Câu Chuyện Dòng Sông

CHƯƠNG 4: THỨC TỈNH



Khi Tất Đạt từ giã khu rừng trong đó có đức Phật, đấng Toàn Thiện ở lại, và bạn chàng cũng ở lại theo Ngài, chàng có cảm tưởng rằng chàng vừa từ bỏ một tiền kiếp lại sau lưng, trong cụm rừng. Khi chàng từ từ bước trên đường, đầu chàng nghĩ miên man về những điều ấy.
Chàng nhận ra rằng chàng không còn là một người con trai nữa, bây giờ chàng là một người đàn ông. Chàng trực nhận rằng một cái gì đó từ bỏ chàng, như một con rắn vừa thay vỏ. Một cái gì đó không còn ở trong chàng nữa, một cái gì đã theo chàng từ tấm bé và đã là một phần của người chàng: lòng ham muốn có bổn sư và được nghe những lời chỉ giáo. Chàng đã từ giã bậc thầy cuối cùng chàng gặp, cả đến vị thầy cao cả nhất, khôn ngoan nhất, thánh thiện nhất: đức Phật. Chàng phải từ giã Ngài, chàng không thể chấp nhận lời chỉ giáo của Ngài.
Con người suy tư ấy tiến bước chậm rãi và tự hỏi: ta muốn học cái gì từ những lời dạy và thầy học, và mặc dù họ dạy ta rất nhiều điều, cái gì họ không thể dạy cho ta… Và chàng nghĩ: chính là sự Ngã, đặc tính và bản chất của nó mà ta muốn biết. Ta muốn thoát khỏi Tự ngã, nhiếp phục nó nhưng ta không thể, ta chỉ có thề lừa dối nó, trốn thoát nó, lẩn tránh nó. Quả thế, không gì trong vũ trụ xâm chiếm tư tưởng ta nhiều như Tự ngã, bài toán khó giải ấy, vấn đề tôi tồn tại, tôi là một và tách rời khác hẳn bao kẻ khác, rằng tôi là Tất Đạt … thật không có gì trong vũ trụ mà tôi biết ít hơn là về chính tôi.
Đang đi chậm rãi trên đường, chàng bỗng đứng dừng lại, ý nghĩ vừa rồi đập mạnh vào trí chàng, và một ý nghĩ khác theo sau. Ấy là: lý do vì sao tôi không biết gì về tôi, lý do vì sao Tất Đạt đã vẫn xa lạ, lạc loài đối với chính mình chỉ do từ một điểm, một điểm độc nhất – là tôi sợ hãi chính tôi, tôi đang trốn chạy tôi. Tôi đang tìm kiếm Đại ngã Tiểu ngã, tôi muốn tự huỷ mình, ra khỏi chính mình, để mà tìm trong khu vực thâm cùng xa lạ cái nhân của mọi pháp, linh hồn, sự sống, sự thiêng liêng, sự tuyệt đối. Nhưng khi làm thế, tôi tự đánh mất chính tôi.
Tất Đạt nhìn lên quanh chàng, nụ cười thoáng nở trên mặt. Một cảm giác tỉnh thức từ giấc trường mộng chạy khắp người chàng. Chàng lại tiếp tục bước, nhanh nhẹn, như một người vừa biết mình phải làm gì.
Chàng thở mạnh và suy nghĩ: phải, ta sẽ thôi trốn chạy bản thân ta, ta sẽ thôi nghĩ về Tiểu ngã và những nỗi buồn nhân thế. Ta sẽ thôi huỷ hoại thân này để đi tìm một màu nhiệm nào đằng sau sự huỷ diệt. Ta sẽ thôi học khổ hạnh hay bất cứ giáo lý nào khác. Ta sẽ học chính ta, là người học trò của chính ta; ta sẽ học ngay trong ta cái màu nhiệm của Tất Đạt.
Chàng nhìn quanh như mới thấy vũ trụ lần đầu. Thiên nhiên đẹp hẳn lên, kỳ lạ nhiệm màu. Đây là màu xanh, đây là màu vàng, đây là màu lục, trời và nước, cây và rừng, tất cả đều đẹp, tất cả đều huyền bí và quyến rũ và giữa tất cả các cái đó, chàng, Tất Đạt, kẻ vừa giác ngộ, đang tự tìm mình. Tất cả sự vật, tất cả sắc xanh hay vàng, dòng sông hay rừng cây lần đầu tiên diễn ra dưới mắt Tất Đạt. Chúng không còn là phép lạ của thần Mara, chúng không còn là bức màn huyễn hoá, không còn là những bề ngoài vô nghĩa mà các người Bà La Môn khinh bỉ. Dòng sông là dòng sông, và nếu có cái Nhất thể thiêng liêng trong Tất Đạt đang sống tiềm tàng trong màu xanh kia và dòng sông nọ, thì đấy là sự hiện hữu của sắc màu, trời và rừng cây, và Tất Đạt. Ý nghĩa mà thực tại không ẩn núp đằng sau sự vật, mà trong sự vật, trong mọi sự vật.
Chàng đi nhanh hơn và suy nghĩ, ta thật là ngu và điếc. Khi một người đọc một bài để học thuộc, nó không khinh thường những từ ngữ và dấu chấm câu trong bài, không xem chúng là ảo tưởng, tình cờ, chỉ là những cái vỏ vô vị, mà trái lại, đọc chúng, học và thích từng chữ. Còn ta thích đọc quyển sách vũ trụ và sách bản thân ta, mà lại đi khinh thường những chữ và dấu hiệu. Ta gọi thế giới hiện tượng này là ảo ảnh, ta gọi mắt và lưỡi là sự tình cờ. Bây giờ đã hết: ta đã tỉnh thức. Ta đã giác ngộ và chỉ mới sinh ra ngày hôm nay.
Nhưng khi những tư tưởng đó đi qua đầu Tất Đạt, chàng bỗng đứng lặng yên, như có một con rắn đang nằm chắn đường. Rồi bỗng nhiên điều này khai thị trong chàng: chàng, mà quả thật là một người mới giác ngộ hay vừa sinh ra, phải bắt đầu cuộc đời lại từ khởi thuỷ. Khi chàng rời vườn Lộc Uyển sáng nay, khu vườn của bậc Toàn Giác, chàng có ý định trở về với phụ thân, với quê hương sau những năm dài khổ hạnh. Bây giờ khi đứng im lìm giữa đường, ý nghĩ này đến với chàng: ta còn là ta thuở trước, một người Bà La Môn. Ta sẽ làm gì… Ở nhà với phụ thân ư… Học ư… Cúng tế ư… Ngồi thiền ư… Tất cả điều ấy đối với ta đã hết rồi.
Tất Đạt đứng bất động, và trong lúc ấy chàng cảm thấy lạnh cả người. Tim chàng run lên, như một con vật nhỏ, một con chim hay một con thỏ, khi nhận rằng chàng quá cô đơn. Chàng đã sống kiếp không nhà từ nhiều năm mà không cảm thấy như vậy. Nhưng giờ đây chàng lại có cảm giác ấy. Trước kia, trong những giờ trầm tư miệt mài nhất, chàng vẫn còn là con của phụ thân, là một người Bà La Môn thượng lưu, một người ngoan đạo. Bây giờ chàng chỉ là Tất Đạt, người thức tỉnh; ngoài ra không còn là gì nữa. Chàng hít vào một hơi dài và rùng mình trong một lúc. Không ai cô đơn như chàng. Chàng không còn là người quý phái, thuộc một dòng họ quyền quí nào. Chàng không là người Bà La Môn, sống cuộc đời Bà La Môn, không là một người thuộc dòng Sa Môn khổ hạnh. Đến cả kẻ ẩn tu trong rừng vắng cũng không cô đơn, vì kẻ ấy thuộc vào một hạng người. Thiện Hữu đã trở thành một tu sĩ và có hàng trăm tu sĩ huynh đệ của chàng cùng mặc một loại áo, cùng thuộc một tín ngưỡng và nói cùng một ngôn ngữ. Mà chàng, Tất Đạt, chàng thuộc về đâu… Chàng sống theo đời ai… Chàng dùng ngôn ngữ ai…
Trong lúc đó, lúc vũ trụ quanh chàng tan rã, lúc chàng đứng cô đơn như một ngôi sao trên nền trời, lòng chàng tràn ngập một cảm giác thất vọng tái tê, nhưng chàng cũng cương quyết hơn bao giờ. Đó là sự run rẩy cuối cùng trước khi tỉnh thức, những đau đớn cuối cùng của sự thoát hình. Lập tức, chàng tiếp tục, và bắt đầu bước nhanh hối hả, không hướng về quê nhà, không trở lại thân phụ, không nhìn lui nữa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.