Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill

TUẦN THỨ 10 LÒNG NHIỆT TÌNH



Triết gia Ralph Waldo Emerson từng nói: “Chẳng có thành tựu vĩ đại nào lại không chứa đựng ngọn lửa nhiệt tình”. 

Tại Thánh Đường Mormon, thành phố Salt Lake thuộc bang Utah phía tây nước Mỹ, một diễn giả được mời đến phát biểu trong 45 phút. Ông diễn thuyết trong hơn hai giờ và khi kết thúc bài phát biểu, cả cử tọa gần mười ngàn người bật dậy tán thưởng ông suốt năm phút liên tục. 

Vị diễn giả này đã phát biểu những gì mà được hưởng ứng nhiệt liệt đến như vậy? Những gì ông ấy phát biểu không quan trọng bằng cách ông ấy diễn đạt bài diễn thuyết đó. Đám đông hưởng ứng sự nhiệt tình của vị diễn giả, và có lẽ phần lớn họ chẳng ai nhớ được nhiều chi tiết trong nội dung bài diễn thuyết của ông. 

Louis Victor Eytinge phải chịu án chung thân tại một nhà tù thuộc bang Arizona. Anh không có bạn bè nào, không có luật sư nào bào chữa và cũng chẳng có tiền bạc. Nhưng anh đã có những biểu hiện hoàn lương tích cực đến mức anh đã sớm được trả tự do. Eytinge đã viết thư tới công ty Remington Typewriter trình bày hoàn cảnh khó khăn của mình và đề nghị công ty cho anh mua chịu một chiếc máy đánh chữ. Công ty này đáp lại hơn cả mức trông đợi. Họ tặng hẳn anh chiếc máy đánh chữ. 

Anh bắt đầu viết thư cho các công ty kinh doanh, đề nghị soạn thảo các tài liệu cho họ – công việc này đòi hỏi anh phải biên tập và gửi tài liệu lại cho họ. Hiệu quả công việc cao tới mức anh nhanh chóng có đủ tiền để làm từ thiện cho tới việc thuê luật sư. Trên thực tế, công việc của anh diễn ra tốt đẹp đến mức thu hút sự chú ý của một công ty quảng cáo lớn tại New York. Công ty này sau đó, cùng với sự giúp đỡ của luật sư của anh, đã giúp anh được ân xá. Khi ra khỏi nhà tù, anh được giám đốc công ty quảng cáo này chào đón: “Ồ, Eytinge, lòng nhiệt tình của anh còn mạnh hơn cả song sắt nhà tù nữa đấy”. 

Công ty quảng cáo này đã dành cho Eytinge một công việc. 

Câu châm ngôn cổ “Không có gì dễ lan truyền hơn lòng nhiệt tình” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần mà vẫn không mất đi ý nghĩa. Lòng nhiệt tình là làn sóng truyền thanh mà bạn có thể truyền đi những tín hiệu tới người khác. Lòng nhiệt tình còn có sức tác động mạnh hơn cả khoa học lý luận, lý trí hay tài hùng biện trong việc truyền đạt tư tưởng của bạn và lôi kéo mọi người đi theo quan điểm của bạn. 

Một vị giám đốc bán hàng hết sức thành đạt nói rằng lòng nhiệt tình là tố chất quan trọng nhất đối với một người bán hàng – miễn là sự nhiệt tình đó hoàn toàn chân thành và thẳng thắn. “Khi bạn nhiệt tình bắt tay người khác thì bạn sẽ khiến họ cảm thấy bạn thực sự vui mừng khi được gặp họ”. 

Nhưng tôi muốn lưu ý các bạn rằng không gì giả dối hơn là làm ra vẻ nhiệt tình – sự biểu lộ thái quá khiến ai cũng nhận thấy và làm cho mọi người mất tin tưởng ở bạn. 

Một ví dụ điển hình cho thấy lòng nhiệt tình có thể đưa bạn tới đỉnh cao thành công như thế nào được thể hiện qua cuộc đời và sự nghiệp của chính trị gia người Mỹ Jennings Randolph. Sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Salem ở miền Tây bang Virginia, Randolph dấn thân vào con đường chính trị và bắt đầu một chiến dịch vận động mạnh mẽ, sau chiến dịch đó, ông được bầu vào Quốc hội Mỹ, giành chiến thắng áp đảo trước một đối thủ lớn tuổi và giàu kinh nghiệm hơn. Do sức ảnh hưởng lớn của ông đối với các đại diện đồng nhiệm, Tổng thống Franklin D. Roosevelt đã cử ông vào ban lập pháp đặc biệt thời chiến tại Nhà Trắng. 

Theo một cuộc khảo sát kín quy mô lớn do một nhóm các giáo sư tại Washington tiến hành, Tổng thống Roosevelt và Randolph được bầu là những nhân vật có sức hút lớn nhất trong bộ máy chính phủ thời đó. Nhưng Randolph còn vượt trên cả Tổng thống Roosevelt trong cuộc khảo sát này do khả năng tạo ảnh hưởng đến người khác bằng lòng nhiệt tình của ông. Sau 14 năm làm việc trong Quốc hội Mỹ, Randolph đã chấp nhận một trong số rất nhiều lời mời cộng tác từ khu vực kinh tế tư nhân. 

Randolph đã trở thành trợ lý cho chủ tịch hãng Hàng không Capital (phía Đông nước Mỹ, năm 1961 được sáp nhập vào United Airlines) khi hãng này còn đang nợ nần chồng chất. Trong vòng hai năm, với năng lực tuyệt vời của mình, ông đã giúp hãng này vượt xa tất cả các hãng hàng không khác về mặt lợi nhuận. 

Nói về nhân cách đáng quý của Randolph, chủ tịch hãng Hàng không Capital nhận xét: “Ông ấy không chỉ làm việc để nhận lương, không chỉ làm việc thuộc chức trách của mình – mà còn truyền ngọn lửa nhiệt tình cho các thành viên của hãng chúng tôi”. 

Không ai sinh ra mà lại có ngay lòng nhiệt tình cả; tố chất này phải được rèn luyện mới có. Hãy nhớ rằng trong phần lớn các cuộc tiếp xúc với người khác, xét theo một mặt nào đó, bạn đều cố gắng thuyết phục họ tin vào một điều gì. Nhìn chung điều này là đúng trừ những mối quan hệ giao tiếp thông thường. Trước hết, hãy tin vào giá trị ý tưởng của bạn, sản phẩm, dịch vụ của bạn – hoặc về chính bản thân bạn. Hãy nghiêm túc nhìn nhận giá trị đó – hoặc chính bản thân bạn. Hãy rút kinh nghiệm từ những sai lầm, thiếu sót trong bất cứ việc gì bạn đang cố gắng làm để thuyết phục người khác và ngay lập tức sửa sai. Hãy tin tưởng hoàn toàn vào tính hợp lý, đúng đắn trong sản phẩm hay ý tưởng của bạn. 

Với niềm tin này, bạn hãy duy trì, nuôi dưỡng thói quen suy nghĩ tích cực, mạnh mẽ và hăng hái, và bạn sẽ thấy ngọn lửa nhiệt tình trong bạn đang bùng cháy – cùng với lòng chân thành bạn sẽ truyền được ngọn lửa nhiệt tình sang những người khác. 

“Không có điều vĩ đại nào từng đạt được mà thiếu vắng lòng nhiệt tình.”

“NOTHING GREAT WAS EVER ACHIEVED WITHOUT ENTHUSIASM.” – Triết gia R. W. Emerson (1803 – 1882)


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.