Sớm hơn là ông dự đoán, cánh cửa mở ra. Người quản gia già nói một cách rõ ràng:
– Như vậy ông đã nhận được thông báo của đội trưởng sau khi rời khỏi nhà trọ! Ông chủ của tôi đang chờ ông, ông Trần, ông ấy hy vọng rằng ông sẽ đến.
Ông dẫn quan án thẳng đến thư viện của quan huyện Đặng. Họ tìm thấy ông ta đang ngồi ngủ gật trong chiếc ghế bành phía sau bàn làm việc của mình. Ánh sáng từ hai ngọn nến bằng bạc rọi sáng khuôn mặt teo tóp của ông. Khi người quản gia đánh thức ông ta, ông đứng dậy một cách nhanh chóng và đi đến bàn để gặp Địch công. Ông đợi cho đến khi người quản gia đi khỏi, sau đó kêu lên một cách kích động:
– Cảm ơn trời đất vì ông đã đến! Tôi đang ở trong một tình trạng khủng khiếp, ông Địch! Tôi rất cần lời khuyên của ông. Xin ông vui lòng ngồi xuống đây!
Khi họ đã ngồi xuống bàn trà, Địch công nói:
– Tôi đoán rằng nó liên quan đến cái chết của vợ ngài.
– Làm thế nào ông biết điều đó? – quan huyện Đặng thốt lên đầy kinh ngạc.
– Đầu tiên tôi sẽ cho ngài biết những gì tôi biết. Sau đó, ngài sẽ giải thích những gì đã xảy ra.
Quan huyện Đặng nâng tách trà của mình lên với bàn tay run rẫy làm đổ một ít nước trà ra mặt bàn.
– Khi tôi đến thăm vào chiều nay – Địch công bắt đầu – tôi không thể không nhận thấy ngài đã có vẻ muốn bệnh và hoảng loạn như thế nào. Quan tâm đến tình trạng của ngài, tôi đã hỏi Phan Vũ Tề là ngài có phải đang bị bệnh nhưng ông ta cho biết là ngài hoàn toàn khoẻ mạnh vào buổi sáng. Vì vậy, tôi biết ngài đã gặp một cú sốc nghiêm trọng ngay trước khi tôi đến. Tôi nhớ rằng người quản gia đã có hỏi về người vợ của ngài, ngài đã trả lời rằng cô ấy trong khi ngủ trưa đã nhận được một giấy mời đến thăm người chị. Tuy nhiên, người quản gia lại nói rằng phòng ngủ của cô ta đã bị khóa. Điều đó làm tôi rất tò mò. Tại sao người vợ của ngài lại khóa phòng ngủ của cô ta khi cô ta đi ra ngoài? Chắc chắn những người giúp việc sẽ vào phòng để dọn giường. Đồng thời người quản gia thông báo cho ngài là một chiếc bình cổ trong phòng ngủ của vợ ngài đã bị vỡ. Ngài đã nghe tin đó với một thái độ rất bình tĩnh, nhưng Phan nói với tôi rằng đó là một cái bình cổ gia truyền và ngài rất quý nó. Rõ ràng ngài biết việc rủi ro đó nhưng một vấn đề còn quan trọng hơn là chiếc bình vỡ đang đè nặng lên tâm trí ngài. Vì vậy, tôi kết luận là trong buổi trưa đó có một việc đã xảy ra trong phòng ngủ của vợ ngài đã làm cho ngài rất khó chịu. Tuy nhiên, việc gia đình của ngài không phải là mối quan tâm của tôi nên tôi đã không nói ra những suy nghĩ của mình.
Quan án nhấp một ngụm trà. Khi thấy quan huyện Đặng vẫn im lặng ông nói tiếp:
– Sau đó, vì một sự tình cờ mà tôi có trong tay một số đồ trang sức mà một người ăn mày đã đánh cắp từ xác chết của một phụ nữ nằm trong đầm lầy. Trong số những đồ trang sức đó có một đôi bông tai bằng bạc chạm khắc hình hoa sen được bao quanh bởi một vòng tròn bằng vàng và hồng ngọc. Các vật trang sức bao quanh hoa sen có giá trị gấp hai mươi hoặc ba mươi lần hoa sen bạc, rõ ràng hình hoa sen đó có một ý nghĩa đặc biệt. Tôi sợ rằng chúng thuộc về vợ ngài, người mang tên Ngân Liên. Tất nhiên tôi không thể chắc chắn là trong thị trấn này không có người phụ nữ nào khác mang tên Ngân Liên, nhưng sự kích động của ngài và sự ra đi đột ngột của vợ ngài làm cho tôi nghĩ chúng có một sự liên hệ với nhau.
Tôi đi đến kết luận như thế khi đội trưởng của ngài đến khách điếm và tìm tôi. Tôi giả thuyết rằng ngài muốn hỏi qua ý kiến của tôi. Nhưng tôi muốn trước khi gặp ngài cần phải nhìn qua người phụ nữ đã bị giết. Vì vậy, tôi đã vội vã rời khỏi khách điếm bằng cửa sau và nhờ một người đưa tôi đến đầm lầy. Tôi đã kiểm tra thi thể. Không nghi ngờ gì đó đúng là một quý bà trong khi thực tế là cô không mặc quần áo và cô đã bị sát hại trên giường. Các điều kiện của thi thể chỉ rõ rằng cô đã bị sát hại vào buổi trưa. Từ lúc biết đầm lầy gần tòa án tôi kết luận thi thể chính là vợ của ngài, bị giết khi đang ngủ trưa trong phòng ngủ của mình và vào lúc trời tối bị vất vào đầm lầy. Đây là một khu phố hiu quạnh về đêm và từ nơi cư trú của ngài có một lối đi bí mật để đi đến khu phố bị bỏ hoang, vì vậy việc vận chuyển xác chết sẽ khó bị phát hiện. Tôi nói thế có đúng không?
– Tất cả những suy luận của ông khá chính xác, ông Địch – quan huyện Đặng chậm rãi nói – nhưng…
Địch công giơ tay.
– Trước khi ngài nói ra bất cứ điều gì tôi muốn nhấn mạnh rằng không có chuyện gì xảy ra ở đây, tôi sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để giúp đỡ ngài. Nhưng ngài đừng mong tôi sẽ bẻ cong luật pháp hoặc cản trở quá trình thực hiện công lý. Vì vậy, tôi cảnh báo ngài rằng nếu ngài đưa ra một lời giải thích, tôi sẽ xem nó như là bằng chứng và sẽ báo cáo nó cho tòa án nếu như tôi được triệu tập làm nhân chứng. Tôi để cho ngài quyết định xem chúng ta có tiếp tục cuộc trò chuyện này nữa hay không.
– Tôi hoàn toàn hiểu điều đó – quan huyện Đặng nói bằng giọng buồn rầu – Tất nhiên tấm thảm kịch khủng khiếp này phải được báo cho Quận trưởng. Nhưng ông sẽ giúp tôi rất nhiều bằng cách để tôi kể cho ông nghe tất cả mọi thứ và ông giúp tôi làm thế nào để biện hộ cho bản thân mình. Điều ông cần biết là chính tôi đã giết chết vợ tôi.
– Tại sao? – Địch công lặng lẽ hỏi.
Quan huyện Đặng dựa lưng vào ghế. Ông nói một cách mệt mỏi:
– Câu trả lời cho câu hỏi của ông cần phải đi ngược lại một khoảng thời gian khá dài. Hơn bảy mươi năm.
– Tôi nghĩ rằng tuổi của ngài không quá 40 và vợ của ngài chừng khoảng 25 tuổi! – Địch công kinh ngạc nói.
Quan huyện Đặng gật đầu. Ông hỏi:
– Ông có từng nghiên cứu về lịch sử quân sự không? Nếu có, ông có quen thuộc với cái tên Đặng Kinh Dao.
Địch công nhíu đôi lông mày rậm của mình.
– Đặng Kinh Dao… – ông nói một cách trầm ngâm – Hãy để tôi nhớ lại xem. Một vị tướng có tên đó, ông rất nổi tiếng bởi sự dũng cảm của ông trong chiến dịch lớn của quân đội chúng ta tại Trung Á. Một tương lai rực rỡ tại tòa án đã dành sẵn cho ông nhưng ông lại đột ngột xin về hưu…
Quan án dừng lại đột ngột và giật mình nhìn chủ nhà.
– Trời ơi, có phải ông ta chính là ông nội của ngài?
Đặng chậm rãi gật đầu.
– Chính là ông ta. Và cho phép tôi nói ra những gì mà ông ngần ngại không muốn tiết lộ ngay bây giờ. Ông phải xin về hưu sớm vì trong một cơn điên loạn nhất thời ông đã đâm người bạn thân thiết của mình cho đến chết. Ông được xử trắng án nhưng tất nhiên phải từ chức.
Một sự im lặng tràn ngập căn phòng. Sau một thời gian quan huyện Đặng tiếp tục:
– Cha tôi là một người đàn ông khỏe mạnh và hoàn toàn bình thường. Tại sao tôi lại nghĩ đây là căn bệnh di truyền? Tám năm trước đây tôi đã kết hôn với Ngân Liên. Tôi nghĩ rằng cuộc hôn nhân của chúng tôi rất hoàn hảo và hai chúng tôi sinh ra là để dành cho nhau. Nếu tôi có được danh tiếng là người không có thói trăng hoa đó là bởi vì không ai có thể hơn được người vợ yêu quý của tôi. Rồi đến một ngày nọ, vào khoảng bảy năm trước đây, vợ tôi tìm thấy tôi nằm bất tỉnh trên sàn nhà trong phòng ngủ của tôi. Tôi thấy mình như bị ốm. Những ký ức xa lạ lướt qua bộ óc nóng bỏng của tôi. Sau khi do dự rất lâu tôi quyết định kể cho vợ tôi tất cả sự thật. Trong cơn mơ tôi thấy mình sát hại dã man một người đàn ông và tôi cảm thấy mình rất thích thú với hành động đẫm máu đó. Tôi nói với cô ta là có một lời nguyền đã ám vào tôi và cô ta không thể sống chung vói một người điên. Tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để nhanh chóng sắp xếp một cuộc ly dị.
Ông che mặt với hai bàn tay của mình. Địch công nhìn với vẻ trắc ẩn vào người đàn ông đang đau khổ. Khi quan huyện Đặng đã tự chủ trở lại, ông nói tiếp:
– Ngân Liên kiên quyết chối từ. Cô ta nói rằng sẽ không bao giờ rời bỏ tôi, cô ta sẽ chăm sóc cho tôi và xem liệu có điều gì bất hạnh xảy ra với tôi hay không, và nếu quả thật có điều gì đó tấn công tôi thì cô ta không muốn mọi người nói rằng cô bỏ rơi người chồng vào lúc anh ta cần đến cô nhất. Tôi phản đối nhưng cô ta khăng khăng nói rằng cô sẽ tự tử nếu tôi ly dị cô ta, cuối cùng kẻ bất hạnh là tôi buộc phải đồng ý với điều đó… Chúng tôi không có con và chúng tôi quyết định sẽ không có con. Chúng tôi hy vọng rằng các tác phẩm văn học của cả hai chúng tôi sẽ làm cho chúng tôi có thể quên rằng chúng tôi đã buộc phải từ bỏ niềm vui được nhìn thấy thành quả của tình yêu vợ chồng của hai chúng tôi. Nếu tôi nhìn bề ngoài có vẻ như một người kín đáo, một người đàn ông lạnh lùng, ông Địch. Tôi hy vọng bây giờ ông đã hiểu được lý do.
Địch công lặng lẽ gật đầu. Rất ít khi người ta có thể nói lên một sự thật đau lòng như vậy. Quan huyện Đặng nói tiếp:
– Bốn năm trước đây tôi lại bị tấn công lần thứ hai và sau đó hai năm lần thứ ba. Lần cuối cùng tôi đã rơi vào một cơn thịnh nộ dữ dội và vợ tôi buộc phải đổ một liều thuốc ngủ vào cổ họng tôi để ngăn chặn một tai nạn khủng khiếp. Sự hỗ trợ bền bỉ của cô ấy là niềm an ủi duy nhất của tôi. Sau đó bốn tuần trước một điều ngẫu nhiên xảy ra đã cướp mất niềm an ủi cuối cùng của tôi. Để rồi sau đó tôi không còn có thể chia sẻ nỗi buồn của tôi với cô ấy. Bức bình phong sơn mài đã khống chế tôi.
Quan huyện Đặng dừng lại và chỉ vào một bức bình phong cao bằng sơn mài màu đỏ sau lưng của Địch công. Ông quay lại nhìn. Ánh sáng nhấp nháy từ những ngọn nến chiếu những tia sáng lập lòe trên bề mặt chạm khắc tinh tế của bức bình phong.
Quan huyện Đặng nhắm mắt lại.
– Hãy đứng lên và quan sát bức bình phong – ông điềm đạm nói – Tôi sẽ mô tả nó cho ông. Tôi biết nó bằng trái tim của tôi, từng phân một trên đó!
Mùa Xuân
Mùa Hạ
Mùa Thu
Mùa Đông
Quan án đứng dậy và đi tới trước bức bình phong. Nó bao gồm bốn mảnh, mỗi mảnh là một bức tranh đẹp được chạm khắc trên nền sơn mài màu đỏ và khảm vào đó là ngọc lục bảo màu xanh, ngọc trai, bạc và vàng. Đó là một món đồ cổ có giá trị và ông ước chừng nó đã có hơn 200 năm. Ông vẫn đứng đó, lắng nghe tiếng nói gần như vô cảm sau lưng ông.
– Bốn bức bình phong đó tượng trưng cho bốn mùa. Cảnh trên tấm bảng đầu tiên bên trái là tượng trưng cho mùa xuân. Một giấc mơ xuân của một thư sinh, người đã ngủ khi đang đọc sách trước hiên nhà mình dưới bóng một cây thông. Trong khi gia nhân của mình chuẩn bị trà anh ta mơ về bốn cô gái. Tất cả đều đẹp nhưng chỉ có một người lọt vào mắt anh ta.
Bức thứ hai mô tả mùa hè, khi tham vọng đã chín muồi. Người thư sinh bây giờ đã trở thành một người đàn ông trưởng thành. Anh ta đi đến thủ đô để tham dự kỳ thi cuối cùng của mình và chính thức trở thành quan chức. Anh ta cưỡi ngựa và theo sau là người gia nhân.
Sau đó đến mùa thu, trên bức bình phong thứ ba. Mùa thực hiện. Anh đã vượt qua được kỳ thi cuối cùng và đã được bổ nhiệm làm quan. Trong trang phục huyện quan anh ngồi trong cỗ xe ngựa của mình, phía sau là người gia nhân mang một cây quạt lớn biểu lộ chức vụ cao cấp của anh. Trên ban công anh nhìn thấy bốn cô gái trong giấc mơ và anh hy vọng một người trong số đó sẽ là vợ của mình.
Quan huyện Đặng rơi vào im lặng. Địch công đã đứng trước bức bình phong thứ tư và quan sát nó một cách tò mò.
– Bức thứ tư – quan huyện Đặng tiếp tục – là mùa đông, mùa của nội tâm, của sự hưởng thụ yên tĩnh, trong sự hiểu biết sâu xa, của những gì đã đạt được. Nó miêu tả những hạnh phúc trong cuộc sống hôn nhân.
Địch công nhìn cảnh hai vợ chồng yêu thương nhau đang ngồi đằng sau một cái bàn trong khung cảnh sang trọng của một dinh phủ.
Họ ngồi sát vào nhau, người đàn ông choàng cánh tay quanh vai của người phụ nữ và tay kia cầm một tách trà đưa sát vào môi cô. Địch công quay lại để trở lại chỗ ngồi của mình nhưng quan huyện Đặng nói nhanh:
– Khoan đã! Tôi tìm thấy bức bình phong này trong một cửa hàng đồ cổ tại thủ đô ngay sau đám cưới của tôi với Ngân Liên. Tôi lập tức mua nó mặc dù tôi đã phải bán một số của cải vì giá của nó rất đắt. Ông phải hiểu rằng bốn bức bình phong này đại diện cho bốn giai đoạn quyết định của cuộc đời tôi. Khi tôi vẫn còn là một thư sinh tại quê nhà tôi đã có một giấc mơ gặp được bốn cô gái. Khi tôi đến thủ đô, tại đó tôi đã gặp bốn cô gái trong giấc mơ lúc trước trong khi đi ngang qua một căn nhà lầu hai tầng trên chiếc xe. Đó là nơi cư trú của vị quận trưởng về hưu họ Hứa. Và tôi đã kết hôn với người con gái thứ hai của ông, Ngân Liên, người con gái tôi đã từng gặp trong giấc mơ của tôi! Bức bình phong này là tài sản quý giá nhất của chúng tôi, chúng tôi luôn mang nó theo chúng tôi đến bất cứ nơi đâu mà chúng tôi đến. Đã bao nhiêu lần chúng tôi ngồi lại với nhau phía trước nó, truy tìm những chi tiết trên đó, nói với nhau những lời tán tỉnh và về cuộc sống hôn nhân của chúng tôi!
Một tháng trước đây, trong một buổi chiều nóng bức tôi đã kêu người quản gia của mình đặt một chiếc giường bằng tre trong thư viện của tôi ở phía trước bức bình phong nơi có một làn gió mát. Chiếc gối trên giường đối diện với bức bình phong thứ tư, hình ảnh của hai vợ chồng âu yếm nhau ở ngay trước mắt tôi. Sau đó tôi phát hiện ra một bí mật khủng khiếp. Thiết kế trên bức hình đã có sự thay đổi. Người đàn ông đang đâm một con dao vào ngực vợ mình.
Với một sự kinh ngạc không thốt nên lời Địch công khom người xuống và xem xét kỹ lưỡng bức tranh trên tấm bình phong. Ông nhận thấy thực sự là người đàn ông đang cầm một con dao găm trong tay trái và mũi dao chỉ vào trái tim của người vợ. Hình con dao là một mảnh nhỏ bằng bạc khảm trên nền sơn mài. Lắc đầu kinh ngạc ông quay trở lại bàn và ngồi xuống.
– Tôi không biết điều gì đã xảy ra – vị quan huyện tiếp tục – Trong cơn điên cuồng tôi đã nghiên cứu vị trí đặc biệt đó, tôi nghĩ rằng người thợ thủ công khi làm bức bình phong đã vô tình đánh rơi một mẫu bạc nhỏ vào bức tranh khi nó còn ẩm ướt và bây giờ nó đã xuất hiện khi bề mặt bức tranh được đánh bóng. Nhưng tôi nhận ra rằng mảnh bạc đó đã được thêm vào sau đó và khá vụng về, có những vết trầy xước trực tiếp xung quanh nó.
Địch công chậm rãi gật đầu. Ông cũng đã nhận thấy điều đó.
– Vì vậy tôi chỉ có thể kết luận rằng chính tôi, trong một cơn điên loạn mà bây giờ tôi chẳng nhớ ra, đã thực hiện sự thay đổi đó. Và đó cũng là kết luận thứ hai, cụ thể là tôi đã bị bệnh tâm thần và đã lập kế hoạch để giết vợ của tôi.
Quan huyện Đặng úp hai bàn tay lên mặt của mình. Ông nhìn thoáng qua bức bình phong sau đó cố gắng đưa ánh mắt đi chỗ khác. Ông nói bằng giọng nấc nghẹn:
– Bức bình phong đó bây giờ đã trở thành nỗi ám ảnh của tôi. Trong những tuần lễ vừa qua tôi đã nhiều lần nằm mơ thấy mình đã giết chết vợ một cách thật khủng khiếp, sau những cơn ác mộng ấy tôi thức dậy mình ướt đẫm mồ hôi. Nó bắt đầu khủng bố và tra tấn tinh thần tôi mỗi khi tôi thức dậy, bức bình phong bắt đầu ám ảnh tôi… Và bản thân tôi lại không thể nói ra điều này với vợ tôi. Cô ấy có thể chịu đựng mọi thứ nhưng không thể nào chịu đựng nỗi việc tôi, người chồng của cô ta, sẽ quay sang chống lại cô ấy mặc dù là do việc tâm thần bị rối loạn. Tôi biết rằng điều đó sẽ phá vỡ trái tim cô.
Vị quan án nhìn chằm chằm về phía trước với đôi mắt vô hồn. Sau đó ông đột nhiên tự chủ lại và tiếp tục nói bằng giọng nói rành rọt:
– Hôm nay chúng tôi đã cùng ăn trưa với nhau ở bên ngoài tại một góc hơi khuất và tối tăm của khu vườn. Nhưng tôi cảm thấy không khí ngột ngạt và bắt đầu tình trạng bất ổn với những cơn đau đầu. Tôi nói với vợ tôi là sẽ ngủ trưa trong thư viện sau khi xem xét một số tài liệu của huyện đường. Nhưng trong thư viện không khí vẫn rất nóng bức và tôi không thể tập trung suy nghĩ. Vì vậy tôi quyết định đi đến phòng ngủ của vợ tôi để nghĩ trưa.
Ông đứng dậy và nói tiếp:
– Hãy đi theo tôi, tôi sẽ chỉ cho ông thấy.
Ông cầm lấy một ngọn nến và họ cùng nhau rời khỏi thư viện. Quan huyện Đặng dẫn Địch công đi qua một hành lang quanh co nhỏ. Ông mở cửa và từ chỗ đó cho Địch công nhìn thấy phòng thay quần áo của vợ mình. Bên phải là một cái bàn lớn bằng gỗ hồng mộc chạm trổ trên đó đặt một chiếc gương tròn lớn bằng bạc bóng loáng. Ở bên trái, phía trước một cánh cửa hẹp là chiếc ghế thấp bằng tre. Ở trung tâm của căn phòng được lát bằng đá hoa màu hồng là một chiếc bàn nhỏ bằng gỗ mun được chạm trổ cầu kỳ.
– Trên chiếc bàn đó – quan án Đặng nói – là chiếc bình cổ mà tôi đã làm vỡ. Cánh cửa bên trái dẫn đến một khu vườn nhỏ với một cái ao cá vàng. Người hầu của vợ tôi luôn ngủ trên chiếc ghế bằng tre phía trước cửa. Cánh cửa sơn mài lớn màu đỏ mà ông nhìn thấy phía đối diện dẫn đến phòng ngủ của vợ tôi. Xin hãy vui lòng chờ tại đây.
Ông bước vào bên trong, lấy một chiếc chìa khóa có hình dạng phức tạp từ trong ngực áo và mở cánh cửa màu đỏ. Ông để cánh cửa khép hờ sau đó quay trở lại nói với Địch công.
– Buổi chiều hôm nay khi tôi bước vào phòng thay đồ này, người gia nhân đang nằm ngủ trên chiếc ghế bằng tre. Điều cuối cùng tôi còn nhớ được là tôi đã thấy qua cánh cửa phòng ngủ đang khép hờ như lúc này đây một phần của chiếc giường với vợ tôi đang nằm ngủ khỏa thân trên đó. Cô ấy ngủ một cách thanh thản, nằm nghiêng để đầu tựa trên cánh tay phải gấp lại. Tôi thấy toàn bộ thân thể xinh đẹp của cô nhưng cô đặt chân phải của mình trên chân trái vì vậy nửa thân dưới của cô ta quay lại với tôi. Cô đã bỏ xõa mái tóc dài của mình, mà cô rất tự hào về nó, thành một dòng suối đen tuyền chảy qua đôi vai và buông rũ xuống mép giường. Sau đó, khi tôi đi đến để đánh thức cô ấy, đột nhiên tất cả tối sầm lại.
Tôi tỉnh dậy và thấy mình đang nằm trên sàn nhà của phòng thay đồ giữa những mảnh vỡ của chiếc bình cổ. Mắt tôi bị mờ đi và đầu đau như búa bổ, hoàn toàn không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi nhìn thấy người gia nhân vẫn còn ngủ say trên chiếc ghế tre. Tôi lồm cồm bò dậy và tình cờ nhìn vào phòng ngủ. Tôi nhớ lại cảm giác nhẹ nhỏm của mình khi nhìn thấy vợ tôi vẫn còn nằm ngủ chính xác tại vị trí như lúc tôi vừa nhìn thấy cô ấy. Cuộc tấn công của tôi đã diễn ra mà không gây ra tổn hại nào, cảm tạ trời đất! Nhưng khi tôi đi vào bên trong tôi bất ngờ nhìn thấy những gì tôi đã làm. Cán con dao găm của tôi thò ra từ ngực cô ấy và cô ấy đã chết!
Quan huyện Đặng tìm thấy người vợ của mình
Ông vùi mặt vào hai bàn tay và bắt đầu khóc lặng lẽ tựa người vào cánh cửa phòng.
Địch công nhanh chóng đi vào phòng ngủ. Ông quan sát chiếc giường rộng được trải một chiếc chiếu cói mềm. Gần gối có một vài vết máu nhỏ. Sau đó ông nhìn lên và thấy trên bức tường cạnh cửa sổ vỏ trống rỗng của một con dao găm được treo bằng sợi dây lụa. Bên cạnh nó treo một thanh kiếm cổ có vỏ bọc bằng đồng và ống sáo. Cánh cửa sổ duy nhất làm bằng tre dán giấy trắng dày và được đóng lại bằng một thanh cài cửa chạm trổ. Đồ nội thất chỉ gồm một bàn trà nhỏ được chạm khắc bằng gỗ đàn hương và hai chiếc ghế thấp cùng chất liệu. Trong góc nhà là bốn chiếc hộp đựng quần áo bằng da màu đỏ, mỗi chiếc cho một mùa, được trang trí bằng các hoạ tiết mạ vàng hình các bông hoa.
Khi ông quay trở ra, ông hỏi vị quan án đang đứng tựa vào cánh cửa một cách nhẹ nhàng:
– Ngài đã làm gì sau đó?
– Lần thứ hai, cú sốc này đã làm tôi hoàn toàn mất bình tĩnh. Tôi chạy ra ngoài, khoá cửa lại phía sau tôi và bằng cách nào đó tôi đã quay trở lại thư viện của tôi. Trong khi tôi đang cố gắng để nắm bắt được sự thật khủng khiếp này, tâm trí hoàn toàn rối bời và cảm thấy muốn bệnh thì người quản gia bước vào báo cho biết sự viếng thăm của ông.
– Tôi xin ngài thứ lỗi cho tôi vì chuyến viếng thăm của tôi vào đúng ngay thời điểm khủng khiếp đó! – Địch công nói với vẻ hối hận – Nhưng tất nhiên, tôi không hề nghĩ rằng…
– Tôi khiêm tốn chấp nhận lời xin lỗi của ông – quan án Đặng trịnh trọng nói – chúng ta sẽ quay trở lại thư viện của tôi?
Khi họ ngồi xuống bàn uống trà, quan án Đặng cho biết:
– Sau khi ông đi khỏi tôi đã hồi phục phần nào và phiên tòa hàng ngày vào buổi chiều đã góp phần làm cho tôi bình tâm lại. Một trường hợp tự tử khá kỳ lạ đã giúp cho tâm trí của tôi thoát ra khỏi thảm kịch đáng sợ đó. Trong một lúc nào đó, tất nhiên, tôi nhận thức được tầm quan trọng của luật pháp. Công lý phải được thực thi. Tôi sẽ phải đi đến quận không chậm trễ và tự nộp mình cho quận trưởng như là kẻ đã giết vợ của mình. Nhưng tôi phải làm thế nào với xác chết của người vợ khốn khổ của tôi, tôi phải nói gì với người quản gia? Sau đó tôi nhận ra rằng tôi đã may mắn như thế nào khi có ông ở đây, một đồng nghiệp khôn ngoan và biết thông cảm. Tôi ra lệnh cho đội trưởng đi đến khách điếm mà tôi giới thiệu với ông và yêu cầu ông đến gặp tôi. Khi ông ta quay trở lại và báo rằng ông đã rời khỏi nơi đó và không biết đi đâu thì một nỗi hoảng sợ đã hoàn toàn xâm chiếm tôi. Tôi đã dự tính về sự quay trở lại của ông, có thể ông sẽ chỉ trở lại vào ngày hôm sau hoặc có lẽ ông đã gặp một rủi ro nào đó… và tôi sẽ phải một mình đối mặt với tất cả mọi chuyện. Chẳng bao lâu gia nhân sẽ muốn làm thông thoáng không khí trong phòng ngủ, người quản gia sẽ hỏi về chiếc chìa khóa… Tôi bị ám ảnh với ý nghĩ là phải làm cho xác chết biến mất. Khi các gia nhân chuẩn bị bữa ăn tối tôi đi vào phòng ngủ. Tôi buộc mái tóc lại và bao bọc cơ thể trong một chiếc áo khoác mà tôi tìm được ngẫu nhiên. Sau đó tôi đi qua cửa thoát hiểm để ra đường phố. Nó khá vắng vẻ và tôi đã đi đến khu vực bỏ hoang mà không gây ra sự chú ý nào, tôi đã vứt bỏ gánh nặng đáng thương của tôi vào đầm lầy.
Sau khi tôi quay trở về, tuy nhiên, tôi chợt nhận ra mình đã hành động quá điên rồ. Trong cơn kích động vừa qua tôi đã ngu ngốc bỏ qua việc dễ dàng nhất để làm trì hoãn việc phát hiện ra hành động của tôi, cụ thể là giả vờ nói rằng tôi đã làm mất chìa khoá của phòng ngủ. Đây là lý do tôi đã nói với người quản gia sau bữa ăn tối khi ông ta hỏi tôi về chìa khóa phòng ngủ.. Kinh nghiệm từ việc này đã cho tôi thấy trong trạng thái tâm lý bất ổn như hiện nay tôi hoàn toàn không có khả năng quản lý công việc của mình. Tôi một lần nữa lại yêu cầu đội trưởng đến khách điếm để lại một lời nhắn khẩn cấp khi ông quay trở lại đó. Tôi đã chờ ông ở đây và hy vọng rằng ông sẽ đến vào phút chót. Và cảm ơn trời đất, ông đã đến! Bây giờ cho tôi biết, Địch, tôi cần phải làm gì?
Trong một lúc lâu, Địch công không trả lời. Ông ngồi đó im lặng và nhìn chằm chằm vào bức bình phong trong khi chậm rãi vuốt ve bộ râu dài của mình. Cuối cùng ông nhìn quan huyện Đặng và nói:
– Câu trả lời của tôi cho câu hỏi của ngài là: không làm gì cả. Ít nhất là tại thời điểm này.
– Những gì ông nói chỉ là như thế thôi sao? – Đặng kêu lên, nhổm người dậy từ chiếc ghế đang ngồi – Chúng ta sáng ngày mai phải đi đến Biên Phổ. Bây giờ chúng ta phải viết ngay một bức thư cho quận trưởng và cho một sứ giả đặc biệt đem nó đến đó ngay đêm nay…
Địch công giơ tay ngăn lại.
– Hãy bình tĩnh lại, thưa ngài! – ông nói – Tôi đã kiểm tra thi thể, tôi đã thấy hiện trường của tấn thảm kịch và tôi không hài lòng khi nói rằng chúng ta đã biết tất cả sự thật. Tôi muốn thấy được bằng chứng chứng minh là ngài đã giết vợ của mình.
Quan huyện Đặng đứng lên, vừa đi lại trên sàn nhà vừa hét lên giận dữ:
– Ông nói chuyện thật là vô lý, Địch! Bằng chứng? Còn bằng chứng nào mà ông muốn có? Các cuộc tấn công của tôi, giấc mơ của tôi, bức bình phong…
– Tuy nhiên, có những chuyện gây thắc mắc – Địch công ngắt lời ông – một số chi tiết chứng tỏ có yếu tố từ bên ngoài.
Quan huyện Đặng giậm chân lên sàn nhà.
– Đừng cố gắng đánh lừa tôi với một hy vọng hão huyền, Địch, đó là độc ác! Ông đưa ra một giả thuyết phi lý là không phải tôi đã tấn công vợ tôi mà là do một kẻ từ bên ngoài xâm nhập vào và giết chết vợ tôi? Làm thế nào mà một sự trùng hợp như vậy có thể xảy ra?
Địch công nhún vai.
– Tôi không thích sự trùng hợp ngẫu nhiên, Đặng. Tuy nhiên, những điều như vậy đã xảy ra. Và việc nó có thể xảy ra còn có lý hơn so với việc có một cuộc tấn công và làm xáo trộn bức bình phong nhưng sau đó không nhớ bất cứ điều gì về việc đó. Ngoài ra, khi ngài bước vào phòng thay đồ và nhìn thấy vợ mình quay lưng về phía ngài. Cô ấy có thể đã chết rồi. Ngài có kẻ thù nào ở đây không, Đặng?
– Tất nhiên là không! – Quan huyện Đặng trả lời một cách giận dữ – Bên cạnh đó chỉ có tôi và vợ tôi là biết ý nghĩa quan trọng của bức bình phong. Và nó chưa từng rời khỏi nhà từ lúc chúng tôi đến đây. Không ai có thể làm giả nó!
Sau đó ông nắm lấy tay Địch công và hỏi bằng giọng nói bình tĩnh hơn:
– Bây giờ ông đề nghị phải làm thế nào, Địch?
– Tôi đề nghị – Địch công trả lới – ông cho tôi thêm một ngày để thu thập thêm bằng chứng. Nếu tôi thất bại, tôi sẽ cùng với ngài ngay hôm sau đi đến Biên Phổ và giải thích tất cả mọi chuyện cho Quận trưởng.
– Chậm trễ trong việc báo cáo về kẻ sát nhân là một hành vi phạm tội nghiêm trọng, Địch! – quan huyện Đặng kêu lên – Chỉ cần bây giờ ông nói là sẽ không cản trở…
– Tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều đó! Địch công ngắt lời ông ta.
Quan huyện Đặng suy nghĩ trong lúc đi đi lại lại trong phòng. Sau đó ông dừng lại và nói với vẻ cam chịu:
– Ông nói đúng, Địch. Tôi xin giao tất cả mọi việc cho ông. Cho biết tôi phải làm gì?
– Không nhiều lắm. Đầu tiên tôi cần một phong thư trên đó ghi tên và địa chỉ của vợ ông.
Đặng mở ngăn kéo trên bàn làm việc và lấy ra một phong bì. Sau khi ghi vào đó vài dòng ông đưa nó cho Địch công, Địch công đút nó vào tay áo của mình. Địch công tiếp tục nói:
– Bây giờ lấy cho tôi một bộ quần áo ngủ của vợ ông và gói nó lại thành một gói. Đừng quên một đôi giày nữa!
Quan huyện Đặng nhìn ông một cách tò mò sau đó rời khỏi phòng mà không nói lời nào.
Địch công nhanh chóng đứng dậy và lấy vài tờ giấy cùng với vài phong bì có đóng dấu của tòa án từ ngăn kéo vẫn còn mở. Ông đặt chúng cẩn thận vào tay áo của mình.
Khi quan huyện Đặng đến với một gói bọc trong vải màu xanh, ông quan sát Địch công sau đó kêu lên với vẻ hối hận:
– Xin vui lòng thứ lỗi cho tôi, Địch! Tôi đã quá bận tâm đến những vấn đề riêng của mình mà thậm chí không nghĩ đến việc đưa một bộ quần áo khác cho ông, chiếc áo của ông đã bị bẩn và đôi giày thì dính đầy bùn. Cho phép tôi cho ông mượn…
– Đừng bận tâm! – Địch công nhanh chóng ngắt lời – Tôi còn một vài việc phải làm mà ở những nơi đó một cái áo mới sẽ thu hút sự chú ý không mong muốn. Trước tiên tôi phải quay lại đầm lầy, mặc áo vào cho thi thể sau đó kéo nó ra đường cái để nó được phát hiện sớm vào sáng ngày mai. Phong bì tôi sẽ đặt vào tay áo do đó thi thể sẽ được xác định danh tính ngay lập tức. Sau đó, ngài sẽ bắt đầu cho khám nghiệm tử thi, tôi tin là ngài có một nhân viên pháp y giỏi?
– Phải, ông ta là chủ một cửa tiệm thuốc lớn trong chợ.
– Tốt. Ngài sẽ nói rằng vợ ngài bị ám sát khi đang trên đường đi đến cổng thành phía Bắc và cuộc điều tra đang được tiến hành. Sau đó, ngài sẽ đặt thi thể trong một quan tài tạm thời.
Ông cầm bó quần áo, đặt tay lên vai quan huyện Đặng và nói với nụ cười trìu mến:
– Hãy cố gắng ngủ một chút, Đặng! Tôi sẽ thông tin cho ngài vào ngày mai. Đừng lo lắng cho tôi, tôi biết phải làm gì.
Địch công tìm thấy thư sinh trong tình trạng đáng thương. Anh ta ngồi co ro trên tảng đá và run rẫy toàn thân. Nhìn lên quan án với nụ cười buồn bã anh cố gắng nói chuyện nhưng hàm răng anh đánh bò cạp khi vừa bắt đầu mở miệng.
– Đừng lo lắng và đừng có bộ mặt đưa đám ấy – Địch công nói – Tôi đã trở lại! Tôi muốn nhìn qua xác chết. Sau đó chúng ta sẽ về nhà và đi ngủ!
Người thanh niên buồn rầu và không để ý tới các bọc mà Địch công mang theo.
Sau khi rút con dao găm ra, ông bọc nó trong mảnh giấy dầu và cất vào mình. Sau đó ông mặc đồ cho xác chết. Sau khi mang giày vào chân xác chết ông kéo nó ra vệ đường. Ông gọi người thanh niên và họ yên lặng đi về thành phố lúc này đã trở nên vắng vẻ.
Người thanh niên dường như vẫn còn rất khó chịu bởi sự đợi chờ trong cô đơn của mình. Quan án nghĩ rằng anh ta dường như cố tỏ ra mình can đảm. Anh ta chỉ khoảng mười tám tuổi và có lẽ sự ham muốn bệnh hoạn về tội ác sẽ rời bỏ anh ta trong vòng một năm hay lâu hơn. Thằng nhóc này có thể sẽ trở nên tồi tệ hơn nếu không tham gia vào băng nhóm của Hạ Sĩ. Hạ Sĩ là một kẻ thô lỗ nhưng bằng cách này hay cách khác quan án nghĩ hắn ta không phải là một tên đàn ông thực sự suy đồi. Nếu gã thanh niên qua kinh nghiệm này có thể ăn năn và quay trở lại cuộc sống bình thường.
Khi họ đi được khoảng nửa đường, người thanh niên đột nhiên nói:
– Tôi biết rằng ông và Hạ Sĩ xem thường tôi nhưng tôi có thể nói trong một vài ngày tới ông sẽ phải ngạc nhiên đấy! Tôi sẽ kiếm được nhiều tiền hơn số tiền cả hai người kiếm được cộng lại trong suốt cuộc đời của hai ông!
Địch công không có phản ứng. Người thanh niên có vẻ cụt hứng sau khi khoe khoang mà chẳng thấy tác dụng gì.
Tại lối vào con hẻm của khách điếm Phượng Hoàng, người thanh niên dừng lại và cáu kỉnh nói:
– Tôi tạm biệt tại đây. Tôi còn nhiều việc phải làm.
Địch công bước vào quán trọ.