Hàng Chương và Tưởng Bình tới huyện, trình tờ giấy ở phủ Khai Phong ra, quan huyện xem xong liền mời vào thư phòng hỏi kỹ các việc, rồi lập tức thăng đường thẩm vấn. Hoa Xung không hề chối cãi, nhất thiết đều cung khai. Quan huyện viết tờ trình, sai nha dịch theo Hàng Chương, Tưởng Bình và bọn Long Đào giải Hoa Xung lên phủ Khai Phong.
Khi tới Đông Kinh, Tưởng Bình đi vào công đường ra mắt các vị anh hùng, tỏ cả đầu đuôi việc tìm Hàng Chương và bắt Hoa Xung. Ai nấy nghe nói vui mừng vô hạn. Lư Phương, Từ Khánh, Ngọc Đường, Triển Chiêu đều ra trước Hàng Chương, còn Tưởng Bình thay sắc phục vào ra mắt Bao Công. Bao Công nghe nói mừng rỡ lắm, truyền Bao Hưng mời Hàng nghĩa sĩ vào ra mắt.
Bây giờ lính đã giải Hoa Xung tới, tạm giam vào phòng, các hiệp sĩ nghĩa sĩ anh hùng cùng ra mắt lẫn nhau. Từ Khánh chỉ Mã Hán nói với Hàng Chương rằng: “Người bị trúng tên của anh là vị này”. Hàng Chương cầm tay Mã Hán xin lỗi, Mã Hán nói: “Nay chúng ta như anh em một nhà, còn nhắc tới việc cũ làm chi?”. Công Tôn Sách giục giã Hàng Chương vào thư phòng gia mắt Tướng gia. Hàng Chương và Công Tôn Sách đi rồi, Triển Chiêu bèn truyền bảo bọn nha dịch bày tiệc rượu để thết đãi Hàng Chương.
Chẳng bao lâu Hàng Chương đi với tiên sinh yết kiến Bao Công xong, ra tới phòng trà gặp Trương lão và Đặng Cửu Như ở đó. Cửu Như thấy Hàng Chương liền chạy lại nắm tay thưa rằng: “Con xin ra mắt Hàng tráng sĩ!”. Hàng Chương thấy cử chỉ của Cửu Như mạnh dạn khôn ngoan như người ở nơi quyền quý thời quên phứt. Lúc thấy Trương lão, Hàng Chương hỏi: “Sao hai người lại tới đây?”. Bao Hưng liền đem việc gặp tại quán cho tới lúc đem về phủ Bao công tử nhận làm nghĩa tử mà thuật lại một lượt, Hàng Chương mừng rỡ lắm.
Bấy giờ ai nấy đều tới công sở thấy rượu thịt bày sẵn bèn cứ theo thứ tự chia nhau cùng ngồi. Công Tôn Sách nói: “Tướng gia thấy Hàng huynh tới ra mắt vui lòng lắm, thảo tấu lên Thiên tử, trong ấy nói luôn việc bắt Hoa Xung nữa. Chắc tờ tấu ấy tới mắt Thiên tử, Hàng huynh được nhiều điều may lắm”. Lư Phương nói: “Rất cám ơn hiền đệ phù trì cho”. Hàng Chương lại sai tùy tùng mời Long Đào vào ra mắt các vị anh hùng rồi nói: “Nhờ có Long huynh nhọc nhằn cay đắng nay đã bắt được Hoa Xung đợi xong chuyện rồi sẽ về chẳng muộn”. Long Đào nói: “Tiểu nhân nhờ ơn Nhị gia và Tứ gia giúp sức rửa được hờn, trả được thù, thế thời lòng tôi đã toại”. Nói chuyện với tới đó có lệnh Bao Công truyền giải Hoa Điệp vào Công đường hầu thẩm. Công Tôn Sách liền cùng bốn dũng sĩ Vương, Mã, Trương, Triệu đều tới công đường hầu chực.
Một lát các dũng sĩ trở ra, Triệu Hổ nói rằng: “Thật Hoa Hồ Điệp là anh hùng, mình làm thì mình chịu, không cần tra hỏi”. Kế Công Tôn Sách ra cũng khen và nói: “Tiếc vì y làm nhơ nhuốc phụ nữ, sát hại lương nhân, có tài mà cậy chi tài, tướng gia lên án trảm quyết đó cũng là nhẹ lắm”. Long Đào nghe nói sướng khoái vô cùng.
Qua ngày sau Bao Công tâu lên Thánh thượng, Hàng Chương được vào bái kiến long nhan, được phong chức Hiệu úy, còn Hoa Xung thời y nghị, truyền quan huyện Tường Phù giám trảm. Long Đào từ tạ lui về, Hàng Chương tặng vàng trăm lượng, và cấp thưởng cho sai dịch. Từ đây Long Đào thôi làm chức ở huyện.
Ngày tháng thoi đưa, các anh hùng tụ đủ tại Đông Kinh, năm nghĩa sĩ đã một nhà đoàn hợp. Trăng lặn thỏ lên, ngày đêm thay đổi, chưa bao lâu mà đã tới ngày hôn lễ của Nam Hiệp. Đinh đại gia là Triệu Lang cùng Thái thái đưa tiểu thư Đinh Nguyệt Hoa lên kinh.
Chuyện ấy chẳng lạ chi, nên không cần tả ra, chỉ có một điều là các hào kiệt anh hùng ai cũng tưởng thế nào cũng có đủ mặt Song Hiệp và Bắc Hiệp là anh em họ Đinh và Âu Dương Xuân trong đám cưới này, ai dè Bắc Hiệp chẳng chịu lên kinh, cùng với Nhị gia Đinh Triệu Huệ ở nhà lo việc gia đình.
Hôn lễ của Nam Hiệp xong xuôi, Thái thái và Đinh đại gia ở lại kinh qua tới mùa xuân mới trở lại thôn Mạc Hoa.
Triệu Lang về tới nhà tỏ việc phủ Khai Phong và nói rằng: “Các bầu bạn ở đó đều có lòng kính mộ nhân huynh lắm, muốn cho gặp mặt để tỏ tình luyến ái, tiếc vì chẳng gặp nên họ trách tiểu đệ lắm”. Bắc Hiệp nói: “Rất cám ơn các bạn lắm, nhưng tôi chẳng quen việc thù đáp. Nay hiền đệ đã về tôi xin cáo từ”. Triệu Lang nói: “Vì cớ nào nhân huynh lại đòi đi vội vậy?”. Bắc Hiệp nói: “Liệt huynh có tính hay bay nhảy, nay nhân ở yên nơi đây đã lâu rồi nên trong mình khó chịu, phải đi du lãm mới được”. Đinh Triệu Lang thấy Bắc Hiệp đã quyết, chẳng thể giữ lại, bèn xin nán lại hai ngày.
Tới ngày thứ hai, anh em họ Đinh cùng Bắc Hiệp cất chén từ biệt, có tình quyến luyến. Triệu Lang hỏi rằng: “Bây giờ nhân huynh tính đi đâu?”. Bắc Hiệp đáp: “Tính sẽ du ngoạn Khánh Châu”. Tiệc rồi, ba người trân trọng chia tay nhau.
Bắc Hiệp ra đi, gặp non xem non, gặp nước thưởng nước. Ngày nọ đi tới huyện Nhân Hòa, thấy một dãy rừng tùng rậm rạp, có một chót nhà cao tít mây xanh, liền nghĩ rằng: “Đó là cảnh Phật thế thời cũng nên tới chiêm ngưỡng”. Nghĩ đoạn đi tới cửa, thấy trên ngạch có tấm biển đề ba chữ: “Bàn Cổ Tự”, giậu rào xem rất chắc chắn đẹp đẽ, Bắc Hiệp liền mang bao phục đi vào chính điện lớn thấy tượng Tam Hoàng, bèn làm lễ bái. Lễ xong, thấy một chú tiểu đi ra, trạc độ ba mươi, thấy Bắc Hiệp liền thi lễ, Bắc Hiệp cũng đáp lễ rồi hỏi: “Chẳng hay có sự phụ tại hậu viện chăng?”. Chú tiểu nói: “Tráng sĩ hỏi sư phụ có việc chi?” Bắc Hiệp nói: “Nhân quá bước tới đây nên trước vào thi lễ và sau xin trà uống”. Chú tiểu nói: “Có vậy xin mời vào nhà khách đãi trà”. Bắc Hiệp liền theo vào, chú tiểu đi nấu nước, trà đã châm xong, kế thấy một vị hòa thượng trạc bảy mươi mà nhan sắc như trẻ nhỏ, tinh thần cường tráng bước ra thi lễ và hỏi quý danh Bắc Hiệp. Bắc Hiệp đáp xong lại hỏi hòa thượng. Hòa thượng tự xưng pháp danh là Tịnh Tu rồi trò truyện với Bắc Hiệp. Câu chuyện càng dài, lòng kính mộ nhau lại càng nặng, chuyện vãn tới chiều, chú tiểu dọn cơm chay, Bắc Hiệp không từ chối, ăn uống như thường, hòa thượng vui lòng lắm.
Bắc Hiệp ở lại Bàn Cổ Tự chơi, chuyện vãn với Tịnh Tu lâu lắm. Nào khi câu thơ hòa vận, lại có lúc xem hoa nở khi chờ trăng lên, chén trà tỏ nỗi, câu đờn giãi bày.
Một hôm, một người học trò áo quần rách rưới, mặt mày hốc hác, tay cầm một xấp câu đối đi thẳng tới trước mặt hòa thượng và Bắc Hiệp mà thi lễ. Bắc Hiệp đáp lễ rồi hỏi: “Chẳng hay tiên sinh tới đây có điều chi dạy bảo?”. Người học trò đáp: “Tiểu sinh nghèo khốn, không của nuôi thân, nhân có ít câu đối xin ẩn sĩ đọc giúp cho”. Hòa thượng Tịnh Tu nghe nói đứng dậy tiếp giở cho coi, thoạt thất kinh mà rằng: “Hay lắm! Hay lắm!”.