Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

HỒI 6: ĐƯỢC CỔ KIM BỒN, KẾT DUYÊN GÁI ĐẸP, DÙNG CÔNG TÔN SÁCH, ĐỂ DỌ NGƯỜI GIAN.



Bao Hưng vâng lệnh Bao Công đem thư về nhà, chẳng bao lâu trở lại phủ bẩm rằng: “Con đem thư về nhà, ông bà đều mạnh giỏi, nghe Tướng công làm Phủ doãn cả nhà mừng lắm, ông bà có cho con năm chục lượng bạc. Cậu cả mợ cả cũng có cho con ba chục lượng. Riêng mợ cả có gửi cho Tướng công một cái gói, nói rằng trong đó là cái gương Tướng công đem nhờ cất giùm ngày xưa, và có thuật cho con nghe một chuyện ngộ lắm. Số là từ lúc Tướng công ra đi, mợ cả thấy gương tỏ rạng mới đem ra treo trong nhà, một ngày kia con Thu Hương đi ngang cửa mợ cả, trượt chân ngã một cái vỡ đầu máu chảy lênh láng, bèn vào nhà lại chỗ treo gương soi xem. Ai dè nó thấy máu nhiều quá tối mắt phát điên lên, reo to một tiếng đâm đầu chạy miết về nhà đè mợ hai móc tròng con mắt bên tay phải. Bây giờ nó bị giam vào một nơi như con quỷ sống, còn mợ hai thời chết đi sống lại đôi ba lần, đau ốm liên miên, tìm thầy thuốc chữa cũng chưa hết”. Bao Hưng vừa nói vừa dâng gương lên rồi tiếp rằng: “Đó, rồi con đi lại nhà cậu hai, thấy cậu buồn lắm song cũng có cho con ba lượng bạc. Con ở lại nhà ông bà một ngày, ngày sau qua làng Ẩn Dật dâng thư. Lý công và phu nhân mừng lắm nói ít lâu sẽ đưa tiểu thư qua, và có thư trước cho Tướng công đây”. Nói đoạn đưa thư lên, Bao Công xem qua lập tức sai bảo gia nhân sửa soạn phòng the, đặng chờ người ngọc.
Chẳng bao lâu, Trương phu nhân cùng Lý tiểu thư tới kinh sư. Bao Công chọn được ngày lành tháng tốt kết duyên với Lý tiểu thư. Loan phụng nên đôi, Tấn Tần hòa hợp. Bao Công được sánh đôi với Lý tiểu thư là người trinh tịnh, đoan trang thời vui không biết bao nhiêu. Tiểu thư có một bảo vật tên Cổ kim bồn là một vật quý trên đời ít có, nhưng Bao Công không để ý tới cho lắm. Ít lâu Trương phu nhân từ giã rể con trở về làng ẩn Dật, trong đám bộ hạ có một đứa con tên là Lý Tài, lanh lợi khôn ngoan nên phu nhân để lại hầu hạ vợ chồng Bao Công.
Ngày kia Bao Công đương ngồi trong phủ, chợt thấy một người tuổi ước năm mươi, miệng kêu oan chẳng dứt, liền cho đòi vào hỏi rằng: “Chẳng hay ông già họ là chi, có điều gì oan ức?” Người ấy lại bẩm rằng: “Tôi họ Trương tên Trí Nhân, ở tại làng Thất Lý, có một người em họ tên là Trương Hữu Đạo, buôn bán, nhà ở xa xôi ước ba dặm. Hôm ấy tôi thấy nó lâu qua, mới tới thăm nó, té ra nó đã chết được mấy hôm rồi, hỏi thăm em dâu tôi là Lưu Thị xem em tôi đau bệnh gì, sao chết không cho tôi hay. Nó nói chồng nó đau bụng chết, và vì nó đơn chiếc nên chưa nhắn tin kịp. Nghe vậy tôi không tin, đi cáo với quan huyện xin đào tử thi lên xét. Đến khi đào lên quả không thương tích gì, tôi đã đau lòng cho em tôi chết oan không ai rõ. Tưởng chuyện đã yên, thế mà em dâu tôi lại bảo tôi vu cáo cho người lương thiện, xin phạt tôi hai chục hèo. Lạy thượng quan, tiểu nhân nghĩ chắc là Trương Hữu Đạo không phải bệnh mà chết, song vì trời cao đất dày, kêu không tới, vạch không thông, nghĩ có thượng quan công minh xin thương tình thẩm xét”. Bao Công nghe xong hỏi rằng: “Em của ông thường hay có bệnh hay không?”. Trí Nhân đáp: “Dạ thưa không”. Bao Công lại hỏi: “Ông không gặp em ông, ước bao lâu?”. Trí Nhân đáp: “Anh em tôi ở với nhau rất hòa thuận, thường hay qua lại thăm nhau, cứ hai ba ngày gặp nhau là thường. Mới đây, năm ngày tôi không thấy nó, nên đi thăm, té ra việc xảy như vậy”. Nói rồi khóc òa, Bao Công nghe, nói rằng: “Năm ngày trước vẫn còn, ngày thứ sáu qua thăm thì đã chết được ba hôm, ắt sau khi đi thăm anh về một đôi ngày thời chết, vậy cũng có duyên cớ chi, chứ chẳng lẽ bỗng dưng mà chết”. Nghĩ đoạn liền viết trát đòi Lưu Thị rồi lui vào thư phòng tạm nghỉ.
Vào tới thư phòng Bao Hưng dâng lên một bao thư nói của người học trò đưa tới. Bao Công tiếp lấy xem, thời là thư của Liễu Nhiên hòa thượng tiến cử người hiền, liền cho mời tên học trò vào. Chào hỏi xong xuôi, Bao Công hỏi tên họ, người học trò đáp: “Văn sinh họ Công Tôn tên Sách, nhân lận đận trường ốc, lưu lạc non xanh, may vào chùa Tướng Quốc gặp hòa thượng Liễu Nhiên thật lòng hậu đãi và có thư tiến dẫn tới thượng quan, xin rộng lòng dung nạp kẻ hèn, sẽ hết sức đền ơn tri ngộ”. Bao Công thấy người ấy ăn nói gọn gàng, cử chỉ đoan trang, nhân hỏi qua sách vở điển cố, nhất thiết đều đối đáp được cả. Bao Công mừng rỡ vô hạn. Đương lúc chuyện trò chợt thấy tả hữu vào bẩm rằng đã đòi Lưu Thị tới, liền kêu Lý Tài hầu đãi Công Tôn Sách, còn mình cùng Bao Hưng đi ra công đường, đòi Lưu Thị vào. Lưu Thị trạc độ đôi mươi, con người lanh lợi, bước vào công đường không có vẻ sợ sệt. Bao Công cất tiếng hỏi rằng: “Mi có phải Lưu Thị vợ của Trương Hữu Đạo chăng?”. Lưu Thị đáp phải. Bao Công hỏi tiếp: “Chồng của mi đau bệnh gì mà chết?” Lưu Thị thưa: “Chiều hôm nọ chồng thiếp đi xóm về, ăn cơm rồi đi ngủ, đến canh hai phát lên đau bụng, làm cho thiếp kinh hoàng vô cùng, chạy thuốc men cho uống, ai dè mạng cùng số vắn một lát thời chết “. Nói dứt lời cất tiếng khóc rống lên. Bao Công vỗ án hét to lên rằng: “Ta hỏi chồng mi đau bệnh gì mà chết, sao lại nói rồng rắn quá vậy?” Lưu Thị thưa: “Bẩm lão gia chồng thiếp bị chứng đau bụng mà chết “. Bao Công hỏi: “Đã đau bụng mà chết, sao lại không cho anh chồng mi là Trương Trí Nhân hay? Căn cớ làm sao, mau khai ngay”. Lưu Thị đáp: “Thiếp chẳng tin cho Trương Trí Nhân hay một là vì bận việc mà quên, hai là không dám cho anh hay”. Bao Công hỏi: “Sao lại không dám cho hay?”. Lưu Thị đáp: “Vì mỗi lần anh ấy qua nhà, khi thấy vắng người thì hay chọc ghẹo thiếp, thiếp cho hay rằng chồng thiếp đã chết, anh ấy đã không khóc, lại còn buông nhiều lời xằng bậy, và làm nhiều điều nhơ nhớp xấu xa, miệng người tử tế không thể thuật lại được. Thiếp thấy người như vậy mắng cho một mẻ thích đáng. Anh ấy hổ thẹn ra về. Ai dè thẹn quá hóa giận, đã chẳng biết tỉnh ngộ thời thôi, lại còn tới huyện vu cáo rằng em anh ta chết ức, xin mở hòm xem thây té ra thây không vết tích gì, nên bị quan huyện đánh cho hai chục hèo. Tưởng đâu đã ăn năn mà chừa. Đến nay lại còn đến lão gia tố cáo, thật khốn nạn cho thiếp biết bao nhiêu, chồng chết, nước mắt chưa ráo, mà thêm khổ vì anh chồng nữa, tấc gan càng nát, trăm lạy lão gia, xin lấy ngọn đèn công lý mà soi chỗ tối tăm cho phận góa bụa này nhờ ơn”. Nói dứt lại khóc tức tưởi. Bao Công thấy Lưu Thị miệng lanh hơn pháo, lưỡi bén như gươm, quyết chẳng phải con người lương thiện, bèn nghĩ rằng: “Chuyện này cũng khó, nếu không đủ chứng cớ thời không vạch được oan, phải tạm ít lâu sai người thám thính “. Nghĩ rồi liền nói với Lưu Thị rằng: “Bổn quan nghe lời mi khai gian ngay chưa rõ, song bị người vu oan như thế, lẽ cũng khá thương, vậy tạm về, ba ngày nữa sẽ tới công đường hầu xét “. Lưu Thị dạ dạ lui ra.
Bao Công lui vào thư phòng đưa tờ khẩu cung cho Công Tôn Sách coi, Công Tôn Sách xem xong nói rằng: “Cứ như vãn sinh xem ở khẩu cung đây, thì Trương Trí Nhân nghĩ chẳng lầm, song vì Lưu Thị khôn lanh giảo quyết, nên phải tra xét cho minh bạch mới có thể thuyết phục nó được”. Bao Công hỏi: “Nếu vậy phải làm sao?”. Công Tôn Sách nói: “Đợi vãn sinh giả đi dò thăm, chừng nào có cớ duyên gì, sẽ trở về bẩm báo”. Bao Công nhận lời.
Công Tôn Sách thay hình đổi dạng làm một thầy thuốc rong, tay xách chiêu bài, vai mang rương thuốc, đi ra xăm xăm tới làng Thất Lý. Dò xét nhọc nhằn cả ngày mà không ra manh mối, tính trở về phủ lo phương khác, đi quanh quẩn thế nào lại tới một cái quán kia tại trấn Du Lâm tên là Hưng Long điếm, bèn đi vào kêu nhà hàng dọn cơm thịt cho mình ăn. Đương ngồi ăn, Công Tôn Sách chợt thấy một đám đông người dắt ngựa đi vào, trong ấy có một người lùn lùn mặt đen, cất tiếng rổn rảng rằng: “Ai trong đó mau mau nhường chỗ cho chúng ta ngồi”. Dứt tiếng thời có một người khác bước tới can rằng: “Tứ đệ đừng la lối!”. Nói rồi bảo chủ quán rằng: “Xin chủ quán nói lại với quan khách chịu phiền rời vào trong, nhường hai phòng này cho chúng tôi vì nội bọn đông lắm”. Chủ quán lăng xăng nói với Công Tôn Sách, Công Tôn Sách bằng lòng, nhà hàng dọn sang bàn mé sau.
Bọn kia cởi yên nhốt ngựa, cất đẹp hành lý, kêu dọn rượu thịt, rồi xúm nhau ngồi vào ăn uống. Công Tôn Sách ghé nhìn thấy ngồi trên bốn người, còn bao nhiêu ngồi bàn dưới. Chúng đương ăn uống. Người đen và lùn hỏi ba người kia rằng: “Mai đây chúng ta vào phủ Khai Phong e người nhớ hờn cũ, không thu dụng thời tính sao?”. Người mắt tròn như trái táo nói: “Tứ đệ khéo lo xa, tôi chắc Bao Công không phải là người hay câu nệ như vậy đâu”. Công Tôn Sách nghe dứt lời, đứng dậy bước qua chắp tay nói với bốn người ấy: “Nếu bốn ngài cần lên phủ Khai Phong, kẻ bất tài này xin ra sức tiến dẫn”. Bốn người lật đật đứng dậy, người lớn hơn hết hỏi: “Túc hạ là ai, xin mời ngồi chuyện vãn chơi cho vui”. Công Tôn Sách khiêm tốn đôi ba lần mới ngồi, ai nấy xưng tên họ, thì ra bốn vị hảo hớn kia là Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ ở Thổ Long Cang, trước đã có ý bỏ tà theo chánh, nay nghe Bao Công làm Phủ Doãn nên bỏ sơn trại phân phát tiền bạc cho lâu la, đem kẻ tâm phúc ít người xuống phủ Khai Phong xin thu nạp.
Công Tôn Sách cùng bốn người chuyện trò, ăn uống vui vẻ lắm, tới canh hai tiệc mới tan.
Đó thật là:
Vì thanh chính xa gần nức tiếng
Nên anh hùng lặn lội tới hầu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.