Bí mật của Hạnh phúc

21-30



21. Đừng nên quá che chở, bao bọc cho mình và người thân
Không ai trong chúng ta muốn người thân của mình gặp bất kỳ chuyện không may nào, nhưng hãy để họ tự làm chủ cuộc sống của chính họ và chúng ta nên hướng dẫn họ sống một cuộc sống tự lập. Chính việc cứ luôn lo lắng và cố ngăn cản họ làm những gì họ muốn mới là mối nguy hiểm thực sự, và điều đó chỉ khiến chúng ta lo lắng triền miên.

Tất cả mọi sự đều chứa đựng rủi ro.

Một số người luôn cảm thấy khổ sở vì lúc nào cũng lo sợ rặng sẽ có những điều nguy hiểm có thể xảy đến với bản thân họ, với những người thân của họ và với con cái họ. Hãy thử nghĩ xem: trong hơn bảy năm qua, nỗi lo về tội phạm đã gia tăng đáng kể, trong khi tỉ lệ tội phạm thực sự lại có chiều hướng giảm đi.

Thậm chí người ta càng thấy sợ hãy hơn khi họ không có nhiều việc để lo nghĩ. Như tổng thống Franklin Roosevelt đã từng nói, đôi khi sự sợ hãi còn tệ hại hơn điều mà chúng ta luôn cảm thấy sợ.

Việc tự giam mình trong nhà hay ngăn không cho con cái chơi thể thao hoặc tránh xa những thứ khác chẳng phải là giải pháp tốt nhất để có thể ngăn chặn mối nguy hiểm sảy ra. Điều đó đôi khi lại tạo nên một dạng nguy hiểm khác. Chúng ta nên dung hoà hai điều này: phải đưa ra những quyết định sáng suốt khi cần, nhưng cũng đừng quá câu nệ hay lo sợ mà bỏ phí những điều làm cuộc sống của chúng ta đáng sống hơn.

Các nghiên cứu trên hàng ngàn phụ huynh cho thấy việc che chở con cái quá mức chỉ đem lại những hệ quả tiêu cực, chẳng hạn như chỉ khiến họ càng thêm lo lắng và ngày càng căng thẳng hơn. Tóm lại, sự bao bọc quá mức không hề mang đến sự hài lòng hay thoải mái trong cuộc sống.

– Voydanoff và Donnelly-

22. Nếu thực sự khát khao và quyết tâm, bạn có thể đạt được những gì mình mong muốn

Chúng ta thường ít khi để tâm trí mình thật sự tĩnh lặng để có thể suy nghĩ và nhớ xem mình đã bắt đầu từ đâu và hiện đang ở đâu. Con người luôn có khuynh hướng muốn có nhiều hơn, do đó họ thường di chuyển nhanh hơn. Tốt hơn hết là vào những lúc cần thiết, hãy nhớ và nghiệm lại – bạn sẽ cảm nhận trọn vẹn những gì đã trải qua, đánh giá những thành quả đạt được cũng như những điều chưa làm được.

Arthur là một nhân viên điều hành quảng cáo rất có tránh nhiệm. Sau khi được thăng chức ba lần trong vòng năm năm, anh cảm thấy mình cần phải làm việc nhiều hơn trước đây. Càng ngày anh càng tiến gần đến vị trí cao nhất. Thời gian làm việc sáu ngày trong tuần vẫn chưa đủ, anh mang cả việc về nhà làm. Sức khoẻ anh ngày một đuối đi. Và anh đã lâm bệnh nặng.

Sau ca phẫu thuật tim. Arthur phải nằm tĩnh dưỡng trong phòng hồi sức và anh bắt đầu nhìn lại tất cả. Trong suốt thời gian đó, những người bạn và người thân trong gia đình đến thăm anh nhiều hơn so với những năm trước đây. Và Arthur rất trân trọng khoảng thời gian này.

Vợ Arthur hỏi rằng liệu anh có cần thiết phải làm việc nhiều đến thế không? Rằng họ có cần thêm nhiều tiền nữa không? Rằng anh có cần thăng tiến hơn không? … Những câu hỏi đó đã khiến Arthur nhìn lại toàn bộ cuộc đời mình một cách nghiêm túc – một điều anh chưa bao giờ làm khi còn miệt mài với công việc – và anh chợt nhận ra rằng những thành quả đạt được dường như là quá nhiều so với những gì anh thực sự cần đến, và điều quý giá nhất chính là cơ hội được gắn bó lại với gia đình.

Một cuộc nghiên cứu tiến hành trên một số chuyên gia cho thấy, gần một nửa trong số họ không hề cảm thấy hài lòng ngay cả khi đạt được mục tiêu, bởi họ đã không hề biết đánh giá cao những thành tích của mình mà thay vào đó, lại có những suy nghĩ rất tiêu cực và vô lý về chính bản thân họ.

– Thurman-

23. Hãy nhận biết rằng những niềm tin đều có những giá trị riêng

Niềm tin thật sự vào một điều gì đó hay niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo có thể hướng suy nghĩ của chúng ta đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Điều đó làm cho ta nhận biết rằng thế giới này thật phong phú, có nhiều điều không thể hiểu hoặc lý giải được. Và chúng ta hãy khám phá nó khi có thể.

Mọi khía cạnh của cuộc sống đều chứa đựng những điều bí ẩn và cả những điều cần khám phá và trân trọng. Niềm tin mang lại cho chúng ta điểm tựa, những lời giải cuộc sống – nhất là đối với những ai đã va chạm, vất vả, trải nghiệm nhiều với thực tế cuộc sống.

Doris đã bước vào tuổi bảy mươi. Bà từng bị đột quỵ tim hai lần và hiện đang mắc phải căn bệnh ung thư. Theo kết quả chuẩn đoán y học thì lẽ ra bà đã chết. Nhưng bà không những không chết mà vẫn đang vui vẻ thăm các cháu của mình và dành thời gian gặp gỡ những sinh viên y khoa để thảo luận về tầm quan trọng của niềm tin tôn giáo với sự sống còn của mình. Và Doris tin rằng nếu không có niềm tin vào tôn giáo, bà hẳn đã không thể sống nổi.

Lời phát biểu của bà đã nhận được sự đồng tình từ những nhà nghiên cứu tại Đại Học Y Harvard, viện Y tế Quốc gia và vô số các trung tâm khác. Theo các kết quả nghiên cứu của họ, đời sống tinh thần tích cực và niềm tin sẽ có tác dụng trực tiếp giúp chúng ta sống mạnh khoẻ hơn và hạnh phúc hơn.

Có lẽ các bác sĩ cũng chẳng cần phải lý giải điều đó. Thực tế đã chứng minh rằng niềm tin và tôn giáo có vai trò tích cực: “Không phải bởi nó giúp chúng ta biết được tất cả những câu trả lời, mà vì nó luôn đưa ra câu trả lời hay nhất, điều đó có được là nhờ vào niềm tin”.

Nghiên cứu về tác động của niềm tin riêng hay tôn giáo đối với sự hài lòng trong cuộc sống cho thấy: bất kể là niềm tin, tôn giáo nào, những ai mang trong mình một niềm tin và tinh thần mạnh mẽ đều vượt qua được những khó khăn và hài lòng với cuộc sống của mình.

– Gervood, Leblanc và Piazza-

24. Hãy thực hiện những điều bạn đã hứa

Không ai làm chậm sự tiến bộ cũng như làm giảm lòng nhiệt thành hơn những người chỉ nói nhưng không bao giờ làm. Việc toàn tâm toàn ý với những dự định trong tương lai đóng một vai trò thết yếu trong sự trưởng thành, công việc và cuộc sống của bạn.

Một người chuyên bán xe cũ giới thiệu cho bạn một chiếc xe. Đồng hồ đo cây số hiện đang chỉ số 017.000 km. Chiếc xe đã được sử dụng khoảng 5 năm. Ngay lúc ấy, bạn sẽ nghĩ rằng nó hẳn đã chạy được 107.000 km, nhưng người bán xe lại nói rằng nó chỉ mới chạy có 17.000 km thôi, rằng chiếc xe hơi này là do một phụ nữ lớn tuổi sở hữu và bà ta ít khi dùng đến nó. Bạn có tin lời ông ta không khi quan sát và phát hiện rằng chiếc xe đã xuống cấp và cũ mèm?

Có lẽ bạn sẽ liên tưởng đến những câu chuyện tương tự mà bạn đã từng được nghe kể về những tay bán xe thiếu trung thực và sẽ không còn tin nữa. Những người bán xe cũ thường thiếu một nền tảng quan trọng trong giao tiếp tích cực: đó là sự tín nhiệm.

Chúng ta cần phải tin rằng người khác đang nói sự thật nếu chúng ta thật sự tôn trọng họ, hãy lắng nghe và tin tưởng họ. Quy luật này cũng áp dụng trong gia đình và môi trường làm việc. Và bạn không thể mong đợi sẽ nhận được lòng tin của người khác một khi đã thất hứa, ngay cả trong trường hợp bạn có ý định tốt nhất.

Hãy nhớ rằng, sự tín nhiệm giống như dáy của con tàu. Nếu nó có lỗ thủng, dù nhỏ hay lớn, thì hậu quả đều khó lường.

Những mối quan hệ tốt đẹp và không tốt đẹp dường như đều có những mâu thuẫn khá giống nhau. Chỉ có điều là trong các mối quan hệ tốt đẹp, người ta xem việc cam kết thực hiện những thay-đổi-đã-được-nhất-trí là quan trọng hơn, làm cho các mối quan hệ này ngày càng tốt đẹp hơn và làm cho những người liên quan cũng được cảm thấy hạnh phúc hơn.

– Turner-

25. Sẽ không có người chiến thắng trong cuộc gây hấn với người thân

Ngoại trừ những cuộc tranh luận về chuyên môn nhằm mục đích phân tích, góp ý – thì hầu hết các lần tranh cãi đều dẫn đến một kết quả chẳng lấy gì làm vui vẻ – ngay cả khi bạn đúng, bạn cũng chẳng đạt được gì ngoài việc trở nên đối nghịch với người đối diện.

Không có kẻ chiến thắng trong các cuộc tranh cãi nặng lời. Hãy nhớ rằn – mối quan hệ giữa bạn với người đối diện quan trọng biết bao so với vấn đề mà bạn và họ đang phải đối đầu. Sự cố chấp, chỉ trích thái quá thường xuyên trong những mối quan hệ làm tăng sự căng thẳng và làm giảm đi hạnh phúc của cuộc sống.

Bạn có cho rằng, lúc nào bạn cũng đúng? Và bạn có cho rằng đó quả là một điều tuyệt vời?

Adam lúc nào cũng đúng. Ít ra là anh nghĩ như vậy. Cho dù đó chỉ là một câu hỏi tầm phào hay một thắc mắc đơn giản như làm cách nào dán giấy lên tường hiệu quả nhất. Adam đều biết câu trả lời. Khi gia đình tranh luận với anh về một điều gì đó, Adam luôn bắt đầu bằng một cuộc hạch hỏi. Anh luôn yêu cầu họ lấy một điểm mâu thuẫn trong lập luận của họ để đặt ra hàng loạt câu hỏi như một luật sư muốn buôc một nhân chứng khả nghi thú nhận tội lỗi của mình.

Gần như lúc nào Adam cũng thắng cuộc và nhận được sự nhượng bộ từ những “nhân chứng” của mình. Vấn đề là, nhân chứng của Adam không phải là một tội phạm trong toà án mà chỉ là một người bạn hay một người thân có quan điểm khác anh. Một số bạn bè anh cho rằng – thật chẳng đáng để phải bất đồng với Adam. Những người khác thì nói rằng thậm chí chẳng đáng trò chuyện với anh, vì họ chẳng biết được khi nào thì một đề tài sẽ bùng nổ thành một cuộc tranh cãi. Adam đã thắng mọi trận đánh nhỏ, nhưng lại thua trong một cuộc chiến vô hình. Anh đã để mất những cơ hội nếm trải những giây phút thú vị bên nhưng người anh quan tâm. – O’Connor-

26. Hãy biết hoà mình vào niềm vui chung của mọi người

Theo dõi những cuộc thi hay trò chơi lành mạnh được tổ chức trên truyền hình, để ý đến sự thăng trầm của đội bóng mà bạn ưa thích hoặc cùng chia sẻ niềm vui chiến thắng của đội tuyển quốc gia với bạn bè – điều đó sẽ giúp bạn tìm thấy điểm chung giữa mình với những người xung quanh và sẽ mang đến cho bạn một niềm tin nho nhỏ trong cuộc sống thường ngày.

Hầu như tất cả cư dân tại miền nam Indiana đều là cổ động viên trung thành của đội bóng rổ trường Đại học Indiana. Điều tuyệt vời nhất là tất cả mọi người – bất kể thuộc tầng lớp nào trong xã hội – đều có điểm gì đó chung với nhau.

Người thợ máy và bác sĩ, giáo viên và anh đầu bếp, người quản gia và ông thị trưởng có lẽ không thể có cùng chung một sở thích, nhưng tất cả họ đều có thể ngồi chung với nhau bàn luận về những diễn biến trong các trận bóng có đội Indiana tham dự. Đội bóng rổ ấy còn mang mọi người đến gần nhau hơn qua những lần gặp gỡ khi trận đấu diễn ra. Những khi có đội nhà thi đấu, nhà nhà đều háo hức mở ti vi để theo dõi. Ra đường, những cuộc chuyện trò bàn tán sôi nổi về đội bóng lập tức làm cho bạn cảm thấy mình là một phần của cộng đồng, dường như có một điều gì đó thật tuyệt vời đã gắn kết bạn với những người hàng xóm và cả những nơi khác trong thành phố lại với nhau.

Stanley, một cổ động viên lâu năm của đội bóng đã tổ chức đám cưới của anh ngày trong một trận đấu của đội. Dù vậy, người vợ tương lai của anh không hề phiền lòng vì lần đầu họ gặp nhau cũng diễn ra trong một trận đấu của đội Indiana. Và chắc hẳn cô cũng chẳng đồng ý tổ chức hôn lễ vào giờ nào khác – nếu không phải là vào giờ giải lao giữa hai hiệp.

– Shank và Beasley-

27. Đừng đánh đồng vật chất với hạnh phúc và thành công

Hãy nhận ra những gì là thật sự quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc đời bạn. Đừng đánh giá mình qua những thành công nhất thời trong từng giai đoạn như việc bạn kiếm được nhiều tiền hơn, bạn đổi xe, thậm chí mua căn nhà mới. Đó chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích của cuộc đời bạn.

Hãy dành ra một phút để nghĩ rằng – nếu hôm nay là ngày cuối cùng bạn còn tồn tại trên trái đất này, hãy liệt kê một danh sách tất cả những thành quả đã đạt được, những điều khiến bạn tự hào, và những gì làm cho bạn luôn thấy hạnh phúc.

Chiếc xe của bạn có nằm trong danh sách đó không? Cả chiếc ti vi nữa? Rồi cả mức lương của bạn? Hay lấy được một người chồng lịch lãm, giàu có mà bạn chẳng thực sự yêu thương? Hay những lời người khác nói rằng bạn đang rất hạnh phúc? Không!

Những gì hiện diện trên danh sách đó phải là các nhân tố thiếp yếu của một cuộc sống hạnh phúc – mối quan hệ tốt đẹp với bạn bè và gia đình, một người yêu thật sự, những đóng góp của bạn cho cuộc sống, những sự kiện sâu sắc, những điều đó có ý nghĩa như thế nào – đó mới là những điều bạn cần quan tâm.

Thế mà bạn thử nghĩ xem, có phải chúng ta đang hằng ngày vẫn theo đuổi những thứ chẳng đáng được đưa vào danh sách trên không? Thay vì phải trân trọng những gì thực sự là quan trọng đối với mình, ta lại đi gom góp những thứ gọi là ”biểu hiện của thành công và hạnh phúc” mà không màng băn khoăn tự hỏi – đâu mới là hạnh phúc thực sự. Ở một số nước Á Đông, trong giai đoạn bùng nổ của kinh tế thị trường, giá trị hạnh phúc có lúc đã bị “sự tôn vinh vật chất” thay thế.Có những người đổ lỗi cho hoàn cảnh hoặc ”ai sao tôi vậy”, một cách sống thoả hiệp để vừa lòng người khác hay vì những lợi ích trước mắt mà quên chính mình và những giá trị thực sự khác. Hạnh phúc ở đâu? Đôi khi có những người đến tận cuối cuộc đời vẫn thốt lên câu hỏi đó trong sự lẫn lộn, muộn màng và tiếc nuối.

Có những người không bao giờ nhận ra hay không muốn nhận ra chân giá trị của hạnh phúc. Nhưng cũng có người khi đã có trình độ nhận thức cao, một khi đã nhận biết thì chính họ sẽ biết cách tự thay đổi để tìm được giá trị thực của hạnh phúc.

Không bao giờ là quá trễ để có được hạnh phúc nếu bạn thật sự quyết tâm. Vì cuộc sống này là thuộc về chính bạn, và hơn nữa, đó mới chính là giá trị của con người bạn.

Theo một nghiên cứu khoa học thống kê trong xã hội hiện đại, tỷ lệ những người xem tầm quan trọng của “vật chất” cảm nhận hạnh phúc ít hơn 9 lần so với những người xem trọng các yếu tố “con người, tâm hồn” như tình yêu, bạn bè, gia đình hay những giá trị tinh thần khác.

– Diener-

28. Mọi mối quan hệ của bạn đều có những giá trị riêng

Cuộc sống của bạn được hình thành từ nhiều mối quan hệ khác nhau từ những người thân trong gia đình, bạn học thời phổ thông, thời sinh viên hay từ những đồng nghiệp cũng như các mối quan hệ trong công việc, xã giao… Bạn sẽ nhận ra mối quan hệ nào là mối quan hệ tinh thần, có giá trị lâu dài và những quan hệ nào chỉ mang tính nhất thời, ai có thể là bạn tâm giao và ai sẽ là bạn trong công việc.

Nếu bạn đã từng thất vọng bởi một trong những mối quan hệ với một người bạn hay người thân, hãy đừng để tổn thương đó ảnh hưởng đến những mối quan hệ khác và làm thay đổi mình.

Trong gia đình, Jane được bố mẹ và em trai thương yêu. Tuy nhiên, cô chưa bao giờ thấy mình thật sự hoà hợp với chị Jenny. Cô lấy làm thất vọng về điều này và luôn tự hỏi – tại sao cô không thể có được những giây phút vui vẻ như khi bên cạnh bố mẹ và cậu em trai. Jane không hiểu mình có điều gì không ổn? Nhưng cử chỉ ngộ nghĩnh đáng yêu của Jane từng làm cho bố mẹ và em cô vui vẻ và hạnh phúc biết bao nhiêu thì lại bị chị cô xem là giả dối.

Tại sao chúng ta không thể cư xử giống nhau với tất cả mọi người để có được những mối quan hệ tốt đẹp? Theo những nhà tâm lý tại Đại học McGill Canada, đó là bởi vì “con người rất phức tạp, họ có quá nhiều mặt” nên chúng ta khó lòng mong đợi tất cả họ sẽ phản ứng giống nhau.

Chúng ta cần chấp nhận thực tế rằng – mình chỉ có thể sống hoà thuận với đa số chứ không phải đối mặt với tất cả những người thân của chúng ta, và đó không phải là thiếu sót mà là một hiện thực. Các nhà nghiên cứu giải thích, “Những người hài lòng với cuộc sống không phải lúc nào cũng có những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả mọi người. Họ trân trọng những mối quan hệ tốt đẹp mà họ có và biết chấp nhận những mối quan hệ không hoàn hảo”.

Những nhà nghiên cứu nhận ra rằng – chẳng có sự khác biệt nào giữa hạnh phúc của những người phần lớn tin cậy vào bạn bè và tình hữu nghị với những người chủ yếu dựa vào gia đình. Nhưng những người có mối quan hệ tốt đẹp với bằng hữu thật sự và vẫn tôn trọng những mối quan hệ với gia đình. Họ trưởng thành và hạnh phúc hơn những người chỉ lệ thuộc vào gia đình một cách “vi kỷ trung tâm”.

Con người luôn có khả năng tạo dựng hạnh phúc từ những mối quan hệ sẵn có hay những mối quan hệ mới nếu mối quan hệ đó thực sự có ý nghĩa và trở thành nguồn động viên trong cuộc sống mà không nhất thiết chúng phải là những mối quan hệ lý tưởng.

– Takahashi, Tamura và Tokoro-

29. Hãy nghĩ đến hiện tại và tương lai, đừng quá dằn vặt với ý nghĩ “Nếu như…”

Đừng mất thời gian hối tiếc về những điều đáng lẽ xảy ra nếu như bạn đã làm khác đi một điều gì đó hay một quyết định nào đó. Điều này thật ra chỉ khiến cho bạn cảm thấy không hài lòng về bản thân và về cuộc sống của chính bạn.

Hãy nghĩ đến việc bạn có thể thay đổi tương lai như thế nào, chứ đừng mất thời gian nghĩ về chuyện bạn đã có thể thay đổi quá khứ ra sao. Con người thường có thói quen nuối tiếc những gì đã qua mà quên mất những điều tốt đẹp có thể đang chờ đón họ.

Ai cũng đôi lần nuối tiếc về những quyết định trước đây của mình ít nhiều có thể đã làm thay đổi hiện tại ra sao. Vị trí bạn từng ngồi trong lớp mẫu giáo có lẽ đã ảnh hưởng đến chuyện bạn bè của bạn là ai, từ đó ảnh hưởng đến sở thích của bạn là gì, rồi ảnh hưởng đến chuyện bạn học hành ra sao…

Chúng ta có thể suy nghĩ về những điều này liên tục bất tận, nhưng sẽ chẳng bao giờ thay đổi được hiện tại. Có thể một lúc nào đó bạn đã quyết định sai, nhưng đầu cần phải tự hành hạ mình bằng cách cứ mãi thắc mắc tại sao mình lại đi sai đường như thế. Điều bạn làm là suy nghĩ, tìm cách đi từ vị trí hiện tại tới nơi bạn muốn đến và dám thực hiện điều đó để cảm nhận được hạnh phúc thực sự.

Nghiên cứu về cảm nhận của những vận động viên đã đến gần đích nhưng lại gặp thất bại tại vòng chung kết thế vận hội Olympic cho thấy – những người hài lòng nhất với phần thi đấu của mình là những người dành ít thời gian nhất cho những suy nghĩ phản thực tế – tức là những ý nghĩ cho rằng mọi việc lẽ ra đã phải kết thúc khác đi. – Gilovich và Medvec-


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.