Bí Quyết Trình Bày Từ Các Chuyên Gia
CHƯƠNG 11: KẾT NỐI VỚI NGƯỜI NGHE SUỐT TRONG BUỔI THUYẾT TRÌNH
TÁC GIẢ: TRẦN THIÊN LÝ
Theo kết quả của nhiều cuộc nghiên cứu, những người tham dự luôn đánh giá cao những hoạt động họ đã tham gia trong buổi thuyết trình. Hầu hết những người tham gia đều tỏ ra hứng thú và nhớ rõ những gì mình đã nói, đã làm trong buổi thuyết trình và họ cảm thấy mình học hỏi được nhiều điều qua các hoạt động ấy. Rất ít người nhớ được nội dung khi diễn giả chỉ đứng trình bày suông mà không đưa họ nhập cuộc.
Như thế, có một điều quan trọng diễn giả cần lưu ý: đó là việc phải nắm rõ cách thức và kỹ thuật cần thiết để thu hút sự quan tâm của người nghe, đưa họ vào buổi thuyết trình. Cần ý thức rằng mọi buổi thuyết trình phải là những cuộc trò chuyện, trao đổi hai chiều. Để làm được điều đó, diễn giả cần biết cách kết nối với người nghe ngay từ đầu và duy trì mối liên kết ấy suốt trong buổi thuyết trình. Chương sách này sẽ trình bày cho bạn một số ý tưởng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tạo kết nối với khán giả suốt trong buổi thuyết trình, cũng như thảo luận chi tiết về các kỹ thuật hữu hiệu cần áp dụng để tạo ra đối thoại hai chiều, truyền thông hiệu quả nhằm đưa thông điệp bạn muốn trình bày đi sâu vào lòng người. Đó là điều diễn giả nào cũng ao ước có được.
Thiếu mối dây kết nối, sẽ không có truyền thông
Để truyền tải dữ liệu từ máy tính, bạn phải kết nối thiết bị lưu dữ liệu với máy tính, qua cổng USB chẳng hạn. Cũng thế, khi muốn trình bày ý tưởng, chuyển tải thông tin đến người nghe, bạn cần tạo ra cho được một mối liên kết. Trước khi đi vào nội dung chính của bài thuyết trình, bạn phải thu hút cho được sự tập trung chú ý của người nghe, vì lúc này, hầu như mọi người còn bị phân tâm bởi nhiều chuyện khác nhau: gia đình, công việc, con cái, âm thanh, tiếng động và những người xung quanh,… Kết nối đầu tiên là tạo được sức hút cho bản thân – làm thế nào để khi xuất hiện, dù chưa thốt lên lời nào thì mọi ánh nhìn đều đổ về bạn và chờ đợi bạn cất tiếng.
Để làm được điều này, bạn cần xây dựng cho mình một hình ảnh hay một thương hiệu uy tín – đây là việc lâu dài, cần nhiều thời gian. Với mỗi buổi hội thảo, hay thuyết trình trước đám đông, bạn cần phải có sự giới thiệu về một bản lý lịch từ trước với người nghe để họ biết người nói là ai và đã có những thành tích gì. Trước khi xuất hiện, hãy nhờ ai đó truyền thông/ giới thiệu về mình thật thuyết phục trước khi bạn bắt đầu bài thuyết trình; và một việc bạn không thể làm qua loa, đó là ăn mặc lịch sự, phù hợp và tạo cho mình một dáng vẻ bên ngoài thu hút.
Phong cách có thể khác nhau, nhưng các diễn giả nổi danh thường có một điểm chung này: họ biết cách tạo sợi dây nối kết giữa họ với người nghe và có cách duy trì mối liên kết đó suốt từ đầu đến cuối buổi nói chuyện, thuyết trình.
Biến người nghe thành đồng minh ngay từ đầu
Để tạo nhiều lợi thế hơn cho việc kết nối với người nghe, bạn hãy đến sớm một chút trước khi chương trình bắt đầu. Đơn giản, bạn chỉ cần đi một vòng để chào hỏi những khán giả đến sớm, giao tiếp với họ bằng ánh mắt, nụ cười và những cái bắt tay thân thiện. Những hành động nhỏ này có thể tạo ra những kết nối hiệu quả.
Quan trọng hơn, khi thuyết trình, bạn cần nhớ rằng kiến thức uyên bác của bạn về một chủ đề nào đó, người nghe không phải lúc nào cũng nắm được. Rõ ràng là họ không ở vị trí giống với bạn – họ không có hàng năm trời học tập nghiên cứu trong lĩnh vực này và gắn bó với nó. Những kiến thức bác học mà bạn đưa ra có thể hoàn toàn xa lạ với họ. Vì vậy bạn cần biết được người nghe muốn gì và tìm ra cách thu hút họ. Hãy đưa họ đến với chuyến đi khám phá chân trời kiến thức thú vị với từng bước đơn giản, có như vậy họ mới hiểu và ngấm được những ý quan trọng mà bạn đem đến.
Nếu giả định rằng người nghe đã biết hay quan tâm đến vấn đề nào đó hệt như cách bạn biết và quan tâm, thì đó sẽ là một sai lầm tai hại. Bạn cần gây sự chú ý từ đầu, càng ấn tượng càng tốt và gợi sự hấp dẫn trong suốt bài thuyết trình của mình.
Ðừng để khán giả ngồi yên rồi… ngủ gục
Có nhiều kỹ thuật bạn có thể dùng để kích thích quan tâm, khơi gợi hứng thú, lôi kéo người nghe tham gia buổi trình bày của bạn. Bạn đứng trên sân khấu hay bục giảng là để nói, nhưng nếu từ đầu đến cuối bạn chỉ biết nói và nói, bạn sẽ thất bại. Bởi người ta không chỉ nghe bằng tai, mà còn bằng tất cả các giác quan khác nữa. Muốn thuyết phục người nghe, làm cho họ đón nhận trọn vẹn những gì bạn trình bày, bạn phải dùng kỹ thuật nói đánh vào tất cả các giác quan của họ.
Dưới đây là các kỹ thuật hữu hiệu giúp bạn tạo được nhịp cầu kết nối với người nghe từ đầu đến cuối, không những giúp tránh được tình trạng làm cho khán giả cảm thấy buồn chán khi ngồi yên một chỗ chỉ để nghe và nghe, mà còn làm cho họ phấn khởi và hứng thú nhập cuộc tích cực vào bài thuyết trình của bạn.
Khảo sát trước buổi thuyết trình
Đối với những người lần đầu tiên tham dự buổi thuyết trình của bạn, thì trước buổi thuyết trình, bạn có thể tiến hành một cuộc khảo sát những người tham dự này (có thể bằng hình thức gửi bảng hỏi qua email) để nắm chính xác và rõ ràng về những mong muốn, nhu cầu, vấn đề của họ. Điều này sẽ giúp bạn có cách chuẩn bị nội dung thích hợp để đáp ứng được những gì họ mong muốn.
Bên cạnh đó, nếu thấy thích hợp, bạn có thể gửi cho họ văn bản tóm tắt nội dung tài liệu, để họ có thời gian suy nghĩ trước về những gì liên quan đến đề tài bạn sẽ trình bày; thêm vào đó, bạn cũng có thể đề nghị họ bổ sung thêm những gì họ thấy còn thiếu, hoặc loại bỏ bớt những gì họ cảm thấy thừa. Mục đích của việc này là để nội dung bạn trình bày sẽ đi sát với những mong muốn thực sự của người nghe. Vả lại, với cách làm này, bạn sẽ khiến những người sẽ tham dự buổi thuyết trình cảm thấy bạn thực sự quan tâm đến họ, coi trọng họ, muốn nghe ý kiến của họ. Họ sẽ sẵn sàng hỗ trợ bạn, cũng như sẽ nhiệt tình nhập cuộc vào ngày buổi thuyết trình chính thức diễn ra.
Mời mọi người giới thiệu bản thân
Đây là kỹ thuật kết nối phát huy tác dụng tốt nhất khi buổi thuyết trình của bạn có ít hơn 20 người tham dự và tất cả những người này đều chưa biết nhau. Bắt đầu buổi thuyết trình, bạn có thể dành ra từ năm đến mười phút để mời từng người đứng lên giới thiệu về mình cho người khác. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Để tất cả các bạn có dịp làm quen với nhau, tôi xin mời mỗi người dành ra khoảng mười đến mười lăm giây, giới thiệu ngắn gọn về bản thân mình. Trong phần giới thiệu này, xin mỗi người cho biết tên, chức vụ, công việc chuyên môn, cũng như bất cứ điều gì các bạn muốn mọi người trong nhóm biết thêm về mình.” Chắc chắn, việc mời khán giả giới thiệu về mình như thế sẽ giúp cho mọi người thấy mình quan trọng, và họ có cơ hội để chia sẻ đôi điều về bản thân cùng những gì họ muốn.
Tại một buổi thuyết trình nọ, có một vị sĩ quan sau khi giới thiệu về mình, đã nói thêm rằng: “Có điều tôi muốn nói thêm ở đây, là tôi đã có 30 năm phục vụ trong Không lực Hoa kỳ và đã trải qua hai cuộc chiến tranh.” Chuyện trùng hợp là buổi thuyết trình hôm ấy diễn ra vào đúng ngày lễ dành cho các Cựu Chiến binh Mỹ và mọi người trong khán phòng đều nhất loạt đứng lên và vỗ tay chúc mừng. Vào giờ nghỉ trưa, một ai đó đã đặt và tặng cho ông ấy một chiếc bánh kem nhỏ để chúc mừng.
Bạn thấy đấy, đôi khi những gì tốt đẹp nhất cho buổi thuyết trình lại đến từ phía khán giả nếu như bạn biết cách cho họ một cơ hội để chia sẻ ra những gì họ thích thú muốn mọi người khác biết đến.
Song cũng có điều cần lưu ý: nếu mọi người trong nhóm tham dự đã biết nhau rồi, thì bạn đừng mời từng người giới thiệu lại, vì như thế sẽ làm mất thì giờ vô ích và khiến người nghe cảm thấy nhàm chán, nghĩ rằng việc giới thiệu này chẳng có ích gì.
Ghi lại danh sách những điều khán giả mong muốn
Để đảm bảo là bạn đã nắm rõ về những điều mà người nghe coi trọng và mong muốn nhất, về những nhu cầu hay vấn đề họ cần được đáp ứng và giải quyết, thì trong vài phút đầu tiên của buổi thuyết trình, bạn nên làm rõ điều này để buổi thuyết trình được diễn ra tốt đẹp, đúng mong đợi của người tham dự. Bạn có thể nói vài lời chẳng hạn như: “Những gì các bạn thực sự mong muốn chính là những điều quan trọng nhất chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết trong buổi thuyết trình này. Như thế, ngoài các điểm tôi đã soạn ra để hầu chuyện các bạn, không biết còn có điểm nào khác các bạn muốn tôi ghi ra thêm cho đầy đủ, bổ sung vào những điều sắp trình bày hay không?” Bạn hãy ghi lại những gì khán giả bổ sung thêm và cố gắng đề cập trình bày chúng trong phần thuyết trình của mình.
Mời khán giả đóng góp thông tin
Để lôi kéo người nghe vào cuộc ngay tức khắc, bạn hãy yêu cầu họ cung cấp thêm thông tin cho đề tài thuyết trình. Thay vì cứ thao thao bất tuyệt cung cấp cho họ mọi thông tin mình đã soạn theo kiểu nói chuyện một chiều, thì bạn nên mời gọi họ suy nghĩ về một vấn đề hoặc câu hỏi bạn đặt ra, rồi nói lên ý kiến của mình để mọi người cùng nghe.
Chẳng hạn, trong một buổi thuyết trình, diễn giả là ông phó chủ tịch lo mảng chiến lược kinh doanh của một hãng dẫn đầu về lĩnh vực sản xuất phụ tùng xe hơi, đã mở đầu buổi thuyết trình bằng cách đặt câu hỏi sau đây: “Theo các anh chị, đâu là những điểm nổi cộm mà các chuyên gia trong ngành cần liệt kê vào danh sách 10 rủi ro hàng đầu trong kinh doanh đối với những Công ty đa quốc gia?” Trong vòng 15 phút tiếp đó, tất cả 15 tham dự viên trong khán phòng hôm ấy đều đưa ra các ý kiến, quan điểm của mình rất sôi nổi. Diễn giả này ghi lại tất cả các ý kiến ấy trên bảng, rồi bắt đầu phần trình bày của mình. Ông lấy cây bút đỏ, khoanh tròn một ý kiến đã ghi và nói: “Sarah, chị là người thắng cuộc, vì theo các chuyên gia, hành lang các quy định pháp lý là một trong những điều gây rủi ro hàng đầu cho công cuộc kinh doanh của các công ty đa quốc gia. Và bây giờ chúng ta cùng bắt đầu thảo luận về hành lang các quy định vốn mang tính cách bấp bênh trong ngành công nghiệp của chúng ta.”
Sử dụng hình ảnh
Một bức hình đáng giá bằng một ngàn lời nói, đôi khi có thể còn hơn thế. Có ông chủ tịch một hãng linh kiện điện tử đã chia sẻ rằng chính bức ảnh ông sử dụng trong một cuộc thuyết trình đã giúp công ty ông tiết kiệm được hàng triệu đô-la. Ông đã làm thế nào?
Thay vì theo cách làm ở những lần trước là chiếu các biểu đồ, đồ thị hay bảng tính rồi kêu gọi, khuyến khích người quản lý trong công ty ông cắt giảm các khoản chi phí không cần thiết, thì lần này ông chiếu hai bức hình. Trước tiên, ông đưa ra bức ảnh một con tàu và hỏi người tham dự cho biết thông tin về con tàu đó. Tất cả mọi người đều đồng thanh hô to “Tàu Titanic.” Rồi ông nói:
“Titanic được thiết kế bởi các kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, áp dụng một số công nghệ hiện đại nhất thời bấy giờ và có đầy đủ mọi tính năng đảm bảo an toàn cho hành khách. Vậy thứ gì đã nhấn chìm nó?” Một lần nữa, mọi người cùng đồng thanh trả lời: “Một tảng băng trôi.” Tiếp đến, ông trưng ra bức ảnh về một tảng băng trôi: phần đỉnh tảng băng nhô lên rõ ràng trên mặt nước, còn phần lớn tảng băng xuất hiện mờ mờ dưới mặt nước. Ông ngừng một chút rồi nói: “Điều tương tự sắp sửa xảy ra cho công ty chúng ta. Các thứ chi phí vô hình – những nguy cơ nằm bên dưới bề mặt – đang sắp sửa nhấn chìm công ty chúng ta. Và tôi cần các bạn ra tay giúp đỡ.” Hai hình ảnh ẩn dụ ấy đã khai mào một phiên thảo luận sôi nổi, đầy sáng tạo và nghiêm túc, và kết quả là những người quản lý bộ phận trong công ty bắt đầu thực sự để tâm suy nghĩ để tìm ra cái họ gọi là “các tảng băng trôi.”
Dùng các đoạn thu âm hay các đoạn phim ngắn
Hãy lồng các đoạn âm thanh hay phim ngắn vào phần trình bày để giúp người nghe có thể học hỏi thêm điều gì đó từ các khách hàng, chuyên gia, hay các nhà lãnh đạo. Một đoạn phim được chuẩn bị tốt là một công cụ tuyệt vời phục vụ hiệu quả bài thuyết trình. Nó vừa làm cho buổi nói chuyện không trở nên đơn điệu, nhàm chán, vừa cho phép người tham dự có dịp lắng nghe những ý kiến và kinh nghiệm từ các diễn giả khác. Đoạn phim ngắn này có thể là lời của khách hàng, hoặc một thông điệp đặc biệt nào đó vị chủ tịch của công ty, hoặc một thông điệp quảng bá doanh nghiệp,…
Dùng các vật dụng hỗ trợ, làm cho phần trình bày có tính sáng tạo
Có ông giám đốc điều hành một hãng bảo hiểm lớn, cũng là người chơi tennis rất chuyên nghiệp, đã dùng một chiếc vợt tennis trong buổi họp với nhân viên, để nhấn mạnh các điểm chính yếu về chiến lược của mình. Không dùng các từ ngữ khô khan, gây buồn chán, ông đã mượn phép ẩn dụ liên quan đến môn thể thao yêu thích của mình để trình bày các ý tưởng, làm cho đội ngũ nhân viên cảm thấy phần trình bày của ông thật thú vị và sinh động; chẳng hạn, ông nói về việc “phát bóng ghi điểm trước đối thủ cạnh tranh” việc “cùng tung bóng” với các đối tác, việc “thắng thuyết phục” qua dịch vụ khách hàng tốt và các sản phẩm có chất lượng.
Tạo trải nghiệm thực tế cho người nghe
Nếu bạn đang bán một sản phẩm có thể mang được đến cuộc hội thảo hay buổi thuyết trình, thì trong buổi trình bày, bạn nên minh họa về những tính năng chủ đạo cùng những ích lợi độc đáo bằng cách tạo một trải nghiệm thực tế, mời người tham dự thử dùng sản phẩm đó. Để thuyết phục một nhóm khách hàng tiềm năng bỏ dùng máy tính xách tay và chuyển sang dùng sản phẩm máy tính mới của mình, ông phó giám đốc điều hành kinh doanh của một hãng máy tính lớn đã tìm được cách để dẹp tan thái độ hoài nghi, e ngại và phản bác của nhóm khách hàng trong vòng chưa đến 30 phút đồng hồ. Sau khi trình bày về sản phẩm, ông trao cho mỗi người trong nhóm tham dự một chiếc máy tính xách tay và hướng dẫn họ cách sử dụng, thử nghiệm ngay những gì ông đã trình bày. Những khách hàng này được dịp tự tay khám phá những tính năng dễ sử dụng, giúp tiết kiệm thì giờ cùng những tiện ích khác của sản phẩm máy tính kia. Và ông đã thành công: bán được hơn 2000 máy tính xách tay cho công ty ông đến trình bày.
Dùng các câu đố hay các trò chơi
Leslie là phó giám đốc lo mảng PR của một công ty nước giải khát. Cô đang tính lên kế hoạch tiến hành một chiến dịch tiếp thị để làm cho người tiêu dùng biết về lịch sử ấn tượng và lâu đời của công ty, nhằm khắc sâu hình ảnh thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Tiến hành một số cuộc điều tra khảo sát trên từng nhóm khách hàng cụ thể, cô thấy rất nhiều người còn lẫn lộn về nhãn hiệu nước uống cũng như chưa có ý thức nghĩ ngay đến thương hiệu công ty cô mỗi khi có nhu cầu về nước giải khát. Và để tiến hành, cô cần các sếp đồng ý để xin tiền tài trợ. Khi cô tổ chức buổi trình bày cho ban lãnh đạo công ty, thì ai cũng tỏ thái độ phản đối, nghĩ rằng chiến dịch kia là không cần thiết. Và thế là cô lấy phần câu hỏi trước đó đã dùng để khảo sát người tiêu dùng, đề nghị mọi người trong ban lãnh đạo công ty tham gia trả lời. Và điều oái ăm là không ai trả lời đúng!
Thừa thắng xông lên, cô đã chứng minh quan điểm của mình liên quan đến tình trạng thiếu ý thức về thương hiệu, rồi thuyết phục họ hỗ trợ để cô tiến hành chiến dịch. Và cô đã thành công.
Không những giúp tạo thêm không khí sôi động cho buổi thuyết trình, mà các câu đố, trò chơi còn giúp người tham dự có dịp trải nghiệm để hiểu rõ những ý tưởng bạn muốn trình bày. Thành thử, bạn nên tìm hiểu và cân nhắc việc dùng đến một phần mềm trò chơi hay câu đố nào đó, soạn ra các trò chơi, câu đố liên quan đến đề tài sẽ trình bày. Các công cụ này giúp bạn thổi hồn vào buổi thuyết trình của mình, làm cho khán giả không thể không tích cực hưởng ứng và tham gia.
Trao tặng giải thưởng
Ai cũng thích mình là người chiến thắng. Vì vậy, bạn nên đưa mục “đố vui có thưởng” vào buổi thuyết trình. Các phần thưởng bạn trao tuy có thể không lớn – và không cần phải lớn – chẳng hạn như những tấm ảnh đẹp, những cuốn sách, đĩa nhạc,… nhưng chúng có khả năng kích thích người tham dự hưởng ứng tham gia mọi hoạt động bạn đề ra.
Hãy luôn đặt câu hỏi cho người nghe
Sau khi trình bày xong một điểm chính, để chắc là khán giả nắm bắt được những gì bạn vừa nói và cũng để khán giả phải tích cực tham gia nhập cuộc vào bài thuyết trình, bạn nên đặt ra các câu hỏi.
Chẳng hạn, trình bày xong một ý tưởng, bạn có thể hỏi: “Các bạn suy nghĩ gì về nội dung tôi vừa trình bày? Giải pháp tôi vừa nêu có thể áp dụng như thế nào cho phù hợp với môi trường hiện tại của các bạn? Tổ chức của các bạn đã từng gặp phải tình huống này chưa?” Đặt ra các câu hỏi thích hợp, liên quan đến nội dung vừa trình bày, bạn sẽ đưa người nghe vào cuộc để họ suy nghĩ và tham gia thảo luận cùng chia sẻ quan điểm riêng.
Sử dụng trò chơi hay các bài tập
Terry, giám đốc điều hành một công ty trang trí nội thất, muốn làm sáng tỏ cho các nhà bán lẻ sản phẩm của mình rằng họ phải biết đầu tư thì giờ, công sức, phải có lòng kiên trì và thái độ sẵn sàng dấn thân thì mới gặt hái được những kết quả lớn lao nhất trong công cuộc kinh doanh.
Và ông đã trình bày ý tưởng này đến người tham dự qua một hoạt động nho nhỏ. Nói xong vài ba ý căn bản, ông ngưng lại một chút rồi nói: “Lúc này, tôi muốn cho ai đó ít tiền.” Nghe nói, khán giả đều ngồi thẳng lưng lên một chút và hướng người về phía trước. Ông rút trong ví ra tờ năm đô-la.
“Ai muốn có năm đô-la này?” Một vài cánh tay đưa lên. Ông bước xuống phía khán giả và trao tờ tiền cho một người đưa tay sớm nhất. “Đấy, dễ thế đấy, phải không các bạn?” Mọi người đều gật đầu đồng ý.
Rồi ông rút ra tờ hai mươi đô-la. “Nếu muốn có tờ này, làm ơn bước lên phía sân khấu.” Một vài người rời chỗ và chạy lên hướng sân khấu. Ông trao tờ 20 đô-la cho người lên đầu tiên. “Bây giờ, tôi sẽ cho đi tờ 100 đô-la này. Ai muốn có nó nào?” Mọi cánh tay trong phòng đều đưa lên. Rồi ông nói: “Được rồi, các bạn sẽ phải làm vài việc để có tờ tiền này. Xin các bạn vui lòng nhìn vào ví tiền của mình. Nếu ai có ba tờ tiền, bất BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA kể mệnh giá nào, có ngày phát hành bằng hoặc trước năm 2006, người đó sẽ nhận được tờ 100 đô-la này.” Một số người tham dự trông có vẻ lúng túng; những người khác thì ngại rút ví mình ra; số khác rút ví, lôi cả xấp tiền ra và bắt đầu xem ngày phát hành, nhưng rồi lắc đầu bỏ tiền lại vào ví. Có một cánh tay đưa cao. Terry nói: “Chúng ta đã có người thắng cuộc rồi!” Anh kia tiến lên sân khấu; Terry cầm lấy ba tờ tiền và kiểm tra ngày, rồi trao cho anh ta tờ 100 đô-la. Sau cùng, Terry bắt đầu giải thích rằng có ba cấp độ thành công đối với những người làm công việc bán lẻ. Đối với những ai ngồi và đợi thành công thì sẽ nhận được tiền lời ở mức tối thiểu. Những người chịu khó đứng lên, cố gắng một chút thì được số lời ở mức trung bình. Nhưng những ai sẵn sàng cam kết dành nhiều nỗ lực hơn sẽ nhận được thành công ở mức cao nhất. Yêu cầu người tình nguyện
Khán giả thường vui lòng tiến lên sân khấu để viết thứ gì đó vào bảng, hoặc canh giúp đồng hồ, hoặc phân phát tài liệu tham khảo nào đó,… nếu được bạn yêu cầu. Nghĩa là hầu như ai tham dự cũng sẵn lòng hỗ trợ bạn điều gì đó nếu bạn đề nghị. Bạn cần tận dụng điều này để lôi kéo họ nhiệt tình tham gia vào buổi thuyết trình của bạn.
Chơi trò điền vào chỗ trống
Bạn hãy yêu cầu những người tham dự đoán một con số hay một vài chữ nào đó để điền vào một chỗ trống trong một câu bạn đã soạn sẵn ra và chiếu trên slide. Chắc chắn người tham dự sẽ hào hứng suy nghĩ và thi nhau đoán để điền trúng thứ cần điền vào chỗ trống.
Chuẩn bị một phần thảo luận
Hãy khuyến khích các cuộc đối thoại. Hãy đề nghị người nghe chia thành cặp hoặc nhóm để thảo luận với nhau về các vấn đề hay ý tưởng nào đó. Hoạt động này đóng vai trò khá quan trọng. Người nghe bao giờ cũng sẽ dễ nhớ lại những gì chính họ nói và làm. Bằng cách đưa người nghe vào các cuộc thảo luận như thế và để họ thoải mái nói lên ý kiến của mình, bạn sẽ làm gia tăng đáng kể sức tác động của thông điệp bạn muốn trình bày.
Tập trung vào các ích lợi cho người nghe
Hãy đề nghị người nghe xác nhận những gì họ coi là quan trọng đối với họ. Xuyên suốt bài thuyết trình, bạn hãy để ý những lúc người nghe gật đầu, ghi chép, hay mỉm cười tỏ vẻ đồng ý. Bạn hãy dùng những cơ hội này để kiểm tra lại và nói rằng: “Này chị A, tôi nhận thấy rằng chị thích ý tưởng cắt giảm thì giờ rỗi trong công ty xuống 15%. Ích lợi này sẽ tác động đến việc giúp tiết kiệm tiền bạc cho bộ phận của chị thế nào?”
Tạo cơ hội để người nghe thực hành hoặc áp dụng
Một diễn giả nọ trình bày cho các nhà điều hành cấp cao của một ngân hàng đa quốc gia về tầm quan trọng của việc hiểu biết các nền văn hóa khác nhau cũng như thứ ngôn ngữ bản địa các nhân viên ở các chi nhánh thường dùng. Ông chỉ cho họ những câu chào hỏi và những cụm từ giao tiếp cơ bản trong bảy ngôn ngữ khác nhau. Rồi ông mời họ thực hành các kỹ năng ngôn ngữ mới học bằng cách mỗi người sẽ đi một vòng quanh phòng họp, gặp đồng nghiệp để tập chào hỏi bằng các ngôn ngữ mới học.
Dùng óc hài hước
Một bức vẽ vui nhộn, một câu trích dẫn thông minh, một câu chuyện hài hước, một lời bình luận buồn cười của ai đó… có vai trò rất hiệu quả trong việc tạo mối dây nối kết với người nghe.
Kể chuyện để minh họa ý tưởng
Trong số các công cụ bạn dùng để diễn thuyết, một câu chuyện hay và phù hợp với đề tài là công cụ hiệu quả vô song. Nếu cần kể về câu chuyện đời mình, bạn hãy xem xét các câu hỏi này: Đâu là những điểm kịch tích, gây nhức nhối, trong câu chuyện? Bạn đã vượt qua chúng bằng cách nào? Có điều gì độc đáo trong cuộc hành trình đời bạn? Bạn đã rút ra những bài học quý giá gì?
LU TÙNG THANH
Lu Tùng Thanh từng là Trưởng bộ môn Khoa học cơ bản trường Cao đẳng Nghề CNTT iSpace. Hiện anh là Chuyên gia huấn luyện của Công ty Power Up.
Ngoài ra, anh còn là cố vấn đào tạo câu lạc bộ Kỹ năng giao tiếp – Trung tâm hỗ trợ sinh viên thành phố Hồ Chí Minh; trưởng ban đào tạo – Ủy viên ban chấp hành câu lạc bộ Hành động vì hạnh phúc – Cung Văn hóa lao động; giảng viên cấp quốc gia dự án N.A.M dành cho thanh thiếu niên các trường nghề do Tổ chức cứu trợ trẻ em và Tổng cục dạy nghề phối hợp thực hiện; diễn giả Dự án Service Learning do tổ chức Axon thực hiện 2012; giảng viên của nhiều trường Ðại học, Cao đẳng, câu lạc bộ/ đội/ nhóm trên thành phố.
Lu Tùng Thanh tốt nghiệp trường Ðại học Bách Khoa thành phố Hồ Chí Minh với chuyên ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp. Tuy nhiên, với niềm đam mê về kỹ năng, anh đã quyết định ra trường lập nghiệp với công tác giảng dạy Kỹ năng mềm cho sinh viên, từ bỏ công việc chuyên môn với mức lương hấp dẫn để dấn thân vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ, thú vị nhưng cũng đầy thử thách này.
Với phong cách trình bày thân thiện, dễ hiểu, chuyên nghiệp, bài giảng của anh luôn sinh động và cuốn hút người nghe. Theo quan điểm của anh, giảng viên giỏi phải là người nghệ sĩ để thu hút sự chú ý của khán giả; phải là nhà tâm lý để nắm bắt tâm lý ‘thân chủ’ và phải là người bạn để học viên mở lòng chia sẻ. Thông qua đó, giảng viên cũng học được rất nhiều điều hay từ chính những người học viên của mình.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.