Cha con nghĩa nặng

Chương II: Tức mà hỏi vợ



Qua tiết tháng giêng, trong chốn thôn quê có cái thú vui vẻ phi thường. Đường sá khô ráo, ra vô sạch sẽ, gió bấc hiu hiu mát mẻ vô cùng. Lúa ở ngoài đồng, chỗ thì đương gặt chỗ thì đã chín tới rồi, nên đứng ngó mông thì thấy một vùng đỏ đỏ vàng vàng, ấy là mồ hôi nước mắt của nông phu chan rưới trót mấy tháng trường, mà ấy cũng là cơm gạo áo quần của nông phu trông cậy về năm sẽ tới.

Mới đầu canh tư thì tiếng còi túc nghe đều tứ hướng, ấy là còi của chủ điền kêu công gặt dậy nấu cơm. Lối nửa giờ, theo mấy bờ mẫu thấy người ta đi có hàng, ấy là bọn công gặt đi về, đàn bà chen lộn với đàn ông, người nào cũng vui cười hớn hở.

Trần Văn Sửu mướn ba chục công đất của bà Hương quản Tồn mà làm trong đồng Phú Tiên, năm nay trúng mùa, lúa đã chín rồi, song phải chờ năm bảy bữa nữa mới gặt được. Anh ta còn rảnh nên đi gặt mướn mà kiếm tiền, vì lúa trúng, công gặt ít, gặt một công mà ăn tiền tới sáu cắc bạc, mỗi ngày gặt hai công được một đồng hai, ở nhà thì uổng lắm. Đầu canh tư thức dậy lọ mọ nấu một nồi cơm, ăn phân nửa còn phân nửa thì đem theo. Vợ con ngủ hết, mà anh ta chẳng muốn cho chúng nó thức dậy làm gì, nên vai mang vòng hái, tay xách gói cơm, dở cửa nhẹ nhẹ bước ra sân mà đi.

Hướng tây mặt trăng vừa mới lặn, hướng đông sao mai đã mọc rồi. Vì gần sáng, nên trên trời trắng trắng mây giăng; vì sương sa, nên trước mặt mù mù áng mắt.

Trần Văn Sửu lầm lũi đi xuống đồng Phú Tiến tới đám ruộng người ta kêu gặt đó, thì gặp Hương tuần Tam với thằng Xuyên ngồi trên bờ chờ ánh sáng thiệt mặt rồi có xuống mà gặt. Anh ta bỏ gói cơm với vòng hái dựa bên đó rồi ngồi lại nói chuyện chơi.

Thằng Xuyên hỏi Trần Văn Sửu rằng:

– Hổm nay tôi không có đi phía dưới ruộng của anh, nghe nói năm nay lúa anh trúng lắm, phải hôn?

– Khá khá, chớ không trúng lắm.

– Anh sướng quá còn làm bộ nữa.

– Sướng giống gì?

– Anh hỏi được đất của bà Hương quản anh làm, không sướng hay sao? Tôi muốn mướn ít chục công làm kiếm cơm ăn, mà mướn không ra.

Hương tuần Tam cười và nói với thằng Xuyên rằng:

– Mầy muốn làm ruộng thì kêu vợ mầy quen với Hương hào Hội, tự nhiên có đất chớ gi.

– Sao vậy?

– Thì vậy chớ sao. Thằng Sửu nó cũng nhờ có vợ nó quen với Hương hào Hội, nên nó mới mướn được ba chục công đất đó chớ. Vợ mầy còn nhỏ, không biết chừng mầy mướn còn nhiều hơn thằng Sửu nữa a.

Thăng Xuyên suy nghĩ một hồi rồi nói rằng: “Chú nói kỳ quá! Ai mà chịu vậy”.

Hương tuần Tam cười ngất rồi đáp rằng:

– Vậy chớ thằng Sửu đó sao? Phải thí ruộng nhỏ mới có ruộng lớn chớ.

– Thà là chịu chết đói, chớ ai chịu khốn nạn như vậy được.

– Không chịu thì thôi.

Thằng Xuyên day lại thấy Trần Văn Sửu ngồi bơ bơ, bèn vỗ vai mà hỏi rằng:

– Sao, anh chịu như vậy được không anh?

– Chịu giống gì?

– Chịu cái đó.

– Cái đó là cái gì đâu?

– Anh để cho vợ anh quen với Hương hào Hội chớ cái gì?

– Quen thì quen chớ sao?

Hương tuần Tam với thằng Xuyên nghe Trần Văn Sửu trả lời như vậy thì ngó nhau rồi cười rộ lên. Trần Văn Sửu không hiểu gì hết, thấy người ta cười thì ngó lơ láo rồi cũng cười theo. Thằng Xuyên thấy bộ tịch Trần Văn Sửu kỳ quá, nó dằn không được, nên nằm lăn trên bờ, ôm bụng mà cười. Trần Văn Sửu nghi thằng nọ ngạo[1] mình nên kéo tay nó mà hỏi rằng: “Tại sao mầy cười tao mậy?” Thằng Xuyên càng tức cười hơn nữa, nên ngồi dậy gỡ tay Trần Văn Sửu mà chạy.

Trần Văn Sửu day lại hỏi Hương tuần Tam rằng:

– Sao nó cười vậy anh?

– Nó thấy mầy ngu quá nên nó cười chớ sao.

– Ngu giống gì?

– Mầy không biết thì thôi. Như có muốn biết thì về nhà hỏi vợ mầy thì biết.

Nói đích xác như vậy mà Trần Văn Sửu cũng chưa hiểu, cứ ngồi bơ bơ như thằng ngáo. Chủ ruộng ra tới, lại có dắt theo năm sáu công gặt nữa. Trời đã sáng thiệt mặt rồi, công gặt áp xuống ruộng phân nhau mà gặt lúa.

Buổi sớm mai, Trần Văn Sửu gặt phấn chấn lại hay nói chuyện với hai người gặt gần hai bên mình. Đến trưa gặt hết một công rồi, anh ta leo lên bờ ngồi nghỉ và phành gói cơm ra mà ăn. Một tay thì cầm con mắm sặt, một tay thì bốc cơm nguội, trên đầu trời nắng, dưới chơn lấm bùn mà anh ta ăn cơm coi bộ ngon lắm. Ăn hết gói cơm rồi, bèn bước lại cúi vũng gần đó bụm tay múc nước mà uống, rồi khoát mà rửa mặt. Chừng anh ta trở lên bờ thấy Hương tuần Tam đương ngồi sửa soạn mở gói cơm ra mà ăn, thì anh ta ngồi xề một bên và hỏi rằng:

– Hồi sơm mai, sao mà thằng Xuyên nó cười tôi như vậy anh? Anh nói giùm tôi một chút mà.

– Thiệt mầy không hiểu hay sao?

– Không, tôi có hiểu gì đâu.

– Tội nghiệp thằng dại quá! Vợ mầy lấy Hương hào Hội tao nói mí mà mầy không hiểu, nên nó cười mầy chớ gì.

Trần Văn Sửu chưng hửng, ngồi ngó Hương tuần Tam trân trân rồi hỏi rằng:

– Vợ tôi lấy Hương hào Hội hay sao? Đâu có! Anh khéo bày đặt. Ai nói với anh đó?

– Trời ơi! Thiên hạ hay tràn đồng hết. Có một mình mầy ngu quá, nên mầy không hay chớ.

– Lấy hồi nào, ở đâu?

– Hứ! Khéo hỏi hôn! Lấy nhau đã mấy năm nay, đẻ được một đứa con, mà chưa hay chớ! Tội nghiệp quá! Mầy về coi lại có giống Hương hào Hội hay không thì biết.

Trần Văn Sửu nghe mấy lời dường như sét đánh bên tai, ngồi chết trân tay níu bụi cỏ, mắt ngó mông trong đồng, không nói được nữa. Hương tuần Tam nuốt búng cơm rồi nói rằng: “Tại hồi đó mầy cưới vợ lịch sự quá, nên nó mới vậy đó đa”.

Trần Văn Sửu thở dài một cái rồi đứng dậy. Trời nắng chang chang, công gặt đều lên bờ kiếm mấy bóng cây ngồi nghỉ, mà Trần Văn Sửu lại xách vòng hái bước xuống ruộng rồi xông ra mà gặt nữa. Công gặt lấy làm kỳ, nên kêu om trên bờ. Trần Văn Sửu không thèm nói đi nói lại, cứ lầm lũ gặt hoài. Anh ta gặt riết đến xế, đủ hai công đất, rồi mang vòng hái đi về trước một mình, không thèm nói tới ai hết.

Thằng Tý với con Quyên đương chơi trước cửa, thấy cha đi gặt về, thì lật đật chạy ra sân mà mừng. Thuở nay, Trần Văn Sửu hễ đi đâu về, thì hay bồng con Quyên mà nựng, mà bữa nay anh ta làm lơ, bỏ đi thẳng vào nhà, máng vòng hái lên vách rồi hỏi thằng Tý rằng:

– Má con đi đâu?

– Má con ngủ với em trong mùng.

– Từ hồi sớm mơi tới giờ, có Hương hào Hội ghé đây hôn?

– Không.

Trần Văn Sửu đi tắm rồi vô buồng lấy quần áo sạch mà mặc.

Thị Lựu giựt mình thức dậy, thấy chồng đương đứng mặc áo thì hỏi rằng: “Bữa nay sao về sớm vậy?” Trần Văn Sửu lặng thinh bỏ ra ngoài trước, không thèm trả lời. Anh ta múc một tô nước uống rồi đi xuống nhà bếp, leo lên võng nằm, gát tay qua trán, mắt lim dim. Thị Lựu súc miệng rửa mặt, têm trầu nhai nhóc nhách, rồi đi lấy nồi vo gạo nấu cơm.

Nồi cơm vừa bắt lên bếp thì thằng Sung thức dậy khóc om sòm trong mùng. Thị Lựu bèn biểu chồng rằng: “Lên bồng con mà dỗ nó một chút, đặng ta nấu cơm cho mà ăn. Đi về rồi nằm ngửa hoài đó hay sao?”

Trần Văn Sửu ngồi dậy rồi đi lên bồng thằng Sung ra trước cửa mà đứng. Thằng Tý với con Quyên chạy theo đứng mỗi đứa một bên mà chơi. Trần Văn Sửu ngó hai đứa lớn, rồi ngó lại thằng Sung bồng trên tay, thì thiệt quả thằng Sung không giống hai đứa kia chút nào, mà gương mặt nó coi từa tựa gương mặt của Hương hào Hội. Anh ta nhìn mấy đứa con rồi chau mày, xụ mặt, khí sắc buồn hiu. Anh ta để thằng Sung đứng dưới đất cho nó chơi với hai đứa kia, và anh ta lên ngồi rồi chống tay lên cái ghế nghi mà ngó ra sân.

Con gà mái xám dắt bầy con đi ăn, mẹ con xúm lại bươi cây ớt xui tó. Con gà trống ô chạy lại cục cục vè đạp mái, giậm đám rau tan nát hết. Trần Văn Sửu ngồi ngó trân trân mà không la không đuổi như muốn để vậy mà coi. Thằng Sung đòi đồ chơi của con Quyên mà đòi không được, rồi giậm chân khóc om sòm. Trần Văn Sửu ngồi một bên mà không dỗ không rầy, như không hay sắp con lộn xộn.

Cơm chín cá hâm rồi, Thị Lựu mới kêu chồng con vô ăn cơm. Trần Văn Sửu ngồi ăn cơm với vợ mà không ngó mặt vợ, cứ cúi mặt ngó xuống mâm cơm hoài, lại không nói, không cười, mặt coi buồn hiu, hình như đương tính chuyện chi quan hệ lắm vậy.

Trần Văn Sửu ăn cơm rồi liền bỏ đi ra lộ. Con Quyên chạy theo kêu: “Cha, chờ tôi đi với cha.” Trần Văn Sửu day lại nói rằng: “Ở nhà, đừng có đi theo”. Thuở nay Trần Văn Sửu nói với con thì dịu ngọt luôn luôn, bữa nay con Quyên nghe cha nó nói xẳng, nó không hiểu sao mà cha nó quạu, nó lấy làm lạ mà lại sợ, nên xụ mặt rồi ríu ríu trở lại, không dám đi theo.

Mặt trời chen lặn, gió thổi lao rao. Sắp chăn trâu thấy trời gần tối nên đuổi trâu về chuồng, trâu đi dưới ruộng ní na, ní nần, mấy đứa chăn cỡi trên lưng hát rấm ra rấm rít. Trần Văn Sửu chấp tay sau đít, đi thơ thẩn trên lộ, mắt ngó cảnh vật mà không thấy chi hết, trí nhớ tới vợ con thì buồn bực vô cùng. Thằng Sáu Thiên đi xóm về nó gặp, vùng hỏi rằng: “Anh đi đâu đó, anh Sửu?” Sửu giựt mình ngước mặt lên chưng hửng và trả lời ú ớ rằng: “Ờ đi … đi chơi.”

Trời đã tối rồi, Trần Văn Sửu đi chơi mỏi cẳng, nên ngồi trên lề đường mà nghỉ. Anh ta chống cầm lên đầu gối, lấy ngón tay vẽ hình trên cát mà suy nghĩ việc nhà. Mấy năm nay thiệt Hương hào Hội hay ghé nhà mình, mà mình có ý coi, lần nào Hương hào Hội ghé thì vợ mình lo trầu nước lăng xăng, coi bộ niềm nỡ lắm. Tuy vậy mà mình không thấy Hương hào chọc ghẹo hay giỡn hớt với vợ mình, mình không gặp hai đàng nói chuyện với nhau, vợ mình cũng không có ý muốn để bỏ mình. Tánh vợ mình hổn ẩu, nó hay mắng nhiếc mình, mà mắng thì mắng chớ vợ chồng cũng ăn ở như thường, nếu vợ mình nó lấy Hương hào Hội thì chắc nó bỏ mình rồi, chớ có lý nào nó không thương mình nữa mà nó còn ở với mình. Hương tuần Tam nói thiên hạ đều biết Hương hào Hội lấy vợ mình. Họ có gặp hay sao mà họ dám chắc? Hay là họ thấy Hương hào Hội để ruộng cho mình làm, họ ganh ghét nên kiếm chuyện mà đặt điều nói xấu cho Hương hào Hội với vợ mình? Hương hào là người có ăn, lại có vợ con tử tế, có lý nào đi lầy vợ mình làm gì…

Nếu mà vợ mình với Hương hào Hội không có chuyện gì với nhau, thì sao thiên hạ họ dám nói, sao thằng Sung lại giống con Hương hào Hội dữ vậy? Chuyện nầy thật là khó liệu! Mình phải hỏi cho ra ngay gian mới được. Mình phải hỏi gắt vợ mình, như nó không có lấy Hương hào Hội thì thôi, còn như nó lấy thì mình đuổi phứt nó đi cho rồi, mình giao thằng Sung cho nó đem đi đâu thì đi cho rảnh, mình bắt thằng Tý với con Quyên mà thôi.

Trần Văn Sửu nghĩ vậy rồi thủng thẳng trở về nhà.

Ðã hết nửa canh một rồi, thằng Tý với con Quyên nằm chơi trên ván rồi ngủ khò, thằng Sung cũng buồn ngủ nên mẹ nó đã đem nó vô mùng rồi. Khi Trần Văn Sửu bước vô cửa thì Thị Lựu đang đứng dựa cái ghế nghi têm trầu mà ăn. Trần Văn Sửu sập cửa rồi đi vô nhà sau leo lên võng mà nằm. Anh ta chờ vợ tắt đèn đi vô buồng, anh ta mới mò mà đi vô theo. Anh ta vừa khoát mùng leo lên giuờng thì Thị Lựu nói rằng:

– Ra ngoài ngủ với sắp nhỏ nà! Lọ mọ đi đâu đó?

– Ðể tao nằm, tao nói chuyện một chút!

– Chuyện gì? Sao hồi nãy không nói, để tao đi ngủ rồi vô làm rộn đó?

Trần Văn Sửu nằm đại một bên vợ. Thị Lựu túng thế phải xích vô một chút đặng trống chỗ cho chồng nằm. Trần Văn Sửu muốn hỏi vợ về việc Hương hào Hội, song không biết phải hỏi cách nào cho vợ đừng giận nên nằm nín thinh mà tính.

Thị Lựu bèn day ra mà hỏi rằng:

– Nói giống gì sao không nói đi?

– Họ nói với tao một chuyện kỳ quá.

– Chuyện gì?

– Tao nói lại cho mầy nghe, như không có thì thôi, còn như có thì mầy phải chịu, chớ đừng có chối nghe hôn?

– Ai có biết chuyện gì đâu mà biểu chịu.

– Như tao hỏi mà mầy có thì mầy phải chịu chớ.

– Chuyện gì cũng vậy, hễ có thì ta chịu, chớ sợ ai mà chối.

– Ờ, thôi để tao nói cho mà nghe. Bữa nay tao đi gặt có hai ba người nói với tao rằng, mầy lấy Hương hào Hội, có hôn?

Thị Lựu nghe nói thì vùng vậy hỏi rằng:

– Quân nào bày chuyện đó?

– Người ta nói thiếu gì.

– Mà thằng nào nói với mầy đó kia. Mầy phải nói tên nó cho tao biết, đặng tao đến nhà nó tao đào nát ông nát cha nó cho nó biết mặt tao. Tao lấy Hương hào Hội hồi nào, tao có đem lên bàn thờ cha nó tao lấy hay sao nên nó ngó thấy mà nó dám nói như vậy hử? Thằng nào nói xấu cho tao đó, mầy phải chỉ tên nó ra cho mau.

– Thôi, đừng có nóng. Người ta nói như vậy, nếu mầy không có thì thôi, chớ chửi người ta làm chi?

– Ủa! Nó nói xấu cho người ta như vậy, đến tai anh Hương hào Hội đố khỏi ảnh niệt đầu quân nào nói bậy như vậy cho nó coi. Ai nói đó, mầy phải chỉ tên nó ra cho tao biết bây giờ đây.

– Chỉ tên sao được, tao không chỉ.

– Ủa! Nếu vậy thì mầy đặt chuyện muốn nói sao mầy nói chớ gì, phải hôn?

– Ừ, thôi tao đặt chuyện a, không có ai nói với tao hết.

– Cha chả, nếu vậy mầy là quân khốn nạn lắm. Mầy ở với tao có ba bốn mặt con, bây giờ mần muốn nói gì mầy nói hay sao?

– Mầy hay ào ào quá ! Mầy giỏi có tài rộng họng hoài. Để thủng thẳng tao nói cho mầy nghe chớ.

– Mầy nói sao xuôi đó mầy nói đi. Tao lấy anh Hương hào Hội hồi nào ? Mầy có bắt được hay không mà mầy dám nói như vậy hử ?

– Nói nho nhỏ vậy mà. Om sòm hoài. Người ta nói mầy lấy trai, thiệt tao bắt không được, mà tao có chỗ nghi, nên tao mới hỏi mầy chớ.

– Mầy nghi cái gì, nghi làm sao đâu, mầy nói cho tao nghe thử coi.

– Họ nói thằng Sung đó là con của Hương hào Hội chớ không phải con tao. Họ nói như vậy mà tao coi gương mặt nó sao không giống hai đứa lớn, nên tao phải nghi.

– Thiệt mầy là đồ trâu, đồ chó, chớ không phải người ta. Trời ngó xuống mà coi, bớ trời ! Quân ăn ngược nói ngạo, dộng đầu xuống đất trở cẳng lên trời, mà quỉ thần để cho nó sống làm gì không biết. Nó ăn ở với tôi được ba mặt con, rồi bây giờ nó nói không phải con nó, trời đất ơi.

– Tao có nói gì đâu mà mầy rủa tao, tao nói chuyện cho mầy nghe, có hay là không có thì thôi chớ rủa cái gì ?

– Thiệt mầy nói thằng Sung là con của anh Hương hào Hội phải hôn ?

– Họ nói chớ không phải tao.

– Họ là ai ? Mầy phải chỉ tên họ ra.

– Chỉ làm gì ? Chỉ đặng mầy đào mầy bới ông bà người ta ?

– Nếu mầy không chỉ tức thị mầy nói chớ không phải ai hết. Để sáng tao lên tao nói cho vợ chồng anh Hương hào Hội hay rồi mầy coi.

– Nói cho người ta hay làm chi ?

– Ừa ! Mầy nói như vậy rồi biểu tao nín hay sao ? Tao nói cho ảnh ghét ảnh lấy ruộng lại cho rảnh, không biết chừng ảnh còn làm mầy ở tù nữa a, nói cho mà biết.

– Tao có làm gì đâu mà ở tù ?

– Mầy nói xấu cho người ta thì ở tù, chớ làm gì.

– Tao nói vậy mà mầy hổng có thì thôi chớ.

– Tao nói cho mà biết, đừng có nói bậy nói bạ như vậy nữa. Mầy còn đặt điều nói xấu cho tao nữa thì tao không dung đa, nghe hôn.

Trần Văn Sửu nằm nín khe, không còn lời chi mà nói nữa. Thị Lựu bèn lấy tay xô chông xê ra rồi nằm một bên. Trần văn Sửu nằm gát tay qua trán, mắt nhắm lim dim, bỗng nghe ngoài trước có người dở cửa tiếng kêu kẹt kẹt. Anh ta lật đật bước xuống, ra ngoài đốt đèn, thì thấy con Quyên nằm ngủ trên ván có một mình, còn thằng Tý đi đâu mất. Anh ta vội vã kêu thằng Tý và dở cửa bước ra sân…

Trên trời vừng trăng tỏ rạng, trước sân sáng oắc như ban ngày. Trần Văn Sửu thấy thằng Tý ngồi chồm hổm dựa xó hè, gục mặt xuống đất. Anh ta bước lại hỏi: “Làm giống gì mà ngồi đó, con ?” Thằng Tý ngồi trơ trơ không trả lời. Anh ta kéo tay nó đứng dậy thì thấy mặt nó nước mắt chảy ướt dầm. Anh ta bèn hỏi nó rằng: “Sao con khóc vậy con ? Con có đau bụng đau dạ gì hôn ?” Thằng Tý lắc đầu lia lịa, mà cũng không chịu nói tại sao nó khóc. Anh ta dắt nó trở vô nhà, biểu nó lên ván nằm ngủ, rồi anh ta cũng leo lên nằm một bên đó.

Cách một hồi lâu, Thị Lựu ở trong buồng cất tiếng kêu rằng:

– Cha thằng Sung a !

– Giống gì ?

– Vô biểu một chút.

Trần Văn Sửu lồm cồm ngồi dậy đi gài cửa, bưng đèm đem để trên bàn thờ mà tắt, rồi mon men đi vô buồng, miệng cười ngỏn ngoẻn, vì đã quên hết những điều Hương tuần Tam nói hồi trưa đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.