Bắt Sóng Cảm Xúc – Bí Mật Lực Hấp Dẫn

CHƯƠNG 1 TÌM THẤY ĐIỀU KỲ DIỆU



Ngồi cạnh hồ bơi của khách sạn Pasadena, Paul đang dự định làm một điều gì đó thật ngẫu hứng, ít nhất là theo cách của riêng anh.

Cơn gió đêm vùng Nam California bắt đầu thổi mạnh. Bất kỳ ai nghe thấy Paul và cô gái ngồi đối diện trò chuyện đều nghĩ rằng họ quen biết nhau đã lâu, dù thật ra họ chỉ vừa gặp nhau hai ngày trước. Họ hào hứng bàn luận về mọi thứ, từ những chuyến du lịch vòng quanh thế giới, phong trào chống chiến tranh thập niên 70 đến học thuyết của Socrate. Cuộc trò chuyện cứ thế diễn ra – tự nhiên và sôi nổi. Cả hai tranh nhau nói, rồi thỉnh thoảng cười phá lên trước những câu chuyện vui thời thơ ấu. Quan sát hai người – Nadia, cô gái mang đậm nét đặc trưng của vùng Địa Trung Hải với mái tóc đen nhánh, và Paul, chàng trai người Mỹ với dáng vẻ vạm vỡ – ai cũng ngỡ họ là một cặp tình nhân hoàn hảo. Dường như có một sợi dây vô hình đang kết nối hai người vậy.

Không ai ngờ rằng Paul và Nadia gặp nhau để bàn công việc. Lúc đó, Paul đang phụ trách dự án thu dọn kho vũ khí hạt nhân trị giá 15 tỷ đô-la ở Colorado. Để hỗ trợ thực hiện dự án, Paul đã tập hợp rất nhiều chuyên gia trên khắp thế giới. Công việc căng thẳng đến mức văn phòng của nhóm đặt tại

Pasadena mở cửa làm việc suốt bảy ngày trong tuần. Vai trò điều phối và giám sát tiến độ dự án đối với Paul không mấy khó khăn. Là cựu sĩ quan trong lực lượng đặc nhiệm, Paul đã được huấn luyện để đưa ra quyết định tức thời và anh thuộc dạng người có khả năng ứng biến nhanh nhạy với mọi tình huống – nghĩa là ở anh hội đủ tố chất của một nhà lãnh đạo. Khi trò chuyện, Paul diễn đạt rõ ràng, mạch lạc và luôn tập trung lắng nghe từng lời của người đối diện.

Mỗi buổi sáng, đúng 8 giờ 15 phút, Paul tập hợp các chuyên gia để thảo luận nội dung công việc trong ngày. Tuy nhiên, trong cuộc họp diễn ra vài ngày trước đã xảy ra một điều khác biệt. Ngay từ đầu buổi họp, Paul đã chú ý đến một thành viên mới – Nadia. Suy nghĩ đầu tiên bật lên trong đầu anh là: “Cô gái này là ai?” và anh lập tức cảm thấy bị cuốn hút. Nhưng phản ứng đầu tiên của Nadia với Paul thì không như thế. Hôm ấy là ngày đầu Nadia tham gia nhóm làm việc. Kỳ nghỉ của cô tại Paris phải rút ngắn lại để cô kịp bay về Pasadena tiếp nhận vai trò giám đốc điều hành dự án. Nếu việc đó chưa đủ để cô bực mình thì nhận định của Paul trong cuộc họp chính là giọt nước tràn ly.

Hôm đó, Paul đã nói một câu đại loại: “Tôi nhận ra mối quan hệ giữa con người với con người chưa có gì cải thiện kể từ thời của các triết gia cổ đại Plato, Aristotle và Socrate”. Anh cũng không nhớ vì sao lại nói ra câu ấy.

Vài phút sau, anh để ý thấy những người bên dưới đang chuyền tay nhau một mảnh giấy gấp làm tư. Rồi mảnh giấy được chuyền đến anh. Anh mở ra đọc dòng chữ đầu tiên: “Tôi hoàn toàn phản đối nhận định của anh”. Mảnh giấy viết tay dài gần một trang và không ký tên. Anh nhìn lên, đợi chờ một cái gật đầu từ chủ nhân của nó, nhưng chỉ nhận được ánh nhìn trống rỗng từ mọi người. Chỉ sau khi cuộc họp kết thúc và mọi người quay trở lại phòng làm việc, Nadia mới tìm gặp Paul.

Nadia nhớ lại: “Chúng tôi chưa thật sự quen biết nhau. Tôi chỉ muốn nói với anh ấy ‘Tôi không đồng ý với anh. Còn sự thay đổi trong quan hệ chủ nhân – nô lệ và mối quan hệ nam – nữ thì sao? Xã hội đã có nhiều bước tiến vượt bậc kể từ lúc đó. Làm sao anh có thể kết luận như vậy được? Tôi muốn cùng anh trao đổi thêm về vấn đề này’”.

Paul thấy cô gái này thật thú vị. Thay vì nổi giận, anh nói: “Rất sẵn lòng tiếp chuyện cô”. Nadia trả lời: “Bất cứ khi nào anh muốn”.

12 giờ sau, Paul và Nadia đã ngồi bên chiếc bàn cạnh hồ bơi của khách sạn Pasadena. Cả hai đều dự tính sẽ tận dụng buổi hẹn này để tiếp tục cuộc tranh luận còn dang dở và sẵn đó đề cập đến một số vấn đề quan trọng trong công việc. Tuy nhiên, đề tài công việc không hề xuất hiện trong suốt buổi tối. Càng về khuya, cuộc trò chuyện càng thân mật hơn.

– Chúng ta chấm dứt mọi hiểu lầm chứ? – Paul hỏi Nadia khi nhận ra họ đã lãng quên đề tài công việc.

– Vâng. – Nadia trả lời.

Ngay từ đầu, cô đã nhận ra giữa họ có mối gắn kết đặc biệt. Nadia chia sẻ với chúng tôi: “Từ lúc anh ấy nói về Plato và Aristotle, tôi biết chúng tôi có cùng mối quan tâm trong cuộc sống, ngay cả những điều nhỏ nhặt. Ai lại có thể đề cập đến triết lý Plato và Aristotle giữa buổi họp về chiến lược chứ? Ý tôi là mấy ai trong số những người có mặt lúc ấy biết về Plato và các triết gia Hy Lạp cổ đại, hay liệu họ có quan tâm đến đề tài này không? Paul là người can đảm – anh ấy dám tạo ra sự khác biệt”.

Sau khi buổi hẹn đầu tiên chưa đạt được một phần của kế hoạch đã đặt ra trước đó, Paul và Nadia quyết định gặp lại vào tối hôm sau, rồi hôm sau nữa, cũng ngay cạnh hồ bơi của khách sạn Pasadena. Và rồi điều bất ngờ đã đến. Paul nhìn Nadia rồi hỏi:

– Em thấy sao nếu anh nói anh yêu em và muốn cưới em?

– Đây là giả thuyết hay lời cầu hôn? – Nadia vặn lại.

– Rồi em sẽ biết thôi mà.

Chúng ta tạm dừng câu chuyện ở đây. Trước hết, chúng ta cần lưu ý rằng Paul và Nadia đã không còn là những cô cậu bé mới lớn. Họ đều là những người trưởng thành và là những nhà quản lý giàu kinh nghiệm. Giống như hầu hết chúng ta, khi tiếp xúc và trò chuyện với một người bạn mới, họ cũng chào hỏi rồi bắt chuyện bằng những câu: Anh/chị đang làm công việc gì? Ở đâu?

Tuy nhiên đôi lúc, cuộc gặp mặt có thể trở thành một trải nghiệm khó quên. Có lẽ đó là khi cả hai đều có khiếu hài hước hoặc ngưỡng mộ cá tính của nhau. Hoặc chỉ khi ở cạnh người đó, chúng ta mới chợt nhận ra mình chính là mình. Cả hai đều cảm thấy thoải mái và có nhiều điểm chung. Cuộc trò chuyện diễn ra một cách tự nhiên, không bối rối hoặc e dè. Nói cách khác, chúng ta đã bắt sóng được cảm xúc của đối phương.

Cuốn sách này nói về những khoảnh khắc kỳ diệu đó. Đó là những lúc chúng ta có cảm giác bình yên và cảm nhận được mối gắn kết với một con người, một nơi chốn hoặc một hành động cụ thể nào đó. Thông thường, phải mất vài tuần hoặc vài tháng, ta mới cảm thấy thân thuộc và an toàn với một người vừa gặp. Chúng ta phải tạo dựng được lòng tin, tìm thấy tiếng nói chung, hiểu về những thói quen của nhau và thắt bện sợi dây cảm xúc – nói chung, quá trình này chỉ diễn ra theo hướng tích lũy. Thế nhưng đôi khi mọi thứ chỉ xảy ra trong chớp mắt, và sự gắn kết ngay lập tức được hình thành.

Cảm giác thân thuộc và cuốn hút này không chỉ được tìm thấy trong tình yêu mà cả trong tình bạn và thường diễn ra trong những không gian bất ngờ nhất.

✦✦✦

Đối với Jim West và Gerhard Sessler, hai nhà vật lý tại Phòng thí nghiệm Bell, sự gắn kết ngay từ phút gặp gỡ đầu tiên đã trở thành dấu ấn ghi nhận sự thay đổi trong sự nghiệp của mỗi người. Nhưng nếu bạn quay ngược về quá khứ và gặp hai người trước khi họ làm quen với nhau, bạn hẳn sẽ ngạc nhiên trước sự khác biệt của hai tính cách này.

Jim cao gầy, là người Mỹ gốc Phi. Lớn lên tại vùng Virginia trong thời Đại Suy thoái, anh đã học được cách tận dụng tất cả mọi nguồn lực có sẵn xung quanh mình. Jim kể lại: “Là người da màu nên tôi theo học tại các ngôi trường dành riêng cho người da màu. Nhưng tôi may mắn có được những người thầy giỏi”.

Ngay từ khi Jim còn nhỏ, các thầy cô giáo, gia đình, bạn bè và láng giềng đã nhìn thấy ở cậu bé này có một khả năng đặc biệt. Theo lời kể của người anh trai, cậu bé Jim luôn cầm tua-vít trong tay. Lúc thì cậu tháo tung chiếc đồng hồ của ông nội, lúc thì cậu mày mò ráp lại chiếc radio cũ. Lớn lên, Jim đam mê lĩnh vực vật lý và quyết định chọn nghề này. Có lần, cha Jim dẫn cậu đến giới thiệu với ba người đàn ông da đen, đồng thời là ba vị tiến sĩ vật lý, hóa học. Jim nhớ lại: “Công việc tốt nhất mà họ có thể tìm thấy là ở sở bưu điện. Cha tôi ngụ ý rằng nếu tôi theo đuổi sự nghiệp vật lý thì trong tương lai, tôi cũng chỉ như họ mà thôi”.

Dù vậy, Jim vẫn kiên trì theo đuổi ước mơ và cuối cùng, anh được nhận vào làm tại Phòng thí nghiệm Bell. Với một kỹ sư thì tìm được việc làm tại Disneyland là một điều đáng tự hào. Jim giải thích: “Đó là một viện nghiên cứu hàng đầu. Mọi người từ khắp nơi trên thế giới đều mong muốn được làm việc tại đây”.

Trong ngày đầu tiên làm việc tại Bell, Jim được bố trí một phòng ngay cạnh phòng của một nhân viên mới tên là Gerhard Sessler. Tóc cắt ngắn năng động, quần áo chỉn chu, Gerhard tỏ ra khá tự nhiên và nồng nhiệt khi gặp Jim.
Gerhard lớn lên tại Đức trước Thế chiến II. Anh kể: “Tôi vừa tròn tám tuổi khi cuộc chiến bắt đầu. Bầu không khí ngột ngạt, căng thẳng. Đó là một thời kỳ đen tối”.

Một người Mỹ gốc Phi đến từ miền Nam làm việc cạnh một di dân người Đức quả là một điều khác thường vào năm 1959. Tuy vậy, cả hai nhanh chóng trở nên thân thiết. Dù chất giọng Đức đặc sệt của Gerhard khiến Jim nhiều phen bối rối, nhưng họ vẫn có những cuộc thảo luận sôi nổi về vật lý và cả về cuộc sống. Gerhard kể: “Vừa tiếp xúc là tôi nhận ra ngay Jim là người ham học hỏi và nhạy bén, thích khám phá những điều mới mẻ. Tôi lập tức bị cuốn hút bởi tính cách đó”.

Còn Jim nói: “Chúng tôi cùng là nhân viên mới và cùng thuộc về cộng đồng thiểu số, công việc lại có tính độc lập, rất khó chia sẻ. Cảm giác lạc lõng và cô đơn là không thể tránh khỏi. Nhưng với Gerhard thì khác. Tôi biết tôi luôn có thể là chính mình. Không quá lời chút nào khi nói rằng chúng tôi hợp nhau ngay khi vừa mới gặp”.

Jim và Gerhard dành hàng giờ liền để thảo luận về khoa học. Càng trao đổi, họ càng thấy đồng tâm đồng ý. Và trong những cuộc trò chuyện sôi nổi đó, cả hai đã nảy ra một ý tưởng tuyệt vời – một ý tưởng đã trở thành phát minh đột phá trong lĩnh vực vô tuyến: chiếc micro không dây.

So sánh câu chuyện của Jim – Gerhard và Paul – Nadia, chúng ta nhận thấy tuy mối quan hệ của hai cặp đôi này khác nhau, nhưng lại có một điểm chung: cả hai đều khởi đầu từ cái mà chúng tôi gọi là sự thân thuộc tức thời. Mặc dù là cảm giác tức thời nhưng mối liên kết được hình thành bởi cảm giác này có thể rất sâu đậm và là bước khởi đầu cho một mối quan hệ bền chặt, lâu dài.

Hãy quay lại câu chuyện của Paul và Nadia bên hồ bơi của khách sạn Pasadena. Vào buổi hò hẹn thứ hai, Paul đã nói yêu Nadia dù họ chỉ vừa biết nhau vài ngày. Và đến buổi thứ ba, Paul ngỏ lời cầu hôn. Nadia gật đầu. Cả hai cảm thấy như đang bị cuốn đi theo một luồng cảm xúc dạt dào, mạnh mẽ. Một tháng sau, Paul và Nadia tổ chức lễ cưới.

Một quyết định chóng vánh như thế liệu có hứa hẹn một cuộc hôn nhân bền vững?

Câu trả lời là có. Paul kể lại: “Cảm giác kỳ diệu của những ngày đầu ở Pasadena vẫn hiện hữu trong tôi và tôi chắc là với Nadia cũng vậy”. Nói cách khác, sự cảm mến ngay từ phút giây đầu gặp gỡ vẫn có thể duy trì một mối quan hệ lâu dài và bền vững.

Với câu chuyện của Jim và Gerhard, mối gắn kết bắt nguồn từ sự đồng cảm.

Gerhard nhớ lại: “Chúng tôi hào hứng và hăng say hơn khi làm việc cùng nhau. Chúng tôi sẵn sàng theo đuổi những ý tưởng và lý thuyết mới. Một lần, chúng tôi nhận được tin từ Nhà hát Lincoln Center ở New York. Họ vừa xây xong một phòng lớn để biểu diễn nhạc giao hưởng, nhưng chất lượng âm thanh vô cùng tệ – vừa yếu, vừa vang không đều. Các nhà phê bình đã viết nhiều bài báo với lời lẽ chỉ trích gay gắt khiến những người liên quan không mấy hài lòng. Công việc của chúng tôi là tìm hiểu xem tại sao lại xảy ra hiện tượng đó”.

Nhiệm vụ này không đơn giản. Jim thuật lại: “Để xác định nguyên nhân, bạn phải thử độ vang trong khán phòng, nghĩa là bạn phải tạo ra một âm thanh thật lớn. Trong những không gian nhỏ, chúng tôi có thể sử dụng súng ngắn để tạo âm và kiểm tra tiếng vang, nhưng với một phòng hòa nhạc lớn như Lincoln Center thì không thể”.

Gerhard tiếp lời: “Tất nhiên là có thể dùng loa phóng thanh, nhưng chúng tôi cần một âm thanh lớn hơn gấp nhiều lần. Chúng tôi vắt óc suy nghĩ suốt một thời gian dài và cuối cùng Jim bảo rằng anh ấy đã tìm ra giải pháp”.

Jim giải thích: “Tôi từng đến xem các trận bóng đá ở Rutgers và thấy một khẩu pháo nhỏ được kéo ra sân. Các cổ động viên sẽ châm ngòi mỗi khi đội Rutgers ghi điểm. Tiếng nổ lớn, vang rền. Để tôi dùng thử cách đó nhé”. Rồi họ đi mượn khẩu pháo đó thật.

Hãy tưởng tượng hình ảnh hai nhà khoa học kéo khẩu pháo vào phòng hòa nhạc Lincoln Center. Gerhard nói: “Jim chuẩn bị và khi mọi thứ đã sẵn sàng, anh ấy châm ngòi”. Âm thanh được tạo ra có độ vang đúng như họ mong muốn. Nhưng họ còn nhận được nhiều hơn thế. “Giám đốc Lincoln Center vội chạy vào. Ông không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Ông nhăn nhó ‘Ôi không! Tối nay chúng tôi có một buổi hòa nhạc. Làm sao xử lý đám khói này bây giờ?’”.

Phải đến ba bốn ngày sau khói mới tan hết. Nhưng tiếng nổ từ khẩu pháo của Jim và Gerhard đã giúp phát hiện ra một điểm bất thường gần trần nhà – nguyên nhân gây ra sự cố âm thanh kia.

Bạn cần óc sáng tạo và một chút liều lĩnh để làm nên những điều tương tự.

Đó là nét tính cách khác mà cả Jim và Gerhard đều có.

Vậy mối quan hệ bền vững của Jim và Gerhard có được vun đắp từ sợi dây gắn kết ban đầu không? Liệu Jim và Gerhard từng có mối quan hệ nào tương tự trước đây với một người có cùng đam mê và sự kiên nhẫn, nhưng giữa hai bên không xuất hiện cảm giác hòa hợp, thân thiết ngay từ lần đầu gặp mặt?

Tại Hà Lan, một cặp vợ chồng cùng là nhà tâm lý học Dick Barelds và Pieternel Barelds-Dijkstra (chúng tôi gọi họ là Barelds) đã tiến hành nghiên cứu tác động của sự hòa hợp tức thời đến mối quan hệ vợ chồng sau nhiều năm lấy nhau.

Hai nhà tâm lý liên lạc với 1.000 cặp vợ chồng được chọn ngẫu nhiên từ cuốn danh bạ điện thoại rồi mời họ đến để tham gia cuộc khảo sát về tình trạng hôn nhân. Mỗi người phải làm khảo sát độc lập với những câu hỏi được thiết kế mang tính cá nhân và gợi mở. Câu trả lời của họ cũng được giữ bí mật.

Dựa vào câu trả lời, các cặp đôi được chia làm ba nhóm. Nhóm thứ nhất gồm những cặp đã từng là bạn thân trước khi yêu nhau. Họ biết nhau rất rõ. Sau một thời gian, mối quan hệ của họ chuyển từ tình bạn sang tình yêu. Nhóm thứ hai gồm những người quen nhau qua mai mối. Sau nhiều lần hẹn hò, tình cảm dần sâu đậm và cuối cùng, họ đi đến quyết định kết hôn. Nhóm cuối gồm những cặp ban đầu là những người xa lạ – như Paul và Nadia – tình cờ gặp gỡ nhưng quyến luyến nhau ngay phút giây đầu.

Cả ba nhóm đều có những điểm tương đồng về học vấn, thu nhập và có trung bình hai con. Nhìn bề ngoài, bạn sẽ thấy giữa các nhóm không có sự khác biệt nhiều lắm.

Nhưng Barelds vẫn tự hỏi liệu có sự khác biệt nào cần lưu ý không. Thế nên họ quyết định tiến hành phân tích sâu hơn các mối quan hệ đó. Họ đoán các cặp vợ chồng từng là bạn trước khi kết hôn và các cặp đã trải qua một thời gian dài tìm hiểu sẽ có cuộc hôn nhân hòa hợp hơn những cặp gặp phải tiếng sét ái tình. Lý do họ đưa ra là một khi bạn dành thời gian để tìm hiểu một người, nhiều khả năng bạn sẽ xem người đó như người bạn đời – một người có nhiều điểm tương đồng với bạn để đảm bảo một mối quan hệ lâu dài. Thật vậy, dữ liệu của cuộc khảo sát đã chỉ ra rằng những đôi vợ chồng của nhóm thứ nhất và thứ hai có nhiều điểm chung hơn nhóm thứ ba.

Tuy nhiên, khi Barelds yêu cầu những người tham gia tự đánh giá bản thân trong mối tương quan với người bạn đời (ví dụ: “Hy vọng tôi sẽ mãi yêu anh ấy/cô ấy suốt cuộc đời này”; “Tôi cảm nhận được rằng anh ấy/cô ấy thật sự hiểu tôi”), thì không có sự khác biệt nhiều giữa các nhóm. Cả ba nhóm đều đạt cùng mức độ tình cảm và sự gắn bó trong đời sống vợ chồng.

Dù sự tương đồng về tính cách và quan điểm là yếu tố quyết định độ bền vững của một mối quan hệ, nhưng Barelds đã tìm ra một yếu tố quan trọng không kém giúp gắn kết tình cảm vợ chồng. Những cặp đôi sẽ trả lời đồng ý hoặc không trước những nhận định sau: “Khi xem những bộ phim tình cảm hoặc đọc những cuốn tiểu thuyết lãng mạn, tôi đều nghĩ đến vợ/chồng mình”; “Tôi tin rằng không ai có thể mang lại hạnh phúc cho tôi như người vợ/chồng hiện tại”; “Tôi như tan chảy khi nhìn vào mắt vợ/chồng mình”. Liệu có bao nhiêu người trong số chúng ta cảm thấy “như tan chảy” như thế khi nhìn vào mắt người bạn đời?

Khi Barelds phân tích kết quả khảo sát, họ nhận ra rằng những cặp vợ chồng yêu nhau từ lần gặp gỡ đầu tiên có xu hướng đồng ý với nhận định trên. Họ nghĩ nhiều đến người bạn đời, cho rằng đó chính là một nửa thật sự của mình và luôn cảm thấy mối quan hệ giữa họ là một điều kỳ diệu. Có thể nói tình cảm của họ dành cho nhau vẫn nồng nàn và say đắm, thậm chí sau khi kết hôn và có con. Dù không có nhiều điểm tương đồng và thấu hiểu nhau trước đó, nhưng mối quan hệ giữa họ vẫn ngày càng khắng khít.

Khi Rom thực hiện cuộc khảo sát về những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời, anh nhận ra rằng việc hồi tưởng những phút giây kỳ diệu, dù đã nhiều năm trôi qua, cũng làm sống dậy những xúc cảm và đam mê một thời.

Có thể bạn cho rằng thời gian sẽ làm phai mờ xúc cảm và ký ức, song những người tham gia cuộc khảo sát vẫn nhớ như in những thời khắc vô giá mà họ từng có trong đời. Hơn 90% nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc, rằng với họ, giây phút đó như mới xảy ra hôm qua. Họ nói: “Nó khiến tôi bật cười”; “Khoảnh khắc đó vẫn sống động trong tâm trí tôi”; “Cảm xúc còn vẹn nguyên”.

Rõ ràng sự hòa hợp ngay từ phút ban đầu chính là chất keo kết dính giúp mối quan hệ bền vững qua thời gian.

Năm mươi năm sau lần gặp mặt đầu tiên, hai nhà vật lý Gerhard Sessler và Jim West của Phòng thí nghiệm Bell đều mô tả người cộng sự của mình theo cùng một cách. “Chúng tôi thân thiết ngay từ lúc mới làm việc chung. Chúng tôi rất gắn bó và đồng cảm với nhau, cả khi tôi đã về hưu”, Gerhard nhớ lại. “Tôi từng làm việc với rất nhiều người, nhưng với Jim là hợp ý nhất”.

Sợi dây liên kết kỳ diệu này không chỉ củng cố mối quan hệ, mà còn tạo ra những ảnh hưởng tích cực. Với Jim và Gerhard, sự gắn kết giữa họ đã giúp giải quyết một vấn đề hóc búa từng thách thức các kỹ sư âm thanh suốt nhiều thập niên.

Trong một lần trò chuyện, Jim và Gerhard đề cập đến chiếc micro. Các dụng cụ được sử dụng lúc bấy giờ khá thô kệch, lại cồng kềnh, nên không thể ứng dụng trên diện rộng, nhất là trong các thiết bị nén và di động.

Gerhard lý giải: “Chiếc micro lúc ấy bao gồm nhiều tinh thể cacbon được nối với nguồn điện bên ngoài. Thiết bị này tuy lỗi thời và phức tạp nhưng hoạt động tốt. Mọi người ở Bell bảo chúng tôi ‘Các anh sẽ không bao giờ cải tiến được nó đâu’”. Sau nhiều tháng bàn luận và mày mò tháo lắp, Jim và Gerhard đã bật ra một ý tưởng táo bạo: đưa nguồn điện vào bên trong chiếc micro. Nếu không phụ thuộc nguồn năng lượng bên ngoài, thì kích thước chiếc micro sẽ được thu nhỏ đáng kể.

Một khi đã thống nhất, Jim và Gerhard quyết định thực hiện ngay. Phòng thí nghiệm Bell cho rằng hai nhà khoa học tài năng đang lãng phí thời gian vào một việc bất khả thi. Áp lực hủy bỏ dự án đè nặng lên vai họ. Bất chấp những lời phê bình và chỉ trích, Jim và Gerhard không ngừng động viên nhau.

Gerhard chia sẻ: “Nếu phải thực hiện một mình, nếu không có Jim bên cạnh, chắc là tôi đã bỏ cuộc từ lâu rồi”. Mối đồng cảm từ những ngày đầu đã tiếp thêm sức mạnh để họ tiến về phía trước. Bằng những cách cụ thể nhất, mối thân tình ngay từ phút ban đầu đã giúp con người phát huy khả năng vượt bậc, nhất là khi họ phải đối mặt với thử thách.

Ngày nay, thiết bị tích hợp gắn trong chiếc micro do Jim và Gerhard phát minh đã được sản xuất hàng loạt. Mỗi khi sử dụng điện thoại di động, máy quay video hoặc máy tính xách tay, bạn đang thừa hưởng một phát minh vĩ đại được tạo ra nhờ vào sự đồng tâm đồng ý từ lúc mới gặp của hai nhà khoa học.

✦✦✦

Với trường hợp của Paul và Nadia, 15 năm sau buổi gặp gỡ đầu tiên, trong họ vẫn còn nguyên vẹn những cảm xúc kỳ diệu ban đầu. Cả hai đang điều hành công ty ESi. Nadia thổ lộ: “Năm đầu tiên thật không dễ dàng gì. Chúng tôi gặp rất nhiều thử thách”. Mối quan hệ giữa Paul và Nadia không phải lúc nào cũng êm thấm, suôn sẻ, nhưng họ chưa bao giờ sợ sự bất hòa đó. Nadia giải thích:

“Tôi không muốn đạt được điều gì đó bằng mọi cách. Nếu một trong hai người không nhất trí thì quá trình ra quyết định chung sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi cần đánh giá mọi việc theo nhiều góc nhìn khác nhau. Điều đó khiến chúng tôi trở nên mạnh mẽ”. Nadia ngừng lại, mỉm cười: “Điều duy nhất chúng tôi luôn đồng thuận là chúng tôi luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của nhau”. Xúc cảm của lần gặp đầu tiên đã tạo nên hiệu ứng tích cực lâu dài trong mối quan hệ của họ. Và đó không chỉ là sự gắn kết nhất thời, thoáng qua.

Nhưng tại sao chúng ta lại có thể thân thiết với một ai đó ngay trong lần gặp đầu tiên? Điều gì tạo ra sự gắn kết này? Để tìm hiểu, chúng ta hãy gặp gỡ một nhân viên cảnh sát đã từng đối mặt với kẻ bắt cóc con tin để thấy sự kỳ diệu của sợi dây gắn kết tức thời có thể tạo ra sự khác biệt giữa sự sống và cái chết.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.