Bí quyết làm giàu của Napoleon Hill
TUẦN THỨ 46 TẬN DỤNG QUYỀN NĂNG VÔ BIÊN
Có một quyền năng có thể xóa nhòa ranh giới giữa các đẳng cấp trong xã hội, gạt bỏ những chướng ngại vật không thể vượt qua và những vấn đề không thể tháo gỡ. Quyền năng đó luôn được Đấng Sáng tạo ưu ái dành cho những người nghèo khổ. Những người giàu có và đầy quyền lực chưa hẳn đã được ưu đãi đến thế. Đối với bất kỳ ai có tư duy nhạy bén đều có thể nắm trong tay quyền lực vô biên này. Đồng thời, ngoài bạn ra, không ai khác có thể tận dụng và phát huy hết tác dụng của quyền năng này để phục vụ cho lợi ích của bản thân.
Nỗi lo sợ kỳ lạ nào đang xâm chiếm tâm hồn và làm lu mờ cách tiếp cận với quyền năng bí mật có thể đưa ta lên đến đỉnh cao của thành công nói trên? Tại sao nhiều người lại có thể làm hỏng cả năng lực tư duy tuyệt vời của mình?
Frank Gunsaulus là một trong những người đã học được cách làm thế nào để nắm trong tay quyền năng đó. Là một mục sư trẻ, Gunsaulus từ lâu mang trong mình mơ ước xây dựng một loại hình trường cao đẳng mới. Ông hiểu rõ mục tiêu của mình, nhưng vấn đề ở chỗ muốn thực hiện được kế hoạch đó, ông phải có trong tay một triệu đô-la.
Thế rồi ông quyết định lên kế hoạch để kiếm cho đủ khoản tiền khổng lồ ấy. Một quyết tâm vững vàng dựa trên một mục tiêu cụ thể đã dần dần hình thành những bước đầu tiên của kế hoạch hành động. Ông chuẩn bị cho mình một bài diễn thuyết với tựa đề: “Nếu có một triệu đô-la, bạn sẽ làm gì?” Ông thông báo cho tờ báo Chicago biết về buổi diễn thuyết với chủ đề nêu trên vào buổi sáng Chủ nhật sắp đến.
Hôm đó, sau khi kết thúc bài diễn thuyết của mình, một người đàn ông lạ mặt mà Gunsaulus chưa bao giờ nhìn thấy bất ngờ tiến về bục giảng và nói: “Thưa mục sư, tôi rất thích bài diễn thuyết của ông. Sáng mai mời ông ghé ngang văn phòng của tôi, tôi sẽ tặng cho ông một triệu đô-la ông cần”. Người lạ mặt đó tên là Philip Armour – nhà sáng lập công ty Armour & Co.
Trên đây là câu chuyện tóm lược về tất cả những gì đã diễn ra, và quyền năng biến nó trở thành hiện thực chính là niềm tin mãnh liệt của vị mục sư – một niềm tin đi liền với hành động. Niềm tin, hiểu một cách sâu xa nhất, phải là một niềm tin chủ động, thay vì thụ động.
Niềm tin thụ động chẳng khác nào một “máy phát điện” nhàn rỗi. Để tạo ra năng lượng, chiếc máy này cần phải hoạt động. Ngược lại đối với niềm tin chủ động, con người không hề biết lo sợ hay e ngại điều gì cả, cũng không tự áp đặt cho mình bất kỳ giới hạn nào cả. Nếu lòng tin được tăng cường, người yếu kém nhất cũng có thể mạnh mẽ hơn trước tai ương, kiên cường hơn trước thất bại và gan dạ hơn trước những nỗi lo sợ.
Những tình huống cấp bách trong cuộc sống đôi khi đẩy chúng ta đi đến việc phải lựa chọn giữa niềm tin và nỗi lo sợ. Nếu chọn lo sợ, ta phải gánh chịu những hậu quả nào? Lựa chọn này gắn liền với trạng thái tinh thần của mỗi con người.
Đối với những ai quyết định tin tưởng vào tương lai, nghĩa là bản thân họ đã hướng tư tưởng của mình vào niềm tin đó. Họ đã chuyển hóa niềm tin của mình thành những quyết định kịp thời và hành động cụ thể. Ngược lại có những người cảm thấy lo sợ trước những tình huống khó khăn vì bản thân họ đã không thể hướng tư tưởng của mình theo chiều hướng tích cực hơn.
Hãy đánh thức quyền năng to lớn đó trong con người bạn để khám phá ra sức mạnh của bản thân. Sau đó, hãy viết một cuốn sách hay hơn hoặc soạn thảo một bài diễn thuyết có sức lan truyền mạnh mẽ hơn, thế giới sẽ trải thảm đỏ chào đón bạn, ghi nhận thành công của bạn và ban thưởng cho bạn. Thành công sẽ thuộc về bạn bất kể bạn là ai và đã từng thất bại như thế nào trong quá khứ.
“Đừng cố làm gì nếu bạn không tin vào chính mình, nhưng cũng đừng đầu hàng chỉ vì ai đó không tin ở bạn.”
“DO NOT ATTEMPT TO DO A THING UNLESS YOU ARE SURE OF YOURSELF; BUT DO NOT RELINQUISH IT SIMPLY BECAUSE SOMEONE ELSE IS NOT SURE OF YOU.”
– Stewart E. White
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.