Anh em họ Đinh và Trí Hóa đưa Bạch Ngọc Đường và Bắc Hiệp đi rồi, trở vào tới nhà khách, Trí Hóa nói rằng: “Tôi tưởng việc ấy rất quan trọng, xét kỹ ra đều tại chú cháu Mã Cường làm quấy, nếu chẳng lập kế đánh đổ được Mã Triêu Hiền thời khó xong”. Triệu Huệ hỏi: ”Trí huynh có kế gì hay không?”. Trí Hóa nói: ”Có, mà phải làm điều dối trá, đánh lận cho chú cháu nó mắc vào, tang cớ đủ rồi, khó bề cứu gỡ, nhưng kế đó khó làm”. Triệu Lang nói: “Khó làm sao thời nói nghe thử?”. Trí Hóa nói: “Ban đầu tôi vào Bá Vương trang là cố ý dò xét việc cử động của Mã Cường, biết có ý giao hảo với Tương Dương Vương rắp lòng sinh quấy, nay cũng nên lấy cớ ấy để trừ bớt tai hại cho nước nhà. Nhưng việc này phải chịu bốn điều khó. Thứ nhất, phải có một vật của nhà vua, phần đó tôi xin lãnh. Thứ nhì, có một người tuổi tác với một đứa con trai hay con gái nhỏ mà gan dạ, biết liệu cơ ứng biến và chịu nổi các việc khó khăn. Thứ ba, chúng ta trộm được đồ nhà vua rồi, phải đem giấu sau lầu Phật nhà Mã Cường để sau này lấy đó là tang cớ”. Đinh Triệu Huệ nghe nói đến đó hớt rằng: “Việc thứ ba đó tôi xin lĩnh cho. Còn điều thứ tư là gì?”. Trí Hóa nói: ”Duy có điều thứ tư thời khó nhất phải có một người biết rõ căn nguyên, đi một mình lên phủ Khai Phong bày tỏ đầu đuôi mọi việc điều thứ tư cần thiết lắm, việc thành hay bại đều trông vào đó cả. Người mà đi được thật khó kiếm!”. Trí Hóa vừa nói vừa liếc Ngại Hổ. Ngại Hổ liền đứng dậy nói: “Điều thứ tư, tôi xin lĩnh mạng”. Trí Hóa nguýt một cái nói: ”Đồ đệ còn nhỏ tuổi, làm sao đương nổi việc to tát thế được?”. Ngại Hổ đáp: “Cứ ý đồ đệ, thời đồ đệ đi đây có ba điều ích lợi”. Triệu Lang nghe Ngại hổ đòi đi thời tưởng trẻ nhỏ hay nói bướng, tới chừng nghe nói có ba điều kiện ích lợi, thời nghĩ chắc nó có ý hay, liền hỏi: ”Mi nói ba điều ích đó cho ta nghe?”. Ngại Hổ đáp: “Một là cháu ở tại Bá Vương trang từ nhỏ tới lớn, mọi việc của Mã Cường cháu biết rõ lắm. Vả lại ba năm trước Mã Triêu Hiền có nghỉ chức về đó, lúc ấy thầy cháu chưa tới, nay trộm được đồ đem nói rằng Triêu Hiền về lén đem theo thời hợp với sự thật lắm. Hai là: Tục ngữ có câu: “Con nít không nói láo”. Vậy cháu lên phủ Khai Phong kể các việc chắc không ai nghi ngờ. Ba là thầy cháu có công dạy dỗ, nhờ cơ hội này lập được chút công danh, há chẳng ích hay sao?”. Đinh Triệu Lang vào Đinh Triệu Huệ nghe Ngại Hổ nói dứt vỗ tay khen. Trí Hóa nói: “Nhị vị hiền đệ chớ vội khen, nó còn trẻ ăn chưa no lo chưa kịp, nó tưởng phủ Khai Phong là chỗ chơi chứ không dè đến nơi ấy thấy oai võ của các vị anh hùng, xem nghi vệ cách dò hỏi của Bao tướng thời gan mật tiêu tan, xương gân run rẩy, nói bậy nói bạ mà làm hỏng việc lớn!”. Ngại Hổ nghe mấy lời ấy thì chân mày dựng thẳng, cặp mắt xoe tròn, nói rằng: “Đó là thầy khinh tôi. Chớ đầu xuống điện Diêm Vương thấy mặt hang thần ác quỷ, hoặc lên non gươm núi lửa, tôi cũng chưa rủn lòng đổi chí, lựa là cứu người nghĩa sĩ trung thần kia?”. Anh em họ Đinh nghe Ngại Hổ nói khí khái thời khen lắm. Trí Hóa nói: “Thôi, đừng nói nhiều chuyện, bây giờ ta giả đò Bao tướng cật hỏi mi coi sao?”. Ngại Hổ lật đật quỳ xuống thưa: “Xin sư phụ cứ hỏi”. Trí Hóa liền hỏi: “Tên Ngại Hổ kia! Trong nhà chủ mi quả là có vật phạm cấm, mà thật là của Đại lão gia (chỉ Mã Triêu Hiền) đem về hay không?”. Ngại Hổ đáp: “Bẩm tướng gia! Quả ba năm trước, Đại lão gia nghỉ chức về làng, tự tay đưa lại cho tôi đem giấu vào lầu Phật. Thật rõ tôi tận mắt thấy”. Trí Hóa hỏi: “Như lời mi nói, thời vật phạm cấm giấu tại nhà mi phải chăng đã ba năm rồi?”. Ngại Hổ thưa: “Dạ phải”. Trí Hóa giả đò giận vỗ bàn một cái rầm nạt rằng: “Đã ba năm rồi, sao tới nay mi mới đi cáo?”.
Một câu hỏi đó làm anh em họ Đinh sững sờ, chắc thế nào Ngại Hổ trả lời cũng không được. Nào dè Ngại Hổ chẳng hề luống cuống, thong thả đáp rằng: “Bẩm Tướng gia, tôi năm nay mười lăm tuổi, cách ba năm trước thời mới được mười hai, vẫn còn ngu dại, lại chưa rõ giấu gian là phạm tội: Tới nay chủ tôi can án bị giam, có kẻ mách cho tôi rằng: Người nào biết rõ tính gian mà giấu giếm thời bị buộc tội đồng lõa, nếu ta cung khai chuyện ba năm trước cho rõ ràng thì được giảm tội. Vì vậy tôi sợ nên tới đây tố cáo với lão gia”. Triệu Lang nghe Ngại Hổ đáp xuôi rót, liền nói: “Được rồi, điều thứ tư cháu lĩnh được lắm”. Trí Hóa đáp: ”Tuy nói vậy, mà chừng nó đi phải có hai phong thư gửi gấm mới được. Bây giờ có cần dùng ít món đồ phải kể ra cho đủ rồi sẽ liệu toan”. Triệu Huệ vội vàng bưng mực viết đem ra. Trí Hóa vừa đọc vừa viết rằng: “Xe bằng cây một cỗ, chiếu khổ lớn một chiếc. Màn và nệm cũ một đôi. Chảo, nồi, gáo, vá, chén, đĩa, rổ các vật cho đủ dùng. Một ông già, một đứa con nít hoặc trai hoặc gái, đều phải đem áo vải cũ theo”. Đinh Triệu Lang thấy biên như vậy, bèn nói: “Trí huynh dùng mấy món đó làm gì?”. Trí Hóa nói: “Nay liệt huynh muốn lên Đông Kinh trộm mũ Cửu Long trân châu của Thánh thượng. Bởi vì Mã Triêu Hiền làm Tổng quản kho Tứ Chấp nên giữ mũ ấy. Bây giờ liệt huynh tính giả làm dân mất mùa đi trốn, lên Đông Kinh tìm nơi ở yên, rồi dò kho Tứ Chấp ở đâu sẽ trộm Châu quan rồi lấy chiếu nệm đậy kín lại một bên, còn một bên, để đứa nhỏ đó ngồi thời không ai nghĩ được, như vậy trở về mới êm mà việc này phải cần có ông già và đứa nhỏ gan dạ và chịu khổ cực được mới xong. Đâu hiền đệ nghĩ kiếm giùm có hay không?”. Đinh Triệu Huệ đáp: “Tôi có một vị chủ quản đã già tên là Bùi Phúc chẳng những là người chịu cực khổ, gan dạ mà thôi, lại còn ngay thẳng hào hiệp nữa. Nhưng mà phải lấy đại nghĩa tỏ cho ông ấy nghe, rồi cậy giúp sức chớ đừng cho biết bí kế, chừng nào ông ấy chịu chắc rồi sẽ nói cho biết”. Trí Hóa gật đầu sai người đi kêu Bùi Phúc.
Bùi Phúc ra mắt ba vị anh hùng. Trí Hóa bèn đem chuyện Mã Cường bạo ngược, hại người bắt gái, đến Nghê Thái thú giả trang dò xét, bị hãm vào bẫy, được Bắc Hiệp cứu, vì đó mà cả hai bị Mã Cường lập mưu hãm hại, nay ở trong ngục chưa biết chết sống thế nào, nói một lượt cho Bùi Phúc nghe. Bùi Phúc nghe xong trợn mắt nói rằng: “Như vậy phải giết tên ác tặc đó cho rồi, còn để làm chi?”. Đinh Triệu Huệ đáp: “Ông đừng nóng, việc đó còn lâu. Bây giờ tri huyện cũng vì việc đó muốn cậy ông lên Đông Kinh, có được hay không?”. Bùi Phúc nói: “Tôi xin đi”. Trí Hóa nói: “Vậy thời phải cải trang làm kẻ mất mùa đi trốn nạn, tôi với ông giả làm cha con, còn đứa nhỏ nữa thời làm cháu, cùng đi lên Đông Kinh; ông nghĩ có được không?”. Bùi Phúc đáp: “Kế ấy thật hay”. Trí Hóa nói: “Còn đứa nhỏ chưa có, tính sao đây?”. Bùi Phúc liền chỉ cháu mình là Anh Thơ tuổi vừa lên chín, Trí Hóa cả mừng định ngài mai sẽ khởi hành.
Đinh Triệu Lang theo giấy của Trí Hóa biên, sắm sửa đủ mọi vật, rồi bày tiệc tiễn hành. Bùi Phúc, Anh Thơ cùng ngồi vào ăn uống không phân chủ tớ. Ăn uống xong, sai dọn một chiếc thuyền đưa Trí Hóa, Bùi Phúc, Anh Thơ đi theo sông Trường Giang, tới ranh đất Hà Nam, đem đồ đạc và xe lên bờ. Trí Hóa mang dây vào vai kéo xe đi trước, Bùi Phúc đi sau phụ đẩy, tìm nơi đông đảo lần tới xin tiền.
Ngày nọ tới Đông Kinh, cũng cứ việc đẩy xe, vừa đi, vừa xin tiền như cũ. Trời chiều mát mẻ, đường sá thưa người, Trí Hóa chưa biết tìm chỗ nào đình trú, chợt gặp một vị quan hỏi: “Ông già đẩy xe đi đâu, có chỗ để nghỉ đêm hay chưa?”. Bùi Phúc đáp: “Xin ngài chỉ cho, già thật chẳng biết”. Có người đứng bên cạnh nói với vị ấy rằng: “Vậy thì chỉ cho ông ấy vào đình Huỳnh”. Bùi Phúc theo lời chỉ dẫn của người ấy mà đẩy xe tới. Tới nơi lấy mền nệm trải lên bực thềm, dỗ cho Anh Thơ ngủ. Đến lúc canh khuya yên lặng, Bùi Phúc hỏi Trí Hóa rằng: “Bây giờ đã tới đây, chúng ta sẽ làm gì?”. Trí Hóa nói: “Đêm nay ta hãy nghỉ yên, mai tôi đi dò xem tình thế đã”. Nói đến đó nghe tiếng chuông đánh beng beng, hai người bèn nín lặng, nghe bọn tuần canh có đứa nói: “Bên kia có xe ai để vậy?”. Đứa khác đáp: “Đó là xe của cha con ông già bị mất mùa bỏ xứ mà Trương Đầu Nhi chỉ vào đây hồi sớm đó”. Nói rồi bỏ đi, hai người yên tâm nằm ngủ.
Sáng ngày Trí Hóa vừa thức đậy, thấy có tốp người vác xuổng, mang dây và xách nào sọt nào thúng xa xa đi lại, bèn lật đật chạy tới xin tiền. Trong bọn đó có người nói: “Tên này kỳ quá, sáng ngủ dậy chưa cạy ghèn, nên không thấy bọn mình đi làm sao lại còn xin tiền chớ!”. Trí Hóa giả không nghe lại gần người khác xin nữa.