Bí mật của cảm xúc

– 32 – SỰ TÙ ÐÀY CẢM XÚC VÀ TRẠNG THÁI THĂNG HOA CẢM XÚC



Các cú sốc cảm xúc thường là điểm khởi đầu cho trạng thái “TÙ ÐÀY CẢM XÚC”.

Khi một cá nhân phạm tội, xã hội nhốt anh ta vào tù và cách ly anh với cuộc sống bên ngoài – cá nhân này bị tù đày về thể xác.

Trong nhiều trường hợp khác, mặc dù thân thể anh ta hoàn toàn tự do, nhưng anh lại là tù nhân trong chính những suy nghĩ, những cảm xúc của mình.

Sự tù đày về cảm xúc là một dạng đặc biệt của khái niệm “stress”. Nó diễn tả các trạng thái cảm xúc xấu mà một cá nhân phải chịu đựng khi trở thành nô lệ cho các cảm xúc xấu của mình.

Tình trạng bị tù đày cảm xúc xảy ra khi cá nhân tự tạo cho mình niềm tin vào một điều xấu nào đó xảy ra cho họ và họ phải chịu đựng một cách tuyệt vọng.

Chúng ta hãy cùng tham khảo câu chuyện sau:

Anh V.Quang là nhân viên cao cấp của một doanh nghiệp liên doanh. Trong một lần đi hớt tóc, anh đã vô tình dùng chung dao cạo với bệnh nhân nhiễm HIV. Khi biết được việc này, ngay lập tức Quang rơi vào tình trạng SỐC CẢM XÚC. Anh lo lắng tới hoảng sợ. Anh lập tức tới gặp bác sĩ chuyên khoa để xin được chỉ dẫn.

Chưa bao giờ anh cảm thấy cuộc sống kinh hoàng như vậy. Không còn hứng thú gì trong ăn uống, vui chơi. Tất cả mọi thứ tiền bạc, chức vụ bỗng chốc trở nên vô nghĩa. Anh thấy cuộc sống chưa bao giờ lại có nhiều giá trị như lúc này. Hàng loạt những suy nghĩ về cuộc đời, hàng loạt những kế hoạch được phác ra. Rất nhiều tình huống được anh nghĩ tới: về gia đình, về con cái, về bạn bè, và cuối cùng tới sự tệ hại nhất là cái chết.

Nếu bạn đặt mình vào trường hợp của V.Quang, bạn sẽ làm gì?

Trong trường hợp V.Quang, anh ta đã bị giam hãm trong cảm xúc lo lắng và sợ hãi bằng một thông tin đơn giản: bị nhiễm HIV.

Có rất nhiều sự kiện tương tự xảy ra mỗi ngày, ví dụ như bạn tin vào số mạng bói toán, mọi thứ bạn làm đều phải được ông thầy nào đó xem xét và cho ý kiến. Nếu không có ý kiến của thầy thì bạn sẽ mất niềm tin vào việc mình làm, sẽ sợ hãi và cuối cùng làm hỏng việc do sự thiếu tự tin của bản thân. Trong những trường hợp khác, đó có thể là một thông tin về sự ngoại tình, thông tin về một âm mưu của người khác muốn hãm hại bạn, thông tin về những điều bí mật, những chuyện thầm kín bị tiết lộ trước công chúng.

Các cơ chế phản ứng của chúng ta rất nhanh và nhạy cảm trước những tình huống gây ra nguy cơ trực tiếp cho cá nhân, trước những nguy hiểm đe dọa tới tính mạng, những nguy cơ đe dọa tới danh dự, tới tài sản, tới những người thân thiết, tới tất cả những gì nằm trong sự sở hữu của chúng ta – tức tới những nguồn cung cấp cho chúng ta các cảm xúc tốt.

Cá nhân còn bị rơi vào tình trạng tù đày cảm xúc trong các trường hợp như sự chuyển đổi địa điểm sống, thay đổi nơi làm việc, ly dị, thất tình,… Những sự việc này sẽ tạo ra sự hụt hẫng cảm xúc do cá nhân đột ngột bị mất các nguồn cung cấp cảm xúc tốt – tức các mối quan hệ đang có trong công việc hay trong cuộc sống hàng ngày.

Sự cách ly các mối quan hệ xảy ra khi ông bà từ Việt Nam sang thăm con cháu ở Mỹ. Các cụ sẽ bị cách ly khỏi môi trường quen thuộc do không thể giao tiếp, không hiểu và trở nên cô độc trong cộng đồng người nước ngoài.

Cách đối xử “giết người” với các bệnh nhân HIV cũng là một trường hợp. Bản thân người bệnh hoàn toàn được tự do về thân thể, nhưng họ lại bị sự tẩy chay từ chính cộng đồng nơi họ sống. Tình trạng tẩy chay này làm cho người bệnh HIV bị mất hết những cơ hội được chia sẻ, được đồng cảm với người khác và do vậy họ không còn cơ hội có được các tác động từ cộng đồng để tạo ra cảm xúc tốt – nói một cách khác, họ đã bị mất đi một nguồn cung cấp cảm xúc tốt rất lớn là cộng đồng của mình. Chính điều này đã đẩy họ vào hoàn cảnh bị tù đày giữa mọi người. Rất nhiều người đã chọn cái chết để giải tỏa được những dồn nén cảm xúc xấu do hoàn cảnh này tạo ra.

Việc tự giải phóng mình khỏi những nhà tù cảm xúc phải được bắt nguồn từ sự ý thức và sự tự chủ của bản thân chúng ta trước những trường hợp lệ thuộc cảm xúc. Việc trước tiên cần làm là phải ý thức xây dựng sự tự tin và niềm tin của bản thân. Qua đó chúng ta sẽ có khả năng kiểm soát được cảm xúc, tạo nên sự tự do trong tư tưởng, xóa đi các mặc cảm, các ý nghĩ luẩn quẩn do sự tù đày về cảm xúc tạo nên.

Ðối nghịch với sự tù đày cảm xúc chính là trạng thái “THĂNG HOA CẢM XÚC”, đó là khi bạn “được” tù đày trong các cảm xúc tốt đẹp.

Khi bạn nhận được một thông tin tạo cảm xúc tốt ở cường độ cao, thông tin này giúp bạn kích hoạt được hết năng lực, giải tỏa được mọi nỗi lo âu của bạn. Hãy đặt mình vào một trường hợp khi chúng ta mua vài tờ vé số. Bạn dò số vé khi có kết quả và phát hiện mình đã trúng một loạt vé cặp độc đắc trị giá hai tỷ đồng.

Bạn sẽ có những phản ứng ra sao trong hoàn cảnh này? Sẽ bỏ tiền ra khao bạn bè một chầu? Sẽ hạnh phúc, bị sốc cảm xúc đến nhói tim khi nghĩ tới những thứ mà mình sẽ có được, sẽ làm được với hai tỷ đồng mới trúng số này? Sẽ truyền con vi-rút cảm xúc – tức cái tin mới trúng số này đến mọi người trong gia đình, bạn bè thân quen?

Ðiểm đặc biệt của “Thăng hoa cảm xúc” là nó làm cho chúng ta có được sự tự tin, có được khả năng giải tỏa các cảm xúc xấu, giúp tạo nên những cảm hứng cao độ cho bản thân và cho những người xung quanh.

Trạng thái thăng hoa cảm xúc là một trạng thái cảm xúc thật mà cá nhân có được. Cho dù trên thực tế, việc trúng số là thật hay giả thì cũng đều cho chúng ta các cảm xúc thật và điều này sẽ tác dụng tích cực đến tất cả những người xung quanh.

Từ hai yếu tố: Một – cảm xúc rất dễ lây lanHai – cảm xúc tốt luôn tạo ảnh hưởng tốt. Nhiều người đã nhận thức được giá trị của các cảm xúc tốt và đưa ra những lời khuyên tích cực. Chúng ta cần phải có những thái độ và hành vi tích cực để tạo ra những niềm vui, những thành công trong cuộc sống. Ðây là vấn đề mà chúng ta sẽ cùng xem xét kỹ hơn ở những phần kế tiếp.

Với một tiêu chí sống chủ động, cuộc sống sẽ dễ chịu hơn rất nhiều mỗi khi chúng ta có những niềm tin và những quan niệm tích cực. Chúng ta dám chấp nhận và ý thức học hỏi từ những thất bại, từ những khó khăn, khổ cực để lạc quan tiến tới tương lai.

Hãy giữ đừng để bộ não bị trì trệ, đừng tự đầu độc mình bởi những trạng thái cảm xúc xấu và đừng biến những vấn đề của bạn thành những bi kịch tâm thần.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.