Bí Quyết Trình Bày Từ Các Chuyên Gia
CHƯƠNG 1: THÙNG RỖNG KÊU TO… NHƯNG KHÔNG VANG
Thực tế cho thấy, khả năng nói chuyện và trình bày của nhiều người Việt Nam không được tốt. Nguyên nhân lớn thuộc về đặc điểm văn hóa nói chung, mà cụ thể là do giáo dục. Người Việt chúng ta ngay từ nhỏ đã được dạy rằng: phải biết “kính trên nhường dưới,” “im lặng là vàng,” phải “nghe nhiều hơn nói,”… Tôi nhớ hồi bé đã được học: con người chỉ có một cái miệng nhưng có đến hai cái tai, vì vậy, chúng ta phải lắng nghe nhiều hơn nói. Trong gia đình thì con cái phải nghe theo lời dạy bảo của ông bà cha mẹ “con cãi cha mẹ trăm đường con hư.”Trên lớp thì phải nghe lời thầy cô, nói hay làm điều gì khác thường thì bị liệt vào dạng cá biệt.
Nói là một cách để thể hiện bản thân, suy nghĩ, quan điểm, tư tưởng, khao khát, mong muốn của mình nhưng ngay từ nhỏ, chúng ta không có cơ hội để rèn luyện, thực hành thì làm cách nào để nói tốt được (đó là chưa kể sự thui chột đi ít nhiều về mặt tư duy, nhất là tư duy phản biện, tư duy sáng tạo…).
Khi đã trưởng thành, có nhiều mối quan hệ xã hội và công việc, hầu hết chúng ta đều nhận ra rằng, những ai có lợi thế trong trình bày sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn trong mọi vấn đề. Nhưng rồi chúng ta lại phải đối diện với một vấn đề mới: “Thùng rỗng kêu to!”
Không thể nói hay… không có gì để nói
Khi bạn nói lên ước mơ của mình, nhất là những ước mơ lớn, ngay lập tức, thiên hạ sẽ ném cho bạn những cái nhìn đầy hoài nghi, thậm chí bạn bị dán cho cái mác “hoang tưởng”. Bạn sẽ nhận được những cái nguýt mắt, trề môi: “Để xem làm được tới đâu mà hót dữ quá!” Dần dần, chẳng ai dám nói ra, tuyên bố hay chia sẻ bất cứ điều gì nữa.
Tất nhiên, cũng có không ít người nói được nhưng không làm được. Và họ trở thành “tấm gương” để nhiều người khác soi vào và không dám mở miệng cất lời bởi e sợ sự dông rủi “Nói trước bước không qua.” Vì thế, nhiều người khẳng định: “Tôi nói không hay nhưng tôi làm được nhiều điều”, thực ra, đó là cách ngụy biện BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA cho sự kém cỏi và không chịu rèn luyện kỹ năng nói.
Cần phải hiểu rằng, dù bạn là ai, làm nghề gì, chọn một cuộc sống như thế nào thì bạn cũng không thể nào tránh khỏi việc trình bày! Bạn dạy con, thuyết phục chồng, trả giá khi mua sắm, bán hàng, phỏng vấn xin việc, trình bày ý tưởng với sếp, giao việc cho nhân viên,… bạn đều cần đến kỹ năng trình bày. Trừ khi bạn thu mình lại, cắt đứt tất cả các mối quan hệ, ném đi hết mọi khát khao,… và chọn thất bại trong đời làm lẽ sống, thì may ra bạn trốn được chuyện nói năng, trình bày.
Nếu bạn là người giữ vai trò quan trọng trong công việc, như quản lý hoặc lãnh đạo công ty, thì với tất cả các phương tiện hiện đại như hiện nay, những gì bạn nói, bạn phát biểu có thể được ghi lại ngàn đời. Tất cả mọi yếu kém từ giọng nói, ngôn ngữ cơ thể, nội dung nông cạn, từ ngữ thiếu chuẩn xác, câu cú què cụt, lời nói thiếu lửa, thiếu nhiệt tình hay giả tạo,… đều được phơi bày và lưu giữ. Không hiếm đoạn video diễn thuyết của nhiều người, nhất là những nhân vật quan trọng, đã trở thành trò cười cho thiên hạ và được phát tán nhanh đến chóng mặt trong giới nhân viên văn phòng và giới trẻ vì nội dung ngây ngô, hoặc cách nói kém thuyết phục.
Dù thế nào thì bạn cũng không thoát được việc phát ngôn, trình bày, phát biểu,… thế nên để không biến mình thành “thùng rỗng kêu to,” bạn phải “kêu” sao cho thật “vang”!
Nếu chỉ lên gân, sao chép, cóp nhặt hay lặp lại lời của người khác một cách vô hồn thì lời nói của bạn chẳng thể “vang” được!
Có thể những gì bạn nói không phải là điều hoàn toàn mới mẻ, nhưng đó phải là những gì bạn đã trải nghiệm trong cuộc sống. Đó là những chất liệu vô cùng tuyệt vời để bạn tạo nên một bài nói chuyện đi vào lòng người. Những kinh nghiệm dù thành công hay thậm chí là thất bại, miễn chúng mang lại cho bạn những bài học quý giá thì chắc chắn chúng cũng sẽ cần thiết và hữu ích cho người khác. Vì vậy, muốn nói hay, trước hết bạn phải sống cho có “chất” trước đã!
Tuy nhiên, những gì bạn nói không nhất thiết phải là những gì bạn đã trải qua, nhưng chí ít đó phải là những gì bạn đã suy ngẫm, đạt tới sự thẩm thấu sâu sắc và chín muồi. Cho dù chỉ là kể lại câu chuyện của người khác thì bạn cũng phải có khả năng phân tích, đúc kết. Điều này đòi hỏi bạn phải có được những cảm nghiệm thật sự từ việc trải lòng vào câu chuyện.
Lợi thế khi có kỹ năng trình bày tốt
Đã đến lúc bạn không thể tìm cớ tránh né việc phát triển kỹ năng trình bày sao cho tạo được hiệu quả tốt nhất. Việc thuyết trình trước đám đông là một trong những công cụ tiếp thị mạnh mẽ nhất trong thời đại này. Các doanh nghiệp đều nhận thấy rằng, trong một thị trường mà tính chất cạnh tranh đang trở nên quyết liệt như hiện nay, ai giỏi kỹ năng trình bày, thì người đó sẽ nổi bật giữa đám đông. Và trên đà phát triển của công nghệ, khả năng truyền tải ý tưởng, dữ kiện theo cách đơn giản nhất, rõ ràng nhất cũng đang trở thành một kỹ năng giúp mang lại những ích lợi vô kể.
Dưới đây là những lý do tại sao bạn cần phải trau dồi và phát triển kỹ năng trình bày của mình. Qua đó, bạn sẽ thấy kỹ năng trình bày tốt mang lại cho bạn những lợi thế ưu trội nào.
Có được việc làm tốt
Một công việc tốt không phải là thứ dễ kiếm, và không phải muốn là có được. Trong tình hình hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tổ chức đang ngày càng thu nhỏ quy mô hoạt động, làm tinh giản bộ máy nhân sự; và như thế, giữa lúc “người khôn của khó”, chẳng thấy đâu một việc làm ưng ý. Đã qua rồi cái thời bạn ung dung bước vào một văn phòng làm việc nào đó, điền vào tờ đơn, rồi có ngay việc làm.
Ngày nay, bạn phải biến mình thành một người tiếp thị năng nổ để “lăng-xê” chính bản thân mình.
Các nghiên cứu đã cho thấy rằng 60% quyết định tuyển dụng là dựa vào khả năng tạo thiện cảm và 40% là các kỹ năng khác. Nói cách khác, các nhà tuyển dụng, quản lý thường muốn tuyển và thăng chức những người họ thấy yêu quý và tin tưởng. Bạn tạo được thiện cảm với một người qua việc bạn thể hiện và trình bày về bản thân mình. Nhiều người đi xin BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA việc có giấy tờ, lý lịch trông rất “hoành tráng” nhưng lại không đủ sức thuyết phục nhà tuyển dụng thuê mình vào làm việc.
Nếu bạn có các kỹ năng trình bày tốt, bạn sẽ dễ dàng có được những công việc tốt hơn – bởi vì bạn sẽ đủ sức “tiếp thị” hay “bán” các kỹ năng mình có qua khả năng trình bày chính xác, khúc chiết và tràn đầy nhiệt tình, cảm xúc.
Thăng tiến trong công việc
Càng leo cao trên chiếc thang thành công, dù muốn hay không, bạn cũng phải… nói nhiều hơn. Bạn sẽ phải thuyết phục cấp trên về các ý tưởng, kế hoạch của bạn. Bạn sẽ phải truyền cảm hứng thúc đẩy tinh thần cho nhân viên của mình. Và có thể bạn phải trình bày về bộ phận, về tổ chức, doanh nghiệp hoặc lĩnh vực chuyên môn của mình trước nhiều người khác.
Ký được nhiều hợp đồng hơn
Rõ ràng là nếu bạn có các kỹ năng trình bày và biết lắng nghe, bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn trong nghề bán hàng. Ngày nay, để trở thành người bán hàng giỏi, bạn phải là một nhà sư phạm có khả năng đặt câu hỏi, hiểu rõ các nhu cầu nguyện vọng, biết cách tổ chức sắp xếp thông tin và trình bày để khách hàng tiềm năng có thể hiểu được.
Những người bán hàng tốt nhất luôn biết cách trình bày hiệu quả về các ích lợi của sản phẩm hay dịch vụ cho người nghe. Họ cũng biết rằng công việc bán hàng không còn là chuyện làm ăn theo kiểu một đối một nữa. Người bán hàng ngày nay phải tổ chức các buổi thuyết trình, hội thảo trước đông đảo khách hàng tiềm năng. Và như thế, tất nhiên họ phải giỏi các kỹ năng trình bày để thuyết phục.
Tổ chức các cuộc họp chất lượng
Nhiều cuộc họp chỉ làm lãng phí thì giờ quý giá của những người tham dự. Và các cuộc họp không gì khác hơn là những buổi trình bày. Để tổ chức một cuộc họp hiệu quả, bạn phải lập rõ một chương trình có ý nghĩa, thu hút sự quan tâm, trả lời các câu hỏi, và đề ra được các bước hành động cụ thể. Đây là những kỹ năng mà những người thuyết trình giỏi đều dùng đến. Bạn có thể trau dồi để áp dụng các kỹ năng này.
Xua tan chán nản và căng thẳng
Khi thông hiểu và bắt đầu sử dụng thành thạo các kỹ năng thuyết trình hiệu quả, bạn sẽ thừa sức xua tan đi tâm trạng chán nản, mệt mỏi của chính mình và của thính giả. Những người thuyết trình giỏi đều biết cách nói chuyện làm cho người khác muốn nghe và dễ dàng hiểu được. Trong bán hàng, khách hàng tiềm năng sẽ tiếp nhận thông điệp được trình bày một cách thuyết phục.
Tạo dựng diện mạo bản thân mạnh mẽ hơn
Diện mạo bản thân rất quan trọng. Nhiều người có triển vọng thành công nhưng lại bị mất việc hay không được thăng chức cũng chỉ vì họ thể hiện ra một diện mạo kém cỏi trong lúc trình bày.
Những người thành công thường có phong thái đầy tự tin. Có nhiều doanh nghiệp đề nghị tôi hướng dẫn cách cải thiện hình ảnh cá nhân lúc trình bày của đội ngũ nhân viên của họ. Họ có các nhân viên chuyên môn giỏi, tận tụy với công việc, nhưng khả năng trình bày kém và luôn thể hiện thái độ thiếu tự tin vào bản thân. Qua các khóa học, tôi đã giúp họ cải thiện đáng kể không chỉ các kỹ năng liên quan đến trình bày mà còn giúp gia tăng lòng tự tin vào bản thân.
Tạo dựng các mối quan hệ
Nếu bạn có thể trình bày các ý tưởng và thể hiện những cảm xúc của mình theo cách nào đó không khiến người khác cảm thấy khó chịu, thì bạn có rất nhiều cơ hội thiết lập nên những mối quan hệ hữu hảo, tốt đẹp. Việc trình bày vấn đề từ góc độ người đối diện, hay là nói bằng ngôn ngữ của người nghe, là một kỹ năng cốt yếu để trình bày thuyết phục.
Gia tăng quyền lực
Quyền lực bạn có được thông qua sự công nhận từ người khác. Quyền lực có thể đến từ vị trí, kiến thức, sức hút, tầm quan trọng của bản thân; và trình bày là dịp để tăng sức hút, thể hiện kiến thức và trải nghiệm, hay cho thấy khả năng ảnh hưởng tới người khác của bạn. Khi nói trước công chúng tốt, bạn đã củng cố và gia tăng quyền lực của mình lên gấp nhiều lần. Nhưng nó là con dao hai lưỡi nên có thể hại bạn bất cứ lúc nào, đó là khi bạn nói tệ, nói kém, nói không thuyết phục, khi ấy bạn đánh mất tất cả những quyền lực và sức mạnh đã có của mình.
Trau dồi sự tự tin
Nhiều người rèn luyện sự tự tin bằng cách tập nói trước công chúng. Bởi không có kỹ năng nào giúp bạn gia tăng sự tự tin bằng việc trình bày trước người khác. Khi nói, bạn thể hiện mình từ trong ra ngoài, từ kiến thức đến kinh nghiệm, từ thói quen đến tính cách, từ mục đích sống cho tới gu thẫm mỹ và cả xuất thân của bạn nữa. Tất cả sẽ lộ diện qua ngôn ngữ nói, ngôn ngữ cơ thể, giọng điệu, tư thế, nội dung, hình thức,… bạn trình bày. Một khi bạn trình bày tốt, tác động tích cực đến người nghe, chắc chắn lòng tự tin của bạn gia tăng lên rất nhiều.
Kiếm tiền từ lời nói
Từ công việc huấn luyện, đào tạo, diễn thuyết
Ai cũng cần được học hỏi kiến thức, trau dồi kinh nghiệm; ai cũng cần được giúp định hướng, xác định hoài bão, ước mơ; ai cũng cần được hướng dẫn, huấn luyện để theo đuổi và chinh phục các mục tiêu trong đời; ai cũng mong sống một cuộc đời thành công, hạnh phúc… Nếu bạn làm tốt một trong những điều đó, bạn có thể kiếm được tiền từ những gì bạn trình bày, chia sẻ.
Từ việc giúp người khác thay đổi hoặc khiến người khác hành động
Trong cuộc đời, ai cũng muốn thành công nhưng họ thiếu năng lượng, cảm hứng, kiến thức, động lực, sự kiên nhẫn để có thể thay đổi. Nếu bạn giúp họ điều đó thông qua kỹ năng nói truyền cảm hứng và chia sẻ kiến thức của mình thì đương nhiên bạn sẽ được đáp đền xứng đáng.
Khi là người quản lý, bạn cần phải tạo ra sự thay đổi cho đội ngũ nhân viên để họ cùng hướng về mục đích chung. Nhưng người khác chỉ thay đổi khi bản thân họ thật sự mong muốn và khao khát. Nếu bạn có khả năng tạo động lực, truyền cảm hứng, khơi dậy tiềm năng,… thì bạn sẽ thành công xuất sắc trong vai trò quản lý của mình!
Từ việc bán hàng
Chẳng có giao dịch nào xảy ra nếu bạn không thuyết phục được người khác mua sản phẩm của bạn. Chắc chắn không phải bàn cãi thêm về việc người bán hàng xuất sắc là người có kỹ năng trình bày tốt. Họ trình bày các ích lợi mà khách hàng nhận được từ sản phẩm và dịch vụ của mình một cách đầy cảm xúc và tích cực; họ giải quyết các thắc mắc của khách hàng một cách khéo léo và hợp lý; họ đưa ra những đề nghị khiến khách hàng không thể chối từ,… và họ chinh phục khách hàng ngay từ lúc xuất hiện cùng phong thái lúc trình bày. Người sale có kỹ năng trình bày tốt là người hái ra tiền từ bất cứ sản phẩm hay dịch vụ nào họ rao bán!
Bài phỏng vấn Diễn giả Quách Tuấn Khanh về Kinh doanh Tri thức
Biến cuộc đời và kinh nghiệm của bạn thành một sản phẩm độc đáo!
Nghe anh chia sẻ rằng Diễn thuyết chỉ là một mảng nhỏ trong ngành Kinh doanh Tri thức. Vậy anh có thể giải thích rõ hơn Kinh doanh Tri thức là gì được không?
Một cách dễ hiểu thế này: Nếu bạn thật sự có đam mê, giàu kiến thức và nhiều trải nghiệm trong một lĩnh vực bất kỳ; thậm chí, bạn mê một thú vui nào đó đủ sâu thì bạn vẫn có thể hái ra tiền từ niềm đam mê này của mình bằng cách chia sẻ lại cho người khác thông qua nói (diễn thuyết), viết (sách) hoặc sản phẩm do bạn tạo ra hay tổng hợp lại. Những người có cùng mối quan tâm và đam mê sẽ phải trả tiền để được nghe bạn chia sẻ kinh nghiệm, đọc những gì bạn viết, sử dụng sản phẩm của bạn,…
Khi làm như vậy tức là bạn đang kinh doanh tri thức!
Làm sao để biết được liệu mình có phù hợp với ngành kinh doanh này? Nếu bạn có niềm đam mê và không ngừng tìm hiểu… Nếu bạn gặt hái được một thành tựu nhất định trong đời… Nếu bạn đã từng vượt qua nghịch cảnh… Nếu bạn đã từng chinh phục một đỉnh cao… Nếu bạn có nhiều kinh nghiệm trong một lĩnh vực nào đó… Nếu bạn có những đúc kết sâu sắc về cuộc đời… Nếu bạn từng đưa một công ty, một thương hiệu kinh doanh thành công… Và bạn mong muốn chia sẻ lại những điều bạn đã trải nghiệm với người khác thì bạn hoàn toàn có thể tham gia ngành này.
Nhưng ai thèm quan tâm đến những chuyện của tôi?
Những gì bạn đam mê và trải nghiệm thì thế nào cũng có những người khác có cùng sự thích thú, quan tâm và muốn đào sâu, tìm hiểu. Đặc biệt, họ muốn nhanh chóng và ít phải trả giá, ít phải mò mẫm để có thể đạt được kết quả mong muốn.
Khi bạn theo đuổi đam mê, thì một trong những niềm hạnh phúc lớn lao là được chia sẻ đam mê của mình với mọi người. Điều mà bạn chia sẻ ấy chắc chắn sẽ mang lại ích lợi cho người khác, và bạn mặc nhiên nhận được sự đền đáp tương xứng.
Cung và Cầu đều đã có sẵn, phần còn lại là biết cách đóng gói và biến nó thành một công cuộc kinh doanh!
Vậy anh có thể cho biết về tiềm năng của ngành kinh doanh tri thức này? Hiện trên thế giới, ngành kinh doanh thông tin và tri thức đang phát triển rất mạnh mẽ và có rất nhiều người dùng chuyên môn, hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hay những câu chuyện cuộc đời của họ như một sản phẩm để tham gia vào ngành kinh doanh tri thức này.
Dù ở bất kỳ giai đoạn nào của cuộc đời, chúng ta cũng cần học. Nhu cầu học của mỗi người cũng rất đa dạng và phong phú, gắn liền với nhiều vai trò trong cuộc đời: cha mẹ, con cái, nhân viên, lãnh đạo, học sinh, chủ doanh nghiệp, người bán hàng,… đồng thời bao quát ở nhiều mặt của cuộc sống: sức khỏe, làm giàu tài chính, sự nghiệp, công việc, giải trí, quan hệ gia đình,
… Như thế, với bất cứ ngóc ngách nào của đam mê hay chuyên môn bạn theo đuổi thì bạn vẫn có thể chia sẻ với người khác và luôn có người quan tâm đến những thông tin – kiến thức – kinh nghiệm của bạn.
Vậy bạn đã thấy được tiềm năng lớn lao của ngành kinh doanh này chưa? Đầu tư cho ngành này như thế nào và yếu tố quyết định thành công là gì? Đây là một ngành kinh doanh không lệ thuộc vào vốn, nhưng tỷ suất lợi nhuận lại cao.
Bởi vì sản phẩm của bạn chính là kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng,… nên bạn chẳng cần quá nhiều vốn.
Đầu tư cho ngành này chỉ cần thời gian dành cho việc nghiên cứu, học tập và đúc kết những trải nghiệm của BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA chính mình.
Tuy nhiên, điều quyết định cho thành công của bạn chính là khả năng tạo ra sản phẩm, “đóng gói” sản phẩm, bán hàng và tăng quy mô phân phối.
Cụ thể là bạn phải làm được các bước như sau: Xác định thị trường;
Tạo ra các loại sản phẩm; Xây dựng thương hiệu;
Tạo dựng công cuộc kinh doanh; Xây dựng các kênh bán hàng; Cách tăng trưởng quy mô kinh doanh.
Ai có thể tham gia vào ngành này?
Giảng viên, giáo viên, chuyên viên, nhà tư vấn; Người đi làm, có nhiều kinh nghiệm, đạt tới vị trí quản lý/chuyên gia; người có chuyên môn, hoặc hiểu biết sâu sắc về một lĩnh vực nào đó; người đã gặt hái được thành tựu trong đời; người thích chia sẻ; người chiến thắng số phận, vượt qua nghịch cảnh.
Và bất cứ ai, miễn người ấy đang thật sự sống nghiêm túc với cuộc đời và đam mê của mình, và dĩ nhiên là muốn tham gia vào ngành kinh doanh này!
Vì sao anh cho rằng đây là một ngành kinh doanh “hot” hiện nay?
Đây là thời đại lên ngôi của tri thức, thông tin; và trong khi kinh tế khó khăn, loại hình kinh doanh nào ít vốn đầu tư luôn là một chọn lựa tốt.
Nghe có vẻ ngành kinh doanh này hấp dẫn quá nhỉ?
Đúng vậy! Đây là những ích lợi mà bạn khó có thể tìm thấy trong nhiều ngành nghề khác:
Vốn cực ít;
Thù lao cao;
Thu nhập thụ động tuyệt vời;
Thỏa sức sống với đam mê;
Rủi ro rất thấp;
Đóng góp nhiều giá trị cho cuộc sống;
Hạnh phúc trong lúc làm việc.
Thuyết trình xuất sắc do rèn luyện
Trong lịch sử, có nhiều nhà hùng biện đại tài không phải vì họ có năng khiếu bẩm sinh, mà nhờ quá trình rèn luyện đầy quyết tâm. Thời Hy Lạp cổ đại, Demosthenes nổi tiếng vì khả năng hùng biện. Ông thường ở ẩn dưới lòng đất từ hai đến ba tháng liên tục để luyện giọng và tập hùng biện. Để không bị cám dỗ rời khỏi hang, ông cạo nửa đầu nhằm buộc mình phải luyện tập tiếp. Sau đó, ông còn ngậm sỏi và phát âm thật to tranh với tiếng sóng thét gào để luyện phát âm rõ ràng.
Abraham Lincoln cũng hồi hộp đến mức không kiểm soát được đôi bàn tay của mình trong những lần đầu tiên nói trước công chúng. Giọng ông hơi the thé và chói tai. Ông đã nghiên cứu và tập luyện theo những nhà hùng biện giỏi nhất, đọc đi đọc lại các bài diễn văn trước bạn bè và đồng nghiệp. Nhờ đó mà ông đã trở thành một nhà diễn thuyết xuất sắc.
Bill Clinton, vị tổng thống Mỹ có tài ăn nói, bị ám ảnh bởi việc soạn thảo và chuẩn bị trước mỗi bài diễn văn của mình. Sau khi nhận được bản nháp từ người soạn bài phát biểu, ông sửa đi sửa lại nhiều lần: phiên bản 6 giờ 30, 7 giờ 30, rồi 8 giờ 30 trước khi bài diễn văn chính thức được cất lời lúc 9 giờ tối!
Trong giới kinh doanh, cựu giám đốc Apple, Steve Jobs không được xem là nhà hùng biện “bẩm sinh”, dù ông vô cùng xuất sắc trong công việc này. Ông rèn luyện và cải thiện dần qua thời gian. Từ thời điểm giới thiệu máy Macintosh năm 1984, đến những cuộc trình bày tuyệt diệu về Macworld năm 2007, Steve Jobs đã cho thấy rõ sự tiến bộ của mình. Chính việc cam kết rèn luyện đã tạo ra sự khác biệt!
Nếu bạn muốn trình bày tốt thì cũng giống như mọi kỹ năng khác, hãy thực hành nhiều và điều chỉnh sau mỗi lần thực hành. Hãy xem mọi cuộc nói chuyện trong ngày dù với một hay nhiều người, dù ít quan trọng hay quan trọng, dù có chuẩn bị kỹ hay không chuẩn bị đều là một cơ hội để rèn luyện kỹ năng thuyết trình. Lý tưởng nhất là tìm cho mình một chuyên gia để đánh giá giúp bạn và chỉ ra những điểm cần điều chỉnh và hướng dẫn cách điều chỉnh.
Tuy nhiên, nếu chưa tìm được người kèm cặp thì bạn hãy tự rèn luyện và theo dõi sự tiến bộ của mình dựa trên mẫu đánh giá kỹ năng thuyết trình sau đây để bạn có thể biết được mình đang ở đâu và hướng đến nơi bạn muốn trong từng kỹ năng nhỏ.
MẪU ÐÁNH GIÁ KỸ NĂNG THUYẾT TRÌNH TOÀN DIỆN
1. Các lỗi thường mắc phải trong thuyết trình a. Mục đích bài nói chuyện có rõ ràng không?
…. Có ….. Cần cải thiện ….. Không b. Cấu trúc bài nói chuyện có chặt chẽ và rõ ràng không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không c. Bài nói chuyện có quá nhiều thông tin hay không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không d. Các thông tin có được chứng minh không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không
(Các thông tin được chứng minh bằng các ví dụ, câu chuyện, so sánh, ẩn dụ…) e. Giọng nói có rõ ràng, linh hoạt và hấp dẫn không ?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không f. Bài thuyết trình có giúp giải quyết vấn đề và thỏa mãn nhu cầu của thính giả không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không
2. Những phần dễ trục trặc
A. Phần mở đầu a. Phần xuất hiện của tôi có tự tin và phục vụ mục tiêu trước khi bắt đầu bài nói chuyện không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không b. Tôi có thu hút được sự chú ý của thính giả không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không c. Tôi có dẫn dắt được người nghe không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không
B. Chuyển đoạn a. Các ý chuyển đoạn có rõ ràng không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không
C. Kết luận a. Tôi có hệ thống lại các điểm chính không?
…. Có ….. Cần cải thiện ….. Không b. Phần kết luận có ấn tượng và dễ nhớ không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không
D. Xử lý các câu hỏi a. Tôi có trả lời được các câu hỏi không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không
E. Công cụ trực quan và tài liệu?
a. Tôi có làm tốt việc sử dụng công cụ trực quan, bảng ghi chú, và việc bố trí phòng ốc không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không b. Các tài liệu có được chuẩn bị tốt không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không c. Hình ảnh minh họa có đẹp và rõ ràng không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không
3. Những điểm quan trọng
A. Ngôn ngữ thuyết phục a. Các ví dụ tôi sử dụng có phong phú không?
…. Có ….. Cần cải thiện ….. Không b. Tôi có dùng ngôn ngữ tiêu cực không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không c. Tôi có dùng cảm xúc để thuyết phục người nghe không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không
B. Ngôn ngữ cơ thể a. Cử chỉ, phong thái và tư thế của tôi có tự tin không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không b. Tôi có mỉm cười và sử dụng giao tiếp bằng mắt với thính giả không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không
4. Ðánh giá chung
A. Tôi có đạt được mục tiêu bài thuyết trình không?
….. Có ….. Cần cải thiện ….. Không
B. Theo thang điểm 1 – 10, bài diễn thuyết của tôi đạt mấy điểm?
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10
C. Bài diễn thuyết có hữu ích, thú vị và thuyết phục không?
….Có ……Không …. Trung bình
5. Ðề nghị cải thiện
A. Tôi có hài lòng với bài thuyết trình của mình không?
…Rất hài lòng…..Hài lòng …..Không hài lòng
B. Những điểm nào tôi có thể cải thiện?
…………………………………………………………..
…………………………………………………………..
…………………………………………………………..
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.