Bí Quyết Trình Bày Từ Các Chuyên Gia
CHƯƠNG 9: DÙNG NGÔN NGỮ CHUẨN
Văn nói khác hẳn văn viết. Có nhiều nét khác biệt giữa những gì chúng ta đọc với những gì chúng ta nghe. Ít nhất có ba nét khác biệt cơ bản như sẽ thấy dưới đây.
Trước hết, người nghe chỉ có thể “tiêu hóa” một lượng thông tin có hạn. Nghe bạn nói đến một lúc nào đó, người nghe sẽ nghĩ: “Như thế là đủ rồi!” và có thể họ sẽ ngừng lắng nghe. Khi một tác giả viết ra mười ý tưởng, người đọc có thể xử lý các thông tin đó theo tốc độ đọc của họ, trong khi người nghe lại không thể làm điều đó. Họ chỉ có thể nhớ được một vài ý tưởng dễ nhớ mà bạn đưa ra.
Thứ hai, khi viết, bạn có thể nhấn mạnh những chữ mình muốn trình bày bằng cách bôi đậm, hay in nghiêng, dấu chấm câu, phân đoạn, người đọc sẽ dễ dàng nắm bắt được. Người đọc có thể quay lại để tìm hiểu sâu hơn, nếu cần thiết. Ngược lại, người nghe thì phụ thuộc hoàn toàn vào bạn. Nên bạn cần trình bày tuần tự, hợp lý để làm nổi bật những thông tin quan trọng.
Các nguyên tắc của văn nói trong thuyết trình
Dùng ngôi thứ nhất: Hãy tạo ra mối quan hệ tốt với người nghe bằng cách dùng ngôi thứ nhất (tôi hay chúng ta), nhất là ngôi thứ nhất số nhiều; bởi chữ “chúng ta” bao gồm tất cả, nó làm cho người nghe cảm thấy bạn là một người trong số họ. Liên tục nhắc đến chữ “bạn” hoặc “họ” bạn sẽ tạo nên một khoảng cách giữa họ với bạn.
Tránh dùng những từ ngữ phỏng đoán, thiếu chắc chắn, chẳng hạn như: “có lẽ”, “có thể”, “ắt hẳn”,…
Vì người nghe sẽ có cảm giác bạn không thực sự xác tín điều mình nói, rằng những thông tin bạn nói ra thiếu cơ sở và họ sẽ đánh giá bạn là người thiếu tự tin, không đáng tin cậy, thông điệp bạn muốn trình bày sẽ không lọt vào tai người nghe.
Tránh kiểu nói “đao to búa lớn”: Để tăng sức thuyết phục cho những gì mình nói, nhiều diễn giả dùng từ rất “kêu”, “đao to búa lớn”: “nhất định”, “không còn nghi ngờ gì”, “không ai bắt bẻ nổi”, “không ai cãi tới cãi lui gì được”… Dùng những từ ngữ kiểu đó, hoặc là diễn giả đang cố thêm thắt để tạo thêm trọng lượng cho những lý lẽ hời hợt mình trình bày, hoặc có thể diễn giả đó thực sự quá say mê với những gì mình biết.
Bỏ bớt những từ không cần thiết: Để những gì bạn nói ra được sáng sủa, rõ ràng, dễ nghe, dễ hiểu và dễ nhớ, bạn cần dùng những đơn giản. Rồi cũng phải cắt bớt những từ thừa (chẳng hạn như “kết hợp vào chung với nhau”, “một con người được học hành giáo dục”, “những dự tính cho tương lai mai sau”,…)
Bên cạnh đó, khác với văn viết thường gồm nhiều mệnh đề với câu cú dài dòng, văn nói cần phải sáng sủa, rõ ràng hơn: câu cú ngắn gọn, từ ngữ dễ hiểu, cô đọng.
Lời nói phải rõ ràng, đừng mang hàm ý: Nếu bạn nói ra những câu mơ hồ, mang nhiều hàm ý, người nghe sẽ phải cố suy nghĩ để hiểu, để nắm bắt được những gì bạn muốn diễn tả. Nếu bạn thường dùng những câu như vậy, họ sẽ mau chóng cảm thấy mệt mỏi và không còn quan tâm đến những gì bạn nói nữa.
Tạo hình ảnh liên tưởng: Hãy tạo sinh khí cho từng lời bạn nói. Câu chữ bạn nói ra còn phải có đủ sức khơi gợi tâm trí độc giả. Bạn nên lựa chọn từ ngữ, câu chữ để tạo ra những hình ảnh sinh động.
Dùng lối trình bày như trò chuyện thân mật: Bạn nên trình bày như một cuộc trò chuyện thông thường, thân thiện, tin tưởng và có sức khơi gợi thái độ hưởng ứng, đồng thuận. Mỗi khi thuyết trình, bạn phải nhớ là mình đang trò chuyện với khán giả, chứ không phải đang ba hoa với ai đó vô hình.
Cách tác động người nghe một cách trực tiếp
Dùng các động từ chỉ hành động
Khi dùng các động từ chỉ hành động, bạn sẽ tạo ra động lực giúp người nghe có thể hình dung và cảm nhận được sức thôi thúc của thông điệp bạn trình bày.
Khi làm các slide Powerpoint trình chiếu, sau các gạch đầu dòng, bạn nên mở đầu bằng các động từ chỉ hành động. Bất kỳ lúc nào bạn muốn truyền đạt cho người nghe, hãy nhớ dùng nhiều động từ chỉ hành động.
Thuyết phục người nghe bằng các cụm từ mang tính nhân quả
Trong thuyết trình, chúng ta thường cố gắng thuyết phục người khác công nhận hay đồng ý với những dữ kiện hay lý lẽ chúng ta đưa ra, tin vào những gì chúng ta tuyên bố, chia sẻ những giá trị chúng ta thể hiện, chấp nhận những kết luận chúng ta rút ra, quyết định mua sản phẩm hay dịch vụ chúng ta rao bán. Có một kỹ thuật đã được chứng minh là hiệu quả mà bạn có thể dùng để thuyết phục: lý luận dựa theo mối quan hệ nhân quả.
Mối quan hệ nhân quả sẽ giúp người nghe thấy được nguyên nhân của những điều đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra khi họ hành động. Nó thể hiện mối liên kết tất yếu giữa điều xảy ra đầu tiên với điều xảy ra tiếp theo. Kỹ thuật lập luận dựa theo mối quan hệ nguyên nhân – kết quả như thế sẽ làm cho những phát biểu bạn đưa ra có tính khách quan và hợp lý, tránh được những lời lẽ thiếu cơ sở hay những phóng đại thổi.
Để thể hiện mối liên hệ nhân quả bạn có thể dùng những cụm từ: theo đó, bởi vì, như vậy, thành thử, cho nên, vì lý do đó, kết quả là,…
Ví dụ cụ thể như sau:
Bạn cứ tin chắc là mình sẽ nhận được một dịch vụ chăm sóc khách hàng hoàn hảo từ công ty chúng tôi, bởi vì ABC được đánh giá là công ty số một về dịch vụ chăm sóc khách hàng trong bốn năm qua.
Đội ngũ nhân viên IT của chúng tôi đã ứng dụng thành công giải pháp này tại hơn 3000 bệnh viện. Với kinh nghiệm dày dạn như thế, chắc chắn họ sẽ giúp hệ thống của các bạn vận hành nhanh chóng, dễ dàng và tiết kiệm nhiều khoản chi phí.
Sử dụng những cụm từ chỉ ích lợi mà người nghe sẽ nhận được
Người nghe đến tham dự buổi thuyết trình của bạn với mục đích nhận được những ích lợi cho cá nhân họ. Đừng bao giờ giả thiết rằng người nghe sẽ tự hiểu ra những ích lợi mà bạn không nói rõ. Thành thử, để đảo bảm việc người nghe nhận thấy rõ là bạn đang nói về những ích lợi dành cho họ, thì bạn nên thêm vào một số từ ngữ chỉ ích lợi, ví dụ: Cái lợi dành cho các bạn là… Nhờ đó, bạn hoàn toàn đủ sức…
Điểm mấu chốt dành cho bạn là…
Kết quả là, bạn sẽ có thể…
Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Đây là phần mềm làm phim rất tốt.” Phát biểu này đúng sự thật, nhưng nó khó lòng vượt qua được câu hỏi người ta sẽ lập tức đặt ra: “Thế thì sao? Ai quan tâm?” Do đó, bạn cần phải tạo ra mối liên kết giữa tính năng tốt của phần mềm đó với những ích lợi cụ thể mà người nghe sẽ nhận được. Bạn có thể nói thêm: “Đây là phần mềm làm phim rất tốt. Nó được thiết kế và lập trình gọn nhẹ, chạy được trên mọi loại máy tính. Dù máy tính có cấu hình yếu, bạn vẫn có thể yên tâm cài đặt và sử dụng. Tốc độ xử lý và các hiệu ứng hỗ trợ làm phim cũng không thua kém gì các phần mềm có giá bản quyền cao. Đặc biệt, nó rất dễ sử dụng và bạn có thể thoải mái tự tay mình tạo ra các đoạn phim để tặng bạn bè, gia đình.”
Lặp lại nhiều lần những cụm từ mạnh mẽ
Một cụm từ mạnh mẽ sẽ giúp khách hàng hình dung rõ ràng cảm giác họ sẽ tận hưởng khi sở hữu và dùng sản phẩm hay dịch vụ mà bạn cung cấp. Để vận dụng hiệu quả các cụm từ này, bạn hãy bắt đầu bằng cách liệt kê ra một số ích lợi mà khách hàng sẽ nhận được khi họ mua dùng sản phẩm hay dịch vụ của bạn. Khi nói ra những ích lợi, bạn hãy lồng ghép vào đó một số cụm từ có sức tạo tác động mạnh mẽ, chẳng hạn: tốt nhất, nhanh chóng, dễ dàng, miễn phí, giá thấp, bảo đảm, tiết kiệm thì giờ, không phung phí tiền bạc…
Để tăng sức thuyết phục, bạn nên dùng liên tiếp ba từ hay cụm từ dễ ghi nhớ, tạo ấn tượng mạnh và có vần có điệu, dễ tạo cảm giác rung vang trong tâm trí người nghe.
Bí quyết sử dụng ngôn ngữ để chinh phục người nghe
Ngôn ngữ thuyết phục tạo nên sức mạnh cho lời nói. Để dùng lời nói hiệu quả nên tránh dùng biệt ngữ, nên sử dụng ngôn từ mạnh mẽ, giàu hình ảnh, hùng hồn, dứt khoát và chính xác.
Ngắn gọn và đơn giản
Những từ đơn giản, ngắn gọn thường có sức mạnh hơn. Đừng nghĩ rằng nếu dùng những từ trịnh trọng, “đao to búa lớn” thì bạn mới gây được ấn tượng. Ngược lại chúng sẽ gây khó hiểu và tạo ra khoảng cách giữa bạn với người nghe.
Các dữ kiện quan trọng
Trình bày một vấn đề mà đi quá sâu vào chi tiết, bạn sẽ khiến người nghe thấy nhàm chán. Bạn chỉ cần cung cấp vừa đủ các thông tin, dữ kiện quan trọng để BÍ QUYẾT TRÌNH BÀY TỪ CÁC CHUYÊN GIA người nghe nắm bắt vấn đề, chứ đừng đưa ra quá nhiều thông tin rối rắm.
Từ ngữ chính xác
Các thuật ngữ chuyên ngành hoặc mơ hồ chỉ làm hỏng buổi thuyết trình. Các nhà quản lý thường thắc mắc tại sao đội ngũ nhân viên của họ không làm đúng điều họ yêu cầu. Bởi vì họ không nói cụ thể những yêu cầu của mình. “Chúng ta cần cải thiện doanh số” là một câu nói mơ hồ. Để cho rõ ràng, cụ thể, thì bạn có thể nói: “Chúng ta phải tăng doanh số bán hàng lên 80% trong hai năm.”
Khi cần kêu gọi ai đó hành động, bạn phải nói cho rõ ràng, cụ thể. Một câu kêu gọi như: “Tôi mong chúng ta bắt tay vào việc” sẽ thiếu sức mạnh và không thuyết phục được ai, vì không nói rõ cho người nghe biết phải bắt tay vào việc gì. Để có một lời kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn, bạn có thể nói: “Bước kế tiếp là phải ký xong hợp đồng trước cuối tuần này.” Những lời nói chung chung, bao quát thường không có sức mạnh. Để có sức mạnh thuyết phục, lời nói phải cụ thể, chính xác, thể hiện được điều mong muốn của người nói.
Từ ngữ khẳng định tuyệt đối
Những từ ngữ khẳng định tuyệt đối sẽ làm tăng sức tác động cho câu nói. Những từ như luôn luôn, nhất định, chắc chắn… diễn tả một thái độ quả quyết, xác tín. Winston Churchill đã nói: “Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ đầu hàng!” Nếu ông nói: “Có lẽ không nên đầu hàng,” chắc chắn sẽ mất hẳn sức mạnh thuyết phục.
Lời yêu cầu
Các diễn giả giỏi thường dùng các từ ngữ mang tính yêu cầu, chẳng hạn như: cần phải, buộc phải, phải, tôi muốn. “Các bạn phải thực hành các kỹ năng này hàng ngày” thuyết phục hơn là “Các bạn cố gắng thực hành các kỹ năng này hàng ngày.” Nhưng lưu ý là bạn đừng lạm dụng lời yêu cầu. Sử dụng quá nhiều, bạn sẽ khiến người nghe cảm thấy bạn là con người độc đoán.
Những từ ngữ gợi cảm xúc
Đây là những từ ngữ mang tính thuyết phục cao nhất. Các từ ngữ này gợi lên những cảm xúc tích cực.
Ví dụ: khám phá, mới mẻ, khác lạ, yêu thương, an toàn, bảo đảm, tiền bạc, kết quả, giàu có, miễn phí, hài lòng,… “Bạn chắc chắn hài lòng về món tiền bạn sẽ tiết kiệm được cũng như về các kết quả lạ thường sẽ đạt được khi bạn dùng sản phẩm mới của chúng tôi” là một câu nói mang tính thuyết phục mạnh mẽ.
Một từ khác có sức mạnh khơi gợi cảm xúc là từ bạn. Con người ai cũng thích nghe âm thanh ngọt ngào của tên mình. Khi nghe từ bạn, người ta thường dễ chăm chú lắng nghe hơn. Trong một đoạn mà có hơn ba chữ tôi xuất hiện, nghĩa là bạn chỉ biết coi trọng bản thân mình. Hãy thay các chữ đó, dùng thêm nhiều chữ bạn để khi nói ra, người nghe sẽ cảm thấy bạn hướng về họ và coi trọng họ. Đưa nhiều từ ngữ gợi cảm xúc lồng vào trong bài thuyết trình, bạn sẽ có nhiều cơ hội tác động đến người nghe.
Có vần điệu
Bạn nên dùng cách nói láy âm hay láy vần để tạo vần điệu nhịp nhàng làm cho câu nói trở nên dễ nhớ, dễ đi vào lòng người nghe hơn. Chẳng hạn: “Có chí làm quan, có gan làm giàu” hay “Ăn táo thường xuyên, khỏi phiền bác sĩ”.
Sử dụng phép ẩn dụ, so sánh, tương phản
Dùng phép ẩn dụ, bạn sẽ làm cho các ý niệm trừu tượng trở nên cụ thể, dễ nắm bắt hơn. Các câu nói ẩn dụ giúp vẽ nên một bức tranh sinh động, đầy màu sắc, dùng sự vật, sự việc này để tạo liên tưởng đến sự vật sự việc kia. Các câu nói như “thương trường là chiến trường” hoặc “thế giới là sân khấu, trong đó con người chỉ là những diễn viên” là những câu nói ẩn dụ. Bạn có thể linh hoạt vận dụng phép ẩn dụ để làm cho các ý tưởng mình trình bày trở nên dễ hiểu và sống động hơn.
John F. Kennedy dùng một ẩn dụ để mô tả con người như sau: “Con người vẫn là thứ máy tính ngoại thường nhất.” Hoặc Ralph Waldo Emerson nói: “Hãy kéo cỗ xe của bạn lên đến một vì sao” để thúc giục hành động cho những người có tham vọng, ước mơ.
Việc sử dụng kỹ thuật so sánh hiệu quả sẽ giúp người nghe liên tưởng và nhanh chóng tư duy về những vấn đề được được nghiên cứu. Ví dụ: “Nếu cách đây 20 năm máy vi tính là một khối to kếch sù và màn hình đen trắng thì ngày nay máy tính chỉ mỏng 15mm, nằm gọn trong lòng bàn tay và màn hình màu sắc sặc sỡ.”
Các kiểu ngôn ngữ cần tránh khi thuyết trình
Bạn nghĩ phát biểu nào dưới đây có trọng lượng hơn?
“Tôi nghĩ có lẽ các bạn sẽ thích dịch vụ mới của chúng tôi.”
“Tôi tin chắc rằng các bạn sẽ thực sự thích dịch vụ mới của chúng tôi.” Xét về cách dùng từ, hai câu trên không có gì khác nhau đáng kể. Nhưng xét về hiệu quả tác động đến người nghe, thì chúng khác nhau một trời một vực. Câu đầu tiên chứa hai từ nghe rất yếu ớt: nghĩ và có lẽ. Nghe hai từ đó, khán giả sẽ có cảm tưởng rằng bạn thiếu sự tin tưởng và quả quyết đối với thông điệp mình nói ra, và họ sẽ đánh giá thấp bạn. Ngược lại, câu thứ hai đọc lên nghe rất mạnh mẽ, thể hiện thái độ xác tín, quả quyết của người nói.
Giảm bớt những từ ngữ yếu ớt
Ngoài từ “nghĩ” và “có lẽ” như trên, còn có những từ khác nghe rất “yếu ớt” mà bạn cần phải gạt bỏ ra khỏi kho từ vựng của mình.
Hãy thử để ý các từ ngữ yếu và mạnh trong các thí dụ dưới đây:
Tôi tự hỏi không biết ông có muốn tham dự cuộc họp sắp tới không? >< Tôi muốn biết ông có muốn tham dự cuộc họp sắp tới không? Tôi hy vọng chúng ta có thể làm xong việc này trước thứ Sáu tới. >< Tôi tin chắc chúng ta sẽ làm xong việc này trước thứ Sáu tới. Nếu anh thắng được hợp đồng này, có lẽ chúng ta sẽ tổ chức ăn mừng ở nhà hàng anh yêu thích. >< Khi anh thắng được hợp đồng này, chắc chắn chúng ta sẽ tổ chức ăn mừng ở nhà hàng anh yêu thích.
Tránh những câu hỏi có tính xác nhận
Tránh dùng những từ không cần thiết hoặc đặt ra những câu hỏi muốn người nghe xác nhận. Thí dụ:
Tôi nghĩ rằng đó là việc có thể chấp nhận được, có đúng thế không?
Chúng ta sẽ làm theo cách này, bạn thấy được không?
Cái này tốn kém quá, phải không nào?
Để dùng các câu trên cho hiệu quả, bạn nên bỏ đi những từ cuối câu dùng để hỏi. Cứ tự tin đưa ra phát biểu của mình, đừng sợ người nghe không đồng ý để rồi phải hỏi lại cho chắc, vì điều này sẽ làm suy yếu đi sức mạnh của những phát biểu bạn nói ra, làm cho người nghe thấy rằng bạn thiếu chắc chắn, không thực sự tin vào những gì mình nói. Bạn nên dùng các câu sau:
Đúng thế, tôi nghĩ rằng đó là việc chấp nhận được. Chúng ta sẽ làm theo cách này.
Cái này tốn kém quá, chúng ta không có đủ ngân sách.
Còn nếu muốn biết quan điểm của người nghe, bạn có thể dùng một lời đề nghị khác, thay vì dùng cách hỏi thông thường như trên. Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Đúng thế, tôi nghĩ rằng đó là việc chấp nhận được. Phần bạn, xin bạn cho biết ý kiến của mình.”
Ðừng dùng ngôn ngữ kiểu rào đón
Bạn cần tập bỏ thói quen nói lòng vòng, kiểu rào trước đón sau, không đi thẳng vào vấn đề. Bởi thói quen dùng ngôn ngữ kiểu này đôi khi làm khán giả vừa mệt mỏi vừa nghĩ rằng bạn là người ưa “màu mè” và không đáng tin.
Nếu mọi người đã thấy ổn định đâu đó, tôi thiết nghĩ có lẽ chúng ta nên bắt đầu buổi nói chuyện.
Tôi trộm nghĩ có lẽ tôi là người thích hợp có thể tham gia dự án ấy.
À, ừm… tôi có một chút vấn đề cần làm sáng tỏ liên quan đến cách giải quyết của bạn.
Thay vì nói vòng vo, dài dòng như trên, bạn hãy trực tiếp đề cập thẳng vào vấn đề, không cần thiết phải rào trước đón sau như thế. Chẳng hạn, bạn có thể dùng các câu sau đây để thay thế:
Xin chào mọi người – đã đến lúc chúng ta bắt đầu buổi nói chuyện.
Tôi thấy mình thích hợp để làm dự án ấy. Đây là những gì tôi có thể đóng góp…
Tôi không hiểu rõ quyết định ấy của bạn. Xin giải thích thêm để tôi hiểu rõ.
Tránh những cách nói hạ thấp bản thân
Bạn hãy tránh dùng bất kỳ cụm từ mở đầu nào làm giảm đi trọng lượng hoặc phủ định hoàn toàn những gì bạn sắp nói. Thí dụ:
Có thể tôi sai, nhưng tôi nghĩ chúng ta đã vượt quá ngân sách 10%.
Tôi không chắc lắm về điều này, nhưng tôi đoán là chúng ta cần tuyển thêm một nhân viên.
Có thể đây là ý tưởng ngớ ngẩn, nhưng tại sao chúng ta không tổ chức các buổi họp hàng tháng bằng hình thức nói chuyện trực tuyến trên mạng Internet?
Để sửa lại, bạn chỉ cần bỏ những từ “nhưng” và những cụm từ mào đầu.
Chẳng hạn, bạn có thể sửa lại bằng cách nói như sau:
Theo dữ liệu tôi thu thập, chúng ta đã vượt quá ngân sách 10%.
Chúng ta cần tuyển thêm một nhân viên để đáp ứng mục tiêu gia tăng sản lượng cho năm nay.
Để tiết kiệm chi phí đi lại và để tránh mất thì giờ cho mọi người, tôi đề nghị chúng ta tổ chức các buổi họp hàng tháng bằng hình thức nói chuyện trực tuyến trên mạng Internet.
Bỏ đi từ “cố gắng”
Hãy tưởng tượng sếp đang nói với bạn rằng: “Tôi cần bản kế hoạch của anh vào lúc 10 giờ sáng mai để tôi mang đi gặp khách hàng.” Bạn trả lời như sau: “Dạ được, em sẽ cố gắng hoàn thành.” Dùng từ “cố gắng” bạn muốn ám chỉ rằng có thể bạn sẽ không hoàn thành được bản kế hoạch đúng theo yêu cầu của sếp. “Cố gắng” là chữ thường gợi ý cho biết trước khả năng thất bại có thể xảy ra. Cớ gì bạn không nói “Em sẽ hoàn thành” hoặc “Sáng mai, lúc 9 giờ, em sẽ giao bản kế hoạch cho anh”.
Thay “nhưng” bằng “và”
“Nhưng” có ý hủy bỏ hay phủ nhận hết những gì bạn đã nói liền ngay trước đó. Thử hình dung người yêu của bạn nói rằng: “Em yêu, anh sẽ cưới em, nhưng phải đợi đến cuối năm nay.” Lúc đó, bạn nghĩ sao? Thay vì nói như vậy, bạn nói: “Em yêu, anh sẽ cưới em và chúng ta sẽ làm đám cưới vào cuối năm nay.”
Bỏ cách nói tiêu cực
Thay vì nói những lời tiêu cực, tập trung vào những chuyện bạn không thể làm hay sẽ không làm, bạn hãy nói ra những lời tích cực, hướng về những gì bạn có thể làm và sẽ làm được.
VŨ HOÀNG QUỐC TUẤN
Vũ Hoàng Quốc Tuấn có hơn 15 năm làm việc cho các công ty thuộc ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), trong đó, 12 năm kinh nghiệm trong vai trò Quản lý Marketing.
– Giám đốc Marketing Công ty UNZA Vietnam
– Trưởng bộ phận Kinh doanh và Tiếp thị Công ty bia San Miguel (SMB)
– Ðiều phối viên Marketing Công ty Nước Giải khát Quốc tế Pepsi Hiện anh là Phó Tổng giám đốc phụ trách Marketing của Công ty ICP, là người có công tạo dựng và đưa nhãn hiệu X-Men luôn dẫn đầu thị trường chăm sóc cá nhân dành cho nam.
Anh từng là Giảng viên của Business Edge và nhiều đối tác của BE. Các lĩnh vực anh tham gia huấn luyện là Marketing, Phát triển cá nhân, Tăng hiệu suất làm việc, Truyền cảm hứng, Xây dựng tinh thần đồng đội…
Hiện anh đang tham gia đội ngũ Chuyên gia Coach của diễn giả Quách Tuấn Khanh trong Khóa học chuyên sâu Bậc thầy thuyết trình.
M
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.