Cách sống

4 Sống với lòng vị tha



Tấm lòng vàng

Tháng 9 năm 1997, tôi vào chùa Enpuku (Viên Phúc Tự) ở Kyoto và nhận được pháp danh là Daiwa (Đại Hòa).

Thật ra, tôi có ý định đi tu từ tháng 6, nhưng do phát hiện bị ung thư dạ dày trong lần khám bệnh ngay trước đó nên tôi đã phải phẫu thuật gấp. Hơn hai tháng sau khi mổ, vào ngày 7 tháng 9, tôi đã quy y cửa Phật mặc dù sức khỏe vẫn chưa hồi phục hoàn toàn và tôi vẫn sống đời sống thế tục.

Hơn hai tháng sau, vào tháng 11 năm 1997, tôi bắt đầu cuộc sống tu hành. Cuộc sống mới trong chùa đối với tôi lúc đó là rất khắc nghiệt, một phần cũng do tôi mới khỏi bệnh. Nhưng đây cũng là thời kỳ tôi đã có được trải nghiệm mà suốt đời cũng không thể nào quên.

Vào một ngày đầu đông lạnh giá, đầu cạo trọc, đội nón nan, mặc áo cà sa, xỏ đôi dép rơm, tôi đi khất thực từng nhà.

Do chưa quen nên việc đi khất thực vô cùng cực nhọc. Ngón chân lòi ra khỏi dép miết xuống đường nhựa toạc máu. Tôi cố chịu đựng đau đớn nhưng cũng chỉ nửa ngày là cơ thể đã rã rời như cái giẻ lau nhà cũ rách bươm. Tôi vẫn gắng chịu đựng, tiếp tục khất thực cùng cả đoàn suốt mấy tiếng đồng hồ.

Đến xẩm tối, thân xác mệt rũ, lê đôi chân nặng trịch, chúng tôi trở về chùa. Khi đi ngang qua một công viên thì có một người phụ nữ lớn tuổi – trong bộ quần áo bảo hộ lao động, đang dọn vệ sinh – chợt nhìn thấy đoàn khất thực chúng tôi. Tay vẫn cầm chổi, chị bước thoăn thoắt đến chỗ tôi và bỏ đồng xu 500 Yen vào cái túi tôi đeo trước ngực, hành động rất đỗi tự nhiên.

Trong khoảnh khắc đó, nỗi xúc động mà tôi chưa từng cảm nhận bỗng lan khắp cơ thể. Một cảm giác hạnh phúc tràn ngập trong tôi.

Bởi vì, người phụ nữ ấy chắc hẳn chẳng giàu có gì. Hành động tự nhiên, không một chút lưỡng lự cũng như hoàn toàn không có thái độ ban ơn của chị khiến tôi cảm động.

Nỗi xúc động – tôi chưa từng một lần được cảm nhận trong suốt 65 năm cuộc đời – mới thuần khiết và tươi rói làm sao!

Tôi thật sự nhận được tấm lòng từ bi của Đức Phật qua hành động nhân ái của người phụ nữ đó. Hành động ấy tuy nhỏ bé nhưng tôi nghĩ rằng chỉ cần như thế cũng đủ phản ánh cái tâm hướng thiện trong suy nghĩ và hành động của con người. Hành động ấy cũng đã cho tôi thấy cốt tuỷ của lòng vị tha là thế nào.

Lòng vị tha, theo đạo Phật, là tâm từ bi khi nghĩ tới người khác và mang điều tốt lành đến cho người khác. Nó cũng tương tự lời dạy nhân ái của Chúa Jesus trong đạo Thiên Chúa. Theo tôi, lòng vị tha, nói một cách dễ hiểu nhất là cống hiến hết mình cho xã hội, cho nhân loại. Tôi cho rằng lòng vị tha là từ khoá (keyword) quan trọng không thể thiếu trong nội dung sống của mỗi con người trên suốt nẻo đường đời, cũng như đối với những doanh nhân trên con đường kinh doanh.

Khái niệm “vị tha” có thể khiến nhiều người có cảm giác xa lạ, nhưng “suy nghĩ cho người khác” chính là việc làm hoàn toàn hợp đạo làm người.

Lòng vị tha chẳng phải là điều gì xa vời. Chúng ta có thể bắt đầu từ việc để tâm một chút đến những người thân thiết xung quanh ta: Muốn vợ con sung sướng, no đủ, muốn đem lại sự an nhàn cho cha mẹ đã vất vả cả đời vì chúng ta. Từ những suy nghĩ vị tha nhỏ bé, bình dị như làm việc vì gia đình, giúp đỡ bạn bè, hiếu thảo với cha mẹ, sẽ mở rộng thành lòng vị tha ở phạm vi lớn hơn như xã hội, cộng đồng, nhân loại…

Với ý nghĩa đó thì hành động của người phụ nữ cho tôi 500 Yen và hành động của Mẹ Teresa là hoàn toàn giống nhau về bản chất. Bởi bản chất con người vốn mang trong lòng tình cảm vị tha, muốn làm điều thiện cho người khác.

Mỗi khi tôi nghe những câu chuyện cảm động, như chỉ mới đây thôi, những người tình nguyện xông vào nơi bị thảm hoạ thực hiện các hoạt động nhân đạo thì ý nghĩ “lòng vị tha là phẩm chất tự nhiên của con người” càng được khẳng định trong tôi.

Chỉ khi nào sống hết lòng vì người khác thì bản thân ta mới cảm thấy hạnh phúc, tâm hồn ta mới trở nên sâu xa và rộng lớn. Ngược lại, ta sẽ không có được tâm trạng đó nếu lúc nào cũng chỉ nghĩ riêng cho mình.

Hơn nữa, chỉ cần thông minh một chút cũng có thể nhận ra rằng giúp người khác cũng là giúp chính mình.

Điều này có lẽ có nhiều người đồng tình với tôi.

Xuống địa ngục hay lên niết bàn tùy thuộc ở tâm

Câu chuyện này đã xa xưa lắm rồi, cách đây hơn 40 năm, thời Công ty Kyocera vẫn còn trứng nước. Tôi đã từng nói với các nhân viên mới, vừa tốt nghiệp đại học, trong buổi lễ gia nhập công ty: “Từ trước đến nay, các bạn sống trong sự nuôi nấng đùm bọc của cha mẹ, nhà trường và xã hội. Từ giờ phút này, các bạn đã thực sự trưởng thành và đến lượt mình làm việc cho xã hội. Kể từ nay, các bạn không được phép mang theo ý nghĩ chờ đợi mọi người phải làm gì đó cho mình nữa. Các bạn phải thay đổi 1800 vị trí của mình, từ “được nhận” chuyển sang “làm cho”…”.

Sở dĩ tôi muốn kể lại câu chuyện này là vì khi Kyocera còn nhỏ bé, các chế độ phúc lợi trong công ty chưa đầy đủ, những nhân viên mới tốt nghiệp đại học, vào làm ở công ty chưa được bao lâu thường hay kêu ca phàn nàn: “Tưởng công ty này lớn, hoá ra đồng lương thì thấp, chế độ phúc lợi cũng chẳng ra sao”.

Nghe như vậy, tôi rất bực: “Đúng là công ty vẫn còn nhỏ. Thiết bị sản xuất cũng như các chế độ đãi ngộ đều thiếu thốn. Nhưng để làm cho công ty lớn hơn, phúc lợi đầy đủ hơn thì không ai khác mà chính là các bạn. Các bạn đừng chờ đợi những gì có sẵn mà chính các bạn phải tạo ra chúng. Những người chỉ muốn “được nhận”, chỉ muốn hưởng thụ điều người khác làm cho mình chính là những người hay để ý đến sự thiếu thốn, hay than vãn kêu ca. Nhưng đã là người trưởng thành thì phải nhìn nhận ở góc độ ngược lại, tức là phải “làm cho” người khác. Để trở thành người như vậy, các bạn phải thay đổi 180o nhân sinh quan, thế giới quan của mình”.

Thời đó, tuy tinh thần vị tha chưa phải là tư tưởng, quan điểm vững chắc trong tôi, nhưng tôi cũng thường nói chuyện với nhân viên về tầm quan trọng của cách sống vì người khác, mong muốn làm một chút gì đó cho người khác, làm điều tốt cho người khác trước khi làm cho mình, đôi khi vì người khác mình chịu thiệt một chút cũng được.

Khả năng quan tâm đến người khác, hay lòng vị tha, quan trọng đến mức nào? Vị sư già nơi tôi tu hành thuyết giảng bằng câu chuyện dưới đây:

Ở chùa nọ, có một thầy tu trẻ tuổi tên là Vân Thuỷ. Một hôm, Vân Thuỷ hỏi vị sư già trụ trì chùa: “Thưa thầy, con nghe nói có niết bàn và địa ngục. Điều đó có thật không ạ? Và những nơi đó là như thế nào?”.

Vị sư già đáp: “Tất cả đều có thật, con ạ. Chỉ có điều hai nơi đó không xa nhau như con tưởng. Niết bàn và cõi địa ngục là hai cõi hoàn toàn giống nhau. Điểm khác nhau là cái tâm của những người sống ở hai nơi đó. Những người sống ở cõi địa ngục là những người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân. Còn ở niết bàn là những người có tấm lòng vị tha, luôn sống vì người khác.”

Vân Thuỷ thắc mắc: “Vì sao chỉ khác nhau ở cái tâm mà cũng phải chia thành hai cõi, thưa thầy?”

Để giải đáp, vị sư già kể cho Vân Thuỷ câu chuyện ngụ ngôn:

Có một nồi mì mạch – udon – để giữa nhà. Bát nước chấm để bên cạnh. Mì mạch là món ăn thịnh soạn với người khổ tu như Vân Thuỷ. Bên cạnh nồi mì để sẵn đôi đũa dài tới một thước. Quy định của nhà bếp là chỉ được ăn bằng loại đũa đó và phải dùng đầu đũa để gắp mì rồi chấm vào bát nước chấm. Đến đoạn này thì cả địa ngục và niết bàn đều giống nhau. Kích cỡ nồi mì, số người ăn vẫn vậy. Chỉ có cái tâm của những người ăn là khác nhau.

“Nào, con thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra?”

Mọi người đang đói, lại có nồi mì trước mặt, chuyện gì sẽ xảy ra khi họ được phép bắt đầu bữa ăn?

Những người ở địa ngục lập tức tranh nhau gắp mì, tranh nhau chấm mì vào bát nước chấm. Khổ nỗi, đũa dài quá nên không sao đưa mì vào miệng mình được. Người này sợ người kia ăn hết nên giành giật để gắp. Một cảnh thê thảm diễn ra. Kết cục là không ai ăn được miếng nào, mì rơi vương vãi xung quanh và những người ấy trở thành quỷ đói da bọc xương.

Trong khi đó, những người đầy lòng vị tha sống ở niết bàn, tiếng mời mọc vang lên: “Nào, chúng ta ăn chung nhé!”, “Xin mời, xin mời!”. Mọi người nhường nhau, lần lượt gắp mì, chấm nước chấm và đưa vào miệng người đối diện. Người đối diện ăn xong, nói: “Cảm ơn. Tôi đủ rồi. Đến lượt tôi giúp bác ăn”. Cứ như thế, mọi người hợp sức, nhường nhịn lẫn nhau, ai cũng được ăn và không sợi mì nào rơi ra ngoài.

“Khung cảnh niết bàn là như thế đấy. Nhưng nếu chỉ nhìn bề ngoài thôi thì khó phân biệt được đâu là địa ngục và đâu là niết bàn.” Vị sư già giảng giải cho Vân Thuỷ.

Tôi cũng thường giảng cho các nhân viên về tấm lòng vị tha, nhấn mạnh nhiều lần rằng để điều hành kinh doanh tốt thì trong tâm khảm không thể thiếu những ý tưởng cao cả, sống vì xã hội, vì con người.

Gốc rễ của kinh doanh là lòng vị tha

Trong thế giới kinh doanh cá lớn nuốt cá bé, tôi lại hay nói về lòng vị tha, lòng nhân ái, việc nghĩ đến người khác, nên đã có những lời phàn nàn: “Ông ấy toàn nói những điều hay ho, chắc là phải có cái gì ẩn dưới những mỹ từ ấy”.

Nhưng tôi hoàn toàn không có ý đồ gì để phải dùng chữ nghĩa che đậy. Tôi chỉ muốn truyền đạt trung thực niềm tin của bản thân tôi đến với mọi người. Và tôi chỉ có một tâm niệm rằng, bản thân tôi sẽ thực sự làm được những điều đó.

Nhìn lại lịch sử xã hội, chúng ta cũng thấy rõ, chủ nghĩa tư bản phương Tây được hình thành từ cơ sở xã hội của đạo Tin Lành với nền tảng đạo đức nghiêm khắc. Theo Max Weber thì những người xây dựng xã hội tư bản đã chủ trương: coi trọng các nguyên tắc đạo đức nghiêm khắc, tôn trọng lao động, lợi nhuận thu được trong các hoạt động kinh tế được dùng vào việc phát triển xã hội.

Theo lẽ đó, trong hoạt động kinh tế, việc tìm kiếm lợi nhuận phải bằng các phương pháp đúng đắn được mọi người chấp nhận và mục đích cuối cùng của lợi nhuận là giúp ích cho xã hội.

Nói cách khác, tinh thần vị tha, vì xã hội, vì con người, vì công ích hơn vì tư lợi… phải trở thành quy tắc đạo đức chung.

Đối với bản thân mình thì nghiêm khắc tự rèn luyện theo các quy tắc luân lý nghiêm khắc, còn đối với người ngoài thì vị tha. Điều này phải trở thành nghĩa vụ của mỗi công dân trong xã hội. Nếu được như vậy thì nền kinh tế tư bản sẽ phát triển nhanh chóng.

Ở Nhật Bản, nhà tư tưởng giữa thời Edo là Ishida Baigan cũng có chủ trương như vậy. Đây là thời kỳ hưng thịnh của tư bản thương nghiệp ở Nhật. Nhưng tập quán xã hội lúc đó lại coi thường các hoạt động buôn bán, coi hoạt động thương nghiệp là thấp kém và tầng lớp thương nhân bị đặt ở nấc thang thấp nhất trong xã hội.

Trong bối cảnh đó, Ishida Baigan đã khích lệ tầng lớp thương nhân – khi phần lớn họ bị xã hội dè bỉu – bằng tư tưởng: Việc buôn bán kiếm lời là hành vi chính đáng cũng giống như việc các võ sĩ tầng lớp samurai hưởng bổng lộc.

Ông thuyết giảng quan điểm đạo đức trong thương nghiệp: Việc theo đuổi lợi nhuận không phải là việc xấu, không phải là tội ác. Nhưng phương thức tìm kiếm lợi nhuận phải là phương thức phù hợp với đạo làm người, không cho phép tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi cách.

Đồng thời, ông còn đưa ra quan điểm “lợi người, lợi mình”: “Một thương nhân chân chính là người luôn nghĩ đến việc mình có lợi và bạn hàng cũng phải có lợi”.

Lòng vị tha khiến cho tầm nhìn mở rộng

Mưu cầu lợi ích là nguồn động lực trong mọi hoạt động của con người. Vì thế, với bất kỳ ai, việc theo đuổi lợi ích cũng là điều bình thường. Nhưng vấn đề là cái lợi đó không thể chỉ cho riêng mình mà chúng ta phải đem cái lợi đó đến cho người khác, cho toàn xã hội. Chính tinh thần vị tha sẽ mang lại kết quả “lợi mình, lợi người, lợi toàn xã hội”.

Ví dụ, việc lập công ty kinh doanh cũng đã bao gồm hành động vị tha, mang lại lợi ích cho mình, cho người khác và cho xã hội.

Hiện nay, chế độ tuyển dụng nhân viên suốt đời đang mất dần ở Nhật Bản. Việc tuyển dụng một nhân viên suốt đời cũng có nghĩa là công ty phải có nghĩa vụ chăm sóc suốt đời nhân viên đó. Vì thế, dù chỉ tuyển 5 người hay 10 người thì bản thân việc tuyển dụng nhân viên như thế cũng đã là hành động “vì người khác”.

Điều này cũng đúng cho mỗi cá nhân. Khi còn độc thân thì ưu tiên hàng đầu là làm sao để cuộc sống của mình ngày một tốt hơn. Đến khi kết hôn, xây dựng gia đình thì làm việc vì gia đình. Khi sinh con thì có nghĩa vụ chăm sóc, dạy dỗ con. Hành vi đó của con người, dù vô ý thức, đã bao hàm lòng vị tha.

Tuy nhiên, cần lưu ý đến mối quan hệ hai mặt giữa ích kỷ và vị tha. Khi nghĩ “vì gia đình” “vì công ty” thì có thể lòng vị tha đã bao hàm trong đó. Nhưng nếu nghĩ rằng “miễn gia đình mình tốt là được” hoặc “miễn công ty mình có lợi là được” thì điều đó lại trở thành ích kỷ. Nói cách khác, nếu nhìn từ tầm thấp thì một hành động nào đó có thể coi là vị tha, nhưng nếu đứng ở tầm cao hơn để nhìn nhận thì những hành động ấy lại trở thành ích kỷ.

Cho rằng mình hành động vị tha, “vì công ty”, và chỉ nghĩ đến mỗi công ty của mình thôi thì khi đứng ở tầm cao xã hội nhìn nhận thì sẽ thấy sự ích kỷ.

Còn khi cho rằng mình vị tha ở phạm vi hẹp, “vì gia đình”, và chỉ nhìn thấy mỗi gia đình mình thì khi đứng ở góc độ khác nhìn nhận sẽ thấy sự ích kỷ.

Theo lẽ đó, cần phải có con mắt nhìn nhận sự vật và nhìn nhận hành động của chính mình trong mối tương quan ở tầm cao mà không chỉ dừng lại ở ý tưởng “vị tha” mức độ thấp.

Ví dụ, khi kinh doanh thì không chỉ suy nghĩ “công ty có lãi” mà phải suy nghĩ sao cho bạn hàng của mình cũng có lãi, người tiêu dùng, người nắm giữ cổ phiếu công ty cũng phải có lợi. Và qua đó, góp phần phát triển xã hội.

Ngoài ra, phải luôn nâng cao và mở rộng tầm nhìn của lòng vị tha. Lợi ích gia đình lớn hơn lợi ích cá nhân. Lợi ích cộng đồng lớn hơn lợi ích gia đình. Lợi ích xã hội lớn hơn lợi ích cộng đồng. Và cao hơn nữa là lợi ích của cả thế giới, của vũ trụ… Một khi chúng ta đã có tầm nhìn rộng thì sẽ thấy vô vàn hiện tượng xung quanh giúp ta có được những quyết sách đúng đắn và khách quan, tránh được sai sót và thất bại.

Mỗi đêm hãy tự hỏi: Động cơ của mình trong việc này là gì?

Lòng vị tha – trở thành động lực vượt qua khó khăn, dẫn đến thành công. Tôi đã trải nghiệm điều này khi tham gia vào lĩnh vực thông tin – viễn thông.

Thị trường thông tin – viễn thông hiện nay do một số công ty chia nhau đảm trách. Nhưng cho tới giữa thập niên 80 của thế kỷ trước, công ty Denden Kosha của Nhà nước vẫn độc quyền kinh doanh lĩnh vực này. Để xoá bỏ độc quyền, nguyên lý cạnh tranh lành mạnh được đưa vào, việc tự do hoá ngành thông tin – viễn thông được quyết định nhằm hạ giá cước dịch vụ – vốn khá đắt so với mặt bằng giá cước trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, công ty điện tín – điện thoại Nhà nước Denden Kosha được cổ phần hoá và trở thành NTT ngày nay. Đồng thời, Nhà nước cũng cho phép các công ty khác được tham gia vào thị trường thông tin – viễn thông, nhưng lúc ấy chẳng có công ty nào dám tham gia vì sợ phải đối đầu với người khổng lồ vốn độc chiếm lĩnh vực này từ trước đến giờ.

Nếu cứ giữ nguyên tình trạng thì việc tự do hoá thị trường viễn thông cũng chỉ là hình thức, nguyên lý cạnh tranh lành mạnh không được áp dụng và người dân vẫn không được hưởng lợi ích từ việc giảm giá cước.

Không ai dám làm thì mình làm. Ý nghĩ đó xâm chiếm đầu óc tôi. Và tôi nghĩ: Kyocera – từng vươn mình đứng dậy từ việc kinh doanh mạo hiểm – sẽ đương đầu với thử thách đó.

Trở thành đối thủ của NTT chẳng khác nào tiến hành cuộc chiến không cân sức giữa chú kiến nhỏ bé và con voi khổng lồ. Hơn nữa, thông tin – viễn thông lại là lĩnh vực tôi hoàn toàn xa lạ, khác hẳn với lĩnh vực tôi đang làm. Nhưng nếu không hành động mà chỉ khoanh tay chờ đợi thì cái lợi đối với mọi người dân – giá cước giảm nhờ cạnh tranh – chẳng khác nào cái bánh vẽ.

Chỉ còn cách là đương đầu, chấp nhận làm Đôn Kihô- tê đánh nhau với cối xay gió.

Tuy vậy, tôi không đăng ký ngay, bởi vì khi đó, tôi tự nghiêm túc cật vấn: Mình có tư lợi gì trong việc này không?

Hằng đêm, tôi thao thức trước khi ngủ, lặp đi lặp lại việc tự hỏi tự trả lời: Mình có thực sự vì lợi ích của người dân không? Có xen lợi ích riêng của công ty và của mình trong việc này không? Hay chỉ là mình muốn chơi trội, muốn được lưu danh? Có điểm nào mờ ám, không trong sáng trong động cơ làm việc này không?

Nói cách khác, tôi tự cật vấn suốt: “Động cơ của mình có thực sự hướng thiện không? Mình có thật sự không tư lợi không?”.

Sáu tháng sau, khi đã biết chắc tuyệt nhiên không có một ý tưởng bất chính nào, tôi mới quyết định thành lập Công ty DDI (hiện nay là KDDI).

Ngoài chúng tôi ra còn có hai công ty khác cũng đăng ký tham gia. Bị đánh giá bất lợi nhất lại là công ty DDI của tôi. Mà cũng phải thôi. Vì chúng tôi không có một chút kinh nghiệm và kỹ năng nào về thông tin – viễn thông. Hệ thống hạ tầng như đường cáp thông tin, cột ăng-ten… cũng bắt đầu từ con số 0. Không những thế, chúng tôi còn gặp bất lợi nữa là mạng lưới cửa hàng đại lý cũng không nốt.

Sẵn sàng chịu thiệt nếu điều đó là vì con người, vì xã hội

Nhưng bất chấp tình thế phức tạp khó khăn, kể từ lúc khai trương, DDI luôn đạt doanh số cao nhất và liên tục dẫn đầu trong số các công ty tham gia lĩnh vực này.

Vào thời đó cũng như bây giờ, người ta cứ hỏi tôi vì sao tôi làm được như vậy. Tôi chỉ có một câu trả lời duy nhất: Đó là do động cơ trong sáng, không mảy may tư lợi, một lòng một dạ vì lợi ích của người dân.

Mỗi khi có dịp tôi lại kêu gọi nhân viên: “Vì người dân, hãy làm sao để giá cước điện thoại đường dài rẻ hơn”; “Cuộc đời chỉ có một lần, hãy sống sao cho có ý nghĩa”; “Hiện nay, chúng ta đang được trao cơ hội to lớn trăm năm chỉ có một lần. Chúng ta hãy bày tỏ lòng cảm tạ và tận dụng cơ hội đó”.

Vì thế mà toàn thể cán bộ và nhân viên DDI đều đồng lòng: Vì lợi ích của người dân, không vì lợi ích của riêng công ty mình, hăng say làm việc với ước mong thành công trong lĩnh vực mới. Đồng thời, chúng tôi cũng nhận được sự ủng hộ của các đại lý, và trên cơ sở đó, có được đông đảo khách hàng.

Một thời gian sau, kể từ khi DDI đi vào hoạt động, tôi đã tạo điều kiện để toàn thể nhân viên công ty mua được cổ phần theo giá ưu đãi. Khi DDI tiếp tục phát triển và đến một lúc nào đó sẽ tham gia vào thị trường chứng khoán, với những cổ phần ưu đãi này, tôi đã đền đáp sự nỗ lực quên mình của nhân viên và thể hiện lòng cảm kích của tôi đối với họ.

Mặt khác, là người sáng lập, tôi nắm giữ lượng cổ phần lớn nhất nhưng trên thực tế, tôi lại không có một cổ phần nào cả. Bởi vì tôi nghĩ, dứt khoát không được tư lợi khi quyết định thành lập DDI. Nếu như lúc đó, tôi có trong tay dù chỉ một cổ phần thì cũng đã không thể bác bỏ được những lời chỉ trích: Ông ta cũng chỉ vì tiền thôi, chứ có vì lợi ích của người dân như ông ta nói đâu. Chưa kể sự phát triển sau này của DDI chắc chắn sẽ bị chệch hướng.

Khi bước vào lĩnh vực điện thoại di động, tôi đã trải qua kinh nghiệm tương tự.

Ngay từ lúc thành lập DDI, tôi đã tin tưởng về triển vọng to lớn của thị trường điện thoại di động. Việc phổ cập điện thoại di động sẽ mang lại lợi ích lớn lao trong cuộc sống của con người. Nhưng khi tôi tham gia vào thị trường này thì cũng lại phát sinh một vấn đề phức tạp.

Ngoài DDI, còn có một công ty nữa đăng ký. Trong khi Bộ Bưu chính ra quy chế: Vì liên quan tới số lượng sóng nên Bộ quy định mỗi khu vực thị trường chỉ chấp thuận cho một công ty mới tham gia được phép kinh doanh, ngoại trừ NTT. Quy định này cũng đồng thời với việc DDI và công ty kia phải chia sẻ thị trường.

Cả hai công ty đều muốn giành thị trường thủ đô và khu vực vành đai vì doanh số tại đây chắc chắn sẽ lớn do mật độ dân số cao. Việc thương lượng căng thẳng không bên nào chịu bên nào. Cuối cùng, tôi đưa ra phương án rút thăm. Công ty nào rút trúng thì được hưởng. Nhưng đề xuất này lúc đó đã bị Bộ Bưu chính từ chối, vì không thể dùng cách bốc thăm để quyết định một vấn đề quan trọng như vậy.

Nhưng nếu cứ tiếp tục giằng co thì không giải quyết được vấn đề. Nếu không có bên nào chịu nhường thì e rằng công cuộc phát triển thông tin điện thoại di động sẽ không thể bắt đầu ở Nhật Bản.

Nghĩ vậy, tôi quyết định nhường cho đối thủ phần thị trường màu mỡ nhất: Vành đai Thái Bình Dương, bao gồm thủ đô Tokyo và các thành phố lớn của Nhật Bản. Chúng tôi nhận phần xương xẩu còn lại.

Tại buổi họp Hội đồng Quản trị, mọi thành viên đều ngao ngán trước quyết định của tôi chấp nhận điều kiện bất lợi cho công ty.

“Phần ngon ăn thì biếu cho đối phương. Phần khó nhằn thì giành về mình. Thật chẳng hiểu ra làm sao.”

Tôi đưa ra lập luận: Có câu ngạn ngữ, “Tưởng thiệt hoá ra là lợi, tưởng thua hoá ra là thắng” và thuyết phục mọi người chấp nhận quyết định, đồng lòng xắn tay áo vào làm việc biến khó khăn thành thuận lợi. Cuối cùng thì hệ thống điện thoại di động cũng bắt đầu được triển khai.

Và thật không ngờ, doanh số của chúng tôi ngày một tăng, làm đảo lộn mọi dự đoán. Và các bạn cũng biết, hiện nay sản phẩm điện thoại di động au của chúng tôi cùng docomo của NTT đang tranh chấp quyết liệt ngôi vị đầu bảng.

Thành công của DDI và au là kết quả của tư duy vị tha, vì xã hội, vì con người, cộng thêm sự giúp đỡ của Trời Phật. Nó minh chứng rõ ràng: Sẽ thành công nếu động cơ của chúng ta trong sáng.

Tôi nghĩ vậy.

Hãy cống hiến cho xã hội

Triết lý kinh doanh của Kyocera là “Mang lại lợi ích cho toàn thể cán bộ công nhân viên trên cả hai mặt vật chất và tinh thần, đồng thời cống hiến cho sự tiến bộ của xã hội”.

Mục đích kinh doanh của công ty dĩ nhiên là đem lại cuộc sống cho những người làm việc tại công ty, nhưng nếu chỉ có vậy thì việc kinh doanh mới chỉ dừng lại ở sự ích kỷ, tức là chỉ tính toán đến lợi ích của mình. Là một tổ chức hoạt động vì lợi ích công cộng, công ty phải có nghĩa vụ đóng góp cho sự phát triển của xã hội, sự phát triển của nhân loại.

Kyocera đã thực hiện được cả công đoạn sau trong triết lý kinh doanh của mình. Chính “công đoạn sau” đã thể hiện triết lý kinh doanh: Từ chỗ kinh doanh vì lợi ích cục bộ chuyển sang việc kinh doanh với tinh thần vị tha.

Tôi đã lưu tâm đến phương thức kinh doanh này ngay từ khi công ty mới được thành lập. Mấy năm sau, lúc mà nền móng của công ty đã vững chắc, sau khi trao tiền thưởng cuối năm đến tận tay từng nhân viên, tôi đã đề xuất là mỗi người nên trích ra một phần tiền thưởng lập quỹ từ thiện, đóng góp cho xã hội. Đồng thời, công ty cũng trích ra một khoản tương đương với sự đóng góp của toàn thể cán bộ công nhân viên, gộp chung lại thành quỹ dành cho người nghèo trong dịp Tết.

Mọi người đều tán thành, ai cũng đóng góp một phần tiền thưởng vào quỹ.

Quỹ này là bước đầu tiên của sự nghiệp từ thiện mà Kyocera thực hiện. Tinh thần đó vẫn tồn tại đến tận ngày nay.

Có thể nói, ngay từ buổi đầu thành lập, Công ty Kyocera đã “thực tế hoá” tinh thần vị tha: Sử dụng một phần kết quả lao động, được kết tinh từ mồ hôi nước mắt của mình để dành cho người khác, dành cho xã hội.

Bản thân tôi cũng vậy. Xuất phát từ tâm niệm “Hành vi cao quý nhất của con người là những hành động vì xã hội, vì loài người”, tôi đã lập ra “Giải thưởng Kyoto” vào năm 1985. Tôi trích 200 tỷ Yen từ nguồn cổ phiếu và tiền mặt tôi có, thành lập Quỹ Inamori và bắt đầu bằng việc lựa chọn và trao giải thưởng cho các nhà khoa học đạt được thành tựu nghiên cứu xuất sắc, các cá nhân có những cống hiến to lớn cho xã hội trên lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ tiên tiến, khoa học cơ bản, văn hóa – nghệ thuật.

Hiện nay, trong các giải thưởng quốc tế trên thế giới thì Giải thưởng Kyoto do tôi đề xướng là giải thưởng được đánh giá cao không kém giải Nobel.

Tài sản của tôi tăng lên đến không ngờ – kết quả của quá trình phát triển Công ty Kyocera – có được là nhờ công sức và sự chi viện của biết bao người. Vì thế, tôi tự nhủ: Mình không được phép giữ riêng tài sản đó. Tài sản có được từ xã hội hoặc tạm giữ cho xã hội hoặc phải được trả lại cho xã hội. Chính trên tinh thần ấy, tôi lập ra Quỹ Inamori và Giải thưởng Kyoto.

Như vậy, Giải thưởng Kyoto là sự đền đáp cho xã hội đồng thời cũng là thể hiện thực tế tinh thần vị tha – triết học và nhân sinh quan của tôi.

Cũng từ sự đánh giá của quốc tế về hoạt động từ thiện, đóng góp cho xã hội của tôi, năm 2003, tôi đã được nhận “Giải thưởng lòng bác ái Andrew Carnegie” do Hiệp hội Carnegie trao tặng. Những người nhận được giải thưởng này trong quá khứ đều là các nhà từ thiện nổi tiếng thế giới như Bill Gates, George Soros, Ted Turner. Tôi vô cùng vinh dự vì là người đầu tiên ở Nhật Bản nhận được giải thưởng này.

Dưới đây, tôi xin được trích một đoạn trong bài phát biểu của tôi tại buổi lễ trao giải.

“Suốt cuộc đời tôi, cho đến nay, tôi chỉ biết làm việc. Tôi đã lập ra hai công ty Kyocera và KDDI. Thật may mắn, cả hai công ty đều phát triển hơn những gì tôi dự đoán và tôi đã có được tài sản to lớn đến không ngờ. Nhưng, tôi đồng cảm sâu sắc với lời di chúc của ông Andrew Carnegie: “Tài sản cá nhân phải được sử dụng vì lợi ích xã hội”. Bản thân tôi cũng suy nghĩ như vậy từ trước: “Của cải trời cho phải được sử dụng vì sự phát triển của cộng đồng, vì sự phát triển của con người”. Và tự tay tôi thực hiện các hoạt động từ thiện vì mục tiêu xã hội.

Tôi đã từng nói: “Phải có “đạo tâm” khi tạo ra tài sản thì cũng phải có “đạo tâm” khi phân phát tài sản”. Và tôi cho rằng, việc sử dụng đồng tiền còn khó khăn hơn việc kiếm tiền. Đồng tiền có được nhờ những nỗ lực cùng với lòng vị tha thì cũng phải sử dụng nó trên tinh thần vị tha.

Theo phương châm đó, tôi đã và đang cống hiến cho xã hội, dù ít ỏi, bằng việc phân phát đúng đắn tài sản riêng của mình.”

Hãy xây dựng đường lối chính sách theo tinh thần “phú quốc hữu đức”

Sự việc đi đến kết cục khác nhau tùy theo thiện tâm hay ác tâm của con người. Chẳng hạn khi tranh cãi, giữa thái độ “Phải làm cho ra nhẽ, bắt họ chấp nhận lý lẽ của mình vì họ sai trái” và thái độ “Cùng nhau tìm cách tháo gỡ vì họ cũng có lý của họ” thì với cùng một vấn đề, cách giải quyết sẽ khác nhau. Sự khác nhau phụ thuộc vào việc có hay không có thái độ “nghĩ đến mình thì cũng phải nghĩ đến người khác”.

Trước đây, vào thời kỳ quan hệ Nhật – Mỹ căng thẳng xung quanh vấn đề mở cửa thị trường Nhật Bản, tôi đã vận động để góp phần làm giảm căng thẳng trong quan hệ giữa hai nước bằng cách lập ra “Ủy ban Nhật – Mỹ thế kỷ 21” nhằm tạo điều kiện cho những người thuộc khu vực kinh tế tư nhân trao đổi thẳng thắn các vấn đề vướng mắc.

Tôi đề nghị: Hai bên loại bỏ các tranh cãi mang tính thù địch, ngừng việc chỉ trích lẫn nhau. Vấn đề tranh cãi sẽ không thể đi đến hồi kết nếu bên nào cũng đem lý của mình ra bắt bên kia phải chấp nhận, phải nhượng bộ. Chỉ chăm chăm tính toán hơn thiệt, đấu lý với nhau thì mọi cuộc đối thoại chắc chắn sẽ kết thúc trong thất bại, lòng tin giữa hai bên bị đổ vỡ, tâm lý nghi kỵ sẽ gia tăng.

Vì thế , tôi đề nghị trước hết phải có thái độ tôn trọng đối phương; không khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình; phải lắng nghe đầy đủ mọi suy nghĩ và quan điểm của đối phương, thúc đẩy đối thoại trên cơ sở tinh thần vị tha. Ngoài ra, tôi còn đề xuất, nếu thấy cần thì Nhật Bản nên nhượng bộ trước. Vì sao như vậy? Sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, nước Mỹ đã không tiếc công, tiếc của cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm và kỹ thuật cho Nhật Bản. Mặt khác, Mỹ đã mở cửa thị trường rộng lớn của mình để tiếp nhận sản phẩm của Nhật Bản. Nhờ thế mà Nhật Bản đã phục hồi và phát triển như ngày nay.

Cho dù hành động đó có bị coi là nằm trong tính toán chiến lược của Mỹ đi chăng nữa nhưng việc Mỹ tỏ ra khoan dung đối với Nhật Bản sau chiến tranh cũng là sự thật không thể phủ nhận. Vậy thì đến lượt mình, Nhật Bản cũng nên bày tỏ thái độ tương xứng. Thái độ quảng đại, nhân nhượng, mang tinh thần vị tha chẳng phải là thể hiện tinh thần trọng nghĩa khí và biết ơn của một đất nước đã trở thành cường quốc kinh tế như Nhật Bản hay sao?

Tại uỷ ban này, chúng tôi đã thảo luận suốt hai năm trên tinh thần đó. Và chúng tôi đã đệ trình bản đề nghị của uỷ ban lên hai chính phủ.

Trong quá trình thiết kế hình ảnh quốc gia thì việc lấy “ĐỨC” làm nền tảng xây dựng đất nước cùng với tinh thần vị tha trở thành “từ khoá” quan trọng.

Trước đây, giáo sư Kawakatsu Heita thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Văn hoá Nhật Bản đã từng đề xướng khái niệm “Phú quốc hữu đức”. Phát triển quốc gia bằng ĐỨC chứ không phải chỉ bằng sự giàu có. Giúp đỡ các quốc gia khác trên cơ sở ĐỨC bằng cách sử dụng đúng đắn tiềm lực kinh tế của mình. Có được sự tin tưởng, kính trọng của các quốc gia khác bằng ĐỨC chứ không phải bằng sức mạnh quân sự hay sức mạnh kinh tế.

Theo tôi, phải lấy ĐỨC làm nền tảng căn bản của đường lối chính sách. Lấy ĐỨC làm trọng tâm chính sách, Nhật Bản – vốn từng bị chỉ trích rất nhiều do chỉ biết theo đuổi lợi ích riêng – sẽ phải đi trước trên con đường này, làm gương cho các quốc gia khác.

Con đường mà Nhật Bản hướng tới, không phải chỉ là cường quốc kinh tế và càng không phải là cường quốc quân sự, mà phải là xây dựng đất nước dựa trên nền tảng đạo đức.

Chúng ta không phải chỉ là quốc gia giàu có vì giỏi tính toán làm ăn, càng không phải là quốc gia chỉ biết diễu võ giương oai với tiềm lực quân sự, mà phải là quốc gia có khả năng giao tiếp với thế giới trên tinh thần thanh cao của con người – lấy ĐỨC làm nền tảng triết lý.

Chỉ đến khi trở thành quốc gia như vậy thì Nhật Bản mới thực sự trở nên cần thiết đối với cộng đồng thế giới và nhận được sự tôn trọng của các quốc gia khác, và cũng sẽ không có kẻ nào có ý định xâm lăng một đất nước lấy ĐỨC làm nguyên tắc ứng xử. Với ý nghĩ đó, tôi cho rằng đây cũng là chính sách bảo đảm an ninh quốc phòng tốt nhất.

Bây giờ là lúc phải chuyển sang giáo dục nhân cách trên nền tảng đạo đức

Vì sao chúng ta đánh mất những nguyên tắc đạo đức căn bản? Vì sao chúng ta lãng quên lòng vị tha, lãng quên tinh thần mình vì mọi người? Câu trả lời thật dễ dàng. Vì người lớn đã không dạy những điều đó cho con trẻ.

Đã 60 năm kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc, đa số những người Nhật Bản hiện đang sống đều không được dạy về những nguyên tắc đạo đức căn bản. Tôi biết rõ điều này vì tôi thuộc thế hệ được giáo dục trước Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Sau chiến tranh, người ta hiểu một cách tuỳ tiện, suy diễn quá đà về lòng tự tôn và tính tự chủ, người ta chỉ dạy về tự do còn về bổn phận và nghĩa vụ của con người thì hầu như không dạy. Có thể nói, chúng ta đã làm rất qua loa đại khái việc dạy trẻ em học các quy tắc tối thiểu nhất, cần thiết nhất để sống trong cộng đồng, trong xã hội, những đạo lý đương nhiên phải có ở con người.

Từ xa xưa, hai tôn giáo lớn của nhân loại là Phật giáo và Thiên Chúa giáo đã dạy con người triết lý nhân ái làm kim chỉ nam cho cuộc sống. Những lời răn dạy của các tôn giáo đã từng trở thành đạo đức, quy tắc ứng xử trong cuộc sống của con người.

Ngay cả những quan niệm do tín ngưỡng dân gian mang lại – người nào dù có lén lút làm điều xấu thì Thần Phật cũng thấy và người đó sẽ phải hứng chịu hậu quả, ngược lại, Thần Phật cũng không làm ngơ đối với những người làm điều nhân đức, dẫu điều nhân đức đó người khác không hề hay biết – cũng khiến người ta phải suy nghĩ về “điều gì là đúng với đạo làm người”.

Thế nhưng, Nhật Bản hiện nay do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật nên đã xem nhẹ, thậm chí coi thường vai trò của tôn giáo, đồng thời bỏ quên cả đạo đức, luân lý, triết học, nhân sinh quan – những điều cơ bản thể hiện hình ảnh cao đẹp vốn có của con người.

Nhà triết học Nhật Bản Umehara Takeshi từng nói: “Ở đâu thiếu vắng đạo đức thì ở đó thiếu vắng tôn giáo, ở đâu đạo đức xuống cấp thì ở đó tôn giáo đã bị tha hoá”. Suy nghĩ của tôi cũng như vậy.

Đặc biệt là trong xã hội Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, từ chỗ muốn xoá bỏ việc hạn chế tự do tư tưởng mà hạt nhân là “thần đạo – tôn giáo quốc gia” tồn tại từ trước chiến tranh, người ta lại có xu hướng loại bỏ luôn cả việc học luân lý, đạo đức trong nhà trường và cuộc sống hàng ngày.

Gần đây, Bộ Giáo dục Nhật Bản đề xướng “Chương trình giáo dục tổng hợp”. Tôi cũng không thấy trong đó chương trình giáo dục nhân cách dựa trên nền tảng đạo đức. Chương trình của Bộ Giáo dục quá thiên về “giáo dục cá tính” mà xem nhẹ việc dạy các quy tắc đạo đức tối thiểu phải có đối với mỗi người. Ngay cả ở các lớp mẫu giáo, nhà trẻ, người ta cũng giương cao khẩu hiệu “Tự do trong giáo dục” mà không cần để ý xem con trẻ thiếu thốn về đời sống tinh thần ra sao. Nếu vậy, cho đến khi trưởng thành, trở thành người lớn, chúng sẽ không có cơ hội để học các quy tắc ứng xử tối thiểu trong cuộc sống.

Tôi cho rằng, cùng với việc rèn luyện thể chất và trí não, nhà trường phải tạo cơ hội để trẻ em học và suy nghĩ về lẽ sống của con người ngay từ khi chúng còn ở độ tuổi thiếu niên.

Không những thế, giáo dục nhà trường còn phải có vai trò hướng dẫn các em có cách nhìn nhận đúng đắn về các ngành nghề trong xã hội.

Hiện nay, ở Nhật Bản người ta chia học sinh thành hai loại: học được và không học được; ưu ái các em học được dẫn đến quan niệm lệch lạc trong giới trẻ, coi khinh lao động chân tay. Người ta chỉ coi trọng kết quả học tập sách vở. Học giỏi sẽ trở thành quan chức nhà nước, sẽ được vào làm việc ở các công ty lớn. Trong khi đó, người ta lại bỏ rơi các em có khả năng hòa đồng với mọi người.

Để điều chỉnh tình trạng này, tôi cho rằng cần phải đưa chương trình hướng nghiệp vào dạy trẻ em từ bậc tiểu học. Trên khắp thế giới, những nền văn minh được hình thành là nhờ biết bao con người làm việc quên mình trong các lĩnh vực khác nhau và trong xã hội có vô vàn ngành nghề để các em sau này lựa chọn phù hợp với khả năng của mình. Từ đó, nhà trường sẽ hướng dẫn các em tìm hiểu về các ngành nghề khác nhau và những kỹ năng cần thiết cho cuộc sống… Tức là những giờ giảng tri thức ứng dụng phải được đưa vào chương trình giáo dục hướng nghiệp.

Tôi đã nói về những người thợ mộc tài giỏi tham gia vào quá trình xây dựng và trùng tu đền đài miếu mạo. Và không chỉ riêng họ, dù làm bất cứ nghề gì, một khi đã đam mê công việc thì cũng đồng nghĩa với việc rèn luyện kỹ năng, tu dưỡng tính tình, nâng cao nhân cách. Giáo dục về ý nghĩa của lao động, về cách nhìn nhận đúng đắn những ngành nghề trong xã hội chính là đóng góp to lớn của ngành giáo dục đối với việc xây dựng nền tảng đạo đức cho các thế hệ tương lai.

Học cách sống tri túc từ thế giới thiên nhiên

Vậy thì, nền tảng tư duy mới đòi hỏi chúng ta phải sống như thế nào?

Ngay từ bây giờ nền tảng tư duy ấy phải quán triệt trong cung cách sống của người Nhật, nói gọn lại trong một câu, có lẽ là “Phải biết thế nào là đủ”. Ngoài ra, đó là những hành động vị tha, biết nghĩ đến người khác trên cơ sở lòng nhân ái, đức khiêm nhường mà cách nhìn nhận “tri túc” – bấy nhiêu là đủ – mang lại.

Mô hình cách sống “tri túc” vốn đã có ở thế giới tự nhiên. Hệ sinh thái tự nhiên luôn cân bằng. Toàn bộ thế giới động thực vật nằm trong chuỗi mắt xích sinh tồn mang tính cân bằng và khép kín như vậy.

Nhưng, khác với loài người, các loài động thực vật không tự phá vỡ chuỗi mắt xích sinh tồn của trái đất. Nếu động vật ăn sạch sành sanh các loài thực vật với lòng tham vô độ thì chuỗi sinh tồn sẽ bị đứt. Khi đó, không chỉ bản thân chúng mà sự sinh tồn của các loài sinh vật khác cũng bị nguy hiểm. Vì vậy, bản năng điều độ, không ăn quá mức cần thiết, đã có sẵn ở chúng.

Ngay cả loài thú ăn thịt khi đã no bụng cũng không tiếp tục săn mồi. Đó là bản năng, đồng thời cũng là cách sống “tri túc” mà tạo hóa đã ban cho chúng. Chính nhờ biết cách sống “tri túc” nên thế giới tự nhiên mới có thể tồn tại trong sự cân bằng và ổn định. Chẳng phải là con người cũng cần phải học cung cách “điều độ” của muôn loài trong thế giới tự nhiên đó sao?

Con người là chủ nhân trong thế giới tự nhiên và hiểu rõ quy luật của tự nhiên. Bản thân con người cũng sống trong chuỗi mắt xích sinh tồn ấy.

Nhưng sau đó, chỉ có con người có khả năng thoát ra ngoài chuỗi mắt xích tự nhiên, đồng thời con người cũng đánh mất cung cách cùng tồn tại và chung sống với các loài sinh vật khác trên trái đất.

Trong thế giới tự nhiên, trí lực và “lý tính cao độ” chỉ có ở con người. Nó đã tạo ra nguồn lương thực dồi dào và vô vàn sản phẩm công nghệ từ những phát minh sáng chế kỹ thuật có hiệu quả cao. Nhưng, trí lực và “lý tính cao độ” ở con người đã biến thành sự ngạo mạn. Con người muốn thống trị tự nhiên bằng lòng tham vô đáy. Lòng tham gây áp lực lên mọi suy nghĩ và hành động. Đã có lại muốn có thêm. Đã giàu lại muốn giàu nữa. Bức tường “tri túc” bị đánh sập. Và cuối cùng, điều đó đang đe doạ cả trái đất – nơi trú ngụ của chính con người.

Nền văn minh vị tha sẽ nở hoa khi loài người tỉnh ngộ

Để không bị chết chìm cùng con thuyền sinh thái thì không có cách nào khác là chúng ta phải lấy lại sự điều độ: Không đòi hỏi hơn những gì cần thiết. Chúng ta phải làm sao để trí lực và lý tính mà tạo hóa đã ban cho con người trở thành sự hiểu biết đúng đắn, sáng suốt. Chúng ta phải học cách làm chủ dục vọng của chính chúng ta. Nói cách khác, chúng ta cần phải sống với quan điểm “tri túc” – biết đủ.

Nếu không có quan điểm “tri túc” – biết đủ với những gì đã có – thì chúng ta cũng chẳng thể cảm thấy thoả mãn ngay cả khi đã có trong tay những thứ mà chúng ta muốn có thêm nữa.

Chúng ta phải từ bỏ việc điên cuồng theo đuổi sự giàu có kinh tế không có điểm dừng. Cái mà chúng ta cần tìm phải là làm sao để tất cả nhân loại có được cuộc sống sung túc về mặt tinh thần chứ không phải sự giàu có về vật chất.

Cái mà chúng ta cần là cách sống “tri túc” như lời dạy của Lão Tử: “Kẻ biết đủ là kẻ hạnh phúc”. Cũng có câu cách ngôn nói rằng: Con người khi chưa có được cái gì thì thèm muốn có được cái đó. Nhưng chúng ta cần phải suy nghĩ, phải sống theo phương châm: Cuộc sống con người ổn định và hạnh phúc chính là nhờ biết đủ và biết dừng lại đúng lúc.

Nói cụ thể hơn tức là, ta phải sống với tấm lòng sao cho ham muốn thỏa mãn chỉ ở mức độ vừa phải, dẫu có hơi thiếu một chút cũng hài lòng. Những hoa trái phúc lạc của tự nhiên chúng ta nên sẻ chia, chung hưởng với mọi người và với muôn loài. Cho dù có ý kiến phản bác rằng “ Sự việc không dễ như thế đâu”, hoặc “Cuộc sống thực không đẹp đẽ như tranh vẽ” thì tôi vẫn tin chắc rằng: Cách nghĩ, cách sống minh triết như vậy chắc chắn sẽ cứu được Nhật Bản và rộng ra nữa, chắc chắn sẽ cứu được thế giới.

Nhưng tôi muốn lưu ý rằng cách sống “tri túc” không phải là cách sống an phận hay tự mãn, tự hài lòng với hiện tại, không muốn hay không dám chấp nhận những điều mới mẻ. Nó cũng không phải là cách sống trì trệ, thụ động, không có năng lực sáng tạo.

Để các bạn dễ hình dung, tôi lấy ví dụ từ kinh tế: Tổng sản phẩm quốc nội GDP có thể không thay đổi, nhưng nội dung các hoạt động kinh tế tạo ra nó liên tục thay đổi. Những lĩnh vực sản xuất và dịch vụ không phù hợp sẽ mất dần, thay vào đó là sự ra đời của các lĩnh vực mới, các ngành nghề mới trong quá trình phát triển.

Đối với con người, đó cũng là cách sống tràn đầy sinh lực và sáng tạo, luôn đào thải cái cũ, tiếp nhận cái mới một cách lành mạnh, và những ý tưởng mới luôn nảy sinh trong quá trình sống.

Nếu thực hiện được điều đó thì chúng ta có thể bước trên con đường hòa hợp, thực hiện được khẩu hiệu tưởng chừng như chỉ là ảo vọng: Chuyển từ giai đoạn trưởng thành sang giai đoạn chín muồi. Chuyển từ cạnh tranh sang cùng nhau chung sống, cùng nhau tồn tại.

Không biết chừng, khi đó sẽ xuất hiện một nền văn minh mới dựa trên nền tảng của ĐỨC, của lòng vị tha. Nếu như nền văn minh hiện tại được xây dựng trên cơ sở dục vọng của con người muốn chinh phục tự nhiên, muốn thỏa mãn cá nhân thì có lẽ nền văn minh dựa trên lòng vị tha, lòng nhân ái – muốn cống hiến cho cộng đồng, muốn đem lại hạnh phúc cho người khác – sẽ khai hoa kết quả trong thời đại mới.

Nền văn minh đó có hình thái ra sao, có nội dung thế nào, bản thân tôi cũng chưa thật sự hiểu rõ. Biết đâu nó cũng chỉ là giấc mơ không tưởng, giống như một bức tranh đẹp được vẽ trong tâm trí mà thôi?

Nhưng tôi muốn nói đi nói lại điều này:

Nỗ lực để đạt được còn quan trọng hơn việc đạt được.

Nhân cách và tâm hồn chúng ta sẽ được mài giũa trong những nỗ lực ấy.

Nhân cách và tâm hồn chúng ta càng cao thượng và đẹp đẽ bao nhiêu thì chắc chắn con đường đi tới xã hội “vị tha”, xã hội “tri túc”, sẽ càng gần lại bấy nhiêu.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.