Bao Thanh Thiên – Thất Hiệp Ngũ Nghĩa

HỒI 77: TỬ NHIÊM BÁ TÀI CAO, PHỤC ĐƯỢC NGŨ THỬ BẠCH NGỌC ĐƯỜNG THẾ KÉM, CHỊU SÚT SONG HÙNG



Thầy trò Thang Mộng Lang từ giã ra về, Ngọc Đường bèn bước tới nắm tay người to lớn chào rằng: “Chào tôn huynh”. Người to lớn nọ vội vàng đáp lễ rồi hỏi: “Chẳng hay tôn danh của huynh là gì?”. Bạch Ngọc Đường đáp: “Tiểu đệ họ Bạch tên Ngọc Đường”. Người to lớn nói: “Có phải Ngọc Đường đại náo Đông Kinh đó không?”. Ngọc Đường đáp: “Phải, Cẩm Mao Thử là tôi, còn tôn huynh quý hiệu là gì?”. Người to lớn đáp: “Tôi là Âu Dương Xuân đây!”. Ngọc Đường nói: “Nói vậy thời túc hạ là Bắc Hiệp Tử Nhiêm Bá sao? Dám hỏi túc hạ tới đây có việc gì?”. Bắc Hiệp đáp: “Nhân đi qua am này thấy tiểu đồng kêu khóc, hỏi ra mới hay nó bị lạc chủ, vì vậy dừng bước vào đây, thấy Ngũ đệ đứng rình, kế Ngũ đệ vào chuyện trò và phát lạc hai cô vãi, nên ta trở ra đem tiểu đồng vào cho chủ tớ gặp nhau”. Ngọc Đường nghe nói nghĩ thầm rằng:”Y nói đứng rình lâu lắm, sao ta không hay! Ta vẫn đi tìm y, nay gặp đây không bắt còn đợi chừng nào. Ủa mà không tiện, chỗ này chật hẹp, chi bằng gạt ra ngoài cũng chẳng muộn gì”. Nghĩ đoạn bèn nói với Bắc Hiệp rằng: “Nơi đây chẳng tiện cho chúng ta chuyện vãn, vậy xin mời về nhà trọ sẽ cùng nhau bày tỏ tâm sự”. Bắc Hiệp nói: “Vậy thời càng hay”.
Hai người liền cùng nhau ra khỏi am Tuệ Hải Diệu Liên, bây giờ mưa tạnh trời trong, sao dày trăng tỏ Bắc Hiệp hỏi rằng: ”Ngũ đệ tới Khánh Châu có việc gì?”. Ngọc Đường nói: “Vì túc hạ mà tới đây”. Bắc Hiệp dừng bước lại hỏi rằng: “Vì liệt huynh chuyện gì? ” Ngọc Đường bèn đem chuyện Nghê Thái thú và Mã Cường cung khai tại Đại Lý Ti và mình vâng chỉ thế nào thuật lại. Bắc Hiệp nghe Ngọc Đường nói có hơi kiêu căng, liền nói: “Nói vậy ngũ đệ là khâm mạng hộ vệ đây mà. Vậy xin tha lỗi cho Âu Dương Xuân nhé! Chẳng may khâm mạng lão gia tính cho Âu Dương Xuân này phải về kinh hay thế nào, xin dạy cho biết?”. Bắc Hiệp nói như vậy là có ý dò coi Ngọc Đường có biết cách giao tình hay không? Nếu thật là người biết phải, thời cùng nhau bàn tính thiệt hơn ắt chuyện được ổn thỏa. Chẳng dè Bạch Ngọc Đường quen tính kiêu ngạo, ỷ mình có võ nghệ, coi trước mắt không người nên đáp rằng: “Đây là phụng chỉ quân vương, ắt phải bắt túc hạ theo Bạch mỗ về kinh chớ sao!”. Âu Dương Xuân cười lạt rằng: “Tử Nhiêm Bá đường đường nam tử như vầy mà đi theo Ngũ đệ về kinh, há chẳng để tiếng cười cho thiên hạ sao? Xin nghĩ lại cho”. Ngọc Đường nghe nói chẳng phân khinh trọng, nổi nóng nói lớn rằng: “Phỏng như lời túc hạ nói, thời thật chẳng vâng lệnh hay sao? Thôi có giỏi thời thử tài cho biết ai cao ai thấp”. Bắc Hiệp cười rằng: “Xin nghe lời lão gia dạy bảo”. Ngọc Đường liền cởi áo, lột giày, mở khăn, nhảy ra thủ thế, Bắc Hiệp đứng vỗ tay cười ngất. Ngọc Đường thấy vậy lại càng giận nhảy tới tay đánh chân đá, Bắc Hiệp nghĩ thầm rằng: “Mình đã nhịn nó, nó lại thách mình, thôi đá vậy phải chơi cho nó biết mặt”. Nghĩ đoạn nhìn lên thấy Ngọc Đường đánh tới bèn né tránh. Ngọc Đường liền dùng thế hồi mã, Bắc Hiệp giả đò nhảy lên, Ngọc Đường thấy Bắc Hiệp nhảy thời cả mừng đánh trái lại. Bắc Hiệp lại né qua giơ hai ngón tay bắt vào hông sườn một cái, Ngọc Đường tê điếng cả mình thở muốn không ra hơi, mắt toé đom đóm, gân mạch run cả. Bắc Hiệp sợ làm thẳng tay e Ngọc Đường bị bệnh, bèn đánh sau lưng một cái rồi buông ra, lại xin lỗi rằng: “Liệt huynh lỡ tay, xin Ngũ đệ thứ lỗi” Ngọc Đường không đáp, bỏ đi thẳng.
Ngọc Đường về tới chỗ trọ, nhảy tường vào, sai Bạch Phúc đi nấu nước trà, còn mình nằm sải tay trên giường nghĩ rằng: “Thôi rồi Cẩm Mao Thử, mặt mũi nào mà về Đông Kinh, ăn năn đã muộn, phải chi theo lời Tứ ca thời đâu có nên nông nỗi này?”. Nghĩ đoạn mở dây lưng, leo lên ghế buộc vào xà nhà làm vòng, xong xuôi đút đầu vào tự vẫn. Ai dè vừa cho đầu vào thời vòng lại tuột ra như vậy đôi ba lần. Ngọc Đường nghĩ rằng: “Hay là ta chưa tới số chết nơi đây sao?”. Nghĩ tới đây bỗng có người vỗ vai nói rằng: “Ngũ đệ so tính dở lắm vậy?”. Ngọc Đường quay đầu ngó lại thấy Bắc Hiệp tay cầm áo hoa, tay xách giày và khăn của mình, thời giật mình nói thầm rằng: “Quái lạ, y tới đây hồi nào mà ta không hay, thật nghề y hơn ta nhiều lắm”.
Nguyên Bắc Hiệp thấy Ngọc Đường líu ríu đi về, e anh ta nóng trí nghĩ bậy, nên lật đật ôm áo, khăn, giày, lén lén đi theo. Tới cửa phòng nghe Ngọc Đường sai Bạch Phúc nấu nước, kế thấy bắc ghế buộc vòng, bèn lừa vào đứng sau lưng lâu lắm mà Ngọc Đường không hay.
Bắc Hiệp để gói đồ xuống, bước lại mở dây kéo Ngọc Đường rồi hỏi rằng: “Ngũ đệ muốn bắt thường mạng với liệt huynh sao? Nếu Ngũ đệ chết thời liệt huynh cũng chết với một lượt”. Ngọc Đường nói: “Túc hạ nói vậy là nghĩa làm sao?”. Bắc Hiệp nói: “Nếu Ngũ đệ nghĩ quấy rồi tự vẫn thời liệt huynh há ở êm được với bốn anh em của Ngũ đệ sao? Mà Nam Hiệp cũng không còn để cho liệt huynh thong thả được. Lại còn mặt mũi nào ngó các bạn tại phủ Khai Phong nữa. Tốt hơn là chết theo Ngũ đệ cho xong”. Ngọc Đường nghe nói làm thinh, Bắc Hiệp nghĩ một hồi rồi nói: “Chuyện vừa rồi, ngũ đệ chớ chấp làm chi, đó chẳng qua là giỡn với nhau thôi, có gì mà phải bỏ một đời xuân xanh như vậy. Ngũ đệ ơi? Vì chút vinh diệu mà Ngũ đệ muốn chôn bùn liệt huynh hay sao? Nay có một cách này, là phải làm thế nào cho anh em Đinh song hiệp chịu xuất đầu, giúp nước giúp vua, cùng với liệt huynh về kinh. Làm như vậy Ngũ đệ khỏi mang tiếng bất tài, mà liệt huynh cũng khỏi chịu điều bị bắt, ý Ngũ đệ nghĩ sao?”. Bạch Ngọc Đường nghe nói mừng rỡ nhận lời và xin sẽ tới thôn Mạc Hoa toan liệu, Bắc Hiệp từ giã ra đi.
Bấy giờ Bạch Phúc châm trà bưng lên, Ngọc Đường bảo rót một chén, nhưng chưa uống, sai Bạch Phúc đốt đèn lồng ra cửa nhà trọ đợi mình. Đoạn ôm áo khăn, giày, quạt nhảy tường đi ra chỗ vắng, mặc vào y dáng tú tài rồi trở lại. Chủ nhà trọ thấy vậy hỏi: “Tướng công đi đâu bây giờ mới về?”. Ngọc Đường đáp: “Vì gặp bạn quen giữ lại đãi đằng cơm nước nên về trễ”. Bạch Phúc liền xách đèn đi trước. Ngọc Đường theo sau vào phòng, thời chén nước còn nóng, liền bưng uống cạn, rồi thay áo quần, ăn cơm, lại dặn Bạch Phúc sửa soạn hành lý, tới canh năm đi qua phủ Tòng Giang thôn Mạc Hoa.
Khi tới nơi, Ngọc Đường sai Bạch Phúc vào bẩm trước, còn mình thì thủng thẳng đi sau. Vừa tới cửa đã thấy trang đinh sắp hàng và anh em họ Đinh ra rước, mời thẳng vào nhà khách, phân ngôi chủ khách cùng ngồi. Bạch Ngọc Đường xin vào ra mắt Đinh thái thái rồi mới trở lại trà nước và bày nỗi hàn huyên, chuyện vãn vui cười, hai anh em họ Đinh kiếm chuyện ghẹo Ngọc Đường một hồi rồi sai gia đinh bày tiệc cùng nhau ăn uống.
Rượu được vài tuần, Đinh Triệu Lang hỏi Ngọc Đường rằng: “Ngũ đệ đi chuyến này có việc quan hay là việc riêng?”. Ngọc Đường đáp: “Chẳng giấu chi hai anh, vốn là việc quan, song nhờ hai anh mới xong được”. Triệu Huệ hỏi: “Đã là việc quan sao còn cậy anh em tôi?”. Ngọc Đường đáp: “Nhân vì án của Nghê Thái thú và Mã Cường trong đó có kẹp Bắc Hiệp vào, nên Thánh chỉ sai đi tầm nã”. Triệu Lang nói: “Vậy đã có gặp nhau chưa?”. Ngọc Đường bèn thuật những lời Tưởng Bình dặn, mà mình không nghe, đến nỗi phải đọ tài cao thấp với Bắc Hiệp ra sao, rồi vâng lời Bắc Hiệp qua cầu với anh em họ Đinh lên kinh thế nào… Anh em họ Định nghe xong vỗ tay cười rằng: “Nói vậy thời Ngũ đệ đã chịu phục Bắc Hiệp rồi à?”. Ngọc Đường đáp: “Chẳng những chịu phục mà thôi, lại còn cảm kích nữa, vì tài của Bắc Hiệp hơn tôi gấp bội”. Triệu Huệ nghe dứt, nói lộn rằng: “Tôi cũng phục tài Bắc Hiệp lắm. Thôi Âu dương huynh còn ẩn mặt làm chi hãy ra đây trò chuyện cho vui”. Bỗng từ mé trong ba người bước ra. Bắc Hiệp đi trước, theo sau một người tuổi ước tam thập và một gã nhỏ. Ngọc Đường vội vàng đứng dậy nắm tay Bắc Hiệp hỏi rằng: “Âu Dương huynh tới đây hồi nào?”. Bắc Hiệp nói: “Cũng vừa mới tới”. Ngọc Đường lại hỏi: “Còn hai vị này là ai?”. Triệu Huệ đáp: “Vị này là Trí Hóa, hiệu là Hắc Yêu Hồ, vốn thông gia với nhà tôi, còn gã nhỏ này là đồ đệ của Trí huynh”. Ngại Hổ lật đật ra mắt Ngọc Đường. Bạch Ngọc Đường nắm tay nó, xem thấy hình dung phong tú thời khen ngợi lắm.
Mọi người đều vui mừng cùng nhau phân thứ tự ngồi vào tiệc ăn uống. Thật rất tâm đầu ý hợp ăn uống tới canh ba mới mãn tiệc.
Sáng ngày Ngọc Đường và Bắc Hiệp cùng lên Đông Kinh.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.