Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill
TUẦN THỨ 38 MẶT TÍCH CỰC CỦA THẤT BẠI
Đôi khi thất bại lại là một điều tốt. Thất bại mở ra những cánh cửa dẫn đến cơ hội mới và đem lại cho chúng ta những kinh nghiệm ban đầu về hiện thực cuộc sống. Thất bại còn giúp ta nhận ra được đâu là những mặt hạn chế và thức tỉnh những kẻ tự kiêu tự đại ra khỏi tính kiêu ngạo của mình.
Quân đội Anh đã bại trận khi Tướng Cornwallis tuyên bố đầu hàng quân đội Mỹ, trao trả lại tự do cho thuộc địa của mình. Nhưng nếu nước Anh không công nhận nền độc lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ sau lần thất bại đó, liệu rằng nước Mỹ có đủ lớn mạnh để vực dậy cả một đế chế Anh quốc thoát khỏi nguy cơ sụp đổ trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất và thứ hai hay không?
Sau khi Nội chiến [viii]kết thúc, các bang ở miền Nam nước Mỹ đã phải gánh chịu cảnh nghèo đói kéo dài trong mấy mươi năm. Nhưng chiến tranh cũng khiến cho nền công nghiệp của phương Bắc nhanh chóng chuyển dịch về phương Nam. Người dân đã từng mất đi niềm kiêu hãnh và nhiều tài sản quý giá trong chiến tranh loạn lạc giờ được đền bù một cách thỏa đáng.
Trải nghiệm cho thấy quy luật bù trừ luôn luôn đúng đối với mọi phạm vi, mọi đối tượng. Giữa người với người trong xã hội và giữa các xã hội với nhau, có vay có trả, tất cả sai lầm rồi cũng được sửa chữa.
Trước kia, đã có lúc tôi cảm thấy một nỗi mất mát vô cùng lớn khi tên mình không hề được nhắc đến trong di chúc của người chú giàu có vừa mới qua đời. Nhưng điều đó cuối cùng lại trở thành một trong số rất nhiều những may mắn đến với tôi sau mỗi lần bị thất bại. Chính nhờ không nhận được bất kỳ phần di chúc nào để lại mà tôi đã phải tự mình kiếm sống, và từ đó, đã may mắn tìm ra được con đường dẫn đến thành công.
Sự tấn công của bệnh tật đôi khi khiến người ta chuyển sự chú ý của mình từ nỗi đau của cơ thể sang nỗi đau tinh thần, và từ đó cho ta thấy chủ nhân đích thực của cơ thể – đó chính là ý chí của con người.
Thất bại thường tác động đến con người theo hai cách: Thứ nhất, thất bại có thể là một thử thách buộc ta phải nỗ lực hơn nữa. Thứ hai, thất bại hạ gục và làm ta nản chí.
Điều đáng buồn là đa số mọi người thường nhanh chóng từ bỏ hy vọng và rút lui ngay khi nhận thấy những dấu hiệu đầu tiên của sự thất bại, thậm chí ngay cả trước khi thất bại đến. Và rất nhiều người chỉ mới gặp thất bại một lần thôi đã sẵn sàng từ bỏ mục tiêu của mình, cho dù đó chỉ là một thất bại cỏn con nào đấy. Một người lãnh đạo có tiềm năng là người không bao giờ chịu khuất phục trước thất bại mà ngược lại càng vì thế mà cố gắng.
Đánh giá từ cách xử lý tình huống của một người trước thất bại mà ta có thể biết được rằng anh ta có tiềm năng trở thành một nhà lãnh đạo giỏi hay không. Nếu bạn vẫn có thể đứng dậy được sau ba lần thất bại của một công việc nhất định nào đó, bạn có thể tự xem mình là một ứng cử viên sáng giá cho vị trí lãnh đạo trong công ty bạn. Nếu như sau 12 lần thất bại vẫn không thấy nản lòng, hãy tự tin là hạt giống thiên tài đang sinh sôi nảy nở trong bạn. Bạn hãy nuôi dưỡng hạt giống này bằng những tia nắng của hy vọng và niềm tin, đồng thời chứng kiến nó trưởng thành từng ngày cho đến khi đơm hoa kết trái.
Dường như số phận định đoạt rằng thường thì ai sinh ra cũng sẽ gặp đôi lần thất bại trong cuộc sống để rồi từ đó, ta có thể phân biệt được đâu là người có thể tự mình đứng dậy và tiếp tục đấu tranh trong cuộc sống.
Cuộc sống luôn rộng lòng tha thứ cho ta những lỗi lầm và những thất bại tạm thời ta mắc phải, miễn là chúng ta biết nhìn nhận thất bại như một thử thách và tiếp tục phấn đấu. Ngược lại, nếu ta sẵn sàng quay gót mỗi khi đứng trước một chặng đường chông gai nào đó, ta sẽ khó được cuộc sống tha thứ.
“Thất bại là cơ hội duy nhất để bắt đầu lại một cách thông minh hơn.”
“FAILURE IS THE ONLY OPPORTUNITY TO BEGIN AGAIN MORE INTELLIGENTLY.”
– Henry Ford
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.