Người đàn bà đội trạng ấy, là họ Văn, lấy chồng nhà họ Hàng, chồng chết đã lâu, có được một trai tên là Thoại Long nay tuổi vừa mười sáu. Hai mẹ con mướn nhà ở tại Bạch Gia Bao. Văn Thị chuyên nghề may vá kiếm ăn, con thời đọc sách, nhà chia ra làm ba, phòng ngủ, chỗ tiếp khách và thư phòng.
Một buổi tối Hàng Thoại Long đương chong đèn đọc sách, đến nửa canh một, chợt thấy buồng bên kia có dáng người giày đỏ áo xanh đi vào, Hàng Thoại Long lật đật chạy sang bên gọi Văn Thị. Văn Thị giật mình hỏi: “Vì cớ nào con không lo học lại vào làm rộn vậy?”. Thoại Long nói: “Con mới vừa thấy một người đi vào buồng, nên kêu mẹ thức dậy xem phải kẻ trộm không?”. Văn Thị nghe nói cũng sợ là ăn trộm vào nhà liền bảo bưng đèn đi rọi. Thoại Long rọi tới dưới giường nằm thấy đất vun cao lên liền la rằng: “Mẹ ôi! Sao đất đùn đống lên thế này?”. Văn Thị chạy lại coi thấy đúng, liền hối giở giường lên, rồi banh đất ra, thấy một cái rương đậy kín, Thoại Long chạy lấy dao cạy lên thì trong ấy đựng rất nhiều tiền bạc. Mẹ con lòng rất vui mừng. Thoại Long nói với Văn Thị rằng: “Mẹ, có lẽ trời phật thấy mẹ con ta cơ khổ, nên cho của này đặng con ăn học chớ gì”. Văn Thị đáp: “Con nói có lẽ phải, vậy sáng ngày phải đi chợ mua lễ vật về đáp tạ thần minh đã có lòng phù hộ”. Nói đoạn ém đất chỗ đó lại và kê giường như cũ, rồi mẹ con yên nghỉ.
Đêm ấy Thoại Long mừng lắm, thức dậy rất sớm, thấy ngoài sân sáng trưng, chạy kêu Văn Thị dậy lấy tiền và hỏi thăm mua những vật gì. Khi Thoại Long ra khỏi nhà, trên trời trăng tròn còn sáng, sao mai chưa mọc, biết là còn khuya lắm, nhưng không ngần ngại gì cứ lang thang đi mãi. Tới trước cửa lò heo họ Trịnh thấy trong nhà có bóng đèn liền gõ cửa. Bỗng dưng đèn đuốc đâu mất hết, trong nhà tối thui, kêu mãi không ai lên tiếng, vội vã quay mình trở lại. Đi được ít bước Thoại Long nghe tiếng mở cửa, ngó lại thời đèn cháy sáng như cũ và nghe thấy Trịnh đồ kêu: “Ai mua đầu heo?”. Thoại Long nghe kêu trở lại, Trịnh đồ thấy mặt mừng rỡ nói quýnh rằng: “Ồ? Tưởng ai đâu té ra là cậu hai, ủa sao cậu nói đi mau đầu heo không đem thúng rổ gì hết vậy?”. Thoại Long đáp: “Vì lật đật quá, quên phứt đi, bây giờ làm sao?”. Trịnh đồ nói: “Không hại gì tôi sẵn có cái bao bằng vải đây, cho cậu mượn xách về sáng đem trả lại cho tôi cũng đặng”. Nói rồi chạy vào xách bao ra, máu me còn dính, nói với Thoại Long rằng: “Đầu heo tôi đã bỏ trong đó rồi “. Thoại Long lật đật lấy tiền ra trả, rồi xách bao hối hả ra về.
Đi ngang bọn tuần đinh, chúng nó thấy bèn đón lại, hỏi: “Ai xách bao gì đó?”. Thoại Long đáp: “Tôi, tôi mua đầu heo”. Vừa nói vừa thở hổn hển. Tuần đinh thấy bộ anh ta nghi, lật đật mở bao coi, té ra trong ấy không có đầu heo, lại có đầu một người con gái tóc tai rối bù, máu me bê bết. Thoại Long thấy vậy hồn phi phách tán, chết sững người ra. Bọn tuần đinh liền dắt về Nghiệp huyện. Trời sáng quan huyện ngồi hầu, tuần đinh dẫn Thoại Long vào bẩm cái việc và cái bao làm tang. Quan huyện thấy Thoại Long hình dung mỏng mảnh, mặt mũi hiền từ, rõ là một gã thư sinh, chớ chẳng phải một tay gian ác. Quan huyện hỏi: “Mày tên gì, sao lại giết người như vậy?“. Thoại Long khóc lóc thưa rằng: “Tiểu nhân tên là Hàng Thoại Long, vì qua nhà họ Trịnh mua đầu heo quên đem rổ, Trịnh đồ bèn cho mượn bao và đã đựng đầu heo vào hồi nào rồi, đưa cho tiểu nhân, tiểu nhân vô ý tưởng thật xách về, gặp tuần đinh đón hỏi, mở ra mới hay là đầu người “. Nói rồi khóc rống lên nghe rất thảm thiết. Quan huyện sai đòi Trịnh đồ tới, thời nó chối là không có bán đầu heo cho Thoại Long, hỏi tới cái bao vải, thời cũng chối là không phải của nó. Thương hại cho gã thư sinh tuổi nhỏ làm sao tranh cãi cho lại miệng một đứa già hàm! May sao quan huyện lòng lành, thấy Thoại Long nho nhã không nỡ gia hình, nên giam cả hai vào ngục chờ ngày phân xử.
Văn Thị ở nhà trông con mãi không thấy về, đi hỏi thăm mới hay, oan ức vô cùng, thảm sầu lắm nỗi, muốn vạch trời kêu lên, may đâu nghe Bao Công là người chính trực vô tư, đoán việc như thần, vừa ra Trần Châu nên đón đường đội trạng.
Khi Bao Công vào công quán, Huyện doãn tới nghênh tiếp, Bao Công liền hỏi tới án của Hàng Thoại Long. Huyện doãn thưa rằng: “Vẫn còn giam đợi thẩm vấn chớ chưa kết án”. Bao Công truyền đem Thoại Long tới hỏi rằng: “Hàng Thoại Long, vì sao mi giết người, cứ thật nói ngay đi?”. Thoại Long nhỏ nước mắt ròng ròng khóc mà bẩm rằng: “Vì tiểu nhân đi mua đầu heo quên đem rổ nên Trịnh đồ cho mượn bao ấy”. Bao Công hỏi: “Mi gặp tuần đinh lúc nào?”. Thoại Long thưa: “Lúc ấy trời chưa sáng”. Bao Công hỏi: “Trời chưa sáng mi đi mua đầu heo làm gì?”. Thoại Long không biết trả lời làm sao, cúi đầu mà khóc mãi. Bao Công cho dẫn xuống rồi nói với quan huyện cho người tới khám soát nhà của Hàng Thoại Long cho kỹ coi đó có vật chi không. Huyện quan vâng lời.
Bao Công sai dắt Trịnh đồ ra xem thấy người mắt to mũi lớn, mày rậm trán vồ, rõ ràng tướng đứa bất lương, liền hỏi: “Sao mi lại bỏ đầu người ta vào bao mà bán cho Thoại Long? “. Trịnh đồ cứ khai y như lời đã khai với quan huyện. Bao Công giận lắm tấn cho mấy chục hèo mà Trịnh đồ cũng một mực chối dài, không hở môi một tiếng. Bao Công liền sai dẫn xuống. Kế đó quan huyện lại bẩm rằng: “Ti chức lĩnh mạng xét nhà Hàng Thoại Long được một cái rương mở ra là tiền bạc, lại kiểm soát ở dưới thời có một cái thây đàn ông không đầu”. Bao Công dạy đem Hàng Thoại Long ra, hỏi: “Nhà của mi ở đó là ông bà để lại, hay mẹ con mi cất lên?”. Thoại Long đáp: “Không phải của ông bà để lại, mà cũng không phải của mẹ con tôi cất lên, nhà ấy mướn của người ta và ở cũng chưa lâu”. Bao Công hỏi: “Hồi trước ai ở đó?”. Thoại Long nói: “Việc đó tiểu nhân không biết được”. Bao Công nghe xong đem cả hai vào giam như cũ, rồi mời Công Tôn Sách ra bàn luận. Cùng nhau suy nghĩ mãi, cũng không hiểu chuyện ấy nguyên do thế nào, Công Tôn Sách xin đi dò xét. Bao Công nói: “Để hoãn lại cho bản quan suy nghĩ đã”. Công Tôn Sách liền kiếu ra khách phòng bàn chuyện ấy với bốn vị dũng sĩ. Bàn qua tính lại rất lâu, song cũng không ai tìm được manh mối nào. Công Tôn Sách liền trở lại phòng riêng của mình nằm gác tay ngẫm nghĩ.
Ngoài này Triệu Hổ nói với ba người kia rằng: “Nè ba anh, từ khi chúng ta xuống đây, ăn hao xài tốn, chớ chưa lập được chút công gì, nay nhân việc này, để cho tiểu đệ đi dò hỏi thử coi”. Ba người nghe nói cười rằng: “Việc rất bí mật, mà em thời thô lỗ, đâu đủ sức gánh vác”. Triệu Hổ nghe nói hổ thẹn lắm lui về phòng nằm buồn bã. Có một đứa dưới trướng khôn lanh thấy vậy thưa nhỏ rằng: “Lão gia muốn đi dò việc đó, phải làm sao cho người ta đừng nhìn được mặt mới được”. Triệu Hổ hỏi: “Vậy mi nghĩ phải làm thế nào. ” Người tùy tùng đáp: “Phải làm như thế… như thế… “. Triệu Hổ nói: “Nhờ mi giúp cho ta”. Anh ta vâng lời lui xuống giây lâu và thưa rằng: “Các vật lo xong rồi, xin mời lão gia cùng đi”. Triệu Hổ nghe theo đi tới một chỗ vắng vẻ, cỏ cây rậm rạp, người tùy tùng vạch dưới cỏ móc lên một cái gói, mở ra lấy thứ nước lọ thoa mày mặt Triệu Hổ, lại cởi hết y phục ra, lấy áo rách quần rách bận vào, đắp vào ống chân ba, bốn miếng thuốc vàng, đội lên một cái nón rách, mang một đôi dép, một cây gậy và một cái bị. Khi Triệu Hổ thay hình đổi dạng xong, người tùy tùng đứng nhắm cười ngất rằng: “Được rồi! Giống hệt một người ăn mày thế thời còn ai nhận được nữa, thôi lão gia cứ đi đi tôi ở đây hầu đợi”. Triệu Hổ gật đầu cười múm mím rồi cầm gậy xách bị nhắm đầu làng đi thẳng tới. Và đi bụng vừa nghĩ: “Ta đã giả dạng ăn mày, thời cũng nên chúc vè xin cơm mới đúng điệu chớ”. Nói rồi cất tiếng rằng: “Ông bà cô bác, lấy dạ từ bi, thương tới phận kẻ bệnh hoạn, nghèo hèn, thí cho chút cơm thiu, canh cặn, hỡi ông bà cô bác ơi?”. Miệng kêu cơm láp dáp, chân rảo đi hoài, hết đầu này tới ngả nọ, mặt trời đã thấp xuống, chim bay về tổ, chuông chùa đã giục. May lúc ấy là sau ngày rằm nên hễ mặt trời lặn thời trăng lên. Triệu Hổ tới một chỗ kia thấy sau tường nhà có người bò vào, trong lòng đã nghi, nói thầm rằng: “Trời sáng trăng thế này sao lại có kẻ trộm?”. Liền bỏ cả gậy, bị và dép ở ngoài rồi lại gần tường nhảy tót lên đứng dòm vô trong thấy có một đống củi chất gần đó. Triệu Hổ bò lại nhè nhẹ, thấy có một người đương núp nơi ấy, liền lại đánh cho một thoi, tên ấy nhào lăn, há miệng vừa muốn la. Triệu Hổ vội vàng đè xuống và dọa rằng: “Mày đừng la, nếu la tao giết chết”. Tên ấy liền năn nỉ rằng: “Tiểu nhân không la, “xin lão gia tha cho khỏi chết”. Triệu Hổ hỏi: “Mày tên họ là chi, đi trộm những gì mà bỏ bao gói đó?”. Tên ấy đáp: “Tiểu nhân tên là Diếp Thiên Nhi, nhà có mẹ già tám mươi tuổi, vì sinh kế khó khăn mới ra tay gian giảo thế này”. Triệu Hổ thấy dưới đất có một đoạn lụa trắng và một cái thây đàn bà không có đầu, bèn nói với Diếp Thiên Nhi rằng: “Mày là kẻ sát nhân sao còn kiếm lời nói dối tao. Tao nói cho mà biết, tao đây là Triệu Hổ người của Bao lão gia phủ Khai Phong đây, cũng vì chuyện này mà tao phải nhọc lòng dò kiếm”. Diếp Thiên Nhi nghe qua kinh hãi, năn nỉ rằng: “Triệu lão gia ôi! Tiểu nhân quả có ăn trộm chớ thật không giết người”. Triệu Hổ nói: “Không biết có giết hay không, ta cũng không tha “. Nói rồi lấy đoạn lụa trói tay, và nhét vào miệng cho đừng la được, rồi lôi bỏ dẹp bên góc. Triệu Hổ nhảy ra ngoài, không thèm nhớ tới gậy bị giày dép gì nữa, đâm đầu chạy riết về công quán. Lúc đó đêm mới quá canh một, về tới chỗ lúc ban ngày giả trang ra đi, người lính vẫn còn đợi đó. Thấy Triệu Hổ về nó liền hỏi: “Chuyện ấy lão gia đã dò được chưa?”. Triệu Hổ nói: “May lắm, sắp được thành công”. Nói đoạn đi thẳng vào công quán gặp Bao Hưng đi ra, liền nắm tay kéo lại. Bao Hưng không nhận được là ai, thấy áo quần tèm lem, hình thù kỳ cục thời sợ hãi lắm, chừng nghe nói: “Chịu khó vào bẩm với Đại nhân nói có Triệu Hổ vào yết kiến”. Bao Hưng nghe nói mới hoàn hồn nói rằng: “Trời ôi! Té ra Tứ gia đây sao? Tưởng là ai chực giết tôi đây mà?”. Dứt lời cùng nhau vào ra mắt Bao Công. Bao Công đương ở trong thơ phòng, thấy Triệu Hổ thay hình đổi dạng như vậy thời cười ngất một hồi mới hỏi: “Triệu dũng sĩ vào đây có việc gì?”. Triệu Hổ bèn đem chuyện đi dò gặp kẻ trộm thế nào, thấy thây người con gái không đầu thể nào thuật lại một lượt. Bao Công mừng rỡ khôn xiết.
Đó thật là:
Không chịu ăn không ngồi rồi.
Mới dò ra mối hùng gian.