác gì Triệu Hổ bụng đã thấy mến, chợt nghe Từ Khánh hỏi: “Bây giờ anh Lư Phương của tôi ở đâu, chỉ cho tôi gặp mặt với”. Bao Công nói: “Lư nghĩa sĩ đã đi khỏi đây rồi, vì ta xét thấy người vô tội”. Từ Khánh nghe nói vỗ tay cười lớn rằng: “Ai cũng nói Bao lão gia là người biết xem người vì dân vì nước, nay thật không sai. Thôi Từ Khánh này xin đi tìm Lư Phương đã?”. Nói rồi vội vã ra đi. Bao Công giữ lại rằng: “Này Tam nghĩa sĩ, bây giờ mới canh tư, xin mời ngồi lại, tôi có chuyện nói với nghĩa sĩ nữa”. Từ Khánh ngồi lại, Bao Công liền hỏi những chuyện của Bạch Ngọc Đường làm, Từ Khánh nhất thiết đều nhận rõ. Đến chuyện đoạt vàng, Từ Khánh khai rằng: “Chuyện đó, tôi, anh hai và người em thứ tư với một người khác là Liễu Thanh giả danh của bốn dũng sĩ Vương, Mã, Trương, Triệu, dùng rượu thuốc lừa cho bọn nọ say mê rồi đoạt đi”. Ai nấy nghe nói đều gật đầu cười. Kế có sai dịch vào báo rằng: “Ngoài cửa có Lư nghĩa sĩ xin vào ra mắt tướng gia”.
Ấy là:
Sợ cho bạn phải trèo non lội suối.
Lo việc quan nên dang nắng dầm sương.