Bí Quyết Trình Bày Từ Các Chuyên Gia
CHƯƠNG 14: TUYỆT CHIÊU TỪ CÁC BẬC THẦY DIỄN THUYẾT
TÁC GIẢ: QUÁCH TUẤN KHANH
Tôi đã từng tham dự chương trình diễn thuyết trực tiếp cũng như xem đĩa hình của rất nhiều diễn giả hàng đầu thế giới và tôi nhận thấy mỗi người có một phong cách và tuyệt chiêu riêng, mỗi người đều mang vẻ độc đáo và khác lạ. Nhưng tựu trung lại, họ vẫn có những bí quyết chung – những yếu tố nền tảng làm nên một bài trình bày xuất sắc.
Một trong những bài diễn thuyết được đánh giá là xuất sắc nhất mọi thời đại chính là bài diễn văn của Martin Luther King Jr I have a dream – Tôi có một ước mơ. Vào ngày 28 tháng 08 năm 1963, ông đã đứng ở bậc tam cấp dẫn lên Đài tưởng niệm Lincoln, Washington, D.C. và đọc bài diễn thuyết đó trước hơn 200.000 người nghe. Bài diễn thuyết chứa đựng nhiều bài học đáng nghiền ngẫm.
Bạn hãy truy cập NGAY www.dienthuyet.vn để xem toàn bộ bài diễn thuyết nổi tiếng của mục sư Martin Luther King Jr. và theo dõi phần phân tích ngay sau đây.
Bài diễn thuyết ấy minh họa ít nhất tám kỹ thuật quan trọng trong lĩnh vực nói trước công chúng mà bạn không thể bỏ qua nếu muốn thực hiện một bài trình bày thành công.
Giàu hình ảnh. King đã dùng các cụm từ mô tả, chẳng hạn như “một ngọn đèn hiệu chói sáng niềm hy vọng”, “những ngọn lửa hừng hực cảnh bất công” và “bị khóa chặt bởi gông cùm phân biệt, bị trói buộc bởi xiềng xích thiên tư.” Dùng lời nói, ông đã vẽ ra những hình ảnh sống động để bất cứ ai trong đám đông người nghe cũng có thể hình dung, dễ dàng nắm bắt và ghi nhớ các ý tưởng ông muốn trình bày, chuyển tải.
Phép ẩn dụ. Xuyên suốt từ đầu đến cuối bài diễn thuyết, King luôn dùng phép ẩn dụ để diễn tả. Những lời lẽ giàu tính ẩn dụ – chẳng hạn như “xuôi tận Alabama, nơi nhiều kẻ mang óc kỳ thị khắc nghiệt, nơi ngài thống đốc với môi miệng chảy tuôn ướt sũng những từ ngữ kiểu như ‘phản đối’ và ‘không có hiệu lực’… một ốc đảo của cái nghèo nằm trơ trọi giữa đại dương bao la của cái giàu vật chất” – đã thổi tràn sinh khí vào bài diễn thuyết của ông. Những hình ảnh ẩn dụ sinh động này làm tăng thêm sức biểu cảm và độ thuyết phục cho mọi ý tưởng ông trình bày.
Phép điệp vần. Ông cũng khéo léo dùng lối lặp vần làm cho câu nói trở nên có vần điệu, có nhạc tính, êm ái du dương, dễ đi vào lòng người – chẳng hạn như các cụm từ “ngân hàng công lý đang chạy làng, phá sản”, “tinh thần tranh đấu nung nấu chớm màu” và “họ chẳng còn bị xét theo nét sậm màu da, nhưng sẽ được nhìn ra thấu ruột rà tính cách.”
Sinh lực giọng nói. King rất điêu luyện với kỹ thuật biểu cảm ngay trong giọng nói, chính nhờ vậy mà độ thuyết phục rất cao trong từng lời.
Phép lặp. Để làm gia tăng thêm độ lan tỏa của thông điệp đến người nghe, ông thường lặp đi lặp lại các cụm từ chủ đạo, chẳng hạn như “Đây chính là lúc…”, “Hãy để tự do cất tiếng reo vang” và “Tôi có một ước mơ.” Các cụm từ này giúp nhấn mạnh tối đa chủ đề bài diễn thuyết.
Nhịp điệu. Cẩn thận chọn lựa các từ ngữ, câu nói phù hợp, ông đã tạo ra được một thứ giai điệu nhịp nhàng trầm bổng trong bài diễn thuyết của mình. Chẳng hạn đây là một đoạn thể hiện rõ điều này:
“… phỉ lòng sao đặng khi ở Mississipi, một người da đen còn lắm phen chẳng được đi bầu; cầu sao thỏa ước khi ở New York, một người da đen còn chưa biết bỏ phiếu để làm gì” và “cùng nhau, ta chung tay lao động; cùng lòng, ta dâng tiếng nguyện cầu; bên nhau, ta vùng lên tranh đấu… ”
Các khoảng dừng. Trong cả bài diễn thuyết ấy, có rất nhiều lần King dừng lại, ngưng nói. Đó là lúc ông vừa nói xong một ý quan trọng, lúc ông chuyển từ ý này qua ý khác và lúc đám đông đang vỗ tay hứng khởi. Những khoảnh khắc dừng lại như thế giúp người nghe vừa tập trung kỹ hơn vào những gì ông vừa nói hay sắp nói, vừa có thời gian để xử lý thông điệp ông muốn trình bày.
Kết nối với người nghe. Để tạo mối dây liên hệ kết nối với người nghe, King dùng từ chúng ta rất nhiều lần trong bài diễn thuyết. Từ này làm cho người nghe có cảm tưởng gần gũi, rằng ông cũng là một người như họ, giữa họ.
Tôi đã xem đi xem lại bài diễn văn của King không biết bao nhiêu lần, mỗi lần xem là mỗi lần tôi cảm nhận sâu hơn từng kỹ thuật mà ông sử dụng. Tôi đã từng rơi vào cảm giác choáng ngợp trước sức hút, độ thuyết phục, năng lượng từ ông tỏa ra và bao trùm lên đám đông người nghe và rồi đã có đôi lần tôi tự ti với năng lực của mình: “Biết bao giờ thì tôi mới đạt tới đẳng cấp ấy?” Nhưng rồi tôi nhận ra, nếu chúng ta có thể vận dụng nhuần nhuyễn một vài trong số tám kỹ thuật ấy thì cũng đủ để bài trình bày của chúng ta chinh phục được người nghe rồi. Khi tôi trải nghiệm và nghiên cứu bài trình bày của nhiều diễn giả khác, tôi thấy rằng, mỗi người đều sử dụng thế mạnh của mình khi trình bày và dựa trên thế mạnh đó mà họ vận dụng rất linh hoạt và sáng tạo các kỹ thuật khác để tạo nên phong cách riêng của mình.
Chúng ta hãy cùng trải nghiệm với một vài diễn giả nổi tiếng sau:
Thích Nhất Hạnh
Ông không cất cao giọng hô hào hay nói thao thao bất tuyệt, nhưng giọng ông đều đều và tình cảm, mà điểm mạnh nhất của ông là cách dừng – dừng đúng vào những lúc khán giả muốn nghe. Hẳn là ông muốn họ kịp đối chiếu và lắng nghe chính bản thân họ trước khi ông nói tiếp. Bài nhạc hay nhất không phải ở các nốt nhạc mà ở chỗ ngắt nghỉ. Tiếng chuông hay nhất ở chỗ dừng lại để ngân. Ông dùng kỹ thuật ngắt nghỉ để nhấn mạnh ý quan trọng, lôi kéo người nghe vào bài nói của mình và khiến người nghe phải suy nghĩ liên tục.
Anthony Robbins
Ngay khi Robbins xuất hiện, dù chưa cất lời thì khán phòng đã nóng lên bởi mức năng lượng rất cao toát ra từ dáng vẻ và cách đi đứng của ông. Với quan niệm: vận động tạo ra cảm xúc nên trong mọi bài diễn thuyết, ông đều cho khán giả vận động rất nhiều. Trung bình 20 phút ông cho mọi người đứng lên làm các hoạt động đấm bóp, mát-xa, đánh tay, nhảy theo nhạc… hoặc ngay cả khi phải làm bài tập như viết ước mơ, mục tiêu, kế hoạch… ông cũng cho họ đứng lên để viết. Chính thể chất và tư thế cơ thể sẽ ảnh hưởng đến cảm nhận bên trong!
T.Harv Eker
Có thể gọi ông là một bậc thầy trong kỹ thuật sử dụng cung bậc và cường độ của giọng nói. Có lúc, đang nói với âm lượng bình thường thì ông bỗng gào to để thu hút sự chú ý, có khi làm khán giả giật mình, hoảng hốt. Đó là cách để ông trấn áp người nghe, truyền vào tiềm thức họ, giúp thức tỉnh khi họ đang còn lo lắng, sợ hãi. Đặc biệt, khi cần nhấn mạnh hoặc gây chú ý thì ông lại hạ giọng nhỏ đến mức từng người phải nín thở để lắng nghe. Kỹ thuật này cũng được ông dùng để tạo kịch tính cho phần tiết lộ những nội dung tiếp theo của mình.
Robert Kiyosaki
Là người có khả năng biến những vấn đề phức tạp, những con số khô khan, những ý niệm trừu tượng thành những điều dễ hiểu, có thể nhìn thấy và cảm nhận được. Ông luôn dùng các đồ vật quen thuộc và gần gũi để minh họa ngay trên sân khấu. Để cho thấy mức độ rủi ro cao của một người tham gia đầu tư mà thiếu kiến thức và non kinh nghiệm, ông đưa lên sân khấu ghế trước của tài xế và bộ tay lái xe hơi. Rồi ông ngồi sau tay lái đó để phân tích mức độ rủi ro như thế nào của một tài xế không có bằng lái, không có chân thắng và không đủ giờ thực hành lái để mọi người hiểu rõ ý niệm đó. Dùng những đồ vật hữu hình để minh họa là cách dễ dàng nhất để người nghe hình dung ra điều mình muốn nói.
John C.Maxwell
Trí tuệ, đó là điểm nổi bật nhất của John C. Maxwell từ phong cách viết sách cho đến các bài trình bày, diễn thuyết. Ông thể hiện sự nhẹ nhàng, hóm hỉnh qua các câu chuyện kể từ chính trải nghiệm của mình, qua đó ông truyền tải những bài học lãnh đạo sâu sắc và thú vị. Ông thường liên tục thay đổi tư thế của mình trên sân khấu: lúc đứng, lúc ngồi, khi thì quỳ một chân, lúc thì bước qua bước lại khiến người nghe phải đảo mắt dõi theo mình.
Brian Tracy
Ba từ để nói về phong cách trình bày của ông là: đơn giản, đơn giản và đơn giản. Ông luôn dùng những từ đơn nghĩa để giúp người nghe xử lý thông tin nhanh, hiểu rõ và ghi nhớ ngay. Khi nghe ông trình bày, trước mặt bạn luôn là một cuốn bài tập để điền vào chỗ trống, để viết các đáp án, để giãi bày các suy nghĩ, để viết ra những trăn trở và khát khao,… Đó là cách tương tác để người nghe vận dụng và thực hành những điều ông truyền tải nhằm ghi nhớ và thẩm thấu sâu hơn. Qua những bài tập thực hành ngay tại chỗ ấy, ông hướng người nghe đến mức độ cao trong cam kết thực hiện.
Jack Canfield
Lần đầu tiên tham dự chương trình của ông tại Việt Nam năm 2008, tôi vô cùng ấn tượng với các hoạt động trong chương trình. Ông khiến người nghe tham gia chủ động và tích cực vào bài diễn thuyết của mình bằng cách yêu cầu người nghe chia sẻ liên tục với những người xung quanh. Sau đó, ông có những hoạt động tại chỗ để tạo trải nghiệm tức thì cho người nghe như: dùng suy nghĩ cho ngón tay dài ra, dùng khả năng hình dung để di chuyển thân người vượt cột mốc cũ, dùng quà tặng để thúc giục mọi người hành động… Vì vậy, suốt bài trình bày của ông, người nghe không thấy chán và có cảm giác như mình là nhân vật chính trong chương trình.
Allan Pease
Người đàn ông được mệnh danh là Mr. Body Language (Ngài ngôn ngữ cơ thể) với hàng loạt các tác phẩm về tâm lý nam nữ, sự khác biệt giữa hai phái: Tại sao đàn ông thích tình dục và phụ nữ cần tình yêu? Tại sao đàn ông nói, dối đàn bà nói nhiều? Vì sao đàn ông không lắng nghe và đàn bà không xem được bản đồ? Ông sử dụng thế mạnh của mình từ những hiểu biết sâu sắc về hai phái để liên tục gây tiếng cười và sự hài hước trên bục diễn thuyết. Những câu chuyện và hình ảnh mà ông dùng đều xoay quanh những tình huống nực cười liên quan đến những đặc tính và sự khác biệt của đàn ông và phụ nữ. Tôi đã từng ôm bụng cười ngả nghiêng khi ông diễn tả cách mọi người đàn ông trên khắp thế giới đều giống nhau lúc đi vệ sinh: “lia và vãi” khắp nơi để nói lên tính thiếu chính xác của đàn ông.
Robert Allen
Được mệnh danh là người tạo ra các triệu phú, ông nổi danh với những lần chứng minh táo bạo. Ví dụ trong vòng 72 tiếng ông có thể mua 6 bất động sản trị giá hàng triệu đôla mà không có cắc bạc nào trong túi hay trong vòng 24 giờ ông kiếm được 100 ngàn đôla trên Internet… các chương trình này đều được cánh nhà báo và truyền hình theo sát trực tiếp. Cũng với cách đó, khi diễn thuyết, ông luôn đưa ra những bằng chứng đáng tin cậy, những hình ảnh ấn tượng và luôn đi sâu vào việc giải thích ngọn nguồn những chia sẻ của mình. Không gào thét hay lên tinh thần như cách truyền lửa của những diễn giả khác nhưng ông thuyết phục người nghe bằng những hình ảnh, câu chuyện và hành động cụ thể của mình.
Ron Kaufman
Là người Mỹ sống ở Singapore, chuyên về mảng đề tài Dịch vụ khách hàng. Ông luôn có những buổi trình bày rực lửa bởi thế mạnh về ngôn ngữ cơ thể, khả năng diễn xuất và nhại giọng cực siêu (nói tiếng Anh theo giọng Singlish, giọng Pháp…) Ngoài ra, ông sử dụng từ ngữ rất linh hoạt để diễn tả và hướng dẫn người nghe thể hiện theo sự hướng dẫn của ông. Khi nói, ông thường kèm theo các động tác, ví dụ bóp mũi để đổi tông hay để nâng cao và hạ thấp giọng… Ông không đứng yên một chỗ mà luôn di chuyển để hóa thân, nhập vai và diễn xuất trong suốt bài trình bày của mình. Những buổi trình diễn của ông luôn dạt dào cảm xúc và đầy tiếng cười, mang lại cho người nghe sự vui vẻ và hưng phấn.
Leo Buscaglia
Ông chuyên về đề tài tình yêu. Các bài nói chuyện về tình yêu của ông luôn đầy tính nhân văn, dạt dào và tha thiết, thậm chí có lúc ông van nài mọi người hãy sống và thể hiện tình yêu vì yêu chính là sống. Ông sử dụng rất nhiều câu chuyện đơn giản nhưng rất sâu sắc để minh họa cho đời sống tinh thần, bài học làm người. Điểm đặc biệt nhất là ông luôn đứng sau bục diễn thuyết nhưng bạn sẽ không hề thấy ông nghiêm trọng và cứng nhắc bởi ông giọng nói của ông cực kỳ biến hóa: trầm – bỗng – to – nhỏ – nhanh – chậm – lên – xuống và đặc biệt là lúc nào cũng tràn lửa. Khi nghe ông nói, chắc chắn một điều là bạn sẽ phải dán chặt mắt vào ông và từ đó bạn sẽ cảm nhận được một trí tuệ và tình yêu sâu sắc toát ra.
Đó là một vài diễn giả đại diện cho từng phong cách khác nhau để bạn tham khảo và tìm ra thế mạnh của chính mình. Bạn nên tham dự trực tiếp những chương trình diễn thuyết của nhiều diễn giả hoặc xem DVD và chọn ra những kỹ năng và điểm mạnh nào ở họ mà bạn có thể áp dụng để rèn luyện. Dần dần bạn sẽ tạo được phong cách riêng cho chính mình. Muốn trở thành người giỏi nhất, hãy học từ những người giỏi nhất!
Tôi đã từng được hỏi rất nhiều về những bí quyết để thành công trong các bài trình bày và diễn thuyết của mình. Sau đây, tôi chia sẻ lại một bài phỏng vấn mà tôi đã nhiều lần trả lời cho những học viên và khán giả của mình.
Vì sao anh có thể tự tin và thể hiện rất tự nhiên, thoải mái trước đám đông như thế?
Dù tôi trình bày trước 1, 100, 1.000 người hay 10.000 người đi nữa thì tôi vẫn tự nhủ đó là một buổi trình bày 1 với 1. Quan trọng nhất là tôi tập trung vào bản thân và nội dung mình trình bày rồi thể hiện nó theo cách tự nhiên nhất. Mỗi khi mất bình tĩnh hoặc tạm thời bị bên ngoài lấn át, thậm chí là bị đè bẹp bởi năng lượng không mấy tích cực của khán giả, tôi không để ý bên ngoài nữa mà tập trung vào hơi thở của mình để tìm lại khả năng kiểm soát và làm chủ bản thân. Khi bạn làm chủ bản thân và thể hiện đúng con người của mình thì bạn có sức mạnh và sự cuốn hút.
Khi tôi sử dụng ngôn ngữ cơ thể và giọng nói để gia tăng sinh động cho bài trình bày, tôi đặt mình vào từng tình huống đó để có những cảm xúc rất thật. Khi có cảm xúc rồi thì mọi thứ cứ tự nhiên tuôn chảy mà không cần phải cố gắng hay gượng ép gì cả.
Vì sao nói trước hàng ngàn người mà anh vẫn tạo được cảm giác thân thiện và gần gũi?
Khi nói với đông người, tôi luôn dành ít nhất là 5 phút để ghi nhận, khen ngợi, cám ơn mọi người với nhiều lý do khác nhau: họ đã dành thời gian đến đây, họ đã cho tôi cơ hội được chia sẻ với họ, họ là những người cầu tiến và sẵn sàng học hỏi để không ngừng phát triển… Tôi cũng không quên vận dụng sức mạnh của nụ cười ngay khi bước ra sân khấu. Chỉ với nụ cười thôi, bạn có thể kết nối được với khán giả ngay lập tức.
Trong suốt bài trình bày, tôi thường sử dụng nghệ thuật kể chuyện, đó là cách truyền tải thông điệp an toàn và hiệu quả nhất bởi không ai phòng thủ hay dè dặt trước một câu chuyện cả. Một khi họ mở lòng ra để đón nhận câu chuyện thì những điều cần chuyển tải cũng theo đó mà nhẹ nhàng len lỏi vào và đánh động họ.
Bên cạnh đó, tôi luôn đảm bảo rằng ngôn ngữ cơ thể của mình phải mở: bàn tay thường xuyên mở ra, không ngại bước xuống gần khán giả, hơi chồm người về phía trước khi lắng nghe một ai đó phát biểu…
Đó là cách để người nghe đọc được thái độ sẵn sàng chia sẻ và sẵn sàng đón nhận của tôi. Ngoài ra, tôi liên tục di chuyển mắt đến mọi góc khán phòng và dừng lại ở từng người vừa đủ để không ai trong họ có cảm giác bị tôi bỏ sót.
Anh lấy đâu ra những câu chuyện rất thực, thú vị và phù hợp với nội dung đến vậy?
Đôi khi, một câu chuyện hay không phải chỉ bởi các tình tiết của nó, mà yếu tố quyết định còn nằm ở cách bạn kể, cảm xúc của bạn, những cảm nhận và bài học bạn rút ra từ câu chuyện đó và nhất định nó phải phù hợp bối cảnh và minh họa rõ nhất điều bạn muốn nói.
Các câu chuyện mà tôi kể trong các chương trình diễn thuyết đều được chuẩn bị trước để phù hợp với nội dung chuyển tải và thông điệp nhắn gửi. Thông thường thì tôi sử dụng các câu chuyện của cá nhân
– là những chuyện chính tôi trải qua – nên tôi có rất nhiều cảm xúc. Còn nếu sử dụng những câu chuyện của người khác thì điều bắt buộc là tôi phải trải nghiệm cảm xúc của chính mình với chúng trước đã, bởi chỉ khi bản thân có cảm xúc, tôi mới truyền tải được cảm xúc ấy cho người nghe từ câu chuyện mình kể.
Cách để tôi kể chuyện thú vị và sống động đó là tôi tưởng tượng câu chuyện đang diễn ra ngay trước mắt mình, mọi thứ vẫn đang còn “nóng hổi”, và tôi dùng ngôn ngữ cơ thể hỗ trợ, dùng giọng nói minh họa cho người nghe cảm thấy câu chuyện như đang diễn ra trước mắt họ vậy.
Vì sao anh có thể dùng từ ngữ một cách chính xác và sống động như vậy? Tôi thường xuyên đọc sách, đặc biệt là những cuốn sách có cách dùng từ thú vị hoặc một số tác giả được xem là “phù thủy” của ngôn từ để có thể mở rộng vốn từ của mình và linh hoạt trong việc diễn đạt các ý muốn chuyển tải. Đặc biệt, tôi cũng chú trọng đến cách sử dụng các thành ngữ, tục ngữ và hiểu rõ ý nghĩa của chúng để đưa vào trong những bối cảnh phù hợp với bài nói chuyện của mình. Tuy nhiên, một nguyên tắc quan trọng của diễn giả là phải nói sao cho người nghe hiểu, nói bằng ngôn ngữ của người nghe, ngang trình độ với người nghe; để đơn giản hơn, bạn chỉ cần ghi nhớ lời khuyên sau đây: “Nói sao cho thằng ngốc cũng hiểu” là bạn sẽ trở thành người thuyết trình giỏi.
Làm thế nào mà anh có thể sắp xếp các chủ đề, chủ điểm một cách rõ ràng và theo trình tự logic?
Bất kể chương trình diễn thuyết kéo dài một ngày, một giờ hay năm phút thì tôi cũng lập đề cương dàn ý rõ ràng và chọn một cách kết hợp theo trật tự logic, ví dụ như nhân – quả, vấn đề – giải pháp, trước – sau về thời gian, xa – gần về không gian, từ khái quát đến cụ thể,… Ngay cả khi trình bày một bài nói chuyện ứng khẩu mà không được chuẩn bị trước, các ý cũng ngay lập tức được sắp xếp trong đầu tôi theo một trong những trật tự kết hợp trên, nhờ đó mà mọi ý tứ và lập luận của tôi được chặt chẽ, thuyết phục và chinh phục được lý trí của người nghe.
Làm sao để có thể tạo được lửa cho khán phòng và truyền được cảm hứng bất tận cho người nghe?
Muốn truyền lửa phải có lửa: lửa với khán giả, lửa với đề tài mình trình bày và lửa ngay trong bản thân. Bạn phải yêu thích đề tài mình trình bày và có cảm xúc thật với những điều bạn nói, bạn phải là người không ngừng theo đuổi những điều đó trong đời… Nhưng tình yêu lớn hơn giúp bạn có nhiệt huyết cháy bỏng đó là tình yêu với người nghe: thật tâm mong muốn tạo ra những giá trị, mang lại những điều tốt đẹp, chia sẻ những thông tin quí giá cho họ thì năng lượng sẽ truyền từ bạn sang người nghe một cách tự nhiên như dòng chảy đã được khơi thông.
Ngoài ra, bạn phải biết cách duy trì năng lượng bản thân từ sức khỏe thể chất cho đến trạng thái hưng phấn tinh thần. Một khi bạn xuất hiện trong trạng thái dồi dào năng lượng (cần phân biệt dồi dào năng lượng với hừng hực – là trạng thái dư năng lượng không kiểm soát được, mà bạn không cần phải hừng hực như thế), khán giá sẽ nhận lửa từ bạn và lan truyền lửa ấy đến những người khác quanh họ, sau đó, năng lượng của toàn thể khán giả sẽ được nâng lên cao và chính họ sẽ truyền năng lượng mạnh mẽ và tuyệt vời ấy ngược lại cho bạn. Với sự hợp tác đó, diễn giả và người nghe cùng nhau duy trì sự hưng phấn và lửa nhiệt tình suốt bài trình bày.
NGUYỄN ÐỨC NHẬT
Nguyễn Ðức Nhật hiện đang làm việc tại People Focus, Công ty chuyên cung cấp các dịch vụ Ðào tạo và Tư vấn nhân sự, với vai trò Giám đốc Phát triển Giải pháp huấn luyện trong lĩnh vực Truyền thông và Phát triển nội tâm dành cho cá nhân và tổ chức.
Ngoài kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực tổ chức sự kiện, nhân sự, tư vấn và đào tạo, anh còn tự trau dồi qua các khóa huấn luyện trong nước và quốc tế tại Ðông Nam Á, Ấn Ðộ, Úc và châu Âu. Từ năm 2010, anh chính thức bước vào công việc Trainer chuyên nghiệp với hoài bão giúp người Việt Nam thành công và hạnh phúc hơn thông qua truyền thông hiệu quả và nhận thức bản thân.
Ngoài công việc chuyên môn, anh còn thiết kế nội dung và điều phối dự án cộng đồng South East Asia Life Matters Course – một chương trình đào tạo quốc tế kéo dài 10 ngày về Phát triển bản thân tại Ðông Nam Á được tổ chức hàng năm.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.