Bí mật của Hạnh phúc

31- 40



30. Hãy biết chia sẻ và làm điều tốt khi có thể

Trong mỗi tập thể, nơi bạn sống hay làm việc đều có rất nhiều cơ hội để bạn thể hiện thiện chí của mình. Đó là lúc bạn dành ít thời gian, cùng tâm sự với những người bạn, đồng nghiệp để cảm thông với những hoàn cảnh khó khăn của họ, tìm cách động viên hay giúp đỡ khi có thể.

Bạn có thể đi thăm những người bị nạn có hoàn cảnh khó khăn không quen biết hay những em bé bất hạnh trong trường khuyết tật… Làm như vậy một cách thực lòng không chỉ là giúp đỡ người khác, mà còn giúp cho chính bạn – như người xưa từng nói “khi cho đi – nghĩa là chúng ta đang nhận lại”.

Những người biết sống chia sẻ với người khác thường cảm thấy mình tốt hơn và hài lòng hơn về bản thân. Họ có cơ hội hiểu cuộc sống một cách sâu sắc hơn và có cảm giác cuộc sống của mình có mục đích, được trân trọng và ít nhàm chán.

Những người tình nguyện có được những phần thưởng tinh thần mà không điều gì khác có thể đem lại được nếu bạn không có nhiều thời gian hay khả năng thì chí ít cũng có thể dành một giờ mỗi tháng để cống hiến cho một việc thiện nào đó.

Bessie là một quả phụ đã bước vào tuổi bảy mươi. Bà thấy mình rảnh rỗi và muốn dùng thời gian này để làm điều gì đó có ích – một điều gì đó có thể khiến bà háo hức thức dậy mỗi buổi sáng với nụ cười trên môi.

Bessie đăng ký tham gia chương trình “ông bà nuôi” tại trung tâm cộng đồng ở khu vực Buffalo. Trong chương trình này, các công dân cao tuổi sẽ dành một ít thời gian trong ngày để làm bạn với các trẻ em khuyết tật. Giờ đây bà luôn cảm thấy hạnh phúc khi được cùng vui đùa, đọc sách, chuyện trò và ngồi chơi với đám trẻ.

Một người bạn của Bessie, cũng là người tình nguyện của chương trình trên, nói rằng các “ông bà nuôi” mang đến cho đám trẻ “tình yêu thương và sự quan tâm”, đổi lại phần thưởng cho họ là cơ hội được nhìn thấy “sự ngây thơ và hồn nhiên của những đứa trẻ này”.

Bessie cho biết công việc tình nguyện “mang đến cho tôi cảm giác rằng mình đang làm điều tốt. Tôi đang giúp các em nhỏ, các bậc phụ huynh và cả chính tôi nữa. Như vậy mọi người đều tốt hơn, nhưng tôi luôn cảm giác mình là người có được nhiều nhất. Bây giờ tôi là người giàu vì tôi có rất nhiều bạn tốt và tôi thấy cuộc sống mình thật ý nghĩa và hạnh phúc”.

Một cuộc phân tích các nghiên cứu về đề tài này cho thấy – hoạt động tình nguyện góp phần làm tăng hạnh phúc của mỗi cá nhân qua việc làm giảm bớt sự nhàm chán và làm tăng cảm giác sống có mục đích. Nói chung, những người tình nguyện luôn cảm thấy hài lòng về bản thân mình rất nhiều so với những người không tham gia tình nguyện hay suốt ngày chỉ lo cho những gì liên quan đến mình và gia đình mình.

– Crist Houran

31. Đừng làm tổn thương bản thân và người khác khi mọi việc diễn ra không như mong muốn
Những người không đạt được mục tiêu do mình đặt ra thường cảm thấy thất vọng mà đôi khi không biết tại sao. Nhưng khi bạn chưa thực sự cố gắng cho những điều mình mơ ước và có thể làm được – hãy nhìn lại và rút kinh nghiệm để điều đó không lặp lại trong tương lai. Những mục tiêu của bạn cần phải phù hợp với hoàn cảnh sống của mình – chúng cũng cần được thay đổi khi điều kiện sống của bạn thay đổi. Có những người trải nghiệm rất nhiều thành công và thất bại cho những mục tiêu sống khác nhau để rồi sau cùng dịnh cho mình một hướng đi duy nhất, và từ đó điều chỉnh các mục tiêu thích hợp với từng giai đoạn.

Các nhà tâm lý tại Đại học Michigan đã khám phá ra rằng – mặc dù việc đặt mục tiêu có vai trò quan trọng và rất cần thiết, nhưng nó có thể khiến cho chúng ta luôn cảm thấy chán nản và nản chí nếu bản thân nó cứng nhắc, không linh động. Dưới đây là một ví dụ điển hình.

Jimmy ngỏ lời cầu hôn với bạn gái khi anh mới 18 tuổi. Một năm sau họ kết hôn, Jimmy hứa sẽ mua nhà trước 24 tuổi. Rồi Jimmy bắt đầu đi làm. Anh làm hết việc này đến việc khác, thế nhưng đồng lương anh nhận được khá khiêm tốn. Tuy thế, vợ chồng anh sống tương đối thoải mái trong một căn hộ chung cư nhỏ nhắn. Khi tuổi 24 gõ cửa, dù số tiền dành dụm chưa đủ nhưng Jimmy quyết định phải đi mua nhà bằng cách mượn thêm tiền của bố mẹ và thế chấp luôn căn nhà anh sắp mua. Jimmy và vợ chuyển đến nhà mới, họ tổ chức ăn mừng, nhưng thực tế, số tiền phải trả cho căn nhà ấy vượt quá sức Jimmy.

Chẳng bao lâu, anh kiếm một công việc làm thêm. Nhưng vẫn không đủ trang trả. Jimmy lại nhận thêm một công việc bán thời gian nữa – đó là công việc thứ ba của anh.

Cuối cùng anh đã phát ốm và trở lên phẫn nộ với ngôi nhà cũng như với vợ mình. Thay vì sẽ tiếp tục một cuộc sống hạnh phúc và dành dụm thêm đến khi nào đủ tiền rồi mới mua nhà, Jimmy lại vội vã làm mọi cách để hoàn thành điều mà anh từng tuyên bố. Anh đã để mục tiêu cứng nhắc của mình làm thay đổi cũng như đe doạ cuộc sống của anh.

Nếu những mục tiêu đặt ra quá cao, không phù hợp với khả năng của một người, đôi lúc chúng sẽ càng khiến cho người đó thêm buồn phiền, chán nản và làm tăng sự không hài lòng với bản thân mình. Ngược lại những người sống mà không có mục đích, hoài bão thì sau cùng cảm giác về cuộc sống mình chỉ là tồn tại hơn là sống.

-Pavot, Fujita và Diener-

32. Hãy biết rèn luyện và giữ gìn sức khoẻ

Những người thường xuyên tập thể dục, dù là theo chế độ tập luyện cơ thể một cách chính thống hay chỉ là đi bộ đều đặn đều cảm thấy khoẻ mạnh hơn, có suy nghĩ tích cực hơn về chính bản thân mình và tận hưởng cuộc sống nhiều hơn. Không ai cảm giác về hạnh phúc trọn vẹn một khi họ không cảm thấy khoẻ mạnh về cơ thể họ – một cơ thể khoẻ mạnh thường luôn chứa đựng một tinh thần minh mẫn.

Một vị giám đốc nổi tiếng từng nói, “Bất cứ khi nào ý nghĩ có lẽ mình nên tập thể dục đến với tôi, tôi đều đi nằm cho đến khi ý nghĩ ấy trôi qua”.

Ông luôn nói về điều đó, và chẳng có gì là đáng ngạc nhiên khi với cách suy nghĩ đó đã khiến ông dần trở nên thiếu sinh lực và chẳng bao lâu sau sức khoẻ của ông đã có vấn đề nghiêm trọng.

Các bác sĩ khuyên ông nên thay đổi cách sống, và ông đã thử. Ông thấy mình thật sự thích tập thể dục. Mỗi ngày ông dành ra một ít thời gian để tập thể dục mà không lo lắng hay bận tâm về bất cứ điều gì khác. Và ông cảm thấy tập thể dục thật sự đã làm ông khoẻ hơn trước rất nhiều.

Các nghiên cứu về vận động cơ thể cho thấy rằng – việc tập thể dục làm tăng sự tự tin, kéo theo việc đánh giá cao bản thân. Tập thể dục thường xuyên, kể cả việc đi bộ, trực tiếp làm tăng cảm giác hạnh phúc và gián tiếp đóng góp vào việc cải thiện sự tự nhận thức về bản thân.

– Fontans-

33. Đừng quên rằng những điều tuy nhỏ nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn

Trong cuộc sống đôi khi không cần đến những điều lớn lao mới làm bạn cảm thấy hạnh phúc mà ngay cả những điều bé nhỏ cũng có thể làm được điều đó. Một sự quan tâm đúng lúc, một ánh mắt, một nụ cười, một cái siết tay chia sẻ của người bạn hay của ai đó cũng đủ làm cuộc sống chúng ta thêm phần ý nghĩa.

Loài người không căng mình lên như loài cá hoặc thay đổi màu sắc như tắc kè khi thể hiện phản ứng của mình. Thái độ của chúng ta thường được bộc lộ qua những biểu hiện tinh tế hơn – qua nét mặt, giọng nói và ngôn ngữ cơ thể…

Bạn thử nghĩ xem, chúng ta mất chưa đến 1/6 giây để nhận ra nét mặt của một ai đó. Và có thể nhận ra những biểu lộ của con người từ cách xa 100m. Vì sao lại có sự nhạy cảm đến như vậy? Vì con người luôn dựa vào nét mặt để nhận biết những người xung quanh đang nghĩ gì. Và vì chúng ta cho rằng nét mặt quan trọng nên chúng ta để ý đến nó và dùng nó để phản ứng và bộc lộ thái độ của mình. Cho nên nét mặt là một phần quan trọng trong quá trình giao tiếp.

Nếu có ai đó hỏi rằng bạn có thích bữa tối họ làm không, hãy trả lời “Ngon lắm” và nhớ rằng người kia đang chú ý lắng nghe không chỉ những gì bạn nói, mà còn quan sát cả những thông điệp khác đang truyền đi qua thái độ của bạn.

Những cặp vợ chồng nhạy cảm trong giao tiếp, cảm nhận được những thông điệp tinh tế qua ánh mắt, cử chỉ và thái độ của người khác sẽ đạt đến trong cảm giác hài lòng cao hơn nhiều so với những cặp vợ chồng không cảm nhận được như vậy.

– Notarius-

34. Bản chất của sự việc xảy ra không quan trọng bằng chính cách bạn đón nhận nó như thế nào

Cuộc sống quanh ta luôn có những biến động, những biến cố – do chủ quan hay khách quan – có thể bất ngờ ập đến. Chấp nhận, vượt qua hay bị luỵ buồn bã? Điều quan trọng là cách chúng ta đón nhận chúng như thế nào. Đôi khi thành công chưa phải là thước đo hạnh phúc và thất bại chưa hẳn là biểu hiện của bất hạnh.

Có những lúc nụ cười không phải lúc nào cũng đi cùng với niềm vui và nước mắt chưa thể nói lên điều tuyệt vọng. Chẳng có yếu tố khách quan nào có thể mang lại cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc hay một ngày tốt đẹp, mà chỉ có cách nhìn của mình mới quyết định sự cảm nhận hạnh phúc hay thành công trong cuộc sống mà thôi.

Vấp ngã – đó là nỗi đau khổ triền miên hay là điều may mắn cần phải có – điều đó còn tuỳ thuộc vào thái độ của chúng ta và những gì chúng ta sẽ làm tiếp theo.

Trong một nghiên cứu mới đây, ngay trong những sự việc thường ngày, những người có ý kiến đối lập nhau được cho đọc cùng một bài báo. Họ được yêu cầu cho ý kiến sau khi đọc cẩn thận. Nhiều người trong cả hai phe đều nói rằng bài báo có quan điểm thiên về phe bên kia. Làm sao một bài báo có thể cùng lúc thiên vị hay có thành kiến với cả hai quan điểm được? Rõ rằng, không phải nội dung bài báo chứa đựng quan điểm đó mà chính là cách nhìn của người đọc. Những biến cố trong cuộc sống cũng tương tự như vậy. Cùng một biến cố, có thể người này nhìn nhận một cách tích cực nhưng người khác lại thấy tiêu cực, điều đó tuỳ thuộc vào cách nhìn của mỗi người.

Sự thành công hay thất bại của một người không thể hiện chính xác mức độ hài lòng của họ đối với cuộc sống bằng chính cách họ đón nhận những biến cố như thế nào.

– Staats, Armstrong- Stassen, Partillo-

35. Biết tạo sở thích chung với người thân

Cùng chia sẻ sở thích chung với những người thân sẽ giúp bạn cảm thấy vui hơn khi ở bên gia đình và bạn bè, từ đó giúp bạn cảm nhận mối liên hệ đó một cách sâu sắc hơn chứ không chỉ đơn thuần chỉ là sợi dây ràng buộc bởi hoàn cảnh.

Các thành viên trong gia đình Tom đều thích chơi bóng bàn. “Đó thật sự là một cách tuyệt diệu để cùng chia sẻ thời gian với gia đình”. Tom giải thích.

Ban đầu Tom và con trai anh cùng đến xem các trận thi đấu diễn ra ở một câu lạc bộ bóng bàn. Họ cảm thấy rất thích nên quyết định cùng đăng ký học môn thể thao này và có thể cùng chơi với nhau. Tom rất thích vì trước đây anh đã từng chơi bóng bàn thời sinh viên.

Chẳng bao lâu sau vợ Tom và con gái của họ cũng tham gia- thể là cả gia đình cùng chơi bong bàn.

Hầu như cuối tuần nào, gia đình Tom cũng dành thời gian cùng nhau du lịch đến những nơi có bàn bóng bạn và họ vui chơi, trò chuyện thoả thích. Sức khoẻ của họ ngày càng được cải thiện và công việc, học tập của mọi người cùng tốt hơn.

Mối quan hệ sẽ càng thêm bền vững nếu các thành viên có cùng chung một sở thích nào đó, điều này khiến mức độ hài lòng với cuộc sống của họ càng tăng lên.

– Charid-

36. Hãy luôn vui vẻ và mỉm cười trong mọi hoàn cảnh

Có người nói rằng “cuộc sống sau bi phải là hài”. Và cũng có người nói rằng cuộc sống sẽ hạnh phúc biết bao cho những người biết cách trở về với sự hồn nhiên của chính mình, với nụ cười tươi vui thật sự mà ngày nay thường hiến hoi trong cuộc sống đầy ắp công việc và căng thẳng nối tiếp nhau.

Có những người biết vượt lên khó khăn bằng nụ cười – ngay cả trong nghịch cảnh – chính điều đó làm cho họ luôn cảm giác hạnh phúc cho dù bất kỳ điều gì xảy ra đi nữa.

Đừng mất thời gian đánh giá sự hài hước, hoặc tự hỏi, “Việc đó có thật sự đáng buồn cười không?” hay “người khác có thấy nó khôi hài không?” Hãy tận hưởng và cười lên mỗi khi bạn cảm nhận được một điều khôi hài tự nhiên nào đó.

Một nhóm mang tên Hội Liệu pháp và Hài hướng của Mỹ tin rằng một trong những điều mà mọi người bỏ lỡ trong ngày cưới là cười cho thật thoải mái. Thông điệp này ngày càng được nhiều nhà cố vấn kinh doanh lưu ý, họ nhận ra rằng khi được cười thoải mái nhân viên sẽ làm việc tích cực hơn. Các doanh nghiệp thường tổ chức những Ngày ăn mặc như Elvis, ngày Hội các chú hề và những cuộc thi ngớ ngẩn như ai có thể ném một máy bay giấy ra xa nhất. Tại sao vậy?

Đôi khi, việc thoát khỏi những lề thói thường ngày sẽ giúp chúng ta tăng sức sáng tạo, mức hiệu quả và mức độ hài lòng công việc. Nhưng dù bạn ở nhà hay ở công sở, nhóm liệu pháp và hài hước cho rằng “hạnh phúc tuỳ thuộc việc bạn có cười được hay không”.

Theo những nghiên cứu trên hàng ngàn người, hạnh phúc gắn liền với sự hài hước. Khả năng cười, đó là cười chính cuộc đời hoặc trước một câu đùa hay, cũng là một nguồn vui sống. Trên thực tế, những ai cảm thấy thích thú với những câu hài hước hóm hỉnh sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn những người khác.

– Solomon-

37. Tình yêu hay một khát vọng gì khác – Đôi khi không hẳn đã là tất cả

Cuộc sống của bạn trong từng giai đoạn sẽ có những ước mơ, mục đích khác nhau. Nếu thành công, điều đó làm cho bạn hưng phấn và là động lực bước tiếp. Còn nến thất bại do tình cờ hay ngay cả sau khi bạn đã cố gắng hết sức? Chẳng lẽ bạn lại để cho ảnh hưởng của mây đen che phủ tất cả những điều khác?

Tình yêu thật sự là một giá trị vô giá – xứng đáng để bạn hy sinh và vươn tới – nếu nó thực sự. Nhưng nếu nó không phải như bạn hằng ước mong? Nó có đáng để bạn đánh đổi nhiều thứ khác đôi khi có ý nghĩa và quan trọng hơn nhiều?

Cuộc đời bạn được tạo thành bởi nhiều khía cạnh khác nhau. Đừng tập trung quá nhiều vào chỉ một khía cạnh nào đó của cuộc sống mà quên đi những mặt khác. Nếu không, sự thất vọng tổn thương từ nó có thể chiếm hết tâm trí bạn và làm tê liệt hứng thú của bạn đối với mọi thứ đáng yêu khác – đôi khi xứng đáng hơn nhiều.

Một chàng trai trưởng thành cùng với mối tình đầu rất đẹp và nên thơ. Trước khi có người yêu, anh ấy là một chàng trai thông minh với đầy đủ phẩm chất. Anh học giỏi, có tư chất, làm việc tốt và luôn biết chia sẻ với những người khác. Từ khi có người yêu, anh như bước vào một thế giới diệu kỳ với những ước mơ tình yêu và lòng nhiệt thành say đắm bao năm ước vọng nay thành hiện thực.

Người yêu của anh là một cô gái xinh đẹp và duyên dáng. Tình yêu nơi anh thật lãng mạn, đầy sức sống kết hợp với trí tưởng tượng thuở thiếu thời nâng lên thành một nguồn sống mãnh liệt chi phối toàn bộ cuộc sống của anh. Thế giới xung quanh anh lúc đó luôn mênh mang bảy sắc cầu vồng khi anh ngắm nhìn cuộc sống qua lăng kính tình yêu.

Sau hai năm, bão giông ập đến với anh khi tình yêu đổ vỡ – lâu đài pha lê kỳ diệu biến mất không tài nào cứu chữa bất chấp tất cả sự cố gắng níu kéo mà anh đã dùng hết sức mình hòng biến tình yêu trở nên như xưa. Thế giới xung quanh anh bất chợt xám màu chuyển sang đen kịt tuyệt vọng khi không còn lăng kính lung linh của tình yêu. Cái phao duy nhất của anh trong cuộc sống bị tước mất. Anh không còn sáng suốt để phân tích nguyên do, anh không đủ dũng cảm để nhìn nhận thời gian và vật chất có thể làm thay đổi con người. Anh suy sụp, dằn vặt khổ sở, tự đổ lỗi cho mình và bỏ ngoài tai những lời khuyên chân tình của bạn bè và người thân. Đối với anh, cuộc đời xem như vô nghĩa và trống rỗng thật sự, không phương cứu chữa. Anh buông mặc thời gian và cuộc sống của mình trôi theo những năm tháng đau khổ, bất hạnh tột cùng mà anh tự trùm lên đầu mình. Anh không còn tin vào bản thân, vào công việc yêu thích của mình, vào ngày mai và bỏ mặc những ước mơ hoài bão trước đây – chỉ vì một tình yêu anh từng tôn thờ cùng lời nguyện ước thiêng liêng ngày nào.

Dám sống cho tình yêu, nhưng cũng đừng hy sinh tất cả cho tình yêu để một mai tình yêu đó nếu không còn, bạn vẫn giữ trọn tình yêu nơi bạn và dũng cảm bước tiếp. Cũng đừng gắn chặt mọi kỳ vọng của bạn vào chuyện được thăng tiến, để rồi làm hỏng cuộc sống hạnh phúc của mình chỉ vì sự thiếu tiến triển trong công việc.

Bạn cũng đừng lý tưởng hoá mối quan hệ của bạn với một thành viên nào đó trong gia đình, để rồi luôn cảm thấy cuộc sống tồi tệ chỉ vì mối quan hệ đó trở nên căng thẳng. Nên xây dựng hy vọng trên những điều thật sự quan trọng với bạn, và nên cho phép mình tận hưởng nhiều niềm vui hạnh phúc khác nhau, hơn là để mình phải gục ngã vì chỉ bám vào một kỳ vọng dù bạn cho là quan trọng nhưng mong manh. —

Theo một cuộc điều tra diện rộng trong đa số những người trưởng thành thì những người lạc quan, có bản lĩnh, quan tâm đến nhiều mặt trong cuộc sống thường hạnh phúc hơn những người sống đơn điệu, một chiều và uỷ mị. – Bhargava-

38. Hãy chia sẻ cảm xúc của mình với người khác

Đừng giấy kín những cảm xúc, suy nghĩa và mơ ước của bạn. Hãy chia sẻ với bạn thân và gia đình mỗi khi cần thiết. Những người có khuynh hướng giữ chặt mọi điều trong lòng thường cảm thấy cô độc, hoài nghi rằng người khác không hiểu họ.

Những người biết chia sẻ lại cảm thấy được động viên hơn, ngay cả khi các biến cố không sảy ra như họ mong muốn. Nhưng cũng đừng luôn cầu cứu sự thương hại của người khác khi chính mình có thể vượt qua.

Rose là một hoạ sĩ có nhiều năm kinh nghiệm trong nghề. Những lúc rỗi rãi, cô thường vẽ nhiều bức tranh phong cảnh bằng màu nước rất đẹp. Cô trưng bày các tác phẩm của mình tại cuộc triển lãm nghệ thuật địa phương hay tại các phòng tranh nhỏ. Khi gia đình hỏi thăm về công việc nghệ thuật của cô, các câu hỏi thường là “Con có bán được bức nào không? Hay “con kiếm được bao nhiêu tiền?”. Rose có cảm giác mọi người không hiểu mình. Với cô việc vẽ tranh là một cách tự thể hiện và khẳng định mình. Cô không định kiếm tiền bằng việc vẽ tranh, và cô cũng chẳng mấy quan tâm đến chuyện tranh có bán được không. Cô vẽ cho chính cô chứ không vì lợi nhuận.

Rose tự hỏi: “Tại sao những người gần gũi với mình lại dường như quá xa cách và khác biệt với mình?” Những suy nghĩ này ngày càng lớn dần trong tâm trí Rose khiến cô cảm thấy ít thoải mái hơn bên gia đình. Sau đó Rose nhận ra rằng – gia đình cô chẳng thể nào đọc được những suy nghĩ của cô, vì cô đãkhoong giải thích cho họ hiểu đâu mới là điều thật sự quan trọng với cô.

Những người sống cởi mở thường cảm thấy hài lòng với cuộc sống của họ hơn với những người luôn khép kín.

– Finch, Barrera, Okun, Bryant, Pool và Snow-Turek-

39. Hãy tìm một việc gì đó để làm những khi buồn nhất

Hãy tìm việc gì đó để làm, vì cảm giác luôn bận bịu với công việc dễ chịu hơn nhiều và giúp mang mình trở về với thực tại so với cảm giác chẳng có gì để làm và luôn lo nghĩ viển vông. Người ta chỉ có thể trưởng thành hơn trong trải nghiệm, trong công việc thực tế chứ không ai lớn lên nhờ vào những suy luận và lý thuyết suông.

Có lần một triết gia nghiệm ra rằng – con người khao khát sự bất tử nhưng đôi khi họ lại vô cùng nhàn rỗi trong những chiều mưa. Trung bình một ngày, chúng ta thường để vuột mất vài giờ trôi qua mà không làm gì cả. Thời gian là một loại hàng hoá lạ lùng và vô cùng quý giá, bởi chúng ta thường nghĩ mình có quá nhiều, cho tới khi bỗng dưng thấy mình chẳng còn bao nhiêu thời gian nữa.

Chúng ta thường phàn nàn rằng có quá nhiều việc phải làm. Nhưng có quá nhiều việc phải làm là mặt tích cực của sự “dư giả”, trong khi có quá ít việc để làm lại là mặt tiêu cựu của sự thiếu năng lực và lười biếng.

Trung tâm Công nghệ Metro Plastics tại bang Indiana đã thử cắt giảm thời gian làm việc trong tuần của công nhân từ 40h xuống 30h. Và bạn có biết điều gì xảy ra sau sự thay đổi đó không? Chất lượng sản phẩm của công ty được cái thiện, và lợi nhuận của công ty cũng tăng theo. Ban quản trị nhận thấy rằng – giao cho công nhân nhiều việc phải làm trong khoảng thời gian ít hơn khiến họ làm việc hiệu quả hơn, năng động hơn và nhiệt tình hơn. Và như thế, họ có nhiều thời gian rảnh hơn sau giờ làm để tái sức lao động và sáng tạo.

Theo những nghiên cứu trên các sinh viên đại học, những người có lịch học căng hơn lại hài lòng với cuộc sống hơn. Dù thời khoá biểu khá dày đặc, các sinh viên học nhiều lại thấy hứng thú và không căng thẳng hơn những sinh viên học ít giờ hơn họ.

– Bailey và Miller-

40. Hãy hiểu rằng hạnh phúc chỉ là một khái niệm tương đối
Hạnh phúc chỉ là tương đối nếu so sánh theo kiểu của nhà khoa học Einstein. Nếu so sánh hiện tại của mình với những khoảng khắc tuyệt vời nhất đã có, bạn sẽ cảm thấy nuối tiếc bởi những giây phút tuyệt vời ấy không thể nào quay trở lại. Còn nếu so sánh với những ngày khốn khó mà bạn từng trả qua, bạn sẽ thấy mình cần phải trân trọng những giây phút hiện tại đó.

Cô ấy có phải là một sinh viên giỏi hay không? Và bạn đang so sánh cô ta với ai: Với các bạn cùng lớp hay với Einstein? Phải chăng anh ấy là một cầu thủ tài năng? À, bạn đang so sánh anh ta với Maradona hay với Pele? Hôm qua có phải là một ngày đáng nhớ không? Phải chăng bạn đang so sánh nó với ngày lễ tốt nghiệp, ngày tổ chức lễ cưới hay với một ngày nào đó trong tuần? chúng ta nên xem xét sự việc bằng con mắt thực tế.

Các nhà tâm lý học Đại học Rutgers nhận thấy rằng – một trong những nhân tố quan trọng nhất tạo nên cảm hứng cho con người trong công việc là cảm xúc của họ về cuộc sống gia đình. Nhiều người cảm thấy áp lực của công việc không còng căng thẳng nữa khi không khí gia đình trở nên căng thẳng hơn. Và mọi người dần dần có khuynh hướng đề cao những mối quan hệ giữa các đồng nghiệp trong công ty mà càng lúc càng cảm thấy chán ngán cuộc sống gia đình bận rộn và đầy áp lực.

Dĩ nhiên, cuộc sống gia đình không thể có các yếu tố như nơi làm việc, và bạn cũng không nên trong chờ điều đó sảy ra. Nên so sánh công việc này với những công việc khác chứ không nên so sánh với gia đình – vốn là một nơi mà mọi thứ đều phức tạp hơn, nhưng cũng hứa hẹn mang đến nhiều niềm vui và hạnh phúc hơn.

Theo các kết quả nghiên cứu thì – không có gì đáng ngạc nhiên khi biết rằng người hạnh phúc thường nếm trải nhiều kinh nghiệm tích cực hơn người không hạnh phúc. Điều độc đáo là, xét một cách khách quan thì cuộc sống của họ thật sự không khác nhau mấy, vì họ điều trải qua các biến cố tương tự nhau. Sự khác biệt thật sự nằm ở chỗ các vấn đề đó được nhìn nhận tích cực hay tiêu cực – và người hạnh phúc thường đánh giá các sự kiện ngay cả trong những lần vấp ngã theo hướng tích cực nhất. – Parducci-


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.