Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

HỒI 54: NGHE ĐƯỢC TIN, BỊ CẦM TẠI HIÊN LOA SƯ, SẮP MƯU KHÉO, ĐÊM LÉN TỚI ĐÁNH KHÂU DẪN



Nguyên Quách Tăng Kiều vào nhà sau, lũ a hoàn xúm lại hỏi thăm, vì sao bị hại v. v… Tăng Kiều liền thuật nguyên do lại cho chúng nó nghe. Trong đám a hoàn ấy có một đứa tâm phúc của tiểu thư, nhân nghe nói tới họ Triển cứu Tăng Kiều và bị giam khốn, liền hỏi tới, té ra nghe Tăng Kiều nói rõ là Ngự Miêu, Tứ phẩm hộ vệ, chắc là chồng của tiểu thư, nên chạy riết vào phòng nói lại với tiểu thư, tiểu thư nghe nói thất kinh, dạy a hoàn đi bẩm trước với thái thái, còn mình dắt Tăng Kiều theo sau.
Khi thái thái nghe rõ việc ấy, vì thương rể, nên lo sợ lắm, lật đật kêu sai hai con vào. Đinh Triệu Lang và Đinh Triệu Huệ vào tới phòng thấy tiểu thư quay mình đi ra, còn thái thái thì mặt có sắc giận. Đinh thái thái thấy con vào liền hỏi: “Em rể chúng bay là Triển Hùng Phi bị người ta bắt, bay có hay không?”. Triệu Lang thưa: “Vẫn không hay, khi nãy mới hỏi Quách lão, thời nghe nói Triển hộ vệ ở bên đảo Hãm Không, chớ thật không thấy tới đây”. Đinh mẫu nói: “Bay phải đi dò hỏi coi thế nào, chớ ta e nó bị khốn ở đảo Hãm Không rồi, nếu rể ta có hề gì, ta cũng đến chết mất”. Triệu Huệ thưa: “Xin mẹ yên lòng, con và anh con sẽ hết lòng đi dò xét cho rõ”. Nói rồi lui ra.
Anh em họ Đinh ra ngoài nhà khách, sai bốn tên thủy thủ đem thuyền đưa cha con Quách Chương về Qua Châu.
Bây giờ trời vừa rạng sáng, Triệu Lang liền nói với Triệu Huệ rằng: “Ta nên mượn cớ đưa trả Hồ Kỳ, qua đó sẽ dò la tin tức Nam Hiệp”.
Sáng ngày Triệu Lang liền ngồi ghe đem Hồ Kỳ qua Lư Gia trang. Bạch Ngọc Đường đã hay tin Hà Thọ về báo trước rồi, nên biết thế nào bên Đinh Gia trang cũng có người qua. Nay nghe tin Đinh Triệu Lang tới liền ra tiếp vào nhà khách cùng ngồi đàm đạo. Trà nước xong, Đinh Triệu Lang liền đem việc đưa trả Hồ Kỳ lại. Ngọc Đường cảm tạ và xin lỗi, rồi sai trang đinh giải luôn Hồ Kỳ xuống cho quan Thái thú phủ Tùng Giang phân xử.
Sai cắt các việc xong xuôi, Bạch Ngọc Đường liền dạy trang đinh bày tiệc đãi Đinh Triệu Lang. Rượu được vài tuần, Triệu Lang hỏi Ngọc Đường rằng: “Tiểu đệ xuống Đông Kinh có điều gì hứng thú chăng?”. Ngọc Đường hếch mũi khoe khoang cái thủ đoạn của mình, nào là bỏ gươm đề thư trong đền Trung Liệt, nào là giết mạng trong Vạn Thọ Sơn, khuấy Bàng Thái sư giết lầm hai thiếp, lần lần nói đến việc trộm Tam Bảo, rồi tiếp rằng: “Vì vậy mà triều đình sai Triển hộ vệ tới đây dò la, nên đã bị tôi bắt được. Thấy y là người hiệp nghĩa nên lấy lời nói cho y nghe, ai dè y chẳng biết điều, lại còn khua môi đánh lưỡi, nên chi tôi đã cho một đao… “. Thuật tới đây Triệu Lang thất kinh nói ú ớ rằng: “Ôi? Không xong rồi, hiền đệ há không biết y là người của triều đình, vâng lệnh tướng phủ mà tới đây sao? Nếu hiền đệ hại y, e không khỏi mang tiếng phản bạn chắc triều đình không dung”. Ngọc Đường vỗ tay cười rằng: “Chẳng nói chi triều đình hay là tướng phủ chẳng dung tôi, mà đến hai anh em đại ca cũng không dung nữa. Tôi tuy ngu dại chớ cũng biết điều. Thật ra, lời khi nãy là lời nói chơi mà thôi, chớ tôi đã lưu Triển hộ vệ vào một chỗ, đợi ít ngày đây sẽ giao trả cho đại ca”. Đinh Triệu Lang lẳng lặng làm thinh.
Ăn uống xong Bạch Ngọc Đường lập mưu dắt Triệu Lang ra hiên Loa Sư, rồi bỏ đó lẻn đi mất. Triệu Lang không tìm được lối ra không biết làm sao, chỉ ở yên đó mà thôi, lại không biết Triển Chiêu bị cầm ở đâu, trong lòng buồn bã lắm.
Tới lúc chạng vạng, thấy có một người tớ già dắt một đứa nhỏ đi lại, không hiểu là đi ngả nào. Đứa nhỏ ấy chừng tám chín tuổi trông giống Lư Phương lắm. Người tớ già ra mắt Đinh Triệu Lang rồi lại dạy đứa nhỏ ấy làm lễ. Đứa nhỏ bước tới thưa rằng: “Tôi là Lư Trân xin ra mắt Đinh thúc thúc, vi vâng lệnh mẹ, tôi tới đây trao tin”. Đinh Triệu Lang biết đứa nhỏ đó là con Lư Phương liền đáp lễ lại. Người tớ già liền nói: “Tôi là Tiêu Năng, vâng lệnh chủ mẫu, đi với tiểu chủ lại đây báo tin. Nguyên từ khi Ngũ Viên ngoại về nhà tới nay, mỗi chuyện đều tự tiện nên chủ mẫu có ý phiền. Mới đây Ngũ viên ngoại bắt Triển hộ vệ cầm tại hang Thông Thiên nay lại lưu ngài ở đây nữa. Chỗ này trừ người trong nhà thời không ai biết ra vào, sợ e ngài ở đây lâu ngày, có khi Triển hộ vệ đến bị hại, cho nên chủ mẫu sai tôi tới đây, xin ngài mau mau viết thư để tôi đem qua thôn Mạc Hoa cho Nhị viên ngoại, người sẽ lo mưu kế nào cứu gỡ mới được”. Lư Trân cũng nói: “Má tôi gởi tới nói với thúc thúc thế nào cũng phải tìm cha tôi, rồi xúm nhau lo liệu mới xong”. Triệu Lang gật đầu vội vã viết thư giao cho Tiêu Năng và dặn phải đi qua thôn Mạc Hoa lập tức. Tiêu Năng nói: “Tuy biết là việc gấp, song phải chờ Ngũ viên ngoại ngủ rồi mới đi, khỏi bị nghi”. Nói đoạn từ tạ đi ra, Đinh Triệu Lang cũng gửi lời tạ ơn phu nhân.
Nói về Triệu Huệ ở nhà đợi Triệu Lang một ngày mà vẫn chưa thấy về, đến lúc chạng vạng thấy có người vào báo rằng: “Triệu đại gia bị Ngũ viên ngoại cầm lại, đợi ít ngày mới cho về”. Triệu Huệ nghe báo trong lòng sinh nghi, trọn đêm không hề nhắm mắt. Đến rạng đông thấy trang đinh đưa vào một người xưng là người ở bên Lư Gia trang tên Tiêu Năng đưa thư sang có việc gấp. Triệu Huệ tiếp lấy thư xem mới biết anh mình đang bị Bạch Ngọc Đường giữ tại hiên Loa Sư. Trong lòng đã tức giận, song Triệu Huệ còn e ngại cho Ngọc Đường lập kế gạt mình. Đương còn suy nghĩ phân vân, lại thấy trang đinh vào báo rằng: “Có Lư viên ngoại, Từ viên ngoại và Tưởng Viên ngoại từ Đông kinh về đến, ghé vào xin ra mắt”. Triệu Huệ ra rước vào nhà khách mời ngồi. Lư Phương thấy có Tiêu Năng ở đó bèn hỏi rằng: “Mi tới đây có việc gì?”. Tiêu Năng bèn kể việc đem thư, Triệu Huệ cũng tiếp nói chuyện Triển Chiêu bị Ngọc Đường bắt cho ba người nghe. Lư Phương nghe xong vừa muốn mở miệng, thời Tưởng Bình đã nói trước rằng: “Chuyện này các anh phải chịu nhọc nhằn một chuyến, chớ tôi thì tôi xin kiếu vì đang mệt”. Triệu Huệ hỏi: “Tứ đệ sao lại nói như vậy?”. Tưởng Bình nói: ”Không phải tôi biếng nhác gì, song Ngũ đệ với tôi vẫn không ưa nhau, và trong mấy bửa nay trong bụng không tốt. Vậy các anh nên đi ngầm qua đó, đừng cho Ngũ đệ hay, lập kế cứu cho được Triển huynh về, và lấy Tam Bảo lại, còn như Ngũ đệ thời không cần chi bắt mà nó thấy thế đã sợ cũng phải đầu thân về phủ Khai Phong. Nếu chẳng vậy tôi e cho Triển huynh mang khổ mà chúng ta cũng không mặt mũi nào ngó được Tướng gia nữa”. Từ Khánh nói: “Vậy thì tôi phải đi hay sao?”. Triệu Huệ nói: “Một mình anh ba đi, sợ e rờ tới mình Ngũ đệ cũng không được nữa!”. Lư Phương nói: “Vậy mới tính làm sao đây?”. Tưởng Bình nói: “Việc này tôi xin không dự vào mà cũng không thể không để ý đến, vậy các việc có Nhị gia đây lo liệu!”. Triệu Huệ nói: “Phải, tôi phải lo liệu tất cả, nhưng đường lối ở đảo Hãm Không tôi không biết thời làm sao?”. Tưởng Bình nói: “Còn có Tiêu Năng đó, nên sai nó về trước cho Ngũ đệ khỏi nghi, và luôn ấy chỉ dẫn đường lối cho Nhị gia!”. Triệu Huệ hỏi: “Mà sai tôi đi làm gì đây?”. Tưởng Bình nói: “Nhị gia đi tới nơi liệu cách cứu cho được Triển hộ vệ về rồi thu Tam Bảo. Xong việc trở vào rừng tre hợp với Đại ca và Tam ca, rồi nhất tề áp vào, đừng cho Ngũ đệ giải thoát được”.
Ai nấy đều mừng rỡ kêu Tiêu Năng ra căn dặn rằng: “Mi nên về trước nói lại với Đại viên ngoại nên yên lòng, rồi tới canh hai mi ra hòn Khâu Dẫn đón Đinh nhị gia, chớ nên trễ nải”. Tiêu Năng vâng mệnh đi về Chiều lại, cơm nước xong xuôi ai nấy đều nai nịt gọn gàng. Lư Phương và Từ Khánh đi trước, còn Triệu Huệ dặn dò trang đinh ở nhà hầu hạ Tưởng Bình tử tế, rồi mới xuống thuyền đi sau. Tới hòn Khâu Dẫn liền lên bộ, còn thuyền thì dặn thủy thủ chống vào bụi lau núp đợi. Triệu Huệ lên bờ thấy đường sá ngoắt ngoéo gập ghềnh khó đi, nhưng cũng lần mò lên đến Khâu Dẫn chưa thấy Tiêu Năng tới thời có ý buồn, bèn dò theo bóng trăng đi lần tới một đỗi thời thấy một vũng nước làn sóng gợn nhấp nhô. Triệu Huệ lấy làm lạ nói thầm rằng: “Chỗ này làm sao lại có hồ nước mênh mông như vậy, nếu biết trước thời có đi lại đây làm gì, mà cũng không ước hẹn tại đây”. Đương nói lầm thầm chợt thấy Tiêu Năng đến, hai người gặp nhau liền nối gót mà đi. Triệu Huệ hỏi rằng: “Khi nãy ta thấy mi ở trong hồ nước đi lại, tại sao mi đi trên nước được?”. Tiêu Năng đáp: “Trước mặt đó là Thanh Thạch đàm, Viên ngoại tôi theo hình thế thiên nhiên mà làm nên, dầu lúc ban đêm hay ban ngày ai ở xa ngó thấy cũng tưởng là nước thật, nên chỉ đi tới đây đều vòng qua ngả khác, chớ không dám đi thẳng tới”. Nói vừa dứt câu chuyện thời đã đi khỏi Khâu Dẫn, chính là bên Thanh Thạch đàm, xem lại không có hồ nước nào cả, mà thật là một con đường bằng thẳng lắm. Tiêu Năng nói với Triệu Huệ rằng: “Đây đi khỏi Thanh Thạch đàm có một hòn đá đứng sựng, bên có đường đi luồn vào rừng tùng, đó là đường lên Ngũ nghĩa thính, chỗ đó đi lại cửa ngõ rất gần, xin Viên ngoại nhớ kỹ, bây giờ tôi trở lại”. Nói rồi theo đường mòn mà đi chớp mắt đã không thấy đâu nữa. Đinh Triệu Huệ cứ theo lời dặn đi tới một đội, thời quả có một hòn đá đứng sựng trước mặt, tùng bá cao ngất trời, tối mịt không phân được đường lối. Thấy mé đông bắc xa xa có điểm đèn leo lét đi tới, Triệu Huệ nghĩ chắc là bọn tuần canh liền núp vào bụi cây. Khi hai bên gặp nhau, Triệu Huệ nghe người mé tây nói rằng: “Khi viên ngoại sai tôi bưng một mâm cơm và một bầu rượu cho người họ Triển, tôi tưởng y một mình ăn không bao nhiêu, nên bớt lại một nửa, ai dè người họ Triển chê là rượu cặn cơm thừa nên đập vỡ cả mâm bầu chén đĩa, lại chửi mắng tan nát cả ông bà. Em nghĩ coi có đáng giận không?”. Người mé đông bắc nói: “Anh Sáu, anh đã vậy, còn tôi đây cực nhọc vô hạn, bây giờ Viên ngoại lại còn cầm hai ông họ Đinh và họ Liễu ở nhà ngày tối rượu rượu trà trà, cơm cơm nước nước lăng xăng, ăn uống mãi, mà coi ý Viên ngoại không muốn cho hai người ấy về, hình như sợ lộ việc kín gì đó? Viên ngoại làm như vậy thật gan hay không? Bởi giờ ông họ Liễu muốn coi Tam Bảo tam bớt gì đó, nên sai tôi đi lấy đây”. Nói rồi mỗi người chia ra đi mỗi ngả.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.