Bí mật của cảm xúc
– 45 – CHỈ SỐ CẢM XÚC EQ – EMOTIONAL QUOTIENT VÀ KHẢ NĂNG CẢM NHẬN
Theo nghiên cứu của tiến sĩ Daniel Goleman, mỗi cá nhân đều có một năng lực cảm xúc Emotional Intelligent (tức EI).
EI là khả năng cảm nhận, hiểu và đồng cảm được với cảm xúc của người khác. Thấy một em bé bị gãy tay chảy máu đang đau đớn, chúng ta cảm được nỗi đau của bé và tìm cách giúp đỡ bé vượt qua cơn đau. Khi thấy ai đó ăn một miếng chanh và nhăn mặt vì quá chua, bạn sẽ chảy nước miếng vì nhớ tới cảm giác cực kỳ chua của trái chanh, nếu bạn đã từng nếm thử. Gặp những cụ già ăn xin rách rưới cực khổ, chúng ta cảm thấy thương hại, xót xa cho họ, tìm cách bố thí cho họ chút ít với mong muốn giúp họ đỡ cơ cực hơn.
Năng lực cảm xúc giúp chúng ta hiểu được và cảm được người khác, phán đoán được những nhu cầu, những phản ứng của họ, qua đó chúng ta có biện pháp tác động vào người khác, tạo cho họ các cảm xúc mà mình mong muốn, tác động vào họ, thuyết phục và dẫn dụ họ theo ý muốn của mình.
Mức độ Năng lực cảm xúc sẽ được xác định bằng chỉ số EQ Emotional Quotient.
EQ cũng là một dạng năng lực bẩm sinh tương tự như IQ (tức chỉ số thông minh – Intelligent Quotient), nhưng EQ lại nằm ở khả năng cảm nhận được, hiểu được hay đọc” được cảm xúc của người khác.
Nếu thấy con bạn bị kẹp tay vào cánh cửa chảy máu và khóc, bạn sẽ tìm cách xoa dịu sự đau đớn vì bạn cảm được là nó rất đau. Khi người hàng xóm có người thân đi xa trở về, bạn sang chúc mừng, chia vui cùng họ. Khi bạn lỡ gây tổn thương cho người khác, thấy họ bị đau khổ, bạn sẽ cảm thấy hối hận và muốn xin lỗi,… Tất cả các hành động và các phản ứng của bạn phụ thuộc vào cách thức và khả năng cảm nhận được những kết quả có thể sẽ xảy ra khi bạn hành động. Sự cảm nhận này sẽ là bánh lái định hướng cho mọi người trong các mối quan hệ tương tác hàng ngày.
Hầu hết chúng ta đều có khả năng thể hiện rất tốt các cảm xúc từ khi mới sinh ra, cũng giống như trẻ sơ sinh khi mới ra đời đều có khả năng bơi được. Nhưng do các qui định, các luật lệ và sự phức tạp của xã hội, các năng lực cảm nhận của chúng ta mất dần theo thời gian. Tất cả mọi người đang là diễn viên ở trong sân khấu cuộc đời. Chúng ta không thể khóc to lên khi đau khổ, chúng ta không thể tự do cười hét lên khi vui sướng bởi mọi việc cần phải thể hiện dựa trên các tiêu chí xã hội ta đang sống đặt ra. Các cảm xúc bị dồn nén và tạo ra vô số các vấn đề cần phải đối mặt mỗi ngày.
Do hoàn cảnh và môi trường thay đổi, do các khái niệm về không gian, thời gian và do sự tác động của các loại luật lệ trong xã hội, con người ngày nay thường xuyên bị các bệnh rối loạn về cảm xúc, bị giảm hay mất khả năng đồng cảm với người khác. Theo thời gian, mọi người ngày càng trở nên chai lì cảm xúc và cố gắng kềm chế các cảm xúc của mình, không muốn hoặc không dám bộc lộ các cảm xúc thật của bản thân.
Bắt nguồn từ sự dồn nén các cảm xúc xấu và thiếu thốn các cảm xúc tốt, thiếu khả năng đồng cảm do sự mặc cảm và ích kỷ của cá nhân, các loại bệnh như giết người hàng loạt, hiếp dâm, bạo lực, lừa đảo, phản bội,… ngày càng trở thành những vấn đề nổi cộm của thế giới.
Bên cạnh đó, hàng loạt các loại bệnh về thần kinh như nhiễu tâm, đa nhân cách, mất trí, tâm thần phân liệt,… cũng đều bắt nguồn từ kết quả do các va đập làm tổn thương não, hoặc sự dồn nén và bị tác động bởi các cảm xúc xấu do môi trường sống tạo ra.
Trong thực tế những người có năng lực xúc cảm cao (EQ) thường trở thành người lãnh đạo, những nhà ngoại giao, nhà buôn thành đạt.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.